Bố thí với lòng thương yêu thì vô cùng đẹp, vì khi bố
thí chỉ nghĩ đến niềm vui và hạnh phúc của người nhận, còn người bố thí lấy
niềm vui và hạnh phúc của người nhận làm niềm vui và hạnh phúc cho mình. Chính
niềm vui và hạnh phúc đó sẽ theo ta mãi mãi đến cuối cuộc đời.
Ví dụ: Nhà mình trồng bông, người ngoài đi ngang nhà
thấy bông đẹp, thích và hái, không xin phép. Mình thấy vậy thì hãy lấy đó làm
niềm vui, vì bông mình trồng đem niềm vui đến cho người khác. Nếu được thì nói
ngay những lời nói yêu thương “nếu cô thích thì hái thêm về cắm trong nhà cho
đẹp”. Nếu mình nghĩ rằng mình trồng bông chỉ để cho mình ngắm thôi, chỉ để cho
mình hái thôi thì mình sống quá ích kỷ hẹp hòi. Còn khi mình luôn sống biết
chia sẽ những gì đẹp nhất, ngon nhất, tốt nhất cho người khác, ai thích cái gì
mình đang có thì mình luôn sẵn sàng cho đi, đó là mình sống biết đem niềm vui
đến cho người.
Khi người ta muốn cái gì mà đạt được toại nguyện thì ai
cũng vui. Ngay khi khi biết người khác muốn gì mà mình đáp ứng ngay thì mình sẽ
đem niềm vui đến cho họ. Đâu phải khi cho tiền người nghèo mình mới vui đâu.
Ai biết sống yêu thương thì hằng ngày có hằng trăm nghìn
cách để đem niềm vui đến cho mọi người. Đó là sống yêu thương. Khi các bạn sống
yêu thương thì mới nhận ra rằng sao chúng đơn giản, dễ dàng, gần gủi đến thế mà
mình đã bỏ qua và không biết từ bao lâu nay. Đức này là đức ly tham bố thí.
• Giúp người đừng tính thời gian. Đang giúp người thì
giúp cho trọn, cho xong rồi nghỉ. Thấy người vẫn làm thì mình cùng làm cho
xong, đừng nghĩ rằng đã đến giờ nghỉ phải thôi việc. Khi mình cùng làm chung
với người cần giúp đỡ đến khi xong việc thì mình sẽ thấy sự vui mừng của họ.
Đức này là đức bố thí.
• Sống biết cho đi những gì mình thích nhất, ngon nhất,
tốt nhất, đẹp nhất, quí nhất, kể cả hạnh phúc của mình cho người khác, không phân
biệt thân sơ và kẻ thù. Nếu mình vui khi có những thứ thích nhất, ngon nhất,
tốt nhất, đẹp nhất, quí nhất thì người khác cũng vậy, cho nên trước khi cho ai
vật gì thì hãy lấy những thứ mình thích nhất, ngon nhất, tốt nhất, đẹp nhất và
quí nhất cho người khác.
Ví dụ mình thích uống nước trái cây thì hãy mời người
nước trái cây thay vì nước lạnh, mình thích ăn trái cây thì hãy mời người trái
tươi tốt ngon mà mình thích,… Như người mẹ thương yêu con cái luôn để giành
những thứ tốt đẹp, ngon, mới, quí giá nhất cho con mình. Đức này là đức tôn
trọng bố thí.
• Mua đồ vật mà rẽ quá thì trả tiền thêm. Ở Việt Nam có
nhiều người từ quê ra chợ thị trấn bán vài món rau hay trái cây vườn kiếm thêm
tiền mua gạo. Họ bán rẽ hơn chợ và nhìn trông rất tội nghiệp. Có nhiều người
mua thấy vậy khi trả tiền thì trả hơn một chút hoặc không cần tiền thối lại. Đó
là một hành động sống thương yêu khéo léo thật là hay. Đây là đức bố thí.
• Nếu có dư vật gì không dùng thì hãy cho đi, đừng để
giành cất giữ. Biết có còn sống đến ngày mai không mà cất giữ làm gì. Có rất
nhiều người đang cần những thứ ta có. Có rất nhiều cơ quan từ thiện sẵn sàng
nhận những vật người khác cho để đem cho lại những người cần đến, hoặc bên Mỹ
mỗi vùng có những website freecycle hoặc craiglist giúp cho mọi người tận dụng
lại những đồ cũ hoặc dư thừa của người khác. Có thể đối với một người một vật
là cũ hay vô dụng, nhưng đối với người khác lại là vật hữu dụng. Đây là đức
buông xả bố thí.
• Đừng nghĩ rằng vật gì cũng có thể bán, tiền bạc sẽ làm
cho chúng ta đánh mất tình thương. Nếu có dư giả tiền của thì khi dư cái gì hay
muốn thay đổi cái gì mới thì nên cho đi cái cũ, đừng nghĩ rằng bán rẽ còn hơn
cho không, nhất là anh em trong gia đình thì không nên buôn bán dù đó là chiếc
xe hơi hay căn nhà. Đây là đức hiếu sinh bố thí.
• Dù cho người giàu hay người nhiều tiền cũng cần giúp
đỡ, đừng đánh giá người qua hình tướng hay tài sản mà bỏ qua cơ hội sống thương
yêu. Người nhiều tiền cũng lo lắng, buồn phiền, sợ hãi, cũng bệnh, già, chết,
cũng chỉ có hai tay… như mọi người khác. Người giàu là người sống biết đủ.
Người nhiều tiền chưa chắc là người giàu vì họ vẫn thấy chưa đủ, luôn nghĩ cách
tìm ra tiền. Đây là đức hiếu sinh bố thí.
• Giúp người đừng sợ đêm khuya, mưa hay giông bão. Vùng
nông thôn Bắc Việt có vài nhà có điện thoại. Một lần chủ nhà nghe chuông reo và
được nhờ nhắn hàng xóm cách vài căn, tuy trời đêm hôm mưa lạnh, người chủ vẫn
khoác áo vào đi gọi. Thật là tình nghĩa xóm làng. Đây là đức bố thí.
• Sẵn lòng giúp chổ ăn chổ ở cho những thí sinh lên
thành phố thi đại học, nếu có khả năng thì cung cấp chổ ở miễn phí cho sinh
viên học đại học 5 năm và nếu có khả năng hơn nữa thì cung cấp học bổng cho học
sinh, sinh viên nghèo. Có khi sinh viên phải lên thành phố thuê nhà để sống và
học, nếu vì lý do gì đó không đủ tiền trả tiền trọ thì chúng ta thương yêu họ
và cho họ sống nhờ đến khi có tiền rồi trả cũng được hoặc trả bao nhiêu cũng
được tùy khả năng. Khi con người không còn bị nô lệ cho đồng tiền thì chúng ta
thấy mình đem hạnh phúc và niềm vui đến cho bao nhiêu người hằng ngày. Đức này
là đức hiếu sinh bố thí.
• Khi đọc báo thấy có nhiều người bất hạnh nghèo đang
bệnh tật cần tiền mua thuốc hay làm phẩu thuật, những vùng nghèo cần xây dựng
hay thiếu thiết bị cho trường học. Nếu có khả năng chúng ta nên giúp ngay, đừng
để cơ hội qua đi, để rồi đánh mất một cơ hội sống thương yêu. Đức này là đức
hiếu sinh bố thí.
• Có ai nhờ giúp việc gì thì đang bận hay tính làm việc
gì cũng dời lại làm sau. Khi có ai nhờ làm việc gì là người đó tin tưởng mình,
hy vọng vào sự giúp đỡ của mình, vậy chúng ta hãy sống thương yêu và đừng làm
cho người khác thất vọng. Người có lòng thương yêu luôn sẵn sàng vui vẻ giúp
người mà không bao giờ nghĩ rằng người khác lợi dụng lòng tốt của mình. Đây là
đức hoan hỷ bố thí.
• Có khi chúng ta cho ai đó mượn tiền hay mượn đồ vật mà
trả chậm thì chúng ta cũng vui vẻ, đừng hối thúc hay hỏi họ. Ai cũng có lúc khó
khăn, mình cũng có lúc như vậy thì chớ nên làm khó người. Nếu ai cho mượn tiền
hay mượn vật gì thì nên nhớ rằng nếu chẳng may người mượn vì lý do nào đó không
trả được thì mình cũng sẵn lòng cho họ luôn. Còn không tính được chuyện này thì
thà không cho mượn vì khi gặp chuyện không may xảy ra thì tình cảm sẽ bị mất,
kể cả anh em, bạn bè, vợ chồng, cha mẹ và con cái. Có thể mình không nói ra
nhưng người mượn cũng cảm thấy khó chịu. Đức này là đức tỉnh giác bố thí.
• Sống biết yêu thương mọi người và các loài vật sống
xung quanh mình. Loài vật nào cũng cần có sự sống, loài vật nào cũng phải kiếm
ăn hằng ngày. Kiếm ăn rất khổ cực. Mình đây cũng phải khổ cực đi làm hằng ngày
kiếm tiền mua thức ăn thì mọi người, mọi loài vật đều như vậy. Nếu có dư đồ ăn
thì mình chia sẻ cho người khác, cho loài vật khác. Như vừa rồi trên TV có
thống kê số tiền thu nhập của tổng thống Mỹ Obama trong đó ông có nhận 1.4
triệu đô cho giải Nobel, số tiền này ông tặng cho các quỹ từ thiện, ngoài ra
còn một phần thu nhập của ông cũng đã làm từ thiện. Đức này là đức hiếu sinh bố
thí.
• Khi sống với đức bố thí người bố thí nên biết cám ơn
người nhận bố thí. Có thể câu nói này hơi lạ, xin các bạn đọc mẫu chuyện này.
Thành La Phiệt thời Đức Phật có ông Hoàng rất hung bạo. Thêm vào đó quyền thế
và địa vị của ông có thể giúp ông thủ tiêu tội án trước pháp luật, chưa một lời
phải nào, một đạo giáo nào cảm hóa được ông. Một hôm ông gặp Phật. Đức Phật dạy
cho ông niệm Phật: “Hãy tưởng niệm Phật đà, hãy từ bi thương người, hãy hùng
lực cứu người”.
Đêm hôm ấy, ông suy nghĩ mông lung, ông nghĩ: “Nhớ Phật
phải nhớ đến người nghèo khổ, tưởng Phật phải tưởng đến người nghèo khổ. Rồi
mới sáng, ông đi tìm Phật. Giữa đường ông gặp một người hành khất ốm liệt bên
vệ đường. Không suy nghĩ ông đến ân cần hỏi han và dốc hết tiền trong túi ra
cho. Người ấy e sợ cám ơn rối rít. Nhưng ông chỉ bảo: Vì tưởng nhớ Phật nên tôi
giúp anh. Anh nhận tiền này khiến tôi được phước, thế là tôi ơn anh chứ nào anh
ơn gì tôi? Người hành khất nghe thế, lấy làm lạ vì không lạ gì tính nết của ông
và uy danh của đức Phật nữa. Bỗng nhiên người ấy cất tiếng niệm: “NAM MÔ BỔN SƯ
THÍCH CA MÂU NI PHẬT” (kính lễ đấng giác ngộ). Ông Hoàng cũng bất giác niệm
theo và đi mau tìm Phật. Khi gặp được Ngài, ông thuật rõ đầu đuôi mọi việc.
Nghe xong đức Phật mỉm cười hiền từ bảo : Phải! Niệm Phật ông phải tưởng niệm
người nghèo khó là để giúp đỡ họ. Tưởng niệm người nghèo khó, để giúp đỡ họ là
tưởng niệm Phật đó.
Qua câu chuyện trên chúng ta thấy dù một người hung bạo,
bảo thủ, kiêu mạn đến đâu cũng có tấm lòng thương yêu. Chính lòng thương yêu sẽ
thay đổi tâm tánh của họ. Một vấn đề nữa chính là Phật dạy niệm Phật chính là
sống như đời sống của Phật biết yêu thương mọi người, biết sống đạo đức không
làm khổ mình, khổ người và khổ các loài vật, đó chính là niệm Phật. Niệm Phật
như vậy mới đúng là có ý nghĩa, là có trí tuệ.
Chính điều này mới thực tế, mang đến hạnh phúc thật sự.
Đức Phật thường nói: “Trí tuệ ở đâu thì giới luật ở đó, giới luật ở đâu thì trí
tuệ ở đó, giới luật làm thanh tịnh trí tuệ, trí tuệ làm thanh tịnh giới luật”
Giới luật của đạo Phật chính là đạo đức, là đức hạnh của con người. Ai sống có
đạo đức, chính người đó có trí tuệ. Đức này là đức bố thí khiêm tốn và đức minh
mẫn.
(Theo blog Chánh Kiến)
No comments:
Post a Comment