Giải Nhất VĂN - Văn Thơ
Lạc Việt tháng 11 năm 2013
(Để nhớ “Những tháng ngày không quên” …
Thân
mến tặng cho các chị cùng đợt thăm tù tại Cà Tum năm 1977)
Đôi mắt mở to, trằn trọc mãi vẫn không tài nào
dỗ được giấc ngủ, tôi nằm yên lặng ngó quanh căn phòng dành cho người lỡ đường
của ngôi Chùa nhỏ đơn sơ . Trong yên lặng, thỉnh thoảng một vài tiếng thạch
sùng tắc lưỡi không đủ làm khuấy động màn đêm.
Ánh đèn điện trên trang thờ bên góc tường đủ soi sáng cả không gian chật
hẹp , đồ đạc không có gì ngoài bộ ván gỗ
1m6, trên đó chật cứng bốn người lớn và hai đứa con nhỏ của tôi, nên mỗi lần cử
động hay trở mình rất khó khăn. Mỏi qúa, tôi nhè nhẹ bước xuống giường ra trước
bàn thờ , tay cầm nén nhang mà chẳng biết van vái điều gì, chỉ nghe nghèn nghẹn
nơi cổ họng và rồi những giọt nước mắt từ đâu bỗng tuôn rơi không kềm lại
được.Tôi đứng gục đầu trước trang thờ thổn thức, tưởng nhớ tới hình ảnh người
chồng thân yêu đang nằm “bệnh xá” cả tháng nay…
Giờ này chắc cũng khuya lắm rồi, mọi người
đang say ngủ bởi cả ngày di chuyển mệt mỏi. Kẻ từ Saigon , người từ miền Tây,
cùng gặp nhau xin tá túc qua đêm nơi này để sáng ra còn lặn lội mấy chặng đường
nữa , vừa đi xe vừa lội bộ mới tới được nơi người thân đang “cải tạo”. Đứa con nhỏ của tôi giật mình khóc, thằng anh
nó cũng mếu máo theo, tôi chạy lại ôm con vào lòng . Hai đứa bé hoảng hốt ôm
chặt mẹ khi nghe tiếng đập ầm ầm bên ngoài.
Vị Sư Cô tay cầm tràng hạt ra mở cửa. Như một
làn gió ùa vào trong, một cụ bà tóc bạc trắng, nét mặt và đôi mắt đầy nét kinh
hãi bế trên tay đứa bé trai chắc cũng trạc tuổi con trai nhỏ của tôi, cả hai
quần áo nhếch nhác và rách toạc nhiều chỗ lấm lem vết máu, vết bùn. Mọi người
choàng tỉnh ngủ hẳn, sợ hãi ngồi hẳn dậy bởi tiếng khóc la của hai bà cháu .
-“Chúng nó giết chết hết cả nhà con cháu tôi
rồi! trời ơi sao chúng nó ác qúa vậy, con cháu tôi có làm gì nên tội đâu ….!”
Bà cụ vừa kể vừa gào thét, vật vã tay chân.
Đứa bé cũng khóc la thảm thiết, những
vết rách trên da thịt đang rướm máu, khuôn mặt kháu khỉnh lem luốc. Thời gian
này hai chính phủ đang có cuộc xung đột nên bọn người từ bên kia biên giới Miên
Việt bất ngờ nửa đêm đã tràn qua tàn sát những người dân Việt vô tội để trả
thù. Gia đình ngoài bà còn có con trai, con dâu và 8 đứa cháu , tất cả là mười
một người. Bây giờ chỉ còn sót lại bà và đứa bé nhất này vì ngủ ở nhà sau. Khi
bọn sát nhân gõ cửa và đâm lưỡi lê sát hại từng người trong nhà, bà chỉ kịp ôm
cháu theo ngã sau, băng đồng ruộng, hàng rào, chạy thoát được tới đây…
Chúng tôi không cầm được nước mắt, vô cùng xót
thương cho hoàn cảnh của hai nguời , nhưng chỉ biết vỗ về an ủi. Không nói ra, ai cũng nặng lòng lo nghĩ tới cuộc hành trình
ngày mai.
Một lúc sau, bà cụ hầu như kiệt sức nên chỉ
còn rên rỉ nho nhỏ, Sư cô đưa hai bà cháu vào phòng trong nghỉ ngơi . Đồng hồ
điểm 1 giờ sáng, sự yên tĩnh trở về. Chị em chúng tôi nhìn nhau yên lặng, trong
lòng mỗi người ôm một nỗi ưu tư riêng. Trong đoàn người hôm nay chỉ mình tôi là
dắt theo con nhỏ, vì không nơi thân thuộc để gởi gấm nên dù đi bất cứ nơi nào
hoặc bao xa cũng tay ôm tay dắt mẹ bên con …
Các chị bạn thì thầm hỏi nhau có nên đi tiếp
hay trở về. Tấn thoái lưỡng nan, bởi người nào đến được Tây Ninh rồi cũng cố
ven vét tiền để mua thêm thứ này thứ khác đem vào trong tù cho chồng. Bây giờ
mang trở về làm sao thoát khỏi bọn “công an kinh tế”lục soát và tịch thu hàng
hoá, vừa mất của vừa bị chúng kết tội thêm phiền hà.Vì luật “miệng” đưa ra cho
tất cả mọi hành khách, cứ 2 kg mỗi thứ đều là “buôn lậu”. Phần tôi, lần thăm
nuôi này đã phải đem bán vài vật dụng trong gia đình để mua một số thuốc trị bệnh
ngoài chợ “đen”cho anh , tiền lương eo hẹp
cứ hai tháng mới được lãnh nên thiếu trước trả sau là chuyện thường. Bữa nay tạm có chút đỉnh để thăm chồng, hết
mấy buổi mua sắm sửa soạn, mấy đêm liền nấu nướng, chuẩn bị. Chả lẽ bây giờ lại
để bị tịch thu một cách vô lý, trong khi tự bản thân và hai đứa con nhỏ phải
tiện tặn từng chút biết bao ngày . Hơn nữa thiếu thuốc men thì sức khoẻ anh sẽ
ra sao ?!. Mà lần này nếu mất hết lấy đâu ra tiền để mua sắm lại. Nhưng…nếu cứ
đi tiếp thì làm sao vượt thoát nổi những hiểm nguy nếu có xảy ra !!!
Đầu óc rối tung, tay ôm con, lòng như tơ vò .
Tôi đưa mắt thẫn thờ qua các chị bạn, rồi cúi xuống hai đứa con thơ, mấy sư cô đang có mặt nhìn tôi áy náy , một
vị lên tiếng:
“Hay là cô để các cháu ở đây chơi,
nhà Chùa sẽ giữ săn sóc giúp cho đến khi nào cô trở về.! Dắt chúng theo tội
nghiệp lắm.”
Lời nói đầy tình nhân ái khiến tôi suy nghĩ,
nhưng làm sao yên lòng được. Vì chúng còn nhỏ qúa, vả lại hồi nào tới giờ hai
đứa chưa bao giờ xa mẹ một hôm nào, nhất là phải ở cả ngày, đêm với
những người lạ. Chúng sẽ khóc đến thành bệnh mất! Mà không biết chuyến đi bao
lâu mới trở ra được. Mấy chị bạn đã nhất định không trở về nếu chưa gặp được
chồng.
Lau khô những giọt nước mắt phân vân, “Một liều ba bảy cũng liều” Quyết định cuối
cùng là “Đi”! Mẹ đâu con đó! Tôi đành cám ơn vị sư cô đưa ra đề nghị vừa rồi.
Hành Trình Gian Nan
Chuyến xe lam chất đầy hành khách đưa chúng
tôi rời bến Tây Ninh từ sáng đến gần trưa thì vào đến “Càtum”. Đoạn đường phủ
mờ bụi và sóc mạnh nên mọi người cứ ngã chúi
lên nhau, đôi lúc đang đi bỗng xe nhảy dựng lên, đầu một vài người bị
dộng mạnh lên mui xe đau điếng. Chúng tôi cùng đùa với tên đặt cho địa danh và con đường đang đi
là “Cà Tưng”. Hai đứa con ngồi hai bên đùi khiến tôi tê dại cả người, căng
thẳng sợ con bị thương vì những va chạm
mạnh nên tôi càng thêm mệt mỏi. Một người thanh niên trẻ bên cạnh thấy vậy nên
đỡ giúp tôi cháu bé. Thằng bé không biết mệt cứ cười toe toét nhe mấy cái răng
sữa, ngọng nghịu nói đủ thứ. Dù chỉ biết mặt bố một lần từ lúc sinh ra gần hai
năm nay, chẳng hiểu đã nghe từ đâu mà bé đã biết nhiều chuyện về người cha vắng
mặt :
-“Chú biếc
Bố coong hông, coong i xăm (thăm) bố đó, Bố bị bộ đội bắc chù (t ù) zồi,
coong héc (ghét) bộ đội nắm ! Coong hương (thương)bố nắm…”
Mọi người phì cười , thằng bé thấy được chú ý nên càng ra sức
huyên thuyên. Không khí trên xe có những tiếng cười vui nên bớt căng thẳng mệt
mỏi, nhưng riêng tôi lại lo lắng với sự ngây thơ thật thà của trẻ thơ. Từ ngày vắng anh, ba mẹ con sống đơn
độc, khép kín, luôn lo sợ sự bất trắc xảy đến. Vì “tai vách mạch rừng” khiến
chỉ dám tiếp xúc với người cùng hoàn cảnh, nín lặng trước mọi điều bất công.
Trong cuộc sống eo hẹp khó khăn đã khiến một số nhỏ chị em không chịu đựng nổi,
hoặc bị bọn Công an , cán bộ dồn vào thế phải tùy thuộc chúng. Bọn chúng trong
tay đầy quyền hành, đem thủ đoạn mưu mô đối phó với những người đàn bà trẻ yếu
đuối, khờ khạo trong hoàn cảnh mới, liệt chúng tôi vào thành phần “gia đình
Ngụy có tội với nhân dân”, luôn rình mò , dòm ngó, đe nẹt . Chúng tôi phải bươn
chải khắp nơi, cố gắng vượt qua bao nhiêu cơ cực, đề phòng và né tránh bao cạm
bẫy hầu an toàn mang được miếng ăn bữa no bữa đói về cho con, cho gia đình. Chỉ
trông mong vào sự che chở của Phật Trời , của ơn trên để sống còn mà nuôi con
dại, cha mẹ già.
Riêng tôi, còn để thoát qua những cặp mắt đầy
ác tính đó, hàng ngày đã tự hóa thân thành một thiếu phụ lem luốc lôi thôi, dù
tuổi đời mới hai mươi mấy. Đầu tóc bù rối, áo quần luộm thuộm, lùng thùng với
chiếc nón rách tả tơi lụp xụp che khuất mặt mỗi sớm tối đi và làm về, hoặc khi
phải ra ngoài. Chỉ còn thêm ít … vết lọ nồi trét trên mặt nữa chắc người thân
yêu nhất cũng chẳng thể nhận ra!
Đôi lúc ngắm mình trong gương, tôi không biết
nên cười hay nên khóc !!
***
Cà
tum đây rồi, chiếc xe dừng lại nơi gọi là “bến “ ,chỉ lèo tèo vài chiếc xe chở
khách (loại xe máy có đóng thêm một khung gỗ đàng sau để chuyên chở ), rất đúng
nghĩa với tên được gọi là “Lôi” đứng bơ vơ giữa gió bụi vắng tanh. Chắc hành khách chỉ là những chị em đi nuôi
chồng hay thân nhân như chúng tôi. Vài con chó ốm tong teo lang thang quanh
những đống rác chí choé dành nhau tìm thức gì có thể ăn được. Lòng tôi như chùng xuống theo màu xám khung
trời… Đoạn đường đi tới còn dài, chúng tôi lại vội vã chia nhau lên từng chiếc “xe “.
Cứ hai người cùng với hàng hoá đi chung một
chuyến , chiếc xe ngộ nghĩnh ì ạch “lôi”chúng tôi ngã sấp ngã ngửa trên con
đường đất “sống trâu” gồ ghề ,sình lầy đầy những ổ gà ngập nước mưa sâu hoắm. Hai bên đường lác đác dăm mái nhà đơn sơ nửa
tranh, nửa tôn lụp xụp chen giữa những thửa ruộng cuối mùa, càng tăng thêm phần
tiêu điều của một vùng quê nghèo nàn, hẻo lánh. Thỉnh thoảng một vài người dân
địa phương chân đất ,quần áo nhếch nhác tay bế con nhỏ , cạnh mấy đứa bé trần
truồng đứng ngơ ngác nhìn đoàn xe kỳ khôi chúng tôi đi qua với đôi mắt tò mò. Bụi mù theo gió lốc xoáy lên cao rồi cuốn
tròn quanh đoàn người khốn khổ, mặt mũi chúng tôi đều lem luốc phờ phạc, tóc
tai xác xơ như những tên hề hoá trang vụng về sau đêm hát. Mọi người nhìn nhau
cười không ra tiếng!!
Đoạn đường tuy không bao xa nhưng cũng hơn 3
giờ chiều mới đến Bố Túc. Tên gọi mà chúng tôi chưa hề được nghe nhắc tới bao
giờ.
Từ đây , vì không có xe nào chịu chuyên chở giúp nữa, nên chúng tôi phải gồng gánh lội bộ
6 km đường đất mới tới được nơi để ngủ qua đêm . Đến lúc này ai nấy đều uể oải
cả ,nhưng đành phải cố gắng. Một tay bế đứa con nhỏ, trên lưng là chiếc balo
căng phồng nặng trĩu đến còng gập cả người, còn tay kia thì kéo lê chiếc bao 50 kg chật cứng. Đứa con lớn mới hơn bốn tuổi
của tôi nắm áo mẹ lúp xúp bước thấp bước cao chạy theo sau, nhưng làm sao hơn
khi tôi cũng gần như kiệt sức với số
hàng hóa đang mang trên lưng, trên tay. Tôi nhủ thầm tiếng xin lỗi với con và
nói nhỏ : “mẹ con mình cố lên chút nữa rồi sẽ được gặp bố nghe con” Bé nhìn mẹ
mếu máo không dám khóc, nhưng nước mắt tôi thì đã chan hoà từ bao giờ...
Những bóng người lem luốc nặng nề lê bước bên
nhau trong ráng chiều hiu hắt, không ai còn đủ hơi mà chuyện trò nổi. Vài tiếng
qụa kêu vọng lại càng tạo cho bầu không khí thêm thê lương. Bầu trời càng lúc
càng xuống thấp hơn, đám mây vần vũ trên trời như đe doạ cơn mưa ập tới bất ngờ
. Mẹ con tôi cố gắng lắm nhưng vẫn bị bỏ lại đàng sau một đoạn xa dù các chị
bạn cố tình đi chậm lại để chờ.
Vừa đi vừa nghỉ rồi
cũng đến được đích khi hoàng hôn đã bao phủ nhạt nhoà cảnh vật. Những người dân thật thà chất phác rất nhiệt
tình giúp đỡ. Sau khi lo cho hai con tắm
và ăn uống xong, soát lại trong túi chỉ chừa đủ tiền xe cho chuyến về, tôi bắt
chước họ, mua thêm con gà, luộc chín. Nấu miếng xôi để mai mang vào cho chồng
xong tôi định đi nghỉ. Ngày mai còn phải khởi hành sớm vì từ đây đi tới cổng
trại cả 4 km đường cũng mất nhiều thời gian. Họ sẽ nhận
đơn lúc 9 giờ sáng, cỡ 11 giờ là được
thăm.
Đọan Trường
Trời khuya dần, hai đứa bé quá mệt mỏi vừa đặt xuống giường là ngủ say sưa. Trằn trọc mãi, tôi ra ngồi trước hiên căn nhà lá nhìn làn mưa rơi trong màn đêm u tịch, lòng bồi hồi nghĩ tới anh. Những giọt nước mưa mát lạnh theo làn gió hắt vào mặt càng làm tôi tỉnh táo, dù rằng xác thân đã rã rời. Tiếng chó nhà ai sủa vang phá tan sự tĩnh lặng của đêm đen, giờ này chắc các anh cũng đang thao thức mong cho mau sáng để được gặp mặt vợ con hay thân nhân…
Trời khuya dần, hai đứa bé quá mệt mỏi vừa đặt xuống giường là ngủ say sưa. Trằn trọc mãi, tôi ra ngồi trước hiên căn nhà lá nhìn làn mưa rơi trong màn đêm u tịch, lòng bồi hồi nghĩ tới anh. Những giọt nước mưa mát lạnh theo làn gió hắt vào mặt càng làm tôi tỉnh táo, dù rằng xác thân đã rã rời. Tiếng chó nhà ai sủa vang phá tan sự tĩnh lặng của đêm đen, giờ này chắc các anh cũng đang thao thức mong cho mau sáng để được gặp mặt vợ con hay thân nhân…
- Chạy mau, chúng nó tới nơi rồi …”
Tiếng la thất thanh
của ai đó kèm theo tiếng chân người chạy cùng tiếng chó sủa liên hồi, tôi hoảng hốt đứng bật dậy . Ngoài đường từng
chiếc xe bò chất chồng cả người lẫn đồ đạc đang rộn ràng chạy qua, bóng tối bị
đẩy lùi bởi những ngọn đuốc sáng rực khắp nơi. Tôi đứng chết trân giữa cửa
không biết làm gì. Trong nhà mọi người đã thức giấc đang gói ghém đồ
đạc chất lên xe bò (hình như ở đây gia đình nào cũng có sẵn loại xe này),
tiếng kêu gọi nhau í ới vang rền cả xóm.
Các chị em bạn cũng tay ôm tay xách chạy ra ngoài, thấy tôi đứng lớ
ngớ họ la lớn thúc dục. Tôi nghẹn ngào khi nhìn hai đứa con thơ và đống đồ
đạc bên cạnh. Bủn rủn tay chân, làm sao đây! Tôi ngẩn ngơ tê dại ngồi xuống ôm con khóc
không ra tiếng trong khi mọi người lăng xăng. Vợ chồng người chủ nhà la
to:
- Cô để một túi đồ và bỏ thằng con lớn lên xe tui chở đi cho, còn cô bồng thằng nhỏ mà chạy theo sau. Lẹ lên không thì chết hết đó.
- Cô để một túi đồ và bỏ thằng con lớn lên xe tui chở đi cho, còn cô bồng thằng nhỏ mà chạy theo sau. Lẹ lên không thì chết hết đó.
Cuống cuồng làm theo người chủ nhà tốt bụng,
chỉ còn chiếc balo và đứa con nhỏ . Tôi cố chạy theo nhưng đôi chân hình như
không còn biết nghe lời , cứ qụy xuống trên mỗi bước đi. Chiếc xe chở đứa con
lớn càng lúc càng bỏ xa tôi, mấy chị bạn nóng lòng thấy tôi cứ thụt lùi phía
sau nên la lớn:
- Chị phải hy sinh mà giữ mạng mình với con trước, vất bớt đồ đạc đi cho nhẹ mà
chạy. Chứ đi kiểu này thì tụi tui cũng chết theo chị luôn đó!
Tôi nào muốn liên luỵ
đến mọi người, dù trong lòng rất phân vân lo lắng. Trong chiếc balo này có một
ít qùa của chị em bạn gởi nhờ đem giúp
nữa, không biết mai này giải thích với họ ra sao cho khỏi bị hiểu lầm đây. Để
bớt áy náy lương tâm, tôi nhờ chị bạn mở nắp balo sau lưng tôi vất bỏ bất cứ
vật gì nằm trên cùng. Một phần ba số lượng rồi mà hình như vẫn không thấy nhẹ
đi chút nào. Lưng tôi vẫn đau gập cả xuống, thằng bé con sợ hãi nên bám chặt cứng một bên hông nhức nhối. Bóng tối và sự yên lặng phủ trùm
vạn vật, đoàn người chạy loạn cùng những bó đuốc bập bùng đã ở đâu đó xa tít
đàng trước mặt từ lúc nào. Tôi kéo lê
lần mò từng bước chân đau nhức, tê mỏi trên con đường gồ ghề, ngã chúi đầu mỗi
lần vấp phải những ổ gà, hất cả thằng
con nhỏ xuống đường khiến nó khóc thét
lên vì đau đớn. Ôm chặt con thơ, ruột gan người mẹ như đứt từng đoạn. Có 6 km
đường mà sao đi hoài không tới !!
Gần 3 giờ sáng, cổng trại giam mở đón chúng
tôi vào nhưng chỉ được dừng lại ở ngay sau cánh
cổng. Tôi trải chiếc khăn lông lớn mang theo lên bãi cỏ cho hai con nằm
, ngồi bên cạnh quạt muỗi chờ sáng . Một rừng người yên lặng nằm ngồi la liệt
chung quanh. Đến 5 giờ, mấy tên “cán bộ” ra lệnh cho chúng tôi phải trở về khu
nhà dân vì không còn nguy hiểm nữa . Lại rồng rắn kéo nhau quay lại!
Chỉ kịp lau mặt mũi thay quần áo cho ba mẹ con
, rồi ăn chút lót dạ xong là chúng tôi tiếp tục gánh gồng , tay mang tay xách
trở lại đoạn đường cũ vừa đi qua. Lúc
này trời đã sáng tỏ, trên mặt đất ngổn ngang bao nhiêu đồ đạc thức ăn bị vất bỏ
hồi khuya. Tôi bất ngờ tìm lại được vài món qùa còn nhớ được . Tuy cả đêm hầu
như không chợp mắt nhưng bao nhiêu mỏi mệt lúc này tan biến đâu mất, hàng hóa
trên lưng, trên tay cũng nhẹ hơn bao giờ
... Hai đứa bé tíu tít vui đùa chạy trên
đường, sự vô tư của con thơ cho tôi niềm hạnh phúc ngọt ngào trong nỗi xót xa
vô tận.
Ba mẹ
con ngồi ngơ ngẩn trong phòng đợi, người đi thăm đã lần lượt ra về mà sao tên
chồng tôi vẫn chưa được gọi đến.. Một ý nghĩ chợt đến khiến tôi muốn nghẹt thở
vì sợ hãi, hay là có chuyện bất trắc xảy ra cho anh, hay anh bị chuyển đi trại
khác rồi?! Hỏi tên cán bộ ngồi canh gác thì hắn nói, vì anh bị bệnh không tự đi
được từ bệnh xá ra tận đây , mà lúc này anh em đi “lao động” hết , phải chờ có
người về “võng” anh ra . Đành chờ tiếp
mà ruột gan tôi nóng như lửa. Ngổn ngang những lo lắng , hay anh bị bệnh nặng
qúa họ không cho thăm, mà trễ qúa sợ khi
gặp xong sẽ không còn xe về! Tôi xin phép có 3 ngày mà hôm nay đã là ngày cuối, nếu nghỉ lâu sẽ không làm đủ số lượng hàng
bắt buộc. “Tiêu chuẩn” 12 kg gạo mỗi
tháng bị cắt thì lấy gì cho con ăn ?! Trăm thứ lo âu lộn xộn lúc này ! Thời
gian cứ chầm chậm trôi trong sự yên lặng đầy nghi vấn trong tôi.
Không thể ngồi yên, tôi đánh bạo tới xin tên
CS :
- Cán bộ có thể cho tôi tự đi vào trong
bệnh xá thăm chồng tôi được không?
Hắn trả lời là đường rừng dài tới 6 cây số ,
lại nhiều rắn rết rất nguy hiểm nên không thể đi được. Tôi chán nản trở về chỗ
ngồi lòng buồn rười rượi. Người đi thăm
đã ra về hết từ bao giờ, chỉ còn trơ trọi
ba mẹ con ngồi buồn rầu trong dãy nhà dành cho thăm nuôi tù bằng tre nứa trống
trải. Đêm nay mẹ con tôi sẽ ra sao, nhìn hai đứa con thơ gầy ốm vất vả theo mẹ
mấy ngày nay , tim tôi buốt nhói !
Niềm Vui Hòa Lẫn Nỗi Đau
Chiều xuống dần, những đám mây đen vần vũ kéo
báo hiệu trời lại sắp đổ mưa, định lấy gì cho con ăn đỡ đói thì tên cán bộ tới báo cho hay đã có anh em
đi lao động về, và lát nữa chồng tôi sẽ
ra đến. Hai đứa bé nghe tin mừng rỡ reo
lên , nhịp tim tôi bỗng nhiên rộn ràng …
Ôi ! người chồng thân yêu của tôi kia ư? Sao nhìn không ra anh nữa rồi ! Người bạn dìu
một bên nách, còn anh thì vừa bò vừa lết bằng hai đầu gối đang tiến đến gần.
Tôi chết sững người, bóng chiều nhạt nhòa và mắt ngập lệ xót xa… Chiếc balo
trên lưng bỗng dưng nặng trĩu đè gập người tôi xuống. Anh và tôi cùng qùy đối
diện, bốn mắt nhìn nhau nghẹn ngào không nói được nên lời, chỉ nghe tiếng ríu
rít vô tư của hai đứa con thơ. Đâu đó tiếng chim kêu buồn thảm như muốn buông
lời cảm thông !
Cố run run đứng thẳng giữa hai dãy bàn,
vòng tay ôm hai đứa con trai nhỏ, anh úp mặt vào má chúng nghẹn ngào. Những
giọt nước mắt của người đàn ông cương nghị ngày nào nhòe ướt mặt con thơ. Hai
đứa trẻ đưa bàn tay bé xíu chùi nước mắt cho cha rồi oà khóc theo người cha tội
nghiệp!
- Hết giờ rồi!
Tiếng tên VC vang lên
cướp mất niềm hạnh phúc nhỏ nhoi của gia đình bốn người chúng tôi..
Tâm
hồn như đóng băng, đôi mắt tôi mờ hẳn và hầu như không còn nhận thức được
điều gì đang xảy ra xung quanh…
Hai đứa bé mếu máo níu, ôm chặt người anh
không chịu buông, tim tôi như nghẹn thắt …
Ngoài kia trời đang mưa rơi...rơi!.
Thu Tâm
No comments:
Post a Comment