Thủy bỏ tờ báo xuống, gỡ cặp kính để lên bàn, đôi mắt từ từ khép lại. Nàng vừa
đọc một cái tin trên tờ San Jose Mercury News, số ra Sunday, Nov. 6,
2011:
-
TEMPTATIONS AWAIT
-
TEMPTATIONS AWAIT
Checklist for a trip to Vietnam: Visa,
passport, wife’s OK.
-
“Sài Gòn City, Vietnam -- The trouble for Henry
Liem begins every time he prepares to return to his homeland.
Getting the
required visa from the Vietnamese government is a breeze. It's the "second visa"
-- from his wife worried that he will stray over there -- that requires
diplomatic skills.
"My wife is always cranky every time I go," said Liem, a
philosophy instructor at San Jose City College who visits Vietnam twice a year
to teach at a university. "So I rarely disclose my upcoming trip until the last
minute. It's pain minimization. The longer she knows, the longer I have to bear
the pain."
Bài báo mở đầu bằng câu chuyện của ông Henry Liem nào đó.
Ông này về Việt Nam mỗi năm hai lần để dạy triết cho một trường đại học. Không
biết ông dạy triết loại gì mà khi xin visa, ông được xã hội chủ nghĩa cho nhập
cảnh một cách thật dễ dàng. Tuy nhiên, ngoài cái visa do tòa lãnh sự việt cộng
cấp để nhập cảnh, ông còn phải xin thêm một visa nữa để xuất cảnh: đó là cái
visa chấp thuận để đi của bà vợ đầu ấp tay gối mỗi ngày.
Một điều nghịch lý
là mỗi khi xuất ngoại, hầu hết mọi người đều lo xin visa sớm, để nếu có gì trục
trặc, thì còn nhiều thời gian xoay trở. Trong khi cái visa thứ nhì của ông Henry
Liem thì ngược lại: phải đợi đến giờ phút cuối ông mới nộp đơn, và không đợi bà
vợ có đủ thời gian suy tính cản trở, ông cuốn gói dông cho lẹ!
-
Cả bài
báo đại ý nói về tình trạng đàn ông Việt Nam ở ngoại quốc, khi trở về thăm quê
hương, thường bị (hay được!) những cô gái tuổi còn rất trẻ tống tình một cách
mãnh liệt. Cho dù là người đàn ông thuộc loại “quá đát, mỏi gối chồn chân,” cũng
được các nường nhỏ bằng con cháu của mình chiếu cố một cách tận tình, lý do: tất
cả chỉ vì tiền chứ không phải vì tình! Có tiền là các nường sẽ chiều chuộng tới
bến. Chính vì cái đề tài “Fun for men, pain for women” nên ông ký giả người Mỹ
John Boudreau bỏ công để viết và bài được đăng trên trang nhất ngày Chủ Nhật của
tờ báo…
-----
Khoảng năm phút sau, để tâm tư lắng đọng, Thủy mở mắt nhìn
lên trần, bài báo đã khơi lại tâm tư đau đớn của nàng…
Liếc nhanh về phòng
ngủ của Xuân, người chồng của nàng gần bốn mươi năm, có lẽ ông ta còn ngủ, cũng
có thể đã thức mà chưa ngồi dậy. Đã hai năm nay vợ chồng nàng ngủ riêng, mỗi
người mỗi phòng, giờ giấc tùy hỉ chẳng ai để ý đến ai. Cứ tưởng sau bao năm làm
lụng vất vả trên xứ người, vợ chồng nàng sẽ tận hưởng những gì do công lao hai
người cực khổ xây dựng, được sống hạnh phúc bên nhau từng phút từng giây vào lúc
cuối đời, nào dè…
---
Năm 1954, nhờ thấy được sự tàn ác của cộng sản, gia
đình Thủy nhanh chân lên máy bay đi thẳng vào Sài Gòn và định cư tại đó. Hơn nữa
Bố nàng là một người khoa bảng cho nên được chính quyền miền nam nhanh chóng
chọn để nắm một chức vụ quan trọng, lúc đó nàng chỉ là một “Cô bé Bắc Kỳ nho
nhỏ.” Cuộc đời niên thiếu của nàng êm ả trôi qua tại miền nam nắng ấm. Nàng là
nữ sinh TV, đọc dí dỏm là Trứng Vịt thay vì Trưng Vương.
-
Năm lên đệ nhị
cấp, do sự giới thiệu của bạn bè, nàng quen biết Xuân, cũng là người bắc di cư,
lúc đó Xuân đang học Chu Văn An, hơn nàng hai lớp. Bố của Xuân là một thương gia
tương đối thành công tại Sài Thành. Cuộc tình học trò Chu Văn An Trưng Vương
(CVATV) chớm nở từ đó.
-
Sau đó Thủy và Xuân đều học luật. Năm 1972, Xuân
được bổ nhiệm làm Thẩm Phán của một tỉnh lỵ nhỏ ở miền Tây. Sáu tháng sau, đám
cưới của Xuân và nàng được tổ chức linh đình tại Sài Gòn để kết thúc cuộc tình
năm chữ : “CVATV” (Chết Vì Ăn Trứng Vịt.)
-
Nàng theo Xuân về sống tại một
tỉnh lẻ của đồng bằng miền nam. Với bằng cử nhân luật, nàng xin đi dạy tại một
trường trung học để cho đỡ buồn, đồng thời có thêm lợi tức. Cũng nhờ khoảng thời
gian sống gần gũi người miền nam và đám học trò thật thà chất phác, nàng cảm
thấy thoải mái khi tiếp xúc với mọi người. Theo nàng nghĩ, người miền nam không
có chiều sâu, cho nên không cần phải “đề phòng” như người miền bắc. Chỉ cần nói
chuyện một lát, là có thể đoán được người đó nghĩ gì, nàng tự hào như
vậy.
Nhờ vào chức vụ, Xuân được cấp cho một ngôi nhà xinh xắn bên cạnh một
nhánh của sông Cửu Long. Cuộc sống êm ả mỗi ngày của Thủy như giòng nước trôi
qua lại khi thủy triều thay đổi. Đứa con gái đầu lòng của nàng cũng sinh ra tại
đây. Nhiều khi nàng ngồi im lặng hàng giờ để nhìn nước trôi mà trong đầu chẳng
nghĩ ngợi gì hết. Cũng có lúc nàng cảm thấy nhàm chán vì cuộc sống quá êm đềm,
nhưng bây giờ, sau bốn mươi năm cuộc đời, nàng thấy nhớ giòng sông năm xưa và
thèm có lại những giây phút vô tư lự quý giá đó.
-
Cứ tưởng cuộc đời êm ả
trôi qua, đầu Tháng Tư năm 1975, Bố nàng bất thần gọi điện thoại bảo vợ chồng
nàng về Sài Gòn gấp, lý do theo Bố nghĩ: miền nam sẽ mất. Với kinh nghiệm hiểu
biết về cộng sản, Bố hoảng hốt hối thúc mọi người chuẩn bị đi tỵ nạn thêm một
lần nữa. Vợ chồng nàng không tin lắm vì lúc đó vùng đồng bằng vẫn an toàn không
một thị trấn nào bị việt cộng chiếm đóng. Bố nàng phải nhiều lần thúc dục, nàng
mới chịu ẵm con cùng chồng trở về Sài Gòn khi Quốc Lộ 4 được khai thông trở
lại.
-
Cuộc đời đến với nàng một cách thật dễ dàng, trong khi quân dân
miền nam vất vả ngăn chặn kẻ thù vào những giờ phút hấp hối, thì gia đình nàng
đã tới Subic Bay ở Philippine, có thể nói là những người tỵ nạn đầu tiên đến căn
cứ này. Tài sản của cả hai bên nhà nàng và chồng, coi như mang đi hết, ngoại trừ
bất động sản. Sau hai lần tỵ nạn: từ bắc vô nam và từ miền nam sang Mỹ, Thủy
không có cảm giác đau khổ của một người vì bất đắc dĩ phải lìa bỏ quê hương, đôi
lúc nàng còn có cảm tưởng như là đi du lịch, chỉ sau khi rời khỏi trại tỵ nạn
Camp Pendleton để định cư tại Orange County, thì nàng mới phải vật lộn với đời
sống vật chất của xứ này. Trong những năm đầu, gia đình nàng được nhận trợ cấp
của chính phủ, đứa con trai thứ nhì cũng chào đời lúc đó.
Lợi dụng thời gian
được hưởng trợ cấp, vợ chồng nàng đã đi học lại. Năm 1980 Xuân ra trường với
bằng kỹ sư điện và gia đình nàng dời lên San Jose vì Xuân nhận được việc làm với
lương khá cao. Sau đó Thủy cũng nhận được một việc làm về accounting đúng với
ngành nàng chọn học.
Thời gian trôi qua, nơi Thung Lũng Hoa Vàng, cặp vợ
chồng Xuân Thủy không mấy chốc trở nên khá giả. Có lúc vợ chồng nàng làm chủ đến
năm căn nhà vì biết đầu tư đúng lúc vào thị trường địa ốc.
-
Đến năm 2000,
Thủy về hưu vì tài chánh không còn cần thiết để nàng phải lặn lội ra đi từ 9 giờ
sáng đến 5 giờ chiều nữa. Vả lại, với số bất động sản đã có, nàng đủ việc để ở
nhà quán xuyến. Chỉ có chồng nàng là vẫn còn phải tiếp tục đi làm vì lợi tức cao
nhờ lương hậu, cộng với bonus và stock hãng cho. Hơn nữa Xuân phải đi làm để có
bảo hiểm sức khỏe cho cả gia đình.
Sau khi về hưu, Thủy được hưởng những giây
phút thoải mái sau bao năm làm việc vất vả. Xuân, chồng nàng là một người đàn
ông tốt, có trách nhiệm, yêu thương nàng và con cái một cách tuyệt đối. Cả thời
gian lấy Xuân, nàng chưa bao giờ thấy chồng mình dối gạt hay làm những chuyện gì
có lỗi với nàng. Đôi lúc nàng còn tự hào: nhờ “chăm sóc kỹ lưỡng,” nên Xuân
không “thoát” được bàn tay phù thủy của nàng, con gái “Bắc Kỳ” mà…
-
Gia
đình nàng và Xuân rất sùng đạo Phật. Sẵn có nhiều thời gian rảnh rỗi, nàng đi
chùa để tô đắp niềm tin Phật pháp. Cả nàng và Xuân thường hay bỏ thời gian làm
công quả cho chùa và dĩ nhiên cũng là người giúp đỡ tận tình nếu chùa bị kẹt về
tài chánh. Cũng chính vì như vậy, vợ chồng Thủy là những người được kính nể đối
với ban trị sự của chùa, tiếng nói của hai người rất được mọi người chú ý. Ban
đầu, trong những cuộc tổ chức làm từ thiện, chùa đều mời vợ chồng nàng tham gia,
sau đó với sự nhiệt tình, chùa nhờ vợ chồng nàng đảm trách tất cả.
-
Năm
2002, chùa đón tiếp một vị sư từ Việt Nam qua chơi. Sau nhiều lần tiếp xúc với
vị sư này, vợ chồng nàng quyết định về Việt Nam lần đầu, hầu để nhìn tận mắt
cảnh khốn khổ của những người nghèo, nhất là những trẻ mồ côi. Lần đó vợ chồng
nàng quả thật động tâm khi thấy những nỗi khổ đau của người nghèo sống dưới chế
độ xã hội chủ nghĩa. Sau khi trở về Mỹ, Thủy và chồng thành lập một hội từ
thiện, kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người để giúp những kẻ khốn khổ bên nhà.
Nhiều lần tổ chức quyên tiền, văn nghệ gây quỹ và cả hai đã nhiều lần trở về
mang lại bao nhiêu niềm hy vọng cho những người khốn cùng. Thủy và Xuân hăng say
làm từ thiện vì nghĩ rằng sẽ để phước lại cho con cái.
-
Có một lần, trong
một chuyến về Việt Nam, Xuân gặp lại một người bạn học cũ ở trung học. Tay bắt
mặt mừng, cả hai đều thích thú kể chuyện ngày xưa lúc còn học ở Chu Văn An. Sau
đó người bạn của Xuân mời vợ chồng nàng đi uống nước ở một quán, gần khách sạn
nơi vợ chồng nàng đang trú ngụ. Quán nước này trông khá lịch sự, mặc dù các cô
chiêu đãi ăn mặc cũng hơi…mát mẻ.
Lúc mới bước vào quán, Thủy để ý xem cảnh
vật chung quanh, cảnh giác mọi hành động lẫn lời nói của mấy cô chiêu đãi. Mặc
dù Xuân đáng tuổi bác của mấy cô này, nhưng Thủy không muốn cô nào có hành động
lố lăng đối với ông chồng của mình. Nàng đã từng nghe rất nhiều lời bàn của mấy
bà đã từng về trước… Có một bà bạn của Thủy kể lại rằng: khi vợ chồng bà vào một
quán ăn, một cô chiêu đãi viên đáng tuổi cháu, gọi ông chồng đầu tóc bạc phơ của
bà là anh và xưng em ngọt sớt. Bà bạn của Thủy nóng mặt lên lớp cô ta rằng: “Ông
ấy đáng tuổi bác của cô mà dám gọi bằng anh xưng em?” Bà này nhận được câu trả
lời của cô chiêu đãi: “Ở Việt Nam, chỉ có cha và những người già tới một trăm
tuổi, mới được gọi Ba và Bác, xưng con, còn dưới một trăm tuổi thì chỉ đáng làm
anh thôi.” Bà bạn của Thủy giận run lên mà chẳng nói được gì, chỉ còn biết hối
chồng mình đi về!
Khi người bạn của Xuân gọi thức uống, một cô chiêu đãi buột
miệng xưng em làm Thủy giật mình. Nàng trừng mắt nhìn cô ta làm cô này khựng
lại, lí nhí thêm vài tiếng rồi bỏ vào bên trong.
Vài phút sau, một cô chiêu
đãi khác mang thức uống ra. Cô này có gương mặt hiền lành, dáng điệu hết sức
khúm núm. Cô ta mời mọi người dùng nước và gọi vợ chồng nàng bằng bác, xưng con.
Thủy nghe cách xưng hô, lấy làm hả dạ và có cảm tình với cô này ngay. Dưới mắt
nàng cô gái gợi lại hình ảnh những đứa học trò thật thà chất phát của nàng ngày
xưa, lúc nàng đi dạy ở trung học.
-
Trong khi Xuân và người bạn đang kể
lại những kỷ niệm năm xưa, thì thình lình có tiếng ồn ào chửi bới làm náo động
cả quán, cùng lúc đó, một tên thanh niên hùng hổ bước vào gọi tên Mẫn. Hắn ta
chửi bới đòi Mẫn phải đưa tiền cho hắn. Người con gái mặt hiền lành mang nước
cho nàng lúc nãy sợ hãi bước ra, thì ra cô ta tên Mẫn.
Tên thanh niên vừa
trông thấy Mẫn là tiến tới nắm áo, tát vào mặt nàng một cái nẩy lửa. Mẫn chới
với không biết phải làm sao. Tên này bèn giật cái ví từ tay của Mẫn, lục soát
lấy hết tiền rồi ném trả cái ví vào mặt nàng, xong xuôi hắn bỏ đi. Trước khi rời
quán, hắn không quên hăm dọa là sẽ trở lại lấy thêm…
-
Cảnh tượng xảy ra
làm Thủy thật bất mãn, nàng chưa bao giờ thấy một người đàn ông vũ phu đánh một
người con gái yếu đuối như tên này. Nhìn vào góc nhà, Thủy thấy Mẫn đang ôm mặt
khóc nức nở. Động lòng trắc ẩn, nàng đến hỏi thăm và vỗ về, đồng thời hỏi xem sự
tình. Mẫn kể lể, người đàn ông đó là chồng của cô. Hai người lấy nhau bốn năm,
có một đứa con gái. Vì chồng cô bị nghiện ngập lại mắc thêm tật cờ bạc, nên cả
gia đình bị tan nát. Hắn ta còn lén lút đem cầm miếng đất hương hỏa trong đó có
cái nhà của cha mẹ nàng ở dưới quê. Vì muốn chuộc lại miếng đất đó, nàng phải
giao con cho mẹ giữ để lên Sài Gòn tìm việc làm. Đã vậy mà Mẫn cũng không được
yên, thỉnh thoảng hắn tới đòi đưa tiền cho hắn. Mẫn đã nhiều lần thay đổi chỗ
làm, nhưng rồi hắn vẫn tìm thấy. Nói xong Mẫn khóc sướt mướt làm Thủy cảm thấy
đứt ruột, lòng xót xa thương hại cho một người con gái thật vô phước.
Sau khi
biết rõ sự tình, Thủy sanh lòng hảo tâm, rút trong túi quần ra tờ một trăm đô la
dúi vào tay Mẫn, coi như là làm một việc từ thiện. Khi nhìn thấy một trăm đô la
Mỹ, Mẫn hoảng hốt đưa lại cho Thủy, nói là không dám nhận sự giúp đỡ của nàng.
Cho dù Thủy nói cách nào Mẫn vẫn một mực từ chối và nói: con không dám nhận tiền
của bác.
Vì tính thật thà của Mẫn, Thủy càng thấy mến người con gái đáng
thương này nhiều hơn. Sau đó Thủy hỏi Mẫn là bây giờ cháu tính làm sao. Mẫn trả
lời là không biết phải tính sao nữa, vì chồng nàng đã biết chỗ này rồi, thì nàng
phải đi tìm chỗ khác để làm. Hơn nữa chỗ ở của Mẫn cũng bị người chồng vũ phu
tìm thấy, cho nên cô ta cũng phải tìm nơi khác trú ngụ.
Đã lỡ mở lòng hảo
tâm, Thủy không nỡ bỏ rơi Mẫn. Một ý nghĩ thoáng qua đầu, nàng chực nhớ trong
chùa, nơi nàng hợp tác làm từ thiện có một phòng trống. Họ vẫn thường mời vợ
chồng nàng đến ở mỗi khi về Việt Nam. Nàng hỏi Mẫn: “Nếu cháu không ngại, bác sẽ
gửi cháu vào một chùa để tránh chồng của cháu?” Sau một hồi phân vân, Mẫn đồng ý
theo Thủy về chùa.
Sau đó, mỗi lần vợ chồng Thủy về Việt Nam làm từ thiện,
Mẫn là một trợ tá đắc lực trong mọi công tác. Cô ta hiền lành giữ đạo làm con
nên vợ chồng Thủy càng tin tưởng và thương Mẫn nhiều hơn.
-
Sự việc bắt
đầu xảy ra là có một lần, trước ba ngày khởi hành về Việt Nam, Thủy bị đưa vào
nhà thương cấp cứu vì bị đau ruột dư. Sau hai ngày nằm bệnh viện nàng được về
nhà, sức khỏe không có gì nguy hiểm, chỉ cần thời gian bình phục. Vì công việc
từ thiện dính líu đến nhiều người, không thể hoãn lại được, nên Thủy bảo chồng
đi một mình. Lần đó đáng lẽ chồng nàng chỉ phải ở lại có một tuần, nhưng Xuân đã
ở lại đến ba tuần mới về, với lý do: chậm trễ giấy phép của chính quyền. Sau khi
Xuân trở về Mỹ, Thủy thấy cử chỉ và hành động của chồng rất khác thường: Xuân
như bị mất hồn, tâm trí như ở đâu đâu và dáng dấp trông thật mỏi mệt. Nàng tưởng
là Xuân quá vất vả vì công việc, nên lo săn sóc chồng một cách chu đáo… Thật sự
Thủy có ngờ đâu, lần vắng mặt của nàng đó, là lần người con gái hiền lành mà
nàng thương mến giúp đỡ, đã ngã vào lòng người “bác” kính yêu và âu yếm xưng
“em” với chồng của nàng một cách nũng nịu!
Thật ra, lần về làm từ thiện này
của Xuân chỉ cần có một tuần, nhưng chỉ ba ngày sau Xuân đã ôm trọn người con
gái tuổi còn nhỏ hơn con mình trong vòng tay mà chính chàng cũng không ngờ! Sự
việc xảy ra quá bất ngờ nên Xuân không biết phải xử trí ra sao. Sau đó Mẫn đòi
ra ở riêng, vì nếu còn ở lại chùa thì thế nào chuyện cũng đổ bễ. Hai tuần về trễ
cũng vì Xuân phải ở lại sắp xếp chỗ ở cho Mẫn.
-
Sau lần đó, người chồng
thân yêu của Thủy có những cử chỉ khác thường. Đôi lúc Xuân tỏ vẻ yêu thương
nàng một cách nồng nàn, đôi lúc thì xa vắng như hồn về cõi khác. Xuân thường
hăng say nhắc đến việc về Việt Nam làm từ thiện, chàng còn tỏ vẻ quán xuyến tất
cả mọi việc để Thủy không phải lo. Hơn thế nữa, Xuân thường hay ỡm ờ là nếu Thủy
không khỏe thì cứ để chàng lo cho cũng được.
Cũng vì hoạch định một chương
trình từ thiện quy mô, nên hai tháng sau Xuân trở về Việt Nam, xui một điều là
Thủy lại để chồng đi một mình! Lần này theo chương trình, chồng nàng sẽ ở đến ba
tuần. Khi ra đi Thủy thấy mặt chồng hớn hở thì nghĩ rằng: đó là cái phúc hậu của
người làm từ thiện!
Sau khi Xuân về Việt Nam được hai tuần, vào một đêm, Thủy
nhận được một cú điện thoại, người gọi nàng là vị sư cô quản trị của
chùa…
-
Để có yếu tố bất ngờ, Thủy tức tốc về Sài Gòn mà không báo cho
chồng biết. Sau khi rời phi trường Tân Sơn Nhất, Thủy đến ngay khách sạn nàng
thường hay ở để tìm Xuân. Không thấy chồng mình ở đó, Thủy bèn đến chùa ngay,
cũng không gặp Xuân, đồng thời nàng mới biết là Mẫn đã dọn ra từ hai tháng
trước. Đến bấy giờ nàng mới gọi điện thoại tìm Xuân, điện thoại không trả lời.
Cùng đường, nàng đành trở về khách sạn nghĩ cách tìm chồng, tâm can như bị thiêu
đốt.
Một ngày sau, có lẽ có người thông báo cho Xuân, chồng nàng hớt hải xách
vali hành lý đến khách sạn tìm nàng. Gặp mặt chồng Thủy giận quá muốn xỉu, miệng
mấp máy nói không ra lời. Sau cùng nàng cũng ráng hỏi Xuân đi đâu, Xuân ấp úng
trả lời là đi phân phát quà từ thiện ở Bình Tuy. Nhìn mặt Xuân, nàng biết ngay
đó là lời nói dối, bởi vì người chồng bao nhiêu năm nàng ôm ấp không có cái
khuôn mặt trơ trẽn như vậy! Thủy òa lên khóc nức nở…
-
Biết là không thể
dối vợ được nữa, Xuân bèn nói thật. Chàng nói là cũng không ngờ tại sao Mẫn nằm
trong vòng tay của chàng mà chàng không có cách nào chống cự, để rồi chuyện nó
đến và tiếp tục tiến tới. Với số tuổi sáu mươi, Xuân biết mình không còn bao
nhiêu sức lực để theo kịp Mẫn, nhưng không hiểu tại sao mỗi lần gần Mẫn, cô ta
không bao giờ làm cho chàng có cảm tưởng là một ông già và lúc nào cũng tỏ vẻ
chân thành cảm kích Xuân đã cho cô ta những giây phút sung sướng tuyệt vời…Mặc
dù là vậy, lần này trở về, Xuân có thủ sẵn một hộp Viagra để giúp chàng có đủ sự
tự tin của người đàn ông khỏe mạnh. Hộp thuốc này chàng đã bí mật nhờ một người
bạn làm dược sĩ mua dùm, Thủy hoàn toàn không biết…
-
Xuân rón rén mở cửa
rào để Thủy bước vào nhà, ngôi nhà nho nhỏ xinh xinh nằm trong một cái hẻm không
sâu lắm. Đó là cái tổ uyên ương mà Xuân vừa mới tậu cho Mẫn được một tuần. Chàng
gõ nhẹ cửa, cánh cửa mở ra, vợ chồng Thủy hết sức ngạc nhiên vì người mở cửa là
tên chồng vũ phu đã đánh Mẫn tại quán nước. Hắn ta tỏ vẻ là chủ nhân mời vợ
chồng nàng vào nhà. Sau khi vợ chồng Thủy ngồi xuống, hắn ta chọn một cái ghế
ngồi đối diện, dáng điệu trông rất xấc xược. Lúc đó Mẫn đứng phía sau của hắn,
gương mặt có vẻ ngại ngùng nhưng không còn nét hiền hậu như những lần gặp trước.
Trên môi cô ta, điểm nhẹ một nụ cười khó hiểu. Thủy nhìn giáp vòng rồi nhìn Mẫn
hỏi:
“Mẫn, bác thương con như con ruột, sao con có thể làm nên chuyện như
vậy?”
Mẫn tránh né không trả lời, tên chồng của cô ta bèn lên tiếng:
“Sẵn
đây tui giới thiệu cho hai bác biết, con nhỏ này tên Mận, chứ không phải Mẫn, nó
là bồ của tui đó.”
Thủy đi từ ngạc nhiên này, đến ngạc nhiên khác. Nhưng lúc
đó nàng mới khám phá ra rằng, đây là một âm mưu có tính toán từ đầu. Hắn ta tiếp
lời:
“Nhân dịp này tui cám ơn hai bác đã cho tui gửi con Mận, bây giờ tui lấy
nó lại.”
Thủy cứng họng, biết chẳng còn gì để nói, trong khi Xuân chồng nàng
mặt mày thay đổi từ xanh qua tím, quả là một điều sỉ nhục. Thủy hậm hực đứng lên
ra về, chồng nàng tiu nghỉu, tay chân run rẩy riu ríu theo sau…
-----
Kể
từ lần sau cùng về làm từ thiện, Thủy đau khổ tột cùng vì sự phản bội của người
chồng yêu quý. Tình cảm hai người hầu như không còn có thể hàn gắn lại. Còn Xuân
thì mang một mặc cảm tội lỗi tày trời mà chàng tự nghĩ không thể nào tha thứ cho
mình được. Đã nhiều lần chàng quỳ gối trước mặt Thủy khóc lóc van xin tha thứ.
Đối với Thủy, người đàn ông mà nàng kính yêu trước kia, bây giờ trông sao hèn hạ
quá! Nhục nhã quá!
-
Xuân đã xin nghỉ việc sau khi trở về. Chàng như một
kẻ tàn phế từ thể xác đến linh hồn, không còn tâm tư để làm việc được nữa. Việc
chùa chiền, làm từ thiện, vợ chồng nàng đều hoàn toàn chấm dứt.
Hai đứa con
nàng thấy Bố quá tội nghiệp đều năn nỉ xin nàng tha thứ cho Bố. Vì thương con,
hơn nữa chuyện xảy ra Thủy cũng có một phần trách nhiệm, nên lần lần Thủy cũng
dịu lại. Xuân vì muốn chuộc lỗi lầm của mình nên lúc nào cũng chiều chuộng vợ
một cách quá đáng, nhiều lúc làm Thủy bực mình, nhưng sau cùng nàng lại thấy tội
nghiệp… Rồi thì vào một ngày đẹp trời, Thủy đã xiêu lòng và chuyện tình vợ chồng
nàng bắt đầu nối lại. Số thuốc Viagra mà Xuân đã dùng vào việc “bất chánh” trước
kia, phần còn lại, bây giờ lại có… chánh nghĩa.
-----
Đầu óc Xuân mơ hồ,
tai nghe văng vẳng những tiếng xôn xao xa vắng. Đôi mắt chàng từ từ hé mở, nhưng
phải nhắm lại ngay vì ánh sáng quá chói chang. Chàng không biết mình ở đâu, cũng
không biết chuyện gì xảy ra. Định thần vài giây, chàng lại từ từ mở mắt, chưa
kịp nhìn thấy gì thì đã nghe tiếng nói quen thuộc của vợ. Phải thêm chừng ba
mươi giây nữa thì Xuân mới biết là mình đang nằm trong bệnh viện…Trong vòng hai
tháng, đây là lần thứ nhì chàng bị xỉu và phải đưa vào cấp cứu.
Đã nửa năm
nay, sức khỏe của Xuân không tốt. Chàng không nghĩ là mình có bệnh gì nguy hiểm,
nhưng không hiểu tại sao cứ thấy mỏi mệt, nhức đầu, đau nhức, tay chân rã rời,
con người không có sinh lực…
Vì thấy cái sân cỏ mọc quá cao, Xuân miễn cưỡng
đi lấy máy ra cắt. Có lẽ vì nắng hơi gắt, cộng với trong người không được khỏe,
nên khi làm nửa chừng chàng bị xỉu. Cũng may là Thủy đang ở gần đó, nên vội vàng
gọi xe cứu cấp đưa chồng vào nhà thương. Thủy hoảng hốt sợ chồng mình bị stroke
mặc dù lần trước đã không phải. Sau khi nằm ở phòng cấp cứu được năm giờ, Xuân
được cho về vì không thấy gì nguy hiểm. Tuy nhiên vì đây là lần thứ nhì, nên bác
sĩ cấp cứu khuyên chàng nên gặp bác sĩ riêng của mình để được theo dõi kỹ
hơn…
-----
Xuân bước vô nhà, buông người ngồi phịch xuống sofa, tay ôm mặt
khóc, chàng thấy cả thế giới chung quanh mình sụp đổ. Xuân tự hỏi: tại sao ông
Trời lại có thể tàn nhẫn với chàng như thế được? Sau nhiều cuộc thử nghiệm, kết
quả sau cùng bác sĩ có câu trả lời: chàng bị nhiễm trùng HIV, tình trạng trên đà
bộc phát! Thêm một hậu quả tai hại do lỗi lầm của chàng gây ra hơn năm năm về
trước! Dù có hối hận, tìm cách chuộc lỗi, nhưng đã muộn rồi! Thủy có thể tha thứ
cho chàng, nhưng với cái bệnh nan y thời đại, cái giá mà Xuân phải trả thật là
quá đắt!
-----
Thủy nhìn lên bàn thờ Phật, tâm tư thật hỗn loạn. Nàng
không biết là mình nên cầu cứu với đấng Bồ Tát, hay là trách cứ Ngài. Cả gia
đình nàng hoàn toàn bị sụp đổ khi khám phá ra rằng: nàng cũng bị nhiễm trùng HIV
do chồng truyền sang! Còn gì tệ hại hơn nữa không? Chắc là không, theo nàng
nghĩ!
Kể từ thời niên thiếu, cuộc đời của Thủy êm ả trôi qua, chỉ phải chịu
cực đôi chút vì cuộc sống vật chất trên đất Mỹ, nhưng nói chung nàng luôn nhìn
đời là màu hồng.
Cứ tưởng rằng với thành quả đạt được sau bao năm vất vả, về
hưu, nàng sẽ sống phần đời còn lại một cách thoải mái trong tình yêu gắn bó của
gia đình. Nào ngờ tất cả đều sụp đổ kể từ khi vợ chồng nàng bắt đầu… làm từ
thiện!
Trách ai đây? Bồ Tát chăng?
Nhiều khi quẩn trí nàng có ý đó, nhưng
rồi lại sợ xúc phạm tới đấng thiêng liêng mà bao năm gia đình nàng đặt hết niềm
tin.
Trách con Mận và thằng bồ của nó chăng?
Đúng, nếu không có con Mận và
thằng bồ của nó bày mưu lập kế, thì người chồng đi ngay về thẳng của nàng đâu có
phạm phải một lỗi lầm tày trời như vậy!
Trách Xuân, chồng nàng chăng?
Cũng
đúng nữa. Tại sao người chồng của nàng lại dám phản bội nàng đi ngoại tình với
một đứa con gái tuổi còn nhỏ hơn con mình? Nàng không bao giờ tin chuyện đó có
thể xảy ra được! Vậy mà nó xảy ra!
Trách nàng chăng?
Chuyện xảy ra quá đau
khổ, nghĩ tới cái gì, nàng trách cái đó, nghĩ tới người nào nàng trách người đó,
trong đó có cả nàng:
Nàng trách mình tại sao về hưu sớm, để có quá nhiều thời
gian đi chùa, từ đó mới bày đặt đi làm từ thiện!
Mà muốn làm từ thiện cũng
không sao, nhưng tại sao phải về Việt Nam? Xứ Mỹ này cũng lắm người cần giúp đỡ
kia mà?
Nàng trách nàng quá dại dột đã để người chồng hiền lành không kinh
nghiệm tình trường đi một mình! Chỉ cần một chút mánh khóe của con Mận là đã hồn
bay phách tán, quên mất đường về!
Nàng trách nàng quá khờ dại tin người.
Trách mình quá tự tin: nhìn bề ngoài của một người miền nam, mà tin là đoán được
những gì họ nghĩ trong đầu, như nàng đã từng tự hào khi còn theo chồng dạy học ở
miền tây tỉnh lẻ. Nàng không ngờ sau ba mươi năm xa quê hương, vật đổi sao dời,
xã hội Việt Nam đã bị nhiễm độc nặng, trong đó, những đứa con gái thật thà miền
nam cũng cùng số phận!
Nàng trách, nàng trách tất cả, trách để trút bỏ cái
tức, xả bỏ cái hận, trách cho vơi nỗi niềm, trách để đổ lỗi tại cái này, vì
người kia, nhưng rốt cục, càng trách nàng càng thấy đau khổ.
-----
Tiếng
chuông thanh thoát chấm dứt phần đọc kinh buổi sáng, Thủy nhẹ nhàng để cây chày
xuống bàn, ngước mắt nhìn lên bức hình Phật Tổ Như Lai, hai tay chắp trước ngực,
nàng lâm râm khấn vái thêm vài phút trước khi đứng dậy. Ngày hai buổi thành tâm
tụng niệm, rốt cục Thủy dần dần tìm thấy sự an bình cho tâm hồn. Một điều Thủy
khám phá ra rằng: không phải cứ đi chùa thường xuyên là tu. Cũng không phải cho
người ta nhiều tiền là làm từ thiện, có nhiều phước. Càng không phải đọc kinh
cho hay, lạy cho nhiều là trở thành một người tu hành có cấp bậc cao, để được
người khác kính trọng. ..
Tất cả là duyên, là nghiệp hay nói nôm na là cái
số. Phật ở trong tâm của ta. Phật ở trong tất cả hành động sinh hoạt hàng ngày.
Phật ở tất cả mọi nơi. Điều quan trọng nhất là tâm hồn phải vị tha, luôn thành
tâm hướng thiện. Mọi việc đã có tạo hóa an bài…
Nàng đã
ngộ.
-----
CHÚ THÍCH:
Vì một cái duyên, tôi biết được câu
chuyện. Bài báo của ký giả John Boudreau là động lực thúc đẩy tôi kể lại. Hy
vọng nó sẽ đóng góp vào kho tàng vô tận“Chuyện Dài XHCN.”
Vì là chuyện dài
xhcn, nên còn rất nhiều mánh khóe hấp dẫn mình chưa thấy hết. Theo tôi nghĩ: nếu
còn “Khúc Ruột Ngàn Dặm,”thì mình sẽ còn được thưởng thức những câu chuyện cười
ra nước mắt! Xin chúc tất cả may mắn!
2011
Lạc Long Huỳnh Quốc
Phú
(Hiền nội edit)
No comments:
Post a Comment