Thursday, July 25, 2024

Di Cư 1954 - Đỗ Duy Ngọc


Ngày này cách đây 70 năm, gia đình tôi chuẩn bị di cư vào Nam. Hồi đó nhà tôi ở Đồng Hới, di cư bằng máy bay chứ không đi tàu há mồm như những người ở miền Bắc.

Trong trí nhớ của tôi, chẳng có một hình ảnh nào của chuyến bay đó vì lúc đấy tôi còn nhỏ, chỉ mới có mấy tuổi. Bay vào Quảng Trị, sau đó vào Huế rồi vào Đà Nẵng ở đó mấy chục năm.

Hồi mới lớn, tôi thấy trong tủ sách của Ba tôi có một tờ báo với một bài phóng sự của một phóng viên người Pháp, trong đó có một đoạn phỏng vấn ba tôi kèm hình chụp gia đình tôi cạnh chiếc phi cơ. Ba tôi mặc veste trắng, anh tôi và tôi đội chiếc mũ phớt, mặc áo khoác màu sáng. Mẹ tôi mặc áo dài và chị tôi mặc đầm chân mang sandale. Hình ảnh đó chứng tỏ chuyến đi được chuẩn bị rất chu đáo chứ không có gì gấp gáp.

Tôi nhớ trong ảnh mặt tôi ngu ngơ lắm, hình như là ngạc nhiên trước khung cảnh mới và chưa hết ngỡ ngàng vì lần đầu tiên được đi phi cơ. Lúc này gia đình tôi chỉ có 5 người gồm ba mạ và anh Hai, chị tôi và tôi. Đến năm 1972 có đến 10 người con không kể 4 người đã mất. Sau này nhà tôi chuyển nhà cũng là lúc tôi bắt đầu quan tâm đến tờ báo đó thì tôi không tìm thấy nữa. Chắc nó đã thất lạc khi gia đình tôi dọn dẹp để thay đổi chỗ ở.

Tôi rời quê khi tuổi còn bé, ký ức về quê nhà tôi chẳng nhớ rõ. Chỉ nhớ hồi vào ở Huế gần dốc Nam Giao, tôi ngồi trên xe đẩy bị lao xuống dốc giờ vẫn còn vết sẹo trên đầu. Mười mấy năm ở Đà Nẵng, tuổi thơ tôi lớn lên ở đó, nhiều kỷ niệm khắc ghi cũng ở đó, ký ức một thời của lứa tuổi mới lớn cũng đều ở đó nên lắm khi người ta hỏi quê quán, tôi thường trả lời là Đà Nẵng. Ở Đà Nẵng thời ấy cũng có nhiều người quê Quảng Bình di cư vào. Phần đông là người Công Giáo khu Tam Tòa. Vào Đà Nẵng họ cũng gắn bó nhau và thành lập khu Tam Tòa ở Đà Nẵng.


Theo tư liệu, cuộc di cư 1954 đã có hơn một triệu người vào Nam. Đã có nhiều hình ảnh ghi lại cuộc di cư có một không hai này. Tuy nhiên, rất ít bài viết về việc này ngoài những bài viết của các nhà văn, nhà báo, nhà thơ thể hiện tâm trạng nhớ nhung về nơi chôn nhau cắt rốn mà họ đã lìa xa. Nỗi nhớ đó thành thơ, thành nhạc nhưng thiếu những bài phóng sự ghi lại cuộc di cư đặc biệt này.

Đa số người miền Bắc đều đi vào miền Nam và nhà nước non trẻ của chính phủ Ngô Đình Diệm đã bố trí cho họ vào những khu vực ven đô, một cách để ngăn ngừa sự xâm nhập của những người hoạt động Cộng Sản. Gia Kiệm, Phương Lâm, Biên Hòa...Hố Nai, Xóm Mới, khu Ông Tạ được hình thành trong giai đoạn này. Những người di cư đã mang lại cho miền Nam một luồng không khí mới trong văn học, nghệ thuật cũng như trong sinh hoạt xã hội.

Ổn định được hơn triệu người di cư trong một thời gian ngắn là công lao của chế độ Đệ nhất Cộng Hòa. Và người di cư đã đạt được nhiều thành tựu trên nhiều lãnh vực trong khoảng 20 năm từ 1954 đến 1975. Từ một triệu người, giờ đây con số của các gia đình di cư chắc đã hơn 10 triệu. Sau 1975 họ được gọi là Bắc Kỳ 9 nút để phân biệt với Bắc Kỳ 2 nút là những người miền Bắc vào Nam sau 1975.


Đã 70 năm. Ngày này bây giờ ngoài những gia đình di cư còn nhắc lại với cháu con, báo chí nhà nước không đả động tới. Đất nước đã thống nhất, con sông Bến Hải, cầu Hiền Lương không còn là nhát dao chia cắt. Nhưng sao lòng người vẫn cảm thấy chia xa. Chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:

"Ở xứ chim không di cư, người phải di cư

Lưu vong chính trên mình Tổ quốc".

Lòng bỗng xót xa.


ĐỖ DUY NGỌC 20.07.2024

https://haingoaiphiemdam.com/a63938/do-duy-ngoc-di-cu-1954

1 comment: