Á Đông ta có quan niệm "đa thọ, đa nhục".
Chateaubriand ví tuổi già như con tầu đắm.
Horace than phiền : tuổi già buồn nản đang đến, giã từ những nụ cười vui, những tình yêu nồng nàn và những giấc ngủ an lành.
Còn Hippocrate thì so sánh tuổi đời với bốn mùa mà già là mùa đông băng giá.
Có lẽ là khi về già, con người, giống như mọi sinh vật khác , đều
trải qua những thay đổi về cấu tạo, về chức năng, có thể đưa tới đau
yếu, bệnh hoạn. Nên người già quan niệm sống lâu mà suy yếu, thiếu thốn,
chẳng qua cũng chỉ như cây tầm gửi, là gánh nặng cho gia đình và xã
hội.
Rõ thực là " Khi vui thì muốn sống lâu, Khi buồn lại muốn thác mau cho rồi"!
Nhân dịp xuân sắp về, tuổi thọ sắp tăng thêm một đơn vị, chẳng biết
mình nên buồn hay nên vui. Thôi thì để biết người, biết mình, chúng tôi
xin cùng quý vị ôn lại vài nét thăng trầm tuổi thọ của con người, lướt
qua một phần phong tục tập quán của vài thời đại đã qua.
Phong tục Việt Nam.
Phong tục Việt Nam vốn trọng người già. Ta thường có câu nói:"Triều
đình thượng tước, Hương đảng thượng xỉ" có ý nói là ở nơi triều đình thì
chức tước cao được ngồi trên, còn tại chốn đình trung hương đảng thì
người cao tuổi được coi trọng hơn. Vì được quý trọng nên dân ta đã có
nhiều tục lệ tốt đối với người già.
Trong gia đình, Tết đến, con cháu tụ họp trước là để cúng gia tiên,
sau là chúc tuổi thọ ông bà cha mẹ.Tăng thêm một tuổi là thêm thọ, một
điều mà ai cũng mừng, cũng nhắc nhở chờ đợi: " Bà lão nằm tính tuổi sắp
thêm năm"- Anh Thơ. Trẻ con cũng sốt ruột chờ đợi để được mừng tuổi,
bằng tiền mặt phong bao, bằng những lời khen tặng ăn no chóng lớn.
Ngoài xã hội, nhất là nơi thôn ấp, các vị cao niên từ 50 tuổi trở lên
thì được xếp vào hạng bô lão, trên cả các hương chức quyền thế tại địa
phương. Trong số bô lão, cụ nào cao tuổi hơn cả thì được tôn vinh là các
Cụ Thượng, thường là trên 80. Tuổi 40 được mở tiệc tứ tuần đại khánh;
60 tuổi trở lên thì các cụ đã ăn mừng thọ, từ tiểu thọ, trung thọ rồi
đại thọ ở tuổi ngoài 80.
Vì quan niệm tuổi thọ là tuổi Trời ban cho, nên các vị cao tuổi đều
được kính trọng. Ra đường, gặp người già là mọi người phải cúi đầu chào
hỏi cho lễ phép, phải nhường bước, phải nhường chỗ ngồi, phải đứng lên
khi bô lão xuất hiện, không được ngắt lời bô lão khi thảo luận. Chương
trình giáo dục từ lớp Đồng Ấu đã có những bài học Luân Lý chỉ dạy học
trò cung cách đối xử với người lớn tuổi.
Trong làng xã thì có những tục rước lão, tiệc yến lão. Người già mặc
quần áo đẹp, con cháu ôm cơi trầu, điếu ống theo hầu, được dân làng mang
cờ quạt, võng cáng với trống chiêng tới đón mời lên Đình để hương chức
và dân chúng chiêm ngưỡng, chúc tụng rồi dự yến tiệc. Mà yến tiệc thì
các cụ chỉ dùng một ít, còn lại lấy phần về chia cho người trong tộc họ,
hàng xóm để cùng hưởng lộc nhân dân.
Các cụ Ông cụ Bà đều được rước đón, nhưng tại nhiều địa phương, cụ bà
không tham dự vì các cụ vẫn theo lời dậy từ ngàn xưa là đàn bà con gái
không dính líu vào việc làng, việc nước. Các bà mẹ Việt Nam bao giờ cũng
khéo lo xa.
Ngoài ra các cụ còn được làng xã dành cho một số quyền lợi về công
điền, địa thổ, được miễn trừ hết sưu dịch. Quan niệm " kính già , già để
tuổi cho " rất phổ biến. Vả lại, kính lão đắc thọ, mọi người cũng mong
là khi mình đạt tơí tuổi thọ đó sẽ được hưởng những vinh dự tương tự.
Cũng như người Trung Hoa, xã hội ta vẫn coi gia đình là một đơn vị
nền tảng với tôn ti trật tự rõ rệt. Chủ gia đình là người cao tuổi nhất,
có toàn quyền quyết định về mọi sinh hoạt của thành viên. Con phải tuân
theo lời bố, vợ phục tùng chồng, em phải nghe lời anh, và nàng dâu mới
về là người chịu nhiều thiệt thòi, hành hạ từ nhà chồng. Nhưng khi đã
tới tuổi cao thì uy quyền của bà ta cũng tăng đối với con cháu và có cơ
hội hành hạ nàng dâu như bà đã bị đối xử khắt khe khi xưa.
Việc dựng vợ gả chồng hoàn toàn do người cao tuổi sắp đặt: cha mẹ đặt
đâu con ngồi đó. Khi bố mẹ thất lộc thì người trai trưởng nắm quyền
hành: quyền huynh thế phụ.
Nhờ con cái thấm nhuần tư tưởng " Công Cha như núi Thái Sơn, Nghĩa Mẹ
như nước trong nguồn chẩy ra", nên người già Việt Nam đều sống với gia
đình và được thân nhân chăm sóc, phụng dưỡng cho tơí khi mãn phần. Chỉ
khi nào vì quá nghèo lại không có thân nhân thì họ mới phải vào trong
các nhà dưỡng lão do chính quyền hay các hội từ thiện tư nhân tài trợ.
Việt Nam chưa có hệ thống nhà Điều Dưỡng người già với y tá túc trực (nursing home) như ở các nước Âu Mỹ hay Nhật Bản.
Phong tục Tây phương
Ở phương Tây, số phận và vai trò cuả người cao tuổi được ghi nhận đầy đủ hơn trong các sinh hoạt xã hội, văn hóa...
Vào thuở bán khai con số người cao tuổi không nhiều lắm. Những người
trên 65 tuổi chiếm không quá 3% dân số. Tùy từng địa phương, quốc gia,
họ được đối xử khác nhau. Nhưng nói chung thì họ được chăm sóc, nuôi
dưỡng cho tới khi chết.
Người trẻ dành cho họ một niềm kính trọng và dành cho họ một số biệt
đãi như được uống rượu cho tới khi say, vì họ cần rượu để sưởi ấm cơ
thể, được ăn những thức ăn hiếm như tim , phổi, gan, tủy sống của súc
vật. Tại vài bộ lạc bên Úc, con cháu còn dâng hiến máu của mình cho ông
bà cha mẹ để tăng cường sức lực, bằng cách vẩy máu lên người hay uống
tươi. Ruộng vườn của họ cũng được người trẻ giúp cầy luống, trồng trọt
trước.
Dù vậy, để bảo đảm an toàn về tài chánh, người già cũng kiếm cách gây
dựng một số tư hữu bằng cách bán những kinh nghiệm, kiến thức của mình
như làm người phân xử tranh chấp, chữa bệnh, cúng tế thần linh.
Nhưng tới khi họ già, bệnh hoạn lại không có tư hữu thì bị bỏ rơi, nhiều khi phải lựa chọn sự tự kết liễu đời mình.
Thuở xưa, dân chúng vài bộ lạc Châu Phi, và Nhật Bản cô lập người già
bệnh họan vào những túp lều ở trong rừng, cung cấp thức ăn vừa đủ một
thời gian và người già chết lần mòn. Lều và người chết được đốt để linh
hồn người đó lên thiên đàng.
Một số người Eskimo già khi không còn khả năng sản xuất, tự có bổn
phận đi vào vùng bão tuyết, để rồi tan biến đi. Có người được dự một yến
tiệc linh đình, ca hát, nhẩy múa để rồi bất chợt ngã bất tỉnh nhân sự
sau một cái đập của một người trẻ được chỉ định trước. Sự đối xử này
được người già chấp nhận nên con cháu cũng không băn khoăn, ân hận. Vả
lại, mai đây cũng đến lượt mình.
Dân Do Thái xưa cũng tôn trọng người cao tuổi, nhất là trong chế độ
tộc trưởng đa thê. Vị tộc trưởng phải nuôi dưỡng cung cấp cho cả một bầy
vợ với một đàn con và người phụ việc, nên vai trò của người già này rất
quan trọng. Ngay trong Thánh Kinh cũng có điều răn con cái là không
được khinh thường cha mẹ già mà phải trân trọng họ. Luật cổ Do Thái cũng
nhắc nhở người trẻ phải đứng lên khi người cao tuổi tới và phải tỏ
lòng kính trọng khi gặp người cao tuổi.
Nhưng, cũng như mọi sự việc khác trên đời, hung cát, cát hung theo
nhau, sự kính trọng đó sói mòn dần, vì hoàn cảnh sinh sống, đòi hỏi kinh
tế. Đã có người trẻ đặt vấn đề với người già và yêu cầu họ chuyển
nhượng quyền hành. Tranh chấp giữa hai lớp tuổi mỗi ngày một căng thẳng
và đời sống người già trở nên khó khăn, khổ sở khiến có người đã nghĩ là
chỉ có chết đi mới khỏi nhục.
Người già còn bị cáo buộc là không còn ích lợi gì, trái lại suốt ngày
chỉ ngồi nói chuyện tầm phào, gây mâu thuẫn khó chịu. Họ yêu cầu người
già giới hạn xuất hiện trước công chúng để mọi người khỏi phải mất công
đứng lên ngồi xuống chào hỏi.
Trong các xã hội cổ Hy Lạp, La Mã, người già cũng có số phận thăng
trầm tương tự. Theo luật pháp La-Hy thì khi người con không nuôi dưỡng
cha mẹ già yếu sẽ bị mất quyền công dân; mà khi hành hạ cha mẹ sẽ bị tù
tội.
Sau đó thì vai trò của người già xuống thang đến nỗi đã bị diễu cợt
là lão già vừa bất lực nhưng lại dâm đãng. Vào thời Đế quốc La Mã xưa,
sinh mạng của người già quá rẻ so với lớp trẻ: khi sát hại một người già
trên 65 tuổi thì kẻ sát nhân phải đền mạng có 100 quan vàng, trong khi
đó với người 45 tuổi thì phải đền gấp ba lần; giết một nữ nhân còn sung
sức lại mang thai thì bị bị phạt 250 quan, mà chẳng may ám hại một lão
nữ trên 60 tuổi thì chẳng phải đền đồng nào.
Đến thời kỳ cận đại và các thế kỷ gần đây, vai trò, vóc dáng của người cao tuổi trải qua nhiều tang thương dâu biển hơn .
Với sự kỹ nghệ hóa, dân chúng bỏ thôn quê về thành thị tạo ra tầng
lớp công nhân vô sản, chế độ gia đình tộc trưởng tan biến; đơn vị gia
đình được thay thế bằng cộng đồng dân chúng; quyền bính nằm trong tay
giới trẻ và người già đa số chỉ giữ vai trò tượng trưng, đại diện.
Người già thường được gán cho những hư cấu, những một nửa sự thật có
dụng ý kỳ thị, phân chia. Họ được xếp vào một nhóm người nom ai cũng
giống ai, suy yếu, kém sức khỏe, không tự lo liệu được, phụ thuộc con
cái, không thích nghi với hoàn cảnh, chỉ nghĩ tới quá khứ, sống cô đơn
xa lánh mọi người để mỗi ngày một hao mòn. Người già nhiều khi còn bị
khai thác, lợi dụng, bỏ rơi không khác gì trong thời tiền sử.
Chính quyền và vấn đề người già
Trong thế kỷ vừa qua, vấn đề người già đã là mối ưu tư lớn của mọi
người. Sự gia tăng dân số kèm theo nhiều khó khăn của lớp người này trên
thế giới đã được các quốc gia và tổ chức Liên Hiệp Quốc đặc biệt lưu
tâm tìm biện pháp giải quyết giúp đỡ. Số người trên 60 tuổi đã mau chóng
chiếm tỷ lệ cao trong tổng số dân cư trên thế giới, mà nhóm người trên
80 tuổi lại tăng lên mau nhất. Điều đáng ngại là sự gia tăng này lại xẩy
ra nhiều hơn ở các quốc gia đang mở mang, chưa đủ phương tiện ứng phó.
Hiên nay số người cao tuổi trên toàn thế giới là gần sáu trăm triệu.
Tới năm 2020, số này ước lượng có thể sẽ tăng lên một tỷ. Lý do sự gia
tăng này gồm có việc giảm số tử vong do các bệnh truyền nhiễm, cải thiện
điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng, nhà ở, các phương pháp phòng ngừa bệnh,
khám phá ra thuốc kháng sinh. Sự gia tăng tuổi thọ là dấu hiệu của sự
tiến bộ cũng như sự hoàn tất sinh học quan trọng trong thế kỷ 20.
Người cao tuổi phải được coi như một nguồn lợi quý giá chứ không phải
là gánh nặng cho xã hội, vì họ sẽ còn đóng góp nhiều cho đất nước bằng
những kiến thức, kinh nghiệm của họ. Căn cứ trên quan niệm đó, Liên Hiệp
Quốc đã kêu gọi toàn thế giới lưu tâm tới những khó khăn đang ám ảnh
người cao tuổi, đồng thời cũng đề nghị nhiều chương trình để bảo đảm sự
an toàn về kinh tế, xã hội của khối người quan trọng và cần thiết này,
cũng như tạo cơ hội cho họ đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia.
Liên Hiệp Quốc đề nghị một số nguyên tắc để giúp đỡ người cao tuổi
như: Họ phải có cơ hội được xử dụng dễ dàng về thực phẩm, nước uống, nhà
ở, chăm sóc y tế, việc làm và có một đời sống an toàn; họ phải được xử
dụng các dịch vụ pháp lý, các phương tiện giáo dục, văn hóa, giải trí để
phát triển mọi tiềm lực; phải được sống trong vinh dự, không bị khai
thác, lợi dụng và được đối xử bình đẳng.
Ngoài ra, các quốc gia cũng cần tạo môi trường thuận lợi để khích lệ
dân chúng dành dụm tiền cho tuổi về già; khuyến khích mọi lứa tuổi tham
dự vào các chương trình, cũng như các cơ cấu đầu não có quyền quyết định
chính sách chung; tăng cường các biện pháp và cơ chế để bảo đảm là
người về hưu không rơi vào tình trạng nghèo khó, vì họ đã có công đóng
góp nhiều cho sự phát triển quốc gia khi trước.
Kết luận
Về phần mình, người cao tuổi có lẽ cũng cần hành xử làm sao để sống cuộc đời cuối với nhiều tích cực hơn.
Trong một dịp luận đàm với vị Thượng Bô Lão 86 tuổi ở thành phố
Houston, người viết có hỏi thăm cụ là với bí quyết gì mà cụ nom vẫn
phong độ cả về thể xác lẫn tâm hồn; lại mỗi ngày vẫn lái xe đưa người
này người khác đi công việc, vẫn tham dự các sinh hoạt chung, đôi khi
lại còn đi múa đôi mỗi cuối tuần.
Thì cụ trả lời: " Nào có bí quyết gì đâu. Ông cứ chịu khó về dở lại
những trang sách của cuốn Luân Lý Giáo Khoa Thư , in cách đây nửa thế
kỷ, đọc hết chương "Bổn phận đối với bổn thân" là có hết. Nào các bài
học về biết trọng linh hồn, phải quý thân thể, về vệ sinh cơ thể, gìn
giữ sức khỏe, ăn uống điều độ, vận động cơ thể, tới những cách đối xử
với nhân quần xã hội để sao cho có tâm thân an lạc. Nếu có thiếu họa
chăng chỉ thiếu những chỉ dẫn thực tế về nhu cầu sinh lý, tình dục"
Người viết vâng lời đi tìm đọc cuốn sách. Rồi thắc mắc : chả lẽ ngày
xưa thiên hạ không có nhu cầu sinh lý. Hay là các cụ biết cả rồi, nên
chẳng cần viết ra.
(1) Phúc, Lộc, Thọ - Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh
BS. Nguyễn Ý Đức
No comments:
Post a Comment