Tốt nghiệp xong ra trường, cầm mảnh bằng bác sĩ trong tay tôi tất tả đi xin việc ở các bệnh viện công cũng như tư trong thành phố. Và vận may đã không đến với tôi bằng những cái lắc đầu đầy thông cảm. Chán nản, tôi đáp chuyến tàu khuya hôm ấy về quê, một thị trấn nhỏ nằm trên dãi đất miền trung gió cát mịt mù.
Không nói cũng có thể hình dung ra nỗi mừng vui xen lẫn tự hào mà ba má tôi có
được. Ba an ủi tôi:
- Thôi, con đừng buồn, về quê làm việc cũng tốt chán. Bệnh viện khu vực ở thị
trấn mình vẫn còn thiếu nhiều bác sĩ lắm đó con à. Đây xuống đó chưa tới mười
cây số, con lấy chiếc Honda của ba mà đi làm, ba chỉ quanh quẩn tỉa tót mấy chậu
cây cảnh này có mấy khi đi đâu.
Tôi đáp:
- Con cũng đâu dám chê kén gì. Con chỉ mong làm việc ở những bệnh viện lớn để
có cơ hội học hỏi thêm, nâng cao tay nghề và dễ dàng tiếp cận với những công
nghệ mới của y học.
Thật ra tôi chỉ nói đúng năm mươi phần trăm sự thật. Còn năm mươi phần trăm kia
thuộc về cô người yêu xinh đẹp và bé bỏng của tôi đang còn hai năm cuối trên giảng
đường… Và có lẽ nếu bắt cô ấy phải lựa chọn giữa cái thằng tôi đẹp trai này cộng
với cái thị trấn nhỏ đìu hiu thì… chắc chắn sẽ có một gã xấu trai nào đó ở
thành phố “trúng mánh”. Thôi thì đành phó thác cho duyên số!
Buổi làm việc đầu tiên của tôi tại bệnh viện thị trấn diễn ra khá đơn giản. Sau
phần giới thiệu và ra mắt với cơ quan tôi mau chóng đi ngay vào phần việc của
mình: làm thủ tục cho một sản phụ xuất viện và thăm khám cho hai sản phụ khác (ở
trên tôi quên giới thiệu tôi là bác sĩ chuyên khoa sản).
“Thân chủ” đầu tiên và cũng là duy nhất của tôi trong ngày là một cặp vợ chồng
mà mới nhìn tôi đã không dấu được ngạc nhiên vì vẻ ngoài khá “khập khiểng” của
họ. Trong khi người vợ mà sự mệt mỏi và nặng nhọc của cái bào thai sắp đến ngày
sinh nở không làm mất đi vẻ duyên dáng trẻ trung thì anh chồng lại có cái diện
mạo thô ráp khá tương phản, với một nửa khuôn mặt lốm đốm vết chàm xanh, hậu quả
của một thời đạn bom nào đó. Thăm khám cẩn thận xong, tôi nói với hai người:
- Ổn cả rồi, anh chị có thể yên tâm. Thai thuận, tim thai đập tốt. Chỉ tiếc bệnh
viện chưa có máy siêu âm để biết là trai hay gái.
Quay sang người chồng tôi nói tiếp:
- Anh có thể đưa chị về. Cố giữ gìn, sắp đến ngày rồi đó. Khi nào có triệu chứng
chuyển dạ nhớ đến bệnh viện ngay.
Hai vợ chồng nhìn nhau, mắt ánh lên những tia hạnh phúc. Tôi cũng cảm thấy vui
lây với niềm vui của họ mà tôi đọc được trong ánh mắt. Tuy nhiên tự sâu thẳm
tâm hồn tôi hình như có một chút cái gì đó như là sự ghen tỵ đối với cái gã
“Trương Chi thời đại” này. Bất chợt trong đầu tôi nhảy ra hai câu ca dao mà đem
áp dụng vào đây kể ra hơi thô tục: “Tiếc thay cây quế giữa rừng/ Để cho thằng
mán thằng mường nó leo”.
Buổi tối, trong bữa cơm gia đình mà má tôi cố gắng sửa soạn đàng hoàng cho thằng
con út ngày đầu tiên chính thức hành nghề bác sĩ, tôi sôi nỗi kể chuyện diễn ra
trong ngày. Nghe kể đến chuyện anh chồng già xấu xí có cô vợ đẹp má tôi à lên một
tiếng:
- Vợ chồng thằng Đoan con Bích đó mà. Nhà tụi nó ở sát ngay bệnh viện chớ đâu,
của ông nội nó để lại đó, là cái nhà có trồng giàn bông vàng trước cổng, rất dễ
thấy. Con đi học xa ít về nên không biết đó thôi chớ ở cái thị trấn này ai lại
không biết tụi nó…
Ba tôi tiếp lời:
- Cái mặt thằng Đoan nhìn ghê vậy là do cái hồi đi nghĩa vụ ở Campuchia đó. Mẹ
cha nó chớ, thằng này mồ côi từ nhỏ ở với ông bà nội mà cũng chẳng được tha.
May còn sống chớ chết là coi như tuyệt tự. Nay nó đang làm chân đưa thư ở bưu cục
thị trấn đó. Còn con Bích thì nhỏ không hà. Con này đang học lớp mười hai thì
dính bầu phải nghỉ học giữa chừng. Tụi nó mới làm đám cưới sáu bảy tháng nay chớ
mấy.
Thấy tôi trố mắt ngạc nhiên má tôi cười giải thích:
- Chuyện hơi dông dài một chút. Số là con Bích quen thằng Sanh con ông Tư Trà.
Tụi nó là bạn học cùng lớp mà. Đùng một cái gia đình Tư Trà đi Mỹ diện H.O. Hứa
hẹn sao đó không biết cuối cùng thằng Sanh theo gia đình đi mất tiêu bỏ lại con
Bích với cái thai trong bụng. Chuyện đổ bể nhà con Bích đánh cho nó một trận tá
lả. Xấu hỗ quá con Bích uống thuốc sâu tự tử may mà cứu kịp. Trong thời gian nằm
ở bệnh viện gia đình nó cũng bỏ luôn. Chỉ có thằng Đoan thường xuyên ghé lại
chăm sóc và an ủi… Sau nghe thằng Đoan có ý định cưu mang con Bích gia đình nó
gả liền. Nội thằng Đoan mất rồi nên nó nhờ cơ quan, cũng rượu trà tới cho đầy đủ
thủ tục. Đám cưới tổ chức tại cơ quan luôn. Bây giờ tụi nó sống cũng tạm gọi là
yên ấm…
Tự nhiên tôi thấy lòng mình chùng xuống. Một nỗi buồn nhè nhẹ, mơ hồ. Tôi
thương những cảnh đời, cảnh người không suôn sẻ. Và… tôi bỗng nhớ người yêu tôi
quay quắt.
xxx
Cuối cùng thì mọi chuyện cũng qua đi. Năm năm trôi qua, cái thị trấn nhỏ của
tôi cũng không vui hơn mấy chút. Tôi cũng đã đỉnh đạc hơn với cái ghế phó giám
đốc bệnh viện khu vực kiêm trưởng khoa sản. Và cũng giống như điều tôi đã dự cảm
từ lâu, người yêu của tôi đã bỏ tôi mà không hề thương tiếc để lấy một gã xấu
trai vô lại ở thành phố (vì quá tức nên tôi gọi gã là vô lại chứ thật ra gã
cũng có vai vế khá đàng hoàng và không đến nỗi xấu trai). Tôi ít khi đi đâu rời
xa thị trấn trừ những lúc phải về họp ở thị xã. Tuy nhiên tôi cũng có những niềm
vui nho nhỏ. Là người thường xuyên phải chứng kiến những phút giây chào đời của
những sinh linh bé bỏng trong nỗi đau quằn quại của người mẹ nên đối với tôi cuộc
sống vô cùng quí giá. Tôi đã quen đau theo nỗi đau của từng người mẹ, vui theo
niềm vui của mỗi người cha. Và cũng có những sinh linh bé nhỏ không may, lòng
tôi buồn da diết.
Những đứa bé ra đời và lớn lên đều gọi tôi là “bác” (có lẽ hàm ý trọng thị cái
công việc bác sĩ của tôi). Cả cha mẹ chúng cũng vậy, mặc dù tuổi đời và vóc
dáng tôi không lấy gì là phương trượng ghê gớm. Và cũng vì cái thị trấn của tôi
nhỏ bé lắm nên tôi khá quen thân với những đứa bé của mình. Không, quen với ba
mẹ chúng thì đúng hơn. Từ cái lễ thôi nôi cho đến mỗi lần sinh nhật chúng, sự
có mặt của tôi luôn là niềm vui và hãnh diện của chủ nhà. Và tôi cũng lấy đó
làm niềm vui cho chính tôi.
Buổi chiều sau giờ làm việc, tôi thường đứng trên lan can bệnh viện nhìn qua
căn nhà màu xanh của anh chàng Trương Chi (cái tên tôi chỉ tự nghĩ trong lòng
mà không nói ra) để ngắm nhìn cảnh gia đình sum họp. Cô Bích giờ đây là giáo
viên trường mẫu giáo và bé Na đã biết tíu tít nói cười. Cứ đúng tầm năm giờ chiều
là hầu như người mẹ trẻ đang quét mấy cái bông vàng trong sân và bé Na chơi thơ
thẩn bên cổng ra vào. Có tiếng xe từ xa và khi anh chàng Đoan-Trương Chi vừa ngừng
lại thì con bé chạy ra ôm cứng lấy chân anh ta. Không chỉ riêng con bé, hình
như lúc nào tôi cũng đọc được vẻ rạng rỡ trên khuôn mặt của người vợ trẻ xinh đẹp
kia mỗi lúc đón chồng về nhà. Tôi chỉ băn khoăn mỗi một điều, liệu họ có thật sự
hạnh phúc hay không? Và đã không dưới một lần tôi ao ước mình là anh chàng
Trương Chi may mắn ấy…
xxx
Có lẽ sẽ chẳng còn gì để kể thêm về tôi cũng như cái thị trấn nhỏ bé này và những
con người hiền lành trong đó nếu như không có một buổi chiều kia chàng
Đoan-Trương Chi đến tìm tôi ngay tại phòng khám với bộ mặt khá căng thẳng.
- Có chuyện gì vậy anh Đoan? - Tôi hỏi khi anh vừa bước vào - Bé Na bệnh à?
- Không phải. Mẹ bé Na đi đâu mất tiêu rồi bác Hoàng ơi!
Tôi sửng sốt:
- Ủa, đi mất tiêu là làm sao? Anh ngồi xuống kể tôi nghe thử xem.
Đoan ngồi xuống rút chiếc khăn mùi xoa ra lau trán rồi chậm rãi nói:
- Số là trưa nay đi làm về tôi không thấy Bích đâu. Nhìn trên bàn thấy có tờ giấy
ghi mấy chữ: “Em có việc gấp phải đi để giải quyết. Mai em về”. Tôi có linh
tính lành ít dữ nhiều bác Hoàng ạ. Chạy ra bến xe thị trấn hỏi thăm thì biết cô
ấy đã về thị xã chuyến 9 giờ. Phóng thẳng xuống bến xe thị xã thì không biết hỏi
thăm ai, người đông đúc quá mà. Loay hoay một hồi lại phóng xe về nhà. Ngồi chờ
mà ruột gan không yên nên qua đây gặp bác…
Tôi nói:
- À, chuyện đâu còn có đó, anh cũng đừng lo lắng quá. Vậy còn bé Na đang ở đâu?
Anh có lên trường hỏi thăm chưa?
- Sáng nay mẹ vẫn đưa bé Na đến lớp bán trú ở trường như thường lệ. Hỏi thăm hiệu
trưởng thì biết cô ấy có làm đơn xin nghỉ hai ngày, lý do giải quyết chuyện
gia đình. Tôi cũng có tới nhà ngoại bé Na, chẳng ai biết gì cả.
- Có thể cô ấy có chuyện gì đó cần giải quyết mà chưa tiện nói. Anh bình tĩnh
chờ mai cô ấy về xem sao.
Chàng Đoan-Trương Chi nháy nháy đôi mắt đỏ hoe:
- Chẳng dấu gì bác Hoàng, cách đây mấy tháng Bích có nhận được liên tiếp mấy lá
thơ của thằng Sanh bên Mỹ gởi về. Cô ấy có đưa tôi xem nhưng vì tế nhị tôi chỉ
ngó qua lớt phớt rồi lờ đi. Đại ý thằng Sanh muốn nối lại tình xưa nghĩa cũ và
đòi nhận mặt bé Na.
Tôi cũng cảm thấy băn khoăn:
- Chà, chuyện tế nhị và cũng phức tạp dữ ha. Nhưng có lẽ không sao đâu anh Đoan
à. Cô Bích vẫn để bé Na ở nhà thì anh có thể yên tâm mà. Anh coi tới giờ thì đi
đón cháu về. Cứ xem như bình thường, giải thích với con bé là mẹ nó bận việc
đi đâu đó.
Đoan uể oải đứng dậy:
- Thôi tôi đi đây.
Tôi dặn theo:
- Cứ bình tĩnh nghe anh Đoan. Ngày mai tôi sẽ qua anh…
Chiều hôm sau chưa hết giờ làm việc tôi vội vả cởi áo choàng treo lên móc áo. Dặn
dò cô y tá trực vài câu tôi rời bệnh viện băng qua nhà anh Đoan. Anh đang ngồi
thẩn thờ giữa phòng khách, trước mặt là ly rượu thuốc, mắt ngóng về phía chiếc
đồng hồ treo tường. Tôi bước tới ngồi cạnh anh và không nói gì. Anh đứng dậy bước
vô nhà trong rót đem ra cho tôi một ly rượu. Tôi nói giả lã:
- Chà, trời nắng vầy mà uống rượu nóng chết nghen.
Anh Đoan cười gượng gạo:
- Một ly nhỏ thôi mà… để tôi lấy cho bác Hoàng chai nước mát.
Chàng Đoan- Trương Chi lại uể oải đứng lên đi về phía tủ lạnh. Hình như anh muốn
kiếm chuyện này chuyện nọ để bận rộn nhằm che dấu cái sốt ruột bên trong. Mặt
trời đang nghiêng dẫn về phía núi, hắt cái bóng loang lỗ xuyên qua giàn bông
vàng trước ngõ. Một lát sau có tiếng mở cổng. Tôi nhìn ra. Bích đang hối hả đi
vào. Vừa nhìn thấy chàng Đoan-Trương Chi cô kêu lên: “Anh ơi!” rồi ôm chầm lấy anh
khóc nức nở.
Lát sau khi đã bình tĩnh lại cô cho biết vừa đi Phan Thiết về. Và cũng đúng như
linh cảm của Đoan, cô nói cô vừa đi gặp Sanh:
- Sanh và gia đình mới về Việt Nam và đang nghỉ ngơi ở Mũi Né. Sanh gọi điện
cho em nói muốn tới gặp để giải quyết chuyện tình cảm trước đây. Thấy không tiện
và ngại thiên hạ đàm tiếu làm anh buồn nên em quyết định đi Mũi Né gặp Sanh một
lần để nói cho rõ. Cũng may là ông bà Tư Trà cũng là những người biết chuyện, họ
hiểu liền sau khi nghe em giải thích. Họ cũng có đưa cho em một số tiền nói là
gởi cho bé Na nhưng em dứt khoát không nhận. Em xin lỗi vì đã không nói trước với
anh làm cho anh lo lắng. Bây giờ thì yên rồi, họ đã hứa từ đây về sau sẽ không
liên lạc gì nữa… Cho em xin lỗi nghen anh Đoan.
Đoan nghẹn ngào, mắt rơm rớm. Anh bước tới ôm đầu Bích vào ngực mình:
- Anh không trách gì đâu. Anh biết là em sẽ về mà, chỉ là nóng ruột thôi…
Bóng chàng Đoan-Trương Chi bỗng trở nên to lớn và cái dáng mảnh mai của cô Bích
bỗng như cây quế bé nhỏ trong buổi chiều tà…
Lê Phú Hải
No comments:
Post a Comment