Người xưa thường nói, “Một miếng khi đói bằng một
gói khi no”. Khi đói muốn rã ruột mà bỗng nhiên có ai cho hay tìm được chút
thức ăn thì bạn có thể thốt lên rằng, “Thật không có hạnh phúc nào bằng!”. Bạn
sẽ ăn miếng thức ăn ấy một cách cẩn trọng, chân thành, cảm nhận rõ rệt hương vị
và giá trị của nó, và chỉ có bạn và nó trong giây phút đó.
Không thể đem sự hấp dẫn của tiền bạc, quyền lực,
hay tình yêu ra so sánh với cảm giác ấy được, vì mỗi thứ trên đời này chỉ có
giá trị hữu dụng trong từng hoàn cảnh. Cũng như khi no bụng thì một mâm cỗ đầy
ắp những món cao lương mỹ vị sẽ không mang lại ý nghĩa gì cả, nếu có, nó chỉ
làm thỏa mãn các giác quan hay lòng tham, chứ nó không đem lại cái cảm giác
tuyệt trần như khi đang đói thực sự. Người xưa so sánh hai cảm giác ấy ngang
bằng nhau là để nhắc nhở chúng ta phải biết trân quý những điều kiện ít ỏi mà
mình đang có, nhưng nếu xét về mặt hưởng thụ đúng nghĩa thì khi thiếu thốn mà
có được chút ít vẫn làm cho con người hạnh phúc sâu sắc hơn là khi đủ đầy mà có
thêm.
Như vậy bí quyết ăn ngon chính là để bụng đói rồi
mới ăn, và đây cũng chính là bí quyết sống hạnh phúc. Thay vì tích góp thật
nhiều tiện nghi theo mốt chung của xã hội “càng nhiều càng tốt” thì bạn phải
luôn đặt mình vào tình trạng “thiếu thốn một chút”. Thí dụ bạn chỉ có năm bảy
bộ quần áo thôi thì chắc chắn khi mặc bộ nào là bạn sẽ nâng niu bộ đó, xem quần
áo như là người bạn thân thiết của mình, thay vì có tới năm bảy chục bộ mà bạn
chẳng nhớ nổi mặt mũi và xuất xứ của chúng. Tình cảm cũng vậy. Nếu người kia
không biết cách tiết chế cảm xúc yêu thích mà bạn cũng không đủ can đảm giới
hạn sự đón nhận, thì chắc chắn sự nhàm chán và khinh lờn trong bạn sẽ xảy ra.
Bạn vẫn còn “nướng” thời gian trong những việc làm
hết sức vô bổ là tại vì bạn có suy nghĩ rằng đời bạn còn dài lắm. Có lẽ là bạn
tưởng mình sẽ sống tới hai ba trăm năm lận, nên giờ này bạn vẫn còn ham chơi,
tha hồ tàn phá tuổi trẻ, tha hồ giận hờn, tha hồ hơn thua nhau, tha hồ đuổi
theo những giấc mộng xa vời... Chắc là phải đợi đến khi bác sĩ “tuyên án” là
bạn chỉ còn có vài tháng hay vài tuần nữa để sống thôi, thì may ra bạn mới chịu
quay về nắm lấy sự sống. Như vậy là vẫn còn may, chứ có rất nhiều người chẳng
còn kịp thở hay nhìn thấy mặt người thương trước phút từ biệt cõi này nữa kìa.
Bạn nói rằng bạn đang làm tất cả là để có được cuộc
sống sung túc và an ổn? Nhìn kỹ lại xem. Có lẽ “sung túc” không bao giờ đi
chung với “an ổn”, và dường như càng “sung túc” là càng mất “an ổn”. Nhưng, có
được một cuộc sống sung túc thì sao, đó có phải là giá trị cao đẹp nhất của đời
người không? Bạn cũng biết cái cảm giác khi sắm được món đồ yêu thích, khi mua
được chiếc xe đời mới, hay khi sở hữu được căn hộ đắt tiền rồi đó: sung sướng
đến rơi nước mắt, đến quên ăn bỏ ngủ. Thế mà bây giờ bạn chẳng có cảm giác gì
đối với những thứ đó nữa hết. Thấy cũng bình thường. Vậy dựa vào đâu mà bạn tin
rằng khi có được một cuộc sống sung túc hơn là bạn sẽ có hạnh phúc? Thực ra ý
niệm về sự sung túc cũng mơ hồ lắm, cứ chạy đua theo kẻ khác mãi thì chẳng biết
thế nào mới gọi là sung túc. Và khi sung túc rồi bạn có chắc là sẽ ngồi yên đó
để tận hưởng không?
Bạn chỉ biết làm, chỉ có tài đem về đủ thứ tiện
nghi, nhưng bạn lại không biết hưởng, không có khả năng thưởng thức những gì
mình đã tạo ra. Bạn bỏ ra hai ba giờ đồng hồ để nấu một món ăn cầu kỳ, hấp dẫn,
vậy mà bạn lại không thể bỏ ra nửa giờ để đem hết sự chú tâm vào việc thưởng
thức món ăn. Bạn bỏ ra năm bảy năm trời để chinh phục một người, vậy mà bạn lại
than không có thời gian để ăn cơm chung hay chia sẻ những niềm vui sâu sắc của
người ấy. Bạn đang bị cái gì vậy? Bạn có đang thực sự sống không?
Bây giờ mà bạn vẫn chưa biết được thế nào là hạnh
phúc, thì cố gắng thêm mười năm hay vài chục năm nữa cũng vậy thôi. Bạn có thể
có thêm điều kiện của hạnh phúc, nhưng bạn lại không thể nhận ra và không thể
tận hưởng chúng. Cho nên vấn đề là ở nơi bạn, nơi nhận thức và thái độ sống của
bạn, chứ không phải là phải chờ đợi thêm cái gì nữa ở bên ngoài. Chỉ khi nào
bạn tỉnh ngộ rằng, hạnh phúc là khi tâm hồn bình yên, không còn lo lắng hay bị
áp lực vì sự mong cầu, chấp nhận hết những gì đang xảy ra trong hiện tại -
trong bạn và xung quanh bạn, thì bạn mới có đủ năng lực và ý chí để nâng niu sự
sống.
Khi nào mới chịu tỉnh ngộ, hở bạn? Hay là cứ để cho
bạn thỏa mãn với bản năng ham muốn chứng tỏ này nọ của tuổi trẻ, để cho bạn nếm
trải thêm những cú thăng trầm nghiệt ngã trong trường đời, để cho bạn chạm trán
đôi lần với lằn ranh của còn - mất hay sống - chết, nói như cụ Nguyễn Du “Đoạn
trường ai có qua cầu mới hay”, thì tự động bạn sẽ quay về tìm lẽ sống chân thật
cho đời mình? Nhưng, liệu còn kịp nữa không?
Suy ngẫm thêm đi bạn. Trước khi tìm ra được quyết định đúng đắn cho khúc quanh lớn của cuộc đời, bạn hãy thử đặt mình vào tình trạng “chỉ còn một ngày để sống” để dồn hết năng lượng vào việc nắm bắt từng phút giây của sự sống, để bạn cảm nhận thế giới mà bạn đang sống đích thực là gì khi bạn đã lấy hết những lo lắng muộn phiền của mình ra. Hoặc, bạn hãy tưởng tượng mình là du khách từ hành tinh khác đến viếng thăm xứ sở này, nên bạn sẽ nhìn mọi thứ bằng con mắt tinh khôi, khám phá, và đầy thưởng thức.
Bắt đầu từ những việc nhỏ nhặt thường ngày như là
khi uống trà. Bạn hãy cảm nhận lòng bàn tay và các ngón tay của bạn đang chạm
vào tách trà còn nóng hổi, cảm nhận hương trà thơm lừng đang bốc lên, cảm nhận
từng ngụm trà có vị vừa chát vừa ngọt đang thấm vào cổ họng, cảm nhận sự tươi
tỉnh đang diễn ra trong đầu bạn. Trong khi ngồi uống trà, bạn cũng nhớ thư giãn
và giữ nụ cười hàm tiếu. Lỡ thói quen gấp gáp hay lo lắng chồm dậy, hãy vỗ về
nó: “Thôi mà, để cho ta tự do uống trà một chút đi”, rồi tiếp tục ghi nhận hết
những gì đang diễn ra trên thân bạn và xung quanh bạn.
Còn với một người được ăn lần đầu cũng như lần cuối
thì sao? Bạn có nhớ hồi nhỏ, mỗi khi ăn cà-rem, thì một tay cầm cây cà-rem còn
một tay để ngửa ở phía dưới để hứng những giọt cà-rem rớt xuống. Rồi bạn liếm
sạch những giọt cà-rem ngọt ngào và quý giá đó chứ không bỏ phí. Đó là một
trong những giây phút tuyệt trần của sự sống mà không dễ gì tìm lại được sau
này, dù bạn có ngồi ăn trong những nhà hàng sang trọng bậc nhất.
Thực ra, bạn vẫn có thể tái hiện cảnh ấy mỗi ngày
bằng sự luyện tập sống chậm và sống kỹ. Như khi ngồi xuống ăn, bạn đừng nên nói
chuyện. Đừng theo thói quen cố tạo ra không khí vui vẻ bằng những câu chuyện vớ
vẩn, để rồi bạn và người bên cạnh vô tình dắt nhau đi về quá khứ hay tương lai
mà quên mất cái hạnh phúc được ăn. Nếu có việc cần thiết phải chia sẻ thì cũng
nên thực tập im lặng ít nhất trong mười lăm phút đầu. Tuy im lặng nhưng vẫn có
thể nhìn nhau, mỉm cười, và thư giãn. Để sự thực tập này diễn ra tốt đẹp, bạn
cần phải cho người kia biết trước và hướng dẫn qua cách thức. Tất nhiên là phải
tắt ti-vi và cả điện thoại để chỉ tập trung vào mỗi việc ăn và chỉ có ăn mà
thôi.
Tiếp tục nuôi dưỡng tâm tỉnh thức bằng cách để ý
đến chuỗi động tác đưa tay đến gắp thức ăn, từ từ đưa thức ăn vào miệng, rồi khẽ
khàng đặt đũa hay muỗng xuống. Nên nhai khoảng 40 đến 50 lần rồi mới nuốt, như
vậy vừa giúp thức ăn dễ tiêu hóa vừa giúp bạn cảm nhận rõ rệt hương vị của từng
món ăn đã được làm rất công phu. Trong khi nhai vẫn nhớ thả lỏng toàn thân, nếu
cần, cũng nên nhắm mắt lại cho dễ tập trung vào việc nhai mà không để cho tâm
suy nghĩ vu vơ hay cuốn theo ý niệm khen chê.
Bạn cũng có thể đem sự thực tập “cẩn trọng trong
từng động tác” này vào những sinh hoạt khác như khi đi bộ quanh nhà hay trong
văn phòng, khi mở vòi nước, khi đóng cửa, khi đặt tách cà-phê xuống, khi nhắn
tin hay viết email, khi trò chuyện với bất cứ ai, khi đưa ra một quyết định dù
rất nhỏ… Không khó đâu! Chỉ cần cố gắng luôn tự nhắc nhở, “Ta đang làm gì đây
(hay tiếp xúc với ai đây)?” thì tự động tâm bạn sẽ quay về hiện tại và nhận
biết rõ ràng trở lại. Để sự nhận biết sâu sắc hơn, bạn hãy tự hỏi thêm, “Ta
đang làm việc (hay tiếp xúc với đối tượng) ấy một cách cẩn trọng hay hời hợt?”,
hoặc “Việc ta đang làm (hay đối tượng ta đang tiếp xúc) như thế nào rồi?”.
Chỉ cần có sự tỉnh thức thôi, còn việc đang làm hay
đối tượng đang tiếp xúc có như thế nào cũng được (nếu điều ấy thực sự cần thiết
thì sẽ tính sau). Dưới ánh sáng tỉnh thức, bạn sẽ biết rõ mình đang làm gì,
đang đi đâu và về đâu. Và rồi bạn sẽ tự vén lên những bức màn bí ẩn của thân
phận và cuộc sống bằng chính năng lực tỉnh thức của mình.
(sưu tầm trong sách Thiền)
No comments:
Post a Comment