Hai cây cầu đứng hai
bên ngã ba sông. Cầu Cũ như thiếu phụ trầm tư, nhẫn nại đang nằm nghiêng âm
thầm ôn lại bao kỷ niệm vui ít buồn nhiều. Cầu Mới như thiếu nữ trẻ trung, kiêu
kỳ ưỡn ngực đón gió và nắng mai ào ạt thổi tới.
Cầu Mới gần ngã ba
sông hơn, dưới cầu nhiều ghềnh đá, xoáy dữ, sâu thăm thẳm, ấy vậy mà nhiều
người tự tử nhảy xuống lại không chết. Dưới cầu Cũ nước nông trong veo nhìn
thấy đáy, chảy êm ả, thế mà ai dại dột đâm đầu xuống đều chết cả. Dân hai bên
bờ đồn đại: Trước đây có 3 cô bé học Cấp 3 chết đuối ở đấy, đúng vào giờ thiêng
nên hồn ma ghê gớm lắm, lại chỉ mong có bạn cho đỡ buồn nên kẻ nào dại dột lao
xuống đều không bao giờ có cơ may sống sót. Vào những đêm trăng khuyết lúc gần
sáng, có người kể đã nhìn thấy 3 cô bé chạy nhảy tung tăng trên mặt sông, cầm
những con sóng ném nhau... Hôm tìm kiếm xác 3 cô bé, đội rà móc tìm thi thể làm
việc quần quật mấy ngày không thấy. Cuối cùng, lão Thi “điên” vỗ trán:
– Ngu quá là ngu. Rà
móc đáy sông có ích gì. Để tao, chỉ còn một chỗ này...
Lặn xuống chiếc cống
bên sông, 3 cô bé ôm chặt nhau nằm trong đó đã trương phềnh. Moi mãi mới đưa
được 3 cô bé ra ngoài, nhưng phải co kéo mạnh, có mấy ngón tay của cô bé áo
trắng rơi đâu mất. Đêm về, căn lều bên sông cứ rung chuyển từng hồi, chiếc
giường bị dựng đứng rồi rơi xuống, gần sáng thiếp đi, mơ thấy 3 cô bé về đứng ở
đầu giường, ánh mắt tức giận, một cô vừa khóc vừa nói:
– Bác cứu hay không
cứu chúng cháu thì cũng thế thôi. Đằng nào chả chết rồi, lôi kéo kiểu gì mà để
cháu mất mấy ngón tay. Bác phải đi tìm lại cho cháu.
Bừng tỉnh, toát mồ hôi lạnh, thắp hương khấn vái đến sáng mãi mới được yên.
Hình như lại có xác
chết trôi trên sông, có ai đó cất tiếng gọi: Ông Thi ôi! Ra vớt xác đi! Tiếng
gọi lẻ loi, lạnh buồn như viên sỏi ném thia lia trên mặt sông chiều, làm xao
động hoàng hôn rực hồng màu máu.
Lão Thi ngoài 60 tuổi
mà cao lớn, cơ bắp cuồn cuộn, râu tóc rậm rì, hao hao hình dáng Lý Quỳ trong
“Thủy Hử”, chỉ khác Lý Quỳ ở đôi mắt sâu hoắm, lúc nào cũng buồn mênh mang,
cùng cái tật hay lào thào nói chuyện một mình, chậm rãi chèo thuyền ra giữa
sông. Vừa chèo vừa lẩm bẩm: “Trai ngửa gái sấp, nhìn thế kia là đàn bà rồi.
Giời ôi! Tội tình gì mà đâm đầu xuống đây...” Cho thuyền chầm chậm bơi quanh,
lấy cây sào có móc nhọn, khẽ kéo xác lại gần, đeo găng tay cao su nhẹ bế xác
lên thuyền rồi giật bắn người: “Sao lại hai mẹ con thế này? Lại còn lấy khăn
màu hồng buộc chặt con gái vào ngực? Mình tự tử đã ngu rồi, lôi cả con theo thì
còn ngu hơn nữa!”Chèo thuyền đưa xác vào bờ, sao thuyền tự nhiên lại nặng chĩu
thế này? Không sao gỡ ra được, họ ôm ghì nhau chặt quá, phải phun rượu gừng vào
co kéo mãi mới gỡ hai mẹ con rời nhau.
Dù đã bắt đầu thối rữa, nhưng với kinh nghiệm hơn 30 năm trong nghề vớt xác, lão phải gật gù công nhận: Khi sống người mẹ phải đẹp lắm, còn cô bé tầm 5 – 6 tuổi hẳn phải xinh như một đóa hồng chớm hé buổi sớm mai. Quần áo cũng sang trọng thế này, đâu có nghèo đói gì, làm sao mà phải chết? Cho mỗi người vào một bao ni lông, đặt cạnh lều, thắp một bó nhang cắm bên cạnh rồi thầm thì: “Đã tối quá rồi, hai mẹ con tạm nằm đây, sáng mai tôi sẽ báo chính quyền để tìm thân nhân cho hai người...” Còn chai rượu gừng ngồi uống nốt, sao đêm nay buồn quá vậy? Ngồi bó gối nhìn ra mặt sông mênh mông. Gần lều của lão có một gia đình làm nghề đánh cá, giờ đang inh ỏi gọi nhau về ăn cơm tối. Tiếng ông bố gắt gỏng vì đứa con gái lớn đi học giờ vẫn chưa chịu về, bà mẹ ca thán giá thịt lợn tăng cao quá trời, bọn trẻ con mè nheo, đòi cha mẹ tiền mai đi nộp học phí. Nhìn sang đăm đắm, thở dài thăm thẳm, ực một lúc 3 ly rượu đầy, mắt cũng đầy bóng tối. Giá như... phải... giá như... Có những đêm tự nhiên người bức sốt, nhảy ùm xuống sông bơi một hồi như điên dại... Có đêm đứng trên lều, nhảy cắm đầu xuống sông, lặn thật sâu, nhịn thở mà chờ đợi...rồi cũng phải trồi lên mà sống... Lão đã từng lén lút như thằng ăn trộm, mò sang nhà hàng xóm kia, nín thở nhìn qua lỗ thủng trên vách nhà thật lâu, rồi rút vội mớ quần áo cũ phơi trên sào ngoài sân, đem về giấu kỹ, thi thoảng mang ra ngắm, áp vào mặt mà hít hà, rồi chảy nước mắt...
Lại một con thuyền chở
dừa xiêm nặng chĩu trôi qua, nó như buồn cho số phận lênh đênh mà cứ đâm đầu
vào những con sóng lớn, mặc cho rạn vỡ một đời thuyền. Gã trên thuyền chả biết
buồn cho gã hay buồn cho thuyền mà cất tiếng hò. Giọng gã khàn khàn, khê nồng
nên tiếng hò không hay, nhưng sao vừa nghe đã sởn gai ốc? Hình như tiếng hò
không cất lên từ thanh quản? Có một khối buồn cựa quậy trong ngực gã, rồi vỡ
tung, những mảnh vỡ hóa thành tiếng hò, bay chờn vờn trên ngọn sóng trước khi
rơi vào lòng người:
“Con cá xếp vi chờ khi
nước chảy
Cần câu đã gẫy ơi hỡi
cần câu
Anh thương em không
ngớt nỗi đoạn sầu
Chân em theo chồng về
quê mới
Hằn cơ cầu vào ngực
anh...”
Lại nhớ mấy hôm trước
Lão Thi “Điên” vừa gắp miếng đậu rán bỏ vào miệng chưa kịp nhai thì đã có tiếng
gọi ơi ới ngoài bờ sông:
– Ông Thi ôi! Lại có
xác chết trôi kìa.
Bỏ đũa xuống, vội vã lấy đồ nghề rồi bơi thuyền ra sông, gọi là đồ nghề cho nó oai, thực ra cũng chỉ có hai cây sào một dài, một ngắn, đầu có móc câu, đôi găng tay cao su, mấy cái khẩu trang và vài cái bao tải bằng ni lông. Buổi trưa nắng gay gắt, mặt sông mênh mông, trắng lóa như được dát bạc. Lần này là một cô gái bụng chửa vượt mặt, gương mặt còn hằn rõ sự đau khổ tột cùng, chỉ có hai hốc mắt đã bị cá rỉa mất, giờ là hai lỗ đen sâu hút. Kéo xác chết lên thuyền, mùi hôi thối lộn mửa, cho xác vào bao ni lông, báo công an và chính quyền sở tại, giải quyết xong cũng đã gần 5 giờ chiều. Rồi mới thấy đói lả, nhảy ùm xuống sông tắm rồi lên lều lục cơm nguội ăn ngấu nghiến. Đã vớt bao nhiêu xác sao hôm nay ruột gan cứ rối bời? Xác hai mẹ con ôm ghì nhau kia sao ám ảnh làm mình day dứt thế này?
******
Hàng phố ai cũng khen
cô giáo Huệ xinh đẹp, dịu dàng hạnh phúc trong một gia đình giàu có.Nào có ai
biết căn nhà ấy đã hóa địa ngục từ lâu, gã chồng ghen tuông đến mức bệnh hoạn
thường xuyên đánh đập Huệ... Gã nghiện rượu nặng và trong cơn say lúc chiều nay
đã dâm ô cả con đẻ mới 5 tuổi đầu. Giọt nước làm tràn ly. Cây cung căng quá mức
thì dây phải đứt! Chiều đi làm về, thấy con gái xanh xao, co rúm trốn sau cánh
cửa, hỏi rõ nguồn cơn, Huệ đã xông vào gào thét, cào cấu gã chồng thú vật.
Không chỉ nhởn nhơ đáp: Trồng ra hoa thơm thì phải thưởng hoa trước thiên hạ,
gã còn thượng cẳng chân, hạ cẳng tay đánh vợ đến hộc máu mồm. Đau khổ cùng cực,
lẩy bẩy lấy xe máy đèo con lên cầu Cũ. Vứt xe chỏng chơ, ôm con đến bên thành
cầu, khóc không thành tiếng mà nhìn xuống mặt sông. Con bé sợ hãi:
– Mẹ ơi! Con sợ. Về đi
mẹ...
– Về đâu bây giờ hả con? Còn nhà đâu mà
về?
Đèn cầu bật sáng lom
đom, lan can sắt lạnh giá, mặt sông chuyển từ tím ngắt sang đen ngòm. “Con ơi!
Còn mẹ mà con còn khốn khổ đến vậy. Mẹ đi rồi con sẽ ra sao? Hãy tha lỗi cho
mẹ. Hãy đi cùng mẹ. Ở thế giới bên kia mẹ sẽ chăm sóc cho con”. Run rẩy lấy
khăn buộc chặt con vào ngực mình. Con bé ngơ ngác, mắt tròn xoe nhìn mẹ rồi òa
khóc, hai tay nhỏ bé cố chống cự mà không được. Quay đầu nhìn phía sau lưng,
người xe nườm nượp, hình như không có ai quan tâm đến hai thân phận đang run
rẩy gào khóc này. Từ trên cao nhảy xuống khoảng không đen ngòm, cú đập khủng
khiếp khi mặt và ngực giáng xuống mặt sông, tưởng thân thể vỡ tan tành, như có
trăm mũi dao nhọn xuyên thẳng vào mặt, rồi qua miệng xoáy vào trong ngực, sặc
sụa, nghẹt thở, tất cả diễn ra nhanh như tia chớp lóe qua bầu trời. Bây giờ mới
hối hận, vùng vẫy cố ngoi lên nhưng đã muộn mất rồi. Đôi mắt con bé trợn trừng
kinh hoàng, hai con ngươi lồi ra như sắp nổ tung rồi vọt ra ngoài. Bắt đầu chìm
xuống, đáy sông đen, nước sông đen lạnh ngắt, nhờn nhợt, chỉ có ba gương mặt
trắng toát ghé vào nhìn rồi nhoẻn cười... Người ta bảo đã thành ma thì không
còn oán giận đau khổ nữa. Không phải đâu, nằm ở đây, sao vẫn căm giận kẻ bạc ác
đã đẩy hai mẹ con vào đường cùng. Vẫn quặn lòng thương con gái và trách mình ngu
xuẩn. Nhưng giờ đây có căm thù hay hối tiếc thì có ích gì? Linh hồn bé bỏng của
con gái vẫn hỏi ngây thơ:
– Mẹ ơi! Sao mình lại ở đây? Có về nhà được không mẹ?
******
Đêm ấy lão Thi thức
trắng đêm, chai rượu đã cạn, lại thêm mấy ấm trà thật đặc. Người ta gọi lão là
Thi “điên” vì tự nguyện vớt xác trên sông, không đòi hỏi quyền lợi gì, ai cho
cái gì là tùy tâm, không cho cũng không sao. Gia đình người ta mất người thân
đã đau đớn, ai nỡ đòi tiền công. Có nhà nghèo quá, còn không đủ tiền mua quan
tài cho người chết... Nghề này chọn lão chứ lão đâu có chọn nghề?Vốn chỉ chài
lưới đánh cá trên sông, gặp xác chết trôi thương tâm đành vớt,lâu dần nổi tiếng
khắp vùng, ai thấy xác chết trôi sông đều gọi. Trước không có lều mà ở, hai mẹ
con lão sống trên thuyền dù có mái lợp giấy dầu, mưa vẫn ướt như chuột lột. Hai
mẹ con đêm ngủ chẳng bao giờ được duỗi thẳng chân, giấc ngủ chòng chành theo
nhịp sóng và gió. Lần ấy, lão vớt một thằng bé chết đuối tầm 7 – 8 tuổi, chết
rồi tay vẫn ôm ghì cặp sách. Nửa đêm bỗng thấy thuyền chao đảo rồi quay tít,
thằng bé hiện về trong mơ khóc thút thít:
– Cháu cảm ơn bác. Bác
tốt quá. Trôi trên sông lạnh và sợ lắm. Giờ cháu đã được về nhà. Cha mẹ cháu sẽ
đền ơn bác. Nhưng Bác phải nhớ không được nhăn mặt hay nhổ nước bọt. Cháu có
muốn chết đuối rồi bốc mùi hôi thối đâu. Bác làm thế hồn ma sẽ tủi thân rồi
ghét bác đấy.
Sáng hôm sau, cha mẹ
cậu bé đến cảm ơn và cho 5 triệu – số tiền lớn nhất được nhận tính từ khi làm
nghề đến giờ. Nhờ số tiền ấy, lão dựng được túp lều này, sàn bằng gỗ bạch đàn, mái lợp giấy dầu tử tế. Sung sướng thay ngoài 60 tuổi
được đi ngủ duỗi thẳng chân. Mẹ lão ở “nhà mới” được hơn tháng rồi quy tiên,
trước khi tắt thở còn thều thào:
– Con gắng kiếm một
người vợ cho bớt cô quạnh. Mẹ đi rồi, ai cơm nước cho con!
Nhưng lấy ai và ai lấy
mình? Cách đây mấy hôm, cô Tư bán hoa quả ngoài chợ ghé vào, cười chúm chím:
– Anh Hai. Anh mua
giùm em chuối chín cây này. Ngọt lắm.
– Ngọt bằng em không?
Mua người chứ không mua chuối.
– Anh Hai nói kỳ cục
quá trời. Người thì chỉ tặng chứ không có bán nghe...
Cô đi rồi, tiếng cười cùng hương chuối chín ở lại, thơm mãi trong lều.
Rồi cứ thế, thời gian
như nước sông trôi, như gió buồn bã đi qua những rặng cây, hết ngày đến đêm,
nhìn trước nhìn sau cũng chỉ thấy có một mình. Thèm một mái ấm, hơi ấm người
phụ nữ và tiếng bi bô trẻ nhỏ đến cháy lòng. Ước ao ấy như than hồng của gốc bạch
đàn phập phù cháy bên bao ni lông đựng tử thi kia, trông lom rom vậy thôi, mà
âm ỉ không gió mưa nào dập tắt được. Có con mèo đen nhà ai nhảy vọt qua hai cái
bao, xác chết trong bao vọt ngồi dậy, rồi lại từ từ đổ xuống, lão vội vã cho
thêm củi khô để lửa cháy to, châm thêm bó nhang cắm trên đầu hai bao tải mà rì
rầm khấn:
– Xin 2 mẹ con sống
khôn thác thiêng mà hiểu cho lòng tôi. Gần hết một đời sống cô quạnh, khát khao
một gia đình.Không hiểu sao hôm nay vớt 2 mẹ con cô lên, lòng tôi lại vừa
đaubuồn vừa vui mừng.Có cáigì thân thương lạ lắm, không lý giải nổi nữa. Giá
như tôi có người vợ và đứa con như mẹ con cô thì sung sướng quá. Tôi xin phép
không báo chính quyền nữa, sẽ mai táng hai mẹ con cô cạnh lều của mình để tiện
bề hương khói. Nếu đồng ý xin cho ngọn lửa kia cháy sáng lên 3 lần...
Có cơn gió lạnh ào ạt
thổi tới, rùng mình, như có những bàn tay lạnh hơn nước đá chạm vào mặt vào cổ
mình. Rồi ngọn lửa leo lét từ gốc bạch đàn bỗng phụt lên 3 lần, cao tới nửa
mét. Chắp tay vái lia lịa mà rưng rưng lệ. Thôi ước mong có một gia đình cũng
đã thực hiện được một nửa. Từ nay, ngoài mẹ còn có những người thân để gần gũi.
Hì hục đào bới một huyệt mộ ngay cạnh lều, mang nước thơm tắm rửa, khâm liệm dù thân thể hai mẹ con đã thủng lỗ chỗ, ruột gan lòi hết ra ngoài, vẫn không thấy ghê sợ như mọi khi. Họ cũng đáng thương và cô độc như lão. Giờ họ như người thân của mình. Có gì mà phải kinh hãi? Búi tóc cho người mẹ, tỉ mẩn tết tóc cho con bé. Mặc cho hai mẹ con hai bộ quần áo còn tươm tất nhất của mình vậy. Cũng chẳng có tiền mà mua cho họ quần áo mới. Bỗng lão rùng mình rồi dừng tay lại: Từ đôi mắt người mẹ, có hai dòng nước mắt nóng hổi trào ra, từ từ bò xuống gò má trắng nhợt nhạt. Đôi môi xinh – giờ nham nhở – của con bé hình như khẽ nhoẻn cười.
Chôn cất xong thì trời
sáng, đành san phẳng đất chứ không dám đắp mộ, lão đặt bát cơm, quả trứng rồi
thắp một bó nhang to cho người đã khuất. Chắp tay cúi đầu ngồi bên hai mẹ con,
lão cầu khấn điều gì thì chỉ có trời đất và người đã khuất biết, bó nhang trên
mộ và chân nhang đặt trên bàn thờ bỗng cháy rừng rực. Có cơn mưa đổ xuống mà bó
nhang vẫn cháy đùng đùng, mùi thơm dịu nhẹ bất chợt nồng nàn lan tỏa, khiến cho
căn lều vốn lạnh lẽo bao năm qua trở nên ấm cúng lạ thường. Vóc dáng đồ sộ của
lão như một pho tượng cứng cỏi thô nhám đen sẫm quỳ bên vạt đất mới đỏ au, sừng
sững trong mưa không lay động. Chỉ có đôi mắt sâu hoắm vốn đong đầy nỗi buồn
mênh mang, giờ đây ánh lên một niềm vui thầm lặng, nhỏ nhoi. Bên lão, sông vẫn
miên man chảy, thi thoảng lại thở dài. Sông như kiếp người không ngừng nghỉ tìm
ra biển khơi, trên hành trình trôi chảy ấy, gió làm sông vỡ nát thành trăm ngàn
con sóng. Sóng thì ra là nỗi đau của sông? Vậy điều gì làm ra nỗi đau của kiếp
người?
Mưa ngày một to hơn,
nhìn lên chỉ thấy hai cây cầu chập chờn trong màn mưa trắng xóa. Cầu Mới giống
như một con nhện khổng lồ bám níu hai bờ sông giữ cho đôi bờ không rời xa nhau.
Cầu Cũ lại như chiếc đòn gánh oằn xuống, gánh buồn vui của bao số phận đang hối
hả lại qua, kiếm tìm cái gọi là hạnh phúc theo quan niệm riêng của mỗi con
người. Vậy hạnh phúc của lão là gì? Nhìn căn lều, ngôi mộ, con thuyền cũ, đặt
tay lên ngực mình, rứt tung cúc áo, vò xé, ấn mạnh xuống như để ngăn một tiếng
thở dài buồn hơn cả dòng sông, rồi lại khẽ cười. Bỗng giật mình, cô Tư đến từ
bao giờ, đứng ngắm lão phía sau lưng rồi chép miệng thở dài:
– Anh Hai cứ ra sông
đi. Còn mấy con cá để trong lu em mang bán hộ cho. Lát về em nấu cơm dùm nghe.
Mưa đã tạnh. Mặt trời
xuống cùng buổi chiều sao rạng rỡ và ấm hơn mọi ngày? Lão ngân nga hát cho sóng
và mặt trời nghe:
“Xề u, xế u lưu phàn
Dưới trăng
Dòng sông trôi rất dịu
dàng
Ghềnh Hào ơi...”
Lão chậm rãi tháo dây
buộc thuyền, khua từng mái chèo mạnh mẽ, chèo thuyền ra giữa dòng nước cuồn
cuộn chảy…
NGUYỄN ĐỨC HẠNH
No comments:
Post a Comment