“Dòng đời ngược xuôi,
Chúa ơi con biết về đâu, về đâu con đi tìm Ngài. Đi giữa chợ đời con bơ vơ, năm
tháng cuộc đời con ngu ngơ. Chúa ở nơi nào xin thương một đời lắng lo. Xin mở
mắt con hết u mê. Để con thấy Chúa trong mọi người, để con thấy Chúa trong cuộc
đời và để con thấy ngài trong chính cuộc đời của con.”
Ngồi một mình trong quán cà phê ở một góc của ngã tư đường quận Tân Bình, Saigon, tôi nhìn thấy từng đoàn xe, từng lớp người xuôi ngược và dập dìu kéo
nhau đi. Người đi hướng Bắc, kẻ đi hướng Nam, người về hướng Đông, kẻ về hướng
Tây; người thì đi học, người đi làm, người ra đi, kẻ thì ở lại. Mỗi người một
hướng đi, một nhu cầu, một ơn gọi và mỗi hoàn cảnh khác nhau. Thế nhưng, có bao
giờ bạn tự hỏi tại sao giữa dòng đời xuôi ngược lại có những chuyến đi như thế:
Đi để làm gì? Học được những gì? Đích điểm cuộc đời của bạn và tôi là gì? Mình
sẽ đi đâu, về đâu?
Dòng đời ngược xuôi với những yếu đuối của
kiếp người
Trước hết, giữa dòng đời xuôi ngược và phức tạp thân phận chúng ta mong manh và
yếu đuối. Mong manh ở sức khỏe, mạng sống, danh vọng, địa vị, tiền bạc vật chất
hay những thú vui hưởng thụ. Yếu đuối bởi những vấp ngã, sai lầm và tội lỗi trong
cuộc sống đời thường: lỗi những việc bổn phận thiêng liêng với Chúa, thiếu bác
ái với tha nhân, và dễ dãi với bản thân. Thế nên, một tác giả Công giáo đã cảm
thấu và cầu nguyện: “Xin cho con, sống trọn kiếp người giữa cuộc đời nổi trôi
và yếu đuối. Xin cho con yêu thương mọi người biết quên mình phục vụ anh em”
(Bài hát Cũng Một Kiếp Người).
Quả vậy, nếu đã là con người thì làm sao tránh khỏi những yếu đuối mỏng manh. Người
thì mạnh chỗ này nhưng lại yếu chỗ khác, mỗi người mỗi yếu đuối khác nhau,
không ai hoàn hảo bao giờ. Tại sao lại như thế, phải chăng thân phận con người
chỉ là cát bụi hư vô mà thôi? Vâng, chúng ta thường sai lầm, thiếu sót với
Chúa, với giáo xứ, gia đình và với những người anh em đang sống xung quanh mình.
Vẫn còn đó những chán chường, khô khan nguội lạnh trong đời sống đạo như ngại
đi lễ, không muốn đi xưng tội, lười biếng đọc kinh hôm kinh mai, ngại lần chuỗi,
hoặc không tham gia xây dựng giáo xứ. Vẫn còn đó những thiếu sót về bổn phận
quan tâm lo lắng, vâng lời và chăm sóc cha mẹ. Hay vẫn còn đó những thái độ vô
tâm hờ hững trước những mảnh đời bất hạnh đang sống xung quanh mình. Thật vậy,
có những lúc chúng ta sống buông mình theo những đam mê tội lỗi, sống không
định hướng được tương lai, và kéo theo đó là những lệch lạc trong suy nghĩ,
hành động. Cuộc đời và thân phận con người là thế, ai cũng có những yếu đuối và
hoàn cảnh của riêng mình.
Dòng đời ngược xuôi với biết bao những hoàn
cảnh đáng thương và mảnh đời bất hạnh
Anh tôi rất thích đọc tờ báo “Dòng Đời” được phát hành vào ngày thứ Hai và thứ Sáu
hằng tuần. Tờ báo này viết về những câu chuyện giữa đời thường: chuyện người
nghèo, chuyện hôn nhân, tình cảm lứa đôi, hay người thành công và thất bại,
chuyện về những người có tấm lòng nhân ái, hoặc những người sai lầm tuyệt vọng
trong cuộc sống v.v… Phải chăng mỗi lần đọc tờ báo ý nghĩa này cũng là lúc anh
tôi đọc lại chính cuộc đời của mình? Anh là người sống nội tâm, quý trọng và
hay giúp đỡ người nghèo khổ, và nhất là luôn khiêm tốn với mọi người. Càng trải
nghiệm cuộc đời anh càng cảm nhận vẫn còn đó biết bao những hoàn cảnh đáng thương,
những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống đời thường. Đó là những cụ già neo đơn
không ai chăm sóc, những em bé mồ côi lang thang đường phố, hay những gia đình
nghèo khổ, vợ chồng ly dị, ly thân sau nhiều năm chung sống không hạnh phúc.
Bạn thân mến, giữa dòng đời xuôi ngược mỗi người lựa chọn cho mình một hướng đi,
một ngã rẽ nào đó cho cuộc đời. Thế nhưng, dù cuộc đời có muôn vạn nẻo đường
thì có lẽ ai trong chúng ta cũng muốn đi tìm hạnh phúc cho đời mình. Vấn đề đặt
ra cho mỗi chúng ta: vậy hạnh phúc là gì? Tối thứ Hai, 08.10.2012 vừa rồi, ngồi
nói chuyện với hai người bạn ở một căn nhà đường Nguyễn Tri Phương, quận 10, Saigon. Tôi đặt câu hỏi với hai người bạn ấy thế này: “Con người hôm
nay nghĩ hạnh phúc là gì?” Một người bạn trả lời: “Khi người ta kiếm được thật
nhiều tiền để nuôi sống bản thân, lo lắng cho vợ con cái ăn cái mặc, làm những
gì mình thích như đi ăn uống, mua sắm, du lịch v.v… khi đó họ sẽ thấy hạnh
phúc.” Tuy nhiên, tôi hỏi tiếp: “Đằng sau của việc kiếm nhiều tiền còn một giá
trị nào khác hơn nữa không?” Hai người bạn dừng lại một lúc suy nghĩ nhưng không
trả lời được. Thấy vậy, tôi tiếp tục: “Tại sao Bill Gates làm từ thiện khi ông
có thật nhiều tiền? Phải chăng khi càng có nhiều tiền con người ta càng nhận ra
một điều gì đó giá trị hơn tiền?”
Dòng đời ngược xuôi: cần xác định đích điểm
cuộc đời mình là gì?
Tôi có một người bạn ngoại đạo, nhưng lại rất thích tìm hiểu về đạo, nhất là bạn
ấy rất thích đọc quyển Kinh Thánh và những quyển sách của Đức Giáo hoàng Bênêđictô
XVI như “Muối Cho Đời”, “Ánh Sáng Cho Trần Thế”, “Đức Giêsu Thành Nagiareth”.
Lần nọ, bạn ấy nói rằng: “Cái khó của phần đông con người hôm nay là không xác
định được cái đích cuộc đời của mình là gì?” Còn mỗi Kitô hữu chúng ta thì sao?
Bạn thân mến, giữa dòng đời ngược xuôi và nghiệt ngã, đôi khi ta không biết mình
đang ở đâu, đi đâu, về đâu, và mình sống trên đời này để làm gì như lời cố nhạc
sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi, đi đâu loanh quanh
cho đời mỏi mệt…” (Bài hát Một Cõi Đi Về). Phải chăng câu trả lời đã được Chúa
Giêsu khẳng định cách đây gần 2000 năm: “Thầy là Đường, là Sự thật và là Sự
sống” (Ga 14,6). Vậy mỗi Kitô hữu chúng ta cần phải làm gì để bước theo con đường
Chúa muốn, sống theo sự thật như Chúa dạy, và nhất là biết chọn Chúa làm lẽ
sống, làm cùng đích giữa dòng đời ngược xuôi hôm nay?
Nguồn: WGPSG
Hinh như bài viết của Tâm Phương na ná DIỄN Ý từ ý thơ của bài thơ ÁNH SÁNG CUỐI CHÂN TRỜI TÌM GẶP của thi sì Nguyễn Phan Thiên Hươngđăng trên báo Trái Tim Đức Mẹ năm 1985 và đã được Nhạc Sì Nguyễn Đức Thành phổ nhạc năm 1986
ReplyDeleteÁNH SÁNG CUỐI CHÂN TRỜI TÌM GẶP
Dòng đời xuôi ngược bến cô liêu,
Quạnh quẽ tình thu, khóc những chiều.
Man mác mây về giăng đỉnh nhớ,
Những cánh chim buồn trong tiếng kêu...
Ai oán nghe như tiếng của lòng,
Đôi bờ lặng lẽ những chờ mong,
Tay nâng kỷ niêm sầu rưng rức,
Lạc bước chân trần, xa nẻo xa...
Đi mãi và đi tận cuối trời,
Hồn nghe tiếng gọi của linh thiêng,
Bừng cơn- chợt tỉnh- Đời hư ảo...
Cửa mở tình yêu dẫn lối vào.
Ôi GiêSu, con đã gặp Ngài,
Linh hồn con ngất ngây,
Đắm say Ngài trong biển ái bao la,
Tình thiên thu tim rung động lồi ca,
Thơ vạn ý con chân thành cảm tạ.
Và từ đây con cất bước theo Ngài
Để biết sống, biết yêu là hạnh phúc
Thơ Nguyễn Phan thị Thiên-Hương
Phổ nhạc Nguyễn Đức Thành ( tác giả của nhac phẩm< Một Lần Niên Viễn Xót Xa>
Bài thơ thật tuyệt vời, ba khổ thơ đầu phảng phất triết lý Phật pháp, đời là hư ảo phù vân... Có lẽ như bạn nói, tác giả Tâm Thương đã lấy ý từ bài thơ này để diễn đạt nỗi hoang mang của một kiếp người. Cám ơn bạn đã ghé thăm và góp ý.
ReplyDeleteNPN