Monday, April 8, 2024

Địa Đàng - Trịnh Đình Sĩ


Thuở cũ, tôi luôn dành 1 tình cảm nồng nhiệt cho Eden, rạp hát nằm phía bên kia vườn hoa, mặt đối mặt với Rex.Eden có lẽ là rạp hát đặc biệt nhất và độc đáo nhất Sài Gòn trong ký ức của tôi, vì nhiều lẽ mà chỉ hẳn một mình nó mới biết là mình thừa kiêu hãnh gìn giữ được!

... Trước hết, nếu tôi nhớ không chệch, duy nhất nó là nằm trong 1 hành lang thương mại như Passage Eden, lúc đó được quy hoạch tại 1 vị trí rất vàng mười của cả thành phố ngày nào.

Muốn tìm tới Eden, người ta có thể đi qua 3 lối vào. Một quay đầu ra phía đường Tự Do,gần nhà sách Xuân Thu và dãy cửa hàng bán tơ lụa. Một lối nữa quay đầu ra hướng Lê Lợi, nhìn ra một quảng trường và vườn hoa nhỏ khác chia cách nó với dãy phố bên kia toàn là cửa hàng bán hàng giảm thuế của nhà đoan. Cuối cùng, là mặt từ phía Rex, ngày trước thì người ta phải đi qua một cái lối chật nằm sát nách 1 quán bar hay 1 nhà hàng nào đó hình như là Queen Bee. Về sau, passage ấy đã mở hẳn thành 1 cửa vào nữa, khang trang mà rộng rãi hẳn lên.


Eden chắc chắn là rạp hát duy nhất luôn luôn có cùng lúc 2 hoặc 3 tấm áp-phích khổ rất to giới thiệu từng phim đang chiếu, nằm ở 3 cửa ra vào của thương xá như đã kể. Trong khi tất cả các rạp khác, kể cả Rex, chỉ cần một. Điểm thú vị nữa, Eden luôn có 2 tấm áp-phích vẽ giống hệt nhau như được “nặn” ra từ cùng 1 khuôn, khổ vài mét chiều ngang, nằm ngay tại cửa rạp đứng lọt thỏm trong thương xá và cả ở phía mặt quay nhìn ra Rex. Còn tấm áp-phích thứ ba quay ra phía Tự Do, do có kích thước nhỏ hơn, nên “được phép” có bố cục vẽ khác đi.

Mãi về sau, qua lời giới thiệu của 1 người bạn làm đạo diễn điện ảnh thuộc thế hệ đầu tiên sau 1975 – cậu ấy nay cũng đã gần 70  tôi mới biết ra, người vẽ tất cả các tấm áp-phích lúc thành phố thay áo đó, tay nghề thuộc hàng số 1 của Sài Gòn, tên là Phước. Anh có phòng vẽ lộ thiên nằm ngay trong một con ngõ nằm sát nách rạp Đống Đa ngày mới, tên cũ của nó là Palace.

Lúc ấy, đứng tì người trên bao lơn căn phòng chỉ rộng có 16 m2 nằm ở tầng 1 của tay đạo diễn ấy, tôi nhìn xuống phía sân sau và đã thấy Phước múa cọ không biết bao nhiêu lần trên các khung vải bố có kích thước khổng lồ. Phước cho biết, người vẽ áp-phích cho các rạp như Eden hay Casino ngày trước ở khu trung tâm, là một bậc thầy của anh. Vẽ chân dung các diễn viên giống như thần, VươngVũ ra VươngVũ, LýTiểu Long ra Lý Tiểu Long và Charles Bronson ra Charles Bronson. Nhìn Phước lúc đó cứ bệt màu thoăn thoắt trên bao nhiêu tấm toile mênh mông như thế, tôi đã thán phục lắm rồi, huống chi là thầy của anh ta?


...Tôi lại nhớ, lần đầu tôi biết đến Eden là vào một buổi chiều nắng nhạt. Phải, tôi hình dung trở lại rất rõ lúc đó vì bỗng dưng, không hiểu sao vào giấc tháng 5 năm ấy, Sài Gòn bỗng chợt có một buổi chiều mát đến như thế và cuộn phim mà tôi được xem hôm ấy, khi quay trở ra là lúc thành phố đã lên đèn. Nó mới tinh tươm từ Hồng Kông chuyển về, "Đại Sát Tinh".

Đại khái, 1 kiếm sĩ xuất chúng từ chốn gươm đao đã quay về quê làm nghề mổ lợn. Mt hôm bỗng có 1 ông mũ cao áo rộng mặt lạ hoắc đến làm quen, và nằn nì anh ta quay trở lại, làm thích khách để giết 1 lão tể tướng hay 1 gã vua đáng ghét nào đó. Dường như ấy chính là sự tích Kinh Kha hành thích vua Tần đã được Trương Triệt kiếm hiệp hóa đi chăng? Chả nhớ nổi. Anh ta đã nhận lời, dù biết là mình sẽ lao vào một “điệp vụ không không biết” có ngày trở về. Phim ấy có Vương Vũ, Điền Phong, Tiêu Dao, Trịnh Lôi và Tiêu Tư.

Tôi lại phải cảm ơn ông già tôi vì đúng hôm ấy, lẽ ra là đã xem phim bên Rex như thói quen, nhưng hình như nó bỗng “dở chứng” đang cho chiếu một thứ gì đó mà ông thấy là chắc chắn sẽ “chán òm” với cả chính mình và gia đình mình, nên ông mới dắt cả 3 mẹ con tôi cắt vườn hoa, sang phía bên kia đường để tìm vào Eden. Đó là lần thứ hai trong đời, tôi được xem phim kiếm hiệp sau lần đầu đời tại rạp Việt Long như đã kể vào một lần trước. Để đâm ra nghiện Vương Vũ, nghiện đêm ngày và nghiện há hốc mồm.


Nghiện tới mức suốt một chuỗi ngày tháng sau đó, là “phụ bạc” Rex để chỉ thuần nhìn sang "Giang Tả", “cầu hôn” Eden như Lưu Bị trong truyện Tam Quốc. Tôi đã xem liên tiếp 6 phim của Vương Vũ trong khu thương xá đó, như Võ Lâm Đệ Nhất Truy Mệnh Thương, Nổi Máu Anh Hùng, Nhất Kiếm Diệt Thù, Độc Thủ Quyền Vương, Bá Vương Quyền Phục Thù và cuối cùng là Nhất Kiếm Trấn Ải. Giờ ngẫm lại thì muốn ứa nước mắt vì thương ông già tôi. Không ai thương con hơn thế nữa, khi nó chỉ đòi xem phim của Vương Vũ tại một rạp duy nhất, bất biến, mà dẫu là ông có ngán ngẩm đến mấy, ông cũng chẳng bao giờ từ chối con trai mình cả.

Tôi đã mê Eden và Vương Vũ đến phát nghiện. Dù cả thành phố lúc ấy đâu chỉ có mỗi rạp đó chiếu các phim của Vua không ngai, mà tôi cứ nằng nặc trước sau, là mỗi khi cố học tập tốt để giật được bảng danh dự đỏ và để xứng đáng được thưởng, sẽ phải đến Eden. Tôi chỉ 1 lần đành quay lưng với nó vào 1 sáng Chủ nhật, khi nó đang chiếu phim Sissi, Nữ Hoàng Áo Quốc, trong khi phía Rex, lại là Độc Thủ Đại Hiệp Đại Chiến Hiệp Sĩ Mù, mà vẫn cũng là Vương Vũ!

... Cái cảm giác khi đến Eden mà buộc phải xem phim Tây 3 lần, là với các phim hành động thời cũ như Cướp Lớn Tại Pampelune, Cướp Vàng Trong Thành Phố và cuối cùng là cao bồi Mặt Trời Đỏ,lâu quá chẳng nhớ nổi tên gốc của 2 phim đầu là gì. Còn là vài lần hiếm hoi không thể quên mà tôi “phải” nhượng bộ bố tôi, vì cả Rex và cả Casino vào hôm ấy đều đang có xuất của những phim không hề hấp dẫn. Nhưng phải nhìn nhận một điều, khi nhìn sang bố mình ngồi cạnh đang xem phim có vẻ rất hào hứng, tôi vẫn nhớ lúc đó sự tấm tức kiểu trẻ con đã đầy ruột của mình là lớn hơn tất cả. Mà phải đến mấy chục năm sau, khi đến phiên chính mình dẫn con mình đi xem phim, tôi mới thấy thương bố tôi, và nhớ ông đến gai người.


... Cảm ơn một thời quá khứ. Cảm ơn những cái tên tưởng đã nằm hẳn sau lưng, về sau bỗng lại sống dậy nhờ bộ DVD hay Blu-ray hàng trăm đĩa mà người bạn Pháp Alain Humbert tốt bụng của tôi đã mang từ Paris khệ nệ về nhà tôi. Cảm ơn phim chưởng, mà phải xem tại Eden mới là thấy số dách. Cảm ơn cả những tên tuổi như Charles Bronson, Alain Delon, Mylène Demongeot, Louis De Funès hay Jean Marais và thậm chí là Gary Cooper, James Mason, James Coburn, Steve Mc Queen hay Yul Brynner mà nhờ Eden, từ ngày cũ, đã thành vương vấn.

Cảm ơn luôn mấy bà chị mặt khó ưa và chẳng bao giờ biết cười ngồi sau quầy bán vé có che cửa lưới của Eden. Cảm ơn tiếng xé vé nghe đánh “roạt” từ hai cái quầy bằng gỗ nơi hai đầu trái, phải của rạp ấy, và cả từ bàn tay của người soát vé da đen ngồi ở cánh cổng nan hoa khép hờ. Cảm ơn cả một lần nào đó vào xuất muộn, khi mình cùng bố mình mới bước qua cổng để vạch tấm màn nhung vào rạp, bỗng nghe thấy sau lưng mình có tiếng lũ trẻ khác ồ lên như ong vỡ tổ, do lúc ấy người soát vé đã mở toang cổng cho tất cả vào “xem cọp”. Rồi nhớ luôn cả nụ cười của bố mình: “Con có thấy là con sướng hơn các nhóc tì kia không?”


Cảm ơn cả câu gắt của bố tôi, khi cứ nghe tôi lải nhải từ ngày này sang ngày khác, khen Vương Vũ là tài tử đẹp giai nhất thế giới còn hơn cả Alain Delon hay Gary Cooper: 

“Mắt nọ chửi bố mắt kia mà đẹp trai cái nỗi gì hở con?”

... Bởi vì đó là một vườn Địa Đàng.

 

Trịnh Đình Sĩ 

1/4/24

No comments:

Post a Comment