Ngày đầu tiên trình diện sở làm, Mai được dẫn đến gặp ông Dan. Ông
nầy mới trên năm mươi tuổi mà Mai tưởng ông đã già lắm, vì thấy tóc ông màu bạch
kim trắng xóa, và khi nói, thì ông run run cái cằm nhiều lần mới phát ra được
những tiếng lắp bắp. Ông bị cà lăm mà Mai không biết. Buổi chiều về nhà Mai nói
với chồng:
“Ông chỉ huy của em trông tội nghiệp lắm.””
“Sao vậy?””
“Ông ta đã quá già, già lắm rồi mà còn phải đi làm việc. Tóc ông
trắng phau, già đến nỗi nói không ra hơi.””
Gần một năm sau, Mai mới biết tuổi tác của ông, và biết ông bị bệnh
cà lăm, chứ không phải là già đến nỗi nói lập bập không ra hơi. Ông Dan là kỹ
sư trưởng công trình, chỉ huy năm người khác, trong đó có Mai.
Mai đã ba mươi tuổi, vừa học xong đại học, may mắn được tuyển dụng
sau ba tháng tung đơn tìm việc đi khắp nơi. Đây là công việc đầu tiên của Mai
trên nước Mỹ. Khi còn ở Việt Nam, Mai cũng đã đi từng làm rồi, nhưng vì lương bổng
trong thời xã hội chủ nghĩa không đủ ăn sáng, sửa xe đạp, mà còn phải ngửa
tay xin thêm tiền cha mẹ để chi tiêu, cho nên liều mạng bỏ ngang. Mai khai bệnh
đau bao tử, để xin nghỉ việc mà khỏi bị rắc rối về mặt chính trị. Nhờ nghỉ việc,
nên có nhiều thì giờ chạy theo các tổ chức vượt biên đào thoát ra khỏi xứ. Đến
Mỹ, Mai theo lời khuyên của bạn bè đi học lại, vì theo họ, học hành là một lối
đầu tư dễ dàng nhất, và chắc chắn nhất cho tương lai.
Ông Dan bụng phệ, căng tròn, to như đàn bà có bầu sắp sinh con.
Cái thắt lưng chạy vòng xệ xuống, nâng đỡ cái quần nhăn nhúm đằng sau, bao lấy
một vùng mông teo rí, trớt lợt. Nụ cười của ông thường mở rộng toe toét. Ông
hay nói chuyện khôi hài cho mọi người cười vui. Được một cấp chỉ huy cởi mở như
ông Dan, Mai cũng khá yên lòng. Trong nhóm đồng nghiệp nầy, chỉ có ông Bill là
đáng ngại. Ông nầy cao lớn, đầu trọc lóc, cằm bạnh ra, và đôi môi mỏng dính, miệng
như một cái khe nứt, quặp xuống. Ánh mắt của ông lạnh lùng, ông có vẻ kỳ thị ra
mặt. Lần đầu ông Dan giới thiệu Mai với mọi người trong nhóm, các ông khác đều
cười vui, nói lời chúc mừng, mà ông Bill thì chỉ hự một tiếng trong cổ họng
thôi.
Mới vào làm việc, Mai e dè, nhút nhát, nói nhẹ như hơi thở, và khi
nào cũng sợ mất lòng mọi người chung quanh, tưởng như ai cũng có quyền đuổi Mai
ra khỏi sở nầy. Là dân tị nạn, ăn nói còn lọng cọng, ngọng nghịu, việc làm chưa
quen. Mai cố gắng làm sao cho khỏi mất lòng mọi người chung quanh. Mai là phái
nữ duy nhất trong nhóm nầy. Thấy thái độ nhút nhát, sợ sệt của Mai, ông Dan cười
mà nói:
“”Cô Mai, cứ yên tâm. Công việc chưa quen thì học, học thì biết và
làm được. Làm xong một vài dự án, thì về sau không có chi khó khăn cả. Hồi tôi
mới ra trường, cũng chưa biết gì cả. Nhờ các đồng nghiệp khác, dẫn dắt, như nắm
tay dắt đi. Mọi người trong nhóm nầy đều tốt cả.””
Nói câu đó xong, ông Dan liếc mau về phía ông Bill, mà ông Bill
thì nhìn lơ, không nói năng gì cả. Nhờ câu nói của ông Dan mà Mai yên lòng. Lần
đầu tiên đi làm, nghe câu nói tử tế của ông chỉ huy, Mai nhớ suốt một đời, và
không quên ơn ông. Về sau, khi nào gặp một đồng nghiệp mới, Mai cũng đem lời
ông Dan ra mà trấn an, làm họ bớt lo lắng, bớt bỡ ngỡ trong thời gian đầu.
Một hôm ông Bill lục lọi trong đám hồ sơ cá nhân của ông, tìm ra một
thông cáo tuyển dụng kỹ sư vào cuối thập niên 1950 và đưa cho Mai đọc. Bên dưới
hàng chữ thông cáo tuyển dụng kỹ sư, có ghi thêm một giòng đậm“’Không chấp nhận
đàn bà’. À, thì ra nước Mỹ vào thời đó, còn kỳ thị nam nữ đến thế. Mai chuyển tờ
thông cáo qua cho ông Dan đọc. Ông Dan nhìn ông Bill với ánh mắt trách móc và
nói:
“ “Chuyện nầy xưa lắm rồi. Ông đem ra làm chi, đừng để cho người
khác hiểu lầm, tội nghiệp. Bây giờ mà kỳ thị nam nữ là mệt lắm đó.””
Ông Dan biết tiếng Anh của Mai còn kém, chưa nghe và nói thông thạo,
nên mỗi khi nói chuyện, hay đưa chỉ thị, ông thường gắng nói rất chậm
rãi, rõ ràng, và vì mang tật nói lắp, nên ông càng nói lắp nhiều hơn nữa. Khi
Mai nói chuyện, thì các ông khác đều hiểu, không biết có hiểu hết hay không,
nhưng ông Bill thì luôn luôn lắc đầu bảo rằng, ông không hiểu Mai nói gì. Ông
Dan cố tránh, không để Mai làm những công việc chung với ông Bill.
Vì nhỏ con, không mua được áo quần cho vừa, nên Mai phải mua loại
dành cho con nít mà mặc. Tóc Mai cắt ngắn, khuôn mặt lại đầy đặn mà không son
phấn, nên trông có dáng dấp của một em bé Mỹ mới chín mười tuổi. Một hôm
gần lễ Tạ Ơn, nhiều người đem con cái đến sở chơi, một ông cụ nhân viên cũ cũng
ghé lại thăm. Ông tưởng Mai là con gái của một đồng nghiệp nào đó
vào chơi, ông chạy đến xốc nách Mai đưa lên cao và hỏi:
“Cháu là con của ai đây? Trông dễ thương quá !””
Ông Dan hốt hoảng la ơi ới, bảo: “Đừng, đừng”, và cho biết cô nầy
là kỹ sư mới vào làm mấy tháng nay. Ông cụ bỏ Mai xuống, và xin lỗi rối rít.
Mai cũng đỏ bừng mặt, và nói cho ông cụ bớt ngượng:
“ “Không có chi. Tuổi bố tôi cũng gần bằng tuổi ông. Tôi xem ông
như bố tôi vậy.””
Cả nhóm cười vang. Ông khách nói chuyện thêm vài câu, rồi vội vàng
chạy qua nơi khác. Mấy hôm sau, một bà đồng nghiệp người Trung Hoa ghé lại văn
phòng nói chuyện tào lao chơi, bà cho Mai địa chỉ mấy tiệm bán áo quần đàn bà tại
phố Tàu San Francisco, cho những người nhỏ con và thấp. Sau này Mai mới
biết, đó là hảo ý của ông Dan, ông nhờ bà Trung Hoa nầy chỉ dẫn cho Mai nơi bán
áo quần mặc cho vừa tác người.
Một hôm trong giờ giải lao, có người đến thu góp tiền cứu trợ, để
mua nước và thức ăn đặt rải rác dọc theo các vùng sa mạc gần biên giới Mỹ và Mễ.
Cho những người nhập cư bất hợp pháp khỏi bị chết đói, chết khát khi băng qua
biên giới. Ông Dan móc tiền ra hăng hái đóng, Mai cũng bắt chước đóng theo. Ông
Bill phản đối, bảo đừng tiếp tay giúp bọn nhập cư bất hợp pháp vào phá rối và
làm hỗn loạn nước Mỹ. Ông Dan nói với ông Bill:
“ “Tổ tiên ông cũng từ đâu đó bên châu Âu đi tìm đất sống mà vào
đây lập nghiệp. Nếu ngày xưa, họ không cho tổ tiên ông vào Mỹ, thì ông nghĩ
sao?””
“ “Không nghĩ sao cả. Việc nhập cư đã có chính sách của chính quyền.
Có luật pháp quy định. Đóng tiền mua thức ăn và nước uống cho những kẻ nhập cư
bất hợp pháp, là vô tình phạm vào luật.””
Ông Bill quay qua Mai, hỏi với giọng xoi mói:
“Thế thì trường hợp của cô ra sao? Sao không ở bên xứ cô, mà lại
vào đây? Cô vào đây bằng cách nào?””
”Tôi đi tị nạn chính trị. Được chính quyền Mỹ chấp thuận cho vào
đây tìm tự do sinh sống.””
“Tị nạn chính trị ? Như cô, thì làm được cái gì mà phải đi tị nạn?””
“Không sống nổi với chế độ độc tài, tôi ra đi. Chín phần chết một
phần sống, đi tìm tự do.””
“Không có tự do thì không sống được sao?””
Mai giận, không cần giữ lịch sự nữa, nói gằn lại, mà nước mắt rưng
rưng:
”Đúng. Không có tự do thì có sống cũng tệ hơn chết. Nè ông Bill, nếu
chính quyền tịch thu nhà ông, lấy hết tài sản ông, lấy sạch tiền trong chương
mục trong ngân hàng của ông, rồi đuổi ông lên rừng ở, hoặc bắt ông đi tù khổ
sai, vì ông có một chút của cải. Không cho ông đi từ thành phố nầy qua thành phố
khác. Công an luôn luôn dòm ngó, báo cáo và hạch hỏi từng hành động, từng lời
nói của ông, sống trong lo âu sợ hãi, thì ông có muốn đi tìm tự do không?””
Ông Bill trề cái môi dưới ra dài, nói mai mĩa:
“Cô tưởng tôi là trẻ con năm sáu tuổi hay sao mà nói những chuyện
hoang đường ngô nghê vô lý như thế được?””
Một ông trong nhóm cũng cười khành khạch, và hóm hỉnh nhìn Mai, có
lẽ ông ta cũng đồng tình với ông Bill, mà cho rằng Mai đặt điều một cách ngô
nghê ấu trỉ. Mai rưng rưng nước mắt, biết là không thể nói cho ai tin được. Phải
có sống mới biết. Nói theo giọng ông Hồ Chí Minh, là phải “kinh qua” mới biết
rõ. Mai nói, giọng đầy cả nước mắt:
“Tôi đi tìm tự do. Tôi xác định. Các ông không tin thì tôi cũng
không cần. Nước Mỹ cho tôi đến đây để được tự do sinh sống, tránh độc tài, áp bức.
Nếu không có độc tài áp bức, thì tôi không bao giờ bỏ quê hương mà ra đi, đón
nhận trăm ngàn hiểm nguy, chín phần chết, một phần sống. Các ông có biết gần nửa
triệu người Việt Nam chúng tôi đã bỏ mạng trên biển không? Anh trai tôi, và em
gái tôi cũng đã chết trên đường đi tìm tự do.””
Nói đến đây, Mai không cầm được xúc động, và òa khóc. Tiếng khóc của
Mai làm cho mọi người trong phòng tái mặt, sợ hãi. Ông Bill bỏ đi ra khỏi
phòng.
Chiều hôm đó, sau khi mọi người về hết, chỉ còn Mai và ông Dan
trong phòng làm việc. Ông Dan ôn tồn nói:
“Tôi hiểu hoàn cảnh của cô. Không ai muốn lìa bỏ quê hương mà ra
đi cả. Khi đã quyết định ra đi, dù cho vì bất cứ lý do nào, thì cũng là chính
đáng. Bố mẹ tôi đã lìa bỏ Ái Nhĩ Lan, đem tôi qua đây khi còn bé, cũng vì không
sống nổi nơi quê nhà. Cô có nghe cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vào năm 1929
không? Có lẽ cô còn nhỏ tuổi, không biết đâu. Khủng hoảng kinh tế thế giới, người
người không có công ăn việc làm. Ở Ái Nhĩ Lan không đủ ăn. Lúc đó tôi mới vài
ba tuổi gì đó thôi. Bố tôi bán sạch hết nhà cửa, đồ đạc, vay mượn thêm tiền,
mua vé tàu thủy đem mẹ con tôi qua Mỹ để kiếm ăn, có ông cậu tôi đi theo. Nghe
đâu đi cả mấy chục ngày rề rề trên biển mới thấu Mỹ, đến hải cảng New York. Dạo
nầy, ngay cả dân Mỹ cũng thất nghiệp tràn đìa. Hàng ngày, thiên hạ xếp đuôi
dài, chờ hàng ba bốn tiếng đồng hồ để được bố thí một bữa ăn. Dân địa phương
còn chưa kiếm ra việc làm, thì bố mẹ tôi mới đến, lạ nước lạ cái, làm sao
tìm ra việc để sinh sống. Thế nhưng dân Âu Châu vẫn cứ ùn ùn kéo đến Mỹ, vì bên
Âu Châu cuộc sống vô cùng khó khăn. Tôi không biết bố mẹ tôi làm sao mà sống
còn qua thời gian đó. Dạo nầy, chưa có một chương trình trợ cấp xã hội nào cả.
Gia đình chúng tôi, bữa no, bữa đói thường trực. Tôi không biết sau đó bao lâu,
thì vì tuyệt vọng quá, bố tôi một mình, tách qua Úc Châu, hy vọng kiếm được việc
làm, và dành dụm tiền, đưa gia đình qua sau. Chắc khi chia tay, bố mẹ tôi buồn
khổ lắm. Nhưng không còn đường nào hơn. Bố tôi đi, mẹ tôi gánh hết trách nhiệm
nuôi hai con và ông cậu tôi. Không biết làm sao mà mẹ tôi đã vượt qua những
ngày tháng khốn khó đó được. Dạo nầy, tôi còn nhỏ quá, không biết, và
không nhớ chi tiết về tin tức của bố tôi. Nhưng hình như một thời gian sau,
chúng tôi bặt tin của ông. Không biết ông bệnh chết hay gặp tai nạn ở một nơi
nào đó rồi. Cũng có thể ông gặp khó khăn quá, khốn khó quá, và biết không thể
làm gì hơn để giúp đỡ vợ con, nên vắng luôn tin tức. Mẹ tôi khổ nhọc cùng cực,
và không kiếm ra việc làm, đành nhắm mắt đưa chân, đem con và em theo đoàn người
xuyên lục địa đi về miền Tây nước Mỹ. Nghe nói miền Tây đất đai mầu mỡ, thưa
người, công ăn việc làm dễ kiếm hơn. Mẹ tôi dừng chân phiêu bạt lại thành phố
San Francisco. Ở đây, bà kiếm ra được những việc lao động tay chân tại các tiệm
giặt, tiệm ăn và tiệm bán rau cải để nuôi con và nuôi em. Bà làm lụng cực nhọc
đến phát bệnh lao phổi mà chết. Để chúng tôi lại cho ông cậu, khi đó ông mới mười
sáu tuổi, ông đưa lưng ra gánh lấy trách nhiệm nuôi nấng hai đứa cháu thơ dại.
Ông cậu thay bố mẹ nuôi chúng tôi, chắt chiu có nhau trong tình thương. Ông đã
hy sinh cả tuổi trẻ để nuôi nấng các cháu. Ông làm lụng đầu tắt mặt tối để nuôi
chúng tôi ăn học, gây dựng tương lai cho chúng tôi. Ông cậu thường khuyên
rằng, nếu không có một tài ba nào đặc biệt, thì phải lo học để tương lai khá
hơn, đó là con đường dễ dàng nhất cho mọi người thoát cảnh đói, nghèo. Ông
không có một thú vui riêng nào, cũng không có bạn bè, trai gái, chăm sóc chúng
tôi như con ruột. Hai anh em tôi cứ nhởn nhơ trong bảo bọc cực nhọc của ông cậu,
và buồn bã không nguôi vì nhớ mẹ, thương cha . Khi chúng tôi đã khôn lớn, đã lập
gia đình, và có con cái, thì mới biết thấm thía công ơn khó nhọc của ông.
Và ông vẫn ở mãi trong tình trạng độc thân cho đến già. Tôi cũng chưa làm được
gì để báo đáp ơn ông, thế mà thỉnh thoảng còn vay mượn tiền của ông nữa. Ông
khi nào cũng hào phóng, hết lòng hết dạ với các cháu.””
Ông Dan thấy Mai liếc nhìn đồng hồ trên tường, ông ngưng
nói, cất giấy tờ vào cặp, chuẩn bị ra về. Trước khi ra cửa, ông nói thêm:
“Thế hệ di dân thứ nhất, thường phải chịu trăm ngàn khó khăn, đôi
khi tưởng như không qua được, và ai cũng phải nỗ lực, cố gắng để vươn lên. Nước
Mỹ nầy, có nhiều cơ hội tốt cho bất cứ ai, nếu họ quyết tâm. Tôi nghĩ, những
người di dân ngày nay, có nhiều thuận lợi và được giúp đỡ nhiều hơn chúng tôi
ngày xưa. Đó là những chương trình phúc lợi xã hội, những trợ cấp tài chánh mà
ngày trước không hề có.””
Mai không ngờ ông Dan cũng thuộc thế hệ di cư thứ nhất. Ông cũng
đã từng đói, khổ, gặp khó khăn trên đất mới, có lẽ nhờ vậy nên ông đối xử đầy
tròn với những người đồng cảnh ngộ đi sau. Trên vùng đất mới nầy, Mai chưa hề một
lần đói, lạnh. Dù khó khăn ban đầu thì tràn ngập, nhưng lại được no ấm, đầy đủ.
Được trợ cấp một thời gian khi mới đến, và công việc làm ăn lúc ban đầu, thì
cũng có khó khăn, nặng nhọc, nhưng cũng không phải khó khăn trăm bề như những
người di cư thuở trước. Bây giờ, còn có thể vay tiền đi học, làm việc bán thời
gian tại trường đại học, đủ cho cuộc sống của sinh viên nghèo.
Có lần vui, ông Dan đưa hình vợ con cho Mai xem. Ông có một người
con trai và ba cô con gái. Mấy cô con gái mặt mày thanh tú, thân hình đẹp dẽ,
có hai cô được chọn vào ban múa để reo hò, tán trợ tinh thần các đội thể thao
thành phố nhà. Tấm hình vợ ông hồi trẻ sắc sảo và đẹp như minh tinh màn ảnh thuở
xưa. Mai hỏi:
“Làm sao mà ông làm quen được với một người đẹp như thế nầy? Tôi
nghĩ, sắc nước hương trời như bà, thì có biết bao nhiều người theo đuổi, ông
làm sao mà chinh phục được trái tim bà, giỏi thế?””
Ông cười, nụ
cười vui vẻ, thỏa mãn:
“Vợ tôi là bạn học của cô em tôi. Bà nầy gốc người Nicaragua, Nam
Mỹ. Hai cô chơi thân nhau lắm.””
“À, thì ra thế. Cô em của ông chắc cũng đẹp lắm? Bây giờ bà ấy ở
đâu?””
Ông Dan lặng người đi một chốc, rồi đưa ngón tay chỉ lên trời, run
run nói:
“Tôi tin, bây giờ, em tôi ở trên đó, nước Chúa. Bình yên và vui
thú hơn khi còn sống ở trần gian.””
Rồi ông kể cho Mai nghe cuộc đời của cô em ông. Chồng của bà chết
vì tai nạn xe. Bà buồn và quẫn trí mất một thời gian dài. Mỗi tuần hai lần, ông
vào bệnh viện tâm trí thăm, và an ủi bà. Khi xuất viện, đầu óc bà không còn được
bình thường nữa. Cứ bị mất việc hoài, mỗi việc, bà làm được năm sáu tháng thì bị
đuổi. Rồi cách đây hai năm, bà chết vì bị uống lạm thuốc. Người ta nghi bà tự vẫn,
nhưng ông không tin như vậy, vì bà có đạo, và ngoan đạo, mà luật đạo thì cấm hủy
hoại thân thể. Khi kể đến đây, hai con mắt ông đỏ hoe, tiếng nói lắp bắp nhiều
hơn. Ông lắc đầu, hạ giọng buồn bã:
“Không có gì mệt hơn chăm sóc một người bệnh tâm thần. Thà bệnh gì
khác, người bệnh còn nghe, còn biết. Người bị tâm thần họ suy nghĩ cách khác,
và không chịu nghe ai cả.””
Suốt trong hai năm liên tiếp, trưa nào ông Dan cũng vội vã cầm miếng
bánh mì, rời sở sớm chừng mười phút trước giờ nghỉ ăn trưa. Không biết ông đi
đâu, không ai dám hỏi, mà cũng không ai muốn xen vào đời tư của người khác.
Đúng giờ làm việc, ông Dan trở lại với mồ hôi lấm tấm. Cả những ngày mùa đông ướt
át, lạnh lẽo, ông cũng hấp tấp ra đi. Mai nghĩ, không chừng ông nầy có một bà
tình nhân, che dấu ở đâu đó. Mấy ông có vẻ hiền lành bên ngoài, thường hay lén
lút làm chuyện động trời. Sau nầy, ông khai ra là mỗi ngày đi thăm ông cậu tại
viện phục hồi. Cậu của ông bị bệnh teo bắp thịt, và không còn đi lại được, phải
nằm trên giường. Mỗi ngày, ông đón xe buýt đến thăm, và an ủi ông cậu, để ông nầy
bớt thấy cô đơn. Ông cậu đã già, không vợ không con. Thật ra, những năm sau nầy,
ông có một bà bạn. Hai người muốn kết hôn mà không được, vì bà nầy li dị, mà chồng
cũ thì còn sống. Họ đều là những người theo đạo Chúa thuần thành, luật đạo
không cho phép tái giá nếu khi người chồng, hay người vợ cũ còn sống.
Một ngày thứ hai trong tuần, ông Dan vui vẻ rộn ràng, cứ cười cười
hoài. Mai hỏi ông có chuyện gì vui không. Ông Dan cười tươi và nói:
“Tuyệt vời. Một cái đám cưới tuyệt đẹp, hiếm hoi.””
“Đám cười của ai ?””
“Đám cưới ông cậu của tôi. Ông rể nằm trên giường, cô dâu mặc áo
dài thụng đứng bên cạnh. Cả cô dâu và chú rể đều trên bảy mươi tuổi. Tội
nghiệp cho hai người, thương nhau gần cả chục năm trời, mới được phép kết hôn.
Họ lo làm gấp, sợ không kịp nữa, vì ông cậu tôi đã yếu lắm rồi.””
““Thế thì... ông chồng cũ của bà ấy vẫn còn chứ? Họ vượt
qua cái luật khắt khe của đạo là đúng” Mai bàn luận.
“Không. Ông chồng cũ bà ấy mất cách đây chừng mươi ngày””
Mấy tuần sau, cậu của ông Dan chết. Có lẽ được lấy vợ trước khi chết,
cũng là một an ủi lớn cho ông già nầy. Mai có đi đưa đám. Ông nằm thanh thản
trong quan tài, mặt xương và tái, miệng hơi cười. Bà vợ già của cậu ông Dan khô
đét như con mắm, mặt nhăn nheo như một tờ giấy vò nát. Nghĩ đến tấm lòng nhân hậu
của cậu ông Dan mà Mai cảm phục, và nghĩ đến các ông Thánh. Đời có những vị
thánh sống không ai biết, không ai xưng tụng, ca ngợi, có lẽ họ cũng không cần
các thứ đó. Trong tang lễ, Mai gặp bà vợ ông Dan. Bà nầy bị bệnh run rẩy
tay chân. Run bần bật không ngừng. Bà không còn một nét đẹp nào trong những tấm
hình mà ông Dan đã cho Mai xem. Thỉnh thoảng bà gắt gỏng than phiền những chuyện
không đâu. Ông Dan cứ thì thầm với bà: “Xong, xong rồi, mọi việc xong cả rồi.
Bà đừng nói nữa.””
Nhà ông Dan ở phía Bắc của cầu Golden Gate, một thành phố nhỏ hiền
hòa. Ông Dan cùng một nhóm đồng nghiệp đi xe chung. Mỗi khi có họp ra trễ,
không kịp cùng về xe chung, thì ông phải dùng phương tiện chuyên chở công
cộng. Từ sở về nhà, phải thay bốn tuyến xe, chưa kể đi bộ và chờ đợi. Về đến
nhà thì đã gần mười giờ đêm. Thế mà có khi ông phải nấu ăn vào giờ đó, vì bà vợ
bị bệnh run rẩy tay chân, không làm được, sợ tai nạn. Không hề nghe ông than
van khổ nhọc, khó khăn.
Nhiều lúc Mai thấy ông Dan vất vả quá, khuyên ông nên lái xe đi
làm vào những ngày có họp, hoặc những khi biết không về kịp với chuyến xe đi
chung. Ông Dan lắc đầu cho biết, từ mấy năm qua, ông không có xe. Không thể mua
xe, vì có xe thì bà vợ dành lấy mà lái. Bà run tay chân, và tâm trí không còn
bình tĩnh, bà đã gây nhiều tai nạn. Các hãng bảo hiểm khước từ, không bán bảo
hiểm tai nạn cho ông. Dù bà đã bị rút bằng lái, nhưng bà vẫn cứ lái xe. Bà
không sợ ai cả. Ông không muốn bà bị tù, và nếu bà có ở tù, thì ông còn khổ hơn
bà nữa. Không có xe là giải pháp tốt nhất. Mai rùng mình, không thể tưởng tượng
được một người sống trên đất Mỹ mà không có chiếc xe để đi làm ăn.
" Thế thì làm sao mà ông đi chợ, đi mua hàng hóa?"
Ông cười nói:
"Đi chợ? Cứ đẩy chiếc xe có bốn bánh từ chợ về nhà như mấy
ông vô gia cư, rồi đem xe trả lại. Khi nào thuận tiện, gặp lúc ông bà hàng xóm
đi chợ, thì xin đi theo."
" Bất tiện quá nhỉ!"
" Thì cũng phải chịu, chứ làm sao bây giờ?"
Nhiều buổi sáng ông Dan vào sở với hai con mắt đỏ ngầu, dáng điệu
mệt mỏi, tay che miệng ngáp lia lịa. Ai cũng đoán biết là đêm qua ông bị bà vợ
quấy phá, không cho ngủ. Bà ngủ gà ngủ gật suốt ngày, nên ban đêm không ngủ được,
quấy quả, làm ông mất ngủ theo. Bạn bè khuyên ông nên ngủ riêng, vì ông cần ngủ
đủ, để có sức khỏe mà đi làm. Ông thường nói rằng:
"Vợ chồng, những khi đau yếu cần có nhau, an ủi nhau. Khi khỏe
mạnh thì ngủ chung, khi đau yếu thì ngủ riêng sao được?"
Không ai dám bàn thêm gì cả. Có người thì chê ông vụng tính, nếu
không lo giữ gìn sức khỏe, khi gục xuống, lấy ai lo cho cả hai ông bà? Có người
thì khen ông là người nhân hậu, tình nghĩa.
Có lần ông Dan lái xe sở đi công tác ở một thành phố cách xa hơn một
trăm dặm, hai ba ngày sau vẫn chưa thấy về, cũng không nghe ai nhắn gì cả. Toàn
sở nhốn nháo kêu điện thoại tìm ông. Kêu điện thoại về nhà ông, không có ai trả
lời. Sở phái người đến nhà gõ cửa, cũng không ai mở. Cuối cùng, người ta tìm ra
ông nằm trong bệnh viện ở thành phố mà ông đi công tác. Ông ngất xỉu, được đem
vào phòng cấp cứu, bác sĩ quyết định giải phẫu ngay. Mai hỏi đồng nghiệp
trong sở xem ông bị bệnh gì. Một ông cười cười, đưa bàn tay chặt ngang phía dưới
một nhát, và bảo : "Đi đong, không còn gì nữa. Chẳng còn là đàn ông, mà
cũng chẳng là đàn bà". Mai không dám hỏi thêm nữa. Ba tuần sau, ông Dan trở
lại làm việc, trông ông hồng hào hơn cũ. Mai không dám đả động đến cái bệnh của
ông Dan, sợ ông xấu hổ. Mai chỉ biết chúc mừng ông trở lại, và nói vài lời an ủi.
Về sau, Mai biết ông bị xuất huyết bao tử vì quá lo lắng, và phải giải phẫu gấp.
Mấy người con của ông Dan cũng gây cho ông không biết bao nhiêu rắc
rối, mà ông phải gánh chịu. Anh con trai đi lính, bị đuổi khỏi quân trường, về
nhà ở với ông hơn cả năm, không làm ăn gì cả. Ông phải vay mượn tiền của ngân
hàng, để cho anh nầy hoàn trả cho quân đội. Cô con gái lớn, lấy chồng được mấy
năm, có một đứa con, thì li dị. Cô nầy cũng dọn về ở với ông bà, và gây cho ông
nhiều rắc rối nhất. Ông nói với Mai:
"Khi có con, thì trách nhiệm và tình thương còn đeo đuổi mãi,
có nhắm mắt nằm xuống, may ra mới hết được. Con cái, dù nó có tội lỗi, có tù
đày, mình cũng cứ thương."
Có lần, ông Dan xin nghỉ phép một tuần, để đi vào miền núi
xa, hoang vắng. Thuê một căn phòng nhỏ trong một tu viện để tĩnh tâm, để được
ngủ yên, và không còn suy tư, không còn lo lắng, bận rộn gì nữa. Ngày hai lần
xuống phòng ăn của tu viện dùng bữa, được các bà phước dọn sẵn. Tạm quên đi cuộc
đời nhiều rắc rối bất hạnh của ông. Thì ra, ông không hề đọc sách thiền, mà ông
cũng biết chuyện thiền, để rũ bỏ phần nào khổ đau đang gánh nặng. Mai có đưa quảng
cáo các lớp học thiền, do các vị tăng sư tổ chức, ông chỉ cám ơn, mà không tham
dự.
Rồi ông Dan đột ngột tuyên bố về hưu, làm Mai choáng váng, buồn,
như sắp mất đi một cái gì quý báu. Mười mấy năm làm chung với ông Dan, Mai chưa
hề nghe ông thúc hối, to tiếng la rầy, hoặc tỏ thái độ bực mình với ai. Vì cách
đối xử nhã nhặn, lịch sự, dịu dàng của ông, nên ai cũng cố gắng làm việc, làm hết
lòng, không chờ ông nhắc nhở. Hoàn cảnh gia đình ông như vậy, khó khăn và
rắc rối triền miên, mà khi nào ông cũng giữ được phong thái bình tĩnh, nhẹ
nhàng, không đem cái cáu bẵn từ nhà vào sở. Khi nào cũng nói lời tử tế, như :
" Anh , chị có vui lòng làm giúp tôi việc nầy không?” Hoặc: “Việc nầy họ
thúc hối quá, không biết mình làm có kịp hay không, thôi thì rán làm đến đâu
hay đến đó, đừng quá lo lắng, không kịp cũng chẳng chết ai”. Với cách nói tử tế
đó, không ai nỡ phụ lòng tốt của ông. Để đáp lại, gặp những lúc công việc
khẩn cấp, Mai bỏ cả giờ ăn trưa, bỏ cả giờ nghỉ xả hơi, gắng làm cho xong việc,
kịp hạn định. Ông không thúc hối, không làm áp lực. Mười mấy năm làm việc với
ông, Mai cảm thấy thong dong, nhẹ nhàng, và trong cái văn phòng nầy, có sự ấm
áp, có yên ổn, an bình. Bây giờ, ông Dan tuyên bố về hưu, không biết người chỉ
huy mới có tạo được cái không khí thoải mái, dễ dàng nữa không. Bởi vậy, nên
Mai buồn.
Ông Dan cho biết, mấy năm sau nầy bệnh vợ ông trở nặng, ông phải
đem vào nơi chăm sóc đặc biệt, cho bà ở hẳn trong bệnh viện. Chi phí mỗi năm tốn
gần trăm ngàn đồng. Ông không đủ tiền để trang trải chi phí, nên phải xin nghỉ
hưu sở nầy, và đi làm việc cho nơi khác. Nếu cả tiền hưu sở nầy, cọng với tiền
lương sở mới, may ra mới đủ chi phí chăm sóc bà vợ. Ông ra làm kỹ sư cho hãng
thầu xây cất, đứng giữa trời gió bụi, nắng mưa và xe cộ nguy hiểm. Thời khắc
làm việc lại bất thường, không kể ngày đêm, mà tuổi già thì bệnh hoạn, mệt mỏi.
Những công tác xây cất xa lộ, thường làm đêm khuya khoắt để tránh kẹt xe. Ông
Dan vẫn không ngại ngần, thức trắng đêm trong khói bụi công trường.
Có lần Mai hỏi ông Dan rằng, trong đời, có khi nào ông được thong
dong, thanh thản hay không? Ông Dan cười trả lời rằng:
"Mình phải tự tạo lấy cái thong dong, thanh thản. Chứ cuộc đời
là một chuỗi dài khó khăn, trắc trở, đau buồn. Nhưng mình cũng có những khoảng
trống xen lẫn, để mà tự tạo lấy niềm vui, nắm lấy vài phút giây hạnh phúc. Nếu
không, thì gục ngã ngay.””
Nhìn vào cuộc đời ông Dan,
Mai tự thấy mình quá hạnh phúc, quá sung sướng, được trời dành cho vô vàn ân
sũng, nên thường không dám đòi hỏi gì hơn, chỉ mong được yên bình khỏe mạnh là
đủ./.
Tràm Cà Mau
Càng lớn tuổi, sẽ càng thấy cái ta nhỏ nhoi hơn mỗi ngày, và những khó khăn đau buồn trải qua cũng chẳng bì vào đâu khi đối mặt với đại dương mênh mông... Cảm ơn tác giả và cảm ơn Người Phương Nam, câu chuyện thật súc tích, rất đáng để mọi người tự suy gẫm !
ReplyDeleteSao có người lại khổ tâm, khổ trí , khổ thể xác như thế nầy. Ngẫm lại mình vẫn sướng hơn nhiều. Thôi thì cứ bằng lòng cái hiện tại mình đang có. Cam ơn chi Tố Kim. Chúc chi bình an và mạnh khỏe.
ReplyDelete