Wednesday, June 3, 2020

Áng Mây Bàng Bạc - Đặng Hà Nội


Tháng hai vừa qua trong khi bệnh dịch COVID-19 đang mon men len lỏi bên Âu châu chúng tôi như hai người điếc không sợ súng lần mò tới Evora, một thành phố cổ của Bồ Đào Nha mà nơi đây có một thắng cảnh mà du khách không thể bỏ qua. Không ngờ cảnh trí này ám ảnh tôi cho đến ngày hôm nay.

Đó là Nhà Nguyện Xương Người hay Chapel of Bones mà các tu sĩ thuộc nhà thờ Thánh Francis vào thế kỷ thứ 16 đã trang hoàng nhà nguyện bằng hơn năm ngàn bộ xương của dân làng chết vì bệnh dịch vì nghĩa địa không còn đất để chôn. Khi bước vào cổng du khách được chào đón với hàng chữ khắc “Xương chúng tôi ở đây chờ xương của bạn” hay “ We bones that are here await yours” và cảnh rợn tóc gáy hiện ra với xương xẩu và đầu lâu mầu trắng đục của người lớn lẫn trẻ con được chét dính trên tường nhà nguyện một cách mỹ thuật. Các cặp mắt xâu hoắm  nhìn chừng chừng soi mói như thầm hỏi chúng tôi: “ Các người hết chỗ đi sao mà đến đây, bộ muốn làm bạn với tụi tui hả ?”

Theo như niềm tin của vài phái Ki tô giáo thì các bộ xương này sẽ được sống lại khi ngày tận thế tới. Với bệnh dịch COVID đang hoành hành tan hoang khắp thế giới trừ Nam cực vậy chúng ta sắp tới ngày tàn của thế giới chưa nhỉ? Nói dại vậy chứ trong cơn bão bùng mây đen bao kín bầu trời chúng ta ai vẫn mong sẽ nhìn thấy một áng mây bàng bạc le lói ở cuối chân trời và rồi ánh nắng ấm áp sẽ trở lại mang theo cơn gió mát hiền hòa làm mọi cuộc sống hồi sinh như ngày xưa cũ.

Trong chuyến đi Âu châu  bệnh dịch hình như theo đuổi chúng tôi từng bước. Bệnh dịch đầu tiên xảy ra bên Âu châu tại quần đảo Canaries thuộc Tây Ban Nha rồi sau đó lan truyền khắp Âu châu và nhất là Ý nhưng không làm chúng tôi chùn bước giang hồ. Trong khi đó bệnh dịch này cũng bắt đầu tung chưởng bên Mỹ mà chúng tôi theo dõi hằng ngày qua internet.

Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm khi bước chân lên máy bay United tại phi trường Lisbon để về lại Mỹ sau một tháng rong ruổi bên Âu châu. Chúng tôi cứ tưởng sẽ qua thủ tục khám sức khỏe dành cho khách từ ngoại quốc tới Mỹ nhưng chả có gì đặc biệt tại quầy kiểm soát. Ngược lại chúng tôi qua các cửa ải còn nhanh hơn lúc trước có lẽ vì lượng du khách tới ít đi. Khi ghé qua phi trường Newark và Chicago tôi mới thấy lác đác người gốc Á Châu đeo khẩu trang báo hiệu cho chúng tôi trở về với thực tại.

Khi chúng tôi về lại Minneapolis thì nghe tin có hai du học sinh Mỹ từ Âu châu về có triệu chứng của dịch COVID và chúng tự về nhà cô lập. Chúng tôi hoàn hồn khi nghe tin chính phủ Mỹ ra lệnh cấm máy bay di chuyển từ Âu châu đến Mỹ khoảng hơn một tuần kế tiếp. Rồi mấy ngày sau đó các trường học Minnesota bị đóng cửa cũng chỉ vì vi khuẩn COVID này. Tôi mới lật đật gọi điện thoại cho cô con gái rượu để hỏi thăm tình hình vì nó là cô giáo dạy ESL tỉnh gần nhà.

Chúng tôi ngạc nhiên khi nó có giọng nghiêm trọng như thế này:

-“Bố mẹ không được đi đâu đấy nhé! Không được đi chợ hay đi tập thể dục. Tụi con có thể mang đồ ăn cho bố mẹ. Bố mẹ mà đi là con giận lắm đấy!”

Thế là lệnh cấm túc của con gái được ban ra và sau đó mấy ngày ông thống đốc Minnesota lập  lại và còn thêm nhiều lệnh cấm khác.

 Tại sao như vậy? Sau khi bệnh dịch bắt đầu từ Vũ Hán bên Trung hoa khoảng cuối năm 2019 rồi như vết dầu loang đi khắp nơi . Cho đến hôm nay bệnh dịch Corona mới lạ này không có thuốc chữa và cũng không có  thuốc chích ngừa vì thế cách tốt nhất cho con người phải cô lập để tránh lây nhiễm cái bệnh Corona này. Câu “No man is an island” hay “ Không ai là hòn đảo” nói về con người cần sống hòa nhập với xã hội nhưng nay phải thay đổi vì con người phải được cô lập để tránh lây nhiễm. Kinh tế hoàn cầu hầu như bị tê liệt hoàn toàn vì từ cơ sở kinh doanh vĩ đại của Hoa kỳ cho đến gánh hàng rong của Việt nam đều ngưng hoạt động vì lệnh ở ẩn hay shelter in- place và khoảng cách giao tế hay social distancing được ban ra hầu như khắp mọi nơi.
Bài ca “Không” của Nguyễn Ánh 9 ngoài việc “Không! Không! Tôi không còn yêu em nữa” mà còn thêm không  được ngồi ăn tại nhà hàng, không được đi bát phố dạo mall, không được đi nhà thờ hay chùa chiền, không được đứng gần nhau phải “cách ly” sáu feet và một điều đau lòng là con cái không được đến thăm...Thế giới của hai người cao tuổi như chúng tôi thu hẹp lại trong lầu son không trẻ con. Xuốt ngày chỉ luẩn quẩn đi lên đi xuống trong nhà rồi nấu cơm đun nước, trời ấm thì ra vườn ngắm cây nhìn cỏ, trồng cây này, nhổ lá kia. Khi thì xem phim Netflix, lúc thì dạo Youtube đỡ buồn. Khi thì gõ phím viết truyện phiếm, lúc thì tô vẽ vẩn vơ. Một ngày như mọi ngày, chúng tôi đành cam phận không may!

Không được đến nhà thăm chúng tôi được nên con cái hẹn nhau gọi điện thoại bằng Facetime cho bố mẹ để gia đình có mặt đầy đủ nhìn mặt nói chuyện mật thiết và cũng là để chúng trông chừng bố mẹ lớn tuổi. Chúng tôi có đứa cháu nội trai đầu tiên đã gần mười tháng nên có dịp được xem thằng cu này làm được trò gì rồi. Chỉ có vậy thôi nhưng cũng làm  cho lòng chúng tôi ấm lại. Anh ngữ có câu “Absence makes the heart grow fonder” hay “Xa mặt làm trái tim yêu nhau hơn” quả đúng như vậy!

Không được mở nhiều cửa tiệm như tiệm salon làm đầu cắt tóc nên chúng tôi phải tự giúp nhau làm đẹp. Tôi thì quen cắt cỏ mỗi mùa hè nay phải làm thêm nghề cắt tóc bất đắc dĩ không bằng lái này cho bà xã. Cắt được vài đường rồi tự khen rối rít, “Trời, tóc em sao mà đẹp quá thế này!”. Rồi tôi cũng được nàng vân vê cắt vài sợi của tôi. Kỳ này tôi không chịu cạo râu để kỷ niệm cho thời kỳ ở ẩn này và hứa sẽ cạo sau khi được thả lỏng!

Không được đi tập thể dục bơi lội tại Lifetime Fitness nên chúng tôi phải mang máy đạp xe stationary bike bỏ đã lâu mang ra dùng. Vừa đạp vừa nghe nhạc trên Youtube. Tập chán rồi quay ra thăm ông Táo. Ai cũng rảnh rỗi nên đành vào bếp trổ tài cho đỡ phần nào suy nghĩ chuyện thời sự. Phần nhiều bà nội trợ Mỹ thích làm bánh nên tôi cũng bắt chước. Nhưng hỡi ôi! Tôi đi kiếm men làm bánh lòi con mắt không ra tại ba bốn chợ. Còn cháu của nhà tôi bên Cali hồi xưa chỉ thích mua cơm chỉ hay đi ăn tiệm tại Little Saigon nay thấy nó đăng trên Facebook bao nhiêu là món ăn nó tự làm nhất là món tráng miệng hấp dẫn và mẹ con nó hình như có vòng số 2 lên nấc!

Không được mướn đi làm nên khoảng 36 triệu người thất nghiệp và phải xin trợ cấp. May mắn chúng tôi đã về hưu nên không lo lắng nhiều cho vấn đề tài chánh. Tuy nhiên nhà tôi không dám bận tâm coi quĩ IRA của mình còn bao nhiêu vì thị trường chứng khoán xuống dốc thê thảm. Nhiều các cửa tiệm nổi tiếng bán quần áo đang trên đường sụp tiệm như J.Crew, Neiman Marcus, Nordstrom còn tiệm Macy’s mà chúng tôi thích nhất cũng bị khủng khoảng kinh doanh và khách hàng đặt hàng trên mạng nhiều hơn. Nhưng mà thời nay ai mà diện quần áo làm chi khi có lệnh ở nhà. Tôi ngày nào cũng nhất bộ nhất bái mặc pyjama cho mấy ngày mới thay. Thảm nào quần áo ngủ nay được bán chạy hơn các thứ ăn mặc khác.

Không được mở cửa trường học nên cô giáo điệu nhà tôi không đến trường dậy học nhưng có giờ ở nhà lên mạng dạy kèm các học sinh có tiếng mẹ đẻ không phải là Anh Ngữ. Khu học chính cung cấp máy Ipad cho học sinh nên sự giáo dục cho con em  không bị gián đoạn lâu dài. Chúng còn có thể đến nơi gần nhà được định sẵn để lấy phần ăn trưa miễn phí. Trẻ con bên Mỹ vậy mà còn có phước.

Không được đến trường cho hết niên học này nên học trò năm nay thiếu sự vui nhộn bên nhau trước khi đi nghỉ hè. Thường khi sau các kỳ thi định lượng của liên bang, tiểu bang và lớp vào đầu tháng năm, thầy cô tổ chức cho học trò đi du khảo tại sở thú, bảo tàng viện hay buổi picnic tại công viên gần trường. Các cấp lớp có những buổi hòa nhạc văn nghệ hào hứng, trường tiểu học có ngày chơi thể thao toàn trường gọi là field day mà học sinh nào cũng hăm hở được tham dự tranh tài. Để kỷ niệm một năm học vào ngày cuối năm học sinh cùng thầy cô viết cho nhau những lời chúc tốt đẹp trên lưu bút hay year book. Các lớp sắp ra trường bậc trung học thì có đêm prom mà các anh chị hẹn hò mặc diện kẻng khiêu vũ bù khú với nhau và cuối cùng là ngày lễ ra trường với áo mũ cân đai đánh dấu một cột mốc học vấn của thời niên thiếu. Nhưng năm nay các hoạt động này đều bị bãi bỏ mang nhiều tiếc nuối cho học trò lẫn thầy cô. Lễ ra trường hầu như đa số sẽ được cử hành giản dị trên mạng, một hình thức phổ biến hầu như cho mọi hoạt động của thời kỳ COVID-19.

Không có thầy cô trực tiếp dạy học ảnh hưởng tới hơn 58 triệu học sinh trên toàn nước Mỹ làm các phụ huynh phải tự chăm sóc và dạy học con cái tại gia hai mươi bốn giờ một ngày. Đây quả là một trách nhiệm lớn cho bố mẹ thời nay vì ngoài việc nuôi nấng đàn con trẻ còn phải làm việc tại nhà trên mạng! Con gái tôi và tôi đều tốt nghiệp ngành sư phạm cùng một lò tại Đại học Minnesota. Chúng tôi đều biết rằng dạy học không phải là chỉ giảng bài mà còn là người hướng dẫn khải đạo, cán sự xã hội, y tá, cố vấn gia đình và nhiều khi đóng vai bố mẹ cho đám học sinh.  Tôi hay coi chương trình Family Feud vui nhộn của Steve Harvey trên truyền hình. Đó là cuộc thi của hai gia đình trả lời các câu hỏi dựa theo bản thăm dò ý kiến. Một lần có câu hỏi đưa ra là nghề nào coi là không được biết ơn nhiều nhất và tôi đau lòng khi biết được nghề giáo đứng hạng nhất. Tôi chắc là nếu có câu hỏi thứ hai nghề nào được ít lương nhiều nhất mà có trình độ cử nhân thì câu trả lời cũng là nghề giáo đứng nhất cho mà coi!
Hy vọng trong thời kỳ khó khăn này mọi người sẽ có một cái nhìn thông cảm hơn về vai trò của thầy cô đào luyện con cái mình và sẽ ủng hộ họ nhiều hơn trong hiện tại và tương lai.

Chúng ta quả đã qua một mùa đông khủng khiếp và bước vào ngưỡng cửa mùa xuân cũng kinh hoàng không kém. Thế giới nhỏ bé của chúng ta đã và đang bị con vi khuẩn corona tấn công mãnh liệt làm cho hơn bốn triệu người bị lây nhiễm và khoảng 300.000 tử vong trong đó có hơn 83,000 người bên Mỹ tính đến ngày hôm nay 13/5 và con số có đà gia tăng mỗi ngày. Nhìn vào kính hiển vi con vi khuẩn này có dạng hình tròn và nhiều tua giống như là vương miện hay corona. Dù nó vô hình, vô gươm giáo nhưng có sức mạnh vô song và không tha ai từ thường dân đến thủ tướng, tài tử đến công chúa, thuộc đảng mầu đỏ hay đảng mầu xanh, ở nhà trắng hay nhà xanh đều có thể bị con coronavirus này gõ cửa đến thăm bất cứ lúc nào.

Kể tội dịch này thì biết bao giờ mới hết. Tuy nhiên chúng ta nhìn lại xem dịch này có làm điều gì tốt cho con người không?
Dịch Coronavirus đã làm cho gia đình thân thiết nhau hơn vì luật ở nhà ban ra. “Home sweet home” hay “Ngôi nhà ngọt ngào”  là câu quí giá và có ý nghĩa hơn bao giờ hết. Trước kia gia đình chỉ quây quần với nhau vào buổi chiều tối nay lại có thêm dịp tìm hiểu thông cảm với nhau nhiều hơn dưới mái ấm gia đình.  Con cái tìm được vòng tay êm ái của bố mẹ và bố mẹ có đầy đủ thời gian dạy dỗ con cái trong phạm vi gia đình không bị ảnh hưởng nhiều bên ngoài.

Mặc dầu dịch COVID làm chúng ta sợ hãi khi phải tiếp xúc với cộng đồng nhưng thật ra dịch này giúp chúng ta nhận thức được sự quan trọng của việc gắn bó với cộng đồng. Chúng tôi rất ngạc nhiên vui mừng khi bà hàng xóm người Mễ bên cạnh mới dọn đến gõ cửa và hỏi chúng tôi có cần gì khi lệnh ở ẩn mới ban ra. Thật là đúng với câu “hàng xóm, láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau” trong cuộc sống hiện tại đầy khó khăn này.

Chưa bao giờ chúng ta lại cần một vòng tay ôm thân ái an ủi hay cái bắt tay thân thiện nhưng việc này không còn hợp thời nữa. May ngày nay có kỹ thuật thông tin tân tiến làm chúng ta liên lạc với nhau thuận tiện với người bên cạnh nhà hay bên kia đại dương. Các dịch vụ như FaceTime, WhatApp, Skype, Zoom, Messenger... thật là vô giá trong thời gian cách ly và ở ẩn.  Trong lãnh vực giáo dục các kỹ thuật thông tin được trọng dụng để giáo sư dạy dỗ học sinh khi trường đóng cửa. Chúng ta hẳn thích thú và cảm động được thưởng thức các bản nhạc của các nhạc công hoà tấu tại mỗi nhà riêng của họ qua dịch vụ Zoom.

Dù bị tù túng trong nhà nhưng lâu lâu chúng tôi cũng ra ngoài ngắm thiên nhiên để làm chúng tôi trẻ lại và tâm thần được sảng khoái. Đường xá vắng vẻ vì ít người, ít xe cộ làm cho thiên nhiên trở thành viên ngọc đáng quí mà ngày trước nhiều khi bị coi thường. Nhiều thành phố như Los Angeles, Washington DC hay Paris hồi trước bị ô nhiễm không khí bao trùm nay mang chiếc áo thanh toát mỹ miều với ít khói xe.  Sau trận dịch này chúng ta được một bài học là phải quí trọng gìn giữ thiên nhiên và sống hòa đồng với thiên nhiên vì chúng ta chỉ có một trái đất để sinh tồn.

Nhờ dịch này mà chúng ta được ôn lại các bài vệ sinh thường thức khi hồi học lớp tiểu học. Phải rửa tay luôn luôn với sà phòng và dùng giấy tissue khi ho hay hắt hơi, lau chùi và khử trùng các vật dụng sờ mó hằng ngày. Cần đeo khẩu trang khi ra ngoài. Đây cũng là một tục bình thường vệ sinh mới. Chắc hẳn đeo vải che miệng giúp chúng ta ăn uống, nói năng chừng mực và nhiều khi câu “im lặng là vàng” rất thích hợp trong thời gian này.

Dịp này làm chúng ta biết ơn các bác sĩ, y tá, dược sĩ trong lãnh vực y tế cộng đồng. Thêm vào đó là người bán và người giao thực phẩm, người hốt rác, người đưa thư, người lao công dọn dẹp... đã không quản công lao giúp chúng ta và gia đình mà lúc trước chúng ta có thể coi thường vai trò của họ.

Thế giới vẫn bị con coronavirus tung hoành ngang dọc mấy tháng nay nhưng có nơi đã hoạch định rục rịch mở cửa kinh doanh. Nước Mỹ cũng đang muốn mở lại nền kinh tế vì cả bao nhiêu triệu người thất nghiệp, thị trường chứng khoán suy đồi có nguy cơ lâm vào cảnh Đại Khủng Khoảng của Hoa Kỳ năm 1929. Dân chúng tại nhiều tiểu bang nghe lời khích động có tính cách chính trị của người lãnh đạo đã mang biểu ngữ, bất cần luật khoảng cách giao tế, mang theo cờ Mỹ và vác thêm súng ống xuống đường đòi “mở cửa lại nước Mỹ”.

Mong đây chỉ là nhóm thiểu số còn phần đông đều cẩn thận đề phòng sự lây nhiễm. Ngày 13/5 trong một cuộc biểu tình tương tự tại North Carolina một người tên là Todd Stiefel chống lại buổi tình này nhưng ông không đi dự được vì tính miễn nhiễm yếu kém nên đã thuê một chiếc máy bay mang theo biểu ngữ bay phất phới trong khi đoàn biểu tình đang diễn hành. Hàng biểu ngữ có dòng chữ như sau:

“Fewer graves if we reopen in waves” được dịch là “Mộ chôn ít đi nếu chúng ta mở cửa lại như các đợt sóng”.   

Theo như ông phát biểu thì nếu kinh doanh mở quá sớm sẽ làm chết nhiều người gây tổn hại cho kinh tế và gây đau khổ không có lợi lộc gì hết.

Trong thời gian này chúng ta ai cũng nhận được tin tức truyền thông về dịch COVID bằng báo chí, TV, họp báo của chính phủ, Facebook, Forum...nhưng chúng ta phải nên suy nghĩ chín chắn mà dân Mỹ gọi là “common sense” trước khi tin tưởng vào họ.
Con người trở nên thật yếu ớt như hạt bụi trong thời buổi này. Sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thông thường. Tốt hơn hết mỗi chúng ta sẽ cần theo các lời khuyên của các chuyên gia y tế về việc giữ vệ sinh và giữ khoảng cách giao tế và đề phòng đừng bén mảng tới những nơi kín mít, không khí lưu thông kém và đông người.

Rồi một hôm đẹp trời nào đó nhân loại trở nên thông cảm nhau nhiều hơn, thiên nhiên không bị tàn phá nhiều và họ hiệp lực tìm kiếm được thuốc chủng ngừa. Lúc đó bóng đêm sẽ tan dần và ánh mây bàng bạc hiện ra le lói ở chân trời và con tim nhân loại sẽ vui trở lại.

Đặng Hà Nội
https://vvnm.vietbao.com/a247455/ang-may-bang-bac

No comments:

Post a Comment