Tuesday, April 15, 2025

Cái Bẫy Chó - Nguyễn Văn Tới

Hình minh họa được vẽ bởi AI


Năm mươi năm nhìn lại, sau ngày 30 tháng 04, 1975, cái dấu mốc lịch sử đau thương của đất nước Việt Nam, nói chung; và người dân miền Nam nói riêng. Sự thật lịch sử về ngày này đã được phơi bày rõ ràng trên mọi phương tiện truyền thông, tin tức, và trong thế giới sử. Ai cũng đã rõ, phe thắng trận, sai, phe thua trận, đúng. Điều này không cần bàn cãi nữa; cho dù kẻ chiến thắng cố tình viết lại lịch sử Việt Nam theo ý mình khi sức mạnh của họ nằm trên nòng súng. Phe thua cuộc lại là phe thắng được nhân tâm. Lịch sử cũng đã chứng minh rõ ràng chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ ngay tại cái nôi cách mạng tháng 10 tại quê hương sản sinh ra nó, nước Nga Sô-Viết. Dù hôm nay nước Ngay đã từ bỏ chủ nghĩa quái thai này, nhưng cội rễ nó đã ăn sâu vào căn tính dân tộc nên dân Nga vẫn còn ê chề và bị cả thế giới phỉ nhổ với việc xâm lăng Ukraine.


Nhà giảng thuyết người Mỹ gốc Đức William J.H. Boetcker (1) (1873-1962) có viết trong bài The Ten Cannots, 10 Điều Không Thể, rất nổi tiếng của ông, có 2 câu vẫn còn rất đúng cho đến ngày nay: You cannot help the poor by destroying the rich. Bạn không thể giúp người nghèo bằng cách tiêu diệt người giàu. You cannot help men permanently by doing for them what they can and should do for themselves. Bạn không thể mãi mãi giúp người khác điều mà chính họ có thể và phải làm cho chính bản thân họ.

Người cộng sản với khẩu hiệu “cướp của người giàu đem cho người nghèo” là hoàn toàn sai. Cùng đồng nghĩa với câu “cướp chính quyền về tay nhân dân” cũng hoàn toàn trái với nhân sinh quan của loài người trong một xã hội văn minh. Họ chỉ biết tiêu diệt, giết chóc, tàn phá để đạt được mục đích, cho dù họ biết là sai; và khi phá hoại xong, họ lại không biết phải xây dựng lại như thế nào. Đây là sự bất hạnh lớn nhất của dân tộc, đưa cả nước trở về thời Đồ Đá, thua kém các dân tộc khác trong vùng.

Nếu ai hỏi tôi nghĩ gì về chủ nghĩa Cộng sản tại Việt Nam. Tôi sẽ không ngần ngại trả lời chỉ bằng 1 chữ: ĐÓI. Vâng, ngoài sự bất hạnh của cả nước, cái nghèo-đói lan rộng trên đất nước từ Nam ra Bắc, nạn đói kinh hoàng mà người cộng sản mang lại cho người dân Việt Nam. Người dân ai cũng đói đến vàng mắt. Những mái nhà xiêu vẹo dọc theo con đường đất tung bụi mù nơi miền thôn dã; những con hẻm vắng lặng ở thành phố, nơi người già và trẻ con gầy gò ngồi thẫn thờ. Trộm cắp xảy ra khắp nơi. Ý thức không cao hơn cái bao tử.

Người cộng sản vốn ngu dốt, cộng thêm chính sách của họ là điên cuồng, đập đổ tất cả những điều tốt đẹp để xây dựng lại từ đầu, dù họ biết là sai; họ phải tiêu diệt và phá hủy tất cả những gì của chế độ trước để rồi không biết phải xây dựng cái gì. Cái đói khát không chỉ hiện diện trên từng khuôn mặt hốc hác, mà còn in sâu vào từng bước chân nặng nề của những người cha, người mẹ trên con đường kiếm sống, vất vả, lam lũ nuôi đàn con. Cái nghèo đói còn để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong ký ức mọi người, cho đến nhiều năm sau này.


Một ngôi làng nghèo nàn ở ven đô Sài Gòn, 3 năm sau ngày “giải phóng”, vợ chồng ông bà Gia và 3 đứa con, 2 trai một gái, sống trong một mái nhà tranh vách đất giống như hầu hết mọi người ở quê thời bấy giờ. Gia đình ông bà từ thành phố đi “kinh tế mới” về vùng này đã 2 năm nay, nhìn họ không có vẻ lam lũ và đen đúa như những người dân quê khác, nhưng họ vẫn đói, vẫn phải ăn để sống. Ông bà đã bán sạch sẽ những gì họ có thể bán để sống sót trong thời buổi ngăn sông cấm chợ này.

Cả tháng nay họ phải ăn khoai củ thay cơm, gạo chỉ còn vài lon sữa bò, phải để dành nấu cháo cầm hơi. Hôm nay, trời oi bức, thỉnh thoảng một cơn gió thổi tung bụi đất trước sân, tiếng ve kêu inh ỏi, chói tai trong bóng cây hàng rào trước cổng nhà, muốn ngủ cho quên đói cũng không xong. Cái nóng như đồng lõa với cái đói, khiến mọi người không muốn bước ra khỏi nhà. Thằng Đạo, con trai lớn của ông Gia, đang nằm trên cái chõng tre, ngó trân trân lên trần nhà; ông Gia đang nằm đong đưa trên cái võng đan bằng cỏ Lác, ngó mông lung ra ngoài đường. Cả hai như đang chăm chú nhìn mà không thấy gì.

Một con chó vàng gầy gò, chỉ còn da bọc xương, hai hàng vú của nó xẹp lép, không còn chút sữa nào cho đàn con đang đói khát, bộ lông xơ xác bám bụi, đang đi vào cổng nhà ông. Tới trước hiên nhà, nó ngừng lại, đánh hơi mong tìm kiếm một chút thức ăn thừa. Cặp mắt ông Gia chợt sáng lên vui mừng. Ông nhẹ nhàng ngồi dậy, khẽ kêu con trai:

-        Mày vào trong bếp, lấy cho tao củ khoai mì và sợi dây thừng.

Thằng Đạo nhìn ba nó, đôi mắt ông đang chăm chăm nhìn con chó vàng ngoài hiên, nó hiểu ngay sự việc. Nhanh như cắt, nó cũng nhẹ nhàng đi vào bên trong và trở ra với một sợi dây nylon và một mẩu khoai mì trên tay. Nó bẻ một miếng nhỏ khoai mì, ném về phía con chó, vừa kêu:

-        Kiki, tới đây, tao cho mày ăn.

Con chó vẫn đứng im, đôi tai vễnh lên, mắt nhìn hai cha con với vẻ đề phòng, không tỏ ra thèm muốn. Hai cha con ông Gia vừa dụ dỗ vừa đưa miếng khoai mì còn sót lại gần con vật hơn. Nó lùi lại một bước, mắt vẫn nhìn miếng khoai vẻ thèm thuồng. Ông Gia ném thêm một mẩu khoai nữa, rồi hai cha con dừng lại, im lặng quan sát. Một hồi lâu, không cưỡng lại cơn đói, con chó tiến nhanh đến, đớp miếng khoai và chạy ra xa, dừng lại và nhai ngấu nghiến. Ăn xong, nó trở lại gặm miếng khoai còn lại và lại chạy ra xa để thưởng thức tiếp. Ăn xong hai miếng khoai mì, con chó vẫn còn thòm thèm, nhìn hai cha con ông Gia như muốn xin thêm.

Ông Gia ghé tai đứa con trai thì thầm thật nhanh rồi ông đích thân bước vào trong bếp. Lát sau ông đem ra một cái nồi nhôm cũ, trong đó có ít cháo lỏng dưới đáy nồi. Ông thắt một cái nút thòng lọng và quấn sợi dây nylon quanh cột nhà trong khi Đạo vẫn cố nhử con chó vàng vào trong nhà. Quen mùi, không cưỡng lại sự thèm muốn, con chó từ từ theo vô, bạo dạn hơn vì nó cảm thấy hai người này không có vẻ gì muốn hại nó. Ông Gia đặt cái nút thòng lọng xuống nền nhà, ông nắm chặt đầu dây kia và vòng nó qua cái đinh lớn đóng vào cột nhà để giăng võng.

Hai cha con kiên nhẫn, từng chút một, từng chút một, họ ném hết củ khoai mì, ông Gia đưa nồi cháo đến gần mũi con chó. Nó đánh hơi mạnh hơn và bạo dạn đến gần đưa mũi ngửi. Ông Gia chậm rãi kéo cái nồi để gần cột nhà và nhẹ nhàng đặt nút giây thòng lọng lên miệng nồi. Hai cha con ngồi xa ra một chút, nín thở theo dõi từng cử động của con chó trong khi tay kia ông vẫn nắm chặt một đầu dây. Con chó không cưỡng lại được mùi thơm, từ từ đến gần nút dây. Nó nhìn hai cha con ông Gia một lần nữa để chắc rằng họ không làm gì nó.

Con chó lè lưỡi liếm nhanh vào đáy nồi cháo và lùi lại một bước, tiếp tục dò xét cha con ông chủ nhà. Không thấy gì khả nghi, con chó lần này bạo dạn, tiến lại gần, xục mạnh vào nồi cháo và ăn thật nhanh. Ông Gia giật mạnh, sợi dây thắt vào cổ con chó khiến nó hoảng hốt chạy ra phía cửa. Càng chạy, sợi dây thắt càng chặt, con chó rên lên ư ử đau đớn vì bị kéo lê về phía cột nhà. Hai cha con thở hồng hộc, ra sức kéo mạnh sợi dây trượt trên cái đinh lớn, kéo cổ con chó lên cao hơn. Con chó dãy dụa càng mạnh thì sợi dây lại càng thắt chặt hơn. Con chó yếu dần, hai chân sau dãy dụa, móng chân cào mạnh trên sàn đất, cả thân mình nó run lên bần bật, miệng sùi bọt mép, nước mắt nó chảy ra, cặp mắt lồi ra ngoài như van xin.

Tiếng con chó rít lên yếu dần. Hai cha con ông Gia vẫn ghì chặt sợi dây cho đến khi con chó oằn mình lên lần cuối cùng, bốn chân nó cứng đơ, rồi mới chịu nằm im. Chờ thêm vài phút nữa, ông Gia đá vào mình con chó, biết chắc nó đã chết, họ thả lỏng sợi dây và kéo con chó ra sau bếp.


Phòng bên kia của gian nhà, sau bức liếp tre, tôi đang lên con sốt rét rừng, nằm đắp cái mền rách cũ kỹ, nhàu nát mà rét run từng cơn, tôi chứng kiến tất cả sự việc từ đầu đến cuối, qua khe hở mà không hề lên tiếng. Tôi mướn căn phòng trong nhà ông bà Gia để lấy chỗ đi về trong lúc đi phá rừng ở Bàu Cạn. Miệng đắng nghét, người hầm hập nóng, tôi với tay lấy ly nước đầu giường uống một hơi, rồi nằm xuống tiếp tục với cơn sốt còn váng vất khiến tôi không thể đứng dậy được.

Chiều tối hôm đó, sau khi khóa cổng và đóng cửa nhà cẩn thận, gia đình ông bà Gia ngồi bên mâm cơm có thịt, dưới ngọn đèn dầu leo lét, mùi thức ăn bốc lên thơm phức khiến tôi chảy nước miếng. Tôi được mời ăn bữa cỗ thịnh soạn như một trao đổi ngầm là sự im lặng đồng lõa; nhưng tôi ăn không nổi, thịt con chó dai như cao su và toàn là xương, tôi lại đang bệnh nặng nên chẳng còn biết ngon là gì.

Ông bà Gia cố ép tôi húp chén cháo cho khỏe, để mau giải cơn sốt rét rừng. Tôi cố đưa chén lên miệng, húp một miếng nhỏ mà cổ họng đắng nghét. Tôi cám ơn và xin phép trở lại cái chõng tre của mình. Hình ảnh con chó dãy dũa đau đớn hồi trưa vẫn còn ám ảnh, khiến tôi không thể nuốt nổi miếng nào dù rằng đã lâu tôi không có miếng thịt nào trong một thời gian rất dài.


Sáng hôm sau, nhà hàng xóm kế bên, bà Huấn đứng bên kia bờ rào, chửi đổng qua bên đây:

-        Giời ơi là giời! Tiên sư chúng mày ăn cắp chó nhà bà, con chó đang nuôi con nó mà chúng mày nỡ lòng nào đi giết nó. Giời ơi là giời!

Bà tốc cả áo sống lên, thậm chí đưa cả “một bộ phận không nhỏ của nguời dân” ra mà chửi, mệt vô nghỉ, rồi ra chửi tiếp. Tôi nằm đắp mền, bịt tai lại, vẫn nghe rõ mồn một. Bên này, ông Gia hối thúc gia đình phi tang các chứng tích, đem dấu tất cả đồ ăn còn lại, chôn sâu tất cả lông và xương chó dưới bụi chuối già, đồng thời ông cho mở radio hết cỡ bài “Tiếng chày trên sóc Bombo” theo kiểu “Tiếng hát át tiếng bom” một thời được nhai đi nhai lại, điếc cả tai, ở cái loa đầu xóm.

Ngày 13 tháng 02, 2025, ông tổng bí thư, người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam, tại phiên họp bất thường của quốc hội lần thứ 9, khi so sánh Singapore với miền Nam Việt Nam thời kỳ trước 1975, đã phát biểu như sau: “Nhìn sang Singapore, xưa họ nói được sang Việt Nam chữa bệnh là điều mơ ước, 50 năm nhìn lại, giờ mình lại mơ được sang SP để khám bệnh”.

Có vậy mới biết ngày xưa VNCH đã phát triển vượt bậc so với miền Bắc Việt Nam và là nơi mơ ước của các nước trong vùng Đông Nam Á. Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh tụ tinh thần của Phật Giáo Tây Tạng, sau nhiều năm lưu vong, đã đúc kết về chủ nghĩa cộng sản như sau: "Cộng sản là loài cỏ dại, mọc lan trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc sinh ra từ rác rưởi của cuộc đời. Cộng sản sinh ra từ đói nghèo và ngu dốt, lớn lên bằng dối trá và bạo lực và sẽ chết đi trong sự khinh bỉ và nguyền rủa của nhân loại."


Ngày nay, thực tế lịch sử cho thấy những thất bại nặng nề của chủ nghĩa cộng sản để lại cho loài người. Một xã hội mà các Ác hiện hữu lên ngôi, dương dương tự đắc trong khi cái Thiện phải trốn trong một góc tối, thì xã hội đé sẽ không bền vững được. Mong một ngày không xa, Việt Nam sẽ từ bỏ cái chế độ duy trì quyền lực bằng bạo lực, không còn kiểm soát thông tin và quyền tự do trong nước, để dân Việt có thể sánh vai với các nước Đông Nam Á, mà không còn phải qua các nước láng giềng đi làm thuê.

 

NGUYỄN VĂN TỚI. 

Tháng 04/2025. 50 năm nhìn lại.

PREFERENCES:

1. William J. H. Boetcker Quotes

https://www.brainyquote.com › authors › william-j-h-b...

2 comments:

  1. Tôi thấy họ đã nhận ra sai lầm từ lâu nhưng không ai giám làm cuộc cách mạng tư tưởng. Gần đây tôi thấy họ sáp nhập các tỉnh sa thải nhiều quan chức, và sẻ thay đổi CHXHCH VIỆT NAM thành
    VIỆT NAM DÂN CHỨ CỘNG HOÀ.
    Như vậy họ đã thấy XHCN là hoang đường, là quái thai, và đây là dấu hiệu họ muốn cải cách, nhân loại sẽ không còn CS trong tương lai.
    HY VỌNG THẾ HỆ CON CHÁU MÌNH SẺ LÀM CUỘC CÁCH MẠNG

    ReplyDelete
  2. Cám ơn tác giả đã viết tả lại thảm cảnh thê thảm "Đói" tại VN sau năm 1975. Một con chó vàng ốm đói (như nhìn thấy trong hình) cũng bị mắc bẩy và làm bữa ăn chiều cho cả một gia đình hàng xóm . CD

    ReplyDelete