Mẹ mong gả thiếp về vườn
Ăn bông bí luộc, dưa hường nấu canh
Ca dao
Bà Phán
Hoành bảo con gái:
- Không
phải má ép uổng con, nhưng má thấy thằng Ba Thoại hiền lành lại con nhà khá
giả, có của ăn của để nên má mới tính gả con cho nó.
Cô Hai
Phụng Cơ e dè:
- Con
không muốn cãi má, nhưng lấy chồng miệt đó con ngại lắm. Má ơi đừng gả con xa,
chim kêu vượn hú biết nhà má đâu! Nội nghe ba tiếng U Minh Thượng là con rùng
rợn rồi!
Ngọn
đèn đặt trên chiếc bàn dài giữa cặp trường kỷ chạm nai, khỉ, chim, sóc, chùm
nho bỗng kêu một tiếng tách, tóe bông đèn rực rỡ như chùm pháo bông. Bà Ký Banh
trấn an:
- Cháu
đừng lo, Ông bà Hội đồng Huờn, ba má thằng Toại giàu sụ, có toà cao lẫm lớn,
dãy dọc nhà ngang. Dinh cơ họ rộng minh mông, đầy cây cao bóng mát. Ổng bả tuy
ở miệt khi ho cò gáy nhưng biết cách ăn ở theo người tỉnh thành, nuôi nhiều tôi
trai tớ gái. Cháu mà về làm dâu nhà họ, cháu khỏi làm động tới móng tay, sẽ có
ba con tớ gái hầu hạ. Một đứa lo việc chải đầu rửa mặt, một đứa lo việc bếp
nước, một đứa để cháu sai vặt. Con vợ thằng Hai Tường sao thì cháu cũng được
như vậy.
Cô Hai
Phụng Cơ liếc xéo bà Ký Banh. Bà nầy có tật ít xít ra nhiều. Vận sự nào mà lọt
qua miệng bả cũng được bả nhơn lên gấp rưỡi, gấp đôi sự thiệt. Ðó là vận sự
thường. Còn đối với việc làm mai làm mối, làm áp-phe để sanh lợi biết đâu bả
chẳng nhơn lên gấp ba gấp bốn, một nhúm gạo bả nấu thành nguyên nồi cháo, nghe
tiếng pháo bả sẽ hô tiếng pháo thần công cũng không chừng. Chèn ơi, lúc kể về
cái bề thế giàu sang quí phái của ông bà Hội đồng Huờn, mặt bà Ký Banh như mê
đi. Bà Phán Hoành ngồi giảo tai ra nghe, miệng nín khe nhưng cặp mắt long lanh
háo hức, coi không giống ai.
Cô Hai
Phụng Cơ là bạn cô Tư Nguyệt Yếng, con gái của bà Ký Banh. Cô nầy có người chị
con nhà bác tên Hai Nguyệt Thanh lấy con trai lớn của ông bà Hội đồng Huờn là
Hai Tường. Song thân cô Hai Nguyệt Thanh là ông bà Phủ Bảnh chẳng những có tước
trọng quyền cao mà lại là bực đại điền chủ ở Vĩnh Long, có 200 mẫu ruộng tốt ở
miệt An Hương, Mỹ An. Khi cô Hai Nguyệt Thanh về làm dâu ông bà Hội đồng Huờn
thì ông bà Phủ Bảnh cho cô hai đứa tớ gái là con Xiêm, con Lài theo hầu.
Theo lẽ
thường, khi sanh con đầu lòng, con gái phải về nhà cha mẹ, xổ bầu, tịnh dưỡng
cho tới khi cứng cáp mới về lại nhà chồng. Cô Hai Nguyệt Thanh vừa về tới nhà
tía má mình, véo von với lũ em liền:
- Chèn
ơi, được về đây, tao tưởng chừng ở chín tầng địa ngục trồi lên dương gian. Bởi
tao lụy ảnh nên tao mới chịu về U Minh Thượng chớ xứ gì mà đầy rừng tràm, nước
đỏ au, đất phèn khô khao khô khốc, trồng chuối còn chưa được, nói chi tới trồng
cam, quít, ổi, mận... Hãy day qua bên nầy thì gặp rừng tràm; day bên nọ thì gặp
sóc Thổ; ngó về bên kia là đồng đầy cỏ lác, cỏ năng; ngước qua đàng trước gặp
đám điều lộn hột; ngoái lại đàng sau là thấy ao, bàu, lung, vũng, đám sậy, rừng
lau…
Về tới
Vĩnh Long, cô Hai Nguyệt Thanh ăn hàng để báo thù những ngày thèm lạt ở chốn
khỉ ho cò gáy. Cô ăn quít đường, cam hồng mật, đu đủ, xoài, mận, ổi xá lỵ…Cô ăn
ốc gạo, thịt heo quay, thịt vịt quay…Nhưng hôm cô Hai Phụng Cơ theo cô Tư
Nguyệt Yếng tới thăm ông bà Phủ Bảnh, được mời ăn cơm, mới rõ được phần trù phú
của quê chồng cô Hai Nguyệt Thanh. Vừa ngồi vào mâm, cô Hai Nguyệt Thanh đã trề
môi nhún mỏ, ỏng ẹo chê bai:
- Xời
ơi, con cá lóc xứ Vãng mình sao mà ốm o đèo đẹt! Tôm trứng cỡ ngón tay thì
nhiều mà tôm càng cỡ cườm tay thì ít nên mắc như vàng. Xứ sở của chồng tui bị
thiệt hại về trái cây nhưng được xôm về tôm cá. Tôm càng dưới đó rẻ rề, mỗi lần
ăn tôm, lấy gạch ra cầu cả chén. Cá lóc, cá bông bự bằng bắp chơn, trứng lớn cả
ngón trỏ…Còn loại cá lụn vụn như cá chốt, cá rói, cá linh ai mà thèm ăn! Thứ đó
chỉ dùng làm phân bón rẫy. Từ hôm về đây, bà con có thấy tui đi ăn cá nướng
trui, bún tôm nướng, chạo. suông bao giờ chưa? Mấy món đó, chị bếp của tía má
chồng tui làm hà rầm, ăn tới ngán ngược…
Cô Hai
Nguyệt Thanh vừa sanh xong thì tuần lễ sau Hai Tường và Ba Thoại đi đò máy rồi
đi xe đò lên thăm ở chơi nhà ông bà Phủ Bảnh vài ngày. Cô Hai Phụng Cơ tháp
tùng cô Tư Nguyệt Yếng đến đó chơi nên cô lọt vào mắt xanh chàng công tử miệt
vườn Ba Thoại.
Hai
Tường trắng trẻo, cao lớn, đẹp trai, ăn nói mềm mỏng duyên dáng, cô Hai Nguyệt
Thanh vui lòng về làm dâu chốn khỉ ho cò gáy cũng phải. Còn Ba Thoại tuy cao
lớn như anh, mặt mũi không có gì đáng chê trách, nhưng sắc diện lầm lì, cặp mắt
soi mói, nhìn ai là như muốn xoáy vào da thịt, tim gan đương sự. Vừa mới chạm
mặt chàng ta, cô Hai Phụng Cơ đã nghĩ thầm: «Cái thứ tẩm ngẩm tầm ngầm như tên
nầy dám làm chuyện động trời động đất lắm đa. Xời ơi, cái miệng thằng chả khi
cười coi sao mà nham nhở! Tui có giành trâu cướp ruộng hắn đâu mà hắn cứ nhìn
tui gườm gườm như muốn ăn tươi nuốt sống vậy cà! »
Ba
Thoại muốn ăn tươi nuốt sống cô Hai Phụng Cơ thiệt. Chàng nhờ chị dâu mình cậy
bà Ký Banh làm mai cô Hai Phụng Cơ cho chàng sau khi viết thơ về tỏ tường trong
đục cho cha mẹ hay.
° ° °
Cô Hai
Phụng Cơ lấy chồng mà lòng bất mãn lắm. Không phải cô chê Ba Toại xấu trai hay
dị dị, nhưng khi nghĩ đến cảnh đi làm dâu tại vùng cực nam đất nước, chốn đĩa
vắt muỗi mòng, trên có rừng cọp, dưới có sấu mà tay chơn cô bủn rủn, hồn phách
cô bàng hoàng.
Ðám
cưới được tổ chức tại nhà hương hoả của ông bà Cai Tổng Viên, anh ruột của bà
Hội đồng Huờn, thuộc quận Cái Răng, tỉnh Cần Thơ. Cô dâu chú rể ở đó chơi một
tháng hoặc đi Sài gòn, Vũng Tàu tùy ý rồi mới trở về U Minh Thượng.
Trước
ngày vu qui, cô Hai Phụng Cơ khóc với cô Tư Nguyệt Yếng:
- Tao
lấy chồng mà lòng lạnh ngắt. Trời đất thánh thần ơi, rồi đây về U Minh Thượng
nếu tao không bị muỗi tha xác thì cũng bị đĩa hút hết máu, sống sao cho nổi để
về thăm mẹ cha, chòm xóm cùng bạn bè xứ Vãng nầy?
Bà Ký
Banh bảo bà Phán Hoành:
- Rồi
đây con Hai của chị sẽ ăn nên làm ra. Từ của cải ruộng đất của chồng, nó sẽ làm
ra cơ nghiệp đồ sộ cho chị coi. Hôm tui tới nhà chị làm mai thì thấy ngọn đèn
trổ bông chói loà. Ðiềm hên đó đa chị!
Cô Hai
Nguyệt Thanh bảo cô Tư Nguyệt Yếng và cô Hai Phụng Cơ:
- Má
chị có lần đi xuống U Minh Thượng dự đám tang của bà mợ dâu, có dịp viếng nhà
ông bà Hội đồng Huờn. Bả thấy gia cảnh của họ rỡ ràng nên muốn gả chị cho anh
Tường, không cậy ai mai mối. Khi trở về đất Vãng, bả rủ chị tới thăm cậu của
chị, rồi tổ chức cho anh Tường gặp chị. Vừa gặp chị, cả hai bị tiếng sét ái
tình long trời lở đất, dội ngực thốn tim. Bởi đó chị mới chịu về cái xứ quê mùa
hẻo lánh đó làm dâu.
Ai cũng
nói vô thì cô Hai Phụng Cơ làm sao lộn nài bẻ ống tháo ra đây? Vào thập niên
30, các cô gái đều phải chịu cảnh cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Vả lại Ba Thoại
chẳng những có ăn học mà còn dễ coi, vóc mình liền lạc, tay chơn cứng cáp, phải
thế trượng phu, cho nên cô đành ngâm hai câu:
Ra đi
là sự đánh liều,
Mưa mai
nào biết nắng chiều nào hay
Cô Hai
Phụng Cơ đi lấy chồng thì cảnh nhà ông bà Phán Hoành lạnh ngắt. Bởi tánh cô bãi
buôi vui vẻ, ưa nói véo von, ưa cười giòn khấm khứu, ca hát lảnh lót nên cảnh
nhà ấm áp, vắng cô là vắng tất cả sinh động. Cây khế ngọt trổ bông tím quanh
năm ngoài bến nước từ đó vắng bóng cô chiều chiều ra hóng mát hoặc thêu thùa.
Có chàng trai chiều chiều chèo tam bản dọc trên sông Long Hồ, khi qua đó thường
ngâm nga:
Trèo
lên cây khế mà rung
Khế rớt
đùng đùng không biết khế ai!
Khế của
ông Phán chẳng sai
Khế vừa
có trái, cô Hai đi lấy chồng…
Hôm đám
cưới, cô Hai Phụng Cơ mặt mày ủ ê bất mãn. Lũ chị em cô cậu, lũ chị em bạn dì,
lũ chị em chú bác với cô kẻ thì lấy chồng cùng tỉnh, người thi lấy chồng Sài
gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ, Sa Ðéc…ai cũng được hưởng ánh sáng thị thành, ai cũng có
dịp khoe thú ăn chơi, những chuyện giao du của mình với xã hội…Riêng cô phải
lấy chồng xa mút tí tè. Ðã vậy khi xe nhà trai tới thì trời bắt đầu mưa lâm
râm, tới lúc ông bà mai lên cặp đèn sáp chạm rồng phụng thì bên ngoài mưa như
cầm tĩn mà đổ. Tuy nhiên hai ngọn đèn cháy đều, sáng phừng như hai búp sen bằng
lửa.
Trên
đường về Cái Răng qua bắc Cần Thơ, tới nhà ông bà Cai Tổng Viên, trời vẫn mưa
lai rai. Trước khi ra xe để về Vĩnh Long, bà Ký Banh vịn vai cô Hai Phụng Cơ,
cười ngỏn ngoẻn:
- Ðám
cưới mà gặp mưa là điềm tốt đó đa cháu. Lại nữa, khi bác trai và bác lên cặp
đèn, thì ngọn đèn cháy đều và sáng quắc. Thêm một điềm tốt nữa, cháu có thấy
không?
Cô Hai
Phụng Cơ miệng thì dạ dạ nhưng cặp mắt kín đáo liếc xéo bà mai, tại bà thày lay
mà tui xa xứ, tại bà ham đầu heo bự mà tui lìa quê.
Cô Hai
Phụng Cơ hai tuần sau, từ Vũng Tàu gởi thơ cho cô Tư Nguyệt Yếng:
Ô Cấp,
ngày….
Bớ con
Nguyệt Yếng,
Chồng
tao dắt tao đi Ô Cấp, ở khách sạn để hưởng tuần trăng mật. Sau đó ảnh sẽ đưa
tao qua Long Hải ở chơi thêm một tuần nữa. Tụi tao sẽ leo núi Bồng Lai, viếng
am cốc..
Giờ đây
tụi tao tắm biển đã đời, ăn sò huyết, cua biển, ghẹ, nghêu, chem chép, ăn đủ
món cá…Tao thức thiệt khuya, dậy thiệt trể, đêm ngắm trăng biển, ngày nghe nhạc
phi lao. Tao phải nói rằng tao hạnh phúc. Chồng tao cưng tao lắm Yếng à. Trung
tuần tháng tới tao sẽ theo chồng về chốn U Minh Thượng xa lắc tí tè. «Có chồng
thiếp phải theo chồng. Nắng mưa thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam ». Có tình yêu
của chồng, tao thấy cuộc đời nơi quê hương mới không còn ghê gớm như tao đã
nghĩ trước kia. Rồi đây mầy và tao mỗi người mỗi ngả, hướng rẽ càng dang xa.
Tao chỉ biết cầu cho mầy hạnh phúc viên mãn, cầu luôn cho trăm năm sau, hạnh
phúc của tao vẫn tròn trịa như bây giờ, không sứt mẻ, không trầy trụa, Yếng à.
Tao tạm
dừng bút. Hẹn khi về tới U Minh Thượng sẽ gởi thơ tiếp. Nhớ cầu Trời Phật phò
hộ cho hai đứa mình nghen mậy.
Bạn
mầy,
Trần
thị Phụng Cơ
Bà Ký
Banh nhân một hôm đến nhà bà Phán Hoành ăn giỗ, cười bảo bạn:
- Con
gái đứa nào cũng như đứa nấy, hễ đi lấy chồng xa là mặt mày ủ dột, oán ghét ông
bà mai cắc cớ trớ trêu xô tụi nó ra khỏi nhà cha mẹ. Ðó, chị coi đó, con Hai
bây giờ cơm ngon canh ngọt với chồng, nó viết thơ về tháo trút tâm sự với con
gái tui mà tâm sự nào cũng hân hoan ráo trọi.
° ° °
Cô Hai
Phụng Cơ vừa đút đầu vô nhà chồng ở U Minh Thượng là gặp cái không khí nghiêm
trọng rồi. Ông bà Hội đồng Huờn mặt như tráng một lớp thép mỏng nguội ngắt. Hai
Tường tuy cười mà nụ cười kềm hãm không để lộ nguyên hàm như hồi chàng đến thăm
ông bà Phủ Bảnh. Còn cô Hai Nguyệt Thanh chưa chi đã đổi gương mặt nhí nhảnh
hồn nhiên thành vẻ mặt trịch thượng của bậc kẻ cả, thấy mà ngứa gan.
Dinh cơ
của ông bà Hội đồng Huờn cách chợ làng khoảng năm cây số. Chợ nầy có nhiều gian
hàng lợp lá của người Tàu, có tiệm mì, hủ tiếu, có tiệm chạp-phô tiệm vải. Từ
nhà họ, khách bộ hành có thể vượt qua đám điều lộn hột hoang dã, vượt qua bãi
lau sậy, qua cánh đồng cỏ năng để đến sóc Thổ của người Miên rồi đến xóm Cây Da
của người Việt dọc theo dòng kinh đào. Từ vàm kinh đào giáp với lòng rạch song
song với rừng tràm, du khách có thể vượt sáu cây số là tới chợ Chắc Băng, nơi
thị tứ sầm uất.
Nhà ông
Hội đồng gồm ba căn hai chái, nóc lợp ngói âm dương, nền đá da qui cao tới
ngực, ở hàng ba thì lót gạch men trắng vẽ bông xanh, bên trong lót gạch trắng
chen gạch đỏ. Bên trái ngôi nhà từ ngoài ngó vô là sân lót gạch tàu, kế đó là
lẫm lúa gồm ba căn, vách bổ kho, mái lợp ngói móc. Lẫm lúa cũng có hai chái.
Chái bên trái dành để nông cụ, chái bên mặt để cối xay lúa và cối giã gạo.
Trong sân nhà có cây mù u tàn rậm, che bóng mát một vùng. Sân trước bày hòn non
bộ, mấy chậu cau kiểng, tóc tiên, kim quít. Phía sau nhà là cây da xà cũng để
lấy bóng mát. Trong vườn, ông Hội đồng Huờn cho trồng dừa Tam Quan, cau xiêm,
mãng cầu xiêm. Ông cũng đang thử trồng chuối nhưng vì đất còn nhiều phèn nên
chuối còi cọc lắm. Chung quanh khuôn viên nhà, ông cho đào mương, mỗi hướng có
chiếc cầu tre bắc qua bên kia đường đê của đám ruộng. Dọc theo mương, ông trồng
làm hàng rào bên ngoài, trồng cây xương rồng và cây độc trụ bọc bên trong.
Vợ
chồng Hai Tường chiếm căn phòng ở chái bên trái, có cửa sổ trổ ra sân gạch tàu
và lẫm lúa. Vợ chồng Ba Thoại chiếm căn phòng ở chái bên mặt, có cửa sổ ngó ra
mương nước thả dây ấu xanh tươi,
Cô Hai
Phụng Cơ từ nhỏ tới lớn chỉ lo ăn học. Tư tưởng tự do lãng mạn nơi mấy cuốn
tiểu thuyết từ năm nầy qua năm nọ chui vô óc cô rồi mắc kẹt luôn trong đó. Song
nó chưa có dịp ngo ngoe vẫy vùng. Bởi lẽ cô chưa va chạm với đời nhiều nên cô
còn nhút nhát. Bởi lẽ ba má cô giáo dục cô theo lối xưa nên cái tánh quật khởi
của cô chưa có dịp cháy phừng. Về nhà chồng, cô chẳng biết nấu nướng chi ngoài
các món cá kho, thịt kho, vài món canh, món xào thông thường. Trong khi đó, cô
Hai Nguyệt Thanh là con ông Phủ, địa vị bên cô ta trội hơn bên chồng nên cô
được thung dung tự tại, làm bếp hụ hợ, thêu may cầm chừng. Cô Hai Nguyệt Thanh
ngoài con Lài, con Xiêm là hai tớ gái cô mang theo, cô còn được bà má chồng cho
thêm con Kim Heng lai Miên để cô sai vặt. Trong khi đó, cô Hai Phụng Cơ chẳng
mang theo tớ gái nào, mà bà Hội đồng Huờn cũng chẳng nghĩ tới việc mướn cho cô
một mụ nào để phụ bếp, để coi sóc nhà cửa giúp cô. Từ khi cưới cô cho Ba Thoại,
bà Hội đồng Huờn cho mụ bếp Năm Cánh nghỉ việc. Con Lài, con Xiêm tuy có phụ cô
việc bếp núc, việc coi sóc nhà cửa, nhưng tụi nó không phải là đầy tớ của cô
nên cô không dám sai bảo tụi nó nhiều hay cằn nhằn rầy la chi cả.
Một
hôm, cô Hai Phụng Cơ nấu cơm gạo mới. Cô vô ý đổ nhiều nước và đợi cơm sôi ba
dạo mới chắt nước. Cô Hai Nguyệt Thanh khi mở nắp vung ra liền cười bảo bà Hội
đồng Huờn:
- Mèn
ơi, con tưởng đâu hôm nay thím Ba khuấy bánh đúc chớ!
Bà Hội
đồng Huờn xáng cho cô Hai Phụng Cơ một cái nhìn nháng lửa:
- Xời
ơi, ai coi con dâu út của tui! Nó nấu cơm chẹt nhẹt, nhão nhừ làm như ai nhai
cơm rồi nhổ phẹt vô nồi vậy!
Khoảng
đời làm dâu ba năm của cô Hai Phụng Cơ tốn biết bao là nước mắt. Nhưng trời bù
đắp là Ba Thoại yêu thương cô rất mực, thường che chở cho cô nên cô cũng nguôi
ngoai phần nào. Lại nữa cô Hai Nguyệt Thanh chỉ đẻ một mụn con gái rồi nán một
thời gian dài. Còn cô Hai Phụng Cơ đẻ liên tiếp hai đứa con trai. Nhờ sanh đẻ,
máu huyết thay đổi, cô Hai Phụng Cơ phốp pháp và trắng phau phau.
Ít lâu
sau, ông bà Hội đồng Huờn cất nhà cho vợ chồng Ba Thoại ở xóm Cây Da để cả hai
trông nom sở ruộng ba mươi mẫu, loại ruộng gò. Nhà của họ cũng ba căn hai chái,
vách bổ kho nhưng mái lợp ngói móc, nền lót gạch tàu. Chung quanh khuôn viên là
hàng rào đóng bằng cây tràm khô dầy bịt.
Ngay
khi về nhà mới, cô Hai Phụng Cơ ỏn ẻn với chồng:
- Em
thiệt không ngờ mình cưng em nên khi thì òn ỉ, khi thì làm trận làm thượng với
ba má để giờ đây vợ chồng mình có giang sơn một cõi. Có vậy em mới tìm lại đời
sống riêng cho em, cho anh…
Trong
lúc bồng bột vì sung sướng, Ba Thoại ôm vợ hun trơ hun trất:
- Em
càng ngày càng mơn mởn nuột nà, nhìn hoài không chán, nhìn suốt tháng cũng chưa
bưa. Hễ chỗ nào em vui là anh vui. Ba mươi mẫu ruộng nầy là của chú Tư anh để
lại cho anh chớ không phải của ba má anh đâu.
Về ở
xóm Cây Da, cô Hai Phụng Cơ sắm chiếc ghe hầu, mui sơn xanh da trời, mũi ghe
chạm trổ, khung cửa khoang cũng chạm trổ. Hễ buồn buồn, cô kêu bạn chèo ghe đưa
mẹ con cô ra chợ Chắc Băng ăn mì, cháo, hoành thánh, nem nướng đã đời. Ðôi khi
cô cùng chồng đi viếng các sở rẫy của người Triều Châu, mua bông bí đem về luộc
chấm nước cá kho hay chấm mắm nục, mắm nêm. Có lần đi ngang Cầu Ðúc Cái Xình
mua dưa hấu về ăn Tết, gặp trái ruột hường lợt, cô xắt ra để nấu canh tôm thịt
rồi rắc tiêu, hành, ngò gai. Rừng tràm bên kia dòng rạch đầy dây choại, hễ khi
ăn chay cô sai con Tím qua bên đó hái đọt choại nõn mềm về luộc. Khoai lang ở
đây rẻ rề, cô sai bà vú Dần mài khoai ra nhào với nước rồi vắt nước cốt lược
qua lớp vải the mỏng. Bột trong nước cốt lắng xuống, cô chỉ cần gạn bỏ nước
trong rồi đem bột ướt phơi khô. Thứ bột nầy khuấy nước sôi, trong văn vắt, có
màu nâu tím lợt, pha với đường phèn là trở thành một môn thuốc giải nhiệt thần
sầu, chẳng những ngon miệng mà còn trị được chứng mụn nhọt, đổ ghèn…
Cô Hai
Phụng Cơ khi về xóm Cây Da, đẻ lần thứ ba con tiểu tỳ song sanh, ba năm sau cô
rặn thêm một con oắt tì nữ. Còn bên U Minh Thượng, cô Hai Nguyệt Thanh đẻ thêm
một đứa con gái đèo đẹt nữa rồi nín luôn.
Cô Hai
Phụng Cơ biết địa vị của mình trong gia đình chồng đã vững lắm rồi. Cô ngoả
nguê trong hạnh phúc với người chồng lúc nào cũng một lòng một dạ yêu cô. Nhưng
cô vẫn còn vài điều bất mãn. Trước hết là cuộc đất ở xóm Cây Da khô khao, đất
chỉ có thể làm rẫy chớ không thể lập vườn. Ở đây chỉ có cây da, cây gừa, cầy
bình bát sống được. Nhìn quanh quất cô chỉ thấy rừng tràm dầy bịt, còn là đồng
chua, đất khô nứt, hoa đũa bếp nở rộ khi mùa mưa lướt thướt kéo về. Chợ Chắc
Băng thì xa, rồi đây hai đứa con trai cô phải rời xóm Cây Da ra ngoài học, sáng
đi chiều về bằng tam bản, thiệt không tiện chút nào. Thêm nữa, cái sóc Thổ gồm
toàn là người Miên khiến cô ngại lắm. Người Miên vốn giỏi bùa chú, thư ếm. Biết
đâu họ thấy vợ chồng cô giàu có sẽ thư ếm cho cả hai điên khùng hoặc đỏan mạng
để đoạt của.
Bà Hội
đồng Huờn tuy thương yêu hai thằng cháu nội nhưng vẫn không hề thông cảm với
nàng dâu út. Bà tức ấm ách vì từ khi về xóm Cây Da, cô Hai Phụng Cơ tìm cách
đuổi hết tôi trai tớ gái bà đưa đến. Từ chị bếp, cô tớ sai vặt, chị vú, các anh
lực điền đều là người quen biết của cô Hai Phụng Cơ, của bà Phán Hoành đưa về.
Bà Hội đồng Huờn ghim mối bất mãn trong bụng nên lâu lâu bà giả đò đến xóm Cây
Da để thanh tra và quan sát nếp sống của vợ chồng Ba Thoại. Bà lấy cớ ở cuối
xóm có ông thầy thuốc Miên giỏi tài trị phong thấp bằng ngải và lá thuốc cứu
nên lâu lâu bà cần đến xóm Cây Da vài ngày, truớc trị bịnh, sau để tiện đường
ra chợ Chắc Băn nhờ ông Bang Xạch Hui ở tiệm thuốc Khương Kiện Ðường coi mạch
hốt thuốc ích khí bổ thần cho bà.
Cứ mỗi
lần bà Hội đồng Huờn cùng con ở tên Thia tới nhà là cô Hai Phụng Cơ như cá mắc
cạn. Cô quay mòng phục dịch mẹ chồng, không dám nhõng nhẽo với chồng. Bà Hội
đồng Huờn đụng đâu là chê đó:
- Nè vợ
thằng Ba, đây là chỗ tạm, mầy sắm chi chén kiểu dĩa kiểu nhiều dữ vậy? Còn đồ
chứa nước mưa, mầy chỉ cần sắm hai chiếc mái dầm là đủ rồi, ai coi nó đã sắm
hai chiếc mái dầm rồi còn đến thêm lu bầu, rồi khạp, rồi bồn, rồi ảng…Nhà ông
Thiên Hộ, nhà ông Vạn Hộ chưa chắc xuê xoang bằng nhà nầy. Chèn ơi, cái sân thì
nhỏ, để dành phơi lúa chớ, sao mầy trưng bày bùm sụm, cau kiểng, mít kiểng làm
chi? Theo mép rào mà mầy không biết trồng bông đũa bếp là mầy quê lắm…Nhà nầy
sao mà không phép tắc gì hết! Tôi trai hễ rảnh là nhậu nhẹt, tớ gái bạ đâu nằm
đó, rồi tụm năm tụm bảy ngồi lê đôi mách, không thèm lý tới việc nhà…
Rồi vào
một lần thăm viếng của bà Hội đồng Huờn, cô Hai Phụng Cơ bắt đầu phản kháng. Cô
thấy mẹ chồng cô cư xử vượt quá giới hạn hơi xa. Hễ tức nước vỡ bờ, già néo thì
đứt dây, cho nên cô đợi dịp trả đũa.
Trưa
hôm đó, sau một chầu chỉnh lý nàng dâu, bà Hội đồng nằm trên võng đong đưa thiu
thiu dỗ giấc. Trong khi đó cô Hai Phụng Cơ ngồi trên chiếc divan cẩm lai, cắt
chiếc quần đáy giữa bằng cẩm nhung trắng. Cô liếc xéo về phía mẹ chồng. Xời ơi,
người gì mà khuôn mặt lưỡi cày, cặp môi củ ấu, đôi chơn mày xiên xiên, cái bên
mặt dấu sắc, cái bên phải dấu huyền. Mặt mày như vậy hèn gì tánh tình khó khăn!
Tui vốn nghiệp dầy đức mỏn, phước cạn nghiệp sâu nên mới nhào vô làm dâu mụ mẹ
chồng khó tánh hay chấp nhặt chấp thưa như bà thái hậu Ðịch Thiên Kim…Tui phải
làm sao cho bả từ đây nể mặt tui, lần lần tránh xa tui, để tui thở khoan khoái,
ợ ngáp tự do, duỗi co mặc ý…
Cô Hai
Phụng Cơ vừa thấy thằng Khương đi ngang qua liền hét lên:
-
Khương, tại sao bà nội mầy vừa ngủ mầy làm lộp cộp lạc cạc vậy? Ðồ bất hiếu,
không sợ trời đánh hay sao chớ?
Bà Hội
đồng Huờn giật mình choàng dậy thì cô Hai Phụng Cơ bồi liền:
- Ðời
nay con cháu gì kỳ quái! Bà nội tụi nó già cả giấc ngủ càng lúc càng ngắn, bữa
ăn càng lúc càng vơi, vậy mà khi bả mới dỗ giấc là tụi nó chạy rần rần, khua
động rầm rĩ thì bực già cả làm sao ngủ ngon được!
Bà Hội
đồng Huờn thở dài, đưa võng qua lại, mắt khép mà miệng lầu bầu. Cô Hai Phụng Cơ
xuống bếp kiếm cái dĩa nhôm rồi trở lên chiếc divan cẩm lai. Vừa khi nghe mẹ
chồng ngáy se sẽ, cô lấy chiếc kép đập vô dĩa nhôm, và dù không thấy thằng Ninh
ở đâu, cô cũng la oai oải:
- Thánh
thần thiên địa ơi! Mầy làm giống gì vậy Ninh? Bà nội mầy vừa ngon giấc kia cà,
bộ mầy đui hay sao mà cứ làm ầm ầm loảng xoảng, bưng đầu nhức óc vậy Ninh? Mầy
gan quá mà, mầy không sợ lưỡi búa Thiên Lôi mà!
Bà Hội
đồng Huờn choàng tỉnh dậy, giựt mình thảng thốt, cô Hai Phụng Cơ giả nhơn giả
nghĩa:
- Xin
má cứ ngủ ngon giấc. Bởi hai thằng cháu khỉ khọn rắn mắt cứ chạỳ giỡn làm đồ
đạc rớt bể tùm lum không cho má ngủ suông sẻ nên con phải la rầy tụi nó.
Bà Hội
đồng Huờn lại tiếp tục dỗ giấc. Vừa nghe bà ngáy như cưa cây, như thụt ống bễ
lò rèn, cô Hai Phụng Cơ ré lên:
- Tiên
nhơn tổ đường ơi, diều tới kia cà! Bây đâu? Mau đuổi diều mau coi nào. Tụi nó
bay qua sân thế nào cũng xớt gà con ăn thịt. Ê! Ế! Diều! Diều! Ê! Ế! Bay chỗ
khác chơi!
Bà mẹ
chồng lồm cồm ngồì dậy, nguýt nàng dâu một cái nháng lửa rồi đứng dậy phủi đít
bước ra hàng ba.
° ° °
Dòng
lịch sử chảy qua biết bao khúc quanh biến động. Từ khi ra riêng ở xóm Cây Da,
cô Hai Phụng Cơ cứ òn ỉ chồng mua vé quốc trái và gởi tiền vào Ðông Dương ngân
hàng. Riêng cô, cô lo sắm vàng, sắm hột xoàn và gởi cho má cô giữ.
Trước
năm 1945, nào Nhựt đảo chánh Tây, nào giặc Ðàng Thổ dậy lên giết chóc người
Việt, nào bọn Việt Minh đêm bắt hào phú trong làng đem đi thủ tiêu...Riêng ở
xóm Cây Da, nhờ ngài lục cụ và mẹ sóc hiền đức, tu hành tinh tấn nên dân Ðàng
Thổ không nổi lên làm giặc. Tuy vậy cô Hai Phụng Cơ vẫn sợ lắm, cô òn ỉ chồng
bán ba chục mẫu ruộng cho ông bà Bang Biện Hanh rồi dọn về Vĩnh Long mở tiệm
bán đồ tạp hoá nhập cảng từ bên Tây.
Năm
1945 khi Việt Minh lên nắm chánh quyền, vợ chồng Ba Thoại bị bọn Quốc gia Tự vệ
cuộc bắt tống giam về tội giao du với Tây. May nhờ có Ba Tốt, chồng Tư Nguyệt
Yếng vốn có công trạng với Việt Minh, ra tay can thiệp nên cả hai chỉ bị cạo
đầu và giam hai tuần lễ rồi được thả ra.
Riêng
ông Hội đồng Huờn thì bị bọn Việt Minh bắt đem thủ tiêu. May cho Hai Tường nhờ
theo ghe lúa đem bán cho chành ở Cái Răng nên thoát nạn. Cô Hai Nguyệt Thanh
tom góp của cải rồi cùng hai con chèo ghe than len lỏi đến chợ Vàm Xáng, Hoả
Lựu rồi đi đò máy về Cái Răng. Sau đó, vợ chồng Hai Tường lên Lèo làm ăn, mở
hãng xuất nhập cảng, công việc buôn bán càng lúc càng phát đạt.
Khi Tây
trở lại, Ba Tốt phải bỏ nhà vào khu Tám. Ðể nhớ ơn cứu mạng, cô Hai Phụng Cơ
giúp vốn cho Tư Nguyệt Yếng mở một tiệm chạp phô bán đồ nhậu kèm với món cháo
cá giò heo đối diện với miễu Quốc Công.
Khương,
Ninh vừa lớn thì tỉnh Vĩnh Long đã mở trường Cao Tiểu. Cả hai trúng tuyển vào
năm đệ nhứt. Cô Hai Nguyệt Thanh cũng cho hai đứa con gái mình là Nguyệt Hiên,
Nguyệt Phố về ở với ông bà Phủ Bảnh. Nguyệt Hiên học sau Khương, Ninh một năm,
còn Nguyệt Phố học chung trường Long Hồ với ba cô con gái của Ba Thoại là Phụng
Kiều, Phụng Các, Phụng Song.
Trước
khi người Thổ dậy giặc khắp Hậu Giang thì bà Hội đồng Huờn bị té, mang chứng
bán thân bất toại. Chính cô Hai Phụng Cơ đến U Minh Thượng săn sóc mẹ chồng.
Chính cô huấn luyện con Thìn trong việc chăm nom bà trước khi cô trở về xóm Cây
Da. Sau khi bà chết đi, tình bạn giũa cô và cô Hai Nguyệt Thanh nẩy nở chơn
thành. Rồi đó, những cơn gia biến đã thắt chặt thâm tình của hai chị em bạn dâu
thêm chặt chẽ.
Thù
giết tía chồng, thù bị sung công ruộng đất, thù bị cạo đầu xâm chàm vào tâm
khảm cô Hai Phụng Cơ. Tuy thương yêu, biết ơn cô Tư Nguyệt Yếng nhưng cô vẫn
không làm sao có cảm tình nổi với phe kháng chiến mà cô biết rằng cùng một phồn
một lũ với bọn Việt Minh cộng sản. Cô Tư Nguyệt Yếng từ chỗ có chồng vào bưng
kháng chiến, đâm ra có cảm tình với Việt Minh và chịu đứng ra truyền nọc cộng
sản khắp nơi. Chói tai gai mắt cho cô Hai Phụng Cơ biết bao khi cô thấy Ba Thế
Phụng, em trai cô, đi cưới Năm Huỳnh Mai, em gái Ba Tốt. Cả hai vợ chồng nầy hễ
gặp Tư Nguyệt Yếng là xúm vô nói xấu Tây, ngắt véo địa chủ, xỉa xói cái xa hoa
của những người giàu có như vợ chồng cô. Xời ơi, nói vậy mà nghe được! Nhà giàu
sang cũng có kẻ tốt người xấu, người nghèo hèn cũng có kẻ hiền lương người trật
búa chớ bộ! Cái bọn Việt Minh dưới mắt cô Hai Phụng Cơ là bọn ăn cướp cạn, vừa
sát nhơn vừa điêu ngôn xảo ngữ để tự phong thánh phong thần. Tía má chồng cô
tuy nghiêm khắc nhưng đối đãi với tá điền tá thổ vẫn có lòng nhơn đạo. Còn nhà
nước Bảo Hộ theo cô thấy chẳng có chỗ nào đáng chê trách hết. Thời họ, dân Nam
kỳ dù nghèo mạt rệp trên mâm cơm cũng có món canh, món mặn, món xào. Từ khi có
vụ chống Pháp, bề sinh sống bắt đầu khó khăn, mua gì cũng mắc. Cô Hai Phụng Cơ
vốn không ưa chánh trị nên cô không để ý gì đến thời sự. Cô nhìn những người ái
quốc qua những tên Việt Minh đã cạo đầu còn mắng nhiếc bêu xấu cô đủ điều. Tụi
khốn nạn đó sẵn dao bén còn cạo đôi chơn mày lá liễu của cô trụi lủi.
Hiện
giờ cộng sản, Việt Minh ở đâu không thấy, cô chỉ thấy vợ chồng Ba Thể Phụng, cô
Tư Nguyệt Yếng và lũ bạn cô Tư xúm lại bàn tán mấy cuốn tiểu thuyết đề cao
kháng chiến của Vũ Anh Khanh, Thẩm Thệ Hà, Liên Chớp, Dương Tử Giang, cô Hai
Phụng Cơ hầm lắm, đợi dịp chỉnh lý cái thứ ăn no rồi bày đặt ủng hộ bọn siêu
mưu làm loạn kia.
Hôm đó
nhà ông bà Phủ Bảnh có đám giỗ. Vợ chồng cô Hai Phụng Cơ, Ba Thể Phụng được mời
tới dự tiệc. Cô Tư Nguyệt Yếng là con cháu trong nhà nên có mặt từ hôm bữa giỗ
tiên qua bữa giỗ chánh. Từ khi con gái út của bà Phủ Bảnh là cô Út Ngọc Dung si
tình một thanh niên khuynh cộng thì Tư Nguyệt Yếng thường theo vợ chồng Ba Thể
Phụng đến rủ rê cô mỗi tháng đóng nguyệt liễm cho trạm y tế của phe kháng chiến
ở Cái Ngang. Họ còn giới thiệu cô Út bọn công tác thành, bọn nội ứng mà cô Tư
Nguyệt Yếng gọi bằng cái tên mỹ miều dũng cảm: "Những kẻ chiến đấu trong
lòng địch" để cô Út mở rộng tầm hoạt động.
Sau bửa
tiệc thịnh soạn, cô Út Ngọc Dung mời vợ chồng Ba Thể Phụng, cô Tư Nguyệt Yếng
và cá cô bạn đồng tâm đồng chí ra nhà mát, giáp mé sông Cái Cá để dùng trà
bánh. Cô Hai Phụng Cơ liếc xéo về phía họ rồi cất giọng rổn rảng hỏi bà Phủ
Bảnh:
- Thưa
bác, mấy năm nay bác có góp được lúa ở mấy sở ruộng miệt Tam Bình, chợ Thầy Phó
không?
Bà Phủ
Bảnh xụ mặt:
- Có
được hột nào đâu, cháu! Hồi năm 45, hai bác nhờ ông bà khuất mày khuất mặt phò
hộ nên trốn khỏi cuộc lùng bắt của bọn quỉ vương đó, kể là may lắm rồi. Giờ đây
mình vác thây vô vùng đó để góp lúa thì có khác nào dưng thây vào miệng cọp,
miệng chằn tinh cháu ơi!
Giọng
cô Hai Phụng Cơ rổn rảng một thì giọng bà Phủ Bảnh rổn rảng mười. Giọng bà rót
vào tai đám thanh niên rõ mồn một. Bà Phủ Bảnh tuyệt nhiên chưa rõ sự kết ước
của cô gái út mình với chàng thanh niên khuynh cộng. Bà chỉ thấy cô trưởng nữ
mình là cô Hai Nguyệt Thanh đã bao phen bị trầy vi tróc vẩy vì bọn Việt Minh,
cùng sự điêu đứng của vợ chồng bà hồi năm 1945, cho nên bà hung hăng khạc từng
tràng từng lọn lời ác, lời thô:
- Ai
sao kệ mồ tổ họ, chớ riêng bác, bác thích Tây ở xứ mình hoài. Tụi Tây mà xuống
tàu về nước, những kẻ chết trước là vợ chồng bác đó cháu. Hai bác làm sao sống
nổi với bọn đầu trâu mặt ngựa Việt Minh đó!
Cô Hai
Phụng Cơ cười hăng hắc, ôm chầm lấy bà Phủ Bảnh:
- Thiệt
tình, sao bác nói hạp ý cháu quá!
° ° °
Nhiều
đêm nằm gác tay lên trán để suy nghĩ nỗi nọ đường kia, cô Hai Phụng Cơ mới thấy
dù đời sống thị thành hạp với óc cầu tiến và tánh ham hoạt động của cô, nhưng
tâm hồn cô đã mọc rễ vào vùng đất U Minh Thượng, xóm Cây Da, chợ Chắc Băng khó
mà bứt ra. Ðành rằng đất phèn khô khan, trồng lúa thì được mà lập vườn phải đợi
vài chục năm nữa, nhưng đó là cuộc đất hứa hẹn vì nhà nước bắt đầu đào thêm
rạch, khơi thêm ngòi mới. Chất phèn trong đất mỗi mùa mưa, theo nước mưa trôi
xuôi ra biển mỗi lúc một nhiều. Trong những chuyến đi thăm bà con bên chồng ở
miệt Hóc Hoả, Hoả Lựu, vịnh Chèo, vịnh Trà Bay, cô Hai Phụng Cơ thấy đất cát
vùng đó bắt đầu trồng được chuối, mãng cầu xiêm, dừa, cau, khó...Những vùng đó
nào có xa xôi gì với quê chồng cô, vậy thì cái ngày U Minh Thượng lập thành
vườn chắc cũng không mấy lâu. Nhưng Việt Minh đã xô đẩy vợ chồng cô Hai Nguyệt
Thanh và vợ chồng cô khỏi cuộc đất hứa hẹn đó. Sau hiệp định Genève, cô dò dẫm
về thăm quê chồng thì nghe rằng trước khi tập kết ra bắc, Việt Minh gài bọn nằm
vùng rất đông. Chúng đã nửa đêm tới nhà bắt thầy Tư Thạnh con ông Bang Biện
Hanh đem đi thủ tiêu. Chúng còn liệng lựu đạn vào đám tiệc của Xã trưởng Thọ.
Cảnh sát hương thôn yếu quá, không dám vô sâu trong lán trong bưng nên bọn nằm
vùng vẫn tiếp tục lộng hành.
Ðường
về quê chồng đối với cô Hai Phụng Cơ kể như mất lối. Thuở ở xóm Cây Da tuy cô
siêng năng lo việc tề gia nội trợ nhưng không quá nô lệ vào thời giờ như khi ra
thị thành buôn bán. Ðối với cô, nó là thiên đường vì vợ chồng cô đã sống đời tự
lập, đã nếm mùi hạnh phúc lứa đôi ở đó. Hai thằng con cô không hề giữ lại một
chút gì về quãng đời thơ ấu của chúng nơi quê cũ. Thằng Khương thi đậu tú tài
liền ghi tên học Y khoa, còn thằng Ninh thì học Dược. Thằng anh đãi bôi:
- Con
ráng kiếm tiền để về già chuộc lại ruộng vườn xưa, sửa lại mái nhà hương hoả.
Từ đây tới đó, tình hình thời cuộc sẽ đổi khác, má tin đi!
Thằng
em cũng nói xạo:
- Hễ
lúc nào đầu óc căng thẳng, con đọc truyện đồng quê của Phi Vân, Bình Nguyên
Lộc, Sơn Nam là đầu óc con mát rười rượi. Kiếm nhiều tiền, con sẽ mua vườn ở
ven đô hay vùng phụ cận tỉnh nhà, con sẽ nhường cho má sắp đặt khuôn viên giống
như nhà cửa, khuôn viên ở xóm Cây Da.
Ôi, tất
cả còn là lời hứa, còn là dự định, bao giờ mới thực hiện được đây? Cô Hai Phụng
Cơ dẫu sao cũng bằng bụng lắm. Cô nghĩ con nhà tông không giống lông cũng giống
cánh. Cô chẳng có cái tài gì đặc biệt để cho các con giống, cô chỉ có niềm yêu
đất quê. Tụi nó mà biết noi theo chí hướng và tấm lòng tha thiết với cố hương
thì tụi nó sẽ tạo được một cơ nghiệp, một giang san cho con cháu sau nầy.
Con
Phụng Kiều thi đậu xong trung học đệ nhứt cấp thì chọn học ban A. Nó thường
khoe với cả nhà:
- Chèn
ơi, thầy Toản dạy toán lý hoá ăn nói đậm đà, có duyên ác!
Con
Phụng Song chõ mỏ:
- Em
biết mà, thẩy là người Bắc kỳ.
Con
Phụng Kiều trợn mắt nhìn em, táp liền:
- Bắc
kỳ rồi sao? Bộ Bắc kỳ không có quyền hát hay, nói giỏi hay sao? Tao thử hỏi
mầy: ca sĩ hát tân nhạc xứ mình, người Bắc nhiều hay người Nam nhiều? Trong mấy
cuộc họp, ai lên phát biểu ý kiến hay? Tao thấy người Nam mình hát vọng cổ thì
mùi, còn hát tân nhạc thì lạt nhách. Hễ vô hội họp thì người Nam mình ngồi thù
lù một đống, quan bảy cũng ừ, quan tư cũng gật...
Cô Hai
Phụng Cơ hoảng kinh nhìn cô trưởng nữ. Coi vèo nầy, con nha đầu kia mê trai Bắc
kỳ rồi. Cái thứ Bắc kỳ vô đây ở nhờ mà luôn coi mình là khách. Họ ăn vú sữa,
xoài, tôm càng, cá chái mà miệng cứ luôn luôn ca tụng đào, mơ, mắm rươi, cá
chép...Cô nhứt định rồi, không cho nó kết hôn với kẻ khác xứ. Ai chê cô kỳ thị
Bắc Nam cô chịu, chớ cô nhứt định chọn rể nếu không là người sông Hậu thì cũng
là người sông Tiền, biết rành tập tục miền Nam, biết thưởng thức cải lương,
vọng cổ, biết nhậu rượu đế với thịt chuột, dơi, rắn, lươn...Nhưng rồi con Phụng
Kiều của cô tuy khen thầy Toản nói giỏi, hát tân nhạc hay mà nó lại chọn thằng
sinh viên Bắc kỳ học trường Nông lâm súc. Thằng nầy tuy khôi ngô nhưng ít nói,
giọng thùng thiếc bể nên hát tân nhạc rất dở. Cô Hai Phụng Cơ bực mình lắm vì
bọn Tư Nguyệt Yếng, Ba Thể Phụng cứ theo eo sèo chì chiết.
Sự chia
rẽ Bắc Nam càng lúc càng phai lợt dần trong tâm tưởng hai bên, Bắc cũng như
Nam. Ðó là lúc vợ chồng cô ghiền nghe ngâm thơ Tao Ðàn, mê trà mạn sen, ưa ăn
bánh cuốn, phở, bánh tôm chiên, bánh cốm, bánh xu xê...Nhìn thằng rể Bắc kỳ ăn
thử một múi sầu riêng mà nhợn tới nhợn lui, cô Hai Phụng Cơ thông cảm:
- Cũng
có nhiều người Nam không ăn được sầu riêng vì chê hôi, để má gọt xoài cát, đu
đủ cho con ăn.
Tía má
chàng rể Bắc kỳ vốn hấp thụ nho phong nên cư xử đứng đắn, ăn nói mực thước
khiến trước mặt họ, cô Hai Phụng Cơ cảm thấy mình quê mùa kém cỏi. Dù họ không
có chỗ nào đáng chê trách, nhưng cô vẫn kiếm chuyện để hạ họ xuống ngang hàng
thì cô mới bằng bụng. Bởi đó, trong bức thư gởi cho vợ chồng Hai Tường, cô
viết: "Ông suôi bà suôi của tụi em mặt mày chim bỉm. Xời ơi, theo người
Nam mình, suôi gia gọi nhau bằng anh chị. Ðằng nầy họ gọi tụi em bằng ông
bà..Xí, cái thứ trôi sông lạc chợ vô tới quê người mà không chịu nhập giang tùy
tục, cứ ăn nói kiểu cách, nghi lể rườm rà thấy phát ghét!"
Con
Phụng Kiều tuy được làm kỹ sư phu nhơn nhưng cô Hai Phụng Cơ coi con gái mình
như Chiêu Quân cống Hồ. Cô chỉ còn cậy trông vô sự hiểu biết của hai đứa kế.
Nhưng ông bà ông vải ơi, trái tim con người vốn dại dột. Nghe con Phụng Các mở
miệng ra là khoe dân Nam mình thế nầy, dân Nam mình thế nọ, ai có dè nó lên Sài
gòn gặp một thằng Bình Ðịnh là lậm liền. Nó ỏn ẻn khoe với con Phụng Song:
- Ảnh
sanh trưởng tại làng Tây Sơn, quê hương của vua Quang Trung Nguyễn Huệ đó đa.
Ảnh còn biết võ nữa. Em còn nhớ câu: "Ai về Bình Ðịnh mà coi. Ðờn bà cũng
biết múa roi đi qườn" không?
Cô Hai
Phụng Cơ sẳn lòng chiêm ngưỡng vua Quang Trung cùng chiến công hiển hách của vị
anh hùng ấy. Cô cũng rất ái mộ văn tài của nhà văn Võ Phiến. Nhưng nếu hoàng đế
Quang Trung có tái sanh, ông Võ Phiến có chưa vợ mà đi hỏi con Phụng Các, chắc
cô cũng hoang mang lắm. Làm sao cô ưa nổi cái quê hương nghèo nàn cùng cách
phát âm bù chả bù chẹt của một vùng trên dải đất Trung kỳ?
Phụng
Các và gã sinh viên Bình Ðịnh kia vừa tốt nghiệp xong thì được bổ đi dạy ở Bình
Dương. Có thêm thằng rể không phải là dân Nam kỳ quốc, lại chỉ là nhà mô phạm
lương ba cọc ba đồng, cô Hai Phụng Cơ bất mãn ra mặt.
Trong
chiến tranh, vùng kiểm soát của phe quốc gia sau chiến dịch Phụng Hoàng càng
lúc càng thu hẹp. Cô Hai Phụng Cơ hết mong lập vườn ở ven đô hay các vùng phụ
cận tỉnh Vĩnh Long vì vùng nào cũng có đánh nhau, có lộn xộn. Tuy bị cuốn theo
mệnh nước nổi trôi, cô Hai Phụng Cơ vẫn hy vọng mong manh, hy vọng vô căn cứ.
Nhiều đêm nhớ về U Minh Thượng, cô trằn trọc với nỗi u hoài khó hiểu trong khi
chồng cô, Ba Thoại, ngủ ngáy pheo pheo bên cạnh. Từ lâu sống ở đô thị, tiếp xúc
với thị dân miền Nam, với người Bắc trung lưu, nghe cách phát âm ráo rẻ của
người Sài gòn, cô Hai Phụng Cơ nhớ tha thiết giọng nói quê mùa đả đớt của dân
Hậu giang. Họ không phát âm đúng được những tiếng khởi đầu bằng chữ r và bằng
chữ kh. Ôi làm sao cô quên câu "con cá gô bỏ vô gổ nhảy nghe gột
ghẹt" và câu "phia phia ăn phai cho phẻ" của các anh nông dân,
của các chị thương hồ? Vậy mà khi ra đồng làm ruộng hoặc lúc chèo ghe nới sông
rộng, họ "mùi" sáu câu vọng cổ, vần và chữ được phát âm trúng phóc,
nghe giống Út Trà Ôn, Hữu Phước thất kinh. Ôi Hậu Giang! Ôi quê xưa xa lắc! Có
nhiều lúc cô tưởng chừng nó lọt ra ngoài giấc mộng qui khứ lai từ của cô khiến
cô đau thắt ruột gan.
° ° °
Sau
30.4.75, đứa con trai lớn của cô Hai Phụng Cơ đi học tập năm năm rồi được thả
về sống nhờ tiền cấp dưỡng của thằng cháu đích tôn của cô gởi về. Thằng thứ nhì
nhờ vợ có quốc tịch Pháp nên được qua Pháp theo chính sách hồi hương. Con Phụng
Song nhờ làm chiêu đãi viên hàng không nên bay qua đảo Guam trước ngày 30.4.75.
Vợ chồng con Phụng Kiều liều thân vượt biển, trên chuyến hải hành phải thủy
táng thằng con bốn tuổi vì thiếu nước. Sau đó gia đình nó định cư bên Úc. Vợ
chồng con Phụng Các may mắn vượt biên êm xuôi qua Nam Dương rồi lập nghiệp ở
Hoa kỳ. Con Phụng Song làm giấy tờ bảo lãnh cho cha mẹ qua Mỹ. Ba Thoại bắt đầu
lẩn thẩn, ưa moi đống rác, lượm chai lọ, đồ phế thải chất đầy góc nhà. Còn cô
Hai Phụng Cơ mạnh dạn mở tiệm bán sách báo, kèm thêm bánh mì nên sống rất vững.
Phụng
Song làm quen được một chàng bác sĩ, dắt về nhà giới thiệu với cha mẹ:
- Nam
kỳ chánh cống đó ba má.
Cô Hai
Phụng Cơ bằng bụng lắm, lòng phơi phới. Chàng rể nầy chào đời ở Ô Môn thuộc Cần
Thơ. Chàng có kiến thức sâu rộng về miền phù sa sông Cửu. Cô Hai Phụng Cơ có
nhiều dịp kể cho chàng ta nghe về quê hương của chồng mình. Từ đó chàng lân la
tới nhà cha mẹ vợ tương lai, chàng khuyến khích Ba Thoại viết hồi ký cho nên
chồng cô có việc làm để giải trí. Cô Hai Phụng Cơ tưởng như ông trời vừa lì xì
cho mình một đứa con mới, hồn quê lúc nào cũng sáng vằng vặc như bóng trăng rằm
trong tâm tưởng. Cô gọi điện thoại qua Washington DC để báo cho anh chồng chị
dâu, giọng háo hức:
- Anh
chị ơi, con út của em tìm được thằng nầy thuộc gốc gác Nam kỳ để trao thân gởi
phận rồi. Nam kỳ muôn năm!
Cô gọi
điện thoại qua Pháp để báo tin cho đứa con trai thứ nhì bằng giọng đắc thắng:
- Con
Phụng Song em con từ bấy lâu nay bưng rổ may đi nửa vòng trái đất mới tìm được
một chàng dõng tướng Nam kỳ. Con nên mừng cho em con!
Cô gọi
cho Phụng Các ở Texas, cho Phụng Kiều ở Sydney, khoe bằng giọng sôi nổi nồng
nàn:
- Chèn
ơi, Phật Trời nhận lời cầu xin của má nên mới lì xì cho má thằng rể bác sĩ sản
sanh ở Ô Môn, tâm hồn mát rượi như giòng sông Bassac. Ai dè con Phụng Song có
phước phận dường ấy. Biết đâu nay mai cộng sản bị tiêu diệt, nó sẽ về làm dâu
đất Ô Môn. Từ Ô Môn đi U Minh Thượng bằng đò máy chỉ chừng một ngày là cùng.
Những
khi chàng rể Nam kỳ tới chơi, cô đãi hết bánh tầm bì chan nước cốt dừa tới món
suông, chạo tôm, gỏi gà...Cô mua tôm đông lạnh bự cỡ cườm tay để làm tôm bùn,
cô mua cá hồi để thế cá lóc làm bún nước lèo...
Cha mẹ
chàng rể tương lai ở chung với người anh kế chàng ta tận tiểu bang Ohio. Cô Hai
Phụng Cơ kèo nài để được gặp ông bà suôi cho biết. Chàng rể cứ ừ hử cầm chừng,
thái độ không mấy sốt sắng.
Thế rồi
một hôm, Phụng Song mặt mày chù ụ, tiết lộ với má:
- Má à,
ảnh thú thiệt với con rồi. Ba má ảnh là Bắc kỳ. Ba ảnh vốn là nhơn viên nhà dây
thép vô Nam năm 1935. Thuở đó, lưu dân Bắc kỳ chỉ có mấy ông làm việc nhà dây
thép và dân cạo mủ cao su. Má ảnh vô Nam một lượt với chồng. Bởi ảnh biết con
kén chồng gốc Nam kỳ nên ảnh giấu giếm cội nguồn của ảnh. Mà cũng bởi sanh
trong Nam nên ảnh nói tiếng Nam, ăn giá sống, húp nước dừa rồn rột không kém
chi người Nam hết, do đó con mới lầm. Nhưng mà con thương ảnh lắm, xa ảnh chắc
con chết...
Cô Hai
Phụng Cơ hơi cau mày. Thiệt ra cô đã bớt kỳ thị Bắc Nam từ lâu. Cô chỉ muốn có
chàng rể Nam kỳ để huấn luyện lũ cháu ngoại cô yêu miền Nam sâu sắc đậm đà hơn
vậy thôi. Thôi duyên nợ biết sao mà lường được! Số các con gái cô là gặp duyên
thiên lý, cô làm sao cưỡng lại ý trời? Vả lại mẹ nào mà nỡ ngăn cản nhơn duyên
tốt lành của con? Cho nên, cô Hai Phụng Cơ sau phút do dự, hăng hái bảo:
- Ối,
chánh quán mà nhằm nhò chi con! Chỉ có sanh quán là đáng kể! Như thẳng đây,
sanh ở Ô Môn, học trung học Cần Thơ, đại học ở Sài gòn. Từ thuở nhỏ tới lớn nó
hít thở không khí miền Nam, uống nước sông miền Nam, ăn cơm gạo, bột bún cùng
con cá lá rau miền Nam, như vậy nó là người miền Nam rồi. Ðứa nào dám lôi nó về
phe người Bắc là phải bước qua xác chết của mụ vợ Ba Thoại nầy. Thôi thì má
cũng đành hô: "Bắc kỳ muôn năm" cho nó gọn!
Hồ Trường
An
Hay quá ! Thật tuyệt vời, được trở lại về miền sông nước đồng bằng miền Nam bằng tư tưởng.
ReplyDelete