Thursday, December 4, 2014

Về Thăm Mẹ - Kim Thoa


Có từ nào để diễn tả hết ý để nói về Mẹ. Mẹ tôi một người đàn bà cả đời gian lao cực khổ, từ lúc nhỏ tôi đã được nghe mẹ tôi kể về cuộc đời truân chuyên của mẹ.

Ông ngoại của tôi, một lãng tử rày đây mai đó, gặp bà ngoại kết nghĩa với nhau, sinh 3 người con, kiếp sống không nhà, cuộc đời không định hướng, xứ Cà Mau rừng thiên nước độc ông chọn làm chỗ trú chân, xứ sở tôm cá đầy đồng nhưng muỗi vắt quanh năm, ông bà ngoại dựng chòi lập nghiệp.
Nghe mẹ kể, từ năm lên 6, mẹ tôi một mình dám chèo xuồng 3 lá dọc theo kênh nhỏ, lượm củi đem bán lấy tiền đưa ngoại, có hôm không có củi mẹ chèo đi xa hơn, lúc về trời sập tối, mẹ thấy ông cọp với hai mắt sáng như sao, ngồi bên bìa rừng, mẹ vừa chèo vừa vái ông đừng ăn thịt.

Năm mẹ mười tuổi, bà ngoại tôi đem gửi mẹ cho một gia đình, tiếng là bà con họ xa bên chồng, là chủ tiệm cầm đồ Tân Hưng ở Hòa Hưng, nói là bà con, nhưng "bắn súng cành nong" ba ngày cũng không tới, ngoại gửi với lời nhắn "chỉ cho nó ăn cơm thôi, cho nó giữ em làm việc nhà gì cũng được", từ đó mẹ tôi kiêm đủ thứ việc, chỉ cần có cơm ăn mà thôi.

Bà Tư Tân Hưng, chủ tiệm cầm đồ ở Hòa Hưng là người nhân đức, bà phân công việc cho mẹ, sáng sớm qua chợ hoặc đón hàng gánh mua đồ ăn sáng cho cả hai ông bà và 4 đứa con nít, xong xuôi lo đút cơm, đút cháo cho con bà, rồi sửa soạn cho 2 đứa lớn đi học, bà cho má tôi ít tiền ăn sáng, rồi dẫn 2 đứa con của bà đi học. Má tôi để dành những đồng tiền ăn sáng đó về lục cơm nguội ăn, chờ vài ba tháng ngoại tôi lên thì đưa tiền cho ngoại, không mẻ một cắc. Bà Tư cũng biết, nhưng bà nhân hậu, không bao giờ hỏi, thỉnh thoảng lại còn cho tiền riêng dặn má tôi bỏ ống heo để dành cho ngoại.

Má tôi từ nơi đồng chua nước mặn, chèo xuồng mót củi bán kiếm tiền cho ngoại, tối ngủ phải ung củi đước, người ngợm quần áo hôi mùi củi ẩm, tay chân thì đóng phèn, cơm thì bữa đói bữa no, bây giờ thì được quần quần áo áo, đồ cũ của đứa con gái lớn của bà, bà cho má tôi mặc, duy chỉ có điều mỗi ngày đi bộ đưa rước con bà mà không được đến trường học chữ như con bà, nhưng đối với người nghèo như má tôi có cơm ăn, có quần áo mặc là cũng quá tốt rồi.
Một buổi tối nọ, đang chơi đùa giữ em thì ông ngoại tôi lên, ông có vẻ bệnh nặng lắm, mẹ tôi kể:
-Ông của con ít khi nào lên thăm má, một tay giang hồ ngang dọc, giờ có vẻ bệnh, chắc cũng biết sức của mình, nên ghé thăm má lần cuối cùng trên đường phiêu bạt.
Bà Tư biểu má tôi xuống bếp xem còn gì thì dọn cho ông ăn. Hồi chiều chị bếp có nấu món canh cải bẹ xanh cho cả nhà ăn, má tôi xuống trạn xem thì thấy còn nửa tô trong tủ, bà dọn cho ông ăn với cơm và chút thịt kho còn lại, mà chị bếp hay nấu dư và chừa lại cho má tôi ăn sáng. Đêm đó ông ngoại tôi ra đi trong giấc ngủ ngàn thu. Sau này má tôi hay dặn các con là "Không được ăn canh cải bẹ xanh vào chiều tối, nếu cảm thấy trong người không được khỏe."

Thời đó, khoảng năm 1945, đâu có điện thoại mà liên lạc, ông ngoại là tay giang hồ lãng tử, may là chết nơi nầy có người chôn, chứ có khi chết bờ chết bụi vợ con không ai biết, phải mấy tháng sau bà ngoại lên thăm má tôi mới biết là ông ngoại chết rồi.
Bà Tư tốt bụng cho làm đám ma rồi chôn đất thí ở nghĩa địa Chí Hòa.
Bà tốt bụng, xem má tôi như con cháu thân tình, bà cho những nữ trang vụn vằn mà khách bỏ không có tiền chuộc, má tôi con nhà nghèo mà có vàng đeo, bà Tư thấy ngoại ở xa mà chồng thì chết nên bỏ tiền mua căn nhà nhỏ xíu cho ngoại và các con ở mà không lấy tiền thuê nhà, miễn là má tôi cứ ở đợ nhà bà, ngoại tôi ở nhà đó mua bán đắp đổi qua ngày.

Mỗi tháng má tôi lấy tiền để dành mua gạo rồi đội đến cho ngoại, má tôi dặn bà đừng đến nhà bà Tư mà bị nhà giàu coi rẻ lại sinh nghi kỵ (sau nầy má tôi cũng hay dặn câu ấy với các con, là đừng có thấy sang bắc quàng làm họ, mà phải biết phận mình). Mỗi ngày đi bộ đưa trẻ đi học thì chạy ù cho lẹ để thăm ngoại, mẹ tôi chạy đường tắt mà sau nầy cũng con đường tắt ấy mẹ tôi chỉ cho tôi để đội gạo đem cho bà ngoại và cậu dì mà nội tôi không hề biết.
Năm má tôi 18 tuổi, trong một lần đến thăm nhà người bạn gái, má tôi đã gặp ba tôi. Ba tôi một thanh niên đẹp trai, có nghề sửa xe hơi, má tôi kết ba tôi vì biết lo làm ăn, ba tôi thương má tôi vì nghĩ rằng cháu của bà chủ tiệm cầm đồ lớn nhất chợ Hòa Hưng, chứ ông không biết rằng má tôi tuy danh nghĩa là cháu, nhưng là đầy tớ ở đợ không trả tiền công. Nhưng ngày má xuất giá theo chồng, bà Tư cũng cho má tôi một chiếc kiềng đeo cổ bằng vàng y để kỷ niệm. Sau nầy lúc có 4, 5 đứa tụi tui rồi má tôi bán chiếc kiềng để mua nhà riêng, không ở với nội nữa.

Trải bao dâu bể, ba tôi bị động viên đi lính xa nhà, một mình má tôi vừa lo gia đình riêng của mình, vừa lo cho ngoại, ôi có bút mực nào tả cho hết sự giỏi giang của người đàn bà Việt Nam mà điển hình là má tôi.

***
Ngồi trong chiếc phản lực nhìn đường bay chậm rì trên màn hình, tôi vượt 10,400 km đường chim bay để về thăm mẹ. Năm nay mẹ tôi 80 tuổi rồi, suốt cả đời lo cho bà ngoại, lo cho chồng cho các con, bây giờ còn lại chỉ một mảnh hình hài gầy yếu.
Càng nghĩ, càng thương mẹ tôi quá chừng đi.

Kim Thoa

3 comments:

  1. Xin chân thành cảm ơn Chị. Chúc chị vui, khoẻ, hạnh phúc và giữ mãi trang blog nầy .
    Kim Thoa

    ReplyDelete
  2. Cũng hy vọng như vậy nhưng không biết có được toại nguyện không. Chỉ sợ lực bất tòng tâm thôi.
    Cám ơn Kim Thoa.
    NPN

    ReplyDelete
  3. Đúng lắm chị Thoa ơi, ôi người Mẹ thật tuyệt vời..

    ReplyDelete