Chuyện chú Ngọ gò o Mận cả xóm Bói đều biết, chỉ có mạ o là không
hay. Mụ Bốn vui trong bụng khi thấy o Mận dạo ni làm siêng tối tối ra
cắm ba cây nhang ở bàn thờ ông Thiên đầu cổng. Mụ nghĩ thầm “ Hắn còn
nhỏ mà đã có lòng thờ phượng thì cũng mừng. Rồi trời phật phù hộ độ trì
cho hắn “.
Bữa nọ dậy sớm, mụ Bốn xách chổi ra quét cổng ngõ. Mụ hầm hầm chưởi
vang “Mệ nội đứa mô vặt hết đám chè tàu của tau trụi lủi”. O Mận tái
mặt kéo tay mụ “Thôi mạ ơi! Tụi con nít hái chơi làm đồ hàng đó mà. Mạ
chưởi chi cho mất lòng hàng xóm”.
Khi hàng chè tàu đã lên những chồi non xanh biếc; khi bốn bàn tay của
chú Ngọ và o Mận ý tứ không dùng để bứt lá thì mụ Bốn bắt đầu nhận ra
những tín hiệu lạ từ con gái. O Mận xanh lét, cái cổ ngẳng ra, lông mày
dựng đứng. O dấm dúi lặt những trái chanh non nhỏ xíu sau vườn chấm muối
nhai rau ráu. Mụ Bốn thả cái mẹt gạo xuống nền nhà, nắm tóc o Mận kéo
vào buồng, vạch áo ra. Trên bộ ngực thanh tân, hai cái núm vú đã chuyển
màu nâu sẫm.
Mụ Bốn ngồi bệt xuống đất, thở không ra hơi . “Mi…mi…cái đồ thúi tha,
rượng đực.Thằng mô…Thằng mô…Trời ui là trời…”Tóc o Mận rối bù đổ xuống
vạt áo đứt nút. O khóc “Con lạy mạ…con xin mạ…Để con bảo eng đi đám
hỏi”.
Nhưng cái đám hỏi mà o Mận hy vọng đã không diễn ra. Nhà Ôn Xạ chê mụ
Bốn nghèo, con gái mà hư thân mất nết. Biết đó có phải là con thằng Ngọ
không hay “Con ai đem bỏ chùa này?” Mụ Xạ ra chợ gia binh trên Cầu Lòn
quệt hai ngón tay quanh cái miệng đầy cốt trầu “Tui không làm cao dưng
mà nhà nớ khôn bì được.Tui không bưng trầu cau đi hỏi con gái hư.Thời
tui lấy dôn, ôn Xạ phải nằm dưới đất một tuần. Có mô như con gái thời ni
“Bạ mô là dà, ngã mô là chờng” (Chỗ nào cũng là nhà, nằm đâu cũng là
giường).
Dù bị mạ nhốt trong buồng nhưng o Mận cũng tìm cách gặp được chú Ngọ
một lần. O chảy nước mắt hỏi “Eng còn thương tui không?” Chú Ngọ chắt
lưỡi “Em cứ hỏi chi như con nít năm tuổi, thương chớ răng không
thương!”.Chú Ngọ không biết rằng khi lo âu, người ta cứ muốn nghe mãi
những câu khẳng định, những câu làm cho người nhận cảm thấy an tâm. Câu
trả lời của chú trớt quớt như tránh né. Chú chán rồi chăng? Không biết.
Chỉ biết rằng tháng sau chú tình nguyện đi lính như bài hát đang oang
oang trên đài phát thanh chi khu Mai Lĩnh “Đi quân dịch là thương nòi
giống”.
O Mận biết tin chú Ngọ bỏ nhà đi qua ba dòng chữ chú nhờ thằng Tí Em
dấm dúi. Xưa nay trong xóm Bói, chú Ngọ nức tiếng “miệng dẻo như kẹo
kéo”. Trên đầu giường của gã con trai trình độ lớp đệ lục Trường Tư Thục
Thánh Tâm này là một đống tiểu thuyết của bà Tùng Long, Trọng Nguyên,
Nghiêm Lệ Quân…Mấy dòng chữ chú viết cho o Mận y hệt thư của chàng công
tử Triệu Vỹ viết cho cô gái Mỹ Lan trong tiểu thuyết Bên dòng sông Trẹm
của nhà văn Dương Hà “Em đừng trách anh. Chúng mình có duyên mà không có nợ. Anh còn trách nhiệm đối với giang sơn tổ quốc. Mình hẹn nhau kiếp sau”. Ui trời, nếu ông tổng thống Thiệu nghe được, chắc tên chú Ngọ sẽ được lên nhật trình.
O Mận trợn trắng con mắt, đấm ba cái bịch bịch vào bụng, cười khanh
khách, xé lá thư của chú Ngọ làm hàng chục mảnh nhỏ tung lên trời. O bỏ
ăn, nằm bệt trong xó buồng tối, khi khóc tru tru, khi cười ngô nghê.
Bây giờ thì mụ Bốn lo lắng. Mạ nào mà chẳng thương con. Huống chi xưa
nay o Mận không phải là thứ gái lẳng lơ. Ôn Bốn chết sớm, mụ ở vậy nuôi
đứa con gái độc nhất, nhà có nghèo nhưng đâu đến nỗi con cái hoang
đàng. “Con ơi, con ăn một chút cho mạ nhờ. Thôi thì “con dại có cháu
ngoại bồng”. Mạ không la con nữa mô”.
Mụ Bốn cúi mặt lầm lũi đi chợ bán hàng, mặc kệ thiên hạ chỉ chỏ bàn
tán. Được bao nhiêu tiền, mụ mua cá giếc nấu rau răm cho o Mận ăn hạ
hỏa. Mụ lùng kiếm cho được cá bóng thệ kho khô để o ăn cháo gạo hẻo rằn.
Mụ còn dấm dúi rút trong số tiền để dành hậu thân hậu thổ ra ngoài chợ
Tỉnh vào tiệm Đức Thọ Đường bổ cho con mười thang thuốc Bắc.
Không hiểu nhờ thầy thuốc mát tay hay vì lòng thương mạ mà dần dần
bệnh tình o Mận thuyên giảm. O đã ra được đầu hè ngồi phơi nắng cho mụ
Bốn rẽ tóc bắt chí, cái bụng thè lè như con ểnh ương. Mái tóc đẹp nhất
xóm bây giờ xơ xác, lởm chởm như trải qua cơn bệnh thương hàn. Làn da
xanh và mỏng, nắng soi qua được. Không ai còn thấy nụ cười o Mận.
*
Bà mụ Thơm loan báo o Mận đẻ được một thằng cu “cái mặt y chang thằng
cha Ngọ”. Tràng hoa quấn cổ. Đập vào mông ba cái mới khóc oe oe. Thằng
này chắc sau làm lớn lắm đây. Xóm Bói lại có một đề tài sốt dẻo cho mấy
mụ đàn bà vô công rỗi nghề bàn tán. Quán nước chè của mụ Tươi bỗng dưng
đắt hàng, chiều mô cũng có người ghé đến ngồi chuyện trò râm ran.
Mụ Xạ lảng vảng nghe ngóng, thăm dò. Đàn bà thường hay quên. Mụ Xạ
cũng quên tuốt những lời chửi mắng o Mận của mình trước đây. Dù răng chú
Ngọ cũng là con trai duy nhất trong bầy con sáu đứa, hủ mắm treo đầu
giàn. Mụ về thì thầm với ôn Xạ “Hay mình qua nhìn cháu? Hắn đi trận mạc
lỡ có chuyện chi thì còn có thằng đội mũ mấn”. Ôn Xạ gạt phắt “Kì ni
thằng Ngọ về phép, cưới cho hắn con vợ thì có cháu ngay. Mắc chi mụ lo”.
Mụ Xạ tần ngần nhưng sợ chồng nên cũng im re. Thi thoảng có việc ra
cánh đồng Long Hưng, ngang nhà o Mận, mụ che nón nhưng mắt len lén dòm
vào coi có gặp ai bồng thằng cháu không.
Thằng con o Mận, nhờ trời thương nhà nghèo, ăn ngủ ngoan như con cun
cút. Căn nhà tranh trong khu vườn chuối im ắng, không hề nghe tiếng à
ơi. O Mận ru con bằng những lời thầm thì trong cổ họng. Lắng nghe kỹ
loáng thoáng mấy câu:
Eng nói với tui
như rìu chém xuống đá
Như rựa chém xuống đất
Như mật rót vào tai
Bây chừ eng đã nghe ai
Bỏ tui giữa chốn non Đoài khổ chưa
Mệ Thơm hàng xóm qua chơi thì ít, dòm ngó thì nhiều. Mệ chép miệng
“Thôi, cho cháu về dòm ông bà nội đi. Có ghét chi thì cũng là cháu đích
tôn”. Mụ Bốn dài môi “ Đích tôn thừa trọng, đứt họng lòi da. Bước vô nhà
ni, tui chém chết”.
Ông Trưởng ấp vô giục giã làm giấy khai sinh. O Mận chỉ hé răng nói một câu “Mạ Lê Thị Mận. Con là Lê Hận. Rứa thôi!”
*
Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò… thằng cu Hận lớn nhanh như
thổi. Mới đó đã chập chững biết đi. Rồi cũng phải nghĩ đến chuyện làm
ăn. Nhà một mạ một con, mụ Bốn mỗi ngày một yếu.
Sau ba đêm bàn bạc, mụ Bốn nhờ chú Hoạt làm một cái quán tranh gần
Ngã ba Long Hưng, cất nhờ trên đất ông Bá bà con xa, cạnh lò gạch Trương
Kế. Quán bán mấy chai bia con cọp, vài chai xá xị, dăm ba thẩu kẹo
bánh. Buổi sáng thì có thêm bó rau, trái cà trái mướp của mấy nhà trong
xóm.
Rứa mà quán đông khách mới lạ.Trước hết là mấy mụ đàn bà. Ghé quán
làm chi? Để coi thằng Hận có giống chú Ngọ không? Để coi mặt mày o Mận
bữa ni ra răng? Mà chả lẽ đi không. Thôi thì mua bó rau, củ hành cho có
chuyện mà trạo.
Thứ hai nữa là mấy chú lính Địa Thiên Lôi ở trạm gác Long Hưng. Ngồi
lâu cũng mệt, ghé quán làm ly bia giải khát, ngó cô bán quán cũng hay.
Thứ ba nữa, đúng như lời ông cha nói: “Cơm chín tới, cải ngồng non,
gái một con, gà mái ghẹ”. Sau gần cả năm ở biệt trong nhà, o Mận đẹp ra.
Da trắng, tóc xanh, ánh mắt xa xăm và không hề cười dù người khác kể
chuyện tiếu lâm. Tất cả làm o thêm phần bí ẩn.
Chi khu Mai Lĩnh thành lập, hàng o Mận tự dưng có nhiều khách mà đông
nhứt là lính. Không chỉ lính Địa phương quân mà còn là lính của Trung
đoàn I, lính Tiểu đoàn 11 Pháo binh … Thời buổi chiến tranh, đời lính
sống nay chết mai, sau những cuộc hành quân trở về hậu cứ , họ cần nhìn
người nữ cho đời thêm tươi, để có chuyện mà kể khi ôm súng nơi tiền đồn.
Không với được gái tiểu thư thì ra quán ngắm gái một con cũng đặng. Dù
cô chủ không cười với một ai nhưng ánh mắt của cô cũng làm mát lòng
chiến sỹ. Vậy là mụ Bốn nghỉ chợ búa, quanh quẩn trong nhà, mọi chuyện
giao cho o Mận.Trước không giữ được, chừ còn cái chi mà giữ! Quán cứ đắt
và o Mận cứ lạnh lùng…
*
“Chú Ngọ về!”.Thằng Tí em vừa chạy vừa la. Mụ Xạ bỏ dở con dao xắt
chuối, lạch bạch chạy ra. Ông Xạ đang ngồi kéo thuốc lào cũng lật đật
gác điếu. Xóm Bói đổ vội ra dòm.
Chú Ngọ mặc bộ áo quần nhà binh còn mới, cái loong binh nhất trên
vai, ba lô sau lưng. Gặp ai chú cũng cười, hàm răng nổi bật trên khuôn
mặt đen như ảnh ông Chà Và ngoài ống kem Hynos. Nhà ông Xạ chật ních
người. Chú Ngọ ra đi có thư từ chi mô. Đông nhất là lũ con nít đứng chắp
tay ngơ ngáo dòm, rồi mấy mụ đàn bà. Lại đàn bà xóm Bói! Họ chờ coi nhà
ông mụ Xạ nói chuyện chi.
Nhưng đúng là nhà ông Xạ! Chú Ngọ thay áo quần xách gàu ra giếng; Ông
Xạ tiếp tục cử thuốc lào; Mụ Xạ đi nhốt con gà tơ chuẩn bị nấu cháo.
Không ai nói gì. Đám con nít thấy không có chi hấp dẫn bỏ về trước. Mấy
mụ đàn bà cũng tẽn tò rút lui.
Đêm hôm đó, sau khi lai rai ba xị đế với cái giò gà, chú Ngọ nằm dài
thoải mái trên bộ ván ngựa nghe Út Trà Ôn ca vọng cổ bài Tình anh bán
chiếu. Dọn dẹp xong, mụ Xạ lại gần con trai hạ giọng:
– Hắn đẻ rồi mi!
Chú Ngọ hỏi: -Mạ nói ai?
Mụ Xạ chắt lưỡi: -Thì con nớ, con Mận đó.
Chú Ngọ bắt tréo chân: -Tưởng chuyện chi! Đẻ thì đẻ chớ. Lâu quá rồi mà…
Mụ Xạ thì thầm: -Con trai mi nờ!
Chú Ngọ tỉnh bơ: -Mạ muốn cháu à. Tui cho một đống. Tui có bồ rồi. Gái Sè gòng đàng hoàng. Gái nhà quê ni kiếm mô chẳng được.
Phía bên tê giường, ôn Xạ tằng hắng : -Sáng mai, hai mạ con qua bên nớ thảy cho nó mấy ngàn bạc đem thằng cu về.
Chú Ngọ quay mặt vô vách ngáy. Mụ Xạ loay hoay trong buồng với cái rương bằng gỗ lim.
*
Mụ Bốn đang cho thằng Hận ăn trên hè. Thằng bé bước lẫm chẫm trên nền
đất nện, lâu lâu vấp ngã lại cố đứng dậy cười sằng sặc. Cái thằng được
cả nết ăn lẫn nết ngủ, có vậy o Mận mới thay mụ gánh vác cả gia đình.
Chiều ni o mua được mớ cá tươi, lúi húi kho dưới bếp, mùi thơm lan tỏa
trong nhập nhoạng buổi chiều.
Có bóng người đi vào sân. Con chó vện nằm dưới gốc bưởi gầm gừ. Mụ Bốn lấy tay che trán dòm ra. Ai tới chơi cữ ni?
Mụ Xạ đặt chiếc nón dưới mái hiên, chiếc nón như một phương cách cho
mụ trốn lánh ánh mắt hàng xóm. Ấy thế mà chú Ngọ thản nhiên huýt sáo đi
nghênh ngang đằng sau. Mụ Xạ cất tiếng: – Chào ả!
Bây giờ thì mụ Bốn đã nhận ra. A, nhà cái thằng đã làm cho mạ con mụ
khốn khổ. Mụ mát mẻ: – Mụ tới chơi hay có chuyện chi? Nhà ni nghèo mô
xứng.
Mụ Xạ dòm thằng bé. Ui chao. Giỏ nhà ai quai nhà nấy. Cái mặt ấy đích
thực là mặt thằng Ngọ thời nhỏ. Cũng con mắt to, cái mũi hơi gồ…Mụ mê
man. Phải chi được hun nó một chặp. Mụ kéo tay chú Ngọ:
Tui đưa cháu tới xin lỗi ả và con Mận…
Mụ Bốn xốc cháu lên: – Lỗi phải chi mà xin!
Chú Ngọ tự tin bước vào nhà ngồi xuống cái chõng tre. Chú biết o Mận
yêu chú lắm lắm. Ở hàng chè tàu ngoài kia o đã từng cắt cho chú một lọn
tóc thề nguyền. Không biết chú vất chỗ nào rồi. Chẳng nhớ. Mục đích chú
đến đây cũng chỉ vì thằng cu. Đem được nó về nhà là tốt cho ông mệ già.
Còn chú, trai giang hồ, thiếu chi. Cỡ như o Mận, gái nhà quê, nước gì!
Mụ Bốn tay run run thắp ngọn đèn dầu.Thiệt sự trong tâm mụ, nếu như
nhà ôn mụ Xạ biết lỗi đưa hai mạ con về thì mụ cũng cam tâm. Lòng mụ khi
nào cũng thương con. Mong hai mạ con nó yên lành thì mụ cũng yên tâm
nhắm mắt.
Mụ Xạ thân mật : – Thôi đèn đuốc mà chi. Ả ngồi tui nói chuyện…
Chú Ngọ tay ngoắc ngoắc thằng bé, dứ dứ gói bánh trong túi. Mụ Bốn kéo cháu vào lòng: – Có chuyện chi mụ cứ nói.
Mụ Xạ tằng hắng: – Hôm ni chúng tui qua đây nói chuyện với mụ. Con
cháu ai mà không thương. Dù răng đây cũng là hột máu của nhà tui. Mọi
chuyện dĩ lỡ rồi.Thôi, xin mụ cho cha hắn nhận con, cấy dôn tui nhận
cháu…
Mụ Bốn ngớ người ra. Nhận cháu thôi à! Mụ có lãng tai không? Té ra
tui nuôi công cốc cho mấy người a? Té ra con tui đẻ cháu ra cho không mụ
a?
Như để tăng sức mạnh cho câu nói của mình, mụ Xạ rút trong bọc ra gói
ni lông cột chặt: – Tui cũng bù chì cho mụ chút ít, cho con Mận chút
vốn đi lấy chồng…
Từ dưới nhà bếp, o Mận chạy vụt lên. Không ai nhận ra người con gái hiền lành của xóm Bói nữa. Mắt o long sòng sọc, mặt đỏ gay:
Mấy người định cướp con tui đi à? Đồ khốn nạn!
O chỉ tay vào mặt chú Ngọ: – Thứ điếm đàng! Đồ sở khanh!
Chú Ngọ chụp lấy tay o Mận. O giật ra: -Đừng đụng vào người tui.
O Mận đùng đùng chạy xuống bếp. Người ta nghe tiếng dao liếc xoèn
xoẹt vào đít chén. O định làm chi? Chém chú Ngọ hay răng? O lại chạy
lên.Trời đất ! O kê ngón tay trỏ vào cạnh bàn, chém cái bụp. Lóng tay
đứt rời ra, bay xuống đất. O Mận, giọng run rẩy, căm giận : – Cút xéo!
Lời nguyền của tui đó.
Mụ Xạ đứng bật dậy, chụp mớ tiền trên mặt bàn vội vã bước ra. Chú Ngọ
cũng theo bén gót. Gói bánh rơi xuống đất. Con chó vện chạy lại táp
vội. Tiếng thằng cu con khóc thét…
*
Trong số người hay ghé quán o Mận có chú Phê, tài xế thiếu tá
Thông,Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 11 Pháo Binh đóng ở trại Nguyễn Văn
Thoại, đường lên La Vang. Chú Phê người cùng làng Diên Thạnh, huyện Diên
Khánh tỉnh Khánh Hòa với thiếu tá Thông. Lúc còn nhỏ, có lần thằng Phê
đã cứu một thằng nhóc khác xém chết đuối dưới cầu Hà Dừa. Thằng nhóc đó
chính là ông thiếu tá hiện tại.
Cuộc đời đưa đẩy, chú Phê gặp lại ông Thông lúc ông còn làm sỹ quan
Đề lô cho đại đội 4, tiểu đoàn 3 thuộc Sư đoàn 22. Cảm cái ơn cứu tử,
đi đâu thiếu úy Thông cũng dắt dìu chú binh nhì này. Ông đổi từ Nam ra
Trung, từ sỹ quan tác xạ qua Pháo đội trưởng, từ ban III lên Tiểu đoàn
phó cho đến khi ra vùng địa đầu hỏa tuyến với chức Tiểu đoàn trưởng. Và
chú Phê theo “ông thầy” như bóng với hình. Chỉ có chú Phê mới biết ông
thiếu tá thích ăn cơm cháy với tóp mỡ, thích uống cà phê không đường pha
thật đậm. Áo quần của ông thiếu tá, ngoại trừ bộ đồ treillis phải ra
tiệm hồ cứng thì tất cả đều do tay chú Phê giặt giũ. Có thể nói chú vừa
là tài xế, vừa là quản gia, vừa là đầu bếp cho ông thầy.
Lo cho ông thiếu tá, chú Phê quên luôn cả bản thân. Quay đi quay lại,
chú đã hơn ba mươi đeo loong trung sỹ mà vẫn chưa có mảnh tình vắt vai.
Ông thiếu tá có nhắc thì chú gãi tai cười hì hì nhe cái răng vàng bên
khóe miệng. Ấy thế mà dạo này chú hay ghé quán o Mận mới kỳ.
Mọi chuyện cũng có nguyên do. Cô người yêu của ông thiếu tá thích ăn
ổi mà bữa đó đi ngang quán, chú Phê thấy có mớ ổi thật ngon. Muốn ông
thầy “lấy điểm” với nàng, chú Phê thắng xe mua hết rổ. Trong khi chờ o
Mận tìm cái bịch ni lông, chú Phê bồng thằng cu cho nó bấm còi chiếc
Jeep “tin tin”.Thằng bé khoái chí cười tít mắt và khi chú Phê lái xe đi
thì nó khóc òa. Đã từng nghe câu chuyện của cô chủ quán nên trái tim
nhân ái của người đàn ông chơn chất này thấy tội. Và từ đó mỗi khi chở
ông Thiếu tá về hậu cứ Tiểu đoàn thì chú Phê lại ghé quán cho thằng cu
ngồi trên cái ghế bác tài bóp còi thoải mái. Chú không ba lơn ba cợt như
mấy tay tới tán o Mận; chú cũng không ra dáng ta đây lái xe Jeep. Chú
lấy thùng gỗ pháo binh đóng cho o Mận mấy cái ghế đẩu, làm cho thằng cu
con ngựa phi nhong nhong, lại chịu khó xuống dưới pháo đội tác xạ xin
tấm bạt che mưa tạt bên hông quán. O Mận pha cho ly nước chú cũng chỉ
nhe răng cười thay lời cám ơn.
Một bữa nọ, khi lái xe chở ông thầy vô Huế họp ở Bộ tư lệnh tiền
phương Sư Đoàn I, chú Phê ghé chợ Đông Ba mua chiếc nón bài thơ có cái
quai màu tím, lại mua thêm một chiếc xe nhựa .Tất cả được gói ghém cẩn
thận bỏ phía sau xe. Thiếu tá Thông trợn mắt: – Mày mua cho ai đây Phê?
Chú Phê gãi tai, đỏ mặt: – Người ta gởi…Thiếu tá.
-A, thằng này ngon hơn cả tao. Bộ có bồ rồi hả?
-Chưa thiếu tá, đang ở giai đoạn dò dẫm.
-Tác xạ nhanh cho tao.Tiểu đoàn vừa nhận thêm mấy khẩu pháo 155 ly. Đừng làm mất mặt dân Pháo binh nghe mậy.
Hai thầy trò cùng cười sảng khoái.
*
Mưa dầm thấm lâu.Từ những chăm nom lo lắng chân tình của chú Phê với
cái quán, với thằng Hận, o Mận không còn có thái độ lạnh lùng. O chưa
cười với chú nhưng thái độ có khác so với người ta. O nhẹ nhàng cám ơn
khi chú cho thằng Cu gói kẹo, chở cho mụ Bốn mấy bó củi chụm bếp. O dư
biết chú Phê thương mình nhưng o như con chim sợ cành cây cong. Hơn nữa,
chú Phê quê quán xa xôi quá, biết người ta thiệt hay giả.
Rồi có ai đoán được chữ ngờ. Buổi sáng trước khi dọn quán, o Mận nghe
mụ Bốn than đau đầu, mặt đỏ ửng. O định nghỉ bán nhưng mụ Bốn sợ ở nhà
thì mấy nải chuối chín hư nên xua tay quầy quậy “Đi đi. Có chi mô. Chút
mạ hái nắm lá diếp cá giã đắp đầu hết liền”.
Buổi trưa o Mận nhờ người giữ quán rồi chạy về coi mạ ra răng và
lấy chén cơm cho thằng cu thì thấy nhà im ắng. O vô buồng thấy mụ Bốn
trùm chăn nằm trên chõng. O lay lay “mạ ơi, mạ ơi” thì thấy người mụ
lạnh ngắt. Hỡi ôi, mụ chết tự lúc nào! Cái đó người nhà quê gọi là trúng
gió.
Đám tang mụ Bốn là cơ hội để chú Phê cho o Mận thấy tấm chân tình của
mình. O Mận chân yếu tay mềm, thờ thẫn như người mất hồn, người ta kêu
chi làm nấy. Chú Phê nhờ mấy tay trong đội mai táng tiểu đoàn tẩm liệm,
thiếu tá Thông thương thằng đệ tử cho mượn thêm hai chiếc xe Dodge, lại
xin cho miếng đất trên nghĩa trang quân đội La Vang gần cái chùa có
thầy Tuyên úy kinh kệ. Dòm đi dòm lại trong xóm Bói, đám tang của mụ
Bốn coi bộ đàng hoàng nhất.
Một năm sau, cảm cái nghĩa của chú Phê, ngày giỗ của mụ Bốn là ngày o
Mận nhận làm vợ chú. O dẹp quán, đóng cửa nhà, lên trại gia binh tiểu
đoàn ở. Một năm nữa, thằng cu có em. Chú Phê nói với o Mận làm lại giấy
khai sinh cho thằng cu. Anh là Hân, em là Hạnh, bỏ cái dấu nặng đi. Đừng
để cái khai sinh cũ lớn lên nó tủi. O Mận cảm động gật đầu.
Năm 1971, sau trận Hạ Lào, thiếu tá Thông lên trung tá và có sự vụ
lệnh đổi về Nha Trang làm Tiếu đoàn trưởng Tiểu đoàn 63 Pháo binh.Thôi
thì cũng là một cơ hội để biết quê chồng và cũng giã từ cái xóm Bói làng
Thạch Hãn với những đau buồn trong quá khứ, gia đình chú Phê sắp xếp đi
theo ông thầy.
Leo lên chiếc máy bay Chinook, từ trung tá Thông cho đến hai vợ chồng
chú Phê đều ngậm ngùi. Chỉ có hai thằng cu toét miệng ra cười.
Tháng 4 năm 1975, từ đèo Phượng Hoàng,Trung tá Thông di tản về và kẹt
cứng ở Nha Trang. Ông trốn lánh và không ra trình diện chính quyền mới.
Chính chú Phê đã tìm mọi cách để đưa ông thầy về Sài gòn. Chú móc nối
với người bà con và một đêm tối trời, chú đã đưa trung tá và gia đình
lên Chụt xuống ghe. Nửa chừng nghe qua radio chính quyền Sài gòn buông
súng họ đi thẳng ra khơi và lên tàu Midway của Mỹ.
*
Tháng Tư, chú Ngọ cũng trở về làng. Nhờ thành phần hạ sĩ quan, chú
chỉ phải học tập “đường lối chính sách Cách mạng” trong năm ngày. Nhưng
làm gì để ăn đây? Xóm làng tiêu điều xơ xác. Người đi kinh tế mới, người
di dân tự do vô Nam. Ông mụ Xạ đã già, ruộng đất thành của Hợp tác xã.
Chú Ngọ vác cuốc đi hai ngày rồi về nằm thở dốc. Xưa nay chú là loại ăn
bơ làm biếng, đi lính cũng chỉ làm “lính cậu”. Bây chừ làm răng?
Mụ Xạ xưa nay vốn là người nhìn xa trông rộng. Một hôm, mụ nhấm nháy chú Ngọ: “Mạ thấy mi lấy con Lịch coi bộ được đó con”.
-Con Lịch mô mạ?
-Con mụ Thù có ông chồng mới đi tập kết về đó mi.
Chú Ngọ trợn mắt: – Ui! Cái con “Mắt chỉ thiên, mắt ngưỡng địa” đó hả? Cái con mười sáu tuổi còn đái mê thúi hoắc đó hả?
-Mệ nội mi. Hắn thúi mà lí lịch hắn thơm. Mi làm chi được với cái danh “Ngụy”…
Rồi mụ nói như dỗ dành: – Có điện đóm mô mà sợ.Tắt đèn nhà ngói như nhà tranh con à.Thời ni có cơm ăn là tốt rồi.
Chú Ngọ càu nhàu: -Tui mô mà hạ giá rứa trời!
Nhưng quả thật, lúc đói mới biết giá trị của miếng ăn. Nhà mụ Xạ từ
ăn độn chuyển sang ăn sắn lát, rồi bo bo. Đến khi bo bo cũng không có để
mà ăn thì chú Ngọ đành lấy cô Lịch thôi. Lấy cô Lịch chú sẽ có cái chức
“Đội trưởng”, sẽ có gạo “Tiêu chuẩn” và sẽ chấm mút được chút công điểm
của bà con.
Đám cưới của chú tổ chức trong gian nhà kho của Hợp tác xã, có kẹo
Hải Hà, có thuốc lá Điện Biên giấy bạc. Mọi người hoan hỉ vì thiếu chất
ngọt từ lâu, mỗi người đến dự được phát ba cái kẹo mà ít ai dám ăn, toàn
bọc túi để dành. Đi bên cạnh bà vợ xà nẹo cười toe toét, chú Ngọ bỗng
dưng nhớ đến nụ cười chúm chím và mái tóc ngát mùi hương nhu của o Mận
một thời trong quá khứ…
Quả là o Lịch mắn đẻ. Chỉ trong sáu năm, lần lượt bốn đứa con ra đời.
Ngặt một nỗi toàn con gái. Chú Ngọ là con trai một, mụ Xạ đêm ngủ không
ngon giấc. Mụ trút nỗi dằn vặt lên o Lịch.Thoạt đầu là những câu bóng
gió xa gần. Rồi sau là những câu chạm mặt “Thứ đồ không biết đẻ”. O Lịch
cũng không vừa.Ta là gái dòng giống Cách mạng mà. Ngụy như bên nớ lấy
được mừng húm. “Mạ cũng đẻ một bầy vịt trời, nói chi tui.”
Ôn Xạ đã chết, mụ Xạ ngày một già, nói chi lại. Mụ thắp hương cầu
khấn trên bàn thờ, ngoài cổng ngõ mặc kệ con dâu chê “dị đoan, không
theo đời sống mới”.Thỉnh thoảng trong những giấc ngủ nửa đêm về sáng,
khuôn mặt thằng cu con o Mận chập chờn hiện ra. Chao ui cái thằng. Giống
cha như đúc…Biết chừ ở mô.
Mấy đứa cháu nội gái hùa theo mạ ăn nói chỏng lỏn, đanh đá. Đôi khi
mụ Xạ nhớ lại những câu nói mình rũa xả o Mận. Phải quả báo không trời.
Nước mắt mụ ứa ra.
Hợp tác xã làm ăn thua lỗ giải thể. Ông bố vợ Cách mạng đã về hưu
không giúp chi được, chú Ngọ đành đi xe đạp thồ. Sáng sáng chú chở gánh
hàng của mấy o buôn chuyến lên ga Quảng Trị kiếm đồng bạc.Thời buổi của
khôn người khó, thêm mẹ già và mấy cái tàu há mồm, gia cảnh chú càng lúc
càng bí bách. Đôi khi chú soi mặt mình vào gương. Chao ơi! Còn đâu
thằng Ngọ một thời vang bóng.
Thời gian qua…Mụ Xạ chết vào một buổi chiều mùa đông lạnh lẽo. Gió
hun hút trên mái tranh. Mụ nhìn chú Ngọ như muốn nói điều chi mà không
còn sức. Đôi môi mụ mấp máy. Chú Ngọ cúi sát người nhưng nghe không
rõ. Đôi tay mụ bắt chuồn chuồn rồi duỗi ra. Người đàn bà uy quyền một
thời của xóm Bói…
Rồi sức khỏe chú Ngọ cũng không bì lại với tụi thanh niên trai tráng.
O Lịch mở một cái quán nước cho mấy đứa nhỏ tập buôn bán. Chú Ngọ
ngồi nhà lúi húi trồng rau sau vườn. Chú kiếm cây chè tàu về trồng hàng
rào. Đất Quảng Trị trồng cái chi cũng khó, chỉ có cây chè tàu không ăn
được thì mỗi ngày mỗi xanh um…
Hai mươi năm sau ngày qua Mỹ, trung tá Thông mắc bệnh ung thư. Những
ngày cuối đời, nguyện vọng của ông là được thiêu xác và đem về rải trên
dòng sông Hà Dừa quê hương. Chú Phê lại là người được ủy thác nhiệm vụ
này.
Hai đứa nhỏ giờ đã trưởng thành. Thằng Hân có công ăn việc làm ổn
định, thằng em đang đại học. Chú Phê bàn với o Mận kết hợp cho chúng nó
về thăm Việt Nam, thắp nén nhang cho hai bên nội ngoại. Thôi thì “Đất có
tổ, người có tông”, o Mận bằng lòng.
Xóm Bói bây giờ thay đổi quá nhiều. Hai vợ chồng ngơ ngẩn như Từ Thức
về trần. Những người xưa đã khuất bóng và phiêu dạt nơi đâu. Ngã ba
Long Hưng không còn. Con đường lên La Vang giờ nhìn nhỏ như sợi chỉ.
Nhìn quanh toàn những người xa lạ. O chú cải táng cho mụ Bốn rồi đưa
tro cốt vào gửi trong chùa.
Trong khi chờ chồng đi tìm tài xế, o Mận dắt hai con vào một cái quán
bên đường. Cái quán nghèo nhưng có hàng chè tàu cắt phẳng phiu thật
trông thật đẹp.Thằng em chăm chú nhìn và hỏi thằng anh: -What’s name ?
Thằng anh lắc đầu: – I don’t know. Let’s ask Mom.
O Mận nói với con: – Cây chè tàu.
Hai đứa cười và nhái lại: – Che tau…che tau…
Không ai biết nép sau cánh cửa tre xập xệ, một người đàn ông đứng
lặng. Đó chính là chú Ngọ. Dù thời gian đã quá xa xôi nhưng chú vẫn nhận
ra người đàn bà sang trọng kia chính là o Mận, người con gái ngày xưa
chú phụ rẫy. Bàn tay trái có một ngón cụt lóng đặt hờ hững trên chiếc
xách. Và thằng bé trai với những đường nét thân quen…Trong đầu chú hiện
ra hình ảnh người con gái đứng bên hàng rào chè tàu, tay lúng túng bứt
những chiếc lá, mắt cười lóng lánh …Rồi một buổi chiều…cây dao…lóng tay…
Xe đã đến. Ba người lên xe. Nụ cười khanh khách của hai đứa con trai
vang vọng. Làn bụi mỏng bay theo chiều gió…Tiếng ru con của người hàng
xóm cất lên: … À ơi …Vàng mười chê đắt không mua…Đi mua vàng bảy …À ời…
thiệt thua trăm đường…à ơi…
Chú Ngọ ôm mặt. Hai dòng nước mắt chảy qua kẽ tay.
Hương Thủy
Truyện hay quá, cho vừa bụng chú Ngọ, đúng là Luật nhân quả , có vay có trả. Cám ơn tác giả và chi Tố Kim.
ReplyDeleteHello chị Ngọc Vinh, chị khỏe hông?
DeleteBiết chị thích đọc truyện ngắn, mình tìm truyện hay cho chị đọc giải trí.
Chúc chị an vui.
TK
������Cám ơn TK nhiều nhá ! Mình thích truyện ngắn trong Blog của chi, chắc chắn là hay . Chúc TK vui , mạnh khoẻ .
DeleteThân.
Cảm ơn tác giả truyện hay sao cái xả hội Huế ngày xưa cổ lổ sỉ và độc đoán như vậy
ReplyDeletePhong tục Tập Quán của Xã Hội , ngày xưa ,cả 3 miền là như vậy đấy ! Chứ không hẳn là chỉ tại Huế !
DeleteNgày sau cháu chắt chúng ta sẽ nghĩ gì với hiện tại của chúng ta hiện giờ ? !
Bài văn thật hay ! Hấp dẫn lôi cuốn từ đầu đến cuối ! Nội dung hàm chứa một triết ly nhân sinh, tuyệt vời ! Chuyển lời đến tác giả và chúc tác giả cùng Người phương Nam : luôn An Lành
ReplyDeleteLính thủy
Sao hôm nay lính thủy có nhã hứng ghé bến phương nam vậy?
DeleteCám ơn anh lính thuỷ.
NPN
Cảm ơn tác giả và Người Phương Nam. Lâu lâu ghé thăm, đọc truyện rất ý nghĩa.
ReplyDelete