Wednesday, June 12, 2013

Truyện Dài : Về Phương Trời Cũ (Chương 2)

Chương 2

Từ khi tới tuổi cắp sách đến trường cho tới nay, chưa bao giờ Như Kim là một đứa học trò giỏi hay xuất sắc, sức học của cô chỉ ở mức trung bình hoặc có khi còn tệ hơn nữa, vậy mà không hiểu sao đi đến đâu cô cũng được thầy thương bạn mến.  Thuở nhỏ khi học ở trường bà, các bà Soeurs đều rất thương mến cô, coi cô như một đứa con cưng. Sáng nào bà Soeur lớp cô cũng để dành cho cô ly sữa và khúc bánh mì, giờ chơi thường dẫn cô lên phòng cho cái bánh cái kẹo và giờ gôuter của bọn học sinh nội trú cô cũng được một phần ăn như bọn nội trú vậy.  Bốn năm trung học ở trường ngoài cũng chưa có thầy cô nào phiền hà ghét bỏ dù cô học không giỏi môn của họ.  Và giờ đây khi vào trường các Frères, cô cũng biết rằng cô rất được lòng các Frères và bạn bè chung lớp, nhứt là về phía nam sinh.  Nhưng cô cảm thấy cái tình cảm của thầy và bạn dành cho cô giờ đây không giống như ngày xưa cô còn bé mà có một cái gì không bình thường không đơn giản đã khiến cô nhiều lúc phải suy tư bận lòng.


Sáng nay khi tập bài kiểm hằng tháng được phát ra, các học sinh đều trông thấy ngoài bao tập của mình ai cũng có một miếng étiquette tên mình được dán sẵn. Không đợi bọn học sinh thắc mắc, Frère Venance giải thích ngay.  Frère nói, vì tập này là tập bài kiểm hằng tháng nên Frère muốn tất cả đều có cái bề ngoài đặc biệt giống nhau. Giấy bao vàng thì ai cũng có thể tự bao lấy, nhưng còn cái étiquette chữ nổi này thì phải có dụng cụ bấm chữ mới làm được nên Frère phải làm sẵn cho mỗi người.

Quyển tập của Kim, cô thấy hơi cồm cộm bên trong lớp giấy bao, cô kín đáo mở ra xem thì bên trong đó còn có cả chục mảnh tên nữa Frère đã làm và cất giấu vào đó cho cô.  Vừa ngạc nhiên lẫn thích thú, cô len lén nhìn lên bàn Frère định ngầm hỏi thì cũng vừa bắt gặp ánh mắt của Frère đang nhìn xuống cô như ngầm thú nhận.  Ánh mắt không dừng lại với nhau lâu nhưng là ánh mắt long lanh niềm hạnh phúc, hạnh phúc của kẻ cho và người nhận, dù chỉ trong một tích tắc đồng hồ thôi nhưng cũng đủ để cả hai ngầm hiểu được lòng nhau. Cả hai cùng cười, nụ cười như một tín hiệu nói lên sự thỏa hiệp, đồng điệu đồng tình.

Nhưng niềm thích thú của cô không kéo dài được bao lâu thì cô đã phải lặng người thảng thốt vì một mùi hương ngọt ngào xông lên khi cô lật ra quyển tập để xem lại bài Frère vừa chấm.  Mùi hương thơm ngát ấy tỏa lan ra khắp lớp khiến lũ bạn xúm nhau đổ dồn những cặp mắt soi mói về phía cô dò xét ngờ vực.  Trúc ngồi bên cạnh vội nghiêng đầu vào sát tập cô vừa hít hít “đánh hơi” vừa hỏi:  “Chà, gì vậy, gì mà thơm phức vậy ta?”  Mấy tên nam sinh ở dãy bàn sau cũng tò mò chồm tới xuýt xoa bảo nhau: “Thơm quá tụi bây ơi!”  Trên trang giấy tập trắng tinh, cạnh bên bài làm của cô, cô phát hiện ra một vết vàng mờ mờ, đúng là dấu vết một giọt nước hoa mà ai đã nhỏ vào. Còn ai vô đây nữa?! Chỉ có Frère thôi. Cô thầm kêu khổ:  Trời ơi!  Sao Frère lại làm vậy?  Làm sao bịt mũi bịt miệng được lũ bạn của em đây, rồi đây bọn chúng sẽ bán rao chuyện này, Frère và em sẽ không tránh khỏi miệng đời đàm tiếu dị nghị.
Suốt hai giờ học, cô chẳng học được chữ nào, cô ngồi thẩn thờ bất động như một tội phạm chờ xét xử, đầu óc cứ quay cuồng với bao ý nghĩ lo âu.

Giờ chơi khi Frère vừa ra khỏi lớp, một tên nam sinh bạo mồm bạo miệng nói phông lông lên rằng:
          - Rồi đó, ông thầy Pháp văn của mình đã công khai “cua” người đẹp lớp mình rồi, có đứa nào ngon dám nhào vô nữa không?
Trúc trừng mắt nhìn hắn ta và kéo cô ra ngoài vừa đi vừa hỏi :
          - Mày có nghe nó nói gì đó không?
Cô gật đầu, giọng buồn hiu yếu xìu :
          - Nghe chớ, tao thật không ngờ Frère lại bạo như vậy.
Trúc lại truy tiếp :
          - Mùi nước hoa gì mày có biết hay không?  Hình như là Chanel 5 essence thì phải, thơm phưng phức làm cả lớp ai cũng đánh hơi biết chuyện, làm sao mà bịt miệng thiên hạ được đây.  Frère chu đáo quá đi, muốn làm cho mày mấy cái étiquettes mà sợ tụi tao phân bì nên phải chịu khó làm hết cho cả lớp, riêng mày thì đặc biệt phải nhiều hơn, có đúng không?  Tao ngồi kế bên mày, đâu có gì qua mắt tao được.  Mày đúng là học trò cưng của Frère mà.  Nhưng mà cưng cái kiểu này, cưng ra mặt thì tai hại vô cùng, tao thấy nguy đến nơi rồi đó.
Nghe giọng cay cú của Trúc, cô bỗng nổi nóng thay vì lo sợ, cô lớn tiếng :
         - Học trò cưng rồi sao?  Mày không được cưng rồi mày tức đó hả?  Thì có là học trò cưng Frère mới biệt đãi tao như vậy.  Mà ai cho phép mày dòm ngó chuyện riêng của tao.  Tao có làm gì đâu mà tao phải sợ.
Cô chợt nghẹn lời rơm rớm nước mắt.  Trúc nhìn cô dịu giọng :
          - Mày không làm gì nhưng cái nhìn của mày đã chứng tỏ, ý tứ lời lẽ của mày đã mở đường mời mọc Frère.  Frère nói mày hay mơ mộng nên không học toán được thì khi làm bài mày lại viết lại lời nói của Frère “Tu veux que tu deviennnes un géomètre, ne rêves plus”.  Như vậy bảo sao Frère không chú ý đến mày.  Chớ như tao hoặc mấy đứa kia, có ai thèm ngó ngàng đến làm chi cho có chuyện.  Tao sợ thiên hạ đồn ầm lên rồi mang tiếng cả lũ.  Dù sao mình cũng là nhóm nữ sinh tiên phong của trường này mà để tai tiếng lăng nhăng thì thật là xấu hổ.
Cô thở dài gật đầu :
          -Tao biết, tao đâu muốn chuyện đó xảy ra bao giờ.  Tao biết Frère thương mến tao nhưng không ngờ Frère lại bộc lộ ra bằng hành động lộ liễu như vậy.  Việc Frère làm cho tao hôm nay chính tao cũng không thể ngờ nổi.  Làm vài cái tên thôi thì cũng không có gì đáng nói nhưng chuyện bôi nước hoa vào tập nữ sinh thì là chuyện không nên.  Nếu bây giờ có đứa nào xấu miệng bắn tin ra ngoài thì cũng phải đành chịu thôi chớ tao không có cách gì bào chữa bênh vực cho Frère mà riêng tao thì cũng chẳng phải là vô can vô tội.  Tao lo lắm nhưng biết làm sao đây, sự thật chứng cớ rành rành ra đó, làm sao tao có thể bưng bít hay tráo trở gì được.  Thôi thì cứ liều, tới đâu thì tới.  Thiên hạ muốn nói sao thì nói đi, bất quá thì tao bỏ trường này đi thôi chớ gì.
Trúc chắt lưỡi ngờ vực :
          - Nói chơi hoài, mày mà bỏ cái trường này được thì tao đi bằng cái đầu cho coi.  Tao không tin là mày nở lòng rời xa cái ông “Hoàng tử La Salle” ở đây cho dù trời có sập đi nữa.  Vã lại, bỏ đi cũng không phải là cách giải quyết mà là trốn chạy . Nếu mày không thích  thì mày chỉ cần nói thẳng với Frère là sẽ hết chuyện ngay chớ cần gì mà phải chạy trốn.  Tao chỉ sợ là mày không trốn được lòng mày nên mày cũng muốn biết lòng Frère ra sao…
Cô gắt lên chận lời Trúc :
          - Thôi đừng nói nữa.  Chuyện của tao không mượn mày lo.  Mày làm ơn “tắt máy” giùm tao đi.  Tao nhức đầu lắm rồi đây nè.

Trúc đã nói trúng phóc tim đen của cô.  Quả thật cô không thể nào bỏ trường này mà đi cho được vì chính ở nơi này cô vừa tìm thấy lại cố nhân từ muôn kiếp trước, lẽ nào cô cam lòng chấp nhận chuyện “chưa vui sum họp đã sầu chia phôi”.  Dù rằng cố nhân kia giờ đây là một tu sĩ, dù cho kẻ đạo người đời, chuyện chia ly sớm muộn gì rồi cũng sẽ đến nhưng không phải là ngay bây giờ.  Còn thấy nhau ngày nào thì cứ hay ngày ấy, còn gặp nhau ngày nào thì cứ gặp cứ vui, cứ mặc cho sự tình diễn biến ra sao để một mai khi xa nhau rồi đời còn có chút gì để nhớ để thương để chắt chiu giữ gìn .  Xe đã lăn bánh lên đường, chuyện gì cô lại bỏ cuộc không đi.  Biết đâu cuộc hành trình này sẽ mang đến cho cô nhiều thú vị hay ho bất ngờ hoặc sẽ dẫn dắt cô đến một bến mơ hay một vườn địa đàng nào đó.  Đường càng xa thì cảnh lạ càng nhiều, đêm càng dài thì tình càng sâu, mộng càng lắm.  Biết đâu một cơn mộng đẹp nào đó trong đêm sẽ biến thành sự thật cho cô trong cuộc đời.  Người ta thường nói “đời là một giấc mộng” thì mộng cũng là đời.  Chuyện gì trên đời cũng có thể xảy ra thì mộng nào cũng có thể hóa thực, một ngày nào đó biết đâu mộng sẽ không còn nữa là chiêm bao.


********************************

Nhân ngày lễ Ngân Khánh, sinh nhựt năm mươi năm thành lập trường, sư huynh hiệu trưởng cho tổ chức hai ngày hội chợ và các cuộc thi đua thể thao như nhảy cao, nhảy xa, chạy đua và các trận đấu bóng bàn, bóng chuyền và bóng rổ.  Hội chợ thì mỗi lớp có thể tự chọn một gian hàng cho lớp mình chẳng hạn như câu chai, câu vịt, ném lon, hay thảy vòng hoặc rút số v.v… Các trò chơi được kéo dài từ mười giờ sáng đến mười giờ đêm mỗi ngày.
Hình minh họa

Khải, anh trưởng lớp và Kim sau khi đã thỏa thuận làm gian hàng câu chai cho lớp mình, Khải nói:
          - Còn chuyện giữ gian hàng, tôi sẽ phân công cho các bạn, thay phiên nhau mỗi người ba tiếng đồng hồ.  Riêng Kim và tôi, tôi nghĩ mình là phó và trưởng lớp thì mình phải túc trực ở đây để trông coi tổng quát.  Nhưng nếu Kim thấy không đủ sức ngồi đây cả ngày thì cứ về nghỉ trưa đi nhưng rồi chiều phải trở lại chớ không được “lặn” luôn đâu nhé.  Mọi sự trông cậy ở Kim đó.
Cô tròn mắt ngạc nhiên :
          - Sao lại trông cậy ở Kim?  Anh là trưởng lớp, tưởng anh phải có trách nhiệm nhiều hơn Kim mới phải chớ.
Khải cười, giọng úp mở nửa đùa nửa thật :
          - Đành vậy, nhưng thiếu người đẹp, gian hàng mình sẽ ế ẩm đó mà.
Cô lườm Khải vặn vẹo :
          - Vậy chớ gian hàng bên lớp đệ nhị không có người đẹp hay sao?  Gian hàng của lớp ấy chỉ nội cái tên “bàn tay đẹp” thôi là nghe đã ăn khách lắm rồi, anh thấy phải không?  Nhưng thật ra theo Kim nghĩ, đẹp hay không cũng không thành vấn đề, chỉ cần nơi nào có bóng hồng là nơi đó sẽ thu hút được thiên hạ cũng kiểu như hoa và bướm vậy.  Hoa dù hương sắc hay không nhưng miễn nơi nào có trăm hoa đua nở thì nơi đó sẽ có ong bướm tấp nập dập dìu.
Khải gật gù bảo :
          - Kim nói cũng có lý lắm nhưng tôi vẫn muốn cho Kim biết điều này.  Ngay cái ngày đầu tiên mà các cô đặt gót đến ngôi trường này là bọn nam sinh đã bấm nhau chọn hoa khôi.  Kim có biết tại sao tụi nó cứ nhứt định bầu Kim làm phó lớp mặc dầu Kim đã viện đủ thứ lý do để từ chối hay không?
Và không đợi cô trả lời Khải tiết lộ :
          - Vì đó là cơ hội để tụi nó có thể tiếp xúc với Kim mà không bị Kim trốn tránh.  Chẳng hạn như đề nghị một việc gì có liên quan đến quyền lợi của lớp hoặc đôi khi kiếm chuyện này chuyện nọ để nhờ vả Kim.  Tôi thấy chuyện gì tụi nó cũng coi trọng ý kiến của phó lớp mà chẳng thèm đếm xỉa gì đến tên trưởng lớp dư thừa này.  Tôi chắc thế nào rồi cũng sẽ có vài tên “trồng cây si” thất tình vì Kim đó.
Cô đỏ mặt thẹn thùng gạt phăng lời Khải :
          - Thôi thôi, anh làm ơn đừng có quá lời, Kim tự biết mình chẳng nổi bật hơn ai, đừng đưa Kim lên mây xanh mà e rằng phải rơi tòm ngay xuống đất.  Kim không dám nhận hai chữ hoa khôi của các anh đâu.  Bất quá chỉ vì số nữ sinh trường này quá ít oi mà gần một nửa lại là đệ tử nhà dòng, vì vậy nên các bạn mới coi Kim như là tên chột mắt trong xứ người mù đó thôi.  Mà kẻ chột mắt thì đâu có cái hân hạnh làm đối tượng của ai đâu.  Anh làm Kim thấy nhột nhạt quá đi.  Tưởng học trò La Salle hiền và ngoan lắm chớ ai ngờ đâu cũng quỷ quái không thua gì dân trường ngoài.
Khải cười nhạt hỏi gằn :
          - Hiền và ngoan theo Kim là sao?  Là chỉ biết có ăn ngủ và học hành đơn thuần thôi à?  Kim tưởng học trường Frère rồi thành thánh hết sao?  Các Frères còn chưa thánh thiện nổi, còn chưa giữ mình được trước bóng sắc thì nói chi bọn học trò tục tử này.  Tôi sợ có ngày trường mình sẽ có scandal chớ chẳng chơi.

Vừa nói, Khải vừa đưa mắt nhìn cô với cái nhìn thật sắc bén như muốn dò xem phản ứng của cô như thế nào trước câu nói có ý xuyên tạc ấy.  Mùi hương trong tập cô hôm nào chưa phai, dấu vết vẫn còn đó và trước nữa là chuyện chiếc lồng đèn trung thu cũng như cái cảm tình đặc biệt của Frère đã dành cho cô từ lúc cô mới vào học đã gây ít nhiều xôn xao trong giới học trò mấy lúc gần đây.  Khải đâu có ngu ngơ khù khờ gì mà không hay không biết những chuyện thị phi bóng gió bên lề lớp học đó.  Cô rất xốn xang trong lòng khi biết rằng Khải có ý ám chỉ Frère nhưng trong tình thế này, cô không thể nào biện hộ hay  bênh vực gì cho Frère được  cả.  Cô chỉ có cách phớt tỉnh làm thinh để Khải đừng nói năng gì lôi thôi thêm nữa mà e rằng sẽ đi đến chỗ xúc phạm đến đích danh người thì lòng cô cũng sẽ bị tổn thương không ít.

Thấy cô lặng thinh và không tỏ phản ứng gì, Khải đành trở lại đề tài gian hàng hội chợ lúc nãy.  Cô không muốn bàn bạc gì thêm nữa nên tán thành chuyện giữ gian hàng theo lời đề nghị của Khải cho xong.  Tâm trí cô đã rã rời, cô chỉ muốn yên tịnh một mình với bao nỗi niềm riêng tư.  Ôi!  Đời sao đầy dẫy tiếng thị phi và trùng trùng ngăn cách!  Cô cảm thấy mình như một nữ tướng sắp lâm trận, sắp phải nhảy vào vòng chiến đối phó với quân thù, trận chiến không bằng thể lực mà đòi hỏi một ý chí chịu đựng và tinh thần kiên quyết dẻo dai.  Cô thở ra một hơi dài ngao ngán cảm thấy mình không có mấy niềm tin và không nắm chắc được bao nhiêu phần thắng nhưng cô không muốn bỏ cuộc bây giờ.  Liệu cô có đủ sức hay không để chống đỡ tới cùng với miệng đời tai ác đó và vượt qua khỏi mọi sự cách ngăn tuy vô hình mà chừng như vời vợi thăm thẳm bao la.

**********************

Hôm nay như thường lệ, Trúc, Mai và Kim cùng đến trường.  Nhà ba đứa cách nhau chỉ một hai con đường nên sáng nào cũng sang rủ nhau đi học.  Chung lớp chung trường đã bốn năm hơn, từ lúc vừa lên trung học nên dù không hợp tính nhau mấy cũng chơi với nhau thân thích và xưng tao gọi mày đơn sơ.  Tới trường, vào lớp cất tập vở xong xuôi, các cô định ra ngoài chơi thì chợt nghe có tiếng gọi :
          - Chị Kim, em chờ chị nãy giờ đây.  Anh Tân nhờ em trả chị quyển tập đã mượn của chị hôm qua.  Hôm nay ảnh bị cảm không xuống lớp học được.
Kim quay lại thấy Sơn, em nam sinh lớp đệ ngũ.  Sơn là con một bà làm bếp trong trường nên được các Frères thương mến cho ăn ở miễn phí trong trường.  Sơn có cái tánh ẻo lả và bép xép nhiều chuyện như ở đa số con gái và lại thường hay ton hót a dua.  Có mẹ, có chị đầy đủ mà Sơn lúc nào cũng làm như mình là một đứa bé thiếu tình thương gia đình.  Từ khi có các chị nữ sinh vào học, Sơn như tìm được mẹ hiền chị thảo, giờ chơi cứ chạy tìm các chị để nhỏ to tâm sự.  Sơn cũng thường đến với cô, tuy không ưa mấy cá tính của Sơn, cô cũng khó lòng mà xua đuổi vì Sơn rất lễ độ và ngoan ngoãn.
Kim nói cám ơn Sơn, cầm lấy quyển tập cất vào hộc bàn rồi kéo Mai và Trúc đi ra.
Trúc chận lại bảo :
          - Khoan đã, sao tao nghi quá, mày thử xem lại trong tập coi anh chàng có viết gì hay không.  Dám bắt chước ông thầy mình viết cái gì trong đó lắm à.

Trúc nói vậy là vì mỗi khi chấm bài, Frère thường hay viết vào tập Kim một lời phê ngăn ngắn hoặc đôi khi một lời gởi gắm riêng tư.  Thí dụ như có lần cô nổi hứng làm trước một vài bài tập mà biết chắc là Frère sẽ cho làm nay mai, Frère đã ghi bên cạnh bài cô một câu hỏi như một lời phê: “Sao siêng quá vậy?” bằng viết chì.
Lúc tan học, khi lên bàn Frère để nộp bài mới, cô nói: ” Em siêng đâu bằng Frère, ngày nào Frère cũng góp tập chấm bài như một cái máy.”
Thế rồi vài hôm sau đó, Frère lại hồi âm cho cô rằng: “Nhưng máy này có lương tri, tự biết mình có một tinh thần trách nhiệm cao cả và một trái tim đầy xúc cảm nhiệt tình.”

Frère viết không dài không nhiều nhưng nếu không viết thì hình như Frère không an tâm hoặc cảm thấy thiếu thiếu một điều gì hay sao đó mà cứ cách một vài hôm là cô lại tìm thấy trong tập mình một lời mây gió đưa duyên.  Cô không phải là loại người hay thố lộ hoặc hay tâm tình vặt vãnh nhưng Trúc ngồi bên cạnh cô, mỗi lần bài vở được phát ra, Trúc hay thò đầu vào tập cô để xem cô sai gì hoặc được bao nhiêu điểm lúc cô chưa kịp bôi đi những câu Frère đã viết nên vô tình Trúc biết được mọi chuyện. Giờ đây nghe Trúc dở giọng châm biếm, cô bực mình gắt gỏng:
          - Cũng mày nữa, ai cho mày coi tập tao rồi phát ngôn bừa bãi như vậy.  Tao đổi chỗ ngồi bây giờ.  Cái tên Tân này cù lần lắm, mỗi lần gặp tao là cứ ngượng ngùng nói lấp va lấp vấp chắc không dám viết gì đâu.

Tuy nói vậy nhưng cô cũng mở tập ra quan sát.  Quả đúng như lời Trúc đoán, cô phát hiện ở giữa tập mình có một tờ giấy pelure xanh với nét chữ của Tân dày đặc.  Cô đọc sơ qua lá thơ rồi xếp lại bỏ vào cặp, nét mặt không biểu lộ một cảm nghĩ nào.  Trúc sốt ruột hỏi nhóng :
          - Chắc chắn là thơ tỏ tình rồi chớ còn chuyện gì khác hơn nữa, có phải vậy không?  Bởi vậy hôm nay anh chàng mới cáo bệnh để tránh mặt mày cho đỡ ngượng. Nói thật đừng giận nghe Kim, tao thấy mày bình thường thôi, không có chút gì đặc biệt hết mà không hiểu bọn con trai hạp nhãn mày ở cái chỗ nào.  Sáng nào tập họp chờ vô lớp, tao để ý thấy thằng Tường, tên trưởng lớp đệ tứ cũng đứng dán mắt dán mũi nhìn mày trân trân.
Cô cười cười nhún vai tỏ vẻ không có ý kiến bảo Trúc :
          - Thì mày hỏi nó đi, tao cũng muốn biết lắm đây nè. Cái mặt tao buồn hiu, chính tao nhìn tao trong gương còn thấy chán, không hấp dẫn chút nào. Thôi mình ra ngoài dạo một lát đi, còn tới mười lăm phút nữa mới tới giờ học.  Chuyện gì cũng để tính sau.

Lúc ấy Mỹ Lan cũng vừa vào tới.  Nhà Lan ở tận xã Phú Tâm cách tỉnh lỵ khoảng mười hai cây số nên mỗi ngày Lan đến trường bằng Honda dame.  Ngày nào cất xe xong, vào đến lớp Lan cũng thở khì, mồ hôi lấm tấm.  Thấy bọn Kim còn loay hoay trong lớp Lan hỏi :
          - Mới vào tới hả?
Mai đáp :
          - Tới nãy giờ cũng gần mười lăm phút rồi nhưng kẹt có chút chuyện, giờ định ra ngoài đây, cất cặp đi rồi đi với tụi tao.

Bốn đứa rời lớp học đi chầm chậm ra sân.  Sân trường rộng và sạch, bốn bề được trồng nhiều hoa kiểng cắt xén công phu trông thật thẩm mỹ.  Từ ngoài cổng đi vào, phía bên trái ngay gần cổng trường, bên một cây si già trăm tuổi là một hang đá Đức Mẹ cùng với một vườn hoa xinh xắn bốn mùa dâng hương. Qua khỏi hang đá, bước lên thềm là đến một nhà nguyện nhỏ nơi mà các Frères đã cầu kinh và dự thánh lễ hằng ngày, kế đến là văn phòng của trường và một dãy lớp tiểu học gồm có năm lớp.  Bên phải, một phòng ăn lớn có thể chứa hơn trăm người đứng ở đầu dãy, tiếp theo là văn phòng của sư huynh hiệu phó, cầu thang dẫn lên lầu và một dãy lớp trung học mà bắt đầu là lớp đệ tam.  Ở giữa sân, tượng thánh Jean Baptiste De La Salle, tổ phụ đã sáng lập nên nhà dòng trên bệ cao đứng uy nghi sừng sững.  Xa hơn chút nữa là một nhà chơi thật dài với nhiều băng ghế nằm chắn ngang như một cái đáy hình chữ U giữa hai dãy lớp tiểu học và trung học.  Và ở tận cuối sân, nơi giáp tường rào, hai lớp đệ nhị, đệ nhứt A và B vừa mới thành lập  nằm cạnh một vườn trúc um tùm xanh mát quanh năm.  Sân trường khá lớn rộng, ngòai những bồn hoa cây cảnh và lối đi còn có các sân chơi thể thao bóng rổ bóng chuyền và một phòng chơi bóng bàn cho học sinh với châm ngôn “Một tinh thần minh mẩn trong một thể xác tráng kiện”.



Đến bên những luống hoa vàng ở khoảng sân trước lớp, cả bọn dừng lại ngắm nhìn. Vói tay ngắt lấy một cành, Kim đưa lên ve vuốt nâng niu.  Loài hoa này có một màu vàng ngọt dịu thật dễ thương, thân cành mảnh mai dịu quặc tên gọi đơn sơ là sao nhái. Hoa không có gì đặc sắc, cũng chẳng hương thơm.  Hoa cũng không có nét đẹp đơn phương như một đóa hồng sắc hương đài các khi đứng riêng rẻ một mình.  Dù vậy nhưng mỗi khi có gió thoảng qua, nhìn đám hoa nghiêng ngả vật vờ, rung rinh những cánh sao vàng trong nắng thì lòng người không khỏi ngất ngây, ong bướm cũng xôn xao động lòng.
Trúc gợi lại câu chuyện trong lớp lúc nãy :
          - Mày thấy tao nói có sai đâu.  Cái màn này tao đã có kinh nghiệm qua rồi.  Tao kể với tụi mày hôm trước đó.  Anh chàng tên Tiến hay vênh vênh tự hào mình là con ông cháu cha trong lớp này cũng đã từng diễn cái trò này với tao.  Hắn làm bộ mượn tập tao rồi hôm sau trả lại kèm theo một lá thơ nói chuyện tình cảm lăng nhăng. Tao cự ngay mặt hắn một trận cho bỏ ghét.  Thật ra tao cũng không phải có ác ý gì nhưng tao vốn sẵn không ưa cái lối kênh kiệu của hắn từ lâu.  Hắn có vẻ hận tao lắm nhưng tao đâu có ngán.
Lan cười xòa nói vuốt :
          - Tụi tao biết, mày mà ngán ai, chọc mày giận, mày tuyên bố tuyên cha ầm ỹ lên là hắn chỉ nước bỏ trường đi thôi.  Mà kẹt cho hắn cái là, tao nghe anh trưởng lớp nói ông “via” hắn không đồng ý cho hắn học ở một trường nào khác ngoài trường dòng này.
Mai cười lớn tiếp :
          - Hèn chi tao thấy dạo này hắn “sò” câm, không còn “nổ” ì xèo như trước nữa.  Cho đáng đời cái tội ham làm phách.
Kim can gián :
          - Thôi đừng “chơi” người ta nữa.  Chuyện tình cảm là chuyện lòng thầm kín riêng tư của mỗi người, mình không nên đem ra mà diễu cợt làm trò cười.  Người ta có lòng nghĩ đến mình, mình không thích thì thôi, chọc quê người ta làm gì tội nghiệp.  Dù sao cũng là bạn bè chung lớp với nhau mà.
Trúc rùn vai :
          - Mày làm như là mày nhân từ lắm vậy.  Rồi mày định trả lời sao với tên Tân?
Kim đáp nhanh :
          - Thích mới khó, không thích thì dễ lắm thôi.  Tao sẽ nói là tao chưa nghĩ gì đến chuyện yêu đương, tuổi này tao chỉ biết ăn với học mà thôi.  Anh ta làm sao trách phiền gì tao được.
Trúc chắt lưỡi gật gù :
          - Ừ hay lắm.  Mày nhân từ mà kiểu “nhân từ đứt họng” chớ không phải là nhân từ đức hạnh nghe Kim.  Mày cũng ma mãnh quá quắt lắm chớ có hiền lành nhu mì gì đâu.  “Làm nhu vác cái lu chạy” mà thiên hạ còn không hay chính là mày đó.  Mày không nghĩ đến chuyện yêu đương với một ai cả nhưng chỉ nghĩ với ông thầy mình thôi, tao nói có đúng không?  Xưng tội đi em.
Kim trừng mắt với Trúc :
          - Xưng tội với quỷ sứ à?  Chuyện riêng của tao, mày lấy tư cách gì mà chen vào phê phán bắt bẻ tao chớ.  Còn nói xấu tao nữa.  Giữa bọn mình với nhau, nói đây nghe đây chơi thì được, chớ ra ngoài mà mày hình dung tao cái kiểu đó thì dù ai có ba đầu sáu tay cũng chẳng dám nhào vô, chắc tao phải mang số ế chồng quá.  Đồ quỷ.
Trúc tảng lờ nói tiếp :
          - Thằng Sơn không biết nó có hay là nó bị lợi dụng đưa thơ hay không.  Thằng đó đúng là chúa nhiều chuyện.  Chị Lê nhận nó làm em nuôi, em tinh thần gì đó, hỏi đủ thứ chuyện về các Frères, hỏi một nó nói mười.  Chiều hôm qua tao đi mua thuốc về ngang nhà chị ấy, chĩ rủ tao vào nhà chơi kể tao nghe mọi chuyện.  À tụi bây có biết Frère Venance tên cúng cơm là gì không?
Và chẳng đợi ai trả lời, Trúc nói luôn :
          - Ông ta tên là Tòan, họ Nguyễn.  Frère phó tên Định còn Frère dạy toán Pascal là Triều.  Chị Lê thuộc gia đình Phật tử mà xem chừng rất có hứng thú tìm hiểu về các Frères lắm lắm.
Tiếng chuông báo hiệu giờ học chợt reo vang làm cả bọn phải ngưng ngay câu chuyện.  Trên đường về lớp Trúc còn rán trêu thêm một câu:
          - Chà hôm nay không có giờ Pháp văn vào lớp coi bộ không hăng hái tí nào.

                                            
************************

Tình cờ biết được tục danh của Frère, Kim ghi vào trang đầu tập nơi đề tên giáo sư phụ trách F. Venance thêm chữ Tòan.  Cô nghĩ rằng chắc Frère sẽ ngạc nhiên lắm vì cái tên ngoài đời hầu như không còn được ai nhắc đến nữa và Frère cũng không có dịp để tự giới thiệu với ai từ khi đã tự nguyện khoác lên người chiếc áo dòng đen khổ hạnh đi vào tu viện với tên thánh Venance bỏ lại sau lưng bao nhiêu hoa mộng của cuộc đời.

Frère ngạc nhiên thật và Frère đã diễn tả sự ngạc nhiên đó bằng một dấu chấm hỏi (?).  Đồng thời Frère cũng đã cho cô lại một sự ngạc nhiên khác to tát hơn khiến cô không phải chỉ ngạc nhiên thôi mà là kinh ngạc.  Thật vậy, cô đã giật mình kinh ngạc khi thấy tên mình được Frère viết bên cạnh tên Frère. 
Frère làm thế với ngụ ý gì?  Sao Frère lại gắn liền tên cô vào tên Frère như vậy?  Chắc hẳn không phải là vô tư hay vô thức.  Chắc hẳn không phải là không có ý gì như chuyện chiếc lồng đèn trung thu đêm hôm nào.  Khi một người viết tên mình chung với tên một người khác tức là muốn nói lên lòng yêu thích, sự quyến luyến của mình đối với người đó, sự quyến luyến mà chỉ tìm thấy ở một đôi bạn thân hay một đôi nhân tình chớ không phải ở tình thầy trò.

Nhưng ở đây nếu cho là tình bạn thì không đúng vì trong tình bạn, chuyện ghép tên chỉ thích hợp ở những đôi bạn cùng giống phái mà thôi, chớ giữa hai người khác phái với nhau, tình bạn nếu đã đi đến chỗ ghép tên thì không còn nữa là thứ tình bạn thuần túy bình thường mà có lẽ đã trở thành tình yêu rồi vậy.  Thế thì trong trường hợp này, việc ghép tên phải chăng là một lời thố lộ, một thông điệp của một thứ tình riêng nam nữ rất ư là thắm thiết nồng nàn mà tạm thời cô chưa dám gọi đích danh là tình yêu. 

Như thế thì có phải Frère muốn gián tiếp nói với cô rằng Frère rất yêu thích cô và muốn gần gũi bên cô như hai cái tên đã được gắn liền. Và nếu vậy thì cô có nên chấp nhận, có nên vui mừng hay không trước sự tỏ bày mà đã từ lâu cô hằng mong ước?  Cô có nên a tòng hoặc lôi kéo Frère đi xa hơn nữa hay không vào con đường tình tục lụy đầy tội lỗi mà một tu sĩ như Frère vốn không thế nào bận bịu tơ vương?

Trên bục gỗ, Frère đang viết, đang giảng bài, giọng trầm ấm thao thao, phong cách ung dung tự tại,  Frère trong lớp áo chùng đen khắc khổ trông thật đức độ hy sinh khiến cô ray rứt chùng lòng.  Cô không thể nào bất chấp lương tâm, bôi xóa hủy diệt đi hình ảnh cao đẹp khả kính ấy của Frère trong tâm tưởng mọi người.  Cô không thể nào vô trách nhiệm, thản nhiên nhìn Frère lạc hướng lạc lòng sa lầy tình cảm, sẩy hố đam mê.  Cô phải lên tiếng nhắc nhở, phải có phản ứng thế nào với Frère để Frère thức tỉnh,  để Frère quay đầu lại làm  bổn phận một thiên sứ chân chính trung thành.  Dù lòng không nỡ nhưng cô phải hạ bút xuống tay, cô phải viết cho Frère một lời khuyến cáo: “N’oubliez pas que vous êtes Frère religieux”.  Đừng quên rằng Frère là một sư huynh, một tu sĩ, Frère đừng tỏ bày gì với em cả, em không có quyền chấp nhận đâu Frère.
Biết rằng lời lẽ phũ phàng của cô sẽ làm tim Frère rướm máu nhưng cô chẳng còn cách nào khác hơn để ngăn chận lại nguồn tình cảm trong lòng cả hai đang như một con suối lai láng tuôn tràn, một con đê sắp vỡ bờ ngập lụt, một trận hồng thủy mà càng lúc càng dâng, dâng mãi không ngừng…

Hôm sau Frère vào lớp với nét mặt đau buồn, nụ cười thường khi Frère vẫn kèm theo trong lời giảng dạy giờ đây bỗng dưng tan biến làm không khí lớp học trở nên ngột ngạt buồn tênh.  Frère không gọi cô hỏi bài như mọi bữa, cũng không nhìn đến cô nửa mắt khiến cô rất đổi tủi lòng.  Cô cúi mặt nghe lòng tê tái âm thầm độc thoại. Frère giận em lắm sao Frère?  Frère ơi!  em cũng rất mến thương Frère nhưng em sợ, sợ miệng đời như rắn rít chỉ chực chờ nhả độc.  Em cũng không dám cướp đi người sứ thần cậy trông của Thiên Chúa, hủy hoại đi công đức của Frère đã bao nhiêu năm bồi đắp cao dày.  Hãy xem em như là một trái cấm mà Chúa đã dùng để thử thách Frère, đừng nhẹ dạ yếu lòng để bị cám dỗ phạm tội.  Nếu có trách em đã nhẫn tâm với Frère thì cũng xin hiểu cho rằng lòng em cũng đang não nề rên rỉ…

Thôi thế là xong là hết!  Cô nói cô không muốn bỏ cuộc nhưng cô không dám nhào vô, cô không dám chơi cũng không chịu chơi chút nào hết thì làm sao.  Đối phương chỉ vừa mới tỏ ý làm thân với cô thôi là đã bị cô dở giọng cao thượng công kích như tát nước vào mặt người ta rồi, bảo sao người ta không ghét không giận cho được.  Cao thượng là đồng nghĩa với thua thiệt hy sinh, cô nhắm cô có kham nổi hay không cái ngôn từ vĩ đại ghê gớm đó mà bày đặt lên mặt rồi giờ đây ngồi đó than khổ kêu đau.  Nhưng thôi cô hãy nhẫn nại đi, nếu đối phương kia quả thật là tri âm tri kỷ thì tất nhiên sẽ hiểu được ý đẹp nỗi khổ của cô, sẽ càng quý mến cô bội phần.  Bằng ngược lại, cứ coi như cô đã đặt tình cảm lộn chỗ sai người, thì hãy nhân cơ hội này mà rút lui kết thúc, đừng luyến tiếc khổ sầu chi nữa cho oan uổng thiệt thân.

No comments:

Post a Comment