Sunday, January 10, 2016

TRỢ TỬ: Vấn Đề Của Từ Bi Và Trí Tuệ - Nguyễn Hữu Đức


Ai không đau lòng khi chứng kiến người bệnh ở giai đoạn cuối cùng của việc điều trị bệnh nan y, đau đớn cùng cực chỉ mong được chết. Hoặc nhìn thấy người bệnh ở trong tình trạng “vô phương cứu chữa”, sống đời sống thực vật mấy năm trời, đại tiện tiểu tiện tại chỗ, sống nhờ hoàn toàn vào máy trợ hô hấp, tuần hoàn, vào dinh dưỡng nhân tạo, họ không biết gì về việc gây nổi khổ không thể tả cho người thân và sự ray rứt cho bác sĩ điều trị. Người không thuộc giới chuyên môn khi chứng kiến như thế dù còn gợn suy nghĩ này nọ vẫn thầm mong “hãy chết đi cho đỡ khổ!”. Còn thầy thuốc trực tiếp chăm sóc, luôn ràng buột bởi y đức, cũng có lúc than thầm: “ước gì có đủ pháp lý để có thể thực hiện cái chết êm ả!”. Đừng tưởng sự quan tâm muốn giúp bệnh nhân “không thể cứu chữa” chết đi êm ả chỉ xảy ra trong suy nghĩ. Ở nước ngoài, từ lâu đã có một số bác sĩ tham gia “trợ tử trực tiếp” sau đó chấp nhận trách nhiệm, thách đố pháp luật bằng cách mĩm cười đưa tay vào còng của cảnh sát. Còn ở nước ta, có xảy ra một tình trạng có thể gọi là “trợ tử gián tiếp” ai nghe cũng cảm thấy bất nhẫn. Đó là có một số bệnh viện cho ra viện sớm các bệnh nhân “gần đất xa trời” để họ không còn được giúp đỡ về mặt y tế và nhắm mắt xuôi tay tại nhà. Không vì theo yêu cầu của người thân bệnh nhân (hoặc có yêu cầu nhưng do sự động viên áp đặt của thầy thuốc) mà chỉ vì bệnh viện đã có chỉ tiêu thi đua về tỷ lệ tử vong tại bệnh viện, tỷ lệ tử vong cao sẽ mất thi đua. Người bệnh đang thập tử nhất sinh về nhà không có điều kiện hỗ trợ chắc chắn sẽ chết thôi, đó là không là “trợ tử gián tiếp” thì là gì? Nhưng gần như chẳng có mấy ai gọi tình trạng vừa kể là “trợ tử:

Trợ tử là gì?
Trợ tử là thuật ngữ tạm dịch từ tiếng Anh “euthanasia”, bắt nguồn từ một từ Hy lạp là “euthanatos”, trong đó eu là tốt, bình thường và thanatos là chết. Trợ tử có thể hiểu là gây nên cái chết nhẹ nhàng nhằm giúp cho bệnh nhân không còn đau khổ do mắc một bệnh nan trị. Trợ tử được chia làm 2 loại:

Trợ tử tự nguyện (voluntary euthanasia): gây chết khi có sự yêu cầu cần được chết của người bệnh. Tức người bệnh còn đủ nhận thức để tự nguyện đón nhận trợ tử. Trong trợ tử tự nguyện, thầy thuốc kết thúc sự sống một cách chủ động (active euthanasia) bằng cách tiêm chất độc. Hoặc gây chết thụ động (passive euthanasia) bằng cách ngưng điều trị, ngừng cung cấp chất dinh dưỡng, hoặc không làm những gì cần thiết để duy trì cuộc sống.

Trợ tử không tự nguyện (non- voluntary euthanasia): gây chết khi không có sự yêu cầu của người bệnh vì người bệnh mất khả năng giao tiếp, không thể quyết định về cái chết của mình (nhưng vẫn có sự tin rằng người đó muốn được chết nếu có thể ra quyết định).

Hai luồng dư luận về trợ tử
Về việc hợp pháp hóa, hiện nay trên thế giới chỉ có 3 nước cho phép thực hiện trợ tử tự nguyện. Đó là Hà Lan (ban hành luật trợ tử năm 2001), Bỉ (ban hành 2002), Luxembourg (ban hành 2008). Riêng nước Mỹ, chỉ có tiểu bang Oregon không hợp pháp hóa trợ tử nhưng cho phép trợ giúp tự tử (assisted suicide), tức người bệnh tự dùng thuốc độc do bác sĩ cung cấp.
Tuy nhiên, trên thế giới, hiện vẫn có 2 luồng dư luận phản đối và ủng hộ trợ tử diễn ra rất mạnh mẽ, nhất là ở các nước phát triển.

Về phía phản đối trợ tử, những người này cho rằng hợp pháp trợ tử có thể đưa đến sự lạm dụng như: trợ tử không tùy ý bệnh nhân mà tùy ý bác sĩ, bác sĩ chẩn đoán nhầm để đưa đến trợ tử. Một lý do mạnh mẽ phản đối trợ tử là uy tính của nền y khoa bị tổn hại. Bởi vì, nhiệm vụ của thầy thuốc được xác định từ lâu là bảo vệ sự sống chứ không phải tiêu diệt sự sinh tồn của con người. Người được cho chống đối trợ tử đầu tiên trong lịch sử y học là Hippocrates, ông tổ ngành Y phương Tây. Trong lời thề Hippocrates, ông kêu gọi thầy thuốc là người “không bao giờ cho ai một liều thuốc độc , dù người đó yêu cầu và không bao giờ gợi ý về điều đó”. Luật y đức (Code de ontologie) của Pháp, điều 38 quy định người thầy thuốc không có quyền cố tình gây nên cái chết. Nhưng lý do lớn nhất là  ảnh hưởng của tôn giáo thần khải tin rằng sự sống có tính chất thiêng liêng do thượng đế ban cho con người, chỉ có thượng đế mới có quyền lấy đi sự sống. Chính sự tin này làm rất nhiều người kết án trợ tử, xem trợ tử là giết người. Một số người không đồng ý trợ tử vì cho rằng việc cứu chữa người bệnh thập tử nhất sanh phải là “còn nước còn tát”. Bởi vì đã có trường hợp tuy hiếm, là có người bệnh sau thời gian rất dài hôn mê lại hồi sinh và sống.

Về phía ủng hộ trợ tử , họ cho rằng hợp pháp hóa trợ tử bằng pháp luật quy định chặt chẽ là việc nên làm, có lợi cho người chết và người thân còn sống. Việc chăm sóc giảm nhẹ sự đau đớn (palliative care) cho người bệnh thuộc loại nan y dù phát triển tốt đẹp đến đâu vẫn không giải phóng người bệnh hoàn toàn khỏi ni đau đớn, chỉ có cái chết mới giúp họ không còn đau. Hơn nữa, tình hình kinh tế của người bệnh, của hệ thống y tế khó lòng kham nổi việc điều trị quá kéo dài mà sau cùng người bệnh vẫn chết (do bệnh vô phương cứu chữa). Chính tình trạng vừa kể làm cho, bên cạnh sự phản đối trợ tử, vẫn xảy ra âm thầm, không dám công khai các hành động trợ tử hoặc giúp cho bệnh nhân tự tử. Một số nghiên cứu trên thế giới gần đây cho thấy số tử vong do trợ giúp y khoa tại các nước tiên tiến là khá cao. Hai công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí Lancet (2/8/2003) dựa trên 20,000 ca tử vong, tỷ lệ chết do trợ giúp y khoa đi từ 23% (nước Ý) tới 51% (Thụy Sĩ). Tại Pháp, một điều tra cho thấy 50% qua đời tại phòng hồi sức là do ngừng điều trị khi các phương pháp điều trị trở thành vô ích. Ngay từ thế kỷ XIX, vấn đề hợp pháp hóa trợ tử đã được sự quan tâm mạnh mẽ do sự khám phá tác dụng của thuốc giảm đau morphin và thuốc gây mê. Đây là các loại thuốc giúp trợ tử êm ái và hiệu quả. Trong năm 1988, một bài báo được đăng trong tạp chí y khoa JAMA của Mỹ tường thuật một vụ trợ tử bằng morphin tại một bệnh viện. Một nữ bệnh nhân bị ung thư buồng trứng giai đoạn cuối, hóa trị liệu không còn hiệu quả, phải sống trong thời gian dài đau đớn và khó thở đã được một bác sĩ tiêm 20mg morphin. Tiêm thuốc như thế không khác gì điều trị thông thường dùng morphin giảm đau giúp cho bệnh nhân không còn đau đớn và thở không còn khó khăn, nhưng với liều morphin như thế cũng giúp cho bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng cách nhẹ nhàng tức trợ tử. Bài báo kết thúc với sự mô tả vẻ biết ơn trong ánh mắt của bà mẹ bệnh nhân và chính bài báo đã gây nên phản ứng làm sống dậy tranh luận về trợ tử nước Anh và Mỹ.

Cũng theo phong trào ủng hộ trợ tử, hợp pháp hóa trợ tử nếu được pháp luật quy định chặt chẽ, sẽ không làm tăng những trường hợp “trợ tử” giả hiệu tức giết người bệnh một cách tùy tiện; trái lại có thể phân biệt một cách rõ ràng hai hiện tượng với động cơ hoàn toàn khác nhau này. Trợ tử hợp pháp chính là hành động giúp người bệnh chết một cách nhẹ nhàng, nhằm mục đích làm thuyên giảm khổ đau của người bệnh và cả người thân của người bệnh trong giai đoạn cuối cuộc đời khi mà bệnh đó không thể nào chữa khỏi. Trợ tử nếu được pháp luật bảo vệ trước hết cũng phải xuất phát từ tấm lòng nhân đạo, từ bi cứu khổ của thầy thuốc. Vì thế, nếu không được hợp pháp hóa, trợ tử xuất phát từ lòng nhân từ bằng cách này hay cách khác vẫn được thực hiện một cách âm thầm, kín đáo, không dám công khai. Một thầy thuốc đồng thời là Phật tử tức người thấm nhuần triết lý không sát sinh, đã thú nhận việc dừng điều trị cho bệnh nhân ở giai đoạn cuối đời (xem như trợ tử thụ động) trong bệnh viện ở Pháp như sau:

Đối với bản thân tôi, hành nghề thuốc từ hơn ba chục năm nay đồng thời là một cư sĩ Phật tử, tôi không thấy có gì mâu thuẫn giữa hành động trợ tử của người thầy thuốc và con đường diệt khổ của Đức Phật. Cũng như nhiều đồng nghiệp và y tá chăm sóc những bệnh nhân tới giai đoạn cuối đời, chúng tôi đã hơn một  năm quyết định, với sự thỏa thuận và nhiều khi do sự yêu cầu của gia đình, dùng những loại thuốc “cocktail lytique”, những liều thuốc opiacés gây hôn mê dần rồi tắt thở, đã viết trong hồ sơ mật hiệu DNR (do not resuscitate, tức không hồi sức), để từ chối điều trị đến cùng… Mỗi trường hợp đặc biệt và không khỏi gây xúc động nhưng chúng tôi đều có cảm tưởng đã hành động theo đúng y đức, đã làm giảm bớt và ngắn đi nỗi đau khổ của người bệnh và gia đình thay vì một cái chết kéo dài lê thê, hạ thấp phẩm giá con người, một cách vô ích” (Trịnh Nguyên Phước, “Đối thoại giữa Đức Phật và gã chăn cừu”, Nhà xuất bản Văn Nghệ TPHCM - 2009, trang 189).

Theo thiển ý của người viết bài này, đối với người bệnh ở giai đoạn cuối đời, chết một cách tự nhiên là tốt nhất. Nhưng trong một số trường hợp, sự kéo dài sự sống chỉ là nỗi khổ đau của người bệnh và gia đình, thì trợ tử của người thầy thuốc với sự thỏa thuận của người bệnh hay gia đình là cần thiết. Điều hết sức quan trọng là người thầy thuốc cần có lòng từ bi và trí tuệ để thực hiện nguyện vọng của người bệnh hay gia đình người bệnh nhằm giải phóng nỗi khổ đau của họ. Có lòng từ bi tức là có lòng thương người, luôn xem sự sống là thiêng liêng, nếu có làm điều gì xâm phạm đến sự sống thì đó là điều bất khả kháng và làm chỉ muốn chấm dứt đau khổ. Đừng bao giờ trợ tử kiểu bất nhân như quan điểm của bác sĩ Hoche người Đức viết trong một cuốn sách in năm 1920 “nên chấm dứt sớm sự sống với các bệnh nhân bị bệnh nan y, bệnh tâm thần và trẻ con dị dạng vì họ sống với cuộc sống không đáng sống”!

Chính quan điểm bất nhân này góp tạo nên tư tưởng Đức quốc xã phát xít sau này. Còn có trí tuệ là có đủ hiểu biết, kiến thức về chuyên môn, y đức và pháp  luật để giúp người bệnh gần đất xa trờivới căn bệnh không thể chữa được, thoát khỏi thế giới một cách êm ả, dễ dàng. Người thầy thuốc cần trang bị trí tuệ tập thể. Đó là luật trợ tử nếu quốc gia người thầy thuốc sống đã hợp pháp hóa trợ tử. Luật hợp pháp hóa trợ tử được gọi là trí tuệ tập thể vì toàn đất nước được huy động trí lực để xây dựng nên. Mặt khác, trí tuệ tập thể còn là tiến bộ y học không ngừng phát triển nhờ phát minh của nhân loại. Tiến bộ y học giúp, vừa càng ngày càng xác định chính xác hơn thời điểm thích hợp giúp tạo “cái chết êm ả” cho người bệnh vô phương cứu chữa vừa kéo dài cuộc sống có chất lượng.
Với lòng từ bi và trí tuệ, người thầy thuốc mới thực hiện được trợ tử, giúp “cái chết cần thiết và nhân đạo” cho người bệnh.

Nguyễn Hữu Đức

No comments:

Post a Comment