Monday, December 8, 2014

Giáng Sinh Qua Những Chặng Đời - Phần 1

christmas Tree

Mỗi năm vào khỏang cuối tháng mười một, khi nhà nhà, đường sá, phố chợ, siêu thị tưng bừng  tràn ngập những hình ảnh biểu tượng cho mùa Giáng Sinh như  ông già Noel, cây thông, ngọn nến,  hoa đăng  hay những dây kim tuyến đủ màu sặc sỡ, và đâu đó từ khắp mọi nơi trong hang cùng ngỏ hẻm vang vang lên những bài thánh ca quen thuộc chào đón ngôi hai Thiên  Chúa xuống thế làm người, có ai mà không nghe lòng ấm áp rộn rã xôn xao nghĩ  tới việc chuẩn bị một lễ Giáng Sinh nồng ấm hạnh phúc cho gia đình mình. Bao nhiêu năm làm người dương thế là bấy nhiêu mùa Giáng Sinh đã đến trong đời. Có những mùa Giáng Sinh đến rồi đi bình thường như cơn gió thỏang, như một cuộc vui qua đêm rồi chìm lắng, như một người lạ mặt qua đường  chẳng mảy may để lại chút ký ức gì trong tâm tưởng nhưng cũng có những cuộc Giáng Sinh đầy dấu ấn đã trở thành kỷ niệm làm hành trang mang theo đời...

1-
Thuở ấy, vào đầu thập niên sáu mươi, Kiều và đứa em bạn dì tên Vân còn rất nhỏ, chỉ mới tám chín tuổi, hai đứa học trường dòng Providence (Chúa quan phòng), một trường dòng Soeur áo trắng.  Mỗi ngày đi học hai buổi sáng sáng chiều chiều đều có xe trường đưa đưa rước rước khỏi sợ nắng sớm mưa chiều. Nói tiếng là đi học chớ ở tuổi đó ăn chưa no lo chưa tới, ham chơi hơn ham học, học được chữ nào thì nên chữ đó chớ có biết gì đâu là cố gắng chuyên cần.

Cứ gần đến lễ Noel, mấy bà Soeurs thường cho  học trò thi đua làm hang đá máng cỏ Chúa hài đồng đem vào trường chấm điểm. Có năm thì bảo vẽ hình, làm thiệp Giáng sinh, ông già Noel hay cây thông hoặc ba vua  chẳng hạn. Những chuyện thủ công “rị mọ” mất giờ đó thì hai đứa không có hứng thú và cũng chẳng thèm bận tâm làm gì, coi như “ne pas”. Hai đứa cứ giao đứt cho ba cô Kiều vốn dĩ rất cưng con, nuông chìu đủ mọi thứ, còn dặn dò ba rằng “Ba muốn làm sao đó thì làm, nhưng đừng làm đẹp quá, ma soeur mà  biết người lớn làm sẽ bắt con về làm lại đó”. Còn hai đứa chỉ lo đánh đũa, nhảy dây, chơi nhà chòi với chúng bạn, có khi còn chơi tán u, tán khúc cây văng trúng đầu một ông cảnh sát u một cục. Ông ta cầm khúc cây lại mắng vốn con gái gì mà chơi tán u như con trai, coi không được chút nào hết. Vậy mà vẫn cứ ham chơi không bỏ sót một trò chơi nào, đợi khi ba làm xong là chỉ việc đem vào góp “trả nợ quỷ thần” cho xong chuyện.

Ngòai ra nhà trường còn tổ chức làm văn nghệ gây quỹ, mời phụ huynh mua vé giúp hội cho nhà trường.  Có lần  Kiều và  Vân bị bắt làm tuồng. Kiều thì diễn vai ông vua trong một vở kịch vui ngắn (vì trường bà không có nam học sinh cho nên Kiều phải giả trai làm vua) Nội dung vở kịch là ông vua Dagobert bị phản thần sóan ngôi phải lưu vong bôn đào. Về sau khi dựng lại giang san, muốn lên ngôi vua trở lại, Dagobert phải tự chứng minh mình với thần dân mình chính là vua Dagobert lúc xưa với cái thói quen khác người là chuyên mặc đồ…trái (đừng tưởng vậy là dị hợm, thời trang ngày nay cũng mặc bề trái ra ngòai chớ bộ). Còn nhỏ Vân thì được chọn đóng vai Đức Mẹ quỳ bên máng cỏ nhìn ngắm Chúa hài đồng trong nhạc cảnh “Đêm Giáng Sinh” .

Mỗi chiều sau khi tan học, đứa nào có vai diễn hay ca múa thì phải ở lại tập tuồng. Sợ bọn nhỏ đói nên các bà soeur lo lót… bụng  mỗi đứa một trái chuối và một lát bánh mì  để bọn nhỏ hăng hái tập dợt. Đối diện với trường dòng là khu nghĩa địa đất thánh tây rộng lớn tương đối sạch cho nên mấy bà soeur thường hay dẫn học trò qua đó tập tuồng (con nít hồi xưa rất ngoan và …ngố. Người lớn bảo sao thì nghe vậy, dẫn đi đâu thì đi đó chớ chẳng dám thắc mắc hỏi han là tại sao lại dẫn vào nghĩa địa múa hát, may là không có đứa nào bị ma nhập). Bọn nhỏ lúc đầu rất sợ ma nhưng về sau thì ma lại sợ người.

Dợt đi dợt lại đến hơn một tháng trời cho…ma coi rồi mới  tới ngày trình diễn chính thức cho người coi . Phần đầu là những màn ca vũ  của mấy chị lớp lớn trung học với những màn vũ múa nón, múa quạt… Màn kịch Dagobert cũng rất thành công làm khán giả cười ngất khi Dagobert khoe ra cái quần trái chứng minh ta đây là ông vua chính hiệu con nai vàng. Và cuối cùng là nhạc cảnh Chúa giáng trần. “Đức Mẹ” Vân mặc áo chòang xanh phủ gót trông rất thánh thiện khiêm nhu nhưng vì chờ tới màn chót buồn ngủ quá cở cho nên khi trình diễn xong xuống sân khấu, Vân bước thấp bước cao, xiên xiên vẹo vẹo vướng vào tùng áo thùng thình té nhào xuống gãy một bên tay.  Vân đau quá khóc thét lên làm Kiều quýnh quáng không biết làm gì hơn là ôm chầm lấy Vân bật khóc theo. Mấy ma soeurs xúm lại đỡ Vân lên xúyt xoa áy náy cho sự rủi ro không lường trước được . Dì Ba, má của Vân đang ngồi dưới hàng ghế khán giả hốt hỏang chạy  vội lên xót xa ôm chặt Vân vào lòng vỗ về nhưng làm sao Vân nín khóc cho được khi cánh tay bị gãy xương lặt lìa. Ngày hôm sau dì Ba đưa Vân đi tìm thầy thuốc băng bột cánh tay, còn dượng Ba thì hầm hừ nói rằng từ rày về sau không cho tụi bay múa hát làm tuồng làm tích gì nữa.

Sau đêm diễn kịch đó, Vân đi học với cánh tay bó bột gần hai tháng, bữa nào cũng bị lũ bạn chọc quê là “Đức Mẹ” gãy tay. Còn Kiều thì  dở khóc dở cười với cái biệt danh là ông vua mặc quần trái. Đó là một kỷ niệm mùa Noel tuổi thơ mà Kiều và Vân nhớ mãi cả đời. Hai đứa rất khắn khít nhau nhưng tiếc rằng sau đó vì mỗi đứa một hòan cảnh, một số mệnh riêng không còn cơ hội học chung với nhau nữa, đứa đi Saigon tiếp tục học chương trình Pháp ở trường Thiên Phước, đứa thì chuyển sang chương trình Việt khi lên trung học để học cho biết văn hóa lịch sử đất nước mình.                               

2-
Rồi thơ ấu chắp cánh bay đi giã từ tuổi hồn nhiên vô tư lự cho xôn xao trăn trở tuổi dậy thì, cái tuổi không còn thích chạy long nhong chơi trốn kiếm hoặc nhảy cò cò mà chỉ thích ngồi thầm lặng một mình suy tư vơ vẩn, làm bạn với sách báo thơ văn. Lên trung học đệ nhị cấp, không biết thiên duyên tiền định xui khiến thế nào mà ngẫu nhiên  Kiều nộp đơn xin vào học trường Taberd vốn là một trường dòng nam xưa nay chưa từng thu nhận học sinh nữ. Cũng vì thế cho nên mới ra nông nổi sự tình. Vào học chưa lâu, Kiều đã làm xao xuyến trái tim một chàng tu sĩ đa cảm còn nặng lòng trần để rồi từ đó phát sinh một mối tình lãng mạn trái ngang. Lần đầu gặp gỡ, hai người đã có cảm tưởng thân quen. Cùng với thời gian làm học trò của chàng, người trên bục giảng, kẻ dưới bàn học, có cơ hội tiếp xúc với nhau hằng ngày, cả hai ngày càng thêm quyến luyến. Tình trong như đã nhưng mặt ngòai còn e bởi vì một người trót đã được ơn thiên triệu, đã mang trên mình một sứ mạng thiêng liêng, đâu thể vì tình riêng mà bất chấp tất cả. Một người thì nghe ray rứt lương tâm chẳng dám tới gần, sợ mang tội với Chúa. Hơn nữa lại ngại dư luận dèm pha, miệng đời lên án nên dám đâu mặc tình tự tọai yêu đương. Cả hai chỉ biết ngậm sầu âm thầm cầu nguyện xin  Chúa sáng soi thánh ý, nếu có nợ duyên, xin cho thuyền tình suông sẻ, vượt qua được bao sóng gió thế gian để đến được bến bờ sum họp.  

Giáng Sinh năm ấy, để đánh dấu một cuộc tình  vừa kết nụ, chàng đã viết cho cô một lá thư kèm trong tấm thiệp Giáng Sinh dàn trải nỗi lòng với ước mơ  sẽ có một ngày dừng bước độc hành  về bên mái ấm bỏ những ngày giá lạnh  đơn côi… Ước mơ thì ai cũng có quyền mơ ước nhưng có được tọai nguyện hay không thì không phải do mình mà còn tùy thuộc vào số mệnh và đương nhiên còn có cái giá phải trả, hoặc phải đánh đổi bằng một sự lựa chọn giằng co mà sự lựa chọn nào cũng làm chết đi  một khối trong lòng. Hễ được cái này thì mất cái kia. Nhưng đó là chuyện tương lai, hãy để thời gian trả lời. Còn bây giờ thì cứ nhắm mắt xuôi theo tự nhiên tới đâu hay tới đó. 

Sau thánh lễ và  buổi tiệc  Réveillon chung với cả lớp,  chàng đưa cô về. Hai người  sánh bước lặng lẽ đi chầm chậm bên nhau. Con đường sau trước vắng tanh không một bóng người, nhà nhà cửa đóng im lìm, chỉ có tiếng côn trùng nỉ non đâu đây trong lùm cây bụi cỏ và tiếng vạc ăn đêm thỉnh thỏang bay vút qua nghe xạc xào. Giờ này có lẽ mọi người đang thả hồn trong mộng mị chiêm bao, trong giấc ngủ say vùi của nửa đêm về sáng. Trời khuya sương xuống lạnh nhưng cả hai nghe lòng ấm áp, hạnh phúc  ngập tràn. Cũng chẳng ai nói với ai một lời bởi ngôn từ  giờ đây đã quá thừa thãi cho hai tâm hồn đang cùng một nhịp điệu yêu đương. Đến trước cửa nhà cô, cả hai đứng dừng lại nhìn nhau quyến luyến. Trong ánh mắt nồng nàn trao nhau và cái siết tay đầy thương mến, cả hai như ngầm khấn chung một lời nguyện ước rằng đêm nay là đêm thánh nhiệm mầu, cầu xin cho những gì xảy đến trong đêm nay sẽ được nhiệm mầu trong ơn Chúa và huyền diệu vĩnh cửu với thời gian cho dù vật đổi sao dời hay tang điền thương hải ra sao...

Mời xem tiếp phần 2

  Người Phương Nam

2 comments:

  1. Cám ơn chị NPN, phần 1 mở đầu cho câu chuyện tình thật hay và đang chờ phần tiếp đây chị ơi!
    Hồng Thúy

    ReplyDelete
  2. Hồng Thúy ơi, bài viết này kể về những kỷ niệm Giáng Sinh đã xảy ra trong đời của nhân vật Kiều trong truyện chớ không phải là trọn câu chuyện tình.
    Nếu HT có hứng thú về chuyện tình đạo đời của cô nữ sinh và ông tu sĩ thì mời đọc truyện dài "Về Phương trời Cũ". Truyện này đã được đăng trên tuần báo Little Saigon bên Mỹ và SaigonTimes ở Úc, rất được độc giả yêu thích đón đọc hằng tuần (nghe hai ông chủ bút nói vậy).
    Cám ơn HT.
    NPN

    ReplyDelete