Tôi đã từng làm một chuyến du lịch bằng xe đò từ Sài Gòn ra đến cửa khẩu Tân Thanh – Lạng Sơn, vừa đi vừa về mất nửa tháng.
Sau chuyến đi, tôi rút ra kinh nghiệm
rằng bất kể tôi là một người Việt Nam chính hiệu hay người nước ngoài
cũng đều không nên du lịch ở Việt Nam, cho dù danh lam thắng cảnh, di
tích lịch sử ở Việt Nam có đẹp đến bằng trời, nếu không muốn rước lấy sự
phiền hà cho mình, vừa mất tiền vừa mang thêm nỗi ấm ức trong lòng làm
cho con người mình nó già đi, mặt mũi hằn thêm vài nếp nhăn, hết cả đẹp.
Trong phạm vi bài viết này, tạm không
nhắc đến những chuyện phiền phức khác như nơi ăn, ở, ngủ, nghỉ, tham
quan du lịch, tôi chỉ gói gọn về chuyện cái WC mà thôi.
Nói theo ngôn ngữ nhà quê miền Nam cái
“công trình kiến trúc” đó kêu là cái cầu tiêu, cầu tiểu, cầu tắm; gọi
theo ngôn ngữ nhà quê miền Bắc là cái nhà xí, chuồng xí; nói theo ngôn
ngữ Sài Gòn đó là cái nhà vệ sinh, cái công trình phụ, cái toilet hay
cái WC; kêu theo ngôn ngữ của cư dân xứ Califonia Hoa Kỳ đó là cái
restroom. Nói chung, gọi kiểu gì thì nó đều là nơi để mọi người “giải
quyết nỗi buồn… đủ thứ”, không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo
hay quan điểm chính trị.
Ai kêu nó là “công trình phụ” là tùy quan
điểm của họ, chớ quan điểm cá nhân tôi, tôi coi nó là “công trình
chính”. Đến bất cứ chổ nào, nếu có ý định ngủ nghỉ lại, điều tôi quan
tâm trước tiên là cái WC đó có sạch sẽ không, có đủ nước sạch dùng
không, các loại khăn tắm, bàn chải, kem đánh răng… có hay không, rồi mới
coi đến giường ngủ và các thứ khác như thế nào. Cẩn thận hơn, khi đi xa
tôi luôn mang theo bên mình xà bông tắm, dầu gội, kem và bàn chải đánh
răng, khăn tắm. Tại Sài Gòn, khách sạn 4 sao khu trung tâm mà trong
phòng nghỉ của khách, những thứ đó toàn đồ rởm, bố ai dùng được, còn
nước từ vòi sen chảy ra cứ như mưa phùn, không đủ để tắm cho sạch sẽ,
thoải mái.
Tôi bắt đầu cuộc hành trình từ Nam ra Bắc
cũng là bắt đầu “con đường đau khổ” của mình. Khu vực tỉnh Bình Dương,
Đồng Nai thì còn đỡ, quán xá dọc đường vào dùng cơm xong, có thể dùng WC
được, tuy không “đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm” nhưng
trong phạm vi có thể chấp nhận dù không được hài lòng.
Chặng đường còn lại thì ôi thôi, suốt con
đường dọc theo Quốc lộ 1A miền Trung và Bắc Trung Bộ, từ Hà Nội thẳng
tiến ra Lạng Sơn, chao ôi, các nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, quán
ăn… những khu WC bé tẻo teo vỏn vẹn khoảng 2m2, cá biệt có nơi chỉ 1m2,
và có đặc điểm chung là: không có giấy vệ sinh sẳn trong phòng, thiếu
nước (hoặc không có nước) và bẩn chưa từng thấy, mùi hôi thối đặc trưng
bốc lên nồng nặc, giấy vệ sinh vung vãi khắp nơi, thiệt là vô cùng khủng
khiếp. Đi ra khỏi WC rồi mà cái mùi của nó như còn đeo đẳng, tôi ngờ
rằng nó ám vào quần áo hay giày dép của mình.
Anh tài xế chở khách đi đặc biệt vui
tánh, trước khi lên xe anh nhắc nhở từng người phải đi vệ sinh trước rồi
hãy lên xe. Nhìn qua nhìn lại không thấy WC ở đâu, hỏi anh thường xuyên
đưa khách đi nhiều biết chổ nào không? Anh trả lời: “Chổ này lớn lắm”
rồi chỉ ra ngoài cánh đồng “Coi bụi cây nào kín đáo cứ xả đại đi, hổng
ai nói gì đâu”. Ngồi yên vị trên xe, anh lại thông báo: “Nhà xe có phát
cho khách mỗi người một chai nước nước suối, cho đến chặn nghỉ tiếp theo
sẽ có chai nước khác, nhưng mà theo tui thì quý khách đừng nên uống
hoặc uống vài hớp thôi nếu khát quá, đường còn xa, tới chổ nào vắng vẻ
tui mới dừng xe lại cho quý khách xuống đi vệ sinh được”.
Xe chạy bon bon đến chổ theo anh tài xế
là “vắng vẻ”, anh ngừng xe lại, bước xuống vỗ vỗ hai bàn tay vào nhau
kêu bôm bốp, gọi rất to: “Xuống xe xả nước cứu thân đi bà con ơi”. “Xả
nước cứu thân” chớ hổng phải “xả thân cứu nước” đâu à nghen, đừng nghe
ba chớp ba nháng rồi tưởng bở!
Tham quan mấy chổ như Tháp Chàm, làng mỹ
nghệ đá Non Nước (Đà Nẵng), khu di tích cung đình Huế, phố cổ Hội An
(Quảng Nam), động Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Trị), động Tam Thanh, di tích
nàng Tô Thị (Lạng Sơn)… thiệt là những nơi “bước đi một bước dây dây
lại dừng”, nhưng không đi cũng kẹt lắm, du khách chưa coi được cái gì ra
đầu ra đũa thỏa mãn con mắt hay chưa kịp mua sắm đồ lưu niệm xong đã
phải vội vàng trở về khách sạn vì… hết chịu nổi, không đi cho nhanh thì
có nguy cơ… vãi cả ra quần.
Tôi vào động Phong Nha, cảnh quan thiên
nhiên kỳ thú, được cơ quan quản lý di tích bố trí thêm một số đèn màu
bên trong, làm cho thêm phần lung linh huyền ảo. Chụp hình, quay phim
lên đẹp lắm, cũng bởi phim, ảnh thì không có mùi. Chớ trong động này,
những chổ vắng người qua lại, ngóc nghách khuất khuất một chút đều là
“WC thiên nhiên” hết. Chớ biết làm sao bây giờ, đi cũng dở mà ở cũng
không xong, muốn ra cũng phải chờ đến chuyến đò mới ra được, chớ đâu có
thể nhảy xuống nước mà bơi vô bờ. Tôi cũng đã bất đắc dĩ mà dùng cái “WC
thiên nhiên” ấy. Nói như phim Hàn Quốc hay chiếu trên truyền hình Việt
Nam là: “Thành thật xin lỗi quý vị. Chúng tôi đã cố gắng hết sức” mà
không thể nào nhịn lâu hơn được.
Thật quá sức ngạc nhiên khi ngay giữa thủ
đô Hà Nội mà chỉ có 12 địa chỉ nhà vệ sinh công cộng. Ngay trung tâm
Sài Gòn, những nơi gọi là công viên, vườn hoa… vào cổng không bán vé thì
không có cái nhà vệ sinh công cộng nào. Ngày Tết, muốn “giải quyết nỗi
buồn” tôi phải vào các quán ăn sang trọng có phòng ăn thiết kế máy lạnh
để gọi một món gì đó (dù không muốn ăn) với giá rẻ nhất trên thực đơn,
trong khi chờ đợi nhân viên phục vụ đem thức ăn ra thì “tranh thủ” vào
WC. Tính ra, tiền thức ăn, tiền khăn giấy (để vào nhà WC chưa đầy 5
phút) tròm trèm 100 ngàn đồng tiền Việt, thật không rẻ chút nào cho một
việc rất là đơn giản nếu bạn ở Hoa Kỳ, nhưng vô cùng phức tạp nếu bạn ở
Việt Nam.
May mắn hơn, bạn đang ở trong một khu
chợ, tất nhiên khu chợ nào cũng có WC với đặc điểm “bẩn chưa từng thấy”,
bạn phải trả tiền để vào cửa. Trả tiền để được phục vụ tốt là điều ai
cũng mong muốn, tôi cũng sẳn sàng trả tiền, nhưng bạn sẽ được người quản
lý nhà WC ngắt một đoạn giấy vệ sinh dài chừng nửa mét màu xanh lá cây
(loại giấy rẻ tiền nhất ở Việt Nam) đưa cho bạn, trong phòng WC không hề
có giấy vệ sinh để sẳn cho bạn dùng, và nước sạch là chuyện ảo tưởng
như “làm ác mà mơ lên Thiên đàng” vậy.
Tôi đã “chu du” các nhà vệ sinh công cộng
ở công viên, bến xe New York, Washington DC, Califonia (Hoa Kỳ). Tất cả
các nơi này đều có điểm chung là khách sử dụng không phải trả tiền, bên
trong trắng toát sạch sẽ không có mùi, giấy vệ sinh để sẳn từng cuộn to
cũng trắng tinh, bên ngoài chổ rửa tay có xà bông, nước nóng và giấy
lau tay. Các quán ăn, nhà hàng thì không phải nói, họ bán hàng cho bạn,
tất nhiên phòng WC của họ phục vụ bạn đến “tận răng”, không có điều gì
khiến bạn phải phàn nàn.
Khi nào Việt Nam cải thiện được tình
trạng phục vụ khách du lịch “giải quyết nỗi buồn” được như xứ Mỹ, lúc đó
hẳn bàn đến chuyện làm thế nào để thu hút du khách quay trở lại Việt
Nam.
Tạ Phong Tần
No comments:
Post a Comment