Wednesday, January 15, 2014

Tết Xưa - Người Phương Nam


Hôm nay đã là ngày rằm tháng chạp âm lịch, con trăng này là con trăng cuối cùng trong năm, chỉ còn nửa tháng nữa thôi là năm hết Tết đến.  Giờ này nơi quê nhà, chắc hẳn thiên hạ đang tưng bừng sắm sửa chuẩn bị đón năm mới trong tâm trạng   háo hức rộn ràng chớ không như người Việt tha hương viễn xứ, tết đến trong im lìm lặng lẽ buồn tênh không kèn không trống, không chút không khí báo hiệu ngày xuân cho nao nức xôn xao lòng người. Trót đã mang thân vong quốc tị nạn, nhập gia tùy tục, đời sống hằng ngày phải hội nhập theo chân người bản xứ, mọi nghi lễ tập tục truyền thống khi xưa của dân tộc mình giờ đây chỉ còn là trong tưởng niệm ngậm ngùi.  

Quê người chẳng có ngày xuân
Chẳng hương hơi Tết, chẳng xuân trong lòng
Cách ngăn cả một biển đông
Quê hương bỏ lại xuân hồng chẳng sang
Thương về quê cũ bẽ bàng
Thiêng liêng truyền thống son vàng đã xa

Thùy còn nhớ, ngày xưa mỗi năm cứ khỏang đầu tháng chạp là mọi người đã bắt đầu rục rịch bàn tính chuyện tết nhứt, giàu thì ăn tết lớn, nghèo thì ‘’xính xái’’ tính theo nghèo, làm gì làm cũng phải ăn tết ăn nhứt như người ta cho khỏi tủi thân bẻ mặt với bà con xóm làng. Tết là cái mốc thời gian khởi điểm cho mọi sự bắt đầu lại như một cuốn lịch mới tinh nguyên bắt đầu cho một năm mới tràn trề  hy vọng. 


Bởi vậy cho nên ai ai cũng cố gắng chuẩn bị cho gia đình mình một cái tết thật chu đáo kỹ càng và đầy đủ được chừng nào hay chừng nấy. Nhà cửa được sơn phết dọn dẹp sạch sẽ ngăn nắp từ trong ra ngòai, màn cửa mới toanh, lư hương tủ thờ được lau chùi sáng bóng. Vui nhứt là mấy chị em được má dẫn đi chọn hàng vải may đồ mới, mỗi đứa vài bộ đồ, hai ba đôi giày dép guốc hoặc có thể xin mua sắm gì thêm nữa theo ước muốn với lý do chính đáng vững chắc là ‘’tết mà’’, một năm chỉ có một lần, lẽ nào ba má từ chối không cho.

Từ hai mươi ba tháng chạp, đưa ông táo về trời xong là mấy bà mấy cô luôn bận rộn không ngừng với chuyện nữ công trang hòang nhà cửa và chuyện gia chánh nấu ăn như làm dưa (dưa món, củ kiệu, củ cải, bông cải vv…) sênh mứt (mứt mảng cầu, mứt me, mứt dừa, mứt gừng, mứt bí, mứt thơm) hoặc nướng các lọai bánh (bánh gai, bánh men, bánh quy, bánh thuẩn, bánh hạnh nhân...) tùy thích. Làm xong đem cất trong các ngăn quả keo lọ để dành đãi khách trong những ngày tết hoặc làm quà biếu xén bà con xa gần. Đó cũng là cơ hội cho các cô con gái tới tuổi cập kê thi đua trổ tài khéo léo của mình với  bạn bè hàng xóm chung quanh, nhứt là với những gia đình có con trai lớn đang ngắm nghé  chọn dâu cưới vợ.


Ngày ba mươi tết, năm nào rước ông bà về ăn tết với con cháu, cả nhà Thùy cũng đều tụ tập qua nhà bà dì, chị cả của má để cúng kiến chung, bữa cúng đó rất thịnh sọan linh đình, ngòai nồi thịt kho hột vịt, tiêu chuẩn không thể thiếu trong ba ngày tết còn có những   món ngon mà ngày thường Dì ít khi làm tới như vịt tiềm bạch quả hột sen, nấm đông cô um với tóc tiên, lẩu thập cẩm, gà nấu dấm, chả tôm quết, thịt đông(miền nam tiết trời không đủ lạnh, muốn cho thịt đông phải để tủ lạnh), bánh tét do dì gói và bánh củ cải cũng do dì làm. 


Bánh củ cải là đặc sản của người Tiều minh hương, một lọai bánh hấp làm bằng củ cải trắng bào sợi trộn chung với tôm khô, đậu phọng, thịt ba chỉ, tỏi lá xắt nhuyển và bột gạo rồi cho vào khuôn hấp. Khi ăn xắt miếng dày chừng một phân nhúng vào trứng bỏ vô chảo chiên sơ ăn với xì dầu tương ớt họăc nước mắm ớt Việt Nam là hết sảy. Đồ ngọt thì có sương sa, bánh quai vạc, bánh ít bánh dày bánh tổ và trái cây tươi phủ phê đủ loại kể sao cho xiết.



Không biết tổ tiên ông bà ông vải có ăn được miếng nào không mà cúng xong vẫn còn y nguyên hiện để rồi sau đó con cháu dọn xuống ráp lại ăn nhậu phè phởn tưng bừng một bữa trả thù những khi phải ăn sơ sịa quấy quá cho qua ngày. Nhưng cho dù có nhậu quắc cần câu hay ăn cách mấy đi nữa cũng không hết nổi chừng ấy món ăn, thứ nào cũng còn dư ê hề, nhứt là dĩa tam sanh thịt luộc, tôm nướng, mực khô cúng ông thần tài  vẫn còn chình ình tại chỗ không ai đụng tới. Vì vậy cho nên bà dì kêu Thùy lại bảo ra chợ mua giùm dì hai ký cải phụng (mùi vị giống y cải xanh nhưng lá to bẹ dài gấp bốn lần cải xanh) để dì nấu chung với mớ đồ dư thành xà bần để ăn dài dài tới ra giêng. Thùy nhăn nhó gãi đầu bẻ mình bẻ mẩy ẹo tới ẹo lui một hồi rồi ngần ngừ nói:
- Con sợ pháo quá hà, ra đường mấy thằng con trai liệng pháo vô mình hổng có ai kế bên cho ôm chắc con chết giấc quá. Dì kêu con Hương đi giùm đi, để con ở nhà phụ dì mấy công chuyện khác.
Dì trừng mắt gạt ngang:
- Pháo tiểu nổ lẹt đẹt mà sợ cái nổi gì. Con Hương nó không có biết lựa cải, mua về ba cái cải già ngắt sơ không có môn mà dục bỏ chớ ăn gì được. Thôi thì hai đứa đi chung đi, đi lẹ lên không thôi người ta dọn chợ về ăn tết hết là tụi bây hỏng có xà bần ăn đó nghe con. Lớn đầu rồi còn sợ pháo y như là con nít, thiệt tình. À, mà dặn hờ nè, nếu hết cải phụng thì mua hai cái bắp bắc thảo nghe chưa, đừng có về tay không là tao bắt trở ra nữa đó. 
Thùy vừa đi vừa phân trần với Hương, nhỏ em, con bà dì:
- Đâu phải nhỏ mới được… quyền sợ, lớn như tao với mày cũng sợ vậy, cái gì nổ cái đùng là giựt mình sợ hết hồn hết vía luôn, trời gầm sấm chớp tao cũng sợ thấy bà cố nội kiếm chỗ núp không kịp chớ bộ.
Hương nhảy đong đỏng chận họng Thùy:
          - Ê, không có tao trong đó à nghe, tao không có sợ cái giống gì hết á. Tính lôi tao vô cho có bạn hả mậy?Nghèo mà ham!
Thùy vuốt ve giả lả:
        - Ờ phải à, bởi vậy mới kêu mày ‘’hộ tống’’ tao đó. Tao sợ nhiều thứ lắm. Ngay cả con gà, tao cũng sợ nữa. Hôm qua má tao kêu  xách con gà lại nhà bạn má biếu tết, con gà đã được nhốt trong giỏ ràng dây chằng chịt mà tao cứ sợ nó ngóc mỏ lên mổ cái tay, vừa đi vừa hồi hộp cho tới khi ‘’giao hàng’’ xong mới thôi.
Hương trề môi háy Thùy một cái dài nhằng:
- Cái đồ thỏ đế, trời gầm mà cũng sợ, hổng biết mai mốt lớn lên mày làm cái gì ăn nữa, không lẽ trốn trong nhà hòai được sao. 
Thùy la làng chói lói:
          - Ê, bữa nay nói vậy còn được chớ ngày mai mùng một tết, mày làm ơn kiêng cử cái miệng của mày lại giùm chớ mà phát ngôn bừa bãi như vậy thì tao xui cả năm đó nghe con quỷ.


Buổi trưa rước ông bà xong, tối lại tới cúng giao thừa đón năm mới. Giao thừa còn gọi là tống cựu nghinh tân. Tục truyền rằng vào giữa khuya đêm này, vị thần cai quản việc thế gian năm cũ mãn nhiệm kỳ ra đi bàn giao công việc lại cho vị thần mới về nhậm chức. Để bày tỏ lòng thành kính biết ơn, nhân gian mới lập bàn cúng tế ra giữa trời, một công mà bốn việc, vừa đưa tiễn, vừa đón rước, trước cúng sau ăn. Thông thường thì cúng giao thừa người ta chỉ cúng đồ chay như trà nước, bánh mứt trái cây hoặc nấu một món chè gì đó thanh đạm thôi chớ không rượu thịt rình rang như rước ông bà. 
  

Cũng trong lúc này, trên trời hỏa châu được bắn lên tới tấp sáng ngời cả một vùng đêm đen trừ tịch báo hiệu giờ phút thiêng liêng của một năm đã đến, dưới đất những dây pháo dài thậm thượt được đốt lên nổ rền liên tục để xua đi những gì xui xẻo rủi ro trong năm cũ và đón về một năm mới may mắn tốt đẹp thanh quang.

Sáng mùng một tết, mấy chị em Thùy hăng hái dậy sớm, sung sướng diện vào bộ quần áo mới mừng tuổi ba má chờ tiền lì xì. Đây là một tuc lệ rất được giới con nít hưởng ứng hoan nghinh, đứa nào lớn nhứt thì được tiền nhiều nhứt vì đã có nhu cầu xài tiền hơn những đứa còn nhỏ. Người lớn có khi cũng được lì xì tượng trưng để lấy hên cho năm mới được phát đạt tấn tài.

Và khi chiếc radio Philips nhiều băng tần của ba Thùy vừa trổi lên bản nhạc ‘’Câu chuyện đầu năm’’ hay ‘’Ly rượu mừng’’ cũng là lúc ba đã chỉnh tề lịch sự trong bộ ‘’đồ vía’’ với đôi giày đen bóng láng mà cả năm bị treo trong tủ, cất trong hộp đợi đến ngày tết mới lấy ra mặc một lần để đi thăm viếng chúc tụng bà con. Quanh năm suốt tháng ăn mặc ra sao cũng được nhưng hôm nay là tết nhứt thì phải trịnh trọng ‘’đóng bộ lên đồ’’ đàng hòang như đi làm chú rể chớ không được lè phè giỡn mặt coi thường. Thế mới biết Tết Nguyên Đán trang trọng thiêng liêng đến thế nào trong tinh thần dân tộc!

Trước tiên, ba Thùy qua xông đất các nhà hàng xóm kế bên. Xưa nay, ba vốn được người trong xóm quý mến vị nể cho nên họ rất hoan nghinh mừng rỡ khi thấy ba tới trước cửa nhà họ. Ghé nhà người nào ba cũng lì xì cho cả nhà đó mỗi người hai tấm vé số ‘’kiến thiết quốc gia’’ để ‘’giúp đồng bào ta xây đắp cơ đồ’’ và nếu vận may đến thì ‘’giàu sang mấy hồi’’ làm ai cũng hớn hở mừng vui như…tết.


Sau đó, ba má dẫn mấy chị em Thùy đi mừng tuổi bà nội đang sống chung nhà với chú thiếm ở cách xa nhà Thùy khỏang cây số. Mùng một tết đúng thật là cái ngày thiên hạ ngơi nghỉ ăn chơi. Dù có bao nhiêu công lên việc xuống hay bao nhiêu lo lắng giận dữ buồn phiền, người ta cũng tạm  thời gác lại một bên để tạo cho mình một ngày nhàn nhã thảnh thơi, một ngày không bận rộn chỉ để ngồi chơi xơi nước, đi chùa hái lộc, đến nhà thờ cầu kinh hoặc đi thăm viếng bà con bạn bè, lắc xí ngầu bầu cua cá cọp thử vận may năm mới.



Thế nên trên suốt mỗi con đường, đâu đâu cũng nhộn nhịp tấp nập khách du xuân với những tà áo mới tinh muôn màu sặc sỡ, tiếng cười đùa chào hỏi lẫn trong tiếng pháo lạch tạch đì đùng đó đây tạo nên một họat cảnh tết thanh bình tự do no ấm đầy dấu ấn tuyệt vời mà cho đến bây giờ Thùy vẫn còn nhớ như in trong tâm trí. Đi tới nhà nào chị em Thùy cũng được lì xì và mời ăn uống, nhà nào cũng hoa mai vàng dưa hấu đỏ, xác pháo ngập đầy sân, nhà nào cũng bánh mứt hột dưa nước ngọt bánh chưng bánh tét phủ phê đầy bàn nhưng chẳng mấy ai muốn ăn mà chỉ lai rai cắn vài hột dưa, nhâm nhi chung trà tách nước, hết nhà này tới nhà nọ là đủ thấy lâng lâng no vui trong lòng vì huyền diệu thiêng liêng của không khí  ngày xuân dân tộc.

Từ ngày biệt xứ xa nhà
Còn đâu nguyên Đán tết ta thuở nào
Đầu xuân nâng chén rượu đào
Chúc nhau phúc lộc dồi dào quanh năm
Du xuân hái lộc đầu năm
Phố phường áo mới tung tăng dập dìu
Dáng mai khoe sắc yêu kiều
Pháo rền hy vọng tin yêu cho người
Nàng xuân e ấp nụ cười
Đất trời hòa quyện niềm vui chan hòa


Tết xưa là như vậy đó, giờ đây có còn chăng chỉ là trong ký ức mà thôi. Kể từ khi lưu lạc  xứ người, nhứt là những năm đầu sống xa cộng đồng người Việt, Thùy không còn biết tết đi tết đến lúc nào. Ngày nào cũng như ngày nấy, áo mới muốn mặc lúc nào thì mặc, không còn cái háo hức chờ năm sang tết đến mới trịnh trọng “lên đồ” như xưa.

Thấm thóat mà  đã ba mươi hai năm trôi qua, ba mươi hai cái tết vô nghĩa đối với Thùy bởi vì Thùy không còn cảm nhận được nữa cái hương vị đặc thù của tết quê nhà năm xưa  dù rằng mỗi năm xuân vẫn sang, tết vẫn đến theo chu kỳ. Hơn thế nữa, Tết lại thường hay rơi vào những ngày  trong tuần, ai cũng bận đi làm, con trẻ thì đi học, chưa kể những người có lịch trình hẹn với bác sĩ hay nhà thương, hay với văn phòng dịch vụ nào đó cho nên không thể ăn tết đúng ngày mà phải đợi tới cuối tuần. Như vậy thì còn gì là cái ý nghĩa thiêng liêng của ngày Nguyên Đán cổ truyền, vui đâu không thấy mà chỉ thêm nuối tiếc ngậm ngùi, thương cho Việt Nam cộng hòa một thuở nào vang bóng đã bị bức tử chôn vùi oan khiên, thương cho quê hương không biết đến bao giờ mới có mùa xuân trở lại!
Xuân xưa cả một quốc gia
Xuân này riêng chỉ mình ta cộng đồng
Lạc lòai xuân chẳng ấm nồng
Bồi hồi quê cũ chạnh lòng xuân xưa !!


Người Phương Nam                                                              

10 comments:

  1. Nị phàn dậu ơi, tố chè đã gửi bài viết rất hay, làm nhớ quá đi thôi về Tết xưa.
    Nị ở Úc đông người VN, chợ búa vui vậy mà than buồn còn ngộ ở chỉ có tuyết không thì thảm dường nào nữa?
    Thân chúc Nị phàn dậu và Ông Thánh Peter 1 mùa xuân hạnh phúc, thịnh vượng và may mắn nghe.
    Thân ái,
    KH

    ReplyDelete
  2. Cộng đồng người Việt ở Úc mỗi năm cũng tổ chức Tết ta sôm tụ rình rang lắm nhưng vẫn thấy thiếu thiếu một cái gì. Chắc là thiêng liêng hồn tết! Không biết rồi đây, khi thế hệ mình năm xuống hết, tụi trẻ nó có còn tiếp tục gìn giữ truyền thống Tết quê hương dân tộc mình hay không!
    Mến chúc Kim Hoa bà bà một năm mới an khang - hạnh phúc nhứt là du lịch nhiều hơn năm rồi.
    TK

    ReplyDelete
  3. Đoc mà nhớ Tết vô cùng , khu mình ở cũng ít nguoi Việt nên Tết buồn lắm . Thân chúc chi năm mới đuoc vạn sự như ý , sức khoẻ dồi dào, moi sự đều bình an .

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn chị Kim Phan.
      Rời VN đã 36 năm rồi, thèm vô cùng hương vị Tết trên quê hương. Nhưng có lẽ một lần đi là một lần vĩnh biệt, không còn cơ hội trở về...
      Mến chúc chị cùng gia quyến một năm mới an khang - thịnh vượng - hạnh phúc.
      NPN

      Delete
  4. Cám ơn chị NPN chia sẻ bài viết về Tết Xưa với hình ảnh quê nhà, nhớ quá! Cám ơn cả hình ảnh đại gia đình đầy ấm cúng hạnh phúc mà chị post lên.Đẹp quá!
    Kính chúc anh chị và quý quyến hưởng 1 cái Tết an lành sức khỏe và hạnh phúc ạ.
    Hồng Thúy

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn Hồng Thúy đã mau mắn vào ̣đọc và xem hình.
      Tấm hình gia đình đó chụp vào dịp Tết năm 73, lúc đó chị 22 tuổi, mới đám cưới một năm. Lúc đó ngưở̀i nào người nấy trẻ măng, tới nay đã thành những cây tre già cỗi. Ba má chị và một đứa em gái đã về cát bụi. Nhìn lại hình xưa mà ngậm ngùi cho một kiếp nhân sinh.
      thương chúc Hồng Thúy một năm mới đầy phúc lộc ơn trời.
      TK

      Delete
  5. Tết VN xưa thật vui quá hả chị! Nhớ quá!
    Have a Happy New Year chị và gia đình!
    Ngàn Thu

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn Ngàn Thu. Tết xưa vui lắm, nhớ suốt cuộc đời vì không còn tìm lại được nữa phải không Ngàn Thu?
      Happy New Year to you too.
      NPN

      Delete
  6. Tố Kim ơi,
    Đọc bài Tết Xưa của em nhắc chị nhớ những này Tết xưa cũ của gia đình chị quá, nhất là khi nhìn hình hoa mai nở đẹp rực rở chị càng nhớ Ba chị nhiều hơn vì năm nào ông cụ cũng đi mua cành mai về chưng Tết.
    Chị nhớ nhất là nồi thịt kho hột vịt nước dừa ngon quá trời và món canh khổ qua của má chị nấu. Đặc biệt là Mùng Một Tết cả nhà đi chùa Xá Lợi, chùa Giác Tâm lễ Phật đầu năm.
    Bây giờ qua Mỹ tụi nhỏ vẫn đi làm, đi học trong ngày Tết nên anh chị nhiều khi phải đi lễ Phật đằu năm không có con cháu đi theo. Cũng đành thôi.
    Cám ơn em đã đưa anh chị về kỷ niệm ngày Xuân xưa cũ.
    Chúc sức khỏe và an lạc Năm Mới nha em.
    Love,
    Anh chị Minh & Sương Lam

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn chị Sương Lam,
      Năm nay mùng một Tết rơi vào weekdays, ai cũng đi làm coi như không có Tết. Buồn quá há chị. Mỗi gia ̣đình âm thầm cúng kiếng ông bà rồi dọn ra ăn một mình, hồi tưởng Tết xưa nơi quê nhà có cả đại gia đình tưng bừng sum họp chung vui...
      Thôi hết rồi chị ơi! Cũng may anh chị còn có nhau cũng đỡ tủi buồn.
      Thương chúc anh chị một năm mới an vui, vạn sự cát tường.
      Thân quý,
      TK

      Delete