Sunday, October 13, 2024

Giọt Mực Loang - Phan Xuân Sinh


Trong lớp tôi thuở ấy có hai người con gái vừa học giỏi mà cũng vừa đẹp. Những thằng học cùng lớp không có đứa nào dám hó hé lại gần, đừng nói chi cái chuyện “cua”họ. Hà người Bắc tính tình hiền lành dễ thương. Loan người Huế tính tình chanh chua, khó ưa nhưng rất giỏi Việt văn. Trong lớp học  hai người con gái nầy như hai thái cực, có những hiềm khích. Nói cho ngay chúng tôi chỉ thấy thái độ của Loan tỏ vẻ ganh tị hiện lên hành động và trên nét mặt. Còn Hà tỏ vẻ nhu mì nhưng sẵn sàng đáp trả nếu Loan xâm phạm đến. Chính hai người nầy làm cho bọn con gái trong lớp chia làm hai phe. Phe nói tiếng Huế theo Loan, phe nói tiếng Bắc theo Hà.  Mấy bà Quảng Nam đứng trung gian. Mỗi lần đến giờ ra chơi, hai phe tụ nhau hai góc, nói xấu nhau, trì chiết nhau. Tụi con trai chúng tôi chọc đầu nầy, thọc đầu kia cho hai bên càng hiềm khích nhau hơn, lấy làm thích thú. Cho nên mấy thằng  hay đi ngang qua nghe lóm, ít thì nói cho nhiều, vẽ rắn thêm chân, câu chuyện trở thành trầm trọng khi chúng nó học lại cho phe bên kia biết. Cứ vậy hai bên càng ngày càng trầm trọng. Lúc đầu còn nguýt háy  nhau trong bóng tối, về sau công khai công kích nhau. Bài luận của Loan được thầy đọc cho cả lớp nghe là mấy bà Bắc Kỳ ghi lại những chỗ không đồng ý. Thế là tranh cãi nhau, mạ lỵ nhau một cách ranh mãnh. Lúc đầu Thầy dạy Việt Văn thích thú vì có sự tranh cãi rất sống động, làm cho giờ học sôi nổi. Sau thầy nhận thấy sự tranh cãi có phần gay gắt, mạ lỵ Thầy ra dấu “stop” không được tiếp tục làm sứt mẻ không khí học tập. Từ đó Thầy không đọc bài của Loan nữa.

Hà ở cùng một đường với tôi nên thỉnh thoảng đến nhà rủ tôi đi học. Hà hay hỏi tôi có biết phe Huế nói gì không? Có nghe động tịnh gì phe bên kia không? Tôi hỏi lại Hà: “Sao bạn quan tâm những thứ ấy làm gì? Để thời giờ lo học.” Hà vừa đi vừa suy nghĩ một lúc mới trả lời với tôi: “Nhiều khi Hà nghĩ thật vô lý,. Tại sao phải mất thì giờ nhiều như vậy? Thế nhưng phe Huế bên kia ép Hà quá, chịu không nỗi.” Tôi nhìn Hà thấy tội nghiệp. Tôi nói với Hà  đừng để ý, đừng nghe ngóng tự nhiên sẽ cảm thấy thanh thản. Nói cho Hà yên lòng chứ sự thật cũng khó, làm sao mà không nghe mấy cái giọng Huế chanh chua nhức đầu, xoáy vào tai như mũi khoan, mấy bà Bắc Kỳ không chịu được nên hai bên không bên nào chịu thua. Cái hồi gay cấn nhất là lúc Hà có bồ là một ông thiếu úy người Bắc, thỉnh thoảng đứng  đón Hà ở cổng trường.  Ông thiếu úy nầy cũng bảnh trai, xứng đôi với Hà. Đây là cơ hội mấy bà Huế trề môi chế giễu, trù ẻo cho ông nầy ra trận chết phứt đi cho rảnh mắt. Lời trù ẻo của mấy bà Huế nầy linh thiên thật, không thấy ông Thiếu Úy tới đón Hà như trước, nghe tin ông ấy tử trận. Tôi có hỏi khi Hà chờ tôi để cùng đi học, Hà không trả lời nhưng tự nhiên bật khóc. Trên đoạn đường tới trường, tôi hối hận đã khơi lại sự đau đớn của Hà. Từ đó không bao giờ tôi đụng chạm đến chuyện nầy. Chừng vài tháng sau tự nhiên Hà nói với tôi là người yêu của Hà chết thật, lời thú nhận nầy gây cho tôi xúc động, tôi cảm thấy thương hại cho Hà. Tuổi mới lớn bắt đầu có người tình thì nửa chừng gãy đỗ. Chuyện nầy tôi không hề hé môi cho ai trong lớp biết.

Sắp đến hè, đứa nào cũng bận rộn học thi. Tình trạng  ganh nghét giữa hai phe con gái Bắc và Huế cũng có phần lắng dịu. Sau kỳ thi tú tài năm đó mỗi người mỗi ngã. Năm cuối cùng lớp có tổ chức một cuộc tất niên, chị trưởng lớp nhờ tôi đứng ra làm trung gian cho Loan và Hà bắt tay nhau trong buổi tiệc tất niên đó. Tôi đại diện cho lớp cám ơn quý thầy đã dạy dỗ chúng tôi và lời bày tỏ cùng các bạn: “Thưa các bạn, như vậy sau bữa tiệc nầy chúng ta chia tay nhau vĩnh viễn, mỗi người mỗi ngã trên đường đời, thành công hay thất bại đó là số phận của mỗi người. Tuy nhiên chúng ta cũng nên nói với nhau lời cầu chúc tốt lành nhất, hoa mỹ nhất. Tôi mong rằng các bạn hãy bỏ lại sau lưng mình những tị hiềm, những ganh ghét, vì cơ hội gặp lại nhau rất hiếm. Tôi xin đề nghị chị Loan và chị Hà bước lên trên bục bắt tay nhau lần cuối. Tôi nghĩ hành động đẹp nầy của hai chị sẽ để lại dấu ấn vĩnh viễn trong lòng của những bạn cùng lớp trước khi chia tay..”  Hà và Loan e thẹn bước lên bục giảng bắt tay nhau, tự nhiên hai người bỏ tay ra ôm nhau khóc , làm  cho các chị trong lớp đều khóc sướt mướt. Các thầy rất ngạc nhiên không hiểu chuyện gì đã xẩy ra cho hai người.  Đó là niên học đáng nhớ nhất trong đời học sinh chúng tôi. Sau khi thi tú tài bạn bè ít có dịp gặp lại.

Chúng tôi những thằng bạn học cũ phần đông vào lính, mà lính thì biết khi nào mới gặp lại nhau.  Nói vậy chứ thỉnh thoảng về phép đi uống cà phê cũng gặp được vài thằng bạn cũ, từ đó hỏi thăm biết được thằng nầy thằng khác, có đứa chết trận, có đứa bị thương. Đứa nào cũng có vẻ hiên ngang với bộ đồ lính trên người. Còn bạn gái ít khi gặp lại nhưng cũng biết tin, phần đông các chị có chồng là l;ính nên cũng đa đoan với cuộc chiến mặc dù không trực tiếp ngoài chiến trường. Một lần tôi về phép thăm thằng bạn cũ làm thông dịch viên sở Mỹ tại Đà Nẵng. Thằng bạn hỏi tôi mầy còn nhớ con Loan không? Loan hiện làm ở đây. Tôi trả lời nhớ chứ, mầy gọi Loan qua đây chơi được không? Hắn chạy đi gọi Loan. Tôi ngồi trong phòng xem báo thì Loan vào. Tôi ngước lên nhìn, thú thật tôi không ngờ rằng Loan bệ rạc như vậy. Tôi đứng dậy bắt tay Loan, bàn tay của Loan không mềm mại, có vẻ cứng cáp. Tôi hỏi Loan có chồng con gì chưa? Loan lắc đầu, trong nét mặt có chút gì cay đắng. Loan nói với tôi nhờ bạn giới thiệu cho mình một ông lính, không cần quan tước gì cả. Tôi ngạc nhiên nghĩ trong bụng sĩ quan bà còn chê huống chi là lính. Tôi hỏi lại: “Loan có gì không vui phải không? Sao đắng cay quá vậy.” Loan lắc đầu không nói. Ngồi nói chuyện với tôi một hồi, Loan chào để trở về phòng  làm việc. Thằng bạn nói với tôi về Loan: “Gia đình Loan có một căn nhà cho  Đại Hàn thuê, không biết sao Loan có thai với thằng Đại Hàn thuê nhà. Ông bà già phải gởi Loan ra Huế sinh đẻ. Khi đứa con được ba tuổi mới đem về nuôi. Gia đình bảo rằng đứa nhỏ là con của bà chị bà con ở Huế, chồng chết Loan xin về làm con nuôi.”  Tự nhiên tôi thấy thương hại cho Loan, hèn chi khi nói chuyện với tôi Loan có vẻ không vui.

Một lần tôi về phép, đi uống cà phê với mấy thằng bạn cũ. Một thằng nào trong bọn nói với chúng tôi là con Hà Bắc Kỳ lấy thằng Quang. Tất cả mọi người đều trố mắt nhìn vì một sự nghịch lý mà không ai có thể ngờ. Hà học rất giỏi thi đậu dễ dàng tú tài I và tú tài II, còn ông nội Quang của chúng tôi thi mãi không đậu. Hồi đó hắn nổi tiếng học dốt nhất trong lớp, thi tú tài I năm lần bảy lược vẫn không qua, sau phải đi lính chuyên viên Không Quân. Không biết làm sao hắn cua được con Hà nghĩ cũng lạ thật. Ngoài chuyện học giỏi, Hà cũng là một trong những con gái đẹp trong lớp. Ít ra cũng lấy được một người tương xứng. Mấy đứa ngồi uống cà phê bữa đó cứ tiếc thầm mãi. Chuyện số mạng cay nghiệt như vậy dù không tin cũng phải công nhận đã xẩy ra với Hà. Tôi nghĩ hay là Hà đã từng có người yêu là sĩ quan tác chiến, bị tử thương ngoài chiến trường nên sợ sẽ trở thành quả phụ, để yên thân Hà phải lấy một tấm chồng ngày đêm hú hí với vợ tới già, không sợ nửa đường gãy gánh. Thú thật chúng tôi chỉ đoán già đoán non chứ hoàn toàn không biết gì về cuộc sống của hai người. Tình yêu khó nói thật. Gia đình Hà đã dọn đi nơi khác từ lâu nên không còn gặp Hà như trước đây. Khi chia tay năm cuối cùng, đi về cùng đường Hà cho tôi biết nếu đậu kỳ nầy Hà sẽ đi Sài Gòn thi vào trường Phú Thọ để học kỹ sư điện. Tôi nghĩ ước mơ của Hà sẽ thành công dễ dàng vì Hà là học sinh giỏi. Tôi không biết khi lấy Quang, Hà đã đậu kỹ sư chưa?

Đó là cuộc đời của hai người bạn gái vừa đẹp mà cũng học giỏi, vậy mà có chút gì cản trở không suông sẻ trên đường đời. Còn bọn con trai chúng tôi, khi ra trường chừng hơn một năm sau bị chi phối bởi lệnh Tổng Động Viên. Một mẻ lưới oan nghiệt không ai thoát ra được, thỉnh thoảng được tin có thằng tử trận. Đứa nào về thành phố thì đến nhà thắp cho bạn mình một cây nhang hay tiễn bạn ra nghĩa trang. Khi ra về tìm một quán nhậu, hay quơ đại một chai rượu đế về nhà ngồi uống một mình. Cố xua đuổi nỗi buồn, cố quên những bất hạnh mà những đứa bạn lần lược nằm xuống. Tâm trạng của chúng tôi lúc nào cũng lo sợ, không biết đến bao giờ sẽ tới phiên mình. Giọt mực nhỏ xuống trang giấy không đọng lại một chỗ mà nó loang rộng làm mờ cuộc đời của chúng tôi. Tôi nghĩ những người bạn gái cũ, chắc các chị cũng không thua gì chúng tôi. Ai cũng phải lấy chồng, mà chồng của các chị cũng không thể thoát ra khỏi vòng cuộc chiến, cho nên đôi khi ra phố trông thấy các chị chít khăn tang trên đầu là biết ngay  các chị có tang chồng. Bạn trai hay bạn gái trong thời chinh chiến đều mang nỗi lòng lo sợ như nhau, đau khổ giống nhau.

Rồi tới 30 tháng 4 năm 1975. Tưởng rằng hòa bình mà mọi người chờ đợi sẽ tốt hơn, cuộc sống sẽ mang tới cho chúng ta niềm vui, không trông thấy cảnh chết choc. Thế nhưng mọi chuyện không như vậy. Tất cả chúng tôi đều vào tù,  những người vợ chắt chiu đi nuôi chồng mà đời sống của họ vô cùng thảm thiết.  Những tiểu thư ngày xưa nuôi những ước mơ cao sang, chỉ vài năm sau trông thấy họ te tua tội nghiệp. Mấy thằng bạn học tập trở về, trông thấy họ bệ rạc như những ông cụ non, thân hình ốm o thiếu ăn. Toàn cảnh Miền Nam lúc ấy sống trong cơ cực. Không ai giúp được ai. Tôi về Đà Nẵng nhắn mấy thằng bạn cũ tới nhà uống với nhau ly rượu thì bị Công An đến gây khó dễ. Một người bạn từ Sài Gòn về thăm bạn bè, vào kể lại cho tôi nghe là anh ấy tập trung một số bạn cũ ngồi uống rượu. Anh đi ra nhà sau đi tiểu thì trông thấy mấy ông Công An rình rập bên ngoài nghe lén. Anh sợ quá nhảy rào chạy thoát thân. Ngày mai anh nghe người nhà báo cho biết là tất cả những người ngồi nhậu đều bị bắt. Từ đó ở Sài Gòn tôi ít về thăm quê nhà. Nhìn thấy gia đình nào cũng xác xơ, lòng người rịu rã, những cán bộ thì hống hách chèn ép dân chúng. Ai sống tại Đà Nẵng thời ấy cảm thấy  ê chề ngao ngán, nhưng không dám hé răng.

Đến thập niên 90, có sự ban giao với Hoa Kỳ đất nước mở cửa người dân được nới lỏng. Rồi chương trình HO cho những người tù cải tạo ra đi, đời sống dân chúng còn ở lại được thoải mái đôi chút. Đất nước xem như được khởi sắc cho đến bây giờ. Tôi ra đi năm 1990, nghĩa là tôi có 15 năm sống trong nước dưới chế độ Cộng Sản, tôi biết và hiểu tường tận dân tình lúc ấy. Qua bên nầy rồi nhìn lại, thật khủng khiếp. Tôi không hiểu một chế độ như vậy mà tại sao cho đến bây giờ vẫn còn tồn tại? Những người có lương tri, có hiểu biết làm sao chấp nhận một cuộc sống bị nhà cầm quyền tước đoạt hết như vậy? Mới hay áp lực aka, tù đày đã làm dân chúng khiếp sợ và răm rắp vâng lời. Thôi chuyện đất nước dài quá, nói mãi không hết được. Tôi trở lại chuyện của chúng tôi. Giọt mực nhỏ xuống loang mãi trong đời của những thằng học sinh chúng tôi. Câu hát ngày xưa trong thời  tiểu học mà ai ai cũng biết: “Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau…” Thế hệ chúng tôi, tổ quốc chối từ. Người ta cần những người không  có kiến thức, nhưng biết trung thành, biết quỵ lụy. Vì vậy tất cả những người Miền Nam đều bị loại ra khỏi các cơ quan lớn nhỏ của chính quyền. Cũng may cái phao cứu chúng tôi là đúng lúc được định cư ở Hoa Kỳ.
 
Cách đây 10 năm, trong một lần ra mắt sách của một người bạn tại North Carolina, thì một người trong Ban Tổ Chức đến cho tôi biết là có một bà đứng bên ngoài cần gặp tôi. Tôi ra thì gặp Loan. Tôi rất ngạc nhiên không biết tại sao Loan biết tôi ở đây? Loan giới thiệu người chồng, anh đến bắt tay tôi. Nhìn  Loan với khuôn mặt vui tươi rạng rỡ, tôi biết họ đang hạnh phúc.  Vợ chồng Loan đến Mỹ năm 1991 cùng với các con. Tôi không dám hỏi Loan nhiều,  nhất là đứa con Đại Hàn của Loan. Sau nầy khi liên lạc với nhau bằng điện thoại,  Loan mới cho biết anh Nghĩa đồng ý cho Loan  mang theo đứa con ngoại hôn dị chủng đó. Tôi rất mừng cho Loan. Trong một lần điện thoại nói chuyên, Loan hỏi tôi có ai trong lớp lúc đó biết chuyện Loan có bầu không? Tôi nói thẳng thừng ai cũng biết hết và ai cũng thương cho Loan lúc ấy kể cả Hà. Loan yên lặng một hồi rồi nói với tôi  là mình ân hận chuyện trẻ con lúc ấy. Không biết lý do gì mà mình thù Hà đến như vậy, có lẽ mình ganh ghét vì Hà học giỏi hơn mình. Đến ngày chia tay hai đứa ôm nhau khóc, mình mới biết mọi chuyện đều do lỗi ở mình gây ra, Hà hoàn toàn vô tội. Ước gì bây giờ gặp lại Hà mình sẽ xin lỗi và thú nhận hết chuyện nầy, mình nghĩ chắc Hà phải cười thôi.  Tôi nói với Loan là hồi đó đi học về cùng đường, Hà cũng nói cho tôi biết là Hà muốn làm hòa với nhau, nhưng sợ Loan không đồng ý thì quê lắm,  nên giữ thái độ im lặng. Mà thật ra nhiều lần tôi muốn nói với Loan về chuyện giải hòa, nhưng lần nào trông thấy bộ mặt hầm hầm của Loan tôi không nói ra được. Loan hét trong phôn, sao bạn không nói ra lúc đó? Mình cũng đang chờ chuyện giảng hòa từ lâu. Tôi cười như vậy hai bạn đều đáng thương hết. Thời đi học ai cũng vấp phải những sai lầm, bây giờ đứa nào cũng già nhìn lại thấy vừa ân hận mà cũng vừa dễ thương. Tôi hỏi Loan  có biết Hà kết hôn với Quang không? Loan bảo biết, mình rất ngạc nhiên và thương Hà hết sức. Bây giờ bạn biết Hà ở đâu không? Từ khi lấy chồng không ai biết Hà đang ở đâu.

Trong lần ra mắt tập thơ của tôi năm ngóai tại Wesminster. Tôi ngồi  ký tặng sách nên không trông thấy mặt người đưa tập thơ cho tôi ký. Người đó nói với tôi nhờ anh để tên Vũ Thị Băng Hà. Tôi giật mình ngước lên, vội vàng đứng dậy nắm chặt tay Hà. Sao bạn biệt tăm không nghe tin tức gì về bạn, hơn 46 năm rồi phải không?  Hà cúi đầu nhỏ nhẹ nói với tôi, chuyện của mình không vui, nên mình tránh hết bạn bè. Tôi hỏi Quang đâu? Hà lắc đầu. Khách ra vào đông đảo nên tôi không nói chuyện được, Hà hẹn sáng mai đến khách sạn đón tôi đi uống cà phê rồi nói chuyện nhiều hơn. Tôi nhìn Hà trở về chỗ ngồi, rồi tiếp tục ký sách cho người khác.

Đúng 9 giờ sáng hôm sau, Hà lái xe đến đón tôi tại khách sạn. Ngồi trong xe nhìn Hà, tôi nhận thấy Hà trông vẫn còn trẻ so với số tuổi. Chúng tôi bây giờ trên 60 hết rồi, tôi nhớ tôi thuộc thành phần nhỏ tuổi trong lớp mà đã 64 thì Hà hoặc bằng tôi, hoặc hơn tôi. Đến tiệm cà phê Hà nói trước là bữa nay Hà xin trả tiền cà phê để khỏi phải dành nhau. Tôi nói với Hà là thỉnh thoảng tôi nói chuyện với Loan. Tôi hỏi kháy Hà có còn nhớ Loan không? Hà cười, đó là nhân vật mình nhớ suốt đời, bây giờ Loan ra sao? Tôi cho Hà biết tình hình của Loan hiện thời và Loan rất hối hận về chuyện xích mích với Hà khi còn đi học. Ước gì bây giờ Loan gặp lại Hà. Tôi thấy Hà xoay tròn ly cà phê trên bàn nói với tôi, lúc đó một phần cũng tại mình, mình có thái độ khinh thường mọi người, không cần thân thiện với ai cả, vì ỷ lại mình học giỏi.  Tội nghiệp Loan ra đời vấp ngã cũng như hoàn cảnh của mình thôi.  Bây giờ đứa nào cũng tỉnh người. Vậy là hai bạn đều lãnh phần lỗi về mình một cách chân thật. Nếu có Loan ở đây chắc Loan cảm động lắm.

Ngồi suy nghĩ một hồi,  Hà kể cho tôi nghe về gia đình.  Ông Bà già của Hà dọn nhà đi Sài Gòn làm ăn sau khi Hà đậu tú tài. Nhà ở Quận Tư Sài Gòn. Một hôm Hà đi phố gặp Quang, lúc đó Quang đã đi lính Không Quân. Quang rủ Hà vào quán cà phê ngồi nói chuyện. Hà xem Quang như một người bạn nên uống cà phê xong Quang chở giùm Hà về nhà bằng xe Honda.  Từ lúc đó Quang thỉnh thoảng ghé nhà chơi. Một hôm Quang đến không có Hà ở nhà, Quang khóc lóc với ông bà già là Quang yêu Hà. Nếu không lấy được Hà thì Quang sẽ tự tử. Về nghe ông bà già kể lại, mình hết hồn, tưởng rằng chuyện như đùa,  gặp Quang mình sẽ cự tuyệt. Quang thường đến nhà trong lúc mình đi học, nên tỉ tê với ông bà già mãi về chuyện muốn cưới Hà. Ông bà già xuôi lòng, chỉ có mình là không biết chuyện nầy.  Một hôm ăn cơm tối xong, ông già đưa chuyện của Quang ra nói với mình, mình cự tuyệt thì ông già làm dữ. Ông bảo rằng mấy thằng sĩ quan mà mầy quen toàn là tác chiến, ông nhất định không gả. Quang dù lính trơn nhưng an toàn sống với vợ con. Từ đó mình khóc hết nước mắt cũng không lay chuyển được ông bà già. Mình phải đành lấy Quang là vì vậy. Sống với Quang mình mang nhiều mặc cảm quá, trong đầu lúc nào cũng khinh bỉ Quang. Đến khi mình sinh đứa con đầu lòng xong thì tức nước vỡ bờ, hai đứa càng đố kị nhau không thể hàn gắn được đành chia tay. Thú thật Quang không muốn nhưng mình nhứt định dứt khoát với nhau. Mình tiếp tục đi học đến khi ra trường. và tự mình nuôi con. Từ chuyện lấy Quang, mình học được một bài học lớn trong đời. Vợ chồng khi đã khinh nhau thì không bao giờ sống chung với nhau được. Mình hối tiếc đã không quyết liệt từ lúc đầu để bây giờ phải phải bẽ bàng, nhưng tất cả đều do số mạng phải không? Tôi thành thật hỏi Hà :”Có lẽ Quang học dốt quá nên Hà mang ấn tượng nầy trong đầu?”. Hà cũng trả lời với tôi thẳng thắn: “Hà không quan tâm điều đó. Nhưng khi sống với nhau Quang hé lộ bản chất keo kiệt, ích kỷ và kiến thức thấp hèn của mình. Bao giờ cũng lớn lối với vợ con. Hà không chịu được nên phải đổ vỡ thôi”.

Mình nghe nói sau một năm ly dị, Quang lấy vợ khác và hiện giờ còn ở Việt Nam. Còn mình sau khi mất Sài Gòn vài năm thì mình gặp anh Hoàng học tập về, bị vợ bỏ. Hai đứa hiểu hoàn cảnh của nhau và tự nguyện đến với nhau. Mình và anh Hoàng có thêm hai đứa con nữa, như vậy một đứa con riêng của mình, cộng với hai đứa con chung với anh Hoàng và thêm hai đứa con của anh Hoàng với người vợ trước đều được qua Mỹ. Vài năm sau mình bảo lãnh Bố Mẹ mình qua, cũng nhờ vậy vợ chồng mình  mới rãnh tay đi cày, các cháu do ông bà chăm sóc. Đời sống bây giờ của mình đã ổn định, các cháu đều ra trường. Tôi nói lời chúc mừng với Hà, bắt đầu bây giờ bạn không còn lo nghĩ, không còn vất vả. Như vậy bạn xem như đã thành công trong cuộc sống. Tôi với Hà  kể cho nhau nghe mấy người bạn mà chúng tôi đã quen biết nhau khi ngồi trên ghế nhà trường, khi nói chuyện chúng tôi mới kiểm chứng lại số người bị vấp ngã trong cuộc sống nhiều hơn số người có một cưộc sống trôi chảy. Tất cả không ít thì nhiều đều do chiến tranh gây nên. Tôi cho Hà số phôn của Loan trước khi chúng tôi chia tay nhau. Hà cho biết đứa con trai lớn của Hà với Quang hỏi ý kiến là muốn bảo lãnh cho Quang qua định cư? Hà trả lời là tùy thuộc sự định đoạt của con, mẹ không ý kiến chuyện nầy. Trước khi bảo lãnh phải cân nhắc kỹ càng vì trách nhiệm rất nặng nề. Bây giờ thì con của Hà không đề cập đến chuyện nầy, mỗi tháng gửi cho Quang một ít tiền. Qua đây tuổi già cũng chẳng làm được gì lại phiền con cái.

Lần vừa rồi về Việt Nam, gặp lại các bạn cũ tôi đều kể lại chuyện có gặp Hà và Loan. Các bạn rất vui khi biết được bây giờ hai bạn ấy đã có cuộc sống ổn định. Chuyện cũ trên ghế nhà trường thuở xưa ai cũng đều hối tiếc, thế nhưng vẫn còn đọng lại một chút dễ thương, trẻ người non dạ, cứ nuôi trong lòng chút tự ái hão huyền không ai chịu dừng lại. Trong bạn bè của  chúng tôi, bây giờ ai cũng có con cháu đầy đàn nên nhìn lại chuyện cũ ai cũng tự trách mình. Tại sao khi Hà và Loan xích mích mình không đứng ra ngăn cản mà cứ để sự việc lún sâu? Không phải Hà và Loan thẹn khi đề cập lại chuyện đó, mà chính tất cả bạn bè đều thẹn vì ích kỷ, vì tị hiềm nên nhìn sự việc dửng dưng, không ai lên tiếng ngăn cản để mở ra một lối thoát cho hai người. Gần năm mươi năm sau, hai người tìm lại nhau qua điện thoại. Dù sao họ cũng nói lên được sự ân hận của họ cứ ấp ủ trong lòng , bây giờ mới thoát được  ./.


Houston, ngày mồng một tết Ất Mùi (2015)
Phan Xuân Sinh 

No comments:

Post a Comment