Thành thật với nhau
Con người ngày càng
nghiêng về chiều hướng hưởng thụ, luôn đi tìm những cảm xúc tốt từ những tiện
nghi vật chất đến sự công nhận của những người chung quanh, nên chẳng còn mấy
ai ý thức giữ gìn lòng thành thật. Mặc dù ai cũng biết rằng thành thật là một
đức tánh tốt, và ai cũng trông mong người khác thành thật với mình, nhưng một
khi bị cuốn vào vòng xoáy tranh chấp bất tận của cuộc sống thì người ta lại
thấy lòng thành thật chính là trở ngại căn bản để đi tới sự thành công. Nhiều
khi người ta còn dám tuyên bố sống giữa đời sống bây giờ mà cố giữ lòng thành thật
thì đó là thái độ sống rất ngây thơ, phải khôn khéo và đầy kỹ xảo trong từng
hành động mới là kẻ thức thời và dễ dàng thành đạt.
Thế rồi người ta
đến với nhau bằng những màn trình diễn rất ngoạn mục, từ những lời nói trau
chuốt bóng bẩy đến những hành vi lịch lãm dễ thương, miễn sao thu phục được đối
phương thì dù phải nhồi nặn thêm những điều sai với sự thật ta cũng sẵn sàng.
Thật khôi hài khi khán giả trung thành nhất chính là người thân yêu nhất của
ta. Một ngày nào đó, ta không còn đủ năng lực để diễn xuất nữa thì lớp phấn son
kia sẽ rớt xuống, đó cũng chính là lúc niềm tin yêu trong người ấy rơi rụng
xuống. Dù ta có cố gắng biện minh bằng tất cả lòng thành khẩn thì cũng không
thể nào đưa tâm thức người ấy trở về vị trí cũ, trừ phi người ấy có hiểu biết
và tình thương lớn thì mới chấp nhận và mở lòng ra tha thứ. Nhưng vết thương
vẫn còn đó, sau này ta có muốn tuyên bố điều gì quan trọng thì người ấy cũng
vẫn cứ đề phòng và xét lại, họ không thể dễ dàng trao trọn niềm tin như xưa
nữa.
Đành rằng cuộc sống
đôi khi cũng cần sự khôn khéo, nhưng chút ít thôi, chỉ nên dùng nó trong những
trường hợp đối phương chưa sẵn sàng tiếp nhận sự thật, chứ không phải để tạo
thêm lớp phấn son giả tạo cho mình. Song ta phải có trách nhiệm tìm cơ hội đã
trình bày sự thật trở lại, đừng đợi người kia phát hiện ra thì ta sẽ mang tội
danh lừa dối. Một trong những lý do khiến ta có được niềm tin vào cuộc sống là
khi mỗi lời mình thốt ra đều được bên kia lắng nghe và tin tưởng. Không gì
thoải mái cho bằng được sống chung với những người mà ta không cần phải dò xét
hay đối phó bằng bất cứ chiêu thức nào, chỉ nhìn nhau là đã hiểu nhau rồi. Bởi
lẽ muốn thương nhau thì phải hiểu nhau, mà muốn hiểu nhau thì phải tin tưởng
nhau, mà muốn tin tưởng nhau thì phải thật lòng với nhau.
Thực tế không phải
ai cũng biết trân quý lòng thành thật của mình, đó có thể là cơ hội để kẻ xấu
lợi dụng. Vấn đề nằm ở chỗ là làm sao đủ sáng suốt để ta biết thể hiện lòng
thành thật của mình một cách đúng đắn, đừng vì vài thất bại nhỏ nhặt trong quá
khứ mà ta tập cho mình thói quen luôn che giấu sự thật như một phản xạ tự
nhiên, và hình thành như một loại tính nết từ lúc nào mà chính ta cũng không hề
hay biết. Rồi một lần nào đó có cơ hội quan sát những đứa trẻ nô đùa, hay những
người dân quê trò chuyện huyên thuyên trên những cánh đồng, ta sẽ giật mình
thảng thốt khi nhận ra mình đã đi quá xa trên con đường tranh chấp hơn thua để
cái tôi hồn nhiên tinh khôi bị lạc mất. Không có cái tôi linh thiêng ấy, ta sẽ
luôn nhìn đời nhìn người một cách sai lệch và bất an, rồi đổ thừa cuộc đời này
chỉ là những vở tuồng mộng ảo. Mộng ảo là do chính tâm thức điên đảo của con
người dệt lên, chứ đó không phải là bản chất của cuộc đời, vì cuộc đời vốn rất
tươi đẹp.
Thành thật với
chính mình
Không có một nguyên
tắc chuẩn xác để giúp ta khi nào phải nên thành thật, hay phải thành thật tới
mức nào, bởi quan niệm về giá trị hạnh phúc của mỗi người khác nhau. Nếu ta cho
rằng hạnh phúc là khi mình tích góp được thật nhiều tiền bạc hay danh vọng thì
chắc chắn ta không thể nào đem lòng thành thật ra như một bảo bối để ứng chiến
giữa những cuộc cạnh tranh khốc liệt. Người thấy được hạnh phúc chân thật từ
cõi lòng bình yên, buông bỏ bớt những mong cầu hay chống đối không cần thiết
chứ không phải là những cảm xúc thỏa mãn trong nhất thời, thì bằng mọi giá họ
sẽ bảo vệ tâm hồn mình. Họ thà chấp nhận để cho việc bất thành chứ không để cho
tâm mình hư. Tâm hư khó sửa gấp trăm ngàn lần việc hư. Và nếu việc thành mà tâm
hư thì họ cũng chẳng hạnh phúc gì.
Nói dễ hiểu hơn là
người sống có chiều sâu sẽ luôn ý thức giữ tâm hơn giữ cảnh. Thế nhưng, lắm lúc
ta cũng hoang mang đứng trước sự chọn lựa nên giữ gìn lòng thành thật hay bước
vào vai diễn để dối gạt đời, vì không phải lúc nào nội lực ta cũng đủ mạnh để
phòng ngự sự kích động của những hấp dẫn lực bên ngoài vào hạt giống tham của
mình.
Muốn làm chủ được
bản thân thì ta phải hiểu được chính mình, muốn hiểu được chính mình thì ta
không được dùng ý chí để nhồi nặn tâm mình thành ra một sản phẩm tốt đẹp để rồi
tự đánh lừa mình. Mình đang giận mà không chịu nhận là mình đang giận, mình
ganh tỵ mà cố nghĩ là mình đang phấn đấu thi đua, mình hèn yếu mà lại cho rằng
mình đang nhịn nhục. Lý do mình không thấy được chính mình cũng do sự can thiệp
quá vội vàng của ý chí. Vì ý chí chính là năng lực hướng tới sự tốt đẹp, nó
được làm ra từ những kinh nghiệm và kiến thức tích lũy, trong khi thực tại là
một cái gì đó rất khác với trình độ ý chí. Mà bản thân của ý chí cũng chỉ có
thể làm kềm hãm sự phát triển của phiền não chứ không thể nào chuyển hóa trọn
vẹn, nên ý chí không những không giúp được trường hợp như vậy mà khiến ta đánh
giá sai lệch về tâm thức của mình. Ta trở nên chủ quan và sẽ bất ngờ trước
những phản ứng vụng về đến tệ lậu của mình mà không hiểu tại sao.
Thế nên nhìn vào
tâm thức cũng cần thái độ trung thực, quan sát nó như chính nó đang là chứ đừng
bắt ép nó phải như thế này thế kia khi chưa hiểu thấu và đầu tư đúng mức. Cái
nhìn thuần khiết ấy trong nhà thiền gọi là trực giác, cái nhìn chưa đi qua sự
nhồi nặn của tâm tưởng, cái nhìn không mang theo thái độ bảo vệ cái tôi của
mình, nhìn như mới nhìn lần đầu tiên. Loại trừ được thái độ yêu thích hay ghét
bỏ trong khi nhìn vào tâm mình thì chắc chắn ta sẽ thấy rõ chân tướng của nó,
thấy rõ nguyên nhân sâu xa nào đã thúc đẩy và tạo nên tâm lý mình đang có. Chỉ
cần im lặng và thong thả quan sát như một người ngã lưng lên ghế để xem cuốn
phim đang từ từ mở ra thì ta sẽ tháo gỡ được từng mảnh tâm lý từ thô đến tế.
Điều này phải cần quá trình luyện tập kiên trì chứ không thể thành công liền
được. Tuy nhiên khi ta bắt đầu thành thật với chính mình, chấp nhận những gì
mình đang có rồi mới tìm cách tháo gỡ thay vì phủ nhận hay chống đối, đó là
bước tiến cực kỳ quan trọng của công trình chuyển hóa bản thân mình.
Ta đã từng thấy có
nhiều người quyết tâm cải thiện mình rất lớn, nhưng trải qua nhiều năm tháng mà
họ vẫn không tiến được bước nào, đôi khi còn lui sụt. Nguyên nhân thường thấy
nhất là do họ chỉ dùng toàn ý chí, họ không chấp nhận trình độ mình đang có,
thậm chí họ còn có thái độ khinh ghét bản thân mình, luôn mặc cảm khi nhìn thấy
những năng lượng xấu trong tâm mình. Nhưng đó là kết quả của lối sống thiếu
tỉnh thức của chính ta gây ra, ta không thể ra lệnh nó thay đổi liền khi ta
chưa thật sự tập luyện cho mình một thói quen mới. Ta cần phải chấp nhận nó,
làm hòa với nó để hiểu được nó thì ta mới chuyển hóa nó được.
Cho nên nghệ thuật
sống cao cấp nhất không phải là trình độ kỹ xảo uốn nắn tâm mình thành một kiểu
mẫu tốt đẹp nào đó mà không có nền tảng của sự chuyển hóa thật sự. Chỉ cần lúc
nào cũng thấy rõ tâm mình và hiểu biết nó một cách sâu sắc, kiên trì quan sát
nó nhiều lần bằng thái độ nhẹ nhàng và từ tốn thì kết quả tự nhiên sẽ xảy ra.
Luyện tập được như vậy thì cơ hội nắm được hạnh phúc sẽ trong tầm tay, ta sẽ
không còn thán oán cuộc đời có quá nhiều điều phiền toái hay ta không thể nào
chiến thắng nỗi chính mình. Sống được với tâm hồn nhiên chân thật là hòa điệu
với sự vận hành của vũ trụ, là lối sống của bậc trí thức, là ước mơ của bao
người đã không tìm thấy giá trị chân thật từ những vở tuồng đầy kịch tính và
màu sắc của cuộc đời. Nhạc sĩ Phạm Duy đã thốt lên những lời tâm sự thật cảm
động trong bài hát Kỷ niệm: "Cho tôi lại còn nhiều, cho tôi lại
tình yêu, tôi không cần khôn khéo, tôi không đòi bao nhiêu, cho tôi lòng non
yếu, dễ khóc dễ tin theo… Cho tôi lại ngày đầu, chưa đi vội về sau, xin đi từ
thơ ấu, đi vui và bên nhau…".
Nguồn FB
No comments:
Post a Comment