Tây ăn bánh mì vì thổ
nhưỡng, khí hậu vùng đất của Tây sinh sống trồng được lúa mì. Ta ăn cơm vì thổ
nhưỡng, khí hậu vùng đất của Ta sinh sống trồng được lúa nước. Còn như Tàu có
chỗ nó ăn cơm, có chỗ nó ăn mì (sợi). Vì đất Tàu có nhiều vùng thổ nhưỡng, khí
hậu khác nhau, từ phương Nam lên phương Bắc, nên họ trồng được cả hai thứ.
Do người Việt hầu như
ngày nào cũng ăn cơm nên trong lời nói, chữ viết về cơm, nó nhiều hằng hà sa
số, nhiều vô thiên lủng. Nấu bằng nếp thì gọi là cơm nếp. Gạo bị bể, nấu thành
cơm thì gọi là cơm tấm. Gạo bình thường nấu thành cơm thì có: cơm trắng, cơm tẻ,
cơm nóng, cơm nguội...
Còn phân biệt cơm theo
cách nấu: đem cơm nguội đi chiên thì gọi là cơm chiên. (Như cơm chiên Dương
Châu chẳng hạn). Gạo nấu chung với đồ ăn trong cái niêu gọi là cơm tay cầm. Cơm
tay cầm là một món gồm có cơm và đồ ăn nấu, chưng cách thủy chung, dọn chung cho
cả bàn, nhiều người cùng ăn. Như hải sản, gan heo, gà quay... hấp chung với cơm
trắng trong cái nồi nho nhỏ có một tay cầm. Sau khi chín, muốn có cơm cháy thì
để cái niêu lâu lâu một chút trên bếp lửa. Cơm tay cầm không phải là cầm tay,
gặm khúc bánh mì như bà con mình tự trào đâu nhe!
Sau văn sĩ miền Bắc
tràn vô Sài Gòn, xài chữ lung tung! Tụi nó gọi ‘cơm tay cầm’ là ‘cơm niêu’.
Ngay cả nhà báo Lê Văn
Nghĩa, vỗ ngực khoe dân sanh đẻ tại Chợ Lớn, nhưng trong bài ‘Chợ Cũ ở Sài
Gòn’, ông dám đặt bút viết ‘cơm tay cầm’ còn được gọi là ‘cơm thố’ (?)
Viết trật lất! Cơm thố
chỉ là gạo (không có đồ ăn), chưng cách thủy trong thố nhỏ cho tới chín mà
thôi.
Cơm thố Sài Gòn khu
Chợ Cũ, lừng lẫy một thời, trên đường Tôn Thất Đạm quận Nhứt, thoạt kỳ thủy là
của người Tàu gốc Quảng (Đông). Cơm thố người Quảng gọi là ‘chung phàn’. Chung
là cái thố, phàn là cơm. Xực là ăn. Xực phàn là ăn cơm. Xực ‘chung phàn’ là ăn
cơm thố. Còn ‘cẩu xực xí quách’ là Thằng Cẩu (hoặc con chó) ăn xương!
Thố như chén, dĩa, tô,
tộ. Nghèo thì mua bằng sành làm ở lò gốm ở miệt Lái Thiêu. Giàu thì mua thố làm
bằng sứ như chén kiểu Giang Tây làm tuốt ở bên Tàu.
(Nhậu sừng sừng, cầm
đũa ngà khỏ vào thành chén, giữ nhịp cho em hát, nó kêu bong bong: “Anh ơi
chiều nay một trăm phần trăm”). Thố có nhiều cỡ, lớn nhỏ. Thố có loại có quai,
loại không quai, loại có nắp, loại không nắp.
Nồi dùng để hấp cơm
thố phải bự chà bá mới được. Bên trong nồi, đặt nhiều cái xửng bằng tre có
nhiều lỗ thoát hơi, lớn bằng ngón tay cái. Trên cái xửng sắp nhiều cái thố đựng
gạo. Dưới đáy nồi là nước sôi, bốc hơi lên ngùn ngụt. Gạo dùng nấu cơm thố: như
gạo Sóc Nâu, gạo hột dài, gạo Nàng Hương Chợ Đào, Long An.
Cho ít gạo, đã vo sạch
để ráo nước, vào từng cái thố. Châm nước vào thố một lần thôi. Mỗi bao gạo mới
mua, nấu một lần là biết ý để gia giảm lượng nước sao cho cơm chín không khô,
cũng không nhão.
Vào tiệm cơm thố, phổ
ky bưng lên, ăn bao nhiêu thố tính tiền bấy nhiêu. Mỗi thố cơm độ một chén cơm
nhỏ chút tẳn, và vài lần là hết. Bởi hấp cho cố, xài cái thố lớn bành ki nái
đựng nhiều gạo, thì chỉ có hơi nước của nồi súp de (chaudière) trên xe lửa mới
làm gạo chín hết thành cơm.
Cái vụ hấp nầy người Quảng (Đông) xài nhiều. Nhứt là món nào ăn nóng mới ngon, như hấp bánh bao. Mía cũng hấp luôn! Còn người Việt thì hấp bánh bò, hấp khoai mì. Xôi cũng hấp. Như vậy hấp, chưng cách thủy chỉ là một cách làm chín thức ăn bằng hơi nước.
Muốn đổ bánh bò, em
yêu cần cái chung. Muốn cho chàng ăn cơm thố thì em yêu cần cái thố! Thố cũng
như chén dĩa là do mấy lò gốm làm chén, dĩa ở miệt Lái Thiêu nơi có đất sét
tốt.
Tuỳ theo cách nấu mà
ta có các loại cơm khác nhau! Nấu bằng nồi đồng thì có cơm cháy giòn giòn, thơm
thơm, ăn với tép mỡ rắc đường cát trắng. Bù lại cơm thố dẻo và giữ nóng lâu,
lúc nào nó cũng bốc khói. Ăn cơm thố đã điếu nhứt là lúc trời cuối năm trở lạnh.
Đồ ăn cơm thố cũng
giống đồ ăn cơm thường. Chỉ cần ba món: canh, mặn (kho) và xào. Nên giàu nghèo
đều xơi cơm thố được hết ráo! Hao xu nhiều hay ít là do giá của đồ ăn. Hẻo lúi
thì ăn cơm nhiều hơn là ăn đồ ăn.
Cả chục thố cơm chỉ với một dĩa cá khô kho mặn, hay dĩa thịt kho. Rủng rẻng thì cơm thố với những món mắc tiền, cao lương mỹ vị: (mà giờ nhà báo bây giờ hay viết là món ăn cao cấp. Món ăn chớ đâu phải chức vụ mà có thấp có cao vậy mấy cha?). Như: cá hấp, gà nướng, bồ câu quay, gà ác tiềm thuốc Bắc.
Còn hổng giàu cũng hổng nghèo, đứng chàng hảng thì ăn cơm thố với canh cải bẹ xanh, sườn xào chua ngọt, ‘hầm vĩ chưng hột vịt’ hoặc ‘hầm vĩ chưng giấm đường”. (Hầm vĩ là cá lù đù trộn chung hột vịt rồi hấp hoặc chưng, ăn với dĩa rau sống, dưa leo).
***
Hồi xưa, bị tổng động
viên Mùa Hè đỏ lửa năm 1972, đi lính, vô quân trường Quang Trung rồi Thủ Đức,
tui ăn cơm nấu bằng chảo đụn, xúc bằng xẻng, có bỏ thêm Vitamin B1, gọi là cơm
nhà bàn! Nhà bàn là nhà ăn có nhiều dãy bàn dành cho Sinh viên Sĩ quan Trường Bộ
Binh Thủ Đức ăn cơm.
‘Cư an tư nguy’ trên
phù hiệu của Trường Bộ Binh Thủ Đức thành ‘Cứ Ăn Tự Ngủ’ với cái bụng đói!
Chính vì vậy, KBC tức Khu Bưu Chính của Trường Bộ Binh là 4100, bốn ngàn một
trăm; tụi nó giễu, đọc trại đi là ‘bốn người một mâm’. Vì một phần ăn, hỏa đầu quân
dọn ra một mâm cho 4 đứa (một ‘carré’, tiếng Pháp, một hình vuông) 4 cục thịt.
Mỗi đứa một cục bằng ngón tay cái, đủ nhét kẽ răng. Tạ ơn cái ‘gô’ (lon sữa bột
Guigoz) tép rang, cá hay thịt chà bông (để lâu được) của em yêu. Chúa Nhựt nào
chàng bị cắm trại, là nàng cụ bị mang lên Khu Tiếp Tân cho chàng ăn dặm thêm
với cơm cho đỡ đói.
Còn tui xui rủi là con
Bà Phước trong cái thời đường trường xa, con chó nó tha con mèo. Nhưng Trời
không hại người ‘gian’! Nên lúc đi chiến dịch Hiệp định Paris, 27 tháng Giêng
1973, ngừng bắn da beo tại xã Tân Phú Trung, quận Bình Đại, tỉnh Kiến Hòa, tui
‘cua’được ‘A Lìn’. Em là Tàu lai, dân Chợ Cũ Sài Gòn về thăm má ở quê chợ xã.
Tui hỏi: ‘Lìn’ tiếng Việt nghĩa là gì? Em cong cái mỏ, cái mỏ nho nhỏ, cái mỏ
cong cong: “Lìn là Liên, là bông Sen. Thơm lắm nhe anh!”. Em nói đúng. “Liên
thơm thiệt!”
Hết chiến dịch 4
tháng, tui trở về Trường Bộ Binh Thủ Đức ở đồi Tăng Nhơn Phú; cũng là lúc A Lìn
trở lại Sài Gòn đi học. Về phép cuối tuần Thứ Bảy, tui ghé thăm em. Đã hết
những ngày ăn chực cơm do em nấu ngon hết biết ở quê. Giờ chàng phải ăn cơm nhà
bàn! Cảm thương chàng nên em dắt chàng đi Chợ Cũ ăn cơm thố.
Với tui, cơm thố, cơm
thường, món nào cũng được nếu do chính tay em Lìn dấu yêu nấu như ngày cũ trước
khi mất Sài Gòn. Nhưng đau đớn thay, tù cải tạo ra, tui trở về Chợ Cũ để hy
vọng gặp lại được Lìn. Hy vọng Lìn sẽ dẫn cái thân tàn ma dại của tui đi ăn cơm
thố, một lần thôi cũng được, để bù lại những ngày đói khổ trong tù; thấy cái gì
nhúc nhích là ăn.
Làm tài tử ‘Xô Xích
Le’ tức chạy ‘xe xích lô’ tìm em hoài mà không gặp được người xưa. Cuối cùng,
tui mới hay Lìn, tức Liên của tui ngày cũ đã xuống thuyền ra biển biệt tăm hơi.
Đôi ta mất nhau từ độ ấy.
Đoàn Xuân Thu.
Melbourne
Hay qua xa . Cam on KBC4100 .
ReplyDelete