1. Thi thoảng nhìn tấm khăn len trên vai người con gái Việt ở miền Nga giá buốt, nghe một điệu hát quê hương bên ánh lửa xứ Lào, lòng tôi rức lên một cảm xúc hỗn mang.
Tôi vui vì đồng bào
tôi tìm được một nơi cho họ một cuộc sống khác. Tôi cũng buồn, trong mắt của
những người viễn xứ luôn có điều gì đó buồn bã, tiếc nuối.
Bạn tôi ở Úc, lấy vợ
Việt. Vợ 17 tuổi làm lễ rồi đợi đủ tuổi làm đăng ký. Đợi thêm vài năm để vượt
qua các cuộc sát hạch của xứ bạn. Họ kiểm tra cả những tấm hình trước kết hôn
để chắc rằng họ không đính hôn giả.
Anh tôi sang Úc tìm đường cho các con mai này. Anh làm công việc cắt thịt, làm cả hai ca, là
một điều cấm. Ngày làm đêm ngủ, bàn tay bấy máu. Anh live stream về cho chị,
hai người tươm nước mắt…
Những người quen tôi
những tháng đi về để giữ điều kiện nhập tịch. Họ bảo cô đơn và lạnh lẽo, buồn
lắm nhưng vì con.
2. Úc, Mỹ Canada… với
những chính sách nhập cư hà khắc, không còn là “thiên đường” của người Việt. Nó
chỉ còn rộng cửa với người giàu. Mỗi năm tầm 9 tỷ đô ra nước ngoài, theo các
chuyên gia. Và trong số những
người giàu đó, chắc rằng không ít quan chức.
Thiên đường thứ hai
của người Việt hiện tại hầu hết là Đông Âu, để lưu lại được vào Nhật, Hàn cực
khó. Mẹ bạn tôi ở Nga bao nhiêu năm, đến khi xế bóng muốn về quê nhưng hai bàn
tay trắng. May mắn sao bạn tôi có chút công danh như ý, đón mẹ về.
Nước Lào đang là lựa
chọn mới nổi. Người miền Trung sang
bên đó làm gỗ, làm ve chai. Mấy lúc nhàn rỗi lại về. Họ dắt díu nhau đi tìm đất sống. Nước
Lào hiền dịu cưu mang rất nhiều người con quê tôi.
Ly hương là lựa chọn nghiệt ngã. Càng nghiệt ngã hơn cho những con người “sống chui” nơi đất khách. Nép mình trong phòng sợ hãi. Chờ siêu thị hết giờ để lấy thịt hết hạn, ăn nội tạng mà người ta không ăn…
3. Tôi không cổ suý
đồng bào tôi ra đi. Nhưng tôi lấy gì để níu họ ở lại? Tôi nhìn vào thực tế đắng
cay: Ai cũng muốn ra đi. Tài năng chất xám ra đi, người giàu có ra đi, tôi chưa
bao giờ trách họ.
Tôi trách quốc gia. Một quốc gia để công dân của mình không có đất sống, phải ngậm
đắng ra đi lựa chọn cuối cùng. Quốc gia mà đến y tế và giáo dục người ta cũng
tìm đường tị nạn. Đến cả việc dồn dân
đô thị cũng không còn đất cho người nữa rồi.
Tôi trách quan chức. Họ cũng là
những kẻ ra đi. Nhưng là đi trong nhung gấm. Tài sản ở nước ngoài, con
cái ở nước ngoài. Tiền đó ở đâu? Chắc chắn là góp lại từ những mảnh đời
của nhân dân tôi lam lũ.
Nhân dân đánh bạc với
cuộc đời cũng chỉ để mong chắt mót một chút của cải từ viễn xứ mang về quê
hương, cho mình và cho người xung quanh mình. Họ có thể sai nhưng có gì đáng
tội?
So với quan chức vơ
vét quê hương để mang đi vương giả đầm ấm ở thiên đường, ai mới là tội phạm?
Quốc gia rừng vàng
biển bạc đã không nuôi nổi những công dân lương thiện. Để họ phải vượt sóng xé
trời tìm nơi khác. Quốc gia ấy lấy tư cách gì đòi hỏi nhân dân giữ gìn quốc thể?
Quan chức ăn là mặc
lượt đu bám những chuyến xuất ngoại. Quan chức mang cả vợ
con bằng tiền của nhân dân đi du lịch shopping có nghĩ đến quốc thể hay không?
Đừng nói về quốc thể. “Khi quốc thể của các người
là miếng bít tết vào mỗi buổi sáng, còn quốc thể của nhân dân là tô cơm hẩm cuối
chiều!”
Nguyễn Tiến Tường
Một bài viết ngắn nói lên thực trạng của thiên đàng xhcn VC.
ReplyDelete