Vào khoảng năm 1991, gia đình chúng tôi dọn vào khu Tân Phú, lúc này chưa xảy ra cơn sốt nhà đất, Việt Kiều về nước rất là có giá, vì đang là thời buổi đất nước bắt đầu mở cửa. Tôi còn nhớ 1,000 đô đổi được 2 cây rưỡi. Một Việt Kiều về nước mua cho mẹ và các em căn nhà chỉ có 8 cây, tức độ hơn 3 ngàn đô, nhà gạch, lợp tôn xi măng gần nơi mặt đường Hương Lộ 1, nhà rất khang trang mà không phải ai muốn cũng có được, nghe nói bà này “làm móng” bên Mỹ.
Thời gian ấy còn có một tin sốt dẻo quậy lên cả xóm vốn đã bình yên, vì 50 % dân ở đây làm rẫy. Ðó là tin: một gia đình Việt kiều, chủ 10 tiệm móng tay bên Mỹ sẽ về nước, chủ yếu là xây mộ cho ông bà cha mẹ ở Việt Nam.
Ngày chờ đợi cũng đến, họ về quê, những khuôn mặt sáng sủa, những quần áo và trang sức lộng lẫy, cả xóm trầm trồ xuýt xoa, nhìn ngắm, cứ tưởng như họ từ trên thiên đàng trở về hạ giới, sau khi nghỉ ngơi, họ bắt đầu bắt tay vào việc xây mộ.
Ngôi nhà này có khu vườn rộng, trong đó có khoảng chục ngôi mộ. Họ xây lại tất cả các ngôi mộ, trong đó mộ của ông bà họ xây to và lộng lẫy. Ở chính giữa khu đất họ làm cái tháp cao để sau này nếu dòng họ bà con anh em chết không đủ đất chôn thì sẽ đem thiêu và bỏ các hủ cốt vào trong tháp.
Ðó là lần đầu tiên tôi nghe và biết đến chữ Nail, tức làm móng ở xứ Mỹ. Nghề gì ngộ thiệt, ở Việt Nam thì các phụ nữ làm móng lê lết chồm hổm ở các chợ, sao nghề này bên Mỹ lại sang trọng thế? Cứ nghe ai về nước mà là dân làm móng cũng xài sang ra phết!
Tôi để ý đến nghề này và năm 1994 khi được qua Mỹ, tôi đã chọn nail làm kế sinh nhai.
*****
Còn nhớ một cô thợ trong tiệm tôi làm kể rằng lúc cô sang định cư ở California, người Việt khéo tay phần đông chọn nghề tóc và móng tay. Nhưng thi lấy bằng tiếng Anh khó quá, học viên thi trượt lên trượt xuống. California trở thành tiểu bang đầu tiên đổi thi tiếng Anh ra tiếng Việt vì nghe nói mấy ông nghị viên nghe lời đề nghị của dân là “đàng nào họ cũng đi làm, thì nâng đỡ cho họ có bằng để đi làm đóng thuế cho nhà nước, còn hơn để họ cứ bám theo trợ cấp, mà khi đi làm, có tiền vô tiền ra, họ ăn xài, thì kinh tế mới phát triển chứ!”
Ðúng là chỉ có xứ Mỹ mới làm cái chuyện giúp cho dân chúng giàu hơn để họ đóng thuế, và cái câu “Dân giàu nước mạnh” sao quá đúng với xứ này.
Một trường hợp ly kỳ khác, là chuyện ông chủ tiệm của tôi. Ông này đứng tên chủ tiệm, nhưng chả bao giờ làm móng, vì ổng là kỹ sư đang làm việc cho chính phủ. Ông rất giỏi và là một người có từ tâm. Hai vợ chồng ông điều hành cả chục tiệm nail.
Lúc trước, ông chủ vượt biên bằng đường bộ, đi qua ngã Campuchia. Trên bước đường cùng trốn chạy sau mấy ngày đói khát, ông phải ăn côn trùng cho qua cơn đói. Rồi trong lúc thập tử nhất sanh, ông thấy thấp thoáng một mái nhà, ông lần hồi lết tới. Chủ nhà cho ông tá túc hàng tháng trời trong nhà. Trước khi ông giã từ, họ còn cho ông đồ ăn khô và ít tiền độ nhật. Cuối cùng ông qua được đất Thái và sang Mỹ.
Lần đầu tiên về nước xây nhà cho bố mẹ, ông chủ đã tìm ròng rã hai ngày và gặp lại chủ nhân của căn nhà mà 20 năm về trước đã cho ông tá túc trên đường vượt biên, dù nhà ấy không có số và quanh co quẹo quọ trong rừng sâu. Ðương nhiên là ông đền ơn rất hậu.
Hằng năm mỗi dịp Lễ Giáng Sinh dù bận trăm công nghìn việc ở công ty hay lo tính toán sổ sách cuối năm cho tiệm của mình, ông cũng không quên mang các thùng quà đến cho mỗi gia đình thợ của mình.
Trong tiệm có một cô thợ người Trung, hay kể chuyện miền Trung của mình. Năm ấy, 1999, lụt lội đổ về miền Trung, các thợ Nail có bà con ở vùng ấy tới tấp gửi tiền về, nhờ bà con gia đình trong vùng đó mua gạo phát chẩn cho dân nghèo vì không thể chờ đợi chính phủ nhỏ giọt trợ cấp, lại còn ăn bớt ăn xén.
Vài năm nay nghe nói ở vài xã miền Trung đua nhau xây biệt thự cho người chết, mà phần đông là do tiền từ ngoại quốc gửi về, trong đó không ít là do con cái làm Nail. Thế thì cái nghề này cũng giúp đỡ cho cha mẹ anh em bà con, cả người chết lẫn người sống nhiều quá đấy chứ!
***
Nhưng nói gì thì nói, khi nói đến ưu điểm thì cũng có những khuyết điểm, đó là cái mùi độc hại.
Theo những kinh nghiệm cá nhân tôi thì hãy dùng những sản phẩm tốt, nếu có cửa sổ thì nên mở hí cửa, dù Mùa Hè hay Mùa Ðông, mở quạt hút mùi hôi ra ngoài thường xuyên. Tôi đã làm như vậy suốt 15 năm nay, mỗi năm đi thử máu, check up đủ thứ, chụp hình phổi, tất cả đều OK, nếu lỡ bị bệnh nan y thì coi như “trời kêu ai nấy dạ.” Không làm nail thì cũng bị bệnh, làm nail mà có bệnh cũng là chuyện thường tình thôi, “sinh nghề tử nghiệp mà” nhưng mình ráng giữ sức khỏe được lúc nào hay lúc ấy.
Một cô thợ móng đã nói: “Cái xe mình chạy bình thường 5 năm đã bắt đầu hư, 10 năm hư nhiều hơn, 20 năm thì coi như liệng vô bãi phế thải, thì cái body của mình máy móc bên trong chạy năm nầy qua năm khác, mỗi năm hư nhiều hơn, đương nhiên chạy đến 5,7 chục năm thì nó phải rệu rã thôi, kêu ca gì nữa!” Ðến lúc đó thì Chúa kêu hay Phật rước cũng là chuyện bình thường.
Còn một chuyện này mà tôi cứ ấm ức mãi, mong có dịp để giãi bày. Số là: Mấy năm trước có bài báo nói về Nail, trong ấy có kể câu chuyện “một cô thợ Nail già, ốm yếu, khi làm chân, lỡ cắt phạm, khách đau giật bắn người nên co giò đạp cô lăn long lóc thấy phát tội!”
Nói vậy là tác giả bài báo không hề làm nail và không biết gì về nail, chỉ ghét thợ nail xum xoe rủng rỉnh tiền nên tức mà nói vậy, chứ ai đã vào ngành nail thì đều biết “khi khách ngồi trên ghế, để hai chân lên bệ, thế ngồi vừa phải tùy theo chân ngắn hay chân dài mà kéo cái ghế ngồi gần hay xa thợ. Nếu khách đưa chân lên đạp thợ thì cũng phải co giò lên, thủ thế đạp, cũng mất vài giây. Chắc cô thợ mà tác giả nói trong bài “bị đui” nên để khách đạp như vậy!
Vấn đề giành khách, gây lộn trong tiệm nail, đương nhiên có. Anh em ruột trong nhà, cùng cha, cùng mẹ còn gây lộn, đánh lộn, huống gì “người dưng nước lã” trong tiệm nail. Chuyện thường tình! Nhưng trong tiệm nếu người chủ biết sắp xếp theo “tua”, không để tình trạng giành khách xảy ra, thì cũng không đến nỗi nào.
Mong các bạn làm nail bổ sung thêm các mặt xấu tốt về ngành nail để quý độc giả đọc cho vui, và sẽ có cái nhìn tốt hơn cho ngành nail của mình.
Kim Phan
Bên Úc ít nghe nói tới nghề này, không nghe ai giàu phất lên nhờ làm nail hết. Vậy là chị đi Mỹ là đúng đường rồi đó.
ReplyDeleteCám ơn bài viết của chị đã giúp người đọc hiểu biết thêm về nghề nail.
Thân mến.
NPN
Cám ơn chi NPN, chúc chi vui tươi, hạnh phúc , bình an .
ReplyDeleteBài đọc rất thích thú và hiểu thêm về nghề nail , cám ơn chi NPN post và chị Kim Phan cho đọc.
ReplyDeleteHồngThúy
Thay mặt chị Kim Phan, xin cám ơn em Hồng Thúy.
ReplyDeleteNPN
Cám ơn Hồng Thuỷ nhé ! Mình 65 tuổi rồi, nhưng vẫn còn ngồi dũa , vì thật sự già ở nhà buồn lắm, mà có muốn làm gì khác chắc cũng khg ai mướn, nghề nầy cũng nhàn, nên có lẽ khi nào .... tay run sẽ ngừng 🤓🤓🤓
ReplyDelete