Sunday, February 15, 2015

Tôn Trọng Cuộc Sống Riêng Tư Của Con Cái - Lâm Chi Vi


Thiếu niên là tuổi muốn được độc lập và vì muốn được độc lập cho nên cũng muốn có cuộc sống riêng tư nhiều hơn. Tuy nhiên, vì  vẫn chưa phải là một người trưởng thành do đó, nếu không có sự hướng dẫn và nâng đỡ của cha mẹ, thiếu niên không thể tự mình làm những quyết định đúng đắn. Một mặt muốn có được cuộc sống riêng tư và độc lập, nhưng mặt khác lại vẫn cần được cha mẹ hướng dẫn và nâng đỡ: đó là tâm trạng của người thiếu niên. Về phía cha mẹ, làm thế nào để vừa tôn trọng cuộc sống riêng tư của chúng vừa vẫn có thể theo dõi và kiểm soát hầu có thể hướng dẫn và nâng đỡ một cách hữu hiệu, điều ấy đòi hỏi cha mẹ phải xử sự như thế nào để được con cái tin tưởng. Lâm Chi Vi xin được tóm dịch một vài nguyên tắc như được gợi ý trên trang mạng “Raising Children Network”.

Những điều cần biết
Cuộc sống riêng tư. Càng lớn lên, người thiếu niên càng cần có cuộc sống riêng tư, nghĩa là cần có nhiều sự thông thoáng về không gian thể lý cũng như tâm lý hơn. Sở dĩ  cần có nhiều không gian riêng tư hơn là bởi vì người thiếu niên đang phải đối phó với nhiều thách đố lớn như phải chọn lựa một mẫu người để sống theo. Người thiếu niên cũng đang phát huy được những khả năng thể lý và cách suy nghĩ, đồng thời cũng bắt đầu quan tâm đến các quan hệ xã hội nhiều hơn. Việc tìm cách đối phó với những thách đố này một cách độc lập và với tinh thần trách nhiệm là một phần trong tiến trình làm người trưởng thành.

Cuộc sống riêng tư. Khi người thiếu niên muốn có nhiều thời giờ và không gian riêng tư hơn, điều đó không đương nhiên có nghĩa là họ muốn che giấu điều gì đó với cha mẹ mình. “Riêng tư” là điều luôn đi đôi với sự độc lập. Càng muốn được độc lập thì đương nhiên cần phải có cuộc sống riêng tư nhiều hơn. Đây là một thành phần tự nhiên của tuổi thiếu niên. Tuy nhiên, khi cuộc sống riêng tư của người thiếu niên đã bị đi đến mức thái quá, thì đây là điều đáng lo ngại cho các bậc phụ huynh. Nếu con chúng ta giam mình quá lâu trong phòng riêng của chúng; nếu chúng không còn muốn nói chuyện với chúng ta hoặc thu mình trong vỏ ốc của chúng ngay cả khi chúng ta muốn nói chuyện với...thì đây có thể là một dấu hiệu đáng báo động về một điều gì đó rất trầm trọng đang xảy ra: có thể đang bị trầm uất, đang hút thuốc, sử dụng bia rượu hoặc các chất kích thích hay đang có vấn đề như bị bắt nạt. Đó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy nó đang bỏ quá nhiều thời giờ trước màn ảnh máy vi tính hay mạng lưới Internet.

Theo dõi. Thiếu niên chưa sẵn sàng để tự mình đương đầu với thế giới người lớn. Não bộ của chúng vẫn còntrong thời kỳ đang phát triển. Điều đó có nghĩa là thiếu niên dễ hành động một cách nông nổi và liểu lĩnh. Thiếu niên vẫn còn cần có sự hướng dẫn và nâng đỡ của cha mẹ. Họ vẫn luôn cần sự giám sát của cha mẹ. Nói cách khác, cha mẹ vẫn cần phải theo dõi các sinh hoạt của con cái ở tuổi thiếu niên.

Nhưng bởi vì thiếu niên cũng cần có cuộc sống riêng tư và độc lập cho nên cách theo dõi của cha mẹ không thể giống như khi chúng còn nhỏ. Cha mẹ cần có nhiều sự tế nhị và cảnh giác.
Ở đây cũng cần lưu ý rằng, thiếu niên rất muốn được cha mẹ tôn trọng và cũng không muốn đánh mất sự tôn trọng đó của cha mẹ. Các cuộc nghiên cứu đều cho thấy rằng thiếu niên nào được cha mẹ tôn trọng thường thích duy trì mối liên lạc với cha mẹ, thích tâm sự và thành thật. Chúng cũng muốn tuân theo các “luật lệ” trong nhà và sống như cha mẹ mong đợi.

Tôn trọng cuộc sống riêng tư của con
Để có thể tôn trọng cuộc sống riêng tư của con đang ở tuổi thiếu niên, dĩ nhiên cha mẹ cần phải biết đâu là ranh giới giữa sự riêng tư của con và việc kiểm soát của cha mẹ. Có một số sinh hoạt của con mà cha mẹ không thể nhắm mắt làm ngơ. Chẳng hạn chúng đi đâu vào mỗi tối cuối tuần và làm thế nào để đi đến đó và trở về. Một số điều khác có thể được xem như chuyện riêng tư giữa con chúng ta và bạn bè của chúng. Chẳng hạn, con chúng ta và bạn bè nói chuyện gì với nhau trong một tiệc vui hoặc chúng khiêu vũ với ai...đó là chuyện riêng tư của chúng, không cần phải thắc mắc.
Sau đây là một vài cách cụ thể để cha mẹ tỏ ra tôn trọng cuộc sống riêng tư của con cái trong tuổi thiếu niên:
·       Gõ cửa trước khi vào phòng của con
·       Hỏi ý trước khi “lục soát” cặp, sách vở của con
·       Khi con đi gặp bác sĩ, nên hỏi liệu con có muốn mình có mặt bên cạnh không
Cha mẹ cũng có thể thảo luận với con về cuộc sống riêng tư của chúng và cho chúng biết một số qui luật và giới hạn phải tôn trọng. Dĩ nhiên, những qui luật đó có thể thay đổi một khi con đã lớn hơn. Cha mẹ cũng có thể cho con biết một số hoàn cảnh buộc lòng họ phải vượt qua một số giới hạn mà hai bên đã thỏa thuận với nhau. Chẳng hạn một trong những hoàn cảnh đó là khi cha mẹ thực sự quan tâm về một điều gì đó không ổn trong cuộc sống của con.
Để cho con biết mình thật sự tôn trọng cuộc sống riêng tư của nó, cha mẹ nên tránh làm một số điều như:
·       Nghe lén những cuộc nói chuyện trên điện thoại của chúng
·       Lén nhìn vào phòng riêng
·       Lén lục soát các ngăn kéo hay cặp sách đi học
·       Đọc nhật ký của con
·       Kiểm soát điện thư của con
·       Theo dõi các trang mạng xã hội của con như Facebook và MySpace
·       Gọi con trên điện thoại di động để theo dõi con từng giây từng phút

Theo dõi đúng cách
Cách tốt nhất để vừa tỏ ra tôn trọng cuộc sống riêng tư của con vừa vẫn theo dõi các sinh hoạt của con chính là tạo được sự tin tưởng nơi con và luôn luôn liên lạc với con. “Liên lạc” ở đây không có nghĩa là chốc chốc phải kiểm soát sinh hoạt của con mà là tạo được mối quan hệ hàng ngày tốt đẹp với con. Chỉ khi nào tin tưởng cha mẹ, đứa con trong tuổi thiếu niên mới cởi mở tấm lòng và không ngần ngại chia sẻ với cha mẹ về cuộc sống riêng tư của mình.
Sau đây là một vài gợi ý:
·       Khi con ngỏ ý muốn nói chuyện, nên ngưng ngay việc đang làm và chăm chú lắng nghe con nói. Với thái độ này, cha mẹ muốn nói với con rằng họ thật sự quan tâm đến những gì đang xảy ra cho nó.
·       Nên quan tâm đến bạn bè của con và tạo điều kiện để chúng được đến nhà một cách thoải mái. Nhờ vậy cha mẹ mới biết được ai là bạn của con mình và không phải thắc mắc về các mối quan hệ của con. Liên lạc với cha mẹ của các bạn của con cũng sẽ giúp tạo được một môi trường lành mạnh cho con mình và bạn bè của nó, đồng thời cũng dễ theo dõi được các sinh hoạt của chúng. Lắng nghe con kể chuyện về bạn bè.
·       Ngay từ nhỏ nên tập cho con thói quen biết thông báo cho cha mẹ biết về sinh hoạt cũng như nơi sinh hoạt của nó. Đứa trẻ sẽ giữ mãi thói quen này khi bước vào tuổi thiếu niên.
·       Bữa cơm gia đình là dịp tốt nhất để mọi người có thể quây quần bên nhau và chia sẻ cho nhau về sinh hoạt của mỗi người.
·       Một khi đã biết rõ con mình làm gì, cư xử như thế nào thì cha mẹ mới có thể dễ dàng nhận ra những thay đổi và biết được vấn đề con đang phải đối đầu.
·       Luôn theo dõi việc học hành, bài vởphải làm và hạn chót phải nộp bài nhưng không kiểm soát con từng ly từng tý. Theo dõi việc học hành của con sẽ dễ dàng hơn nếu cha mẹ tạo được quan hệ tốt với nhà trường và thày cô giáo.
·       Nếu một trong hai người không thể có mặt ở nhà khi con ra khỏi trường, nên bảo con gọi cho biết nó đã về đến nhà chưa. Đây là một đòi hỏi hợp lý để nói lên trách nhiệm của mình.
·       Nếu đã đưa ra một số qui định về những gì con sẽ làm khi rảnh rỗi, cha mẹ không nên theo dõi một cách quá chặt chẽ.
·       Nhưng quan trọng hơn cả, cha mẹ nên quan tâm đến những gì con đang đọc hoặc đang xem trên màn ảnh truyền hình và Internet. Tốt nhất nên đặt máy truyền hình và máy vi tinh có nối mạng ở những nơi mà mọi người trong nhà đều có thể sử dụng chung. Nên giới hạn thời gian ngồi trước màn ảnh truyền hình hay Internet cũng là một điều tốt. Iphone và Ipad phải tắt vào một số giờ nhất định như giờ ngủ chẳng hạn.

Tóm lại, cha mẹ nên  tránh xâm nhập vào cuộc sống riêng tư của con và như vậy đánh mất niềm tin của chúng. Nhưng dĩ nhiên, cha mẹ nên nhớ rằng họ có quyền biết về những sinh hoạt con, chẳng hạn đang làm gì và ở đâu. Không được theo dõi và hướng dẫn, thiếu niên có thể làm những quyết định sai lầm hoặc cư xử không đúng cách. Trái lại, theo dõi quá chặt chẽ lại khiến cho con cái nghĩ rằng cha mẹ không còn tin tưởng nơi chúng.

Khi cuộc sống riêng tư của con vượt quá tầm kiểm soát của cha mẹ
Trường hợp con cái lạm dụng lòng tin của cha mẹ và đặt cuộc sống riêng tư của nó ra khỏi tầm kiểm soát của cha mẹ, cha mẹ có thể sử dụng một số chiến thuật như:
·       Buộc con phải tạm ngưng một số sinh hoạt xã hội trong một thời gian
·       Rút lại một số “đặc ân” như giảm bớt thời giờ xem truyền hình hay sử dụng máy vi tính, Iphone
·       Không cho tiền túi một thời gian
Nhưng tốt hơn cả là nên thương lượng với con về một số việc làm cụ thể, chẳng hạn như phải rửa chén bát hay quét dọn trong nhà trong một thời gian. Dĩ nhiên, mục đích của những việc làm này không phải là để trừng phạt mà để cho chúng thấy rằng cha mẹ vẫn yêu thương chúng mặc dù không hài lòng về cáchchúng sống. Dần dần, thiếu niên sẽ nhận ra những sai lầm của mình và cư xử như thế nào để được cha mẹ tin tưởng lại.

Làm thế nào để vừa theo dõi nhưng đồng thời vẫn tỏ ra tôn trọng cuộc sống riêng tư của con trong tuổi thiếu niên là cả một nghệ thuật. Nhưng cha mẹ nào giữ được sự cân bằng giữa hai thái độ trên đây sẽ luôn hài lòng về con mình. Các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng những thiếu niên nào mà cuộc sống riêng tư được cha mẹ vừa tôn trọng vừa theo dõi ít sa vào các tệ nạn xã hội, ít phiêu lưu vào các quan hệ tình cảm nguy hiểm, ít bị trầm uất, có nhiều tự tin và nhất là đạt kết quả học hành khả quan.

Lâm Chi Vi
Nguồn: báo Việt Luận Úc châu

1 comment: