Friday, October 25, 2024

Sinh Tử Một Kiếp Người - Sỏi Ngọc



Lá vàng đã lắm lần trôi

U buồn đã lẫn thở dài đi qua
Lệ nhiều đã giết ngày thơ,
Môi hồng sẽ nhạt, má tơ phai đào
Còn gì nữa mà đổi trao
Cho người đuổi những mơ cao không trùng

(Mười hai bến nước-Nguyễn Bính)


Mỗi lần ngồi học bài buổi tối, nhìn qua căn ấp (chung cư) đối diện, tôi đều thấy căn phòng của bà Sáu mẹ chị Thương mở đèn sáng trưng, đến hai ba giờ sáng, cũng vẫn thấy dáng bà còng lưng bên bàn máy may; bà làm việc full time trong hãng may ban ngày, đêm lại cong người trước bàn máy công nghiệp để tạo nên những chiếc áo dài cưới có một không hai trong cộng đồng người Việt. 

Những cô dâu mới được truyền tai, đều tìm đến bà Sáu để nhờ chính tay bà may áo mới chất lượng đẹp, bà tỉ mỉ kiên nhẫn đơm từng hạt cườm, đây cũng là niềm đam mê khi ngắm những cái eo con kiến và sự hài lòng của những bậc phụ huynh của các cô dâu tương lai trước ngày cưới. Bà là người thợ may áo dài đầu tiên tại Montreal nên được nhiều người biết đến, chẳng bao lâu căn ấp của bà được trang trí với những nội thất rất nghệ thuật để đón tiếp khách may đồ đến từ khắp nơi.

Chúng tôi là hàng xóm khá thân của nhau trong cùng một « building » cao tầng, gồm cả trăm căn ấp. Từ ngày định cư đến Canada, thành phố Montreal, chính phủ cấp cho chúng tôi mỗi gia đình tùy theo số người, một ấp gồm hai phòng ngủ rộng rãi, một phòng khách, một cái bếp nhỏ; ban đầu họ cho ở không tốn tiền ba tháng đầu, khi có việc làm là phải trả tiền mỗi tháng, nhưng số tiền mướn chỉ là tượng trưng để giúp cho người di cư có chút vốn tậu đồ đạc trong nhà, sắm sửa quần áo, mua xe cộ đi lại…  

Tôi biết gia đình chị Thương gồm hai mẹ con, ngày ấy bà Sáu chưa nhiều tuổi lắm, chỉ trên 40, bà chưa từng bước ra đường kiếm tiền bao giờ hồi còn ở quê hương, thế mà từ ngày đặt chân đến Canada bà đã phải đi làm, ban đầu lau nhà, dọn dẹp rác trong những shopping mall, sau này bà có chút vốn liếng về tiếng Pháp, bà xin được vào hãng may; bà làm cực nhọc để nuôi con gái đi học, bà muốn chị sau này sẽ bớt khổ, sẽ làm một chức vụ nào đó kha khá để khỏi uổng công bà đã mang nặng đẻ đau, bị nhà chồng ruồng bỏ từ khi biết bà mang bầu là con gái; rồi bà và chị đã phải vượt biên chết đi sống lại khổ sở trên biển cả, bao nhiêu khổ cực oan trái bà đã từng cầu xin Trời Phật để bà gánh vác thay con, để con gái có một cuộc sống thật nhàn nhã, sung sướng sau này. 

*** 

Thời gian trôi qua nhanh như thoi đưa, những người ở cùng một « building » từ từ ăn nên làm ra, người mua nhà, kẻ đổi đi làm ăn chỗ khác, chỉ còn lại gia đình tôi và bà Sáu vẫn mãi ở cái building này vì giá bèo, nếu dọn ra ngoài thì sẽ không bao giờ tìm được một cái ấp rộng rãi với giá này nữa.

Chị Thương học xong lớp 12, như ý nguyện của mẹ, chị lập gia đình với một người Hoa, có chức vụ cao trong chính phủ; chị là người con gái xinh đẹp mảnh khảnh và duyên dáng nên rất nhiều anh theo tán tỉnh; chị đã yêu và lấy anh Chen, hơn chị 5 tuổi trong số những người theo đuổi chị. Ngày chị dọn ra theo chồng, hai mẹ con ôm nhau khóc từ biệt mà chúng tôi tưởng chừng như sự chia ly mãi mãi không bao giờ gặp lại!

Tôi nghe chị Thương nói với mẹ:

- Mẹ! hãy cẩn thận, chăm sóc bản thân, nhớ ngủ sớm đừng thức khuya quá nhe mẹ, mẹ đang có bệnh trong người, phải nghỉ ngơi nhiều hơn. Con sẽ tìm cách để mẹ con mình đoàn tụ.

- Mẹ rất mong ngày ấy! Con hãy ráng giữ sức khỏe, có gì điện thoại về cho mẹ biết.

- Con sẽ nói chuyện với anh Chen để đón mẹ về ở cùng với con… Con không yên tâm khi thấy mẹ vò võ một mình.

 Quay sang tôi, chị nói:

-Thi thoảng em chạy qua thăm mẹ chị, xem bà có cần gì thì em giúp hộ nhé, chừng tháng sau chị sẽ về lại.

*** 

Đêm nào cũng như nhau, tiếng máy may chạy sè sè bên nhà đối diện làm tôi không thể nào không nhìn sang. Tiếng ho của bà ngày càng rõ, mỗi ngày một nhiều nhất là về đêm. Bà ôm ngực, ngồi gục xuống đất, tôi vội vàng khoác chiếc áo ấm, chạy qua xem bà ra sao:

- Bác Sáu có sao không? Để con đỡ bác ngồi lên ghế rồi uống chút nước gừng nhe.

Tôi giúp bà đứng dậy, bà tiếp tục ho, ho như xé phổi, tôi đưa tay vuốt ngực, đưa ly nước vào môi bà, nước chưa kịp vào miệng thì bà lại gập người xuống ho như muốn văng luôn mấy chiếc xương sườn còn lại dưới lằn da mỏng manh nhăn nhúm. Tôi chậm những dòng nước mắt nước mũi trào ra cả mặt khi bà vừa ngưng ho, lo lắng :

- Bác Sáu có đi xem bác sĩ chưa vậy? bác sĩ có nói bệnh bác ra sao không? … cháu thấy bác ho nhiều quá như thế, để lâu sợ trở bệnh nặng thêm.

- Bác có đi xem rồi con, họ nói bệnh ho này khó chữa lắm, với lại …phổi bác có một vết nám…À mà bác nói con biết thôi nhé, đừng cho con Thương biết làm gì, nó lo mất công, con người chẳng ai qua được cửa tử!

- Bác Sáu sao bi quan vậy, phải nói cho chị Thương biết để chị ấy lo chạy chữa cho bác; sống bên Canada chứ có phải bên Việt Nam đâu mà bác sợ tốn tiền hay không có bác sĩ giỏi…

- Ờ… ờ để bác suy nghĩ lại rồi xem sao, nhưng con đừng nói cho nó biết nhe!... Nó mắc lo cho chồng và con gái nó, nó không có đủ thì giờ cho bác đâu!

- Hồi đó con nghe bác nói sẽ đến nhà anh chị ấy ở, nuôi giữ con bé luôn mà? Vậy mà cũng đã bao năm trôi qua rồi…bác vẫn một mình...

- Chắc không được nữa đâu con!

- Sao vậy bác?

- Bác không muốn làm gánh nặng cho nó! Con thấy bác phải đi làm, nhận đồ may mỗi đêm là hiểu rồi, mình nuôi con không sao, chứ nhờ con khó lắm!... Với lại nó cũng có nỗi khổ riêng của nó. Mình muốn cho con sung sướng hạnh phúc thì bây giờ còn phân bua gì nữa! 

Tôi nhìn bác Sáu thật ái ngại, bác chưa lớn tuổi lắm, nhưng da mặt sạm và nhăn, chứng tỏ bác chẳng bao giờ có thì giờ săn sóc bản thân mình, bệnh ho của bác dai dẳng từ khi mới qua đây cũng hai chục năm rồi mà chẳng bao giờ dứt, lúc đầu vì đi làm, sợ nghỉ sẽ không có lương nên bác cố chịu đựng, sau này thì bác có đi khám bệnh nhưng lúc đó phổi bác đã có vết nám nhỏ, từ từ lan ra nhanh mà chẳng ai để ý tới.

  

Mỗi lần hai vợ chồng chị Thương về thăm bác cùng với con bé cháu ngoại, tôi thấy anh chồng thả chị và cháu bé xuống xe vào nhà mẹ, anh hẹn chị đến giờ sẽ tới rước để cho chị tha hồ tâm sự với bà. Nhưng thật ra anh ấy muốn tránh vào nhà, vì có một lần anh đã lên tiếng chê nhà bà hôi mùi dầu ăn, mùi nhà cũ khó chịu, bị dị ứng, chỉ muốn đứng bên ngoài chờ vợ con ra.  

Để cho mẹ đừng lo, chị kể gia đình chị rất hạnh phúc, chồng rất chăm sóc yêu thương chị. Con bé Thi ngoan ngoãn, 8 tuổi hồn nhiên chạy quanh bà ngoại kể đủ thứ chuyện cho bà nghe. nó ôm cổ bà ngoại hỏi một cách ngây thơ :

- Bà ơi, sao giường bà lại để xuống đất nằm vậy? Sao không kê cao như giường nhà cháu? Bà không sợ con kiến hay con bọ nào đó bò vào trong lúc mình ngủ sao?

 Chị Thương giải thích cho con nghe:

- Con biết không! hồi mới tới định cư tại Montreal này, chính phủ cấp cho bà ngoại và mẹ căn ấp này, lúc đó vô nhà trống trơn không có gì cả, phải lót quần áo ngủ dưới đất, rồi qua hôm sau đi vòng quanh các building gần đây thấy họ dọn nhà vứt rất nhiều đồ tốt như tấm đệm này cùng với nhiều chén bát còn tốt mà những nhà khá giả không dùng nữa, họ để ngay đống rác trước nhà, mẹ và bà ngoại đã hì hục khiêng tấm đệm này về lau chùi cho hết mùi hôi của rác rồi trải tấm vải sạch lên nằm, thế mà đã hơn 20 năm rồi! 

- Sao bà không thay chiếc giường mới ngủ cho sướng?

- Thôi, cái gì thay cũng được, nhưng chiếc giường này có mùi quen rồi… bà ngủ vậy cũng được con, mình chỉ cần một chỗ nhỏ thôi, nhắm mắt lại chả thấy gì nữa, cần gì xấu với đẹp! 

 Chị kể lể với mẹ:

- Căn nhà của tụi con ở rộng rãi, một mình con phải làm vệ sinh từ tầng trên xuống dưới mỗi vài ba ngày một lần, anh Chen rất sạch sẽ, kỹ tính, không muốn ai đến nhà chơi cả, mất công họ đem giầy dép vào dơ nhà, mình lại khó nói. Ngay cả ba mẹ ảnh muốn đến ở với chúng con cũng không được ảnh tán thành vì ảnh nói ba mẹ ảnh vô ở rồi sau này con cũng sẽ lấy cớ đó đem mẹ về nuôi! ảnh không muốn con bé sẽ bị ảnh hưởng của sự dậy dỗ cổ xưa của ông bà nội, ngoại; rồi vợ chồng con lỡ khi canh không lành cơm không ngọt thì ông bà lại tham dự vào khuyên răn… từ từ sẽ mất lòng nhau, chi bằng cứ ở xa, khi rảnh đến thăm nhau là được.

Tôi thấy sự hy vọng sẽ rời khỏi cái ấp cũ kỹ này của bà Sáu đã tan biến, khuôn mặt đang tươi vui của bà bỗng chốc thất vọng, tối sầm lại, bà chỉ có một đứa con gái, tất cả đều đặt hy vọng vào nó, sướng khổ gì cũng vì nó. Chỉ một vài phút sau, tôi nghe bà trả lời thông cảm với chị Thương:

- Ừ tính vậy cũng phải, mẹ ở đây một mình rộng rãi, tự do lắm, ăn uống không bao nhiêu nên cũng ít tốn kém, khách khứa đến may đồ hoài, quen rồi cũng vui… Nếu về đàng nhà con thì mẹ sẽ không có gì làm chắc buồn lắm! Thôi không sao… con cứ lấy trái cây trong tủ lạnh về cho cháu bé ăn… Con cũng không đi làm nữa, vậy cầm ít tiền mà mẹ đi làm và làm thêm ban đêm mà dùng nghe, mua đồ mới cho cháu đi học….

- Mẹ! mẹ cũng phải giữ mà dùng chứ, sao cho con nhiều thế?

- Mẹ có cần mua bán gì đâu, mẹ đầy đủ hết rồi, đồ đạc mới cũng chẳng cần mua thêm, cho con tiền, mẹ sẽ làm ra tiền khác, có gì đâu mà lo. Còn con nào là tiền ăn, tiền điện nước, lo cho con bé đi học, mua sách vở mỗi năm cho con bé, dùng nhiều thứ lắm, chả lẽ cứ xòe tay xin tiền của chồng hoài, người ta khinh cho.

Chị ôm lấy mẹ, nước mắt ngắn dài :

- Con cám ơn mẹ đã hiểu cho con, mẹ đã không trách con không đón mẹ về ở chung mà còn cho con và cháu tiền bạc nữa, những đồng tiền này con biết mẹ làm lụng khổ sở, rất nhiều công sức, mẹ cho con cho cháu rồi sau này lỡ cần thì sao hả mẹ?

- Ôi con không lo đâu, trời sanh trời dưỡng mà, về đi …yên tâm sống và nuôi con cho thành người là trả hiếu cho mẹ rồi.

Bà xua tay làm dấu cho con gái và cháu ngoại mau mau ra cửa, để khi khép cửa lại sau lưng, tôi thấy bà còng lưng ôm lấy ngực ho xù xụ như bù lại mấy tiếng đồng hồ  vừa qua bà đã cố nín! Thấy tôi ngồi yên nơi bàn, nghe hết chuyện, bà phân trần:

- Hứa với bác con không được nói gì với con Thương nghe không, bác biết nó có nỗi khổ riêng của nó mà, chồng nó là người Hoa, không muốn vợ mình đi làm vì tính hay ghen bóng ghen gió, muốn nó ở nhà làm việc nội trợ, trông con. Những công việc không tên thì nhiều vô số, bác không muốn đến nó ở lại làm vợ chồng nó cắn đắng vì mình, chồng nó đã từ chối ba mẹ ruột của chính mình rồi, thì làm sao có thể chấp nhận người mẹ vợ này nữa chứ! Thôi kệ, mỗi người một kiếp con à…


Tuy nói thế nhưng bà vẫn không thể nào xóa được nỗi buồn, sự tủi hờn cho hoàn cảnh cô đơn của mình. Bà lẳng lặng đi làm, trầm ngâm suy nghĩ, ít ăn, thi thoảng lại thấy bà gục đầu trên bàn máy tủi thân từng giọt nước mắt lã chã ướt cả cái mặt bàn; sự buồn khổ và chán nản về cuộc đời âm ỷ làm bà bị bệnh trầm cảm, tự giấu mình trong nhà, không muốn gặp ai, từ chối nhận đồ may, ngay cả với tôi mỗi lần đến thăm đem đồ ăn ngon cho bà. 

Tôi phải vào ngồi nói chuyện với bà rất nhiều để dụ bà cùng ăn cơm với tôi, tiếng ho của bà không còn trong trẻo như xưa mà ngày càng dầy đục, bà than mệt đau ngực và không muốn ăn cơm.  

Chị Thương vẫn sống một cuộc sống nhẹ nhàng bên chồng con chẳng hề hay biết mẹ mình đang mang bệnh phổi nặng và trầm cảm. 

*** 

Cho đến một hôm tôi đang ngủ, khoảng 2 giờ sáng, nghe tiếng ồn ào la ó chói tai vọng vào; bật dậy, thấy mấy chiếc xe cảnh sát và xe ambulance bật đèn xanh đỏ nhấp nháy ở tầng đất, dân chúng bu quanh, đang chưa hiểu chuyện gì xảy ra, đã thấy ở căn ấp đối diện, một cô cảnh sát đang dìu bà Sáu đầu tóc rối bời bước ra khỏi nhà. Tôi hốt hoảng, xỏ đại đôi giày chạy qua hỏi người cảnh sát:

- Sao …cô lại bắt bà về đồn vậy?

- Cô là ai? Có quan hệ gì với bà này?

 - Tôi xin lỗi, tôi là người hàng xóm thân nhất của bà, xin cô hãy cho tôi biết có chuyện gì được không?

- Bà này có con cái hay người thân gì không?... Cô hãy theo tôi về nhà thương cái đã! 

Tôi theo xe cảnh sát đi như cái máy, lo lắng hỏi lại:  

- Về nhà thương? Tại sao?

- Bà đã leo lên thành lan can, muốn tự vẫn!

Tôi hốt hoảng, chưng hửng, dựng cả tóc gáy, chưa tin vào đôi tai mình, lắp bắp:  

- Bà Sáu…bà Sáu muốn nhảy lầu tự tử sao?

 - Phải rồi, may mà có người thấy gọi chúng tôi đến kịp thời…Tôi nghĩ bả bị bệnh, nên bây giờ tất cả chúng tôi muốn đưa bà vào bệnh viện rồi hạ hồi phân giải!


Tôi theo vào ngồi phía sau xe ambulance cùng với bà Sáu, nhìn bà thật thảm hại, cái búi tóc thường ngày cuộn gọn ghẽ sau ót, nay rối bời thành một mảng, cặp mắt cụp xuống tránh tia nhìn mọi người, như một đứa con nít làm lỗi, sợ bị la mắng; một tràng ho như xé phổi vang lên, bà mệt lả quẹo đầu sang một bên, tôi gọi nhỏ:  

- Bác Sáu! Bác Sáu! Nghe cháu nói không?  

Bà ngẩng đầu lên nhìn tôi, cặp mắt ngây dại: 

- Tôi đang ở đâu vậy? 

- Con sẽ đưa bác vào bệnh viện… 

- Tôi không muốn sống nữa, tôi làm phiền con cái quá, nếu không có tôi thì cuộc đời nó sẽ nhẹ gánh hơn rồi, vì tôi mà con tôi cứ phải bận rộn... Tôi chỉ muốn chết thôi… 

 Rồi bà hét lên bất thình lình: 

- Không! không! tôi không có bệnh gì hết, tôi không vào bệnh viện đâu!... Đừng nói gì cho con gái tôi biết nhé, tôi van lạy mọi người đừng nói gì cho con tôi biết cả, hãy để cho nó sống yên lành, đừng xáo trộn cuộc sống của nó! Tôi chịu được mà… 

Bà vồ lấy tôi, cong người dưới chân: 

- Con… hứa với bác, khi bác hấp hối, hãy để bác ra đi, đừng gọi bác sĩ, đừng gọi xe cứu thương, bác sống đã đủ rồi, bác không cần ai đưa mình sau quan tài đâu… Sống còn không muốn thấy mặt nhau thì khi chết cần gì thăm hỏi!... Hãy thiêu bác rồi rải tro ra ngoài biển để cho bác trở về với cát bụi nhe… 

Nói một lúc rồi mệt quá, bà xỉu trên vai tôi.


Một bác sĩ tâm lý đã nói với tôi:

- Có những người mẹ sống hết lòng vì con cái một cách thái quá, cả đời hy sinh nuôi con ăn học, dựng vợ gả chồng rồi lo lắng luôn cả hạnh phúc tương lai của chúng; lo sợ mình là gánh nặng, gây phiền phức cho con cái, ít tiếp xúc với bạn bè, nên lâm vào bệnh trầm cảm lúc nào không hay. Chỉ có một cách chữa trị duy nhất là người thân phải ở gần bà trong mọi sinh hoạt thường ngày thì mới giúp bà khỏi bệnh trầm cảm này; nhưng có vẻ đây là một đòi hỏi khó thực hiện!

 

Sau khi chẩn đoán, nhà thương đã giữ bà Sáu lại vì ngoài bệnh trầm cảm ra, bà còn bị ung thư phổi nặng nữa. Tôi bắt buộc không thể giấu chị Thương, và gọi chị vào để gặp bà.


*** 

Bà Sáu cuộn mình ngồi im trong góc phòng của nhà thương, bà không muốn uống thuốc cũng chẳng muốn ăn hoặc nói chuyện, gặp ai bà cũng la hét đuổi thẳng tay: 

- Cút hết ra đi! Tôi không cần ai chăm sóc cả, tôi không có bệnh gì hết, hãy để tôi về nhà, tôi phải may áo vì đến ngày giao rồi… 

Bỗng nhiên, bà đứng dậy ném hết những đồ đạc xung quanh xuống đất; bà chỉ nhẹ nhàng và chẩy nước mắt khi gặp chị Thương vào thăm bà mà thôi.


Chị Thương đã theo chồng từ 10 năm nay, chỉ về nhà thăm mẹ khi anh Chen cho phép, nay vì bà bệnh nặng, chị bỏ mọi công việc nhà đến chăm sóc cho mẹ ở bệnh viện từ sáng sớm đến tối mịt thì bị chồng nhiếc mắng, không vừa lòng mỗi khi về nhà trễ không có cơm sẵn. Cuộc sống gia đình trở nên nặng nề khó sống, cho đến một ngày chồng chị bỗng gằn giọng:  

- Một là chọn gia đình này, hai là chọn mẹ, nếu em cứ suốt ngày vào nhà thương chăm sóc bà, bỏ bê gia đình này thì hãy ký vào đơn ly dị đi!

Chị tưởng anh nói chơi, nhưng không! khuôn mặt anh thật lạnh lùng, anh không hiểu lòng chị đang xáo trộn như thế nào sao! Vào hoàn cảnh khó khăn mới biết lòng người, anh là người chồng ích kỷ, chỉ muốn vợ phải hầu hạ mình, chứ không hề đếm xỉa đến gia đình cô ta có hoàn cảnh sống ra sao. Chị đau buồn không muốn to tiếng làm gì nữa vì đã quá hiểu con người của anh qua 10 năm chung sống; lẳng lặng ký vào đơn ly dị và dắt con gái ra khỏi nhà, đến thẳng nhà thương với mẹ. 

Chị ôm mẹ khóc:

- Mẹ ơi, hãy tha lỗi cho con, hãy thứ lỗi cho đứa con gái ngu muội bất hiếu này, bây giờ con mới hiểu cuộc đời ra sao, chồng có thể lấy người khác, nhưng mẹ thì chỉ có một trên cõi đời này mà thôi! Tại sao con lại nhìn không ra để đến bây giờ mẹ ra nông nỗi này. Con thật bất hiếu! Xin lỗi mẹ! 

Từ hôm ấy, chị ở trong nhà thương giúp đỡ mẹ ăn uống, làm vệ sinh, dìu mẹ ra sân sau của bệnh viện ngắm cảnh, tắm nắng; hai mẹ con có dịp tâm sự thật nhiều chuyện. Dần dần bà bớt bệnh trầm cảm, nhưng bệnh ung phổi của bà ngày càng khó chữa. Bác sĩ nói bà không chữa trị từ cả 20 năm nay mà sống được đến bây giờ thì thật là một phép màu!  

Bà đau đớn mỗi lần ho, cả người quắp lại, khuôn mặt nhăn nhúm, nước mắt nước mũi ràn rụa làm chị cũng không thể nào chịu đựng nổi, ôm lấy bà như sẵn sàng gánh bớt sự dầy vò ấy.  

Bà thều thào nói với chị trong hơi thở: 

- Nếu cuộc sống này thật đẹp, có chất lượng thì sống lâu để hưởng đời, còn nếu khó khăn đau đớn quá, mẹ xin chọn cách ngừng lại đây! Nếu có sống thêm vài ba năm nữa cũng chỉ làm cho các con khổ sở lo lắng thêm cho mẹ, không những vậy, mẹ cũng hành hạ chính bản thân mình. Còn nếu mẹ dừng ở đây thì tất cả như được giải thoát thật nhẹ nhàng. 

- Không đâu, mẹ không hề làm phiền gì con cả, con tự nguyện đến chăm sóc và ở bên mẹ mà, nếu không có mẹ, con sẽ rất buồn, rất đau khổ… Mẹ còn trẻ, họ sẽ làm hóa trị cho mẹ, mẹ sẽ khỏi… Mẹ đừng bỏ chúng con! 

- Mẹ biết… mẹ sống không lâu nữa, sống đau đớn chịu đựng dằn vặt như thế thì làm sao vui? Hãy hiểu cho mẹ, cho mẹ xin lỗi con và cháu Thi, hãy để mẹ ngưng không chữa trị ung thư phổi nữa nhé… Mẹ xin con! Mẹ cầu xin con…

Chưa nói hết bà đã gục đầu ho, cơn đau xé lồng ngực làm bà ngất xỉu, chị Thương phải gọi bác sĩ chích “morphine” cho bà bớt đau. Để bà nằm trong phòng bệnh, chị ra ngoài cửa gục đầu vào lan can một mình nức nở khóc cho vơi nỗi niềm, thương cho cuộc đời không may của mẹ con mình, buồn cho đời vô thường quá! 

Chị mong sẽ nối nghiệp mẹ, sẽ nuôi con khôn lớn như mẹ đã từng hy sinh vì hạnh phúc của chị, chị sẽ có những người bạn tốt để tâm sự, giúp đỡ, cổ vũ nhau vươn lên, chị sẽ để con gái sống cuộc đời của nó, sẽ là người bạn thân, nhưng không mong về ở chung với con khi nó lập gia đình, chị muốn có một cuộc sống độc lập của riêng mình. 

Càng sống chị càng thấy cuộc đời này như đã được sắp đặt trước, sống chết chỉ cách nhau một ranh giới mỏng manh, có ai bảo chết là hết? 

Chị sẽ phải chấp nhận sự quyết định của mẹ, để mẹ được giải thoát, ra đi trong thanh thản, an lành! 

Sống chết cận kề trong phút giây
Ngay trong hơi thở, trút thân này!
Quay về Chánh niệm tan niềm tục
Lòng nhẹ nhàng vui trước đổi thay

(Thích Tánh Tuệ)

  

Sỏi Ngọc

Tháng Mười - 2024

No comments:

Post a Comment