Trước kia, mỗi khi qua mặt được ai đó để đạt
chút gì, bạn bè sẽ trầm trồ: “khôn quá ta, dùng chút mánh lới là có được thứ mình muốn“, nghe xong liền cảm thấy dương dương tự đắc. Nhưng khi trải qua nhiều chuyện trong cuộc sống, mới biết đó chỉ là khôn vặt, về lâu dài chỉ gây tổn hại cho bản thân.
Làm người trong đời, chữ đức quan trọng lắm thay.
Trước đây không lâu, một chương trình truyền hình của Đài Loan với tên gọi “Cuộc đời sang giàu”, khách mời là nhà điều hành của một công ty rất nổi tiếng.
Khi chương trình gần kết thúc, người dẫn chương trình đưa ra câu hỏi cuối:
“Anh cho rằng nhân tố then chốt làm nên thành công của công ty là gì?”
Trầm tư một lát, vị này cũng không trực tiếp trả lời mà bình tĩnh kể
một câu chuyện:
“12 năm trước, một chàng trai vừa tốt nghiệp liền sang Pháp, bắt đầu cuộc sống vừa học vừa làm. Thời gian dần qua, anh phát hiện nhà ga địa phương hầu hết đều có lỗ hổng, không có chỗ kiểm vé, cũng không có người kiểm vé, thậm chí ngay cả camera kiểm tra cũng rất ít. Dựa vào trí thông minh của mình, người thanh niên này tính toán được tỉ lệ trốn vé mà bị tra ra chỉ có 3/10.000. Anh rất đắc ý với phát hiện này của mình. Từ đó về sau, anh thường xuyên trốn vé. Anh còn biện hộ cho bản thân rằng, vì mình là học sinh nghèo mà, có thể tiết kiệm chút nào hay chút nấy. 4 năm qua đi, với tấm bằng đại học danh tiếng và thành tích xuất sắc, anh tự tin nộp đơn vào các công ty đa quốc gia, nhưng kết quả lại khiến anh hụt hẫng.
Những công ty này mới đầu đều rất nhiệt tình với anh, nhưng sau khi đọc qua vài thứ, liền nhẹ nhàng từ chối. Điều này thật sự khiến anh rất băn khoăn. Cuối cùng, anh đã viết một email với ngôn từ cầu thị, gửi đến bộ phận nhân sự của một trong những công ty đó với mong muốn được biết lý do không được nhận vào làm.
Một đêm nọ, anh nhận được email hồi đáp.
“Chào anh Trần, chúng tôi đánh giá cao tài năng của anh, nhưng khi chúng tôi đọc dữ liệu thông tin về anh, thì thực sự rất tiếc rằng trên hệ thống hồ sơ ghi lại anh đã 3 lần trốn vé xe. Chúng tôi cho rằng điều này đã chứng minh 2 điểm:
1. Anh không tôn trọng quy tắc: Sau khi phát hiện ra lỗ hổng, anh đã cố ý lạm dụng.
2. Anh không đáng tin. Công ty của chúng tôi rất nhiều việc phải dựa vào sự tín nhiệm, bởi nếu anh phụ trách phát triển thị trường nào đó, công ty sẽ giao cho anh nhiều quyền tự quyết.
Để tiết kiệm chi phí, chúng tôi không thể thiết lập cơ cấu giám sát giống như hệ thống giao thông công cộng. Vì vậy chúng tôi không thể thuê anh, thật tình mà nói, ở quốc gia này, thậm chí toàn bộ liên minh Châu Âu, có lẽ anh sẽ không thể tìm được công ty nào đồng ý tuyển dụng anh”.
Đến lúc này, chàng thanh niên mới tỉnh mộng, giá như biết trước anh đã không làm như vậy. Nhưng điều thực sự khiến anh chấn động là câu cuối cùng của nhà tuyển dụng, bởi câu nói ấy thể hiện một đạo lý rằng:
Đạo đức thường có thể bù đắp cho tài trí, nhưng tài trí vĩnh viễn không bù đắp được cho đạo đức. Ngày hôm sau, anh lên đường về nước”.
Câu chuyện kể xong, hội trường yên lặng. Người dẫn chương trình băn khoăn hỏi: “Điều này có thể nói nên đạo lý thành công của anh?”. “
Có thể! Vì người trẻ tuổi trong câu chuyện này chính là tôi”.
Rồi anh dõng dạc nói: “Tôi có thể đi đến ngày hôm nay, chính bởi vì tôi đã biến ‘chướng ngại’ của ngày hôm qua thành ‘hòn đá kê chân’ cho ngày hôm nay”.
Có lẽ đây chính là bài học đáng giá về thành công của vị giám đốc ấy.
Nhà sử học lừng danh Tư Mã Quang từng nói: “Đối với người tài, đức chính là vốn; còn người có đức, tài ắt tự sinh. Tài đức toàn vẹn là thánh nhân, tài đức cùng mất là người ngu ngốc, đức hơn tài là quân tử, tài hơn đức là tiểu nhân”.
Nguồn: daikynguyenvn
No comments:
Post a Comment