Từ trái, bà Huỳnh Thị Chút, ông Gary Wittig và người con chung của họ,
chị Nguyễn Thị Kim Nga, trùng phùng tại Georgia sau 48 năm. (Hình: Quế
Nguyễn cung cấp)
RIVERDALE, Georgia (NV) –
“Khi Nga báo cho biết là đã gặp lại cha, tôi mừng lắm, vì không bao giờ
tôi dám nghĩ đến điều này. Nhưng mà quả đất xoay tròn quá.” Đó là cảm
nghĩ của bà Huỳnh Thị Chút, người phụ nữ 75 tuổi, lần đầu tiên ngồi máy
bay, mà lại bay cả nửa vòng trái đất để đến Riverdale, Georgia, hội ngộ
cùng ông Gary Wittig, cha của con gái bà, sau khi bặt tin từ năm 1969.
Con gái bà Chút, chị Nguyễn Thị Kim Nga, cũng chỉ mới tìm lại được
cha ruột của mình, ông Gary Wittig, một người Mỹ từng làm việc ở Việt
Nam, sau 17 năm sang Mỹ định cư ở tiểu bang Nebraska.
Câu chuyện được kể lại sau gần một nửa thế kỷ, không chỉ chứa đầy
niềm vui của ngày trùng phùng, mà hơn những điều thông thường đó, là tấm
lòng, là nghĩa cử cao thượng, của hai người đàn ông đứng bên cạnh hai
người phụ nữ này trong suốt mấy mươi năm qua, nhằm giúp họ đạt được ước
nguyện của mình.
Câu chuyện của nàng lao công nghèo, người yêu Mỹ, và ông chồng Việt
Bà Chút từ Mepu, Bình Thuận, đặt chân đến thành phố Riverdale hôm Thứ
Ba, 3 Tháng Mười, nói với Người Việt qua điện thoại, “Đây là lần đầu
tiên tôi gặp lại ông Gary sau 48 năm. Nhưng gặp là nhận ra liền, dù ngày
trước ổng còn rất trẻ.”
Câu chuyện theo dòng hồi ức của người phụ nữ đã đi qua gần hết đời
mình trong nghèo khó, lam lũ, vẽ lên bức tranh chung của nhiều phụ nữ
Việt “đi làm sở Mỹ” ở miền Nam Việt Nam vào thời chiến tranh Việt Nam.
“Tôi lúc đó có chồng và một đứa con trai. Khi tôi lấy chồng là cha mẹ
tôi coi như bỏ luôn, không biết tới luôn. Rồi tôi đi làm lao công, dọn
dẹp cho hãng Mỹ ở ‘Kem’ (Camp) Tiên Sa, Đà Nẵng. Ở đó có một bãi đậu xe
lớn lắm. Tôi rửa xe ở đó. Ông Gary lái xe tới cho tôi rửa. Sau tôi mới
biết ông cũng làm việc cho hãng đó,” bà kể bằng giọng “miền ngoài” đặc
sệt.
“Không biết đây có phải là duyên nợ trời đất gì không,” bà tiếp tục
câu chuyện. “Vì hồi đó đi làm mà thấy Mỹ là sợ lắm, vậy mà sao tôi lại
thương ông, dù tôi với ông có nói chuyện được gì nhiều với nhau đâu.”
Theo lời bà Chút, bà quen ông Gary Wittig được một năm. Ông biết bà
mang dòng máu của ông trong người, ông chở bà đi bệnh viện khám thai,
biết được bà sẽ sanh con gái và cả ngày giờ sanh đứa bé.
Bà Chút nói thêm, “Trước khi về Mỹ, ông Lary có đưa tôi hình và thẻ
có số quân của ông. Nhưng đến khi thấy Mỹ rút đi hết trong một đêm tối,
tôi sợ quá, không bao giờ nghĩ có ngày gặp lại, nên tôi đốt hết. Mất
liên lạc luôn từ đó.”
Khi ông Gary trở về quê hương thì bên kia bờ đại dương, bà Chút cũng sanh em bé. Đó là năm 1969.
Như bao phụ nữ sanh “con lai” khác, bà Chút bị tai tiếng nhiều, nhưng bà “không buồn, vì bụng làm dạ chịu.”
“Thương là thương ông chồng Việt của tôi, ông chưa bao giờ oán trách, ghen tuông gì hết,” bà nói.
Bà nhớ lại, “Ông chồng dẫn tôi đi sanh mà không mang theo đồ chi hết.
Khi bà mụ bồng đứa con ra, ông nhìn và nói liền ‘Ô choa, Mỹ con! Mỹ
con!’ rồi ông cởi cái áo đang mặc quấn cho nó. Đến sáng ông về nhà nấu
cháo cho tôi và mang quần áo em bé vô. Lúc về nhà, ông cũng là người
bồng con bé đi trước, tôi đi theo sau.”
“Tên con bé cũng là do ông đặt. Ông nói nó là con Mỹ thì đặt tên nó
là Nga chứ không có tên gì khác hết, Nguyễn Thị Kim Nga,” bà cho biết.
Nếu đời sống người dân bình thường vốn đã quá cơ cực sau Tháng Tư,
1975, thì đời sống của những gia đình có con lai lại khốn đốn hơn nhiều
lần.
“Lúc đó khổ lắm, tiền không có ăn, áo không có mặc, mà nuôi đến ba,
bốn đứa con, khổ quá là khổ. Mà vì khổ nên quẫn có lúc ông đánh con,
nhưng không phải vì ghét mà đánh đâu,” bà khẳng định.
Cũng theo lời bà, khi nghe nói Nga có thể làm giấy tờ đi Mỹ, thì chính ông chồng “dẫn mẹ con tôi đến chỗ xã làm giấy tờ.”
“Nhưng khi xuống tới thì họ nói chỉ có tôi và Nga đi được chứ chồng
tôi không đi được. Khi đó ông nói với tôi một câu mà tôi nhớ thương
hoài, ‘Thôi, đi về đi bà, về làm ăn với tôi. Khi nào tôi chết rồi mẹ con
bà muốn đi mô thì đi.’ Rồi năm sau thì ông mất,” người phụ nữ lam lũ
bồi hồi.
Ngày quen nhau họ chỉ ở độ tuổi ngoài 20. Gần nửa thế kỷ gặp lại, tóc đã trắng mái đầu. (Hình: Quế Nguyễn cung cấp)
Người con gái lai và con đường đến quê cha bằng sự kiên trì của chồng
“Hồi nhỏ, anh tôi không biết tôi con lai, nhưng ba ghẻ thì chắc biết,
nên cũng có lúc bị đòn. Rồi đi học bị bạn bè chọc ‘con lai 12 lỗ đít’
cho nên vừa bất mãn mà nhà cũng nghèo quá nên chỉ học được lớp 1, lớp 2
là bỏ học luôn,” chị Nga cười nhớ lại.
Cuộc đời của người con gái lai cứ thế trôi đi trong cảnh nghèo không
thể nghèo hơn, “cứ đi làm mướn, đi làm ruộng, gặt, cấy, cho người ta cho
đến lớn.”
Rồi “phong trào con lai” bùng lên, nhiều người từ Kiên Giang, An
Giang cũng ra tận quê Bình Thuận của chị kiếm con lai “mua” để được đi
Mỹ.
“Tôi nhớ lúc đó họ nói đưa cho má một cây vàng trước, rồi chừng nào
làm giấy tờ đi được thì đưa thêm một cây. Tôi không chịu. Sau đó tôi để
cho họ làm không lấy tiền nhưng phải cho má tôi đi, họ làm giấy tờ ghép
hộ gì tùm lum hết. Nhưng rồi đi phỏng vấn rớt, rồi lại làm lại, kéo dài
cả bốn năm như vậy nên tôi nói thôi không có muốn đi Mỹ nữa,” chị Nga
kể.
Rồi chị quen anh Quế, chồng hiện tại của chị, tình yêu càng khiến chị
không muốn rời bỏ mảnh đất đang sống, dù cơ cực, nhọc nhằn.
Chị cười nhớ chuyện xưa, “Lúc đó má nói ‘mày muốn sướng thì kiếm
đường mà đi Mỹ, còn muốn cực thì cứ ưng thằng Quế.’ Nhưng rồi do sự
quyết định của mình nên thôi không muốn đi Mỹ, ở lại cưới nhau năm
1994.”
Điều may mắn cho chị Nga, như má chị nhận xét, là “Thằng rể tôi nghèo
nhưng lòng hắn tốt. Hắn làm mọi thứ để mẹ con tôi được thỏa nguyện. Tôi
gặp được ông chồng tốt. Con gái tôi cũng có người chồng tốt, như vậy
thì tôi thấy cuộc đời mình thỏa mãn rồi.”
Theo lời chị Nga, “hai vợ chồng phải vất vả bon chen kiếm sống bằng
cách đi rẫy, đi núi cưa cây cưa củi bán. Tằn tiện, tích cóp đến cuối năm
mới có dư được 5 phân vàng, nhưng cứ có tiền là ông chồng nói để đi vô
Sài Gòn kiếm đường làm giấy cho đi Mỹ. Ông cứ làm hết năm này qua năm
khác. Lúc đó tôi khóc hoài, nói không có đi đâu hết, nói làm khó khăn,
kiếm không ra tiền ăn mà cứ có đồng nào cũng đi Sài Gòn. Nhưng ông vẫn
quyết tâm làm. Cuối cùng Chúa cũng cho ông làm được, để rồi hai vợ chồng
và đứa con trai lớn được đi Mỹ năm 2000.”
Anh Quế Nguyễn, hiện sống cùng vợ con tại thành phố Omaha, tiểu bang
Nebraska, kể thêm, “Ai cũng biết ở Việt Nam rất khổ cực, mà bà xã lại là
con lai, không đi được thấy cũng thiệt thòi cho bà nên tôi phải hết sức
tìm đường đi. Làm được đồng nào tôi lại lặn lội lên Sài Gòn, tôi dòm
tôi ngó, đi hỏi hết người này đến người khác, mà đi tới luật sư nào họ
cũng đuổi về vì họ nói đi tìm mà không có hình bóng, giấy tờ gì hết thì
như tìm kim đáy bể thôi.”
Lặn lội suốt sáu năm như thế, cho đến một lần anh Quế “gặp may.”
Anh nhớ lại, “Một lần tôi với bà xã sau khi để dành được mấy phân
vàng quyết định dắt con vô Sài Gòn, may sao nhờ ‘ông tổng lãnh sự quán’ ở
đường Pasteur nhìn thấy bà xã tôi thì ông nói bà xã tôi lai Mỹ. Thế là
ông giúp làm giấy cho đi. Cuối cùng thì hai vợ chồng và con tôi được
sang Mỹ vào ngày 17 Tháng Mười, 2000.”
Đặt chân đến vùng đất không có một ai thân thích, chị Nga cho rằng
mình “may mắn” khi xin được việc làm liền ở một hãng bánh của người
Mexico, rồi “làm miết từ đó cho đến Tháng Sáu vừa rồi họ đóng hãng thì
tôi mới thất nghiệp ở nhà.” Anh Quế cũng sau vài năm làm ở hãng bánh
cùng chị, đã xin được việc làm trong trường học từ hơn 10 năm qua.
Ngoài đứa con trai lớn sanh ở Việt Nam, anh chị còn có thêm một con gái 14 tuổi và một con trai 12 tuổi được sanh tại Mỹ.
Vợ chồng chị Nguyễn Thị Kim Nga, anh Quế Nguyễn cùng ba người con. (Hình: Quế Nguyễn cung cấp)
“Ráng tìm cha cho có người thân nương tựa”
“Trong đời sống lúc vui, lúc buồn tôi đều có trong đầu câu hỏi sao
mình sinh ra không biết cha là ai? Tại sao mình không có tình thương của
cha?” chị Nga tâm sự bằng chất giọng thật thà, chất phác của người
không có quá nhiều cơ hội để nói về những nỗi niềm của mình.
Thêm vào đó là lời nhắn gửi của má chị “con thử đi kiếm coi có tìm
được cha không, để còn có người thân nương tựa, vì ở đây mình không có
ai là bà con hết.”
Thôi thúc ước muốn được biết cha mình là ai, còn hay mất, nhưng “mình
lại không biết gì hết, không biết chữ, không biết viết, cái gì cũng
phải nhờ chồng.”
Anh Quế, chồng chị Nga cũng giãi bày, “Tôi biết ước mơ của vợ tôi là
tìm được tung tích của người cha có từ mấy chục năm qua. Nhưng mà mình
không biết cách nào để tìm hết.”
Nhưng rồi họ lại gặp may.
“Một chị bạn quen tên Minh, cũng là con lai, cũng đi tìm cha. Nhưng
tìm rồi mới biết cha đã mất vì tai nạn từ hồi còn ở Việt Nam. Rồi
chị hướng dẫn, giúp đỡ tụi tôi tìm. Mọi chuyện chị giúp hết, bắt đầu từ
Tháng Mười Hai, 2016, đến Tháng Tư thì tìm được,” chị Nga cho biết.
Theo lời vợ chồng chị Nga, chị Minh chính là người đã tìm được tung
tích của ông Gary, liên lạc với ông và gia đình ông, sắp xếp cho mọi
người được gặp lại nhau.
Về phần ông Gary, do sức khỏe, nói chuyện khó khăn, nên chị Christine
Kimmey, cháu ruột ông Gary, là người thay ông kể chuyện với Người Việt.
Chị cho biết, “Chú Gary đến Việt Nam hai lần, tôi không nhớ chính xác
lần đầu là năm nào nhưng lần thứ hai là năm 1967, chú được đưa đến trại
Tiên Sa ở Đà Nẵng. Chú làm việc với Seabee’s, đơn vị MCB-8 (Mobile
Construction Company-8). Công việc của chú lúc đó là lái xe chạy vòng
quanh trại để sửa chữa bảo trì.”
“Thời gian đó cũng là lúc chú Gary gặp cô Chút đang làm công việc rửa xe cho đơn vị đó,” chị Christine nói thêm.
Chị kể, “Tôi nhớ một lần vào năm 1980, khi đó tôi 14 tuổi, dì Linda,
vợ chú Gary, nói cho tôi và em gái tôi biết là chú Gary có một đứa con ở
Việt Nam. Tôi không biết tại sao dì muốn chúng tôi biết điều đó. Tôi
nghĩ có thể đó là một chuyện lạ. Dì Linda mất năm 2006. Dì Linda và chú
Gary không có con.”
“Và rồi chuyện này không bao giờ được nhắc đến nữa. Nhưng tôi lại
luôn ghi nhớ điều đó trong đầu bởi vì đó là một đứa bé. Chuyện gì đã xảy
ra. Dù vậy, chưa bao giờ tôi hỏi chú Gary về điều này. Cho đến một
ngày, tôi nhận được tin nhắn trên Facebook của một thám tử chuyên về DNA
hỏi tôi có quan hệ họ hàng với ai từng tham chiến ở Việt Nam trong
khoảng thời gian năm 1968, 1969 không. Họ nói họ đang giúp một người tìm
lại cha đẻ,” chị Christine tiếp tục câu chuyện.
Theo lời cháu ông Gary, mới hai tuần trước khi chị nhận được tin nhắn
đó, chị và em gái chị đã có cuộc trò chuyện về gia tộc, và chị có nhắc,
“Đừng quên là chú Gary còn một đứa con ở Việt Nam. Em tôi nghe vậy thì
nói nó đã hoàn toàn quên béng những gì mà dì Linda đã kể cho chúng tôi
nghe từ mấy chục năm về trước.”
“Theo những gì tôi hiểu, tôi nghe, thì người mẹ đó muốn quay trở lại
với chú Gary thì cũng không thể vì những ràng buộc của gia đình. Chú
Gary cũng không thể mang người phụ nữ đó theo về Mỹ ở thời điểm đó được.
Tôi không biết đã có bao giờ chú muốn tìm kiếm lại đứa con của chú
chưa, nhưng tôi biết chắc rằng chú luôn nghĩ về đứa con ấy suốt những
năm tháng qua. Chú nói điều đó mới đây thôi,” chị Christine chia sẻ bằng
tâm tình của người trong gia tộc.
“Lần đầu tiên tôi được gặp cha mình là ngày 15 Tháng Tư, cuộc hội ngộ
diễn ra trong bốn ngày. Mừng lắm, cha con đều khóc, vì nào giờ mình cứ
ao ước tình thương của cha mà,” người con gái kể bằng giọng xúc động.
Lần thứ hai, gia đình chị Nga lại từ Ohoma bay sang Atlanta thăm cha đúng vào ngày Father’s Day.
“Muốn làm bất ngờ cho ông, nên cả nhà đi qua mà không cho ông biết
trước. Đến khi ổng mở cửa thấy vợ chồng con cái mình đứng ở ngoài cửa,
ông mừng ông khóc, vì hồi nào giờ ông đâu có con, nên giờ ngay ngày Lễ
Cha tụi tôi muốn làm cho ba vui,” chị Nga lại cười sau câu chuyện kể.
Ông Lary, qua điện thoại cũng cố gắng nói với Người Việt bằng giọng
yếu ớt, khó nhọc, “Tôi rất rất vui khi được gặp lại con tôi sau mấy mươi
năm. Giờ chúng tôi đã là một gia đình. Tôi không ngờ tôi có người con
gái xinh đẹp như vậy.”
Ngay thời điểm này, chị Nga đã bay sang chăm sóc cha mình từ hơn ba tuần qua, sau lần ông bị té ngã phải vào bệnh viện.
Má chị cũng từ Việt Nam sang trùng phùng cùng “người yêu” như cách nói của bà.
Bà nói, “Tôi không nghĩ, mà chắc ông Gary cũng không nghĩ có ngày gặp lại như thế này.”
“Giờ gặp lại vui thì rất vui nhưng cũng thấy có chút gì tiếc vì mình
tìm ra ông trễ quá. Phải chi gặp lại lúc ông còn khỏe mạnh để có thể
chuyện trò, còn giờ ông bệnh, nằm một chỗ, nói nhiều là ông quạu vì ông
mệt. Tiếc là tiếc như vậy. Nhưng mà cũng thỏa nguyện vọng rồi,” bà lại
cười.
Chị Christine nói, “Đây là một câu chuyện quá là cảm động. Tôi muốn
câu chuyện này được nhiều người biết đến, để có thể góp thêm cảm hứng
cho những người con lai vẫn đang trong hành trình đi tìm kiếm cha của
mình.”
Tôi không biết còn bao nhiêu người con lai nữa vẫn đang khắc khoải
trong lòng niềm mơ ước được biết về tung tích của người đã góp phần hình
thành nên hình hài của họ.
Tôi cũng không biết còn bao nhiêu người cha nữa còn đang sống, và chờ
mong một ngày có đứa con gốc Việt bất ngờ đứng trước mặt mình gọi tiếng
“Cha ơi!”
Nhưng, câu chuyện hội ngộ với sự có mặt đầy đủ của những người trong
cuộc vừa diễn ra, là một trong những câu chuyện hay nhất mà tôi từng
nghe liên quan đến một “hiện tượng có lãng mạn mà cũng có không ít sự
đau đớn” trong một giai đoạn đặc biệt của lịch sử quê hương mình.
—-
Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment