Saturday, December 6, 2014

Việt gian, Việt cộng, Việt kiều - Vi Anh


Du lịch là một nhu cầu của cá nhân và là một kỹ nghệ làm ra tiền mà không có khói của một quốc gia. Trong hội nghị thượng đĩnh APEC mới đây, ngày 10 tháng 11 năm 2014, trước 21 nguyên thủ quốc gia thành viên, TT Obama của Mỹ, đệ nhưt siêu cường thế giới vẫn vận động cho du lịch Mỹ. Ông nói Mỹ đã thoả thuận kéo dài thời hạn visa cho người Trung Quốc, một quốc gia đông dân nhứt hoàn cầu: 5 năm cho sinh viên, 10 năm cho du khách, thương nhân, thay vì 1 năm như hiện nay.TT Obama không giấu giếm, năm 2013, khoảng 1,8 triệu người Trung Quốc đã tới Hoa Kỳ, đóng góp 21 tỷ đô la cho nền kinh tế Mỹ và hỗ trợ cho hơn 100 ngàn công ăn việc làm cho dân Mỹ. Hy vọng với thỏa thuận lãnh sự song phương này, các con số nói trên sẽ tăng gấp bốn lần trong thời gian tới.

Trong khi đó thời sự quốc tế cho biết du lịch VN quá tệ. Nói có sách mách có chứng. Liên Âu có tài trợ một cuộc khảo sát thăm dò phát triển du lịch, kết quả nghe thật đáng buồn cho Việt Nam: chỉ có 6% khách quốc tế muốn trở lại Việt Nam để du lịch. Lý do: dịch vụ du lịch VN yếu kém, phương tiện vận chuyển không thuận tiện, đầu tư không đúng cách, chi phí vào xem ngày càng tăng, nạn ô nhiễm, mất vệ sinh, tội phạm đường phố móc túi, giựt đồ có tăng chớ không giảm.

Còn trên trang mạng The Guide to Sleeping in Airports chuyên về các sân bay toàn cầu đã xếp hai phi trường quốc tế lớn nhứt của VN, Nội Bài ở Hà nội và Tân Sơn Nhất ở Saigon, vào danh sách 10 sân bay tệ nhất Á châu năm 2014. Lý do: vệ sinh kém, bố trí không thuận tiện cho hành khách, thiếu tiện nghi của các trang thiết bị, không có wifi, quá ít máy điều hòa không khí, thủ tục giải quyết chậm dẫn đến tình trạng xếp hàng dài, nhân viên hải quan tìm cách chèo kéo để ăn hối lộ và quá hỗn loạn, trộm cắp. Lời khuyên của Sleepinginairports dành cho các du khách khi đến những địa điểm này là mang theo thuốc khử trùng, thảm ngủ, bông bịt tai và một ít đồ ăn mua từ bên ngoài để chống chọi với sự khó khăn trong các sân bay. Đọc tới đây người Việt không khỏi mắc cỡ, đỏ mặt.


Giáo sư Jonathan London thuộc Đại học Thành thị Hong Kong, nhà xã hội học, kinh tế, chính trị học chuyên về Việt Nam, nhận xét: “Sân bay của Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề lắm. Riêng chuyện phải chờ mãi mới lấy được hành lý ở sân bay Nội Bài của Hà Nội đã là một yếu tố làm cho tôi rất chán. Rất nhiều lần, đến mức hiện nay tôi luôn cố gắng để chỉ mang một túi carry-on mà thôi, vì không muốn chờ hơn 30 phút để lấy hành lý. Sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn cũng hơi chật và đã có khi tôi phải xếp hàng chờ đợi rất lâu…, đặc biệt những người Việt kiều về nước muốn tránh vấn đề thì có hiện tượng họ cho tiền vào hộ chiếu.” Du khách thường xuyên sang Việt Nam này nói vấn đề nhức nhói nhất của các sân bay Việt Nam là điều kiện vệ sinh vô cùng thấp.

Theo con số của chính Tổng Cục Du Lịch Việt Nam, khách du lịch ngoại quốc đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2014 chỉ có gần 6 triệu lượt người, giảm so với năm ngoái được 7,5 triệu lượt khách. Trong số khách du lịch này, phân nửa là khách đến từ các nước Á châu như Trung Quốc, Thái Lan... Họ là những người mua sắm nhiều, đi viếng thăm nhiều chỗ. Nhưng phần lớn số khách này một đi không trở lại.

Trái lại, khách phương Tây từ vùng ôn đới rất thích danh lam thắng cảnh nhiệt đới của Việt Nam thì gặp khó khăn về đi lại. VN không có đường bay thẳng sang Âu Mỹ. Du khách Tây Phương phải quá cảnh qua Bangkok hay Singapore, Hong Kong. Chi phí bay cao.

Thêm vào đó nhà cầm quyền VNCS không có chính sách cởi mở cho du khách. Việc xin và cấp thị thực du lịch khá rắc rối, đắt đỏ, chậm chạp. Du khách phải trả gần 50 đôla cho một lần vào Việt Nam, cao hơn rất nhiều lần so với các nước láng giềng như Thái Lan hay Singapore. Những nước này thường chỉ yêu cầu khách nước ngoài trả từ 20-25 đôla cho một lần vào nước họ. Các nước như Malaysia, Lào, Thái Lan và Singapore miễn thị thực cho rất nhiều khách của nhiều quốc gia khác nhau nhưng Việt Nam thì rất hạn chế.

Bên cạnh đó du khách cũng than phiền rằng Việt Nam có nhiều danh thắng mà không biết giữ gìn và khai thác hợp lý. Xây các khu nghỉ dưỡng, khách sạn một cách ồ ạt, làm các bãi biển không còn nguyên sơ nữa. Trước đây như bãi biển Múi Né, cách nay hơn chục năm còn thiên nhiên rất đẹp với những hàng dừa xanh trải dài, bãi cát trắng phao, biển xanh dờn, khách nhìn rất thích. Tuy nhiên, khi du lịch phát triển thì bãi biển Mũi Né chỉ còn các khu nghỉ dưỡng và khách sạn mà thôi. Các công trình xây dựng cũng làm mất đi hồ nước tự nhiên ở trên dải đất khô ở Mũi Né.

Riêng người Mỹ gốc Việt khoảng gần 2 triệu người, chiếm phân nửa tổng số người Việt hải ngoại, du lịch VN ngày càng ít đi. Du lịch VN quá tốn kém. Nội tiền máy bay không thôi đã gần cả ngàn rưởi Đô rồi. Hai ba lần trung chuyển ở Đài Loan, Đại Hàn, Thái Lan hay Singapore đợi mấy tiếng đồng hồ. Cả mười mấy tiếng đồng hồ ngồi bó gối trên máy bay, chỉ thấy mây xanh, mây trắng. Danh lam thắng cảnh VN đã quá quen thuộc lại còn bị biến đổi quá nhiều, mất sắc thái VN, trở thành chỗ ăn chơi Tây không ra Tây, Mỹ chẳng ra Mỹ, Tàu chẳng ra Tàu. Không khí và môi sinh quá ô nhiễm. Ở thành phố ra đường ai cũng mang “khẩu trang” che mũi, che miệng, đi một chút là bụi đóng đầy. An ninh khi ra đường không bảo đảm vì nhiều người nhiều mánh khoé cướp giựt. Kiểu nói đánh đầu của Hải Quan bây giờ (ngày xưa VNCH gọi là Quan Thuế), ở phi trường, bộ mặt hình sự của công an đầy đường đầy chợ, nãn có du lịch, có khuân vác tốn kém phi lý, gây quá nhiều bực bội, mất hứng đi chơi. An toàn giao thông quá kém, VNCS theo thống kê mới nhứt là nước có tỷ lệ tai nạn giao thông cao nhứt thế giới.

Cảm nghĩ người Mỹ gốc Việt, CS gọi là “Việt Kiều” đi du lịch VN là áo gấm mặc về làng hay đi tìm bò lạc cỏ non nay đã lỗi thời và bị đồng bào trong ngoài nước chê trách thành ca dao: Việt gian, Việt cộng, Việt kiều; ba tay nhập lại tiêu điều nước non. Nên bây giờ không còn bao nhiêu loại người ấy nữa. Cán bộ đảng viên CS hầu hết tham nhũng và những người ăn theo bóc lột mồ hôi nước mắt người lao động VN bây giơ là những trọc phú, giàu nứt đổ vách và bây giờ càng nhiều ở VN. Một đêm họ nhậu rượu Pháp toàn thứ sang, mắc tiền hơn một năm tiền già của người Mỹ gốc Việt thế hệ thứ nhứt ở Mỹ. Bò lạc cỏ non bây giờ đa số là giả dạng; VN là nước nhận tiền trị và phòng bịnh HIV/ Aids của Mỹ nhiều nhứt Á châu. Đụng vào bịnh thế kỷ này kể như đời tàn khi về Mỹ, vợ con sợ bị lây xa lánh, bè bạn không ai dám đến gần. Vệ sinh an toàn thực phẩm ở VN rất kém, một năm không biết bao nhiêu vụ trúng độc. Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí ở VN rất đáng sợ. Nước sạch thiếu trầm trọng ở Saigon. Nên có tin về du lịch VN, bây giờ quá tệ./.

Vi Anh

No comments:

Post a Comment