Một thoáng suy tư: (Revised 3/23/22)
Ỷ Nguyên
Xin
được mở đầu bài viết bằng một ca từ của nhạc Trịnh:
“Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng,
Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau
…”
Vâng, tôi vốn được sinh ra từ một miền đất
mà ngày xưa được gọi là Tràng An - Kinh Bắc. Nhưng rồi một ngày, khói lửa lan
tràn đến quê tôi, tôi không còn được sống an vui như những ngày còn được ôm bầu
sữa mẹ: cuộc đời từ đó đổi thay theo vận nước nổi trôi cùng với bao nhiêu người
từ những con “tầu há mồm” đến một vùng đất hứa:
“Quang cảnh lạ
tháng năm dài,
Đêm đêm nghĩ tới
ngày mai giật mình …” (Thơ TTKH).
Nhưng… không hẳn là như thế!
Sau hai mươi năm hội nhập vào cuộc sống mới,
nếp văn hóa Nam Bộ như đã thấm sâu vào tâm hồn tôi từ lúc nào không biết…
Tôi bắt đầu thấy mến mộ người miền Nam, thích ăn các món ăn miền Nam, thích nghe mấy cô gái miền Nam hát hò và nhất là bộ môn Cải Lương tôi mê lắm. Phải nói, giọng nói khác lạ của người miền Nam nghe thật hay, rất lạ tai.Tôi muốn học cách phát âm như họ nhưng tập hoài học mãi, nói ra vẫn cứng ngơ cứng ngắc chẳng giống ai. Mấy cô gái giúp việc nhà cho tôi đều gốc người miền Nam. Các cô đều mê nghe hát cải lương vọng cổ, nên hễ lúc nào rảnh rỗi hay những lúc ngồi giặt giũ quần áo, nấu ăn là vặn radio lên để nghe…Lần sinh cháu út , tôi nghe hát cải lương nhiều nhất. Mỗi sáng đi chợ về, bé Ba đặt rổ đồ ăn xuống bàn là vặn radio lên nghe. Dù muốn dù không tôi cũng phải chấp nhận, vả lại mình cũng thích nghe nên cứ lờ đi. Tuy nhiên càng nghe tôi càng thấy thích thú như có một sức lôi cuốn vô hình nào đó. Vì vậy tôi nhớ khá nhiều tên của các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Minh Cảnh … Về phía nữ, gọi là đào cải lương tôi nhớ có: Út Bạch Lan, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Lệ Thủy, Phượng Liên…Tôi bị lôi cuốn không chỉ vì giọng ca trầm bổng, luyến láy điêu luyện của các đào kép mà còn vì tình tiết của vở tuồng. Các soạn giả tuồng cải lương biên soạn những vở tuồng rất có ý nghĩa, câu ca giản dị, bình dân, dễ hiểu hợp với giới bình dân, nội dung câu chuyện rất thâm thúy mang tính cách triết lý xã hội hiện đại, lịch sử thời chiến quốc bên Trung Hoa hay lịch sử nước Việt Nam qua bao thời đại. Nói đến hát cải lương thì chỉ có người miền Nam mới có thể diễn đạt được đặc tính của môn nghệ thuật độc đáo này.
Sở dĩ tôi kể cà kê dê ngỗng như trên là
vì tôi muốn ghi lại đôi dòng cảm tưởng
và cảm xúc của riêng mình sau cái chết tức tưởi và oan nghiêt của người con gái
tài sắc, đức hạnh là ca sĩ Phi Nhung mà tôi đã từng ngưỡng mộ giọng hát của cô
từ ngày cô bắt đầu trở thành ca sĩ cho đến ngày cô ra đi, 28 tháng 9 năm
2021.
Lần đầu tiên chúng tôi gặp ca sĩ Phi
Nhung khoảng năm 1990 khi Phi Nhung sang trình diễn tại thành phố Albuquerque,
NM. Giọng hát trong trẻo vút cao của Phi Nhung trong những bài dân ca đã thu
hút được nhiều cảm tình của khán giả. Chúng tôi đã chứng kiến cảnh cô ngồi chồm
hổm bên rìa sân khấu để giao lưu với khán giả, sau khi màn nhung khép lại, như
biểu lộ vẻ tự nhiên chân chất, bình dân của cô. Hình ảnh này làm chúng tôi nhớ
mãi.
Phi Nhung sang Mỹ định cư theo diện con
lai khi vừa 17 tuổi. Sau ba năm bôn ba
trên xứ lạ, cô đã trở thành ca sĩ một cách tình cờ. Trong 20 năm làm nghệ thuật
trên sân khấu hải ngoại cũng như ở trong nước, Phi Nhung đã thực hiện rất nhiều
màn trình diễn nhạc Dân Ca, Tân Cổ Giao Duyên , Vọng Cổ, Cải Lương, Hài kịch,
Bi kịch, diễn viên điện ảnh. Tất cả những vai trò cô đảm trách đều đã được thực
hiện hoàn hảo và thành công rực rỡ. Cô là môt cô gái có giọng nói hiền hậu của người miền Nam mặc
dầu cô sinh trưởng tại Pleiku, giọng hát của cô do đó đã lột hết được cá biệt của
môn cải lương qua sáu câu vọng cổ thiệt
mùi. Khán thính giả bắt đầu để ý đến cô ca sĩ có khuôn mặt hai giòng máu, xinh
xắn, làn da trắng mịn, đôi mắt to tròn, chiếc mũi dọc dừa và miệng luôn nở nụ
cười hài hoà dễ mến. Họ thương mến cô không những chỉ qua giọng ca tiếng hát của
một người ca sĩ đơn thuần, nhưng vì lòng từ tâm bác ái cô chia sẻ cùng những
người thiếu may mắn.
Cô là một người đàn bà gan dạ với tấm lòng
hỉ xả bao dung đã đứng ra nhận làm mẹ nuôi cho 23 đứa trẻ mồ côi hoặc không có
điều kiện tài chánh để tiếp tục việc học hành.
Một việc làm qúa phi thường đối với một người đàn bà đơn độc như cô. Phải
nói cô phải có một tấm lòng bác ái vô biên mới dám dấn thân đảm nhận một sứ mệnh
cao cả và thiêng liêng đến chừng đó. Có nhiều fan ái mộ đã tôn vinh cô như một
vị Bồ Tát tại thế nhưng cô đã phủ nhận điều này. Cô rất khiêm nhường vì nghĩ rằng
danh xưng đó phải dành cho những bậc thánh nhân, riêng cô cảm nhận thấy mình
chưa xứng đáng với cái tên đặt ấy, cô mong khán giả hãy thông cảm đừng gọi cô
như thế e sẽ ảnh hưởng không tốt đến tên tuổi của cô. Vốn lớn lên từ một ngôi
chùa Phật Giáo, theo lời răn dậy của hiền mẫu, và sau này tham gia vào công tác
từ thiện tại nhiều ngôi chùa ở trong nước cũng như tại hải ngoại cho nên cô nói
năng theo chánh niệm, hành xử theo chánh Pháp, hạnh phúc trong cái hạnh phúc của
tha nhân. Được hỏi làm thế nào để cô có thể duy trì tình giao hảo thân thiện giữa
người chủ là cô và nhân viên phục vụ trong nhà hàng Buddha Chay? Cô chia sẻ:
“Trước tiên, tôi hoàn toàn tin tưởng vào nhân viên làm việc trong nhà hàng. Tôi
muốn mọi người đều được đối xử đồng đều như nhau, do đó tôi xem họ như người
nhà, xem như anh em của tôi để giữa chúng tôi không có sự phân biệt chủ và người
làm. Tôi mong họ sau này sẽ trở thành ông chủ bà chủ như tôi khi họ học hỏi được
kinh nghiệm kinh doanh để có một cuộc sống tự lập, một cuộc sống thảnh thơi hơn
là đi làm công.” Đó là tất cả chân tình mà Phi Nhung đã chia sẻ với quí thầy
cùng hàng nghìn sinh viên đến tham dự Khóa Tu Tuổi Trẻ Hướng Phật tại chùa Giác
Ngộ, Saigon, ngày 4 tháng 3 năm 2018.
Thực tình mà nói, trước kia tôi thích tiếng
hát của ca sĩ Phi Nhung cũng như bao nhiêu ca sĩ tân cổ nhạc khác, nghe để mà
nghe, nghe để giải trí. Nhưng từ ngày cô nằm xuống tôi mới tìm nghe lại những
Album ca nhạc của cô nên cảm nhận được một chân tài đáng trân quí từ giọng hát
thiên phú sâu lắng của cô qua những loại nhạc vàng trữ tình và giai điệu
Bolero. Phi Nhung quá tuyệt vời trong những loại nhạc dân ca Nam Bộ cũng như vọng cổ, hay cải
lương. Khi nghe cô hát với tất cả sự chú tâm của mình, tôi càng mến mộ cô nhiều
hơn, nghe mà thấy lòng nhức nhối, xót thương, tiếc cho một ngôi sao chói sáng
trên vòm trời âm nhạc bỗng nhiên vụt biến mất, Như Một Đóa Hồng Nhung sớm rụi
tàn. Cô có nhiều cuốn Album đặc sắc, nhiều lắm không kể xiết, nhưng tôi ưa cuốn
“Phi Nhung, Tiếng Ca Để Đời”, trong đó hầu hết là thể loại dân ca, bài nào cô
cũng diễn đạt tuyệt đỉnh với lối luyến láy tự nhiên, càng nghe càng thấy thích
thú: “Trái Mồng Tơi”, “Yêu Dấu Hà Tiên”, “Năm Mười Bẩy Tuổi”, “Bông Bưởi Hoa
Cau”, v.v… Hình như những bài hát cô chọn lựa đều như có liên hệ đến tình cảnh
của cô, cho nên cô đã dồn hết tâm hồn vào bài hát khiến người nghe cảm nhận như
có chính mình ở trong đó.
Nói đến Phi Nhung thì không thể không nhắc
đến ca sĩ Mạnh Quỳnh vì giữa hai ca sĩ này có một sự trùng hợp hết sức kỳ
thú.Thứ nhất cả Phi Nhung lẫn Mạnh Quỳnh đều là những người con mang hai giòng
máu, bố là người Mỹ, mẹ là người Việt, mồ côi từ thuở nhỏ, và
lớn lên trong cảnh nghèo khó như nhau. Họ
diễn xuất rất tâm đắc với nhau qua lời ca và cách trình diễn thắm thiết trong
những bản Tân Cổ Giao Duyên đến nỗi có nhiều khán thính giả nghĩ họ là cặp đôi ở
ngoài đời. Nhiều lần Phi Nhung đã phân
bua rằng cô và Mạnh Quỳnh chỉ là cặp tình nhân trên sân khấu. Vì khi diễn xuất,
cô muốn khán thính giả sẽ có cảm nghĩ màn diễn như là thật . Ý cô là phải nhập
vào vai diễn của mình cũng như đem hết khả năng của một người nghệ sĩ để cống
hiến khán giả một cách trọn vẹn. Phi Nhung thường gọi Mạnh Quỳnh là người chồng
không bao giờ cưới trong những buổi phỏng vấn livestream của hai người. Nhưng
khi bước ra khỏi sân khấu họ đều coi nhau như bạn. Để chứng mình cho sự ngay thẳng
của cả hai, Phi Nhung thường nói chính cô là bà mối đã giới thiệu bạn gái của
cô cho Mạnh Quỳnh. Hiện nay Mạnh Quỳnh đang
có cuộc sống hạnh phúc trong một mái ấm gia đình bên người vợ hiền lành,
đảm đang và hai quí tử Nhân, Tâm tại Washington State. Màn Tân Cổ Giao Duyên ăn
khách nhất của hai người là “Căn Nhà Mầu Tím” và họ được nổi danh cũng chính do
bài hát này. Hai người như đôi chim Sơn Ca thánh thót trên bầu trời âm nhạc bay
bổng từ hải ngoại về đến quê nhà. Những vở tuồng cải lương mà PN và MQ diễn xuất
chung với nhau hay nhất phải nói đến “Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài”, “Truyện Tình
Lan Và Điệp”, “Về Quê Em”, “Hải Âu Phi Xứ” và “Bến Đợi”, v.v... Khi đề cập đến
các pha diễn của hai danh ca này, người viết không đủ thời gian và giấy mực để
ghi chép lại được hết như mong muốn vì chính họ đã được khán giả hâm mộ và thần
tượng như Ông Hoàng, Bà Hoàng Tân, Cổ.
Câu chuyện Phi Nhung qua đời vì COVID-19
biến thể quả là một hiện tượng đau buồn đối với giới hâm mộ tiếng hát cũng như
sự hy sinh và lòng can đảm của một ca sĩ danh tiếng như cô, đã không quản gian
nan nguy hiểm, đem cả mạng sống của chính mình để đánh đổi cho công việc từ thiện
cao quí. Sở dĩ tôi gọi là một hiện tượng vì Phi Nhung hiện đang là một thần tượng
của khán giả qua tinh thần tương trợ cao cả bất vụ lợi của cô trong lúc bệnh dịch
đang lây lan quá mức tại Việt Nam. Cơn dịch tàn khốc này đã cướp đi không biết
bao nhiêu mạng sống trên toàn cầu. Một số ca sĩ Việt Nam tên tuổi ở hải ngoại
cũng như ở trong nước đã chịu chung cố phận như Phi Nhung, nhưng chưa có một
người nào được nhắc nhở và được thương tiếc nhiều như cô.
Ngay khi Phi Nhung nằm xuống, một số ngôi
chùa Phật Giáo tại Việt Nam đã cử hành những buổi lễ cầu siêu thật long trọng
cho cô. Tên cô đã được nhắc nhở và ca tụng trước đồng bào Phật Tử và những người
ái mộ. Để thấu hiểu thêm về con người thật
của Phi Nhung đã chinh phục hàng triệu
con tim không phải là chuyện không tưởng mà nó đã trở thành môt sự thực hiển
nhiên không thể phủ nhận. Cũng như thế, một vài nhà Thờ Thiên Chúa Giáo đã cho
đăng trên Youtube những lời ca ngợi về đức hạnh cao cả của cô. Trong một bài
giao giảng tại Thánh Đường …, LM Vinh Sơn Đỗ Minh Thăng đã nói về sự sống đẹp
và chết đẹp, sống tốt và chết tốt của CS Phi Nhung. Đúng là những lời khen dễ thương cho những
người dễ thương ...
Thực sự là thế, từ ngày nữ ca sĩ Phi
Nhung từ bỏ khán giả và cuộc sống buồn nhiều hơn vui của cô để đi về Cõi Vĩnh Hằng,
trên trang mạng đã có không biết bao nhiêu thông tin về cô, đã có không biết
bao nhiêu clips đăng tải những hình ảnh và lời ca của cô với những lời thương
yêu nồng nàn thống thiết cũng như đã có
không biết bao nhiêu giọt lệ tràn dâng khóe mắt tiếc thương một con người với
đúng cái nghĩa của nó. Một cụ bà ước chừng tuổi ngòai 70, sướt mướt khóc thương
Phi Nhung: “Thương con nhỏ quá, nó đẹp, nó hát hay, nó giầu lòng bác ái, giúp đỡ
bao nhiêu người khốn khó, nuôi con người ta làm con mình, công đức của nó nhiều
như thế mà tại sao ông Trời lại cay nghiệt bắt tội nó chết oan uổng như thế. Trời
ơi, nếu đổi được tuổi thọ của tôi để nó sống lại, tôi sẵn sàng đổi liền.” Câu nói của bà lão đã làm xôn xao trên mạng
và hình ảnh của Phi Nhung dường như đã tràn ngập trên Youtube khắp bốn bể năm
châu nơi nào có người Việt nơi đó có người ca tụng đến tài đức của cô.
Lòng nhân ái của ca sĩ Phi Nhung đã tỏa
sáng trên bầu trời âm nhạc ở hải ngoại cũng như ở Viêt Nam từ lúc cô còn sống
cũng như lúc cô qua đời. Những ai đã từng theo dõi sự việc này đều nhận thấy rằng
Phi Nhung đã thực xứng đáng được mọi người ngưỡng mộ và thương mến. Do đó, tang
lễ của Phi Nhung đã được cô Tô Ngọc Thủy, GĐ trung tâm TN đứng ra tổ chức thực
chu đáo, và trang nghiêm không khác gì như một buổi đại nhạc hội tại khuôn viên
chùa Huệ Quang, California. Những vòng hoa phúng điếu, đủ hình đủ sắc, cùng 30
tấm hình bán thân thật đẹp của PN đã được phóng đại và trang hoàng trong căn lều
dựng bên hông chùa. Hũ tro cốt có in hình PN mà vợ chồng nghệ sĩ Hương Việt/Hoài
Phương đem từ Việt Nam về Mỹ ba ngày trước
đây được cô con gái Wendy của Phi Nhung trịnh trọng đặt trên bàn thờ trước ảnh
Phật Di Đà, khói nhang nghi ngút. Người đến thăm viếng phân ưu đứng xếp hàng nối
đuôi nhau đợi đến lượt mình, để được thắp cho cô một nén nhang mến mộ chân
tình, được thì thầm to nhỏ với cô cũng như được san sẻ nỗi niềm cùng Wendy, người
con gái duy nhất của PN. Buổi tang lễ đã được tổ chức rất qui mô và tôn nghiêm
theo truyền thống Phật Giáo Trung Bộ, dưới sự chứng minh của các Đại Lão Hòa
Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni tại chùa Huệ Quang trên đường Westminster,
Santa Ana, California vào ngày thứ Ba, 12 tháng 10 năm 2021. Người tham dự rất
là đông, ngồi chật kín trong chánh điện ra tới ngoài cổng chùa. Chúng tôi có cảm
tưởng tang lễ của ca sĩ Phi Nhung còn lớn hơn cả đám tang của nhiều thân hào
nhân sĩ trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Ngay dù đám tang của các vị trưởng
lão Hòa Thường như thầy Quảng Thanh trụ trì chùa Bảo Quang cũng không thể so
sánh bằng. Đúng là “Trâu chết để da, người
chết để tiếng”. Trong phần văn nghệ “Đưa
Tiễn Phi Nhung” đã có khá nhiều ca sĩ đến phân ưu và hát tặng Phi Nhung lần cuối.
Nhưng cảm động nhất là giây phút Nguyễn Hồng Nhung, Mạnh Quỳnh và Minh Tuyết
nói lời chia tay với đồng nghiệp của họ.Từ những hàng ghế phía dưới người ta thấy
nhiều bà nhiều cô đưa khăn giấy lên chậm nước mắt. Tôi đã dành khá nhiều thì giờ
để theo dõi toàn bộ Video clip thâu hình của buổi tang lễ. Lâu lắm rồi tôi cứ
ngỡ ở vào cỡ tuổi thọ như tôi thì làm gì còn nước mắt, nhưng khi xem đến đoạn –
NHN, MQ, MT và vợ chồng Hương Việt-Hoài Phương khóc sướt mướt khi nói lời chia
tay với PN làm tôi không sao cầm lòng, vậy là nước mắt cứ thế rơi rơi trên bàn
computer. Tôi đã khóc, khóc thực sự.
Mặc dầu chương trình tang lễ kéo dài suốt
một ngày, nhưng vào lúc 8 giờ tối, người tham dự vẫn còn ở lại rất đông để thắp
nến cầu nguyện cho hương linh của ca sĩ Phi Nhung sớm cao thăng Phật Quốc. Cuối
cùng mọi người đặt một nụ hồng thương tiếc lên trên chiếc xe Limousine mầu đen
sầu thảm chở tro cốt của Phi Nhung đưa về Tịnh Thất Giác An trên đường Garden
Grove, Santa Ana, CA. Lúc sinh thời Phi Nhung thường nói cô bị thất học nên cô
ước muốn có cơ hội giúp các trẻ em nghèo khó được ăn học đến nơi đến chốn, vậy
nên Wendy đã thay mặt mẹ để tiếp giữ lời hứa này là sẽ nhờ Tịnh Thất Giác An tạo
dựng một lớp học Việt Ngữ mang tên “PHI NHUNG” trên khuôn viên Tịnh Thất. Cũng
như thế, theo lời trăn trối của PN, tất cả tiền phúng điếu và tiền bán 30 tấm
hình của PN sẽ được Wendy dùng vào việc thành lập một lớp học Việt Ngữ tại Hoa
Kỳ và giúp những người dân gặp hoạn nạn vì Covid ở VN.
Đã hơn một tháng qua đi kể từ khi Phi
Nhung ra đi, tôi chưa thể quên được hình ảnh người con gái có vóc dáng mảnh
mai, nụ cười hiền hòa cởi mở, giọng ca truyền cảm từng chinh phục hàng triệu trịêu
trái tim như vẫn còn quanh quẩn ẩn hiện trên màn computer của tôi mỗi buổi sáng
khi tôi mở Youtube lên. Rồi nỗi buồn từ đâu lại đến. Tôi cảm thấy thực buồn như
chưa từng buồn. Điều gì đã thuyết phục và lay động tôi đến thế? Vâng, chính lòng bác ái và vị tha của Cô đã để
lại trong tôi một hình ảnh thật đẹp!
Phi Nhung ơi! Tịnh Bình ơi!
“Bao nhiêu năm rồi, còn mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt!” (TCS)
Cô hãy bình an trong cõi Tịnh nhé! Cuộc đời dâu bể này không còn là chỗ để Cô dấn
thân. Cô là một nghệ sĩ với tấm lòng
Bồ Tát. Cô xứng đáng được vinh danh như vậy.
NAM MÔ TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A
DI ĐÀ PHẬT – Tác đại chứng min
Ỷ Nguyên
Maryland- October 2021
Phi Nhung khong chet vi Covid.
ReplyDelete