Friday, April 20, 2018

Thực Phẩm Sản Xuất Bằng Cấy Ghép Gen - BS Nguyễn Ý Đức

 
“Bà nó ơi, đi chợ nhớ mua cho tôi quả dưa hấu nhé. Trời nắng ăn dưa để tủ lạnh đã khát lắm bà nó ạ. Nhưng mua loại tự nhiên ấy nhé. Mấy thứ do cấy ‘gin giung’ gì đó ăn vào chẳng tốt gì đâu.”
Sao lại có chuyện phân biệt thực phẩm “tự nhiên” với thực phẩm “ghép di thể ” (gen) như vậy nhỉ?

Ta nhớ rằng trong một tế bào, đơn vị DNA mang tất cả tính di truyền của sinh vật đó. Mà DNA của mỗi sinh vật đều khác nhau về mạnh hay yếu, tốt hay xấu. Cho nên khi cấy DNA vào tế bào sinh vật khác, ta có thể thay đổi cấu trúc cũng như phẩm chất của sinh vật đó. Đó là nguyên tắc sản xuất thực phẩm do ghép di thể.

Các nhà nghiên cứu đều muốn có các thực vật mọc nhanh, mạnh và lớn hơn. Với kỹ thuật sinh học, ta có thể sản xuất được nhiều thực phẩm để đáp ứng nhu cầu cho các quốc gia đang phát triển, nơi mà dân chúng thường xuyên thiếu ăn vì canh tác thô sơ, dân đông, đất lại cằn cỗi.

Tại Hoa Kỳ, hiện nay có tới 60% loại thực phẩm bày bán trên thị trường được sản xuất bằng phương pháp cấy ghép gen. Riêng sản phẩm đậu nành tại Hoa Kỳ được sản xuất 100% bằng kỹ thuật sinh học. Chẳng hạn hầu như 100% đậu nành trên thị trường là do kỹ thuật sinh học sản xuất. Ngoài ra còn hạt ngô, hạt gạo… Bằng phương pháp cấy gen, năm 1999 người ta đã tạo ra giống lúa giàu sinh tố A và khoáng sắt.

Tại một số quốc gia, đậu nành sản xuất theo kỹ thuật sinh học cho năng xuất gần gấp đôi cách trồng trọt cổ điển, mặc dù thời tiết xấu, khô nước. Nhờ đó giá thực phẩm rẻ hơn, số lượng sản xuất cao hơn và số người thiếu ăn giảm nhanh.

Ngũ cốc ghép gen đã được thử nghiệm trên 40 quốc gia. Vào năm 2000, đã có trên 100 triệu hécta đất được dùng để canh tác ghép gen đậu nành, bắp, bông gòn… Gạo có nhiều sinh tố và sắt, chuối có khả năng cung cấp vaccin ngừa bệnh; cá mau lớn, cây mau ra trái… cũng được sản xuất.

Sự an toàn của thực phẩm do ghép gen
Một câu hỏi thường được nêu ra là liệu thực phẩm sản xuất bằng phương pháp cấy ghép gen có gây rủi ro gì cho người tiêu thụ và cho môi trường hay không? Câu trả lời là có. Tuy nhiên, thực tế là những rủi ro đó có thể khắc phục được và không đáng kể lắm so với nguồn lợi quá lớn lao mà phương pháp này mang lại.

Rủi ro thứ nhất là sự quen nhờn với thuốc kháng sinh. Khi ghép gen trong phòng thí nghiệm, người ta phải dùng một ít kháng sinh để chống nhiễm khuẩn. Khi ăn thực phẩm có tế bào đã từng tiếp xúc với kháng sinh thì ta cũng có thể trở nên nhờn với hóa chất này.
Một rủi ro khác là một vài chất đạm trong thực phẩm ghép gen có thể gây ra dị ứng, như trường hợp một loại bắp được sản xuất cách đây vài năm.
Rủi ro cho môi trường canh tác có thể là: thực vật ghép lan tràn quá mạnh, lấn át thực vật tự nhiên, đất trồng trọt bị biến đổi.

Họ ngại rủi ro bây giờ và trong tương lai. Nên tốt hơn cả là cứ để xài món thực phẩm tự nhiên. Nhưng nhiều người, cũng như bác Tám mua dưa, đều không thích ai đó làm thay đổi món ăn mà đấng tối cao đã tạo ra.
Tại Hoa Kỳ, vấn đề thực phẩm do ghép gen không được công chúng quan tâm nhiều như tại Châu Âu. Một số nơi người ta tẩy chay, không chịu dùng các thực phẩm loại này. Liên Hiệp Châu Âu đã có lệnh cấm thực phẩm sản xuất bằng ghép gen.

Tuy nhiên, Hoa Kỳ, Canada, Argentina, Trung Quốc phản đối lệnh cấm này. Theo họ, trên thế giới có biết bao nhiêu người đói không có thực phẩm ăn thì không thể nào ngăn cấm một phương thức sản xuất thực phẩm vừa rẻ tiền, năng suất cao mà lại có nhiều chất dinh dưỡng như phương pháp này.

Các nhà sản xuất thực phẩm ghép gen tại Hoa Kỳ rất nhiệt tình bảo vệ thực phẩm này. Họ cho biết trong tương lai sẽ tạo ra những thực phẩm tốt như hành tây không làm cay mắt, mì không gây dị ứng, gạo đặc biệt cho người bị bệnh thận, cà chua chống lại ung thư…

Những ưu điểm của phương thức ghép gen
1- Đối với thực vật:
-Tăng cường hương vị và phẩm chất của món ăn.
-Giảm thời gian chín muồi của trái cây.
-Tăng sức đề kháng với bệnh tật, sâu bọ…
-Tạo ra được những sản phẩm mới có năng suất và phẩm chất tốt hơn.

2- Đối với động vật:
-Tăng đề kháng, sản lượng cao và được nuôi dưỡng đầy đủ.
-Cho trứng, thịt, sữa có phẩm chất tốt hơn.

3- Đối với môi trường:
-Tạo ra chất diệt trùng sinh học lành hơn.
-Tiết kiệm đất, nước, và năng lượng.
-Chất phế thải dễ được loại bỏ.
-Chế biến dễ dàng hơn.

4- Đối với xã hội:
-Tăng nhanh lượng thực phẩm đáp ứng mức độ dân chúng ngày một đông hơn. 

Những bất lợi của thực phẩm ghép gen
-Có thể có rủi ro sức khỏe như dị ứng, quen với kháng sinh.
-Đối với môi trường: Thụ phấn không muốn giữa thảo mộc, làm thay đổi môi trường sinh vật tự nhiên.
-Độc quyền sản xuất thực phẩm của vài công ty do nắm giữ độc quyền sản xuất cây, con giống.
-Phụ thuộc vào một số quốc gia có nền công nghiệp phát triển cao.
-Chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên.
-Vi phạm giá trị của sinh vật thiên nhiên.
-Gây rối loạn cho thiên nhiên do sự pha trộn gen này với gen kia.
-Gặp phải sự phản đối của một số người.
-Gây căng thẳng cho động vật.
-Lẫn lộn thực phẩm tự nhiên với thực phẩm ghép gen.

-Sản phẩm mới thường mang lại nguồn lợi lớn hơn cho một số quốc gia giàu mạnh. 

Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức

No comments:

Post a Comment