Tôi
quen anh Báu qua những lần sinh hoạt địa phương nên có số điện thoại của nhau để
liên lạc khi cần. Chúng tôi đã vài lần ngồi chung bàn với nhau, nhưng cả hai đều
là khách mời của các Hội đoàn ở địa phương, chứ chưa từng mời riêng nhau bao giờ;
không biết nhà nhau ở đâu
Nay gặp anh tình cờ. Tôi đi chợ, vì cái tật thường ngồi nghĩ ra món gì đó, rồi
tự đi chợ, về nấu thử, để kiểm nghiệm thuyết âm dương trong ẩm thực đã đọc từ
lâu nhưng không có điều kiện thử. Trong khi anh Báu cũng đi chợ vì ngán cơm
đường cháo chợ quá rồi! Làm tôi hơi ngạc nhiên, và rất tiếc là anh đã đi chợ
xong nên tôi mất cơ hội thử món mới, chỉ còn mua vớt được hộp bia, rồi theo anh
về nhà để biết nhà anh.
Chuyện đời sống bây giờ luôn có những bất ngờ, như tôi không ngờ anh Báu biết
nấu ăn. Bởi diện mạo bên ngoài của một người lịch thiệp, luôn ăn mặc đẹp, lẽ ra
anh rành nhà hàng và những địa chỉ ăn chơi mới phải. Càng không ngờ tiếp theo
về anh là chưa tới 60 mà đã góa vợ mấy năm! Không ngờ tiếp theo không ngờ là
anh vẫn đi về lẻ bóng…
Buổi chiều nhiều "không ngờ" còn tiếp diễn, nên tôi chỉ xếp bia vô tủ
lạnh, lột mấy củ tỏi rồi bỏ đó để phòng hậu hoạn đàn ông nấu dở thường đổ thừa
cho phụ bếp. Anh Báu xăn tay áo xào nấu cũng khá lắm! Thế là tôi cầm chai bia
ra patio của căn apartment để tự thưởng cho mình buồi chiều thảnh thơi, sau khi
báo đã đi nhà in.
Vạt nắng hè buồn vương màu nhớ những mùa hè đã xa; những mùa hè cổ tích nhưng
chớ có nên gặp lại cho khắc khoải hơn là mãi mãi không thấy nhau. Chẳng qua là
chúng tôi vừa nói chuyện trong bếp, tôi xui anh coi cô bạn học cũ nào còn rảnh
thì rủ về đây sống cho vui! Nhưng không dám nói phần tình tuyệt vọng nỗi thảm
sầu trong lòng tôi mà Khái Hưng tả rất tới, “lòng ta ôm một khối tình/ tình
trong giây phút mà thành thiên thâu…” tình tuyệt vọng nỗi thảm sầu ấy cứ len
lén trong tim mấy mươi năm khi hè về. Nhưng khi được đi xuyên lục địa để gặp
lại sợi nhớ sợi thương của mình, ai mà dè sợi tơ tình ấy đã thành sợi dây thòng
lọng siết chết 1 mối tình học trò; giết luôn người trong mộng để hóa kiếp cho
nhau chớ lãnh sao nổi 1 bà cụ non đễnh đoãng như con sếu mù..
Thỉnh thoảng tôi nhìn vào trong xem anh Báu có muốn nhờ mình gì không? Không
thấy anh gọi nhờ mà chỉ thấy người đàn ông lục tuần cô đơn trong gian bếp thật
buồn. Những ý nghĩ khác lại miên man trong đầu tôi về đời người. Những năm tuổi
thơ chỉ còn mùi áo mẹ thơm lừng giấc ngủ trưa để lớn; để tuổi trẻ như cụm mây
đẹp trên cao, mang giấc mơ phiêu lãng... bỗng tan tành trong luồng gió độc vì
nghe lời bọn xấu nên chuốc họa vào thân! Cứ nghe rỉ rả tuyên truyền ngày một
ngày hai là “cưới em đi”! Xiêu lòng một phút là... trúng gió! Để những năm 30
tuổi, người đàn ông thích mua nhà lớn cho con cái được rộng rãi ăn ngủ, học
hành... mà quên đi lầm lỡ đã trót. Nhưng sau 50 tuổi; sau 20 năm sống cùng gió
độc mà không chết thì người đàn ông cũng chuyển bại thành xụi là cùng; đâu phải
kim cương bất hoại mà làm lại từ đầu! Tuổi over the hill của đàn ông cũng
mưa-nắng như cô nàng đỏng đảnh bất chiến tự nhiên thành... bà cụ non, khi con cái
không còn ở nhà, thậm chí chúng chỉ còn như một món trang sức cho cha mẹ khi ai
hỏi: con anh chị làm gì, ở đâu, cháu đã lập gia đình chưa?... Câu trả lời của
người cha là một niềm hãnh diện hay một điều khó nói, cũng chỉ như một món
trang sức đắt giá hay đồ giả mặc khoác lên người đàn ông đã đến lúc thích một
góc rừng hay 1 căn townhouse, apartment nhỏ gọn, sạch sẽ... như anh Báu đây! Và
nhất là chị nhà đã vắn số nên anh thu về một góc ăn năn.. lặng lẽ nơi này! Tôi
cũng đang mơ về một góc rừng, để nghe lại tiếng chim chiều dế sớm như ước mơ
thầm kín cùng mụ phù thủy trong Âu du ký sự. Tôi lại nghĩ đến câu thơ, “ta dại
ta tìm nơi vắng vẻ/ người khôn người đến chốn lao xao”, không ngờ Nguyễn Bỉnh
Khiêm cũng biết sợ lao xao ngoài cộng đồng…
Mùi tỏi phi trong nhà đã bay ra tới cái patio bé tẹo trên lầu ba, nhìn vào nhà,
khói chảo đã xanh bay, nghĩa là anh Báu đã quá lửa mất rồi. Món scallop xào tỏi
anh đang làm sẽ rất ngon với tỏi phi giòn rụm nhưng chỉ được vàng cánh gián;
phi tỏi mà để lên khói tức tỏi sẽ ngả nâu, sẽ đắng hậu… Nhưng dù sao tôi cũng
kính nể anh biết làm món này thì anh thuộc hạng biết ăn.
Không ngờ lòng chờ mong anh Báu gọi vô nhập tiệc đã tiêu tan khi trong mắt tôi,
dưới hồ bơi của apartment anh ở, đang diễn ra một cuộc chiến màu da! Cậu bé
người Trung đông chừng 13 tuổi, nhưng gương mặt ốm o của nó đến tội nghiệp phải
mang đôi mắt quá lớn. Điều lạ lùng trong đôi mắt người Trung đông là làm người
ta không thể chê mắt xấu, nhưng cứ sờ sợ cái tròng trắng dư giả của nó; cứ như
đôi mắt mà Nguyễn Bính tả người đời, “thế gian mắt trắng như ngân nhũ…” Cậu bé
cố gắng chứng minh là trái bóng của nó. Nhưng cô bé Mỹ trắng, nhỏ tuổi hơn nó,
nhất định không trả! Sự cãi cọ đã bắt đầu lớn tiếng; sự giằng co tiếp diễn và
kết thúc khi người cha của cô bé xuất hiện. Ông tịch thu trái bóng từ tay con
mình, đưa cho chú bé; sau đó, dắt con gái về nhà.
Cậu bé Trung đông ôm trái bóng trên bể bơi, như con thòi lòi ôm bặp dừa trên
sông rạch quê tôi, đang hiện về trong trí não... Vừa lúc mấy chú nhóc khác
đến hồ bơi. Hai chú nhóc trắng có vẻ sinh sự; hai chú nhóc đen thì khuỳnh tay
khuỳnh chân theo dân tộc tính. Nhưng rõ là 4 chú nhóc này muốn kiếm chuyện với
chú bé Trung đông. Tội nghiệp cậu bé khôn hồn thì vọt về nhà càng nhanh càng
tốt. Nhưng 4 đứa kia đã rập tâm chó hùa, chúng trấn nước cậu bé dưới hồ; cậu bé
thông minh đáo để nên thoát được; bị chúng rượt đuổi đến con hẻm vắng giữa 2
building. Chúng đã vây được cậu bé tội nghiệp như bầy sư tử và con mễn tội tình
trên Animal channel.
Tôi xuống lầu thật
nhanh để giải cứu cho chú bé. Nhưng đến nơi thì máu mũi chú bé đã ròng ròng,
mắt bầm, môi sưng... 4 chú bé tấn công bỏ chạy. Tôi nhìn trái bóng bị đâm thủng
bằng vật nhọn mới hú vía! Bởi đó là sự cảnh cáo đáng ngại. Tôi đưa chú bé về nhà
chú, chỉ có người mẹ trùm mặt ra mở cửa. Thực tế tôi không biết phải ứng xử ra
sao với phụ nữ Trung đông vì chưa từng tiếp xúc. Và thật không ngờ là bà ta
đuổi tôi bằng một tràng tiếng Trung đông.
Tôi thất thểu trở về căn apartment của anh Báu, lòng chợt oán hờn về chuyện đã
lâu nhưng như mới hôm qua. Con trai tôi cũng ốm o gầy còm như cậu bé Trung đông
này. Đúng đêm Halloween, bọn đầu gấu cũng 4, 5 đứa đến xin kẹo. Con tôi mở cửa,
cho chúng mỗi đứa 1, 2 cái kẹo. Nhưng chúng muốn lấy hết rổ kẹo của gia đình
tôi vì toàn những loại kẹo ngon. Con tôi trả lời, “mỗi người vài cái thôi, vì
còn người khác nữa!” Chúng chửi thề giận dữ, bỏ đi…
Tôi hoàn toàn không biết chuyện đó vì đang nướng thịt ở sân sau nhà. Nướng xong
thì đi tắm rửa cho mát mẻ để ăn tối với gia đình vào đêm Halloween. Đang tắm
thì nghe má sấp nhỏ la thất thanh ở ngoài nhà... Chuyện là thằng lớn con tôi 12
tuổi, dẫn đứa em nó mới 2 tuổi, đi xin kẹo lòng vòng trong xóm. Thế mà bọn đầu
gấu ban nãy đã phục kích để tấn công hai anh em nó! Thằng anh giữ mạng không
xong vì nó cũng ốm tong như thằng bé Trung đông vừa rồi! Nó chỉ còn biết ôm gọn
em nó vào lòng để bảo vệ đứa nhỏ, mặc cho tụi kia ra tay. Đến lúc có 1 bà Mỹ
lái xe ngang đường, thấy được. Bà dừng, xuống xe can thiệp. Bọn đầu gấu cũng bỏ
chạy, thằng con tôi ôm đầu máu vì những cái khóa dây nịt bằng đồng quất vào;
mặt mày nó bầm tím, chân tay thương tích... như một nhát dao trí mạng của nước
Mỹ đâm vào trái tim một gia đình di dân.
Tôi bình tĩnh kiểm tra thương tích hai đứa nhỏ; thằng bé không sao; thằng lớn
cũng không đến nỗi phải đưa đi bệnh viện; nên chỉ nói vợ pha nước ấm, lấy bông
gòn, lau rửa những vết thương trên thân thể thằng con gầy còm, mới 12 tuổi,
chưa từng bị mẹ cha lớn tiếng với nó bao giờ! Vậy mà nó đổ máu đêm Halloween
trên nước Mỹ!
Sau đó, tôi đi thay quần áo để ra đường. Ngang qua gian bếp, vợ tôi ôm đứa nhỏ
trong lòng, ngồi khóc thút thít. Khi ra tới garage, thằng lớn chạy theo níu áo
tôi, nó nói:
– Bố đừng đi đâu
nữa! Mấy đứa đánh con là người Việt nam. Không phải Mỹ đâu!
Từ giây phút đó, tôi thấy con mình đã hết trẻ con! Sức mạnh có thể trả thù,
nhưng lòng can đảm chấp nhận thua cuộc sẽ mở ra chiến thắng lớn hơn. Sự chấp
nhận của nó là bài học Mỹ của tôi.
Tôi kể chuyện với anh Báu, trên cái bàn chỉ có hai người đàn ông Việt nam và
một buổi chiều oan trái vạt nắng nước Mỹ cuối ngày. Câu chuyện đã xa, nhưng con
tôi vẫn không có lấy 1 người bạn Việt nam. Thậm chí người con gái được nó ái mộ
là 1 nữ Thủy Quân Lục chiến Mỹ, cô bé từng tham chiến ở Iraq, đi vớt xác người
sau sóng thần Sumatra năm 2006 ở Indonesia… nhưng chuyện hai đứa cũng chẳng đến
đâu!
... Tôi mong mình hiểu
lầm: chỉ vì cô bé là người Việt nam! Nhưng ngày càng như tôi hiểu được con
mình. Có lẽ đó là bài học đau nhất của sự chấp nhận từ quyết định năm xưa của
nó. Đành mất một cô bé dễ thương, có giáo dục gia đình truyền thống là “Thưa cô”
khi gặp nhà tôi - ở bất cứ đâu, chứ không “Hi Miss…” như con nhà người Việt mất
gốc khác mà tôi thường gặp.
Anh Báu thì kể chuyện hụt hẫng kiểu khác! Sau khi vợ anh chết vì ung thư, anh
để lại căn nhà cho con gái vì cháu quyết định định cư ở Dallas với cha. Còn bao
nhiêu tiền bạc trong nhà bank, cả tiền bảo hiểm nhân thọ của vợ, anh chuyển hết
cho đứa con trai để nó làm ăn... Chuyện trong nhà nói ra không tiện, nên anh
chỉ tóm tắt: Đứa con dâu Mỹ dứt khoát đó là khoản tiền không dính líu đến nó;
không chia chác khi vợ chồng ly dị nên đề nghị con trai anh mở tài khoản riêng
ở ngân hàng, đầu tư riêng cho gia đình của anh. Phải hoàn toàn tách biệt với
lời-lỗ của business của vợ chồng mình. Trong khi thằng rể của anh là người
Việt nam nên cứ ép con gái anh bán căn nhà thừa kế để đi mua căn nhà đích thực
của vợ chồng. Anh chị sui thì cứ ta thán mất mặt gia đình vì con trai họ phải
sống bên nhà vợ!... Nhưng anh Báu ra quyết định bán căn nhà của vợ chồng anh
thì tiền bán căn nhà phải được chuyển hết cho con trai trưởng của anh, bởi nó
là con trai độc nhất của gia đình anh, cháu đích tôn của gia tộc nhà anh! Sự
quyết định thẳng thắn của anh đã làm phật lòng sui gia! Thiệt là xui... Anh
Báu kết luận: Dường như con bài tẩy của người Mỹ, họ thảy ra bàn trước bãi rác
để khỏi nhập nhằng; trong khi người mình thường ngược lại…
Chúng tôi ra patio đốt thuốc, trời đã nhá nhem về tối, dưới con hẻm vắng giữa 2
building hồi chiều cậu bé Trung đông bị đánh hội đồng; cái dáng nó ốm o gầy còm
thêm lom khom như có giấu vật nhọn trong người! Nó đi tầm thù. Làm cho nước Mỹ
không bao giờ thanh bình! Không biết 10 năm nữa, chú bé này sẽ trở thành một
thanh niên hòa nhã từ lòng can đảm chấp nhận như con tôi, hay là một thanh niên
hùng dũng ôm bom để trả hết hận thù một lần với Mỹ quốc. Bài toán nhân đạo của
nước Mỹ dường như ngày càng gieo rắc hận thù sâu đậm hơn vào lòng người di dân.
Khủng bố nội địa ngày càng quyết liệt hơn từ những nhỏ nhoi thân phận da màu
nhưng mang quốc tịch Mỹ, ăn cơm Mỹ, ở nhà Mỹ, đi xe Mỹ, học trường Mỹ… thậm chí
lấy vợ, lấy chồng người Mỹ, nhưng… không bao giờ trung thành với nước Mỹ.
Phan
No comments:
Post a Comment