Wednesday, April 3, 2024

Về Cà Mau - Trịnh Thanh Thủy

Một trong những ước mơ của tôi từ lâu là được đặt chân lên những vùng đất thiêng liêng của điểm tận cùng tấm bản đồ hình chữ S. Lần về thăm Việt Nam này tôi đã có mặt và đứng trên 1 căn chòi cây, hít thở gió biển lồng lộng của vùng đất bồi điểm cuối của đất Mũi Cà Mau.

Bãi Bồi tận cùng đất nước – photo trinhthanhthuy/trẻ       


Cảm giác thư thái, yên bình và sung sướng làm sao khi được nghe, thấy, thở và cảm nhận vị mặn của biển, của đất trời phương Nam nơi tôi sinh ra, lớn lên rồi rời bỏ.

Đã từ lâu Cà Mau đối với tôi là một địa danh đèo heo hút gió, rất xa lạ. Ngày ấy, khi nghe người anh đi Hải Quân của tôi than thở với gia đình là anh bị đổi về Năm Căn thuộc vùng Cà Mau, xa tít tắp, gia đình tôi đã vô cùng lo lắng. Từ trước năm 1975, hễ ai nghe đến Cà Mau đều tưởng tượng ra cái chốn thâm sơn với “Muỗi kêu, như sáo thổi, đỉa lềnh tựa bánh canh”, vô cùng nổi tiếng này. Thế mà lần này, về nước, tôi lại cả gan đi phiêu lưu đến chỗ địa đầu ấy, nghe dữ hơn lành và làm mồi cho muỗi, đỉa thì thật là dại. Tôi vội vã đi gặp Bác sĩ xin thuốc chủng ngừa. Cô lên mạng kiểm soát một hồi rồi phán, cô sẽ cho uống thuốc ngừa sốt rét kiêm thêm sốt xuất huyết, vì bệnh này đang hoành hành tại vùng tôi sẽ đến. Thế là tôi về Việt Nam với cả đống thuốc uống phòng ngừa cho chắc ăn.

Nhà sàn ở Đất Mũi – photo trinhthanhthuy/trẻ


Trước khi đi Cà Mau tôi đã ghé Hà Nội rồi vùng cao Tây Bắc và có dịp trò chuyện cùng một cặp vợ chồng đang sống ở Cà Mau cũng đi du lịch Tây Bắc như tôi. Họ cười khi nghe tôi hỏi đến câu ca dao về muỗi. Họ nói Cà Mau bây giờ không có muỗi kinh khủng như vậy đâu. Đất đai đã được khai hoang, phát triển, không còn nước đọng và muỗi được diệt trừ bằng thuốc cẩn thận, đừng có lo.

Thật vậy, lần này, trong hành trình đi Nam, về Bắc, ở Sài Gòn, ra miền Trung ăn ở từ khách sạn này qua khách sạn khác, tôi không bị một con muỗi nào cắn hay đốt cả. Bao nhiêu thuốc xịt, thuốc bôi, thuốc ngừa, đem đi và về còn y nguyên.

Xiếc cá nhảy


Ghi tên với một đoàn du lịch trong nước, tôi được đi từ Sài Gòn xuống Tiền Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, Đất Mũi. Chuyến du lịch 4 ngày vào tiết cuối Đông trong thời tiết mát mẻ, không làm tôi mệt mỏi mà cảm thấy 4 ngày qua nhanh như tên bắn vậy.

Đi theo Tour nên chúng tôi được ngồi xe du lịch 32 chỗ mà chỉ có khoảng 21 khách nên ai nấy được ngồi thoải mái, thoáng mát và an toàn. Xe chạy xuống Cần Thơ theo đường cao tốc được thiết lập ngày nay nên tiết kiệm được thì giờ và không có ổ gà cũng như đường dằn xóc của ngày xưa nữa. Chúng tôi say sưa nhìn ngắm cảnh vật xanh mướt của cây và vườn tược dọc theo hai bên đường mà không chán. Người dẫn đoàn kể chuyện cuộc sống, về mùa màng cũng như phong thổ của vùng đất chúng tôi đi qua. Lần đầu tôi học nhận biết sự khác nhau của cây mít và cây sầu riêng như thế nào, vì tôi vốn lớn lên ở đô thị và rất mù mờ về cây lá. Xe chúng tôi qua cầu Mỹ Thuận nối hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long để xuống bến đò Cô Bắc. Chúng tôi không qua phà như ngày trước. Tôi thấy nhớ những bến phà ngày nào, có các em bé bán hàng rong như bánh ít, bánh chuối, mía ghim hay chạy tới lui mời mọc khách mua hàng. Bỗng dưng nhớ cái cảnh ồn ào, xe cộ xếp hàng, khói xe, khói tàu mù mịt trong làn sương sớm quá.

Đền Vua Hùng – photo trinhthanhthuy/trẻ


Đò vào Cồn Sơn chúng tôi được thử nghiệm vượt cây cầu khỉ miền Tây. Phần lớn khách đều đi qua được dù chậm chạp. Chỉ có một cô gái tuổi đôi mươi phải qua một cách chật vật vì cô sợ quá, chân cứ ríu lại không đi được, nhìn rất tội nghiệp. Cả đoàn phải chờ cô mất khoảng 20 phút vì nếu không qua được cô sẽ bị bỏ lại một mình bên kia cầu. Khách được đi xem những bè nuôi cá, vườn cây ăn trái và được thưởng thức bánh ngon, ổi thơm và hương vị ngọt của cây trái đang mùa là vú sữa. Việt Nam giờ hay sưu tầm những giống cây trái lạ vừa ngon, ngọt mà lại sai quả, nên cây trái VN ngày nay được trồng tỉa, pha giống rất đa dạng. Cá, tôm thì đều được nuôi, con nào cũng to lớn và linh động vẫy vùng. Đến giờ ăn, cá, ếch, nhảy cao, đớp mồi xem như đang làm xiếc rất ngoạn mục. Trưa đến chúng tôi được thưởng thức những món ăn dân dã tiêu biểu của vùng sinh thái miền Nam do mấy gia đình trên Cồn Sơn nấu nướng và mang đến cho đoàn. Nào là lẩu cá thập cẩm, bông điên điển xào gà, cá kho, gà luộc, gỏi, và vài món có những thứ lá khác nhau mà tôi chưa bao giờ được nếm.

Đến Cần Thơ, chúng tôi được ghé thăm Đền thờ Vua Hùng. Đây là một  công trình kiến trúc hoàn toàn mới và được khánh thành năm 2022. Đền được xây dựng theo hình tượng trống đồng cách điệu. Đó là hình ảnh trống đồng Ngọc Lũ, 18 cánh cung xung quanh tượng trưng cho 18 đời vua Hùng, bao quanh đền thờ chính còn có 54 khối cột hình trụ, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em. Công trình nhìn rất đồ sộ, đẹp và lạ mắt. Kiến trúc này mới được xây và họa hiện đại hơn là các kiến trúc cổ của lầu đài xưa. Các họa tiết trên trống đồng nhìn như (hay nhái theo) các chữ tượng hình trên lăng mộ của vua chúa Ai Cập thời cổ đại.

Nhà cổ Bình Thủy – photo trinhthanhthuy/trẻ


Chúng tôi nghỉ đêm tại Cần Thơ và được ngắm bến Ninh Kiều về đêm lung linh trong ánh đèn lấp lánh của chợ đêm và của những du thuyền đang chở khách đi dạo mát ngoài bến cảng. Mỗi lần tôi trở về thăm, là mỗi lần thấy Cần Thơ đổi khác. Sầm uất hơn, ngăn nắp, quy củ và hiện đại hơn.

Sáng ra, chợ nổi Cái Răng là đích đến của đoàn. So với ngày xưa, chợ nổi bây giờ không còn sinh động và nhộn nhịp nữa. Chỉ còn những ghe, thuyền chạy ra mời khách du lịch mua trái cây mà thôi. Ngày xưa chợ họp từ 2,3 giờ sáng cho người mua bán hàng sỉ vì ngày ấy phương tiện cầu đường không có, chỉ đường thủy là thông dụng. Ngày nay, chợ nổi chỉ còn là mục tiêu dành cho du lịch nên vắng và buồn tẻ hơn nhiều.

Nhà hát Cao Văn Lầu- photo trinhthanhthuy/trẻ


Bạc Liêu, Sóc Trăng là địa điểm không thể thiếu trong lịch trình. Bạc Liêu thì nổi tiếng với 2 ngôi nhà cổ là nhà Công Tử Bạc Liêu và Bình Thủy. Nhà Công Tử Bạc Liêu bị ngăn không cho vào xem vì đoàn quay phim đang mượn để quay, chúng tôi liền ghé nhà cổ Bình Thủy. Đây là một ngôi nhà cổ hơn 150 năm với nét đẹp văn hoá Đông Tây kết hợp. Đây cũng là nơi có bối cảnh chính của các phim nổi tiếng vang bóng một thời.

Quảng trường Hùng Vương và Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng có mặt trong chương trình. Thật ý nghĩa khi thân thế, sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, được ghi nhận và tôn vinh do những đóng góp to lớn của ông về nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ. Ông chính là người sản sinh ra bản Dạ cổ Hoài lang bất hủ.


Quảng trường Hùng Vương photo trinhthanhthuy/trẻ


Sóc Trăng thì vang danh với các chùa Miên. Đoàn chúng tôi tới chùa Sà Lôn. Chùa này còn được gọi là “chùa Chén Kiểu” nhờ thể hiện được nét văn hóa độc đáo của người Khmer cùng cách thiết kế sáng tạo từ hàng vạn mảnh chén được ốp trên các công trình kiến trúc của chùa.

Cuối cùng là Đất mũi Cà Mau, chúng tôi nghỉ đêm tại đây và bắt đầu khám phá vùng này bằng ca nô. Ca nô chạy nhanh và có thể len lỏi trong rừng đước của khu ngập mặn lớn thứ hai thế giới này. Chúng tôi ai cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy rất nhiều những con cá thòi lòi chạy lăng quăng trong đất bùn. Cua, cá, tôm ở đây rất nhiều. Người dân Cà Mau ngày nay làm giàu nhờ tài nguyên phong phú về hải sản đủ loại. Ngoài ra Cà Mau còn là một thảm thực vật với nhiều loại cây như: đước, mắm, vẹt, bần, dá, su, cóc, dà, chà là, dương xỉ, dây leo…

Chùa Sà Lôn hay Chén Kiểu photo trinhthanhthuy/trẻ


Hệ sinh thái ở đây rất đa dạng. Hướng dẫn viên giảng giải về sự hình thành và mối liên hệ của cây đước và cây mắm. “Mắm trước, đước sau, tràm theo sát” là sự sinh sôi, nảy nở của cây rừng trong vùng ngập mặn này. Cây mắm là cây phát triển đầu tiên sau đến cây đước, rồi tràm mới tiếp nối như một thế hệ cha ông để tạo nên khu rừng trên vùng đất bồi gọi là “Đất Mũi Cà Mau”. Mỗi năm, nhờ phù sa bồi đắp, vùng đất Bãi Bồi lấn thêm ra biển gần 100 mét. Đất lấn biển tới đâu thì rừng cũng đi theo tới đó, làm cho đất nước ta thêm dài.

Đứng ở đây trên vùng đất bồi lồng lộng gió nhìn màu phù sa hung đỏ pha lờ lợ trong màu xanh của biển, lòng tôi dâng lên một nỗi cảm hoài. Đất bồi phía Nam thì ít, mà đất thịt ở đầu miền Bắc thì cứ mất dần vì Trung Quốc đã và đang hăm he lấn đất, tôi thấy bùi ngùi và thương đất nước mình quá.

 

- Trịnh Thanh Thủy

No comments:

Post a Comment