Hình ảnh người mẹ
và đứa con được xem là một biểu tượng tuyệt vời, gây nhiều xúc động nhất trong
tình thương yêu nhân loại. Bao nhiêu áng văn chương, từ thơ văn đến âm nhạc đã
được viết lên để ca ngợi tình mẫu tử bất diệt và suối nguồn yêu thương đó hình
như không bao giờ cạn kiệt. Hạnh phúc được làm mẹ và hạnh phúc được làm con là
sự sáng tạo cao đẹp nhất của thượng đế không phải chỉ dành riêng cho con người
mà cả muôn loài, vạn vật.
Còn tình nghĩa của
Thái Sơn!
Một ngày kia
đang đi trong bãi đậu xe chợ Kroger tôi thấy một cô bé tóc vàng nắm tay người
cha hớn hở nhảy tung tăng như con chim se sẻ. Đôi mắt người cha trẻ nhìn con âu
yếm, cả bầu trời thương yêu ấm áp chan chứa trong đôi mắt xanh thẫm đó. Tôi thấy
lòng mình êm dịu, hạnh phúc khi nhìn hình ảnh hai cha con họ nhưng bỗng dưng một
nỗi xót xa làm tim tôi đau nhói lên. Tôi như một người đang say mê ngắm nhìn một
đóa hoa hồng tuyệt đẹp chợt trông thấy một con sâu xấu xí trườn mình lên những
cánh hoa. Tôi tự hỏi rồi hai mươi mấy năm sau, đứa bé gái xinh xắn có còn nhớ đến
ngày hôm nay không, khi tay trong tay cùng cha đi dạo phố.
Hai mươi mấy năm
sau, người cha dĩ nhiên không còn trẻ nữa. Người cha bắt đầu nặng nề với khuôn
mặt chảy xệ xuống, thân hình không còn thon thả dễ nhìn như xưa. Đôi mắt tràn
ngập thương yêu hôm nay đã bắt đầu mõi mệt với tia nhìn cam chịu. Ông đứng đó
trong tòa án và bên kia là đứa con gái tóc vàng nay đã là một người đàn bà trẻ.
Người đàn bà có một người đàn ông trẻ khác bên cạnh. Khuôn mặt vui tươi, nhí nhảnh
ngày xưa bên cạnh cha không còn nữa. Nét mặt cô ta bây giờ thật lạnh lùng và mặt
người đàn ông xa lạ nào đó mà bây giờ cô gọi là chồng cũng băng giá đâu kém gì
cô.
Cô nói với ông
Quan Tòa:
-Tôi đã mời ông
ta đi nhiều lần nhưng ông cứ làm lơ mãi, cho nên tôi bắt buộc phải kiện ông ta.
Tôi đã cho ông ở ba tháng không lấy tiền rồi!
Người chồng cũng
nói:
-Vợ tôi nói
đúng. Ba tháng tiền nhà là 900 dollars, tôi nói nếu ông ta dọn đi tôi sẽ không
đòi số tiền đó lại. Tôi nói nhiều lần nhưng ông cứ tảng lờ như không nghe.
Ông Quan Tòa hỏi
người đàn ông:
-Tại sao ông
không trả tiền mướn nhà?
Người đàn ông
cúi đầu nhẫn nhục nói:
-Trước kia tôi
trả tiền nhà cho con gái tôi đều, nhưng dạo sau này tôi mất việc làm. Không phải
tôi không muốn trả mà chỉ đợi khi tìm được việc làm thì sẽ thanh toán. Bây giờ
tôi không biết đi đâu cả, vợ tôi đã có chồng khác.
Ông QuanTòa hỏi:
-Ông còn đứa con
nào không?
-Không, tôi chỉ
có một đứa con gái độc nhất mà thôi!
Người con rể
tuyên bố:
-Tôi không thể
cho ông ta ở thêm ngày nào nữa đâu. Đây là nhà của vợ chồng tôi.
Người con gái
cũng nói:
-Tôi cũng có ý
kiến như chồng tôi mà thôi.
Chứng kiến phiên tòa đó, tôi mong ông quan tòa
sẽ nói một câu nào đó đại loại như: dù sao đây cũng là cha của cô, cô đuổi đi rồi
ổng sẽ sống ở đâu!
Ông quan tòa
không nói những gì tôi mong đợi mà chỉ phán rằng người đàn ông phải dọn đi
ngay. Người cha cúi đầu buồn bã như muốn khóc.
Tôi đã phải mang
hình ảnh phiên tòa ấy trong suốt đời sống và ý nghĩ của mình. Thật là tội nghiệp
và tôi hay tự hỏi rồi số phận người cha ấy sẽ ra sao?
Đó là người cha
Mỹ trong một xứ sở đã cưu mang tôi mấy chục năm nay với bao nhiêu kỷ niệm vui
buồn. Nhưng dù vui, dù buồn tôi vẫn yêu quê hương thứ hai này, một quê hương đã
hiện hữu như một tấm phao cho bao cuộc đời khốn cùng đang chới với, chờ chết đuối
trong lòng biển xanh cuồng nộ với ngàn cơn sóng dữ. Và tôi muốn kể cho các bạn
nghe về một người cha Việt Nam mà tôi đã biết trên đất nước này. Người cha Việt
Nam mà từ ngàn xưa đã luôn hiện hữu trong câu ca dao bên cạnh người mẹ hiền tuyệt
vời của tất cả chúng ta:
Công cha như núi
Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước
trong nguồn chảy ra.
Người cha Việt
Nam không bị con đưa ra tòa như người cha Mỹ, vì dù sao người mình cũng có truyền
thống không vạch áo cho người xem lưng, tốt thì khoe xấu thì che. Người ta hay
ví von một cách nôm na rằng nhà nào cũng có một một hũ mắm, nếu khui ra thì chẳng
thơm tho chút nào. Là một người Việt Nam tôi chấp nhận nhân sinh quan đó với cả
hai mặt tốt và xấu, tuy nhiên khi sự việc đã đi quá giới hạn của nó thì việc vạch
áo cho người xem lưng cũng chẳng còn là vấn đề quan trọng hay cấm kỵ nữa. Bao
nhiêu bậc cha mẹ đã không ngớt ca tụng con cái mình dù họ đã phải ngậm đắng nuốt
cay để sống từng giờ, từng phút trong tủi cực với con cái nhất là khi chúng đã
có gia đình. Họ nghĩ rằng sự cam chịu cũng là một hình thức của tình thương cho
đi, họ không muốn con cái mình bị người đời khinh khi, dị nghị vì tội bất hiếu.
Cam chịu đã trở thành một sự hy sinh tuyệt vời mà nhiều bậc cha mẹ đã chấp nhận
để đi hết cuộc đời mình trong câm lặng. Đã gọi là hy sinh thì còn gì phải suy
luận là tốt hay xấu, đúng hay sai. Cao quý thay tình cha mẹ!
Người cha Việt
Nam đã tha thứ, đã hy sinh cho đứa con như những bậc cha mẹ khác. Vợ ông qua đời
và ông cho đứa gái độc nhất tất cả những gì ông và bà đã gom góp, tạo dựng
trong những năm lưu lạc xứ người. Từ nhỏ con gái ông đã là một thiếu nữ ngoan
ngoãn, dễ dạy, cô chịu khó học hành, thành đạt trong cuộc đời mặc dù được cha mẹ
cưng chìu rất mực. Khi vợ ông qua đời ở lứa tuổi sáu mươi, lòng đau như cắt
nhưng may mắn thay ông còn đứa con gái để an ủi. Cô con gái giống mẹ như khuôn
đúc từ tính tình dịu dàng, đôn hậu đến cách sống khôn khéo trong ngoài. Cô lo lắng
cho cha từ miếng ăn, giấc ngủ thật chu đáo nên ông cũng thấy lòng nguôi ngoai
đôi chút vì sự ra đi bất ngờ của vợ bởi một tai nạn lưu thông. Ông chưa nghĩ đến
chuyện tiến thêm bước nữa ở lứa tuổi sáu ba.
Ông thương con
quá và cho cô tất cả vì ông nghĩ con gái xứng đáng để được nhận những gì vợ chồng
ông đã cả đời tạo dựng, hơn nữa là con một không cho cô thì cho ai đây. Cô hay
nói:
- Mẹ qua đời rồi
ba ở với con ba nhé!
Tuy nhiên có nhiều
lúc ông giật mình nghĩ rằng: con mình đã hơn hai mươi lăm rồi nó còn phải lập
gia đình không lẽ mình cứ sống hoài với cha. Ông đem điều đó nói ra thì cô gạt
đi:
-Ba lo xa quá,
con có chồng thì ba vẫn ở với con. Nhà rộng như thế này không lẽ ba lại bỏ con
ra ngoài sao?
Rồi cô tủm tỉm
cười:
-Trừ trường hợp
ba có bạn gái muốn sống riêng thì con không dám cản ngăn đâu nhé.
Ông lắc đầu buồn
bã:
-Ba chưa nghĩ đến
chuyện đó, mẹ ra đi đột ngột ba đau lòng lắm. Chắc còn lâu lắm ba mới quên được
con ạ!
Cô khóc òa lên:
- Con xin lỗi ba,
con chỉ nói đùa thôi. Xin ba ở với con suốt đời ba nhé, con xin thề với ba rằng
dù lấy chồng con cũng không bao giờ vì chồng mà bỏ quên ba đâu.
Con gái ông đã
nói như đinh đóng cột và chừng đó cũng đủ an ủi ông lắm rồi, ông tin rằng người
vợ quá cố cũng ngậm cười nơi chín suối.
Con gái ông lấy
chồng, chồng cô ta đẹp trai và có học, có địa vị trong xã hội, người đời hay
nói chuyện mẹ chồng con dâu chứ có ai nói đến chuyện cha vợ con rể bao giờ đâu
cho nên ông sống cũng tạm yên ổn. Ông còn đi làm vì thế chẳng mang tiếng ăn bám
con cái, vả lại ông đã sang tên ngôi nhà mà vợ chồng từng chắt chiu xây dựng
cho con gái, còn chút số tiền bảo hiểm của vợ trong nhà băng ông cũng nghĩ sẽ
cho con nay mai.
Sống với con rể
một thời gian ông nhận thấy chàng ta khác biệt ông khá nhiều về mọi mặt, điều
đó cũng đúng thôi vì hai người trưởng thành trong hai xã hội khác nhau Việt Nam
và Mỹ Quốc nên ông cũng chẳng lấy đó làm quan trọng lắm. Tuy nhiên có một vấn đề
khá phức tạp là ông luôn tôn trọng những ý kiến cùng cách sống của người con rể
dù không thích lắm nhưng ngược lại chàng ta lại xem thường những ý kiến và cách
sống của ông. Chàng rế không nói ra nhưng luôn xem ông là một người không trí
thức, kém văn minh. Ông không bao giờ chấp nhận điều đó vì dù nửa đời phải lưu
lạc xứ người, ngôn ngữ người không thông suốt lắm nhưng ông vẫn là kẻ có trình
độ và nhận thức chẳng thua ai (hay đúng hơn chẳng hề thua chàng rể quý của mình).
Cuộc chiến tranh lạnh bắt đầu giữa hai người đàn ông nhưng cô con gái vô tình
nào hay biết.
Nhà này là nhà ông
và cách trang hoàng trong nhà do người vợ quá cố đảm nhận. Ông luôn khâm phục
khiếu thẩm mỹ của bà, từ những bức tranh treo tường đến những bình hoa giả hay màu
sắc ôn nhu của những bộ bàn ghế, tủ sách hay đôi ba chiếc kệ cùng đồ lặt vặt
trong nhà đều nói lên tính cách của một người có trình độ chiêm ngưỡng nghệ thuật
rất cao. Và ông hay đắm mình ở một góc phòng nào đó để ngắm nghía, để nhớ, để
ngậm ngùi thương tiếc người đàn bà đã chia sẻ với ông mấy chục năm trong cuộc
buồn vui trần thế. Thế nhưng ngôi nhà, cái thế giới tưởng như vô cùng tuyệt vời
bất khả xâm phạm đó hình như bắt đầu bị lấn áp một cách tội tình dưới tia nhìn
không mấy thiện cảm của người con rể. Hãy gọi anh ta dưới cái tên Danny, một
chàng trai mạnh khỏe, nhanh nhẹn, học vị cao nhưng hình như tâm hồn không được
sâu sắc lắm theo nhận xét của ông. Chàng ta chẳng có một ý niệm nghệ thuật nào
cả (ông nghĩ vậy nhưng không nói ra và nuôi dưỡng sự khinh thường trong lòng).
Một ngày kia
Danny đem về mấy bức tranh vẽ toàn hoa lá thật to, thật đẹp và đề nghị đem hai
bức tranh Mùa Thu và Chiều ở phòng khách xuống. Theo Danny hai bức tranh cũ buồn
quá, màu sắc ảm đảm quá, nói tóm lại là không đẹp đẽ gì tại sao phải treo trong
phòng khách. Ông giận run cả người nhưng cố gắng phân trần:
- Cảnh mùa thu
lúc nào cũng đẹp, cũng buồn nhưng không phải ai cũng có lối vẽ linh động như
người họa sĩ này đâu. Anh không thấy như mình đang đi lạc vào rừng thu hay sao?
Còn chiều tà, không phải chiều tà mà là chiều đỏ, người họa sĩ rất bạo trong
cách dùng màu đỏ tươi, ít người dám dùng màu sắc như vậy. Bức tranh không phải
buồn mà đó là cách diễn đạt ánh sáng dữ dội của một buổi hoàng hôn trước khi tất
cả lịm tắt vào bóng tối đêm đen. Đó hình như là hơi thở cố gắng cuối cùng của đời
người, anh không thấy sao?
Danny lắc đầu cười:
- Tại ba có nhiều
tưởng tượng quá đi! Chắc gì người họa sĩ có được ý tưởng như ba khi vẽ những bức
tranh này.
Ông nhún vai:
- Trong nghệ thuật
người ta tìm thấy nhau, sự giao cảm giữa sáng tạo và thưởng thức đâu phải là một
sự hoang tưởng. Hơn nữa đâu phải ai cũng cảm nhận được điều đó.
Nói qua nói lại
một hồi ông kết luận chỉ cho mình nghe:
- Thôi nói mãi
làm gì, đầu óc nó chỉ có thế mà thôi!
Con gái ông ở
đâu đó chạy ra xen vào:
- Ba! Hai bức
tranh hoa hồng này cũng quá đẹp mà ba!
Cô con gái luôn
kéo dài tiếng ba khi nói chuyện làm ông mềm lòng như ngày trước vợ ông hay kéo
dài tiếng anh, hay mình khi gọi ông vậy.
Ông chợt xúc động
muốn rơi nước mắt và ông nhượng bộ:
- Thôi thì muốn
treo hoa hồng hoa lan gì thì cứ treo, để hai tấm tranh cũ cho ba.
Danny vui vẻ:
- Ba có thể cho
Goodwill hay chờ tháng 9 này có yard sales mình đem bán cũng được ba ạ!
Ông đem hai tấm
tranh treo trong phòng và lẩm bẩm một mình:
- Hừ, yard
sales! Viên ngọc vào tay đứa thất phu thì cũng có giá trị như một hòn đá.
Những bức tranh hoa hồng rực rỡ khoe sắc trong
phòng khách, loại tranh vẽ rất rõ nét như chụp hình nhưng nó lại không thích hợp
với mấy chiếc kệ có màu đen của loại đồ cổ trong nhà và nhất là không thích hợp
với màu tường màu nâu nhạt cố hữu.
Danny lại than
thở:
- Ba ơi, ba có
thấy màu tường nâu này không hạp với mấy bức tranh màu sắc lộng lẫy của con mua
về không? Ba nghĩ sao ba, hay là tại con tưởng tượng.
Không biết chàng
con rể học tiếng kêu ba của con gái ông hồi nào mà nghe cũng dẻo quẹo như vậy,
tuy nhiên ông cố kềm cảm xúc của mình. Lần này thì ông thấy Danny nói đúng, đã
có sự lộn xộn trong cách bài trí mất rồi. Ông nhún vai:
- Chứ còn gì nữa,
chắc phải sơn lại căn phòng khách quá.
Danny la lên mừng
rỡ:
- Ba ơi, đúng rồi
đó, con sẽ sơn màu hồng thật tươi nghe ba chắc chắn là đẹp lắm. Em nghĩ sao em?
Dĩ nhiên là con
gái ông bằng lòng. Ông nghĩ thầm căn phòng khách này sẽ biến thành cái phòng
trà ca nhạc cho mà xem. Ông lên lầu tìm chỗ cho mấy chiếc kệ gỗ vì trước sau gì
Danny cũng tìm cách tháo bỏ chúng xuống.
Mà thật vậy, ông
nghĩ có sai đâu. Mấy tuần sau căn phòng khách có một bộ mặt mới, khác hẳn ngày
xưa với màu tường hồng tươi sáng cùng những kệ sách mang màu xanh lá cây nhạt.
Chàng rể đem về chiếc tivi to đùng, máy móc, giàn nhạc hiện đại cùng những cây
đèn khi thắp lên màu sắc nhấp nháy làm ông thấy chóng mặt làm sao. Còn cái bàn
thờ nữa! Ông nhìn cái bàn thờ và thấy nó chông chênh, lẻ loi trong căn phòng
khách được hiện đại hóa bởi chàng rể quý. Ông bỗng cảm thấy như có ai cào xé
trong tim phổi mình.
Ngày trước khi mua
nhà xong, ông bà vội mua một chiếc tủ cổ thật đẹp để làm nơi thờ tự cha mẹ ông
bà, vì lúc chân ướt chân ráo tới Mỹ dù còn ở Apartment chật chội ông cũng ráng
tìm một góc nào đó để chưng hình cha mẹ đã qua đời. Với bệ thờ ông không chủ
trương rườm rà mà chỉ đơn giản với hai chân đèn cầy bằng đồng, một bình hoa và
bát nhang cùng hình ảnh cha mẹ ông lúc sinh thời. Những ngày lễ tết vợ ông đặt
lên một đĩa trái cây đủ loại. Khi vợ qua đời ông phóng tấm hình bà thật lớn để
tưởng nhớ, hình trắng đen với mái tóc dài thuở bà còn là một thiếu nữ xinh đẹp,
duyên dáng đã từng làm ông điêu đứng một thời. Bây giờ hằng ngày ông ra vào
nhìn hình ảnh bà cho đỡ buồn tủi, cô đơn.
Vài lần sau đó ông
bắt gặp Danny nhìn lên bàn thờ và suy nghĩ gì đó, cũng có lúc ông thấy chàng rể
nhỏ to với vợ rồi nhìn lén ông với đôi chút bối rối. Ông đã hiểu nhưng cứ lờ đi
coi thử sự việc sẽ đi đến đâu, chiếc bàn thờ bây giờ trở nên lạc lõng giữa một
nơi chốn xa lạ nào đó bởi vì căn phòng khách của gia đình ông đã bị thay đổi dưới
bàn tay sắp xếp của chàng rể quý. Ông gọi Danny là chàng rể quý vì chàng ta rất
mực yêu thương con gái ông chứ nếu ngược lại thì ông đã cho Danny đi chỗ khác
chơi từ khuya chứ đừng nói chuyện vẽ hoa, vẽ nhạc trong nhà của ông.
Ông không phải
là tay dễ chơi, ngày còn trai trẻ là một cấp chỉ huy trong quân đội từng xông
pha giữa lằn tên mũi đạn nơi chiến trường, sự sống chết với ông không hề xa lạ.
Ông sẳn sàng chiến đấu và không bao giờ biết nhường bước nếu có đứa nào xúc phạm
đến ông, gia đình, bạn bè hay dân tộc ông. Nhưng bây giờ mọi sự đã khác đi, ông
trở nên hiền lành nhẫn nhục nhất là sau ngày vợ chết.
Một ngày kia
Danny bắt đầu nói xa nói gần đến cái bàn thờ. Chàng rể muốn ông dời bàn thờ đến
một nơi nào đó trong nhà, chứ để ngoài phòng khách trông không được văn minh
hơn nữa người chết rồi mà chưng hình sẽ gây cho người khác một sự sợ hãi mơ hồ
nào đó. Ông đã tiên đoán việc này nên cũng chẳng ngạc nhiên khi nghe chàng ta tuyên
bố ra.
Cô con gái nhỏ
nhẹ đề nghị ba mang bàn thờ lên lầu cho trang nghiêm, tĩnh lặng và sạch sẽ. Ông
suy nghĩ cả đêm trước khi nói cho con rể và con gái biết những ý nghĩ đang nung
nấu trong đầu mình. Cái nhà này của ông, ông có thể đòi lại lúc nào cũng được
và tin chắc rằng con gái sẽ trả lại cho ông ngay nhưng sau đó cô sẽ theo chồng
mua cái nhà khác vì tụi nó có tiền. Vả lại, khi ông chết rồi thì tất cả cũng sẽ
về tay tụi nó thì cần gì phải lời qua tiếng lại cho mất công. Nhưng khi chúng dọn
đi rồi tình cảm của ông và Danny sẽ rạn nứt vô phương hàn gắn. Người đời hay
nói:
- Thương chồng
phải lụy mụ gia /Chứ tôi với mụ có bà con chi.
Danny cũng có
câu tương tự dành cho ông:
- Thương nàng mới
lụy lão gia/ Chứ tôi với lão có bà con chi.
Ông hiểu thân phận
mình, ông thương con gái nhưng con gái ông lại yêu chồng nó, hơn nữa cô ta lại sắp
có con, chưa chi ông đã thấy thương đứa cháu chưa chào đời. Cái nhà này quá rộng
ở một mình sao hết, còn cho người ngoài thuê bớt thì ông không thích. Suy đi
nghĩ lại ông thấy mình nên lép vế là tốt để được gần con, gần cháu mà thiên hạ
cũng chẳng có chuyện để lời ong tiếng ve và nhất là vợ chồng con gái trong ấm,
ngoài êm.
Ông nói với
Danny, ông muốn cho chàng rể biết ông không phải là một người ngu trước khi nhượng
bộ:
- Nếu chịu coi
phim ảnh và sách báo thì anh thấy những gia đình quý tộc Âu Mỹ họ đều hãnh diện
khi trưng bày hình ông bà, tổ tiên họa thật lớn ngay trong phòng khách. Họ cũng
có hình thức thờ phượng ông bà cha mẹ, dòng họ thật tôn nghiêm với đèn cầy, đồ
bạc quý giá hay hoa quả trên bệ thờ mà có gì là thiếu văn minh đâu? Thiếu văn
minh chỗ nào xin anh vui lòng cho tôi biết. Cây thì phải có cội, nước thì phải
có nguồn chứ anh, dân tộc nào chả vậy?
Danny im lặng
không trả lời được câu hỏi của ông. Ông dọn bàn thờ lên lầu và nói với bà:
- Nó ngu xuẩn mà
tưởng mình khôn, thế đấy mình ạ! Dù sao nó cũng là chồng con gái mình mà em. Thôi
tôi nhịn cho êm nhà, êm cửa.
Phòng khách được
tân trang theo sở thích của Danny. Sofa, bàn ghế đều đồ sộ, đắt tiền và hiện đại
nhưng ông không còn thích thú khi hiện diện ở đó, thế giới của ông bây giờ là
trên lầu có một căn phòng thờ với những đồ vật kỷ niệm và một căn phòng ngủ cho
riêng ông. Nhiều khi ông thấy đùng đùng nổi giận, ngôi nhà này của ông, ông có
thể đuổi chúng nó ra khỏi nhà và trang trí lại như xưa. Ông sẽ sống cô đơn một
mình nhưng ông sẽ là chính ông trong thế giới tuyệt vời ngày đó, trong căn
phòng khách ấm cúng do vợ mình trang trí. Còn bây giờ ông buồn đến rơi nước mắt
và thấy mình bị tước đoạt tất cả. Vang vọng đâu đó tiếng đàn hát xập xình và tiếng
cười vô tư của cô con gái rượu dưới phòng khách. Có ai hiểu cho ông không, có
ai thông cảm cho ông không, nói cho ai hiểu đây cho vơi cơn sầu muộn và dĩ
nhiên ông không muốn vạch áo cho người xem lưng.
Khi con gái ông
có con, Danny lo xa muốn dành một phòng cho con trai sau này. Đó là căn phòng dưới
nhà dành riêng cho khách thỉnh thoảng từ xa đến chơi, thật ra là khách của cô
con gái hay Danny chứ từ ngày vợ chết và con rể về ở chung ông chưa bao giờ có
ý định mời bạn từ xa đến chơi như xưa kia. Ông cảm thấy không có quyền trong
ngôi nhà của chính ông. Ông thấy mình đã bị sang đoạt từ tinh thần đến vật chất.
Rồi con gái ông nói:
- Ba ơi, trên lầu
còn hai phòng ba có thể thu dọn lại một phòng cho khách thỉnh thoảng lại chơi
không ba. Còn phòng dưới dành cho cháu ngoại cưng của ba đó, Danny sẽ mua đồ
trang trí cho phòng của cháu nay mai. Ba ơi, ba có thấy được không, nếu ba
không bằng lòng thì thôi vậy, tụi còn không dám ép vì dù sao nhà này cũng của
ba mà!
Ông cố ghìm cơn
giận xuống nói thật dịu dàng:
- Ừ, để ba thử
xem sao con nhé. Nhà ba đã cho con thì nó là nhà của tụi con rồi. Thôi để ba
thu xếp rồi tụi con dọn đồ đạc lên đây nghe con.
- Dạ con cảm ơn
ba nhiều lắm. Ba có muốn bồng cháu cưng một chút không ba?
Ông nhìn thằng
cháu ngoại mũm mĩm dễ thương lòng mềm xuống. Ông nói trong lòng cho mình nghe:
mày giống y hệt cha mầy với mái tóc dựng ngược lên, con mắt nhìn như cú vọ. Bây
giờ phiên mầy dành phòng với ông ngoại, nay mai mày có em thì ông ngoại ra đường
mà nằm thôi cháu ạ!
Rồi ông nói với
con gái thật nhỏ nhẹ:
- Ba ho mấy hôm
nay nên bồng cháu không tiện đâu, thôi con xuống nhà đi rồi ba sẽ thu xếp cho.
Đêm đó ông lại mất
ngủ. Ông không biết để những đồ vật kỷ niệm của vợ ở đâu hay là phải cho đi tất
cả, vì dù cố giữ lại thì có một ngày cũng phải xa chúng trong một cuộc ra đi
không trở lại đang chờ đón ông ở một thời điểm nào đó. Ông không biết điều gì sẽ
xảy ra tiếp theo trước khi ra đi vĩnh viễn. Ông thấy mình bị dồn vào chân tường
và bất lực để tình thương làm lòng mình mềm yếu. Ông đã rơi vào cái bẫy êm ái
do mình giăng ra chứ không phải ai, không phải cô con gái mà cũng không phải
người con rể, bây giờ ông phải tự cứu mình chứ không thể đợi chờ ai cả vì chính
ông làm chủ cuộc đời của ông.
Con gái không hề
ép cha nhường phòng cho cháu ngoại nếu ông trả lời “Không”. Ông có quyền đuổi vợ
chồng nó đi mà không ai có thể ngăn cản, ông đã ngoài sáu mươi nhưng cũng không
phải là quá già cho một bước nữa. Không ai cười chê khi vợ đã qua đời hơn ba
năm rồi nếu ông tái hôn. Ông còn một số tiền trong nhà băng từ bảo hiểm nhân thọ
của vợ, ông còn đi làm và khi về hưu thì cũng sống một cách thoải mái mà chẳng
làm phiền đến ai. Vậy tại sao ông phải khổ sở trong cái bẫy êm ái này, vì tình
thương, vì lòng hy sinh và vì …sao cũng được!
Sao cũng được với
tiếng ba ơi dịu dàng của cô con gái rượu độc nhất.
Vài ngày sau ông
tìm được một khu cư xá khang trang và dọn ra riêng, ông chọn một phòng đôi dù
phải trả tiền cao hơn. Một phòng dành cho bàn thờ với những đồ vật kỷ niệm của
vợ chồng ông và một phòng dành cho mình. Với số tiền còn trong nhà băng (mà ông
định cho con gái) ông dư sức trả thêm cho căn phòng thờ hai mươi năm và với số
tiền lương hiện nay cùng tiền hưu sau này chắc chắn không lo mình phải ra đường
ở như ông thường nói đùa.
Ngày ông ra
riêng cô con gái khóc như mưa. Cô kêu ba ơi, ba ơi nghe não lòng làm ông cũng sụt
sùi muốn khóc theo. Cô nói:
- Mẹ đã bỏ đi rồi
bây giờ ba cũng bỏ con.
Ông ôm con dỗ
dành:
- Không, cha mẹ
không bao giờ bỏ con mà chỉ có con cái mới bỏ cha mẹ thôi, ba đi vì có lý do
riêng con ạ! Rồi hàng tuần ba sẽ về thăm các con chứ có đi luôn đâu.
Danny pha trò:
- Chắc ba có bạn
gái phải không ba?
Cô con gái đang
khóc cũng vội cười:
- Phải không ba?
Sao ba không cho con biết với!
Ông cười cười:
- Rồi ba cũng sẽ
cho con biết thôi, đâu có gì mà phải vội vàng.
Cuộc chia tay
không đau khổ nặng nề như ông tưởng, căn phòng trong khu cư xá chào đón chào
ông với một niềm hạnh phúc lạ lùng bất ngờ. Ông loay hoay xếp đặt những đồ vật
kỷ niệm xa xưa với tất cả sự trân quý và thương yêu. Buổi tối ông ngủ gật trên
sofa trước tấm chân dung bà trên bàn thờ trong tiếng nhạc réo rắc của một cuốn
phim trắng đen xưa được chiếu lại trên tivi. Có nhiều đài truyền hình chuyên
chiếu những phim cũ cho những khán thính giả như ông, vậy có nghĩa là ông không
hề cô đơn trong cuộc đời này, không hề kỳ quặc như Danny vẫn nói về cha vợ.
Một mình đêm đầu
tiên trong căn phòng đôi rộng rãi của khu cư xá, bên những đồ vật thân thuộc
ông cảm thấy lòng lâng lâng dễ chịu. Ông bật cười khi nghĩ đến mái tóc dựng đứng
và hai con mắt sáng rực như đèn pha của chàng con rể và của thằng cháu ngoại.
Con rể ông đã là một người cha và nó đang xây đắp cái tổ của nó, nó đang thực
hiện tình nghĩa Thái Sơn. Ông nghĩ đêm nay không phải chỉ riêng mình có cảm giác thoải mái trong căn phòng này mà
chính vợ chồng cô con gái cũng sẽ thấy vô cùng hạnh phúc trong ngôi nhà ông đã
cho họ vì bây giờ chính họ mới cảm thấy thực sự mình là chủ ngôi nhà đó!
Ông đã thoát ra
khỏi sự giằng co, trói buộc trong cái vòng lẩn quẩn của những từ ngữ như tình
thương, hy sinh, dư luận. Ông thật sự không giận con gái nhất là không giận
chàng con rể mình bởi vì dù ở đâu, dù bất cứ một dân tộc nào tình nghĩa Thái Sơn
cũng vươn cao vời vợi. Ông chỉ muốn được sống thêm chút nữa với những gì còn lại
của chính mình sau quá nhiều đau đớn, mất mát trong cuộc đời. Ông sẽ về thăm
các con và cháu như ông đã hứa/.
Mimosa Phương Vinh
Hay! Hoàn cảnh này có thể xảy đến cho bất cứ ai có con cái thấm nhuần văn hoá Mỹ!
ReplyDeleteCâu chuyện này rất đúng tâm lý những người cha mẹ có tấm lòng quãng đại thương con vô bờ bến.
ReplyDeleteNgười cha trong truyện xử sự rất hay. Thà mình chịu thiệt thòi rút lui cho con mình khỏi áy náy khó xử và nhờ đó tình cha con ông cháu sẽ mãi như bát nước đầy.
Cám ơn chị Phương Vinh.
Thân mến.
NPN
Theo như lời trong Thánh Kinh "Cho đi có phước hơn là nhận lãnh" , người VN dù ở phương trời nào thì vẫn phong cách của ngươi VN, mong các thế hệ sau này sẽ nghĩ đến sự hy sinh , tình thương yêu của Ông Bà Cha Mẹ dành cho mình để tuyền lại cho thế hệ mai sau , mong lắm thay , mg
ReplyDeleteCông cha như núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
ReplyDeleteCon, ngày nay, không thờ mẹ kính cha, Mà chúng "book" sẵn nhà gìa cho ta...
Đó là cái gía của nước mắt chảy xuôi, cái gì chũng cho con???