Monday, October 6, 2014

Phật Giáo Việt Nam - Ai Cũng Có Thể Trở Thành Tăng Sĩ


Phật Giáo không được có trên có dưới như bên Thiên Chúa giáo

Một nhà nghiên cứu văn hóa có tiếng tại Việt Nam nói với BBC Việt Ngữ với điều kiện ẩn danh rằng người chân tu ở Việt Nam có lẽ còn rất ít và liệu có thể giữ gìn được tinh thần của Đạo Phật hay không là điều đáng lo ngại nhất hiện nay.
Theo ông, các sư sãi ngày nay "trình độ thì không có và hình ảnh nhà sư nói chung đã bị méo mó mất rồi".
Ông giải thích đó là vì "ai muốn vào chùa cũng được, ai muốn mở chùa cũng được", và "thậm chí sư thành cái nghề, có trường hợp thanh niên 18-20 tuổi không có nghề thì vào chùa đi tu", và như vậy đã làm mất hết ý nghĩa của người tu hành, của Đạo Phật.
Ý kiến này cũng được một học giả chuyên nghiên cứu về tôn giáo tại Việt Nam đồng tình.

Theo nhà nghiên cứu tôn giáo thì "tại Việt Nam hiện nay, phẩm chất Phật giáo trong một bộ phận nào đó đã đánh mất niềm tin của quần chúng”.

Nó khiến người dân đặt câu hỏi liệu có phải họ thực sự đang tu thân không, hay “việc tu hành được dùng làm phương tiện để đạt được những điều mà họ mong muốn. Và đó là một điều rất dở," ông nói.

Khác Biệt Nam Bắc

Tuy nhiên ông cũng nhấn mạnh rằng có sự khác biệt giữa Phật giáo ở miền Nam và ở miền Bắc.

Ông cho biết trên phương diện tu hành thì
"Phật giáo miền Nam có khá hơn so với miền Bắc".
Theo ông, “một bộ phận của Phật giáo miền Bắc thực sự không tu hành mà sống cuộc sống nhiều khi còn thô tục hơn cả đời thường.”
Do thiếu sách báo viết về Phật học, trình độ thuyết pháp của những vị sư ở thành thị và thôn quê rất là chênh lệch và nghi thức phụng pháp giữa hai vùng cũng hoàn toàn khác nhau

Tiến sĩ Dân tộc học, Nguyễn Văn Huy

Trong con mắt của người dân thì niềm tin, sự tín nhiệm đối với Phật giáo đã mất đi rất nhiều, ông nói.

Tuy không phải không còn những người chân tu ở miền Bắc, và một số ít chùa vẫn giữ được nếp xưa, nhưng tình trạng dung tục hóa do đời sống trần tục thì ở miền Bắc thể hiện rõ hơn.

Ông cho biết đã từng sống với một số trong giới tăng lữ ở phía Nam và thấy rằng ở một số nơi họ vẫn còn giữ được nền nếp của Đạo Phật.
"Ngoài Bắc, ở chùa chiền tại các làng đơn lẻ, có thể nói là thực sự không có ai kiểm soát, muốn làm gì thì làm, và nhiều người dân nay bắt đầu kêu về tình trạng các vị sư tại các chùa này sống trần tục quá.
"Họ đã lợi dụng lòng tin của dân và khía cạnh trục lợi thấy rõ hơn ở miền Bắc. Còn ở miền Nam, tuy có những nơi cũng bị biến dạng, nhưng không khí tu hành còn thể hiện tương đối rõ," nhà nghiên cứu về tôn giáo nói.

Tiến sĩ dân tộc học Nguyễn Văn Huy từ Paris chia sẻ nhận định này.

“Do thiếu sách báo viết về Phật học, trình độ thuyết pháp của những vị sư ở thành thị và thôn quê rất là chênh lệch và nghi thức phụng pháp giữa hai vùng cũng hoàn toàn khác nhau,” tiến sĩ Nguyễn Văn Huy viết trong bài “ Phật giáo Việt Nam và hai giáo hội”.

Khi được hỏi nguyên nhân của sự khác biệt này, nhà nghiên cứu tôn giáo nói: "Có rất nhiều căn nguyên. Có căn nguyên về đời sống, căn nguyên về thái độ chính trị của họ."

Và đây cũng là điều nhà văn hóa từ Hà Nội có chung quan điểm.

Cả hai ông cho rằng Đạo Phật ở Việt Nam đã bị chính trị hóa và đây cũng là điều những người trong giới nghiên cứu muốn nhắc nhở các chính trị gia về "xu hướng rất đáng lo" này, vì "nó làm mất đi cái đẹp thực sự của Phật giáo trước đây”

Quản Lý và Minh Bạch
Thêm vào đó, hai ông cùng có chung nhận xét rằng ngoài chuyện một số người trục lợi về mặt tiền bạc thì còn có tình trạng trục lợi về cả những phương diện khác, và cho rằng “đây là một xu hướng thiếu lành mạnh".

Trong bối cảnh việc đi lễ chùa chiền ngày một phát triển, con số người đi lễ nhiều hơn rất nhiều so với những năm trước đây, tiền công đức của các Phật tử cúng vào chùa tăng lên đáng kể, nó đã đặt ra câu hỏi liệu việc quản lý chi tiêu cho các sinh hoạt hàng ngày của sư sãi trong chùa và cho việc xây dựng Tam bảo, làm từ thiện đang được quản lý như thế nào.

Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết “hiện chưa có những quy định rõ ràng phải công khai, khai báo về tiền công đức”, tuy nhiên ở tất cả các chùa Việt Nam, các cộng đồng xã hội, tức là các Phật tử địa phương tham gia quản lý và “việc thu nhập hay chi tiêu được thể hiện rõ ràng và công khai."

Thế nhưng vụ việc tại chùa Bồ Đề mới đây đã khiến dư luận đặt câu hỏi liệu việc giám sát của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với các hoạt động của các chùa và tăng ni ở Việt Nam ra sao.

Khi được hỏi về vấn đề này, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói: "Qua vụ việc ở chùa Bồ Đề, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng nhận thấy việc quản lý lỏng lẻo ở các cơ sở từ thiện xã hội.

“Trình độ quản lý của các nhà sư còn hạn chế nên để xảy ra hiện tượng chính những người được nhà chùa cưu mang làm ảnh hưởng."

Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết Giáo hội Phật giáo Việt Nam muốn "duy trì hình ảnh các tăng ni với những chiếc áo nâu sồng hay áo vàng thanh bạch, không màng tới đời sống vật chật trong bối cảnh xã hội phát triển ngày một hiện đại và đời sống ngày càng cao hơn".

Để thực hiện điều đó, GHPGVN đã có quy định về nội quy của Ban Tăng sự để quản lý tăng ni trong toàn quốc.

"Hòa nhập chứ không hòa tan và vẫn phải giữ cốt cách của đạo, giữ được sự thanh bạch trước xã hội vật chất vì trong đạo Phật vật chất chỉ là phương tiện thôi," Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Thiếu Cơ Quan lãnh Đạo Tòan Quốc

Tuy nhiên theo cả nhà văn hóa và nhà nghiên cứu về tôn giáo không muốn được nêu tên thì những người có vai trò lãnh đạo trong các tổ chức Phật giáo cũng biết về tình trạng Phật giáo Việt Nam hiện nay nhưng “họ cũng không thể làm gì được.

Cả hai ông cho rằng bên Phật giáo có phần nào không được “nghiêm khắc và có trên có dưới” như bên Thiên Chúa giáo và nhìn chung Phật giáo Việt Nam khá phức tạp.

Một thực tế là ngoài Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) có trụ sở tại Hà Nội và là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì còn có một tổ chức Phật giáo khác ở phía Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), không chịu sự quản lý của GHPGVN và hiện chưa được nhà nước Việt Nam công nhận.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy thì ở Việt Nam hiện nay thiếu một cơ quan lãnh đạo Phật giáo toàn quốc.

Chính vì “không có một cơ quan Phật học chủ đạo để đào tạo giới tăng lữ nên ai cũng có quyền đi tu và có thể trở thành tăng sĩ, tăng sĩ nào có công xây chùa thì được trụ trì tại chùa đó,” tiến sĩ Nguyễn Văn Huy viết.
Các học giả cho rằng ở Việt Nam có tình trạng là trong rất nhiều lĩnh vực, giới lãnh đạo cũng đều nhìn thấy vấn đề, nhưng họ không tìm được cách khắc phục và điều đó khiến nó trở thành “gần như một sự bế tắc và bất lực”, nhà nghiên cứu tôn giáo kết luận.

Sưu tầm

No comments:

Post a Comment