Monday, June 13, 2016

Mục Đích Chính Chuyến Đi Thăm Việt Nam Vừa Qua Của Tổng Thống Obama - Nguyễn Cao Quyền (danlambao)


Mục đích chính chuyến đi thăm VN của TT Obama vừa qua nhằm bốn mục tiêu: thứ nhất, truyền đạt cho chính phủ và nhân dân VN biết ý định gỡ bỏ việc cấm bán vũ khí sát thương cho VN; thứ hai là lưu ý VN về vấn đề tôn trọng nhân quyền; thứ ba là nhắc nhở VN chuẩn bị tham gia Hiệp Định TPP; và thứ tư là thông báo cho giới trẻ VN bíết việc Đại Học Fulbright sẽ mở cửa sinh hoạt tại VN vào mùa thu năm nay.

Trong bốn vấn đề trên, việc gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho VN là việc quan trọng nhất. Sau đó là việc Đại Học Fulbright mở cửa. Cỏn hai việc tôn trọng nhân quyền và Hiệp Định TPP chỉ là hai việc được nhắc qua. 

Bài tham luận này chú trọng vào hai việc thứ nhất và thứ tư. Riêng hai việc thứ hai và thứ ba, xin được khất tới một dịp khác. 

Trung Quốc vi phạm trách nhiệm chiến lược
Sau Chiến Tranh Lạnh, quan tâm chính yếu của Hoa Kỳ là làm sao giữ được vị thế bá chủ trên thế giới. Muốn được như thế Hoa Kỳ đã tiết chế tham vọng của một cường quốc bá chủ và chia sẻ trách nhiệm quản lý những công việc chung của thế giới với Nhật Bản và Trung Quốc. Việc chia sẻ này áp dụng không gặp rắc rối cho đến nhiệm kỳ của tổng thống Obama thì thái độ của Trung Quốc hơi thay đổi. 

Những cử chỉ quá khiêm tốn của TT Obama làm cho Trung Quốc lầm tưởng rằng Hoa Kỳ hiện đang rất sợ chiến tranh và lúc này hơn lúc nào hết phải ra tay uy hiếp để thực hiện quyết tâm xâm chiếm Biển Đông. 

Khi Bắc Kinh cho Hoa Kỳ biết vào khoảng tháng 3/2010 là họ coi Biển Đông như vùng quyền lợi “cốt lõi” và công bố vào tháng 5/2010 bản đồ chín đoạn hình lưỡi bò bao gồm 8o% diện tích Biển Đông trong đó có cả eo biển Malacca, thì Hoa Kỳ đánh giá đây là một thách thực nguy hiểm. Biển Đông trở thành một ví trí thiết yếu trong “chiến lược an ninh mới” của Hoa Kỳ.

Hoa Thịnh Đốn ra lệnh cho Ngũ Giác Đài nghiên cứu khả năng gây chiến của Bắc Kinh. Sau một năm nghiên cứu, báo cáo cho biết không lực Hoa Kỳ tại các căn cứ Guam và Okinawa vợt trội quá xa không lực của ba nước Nga, Trung Hoa và Bắc Triều Tiên gộp lại. Kết luận là Trung Quốc chưa thể tiến hành chiến tranh với Hoa Kỳ.

Báo cáo này trang bị tư tưởng cho ngoại trưởng Hillary Clinton khi bà sang Hà Nội phó hội tại Diễn Đàn An Ninh Á Châu (ARF) ngày 23/7/2010. Tại diễn đàn này ngoại trưởng Mỹ Tuyên bố: “Hoa Kỳ sẽ trở lại Á Châu”. Cũng tại diễn đàn này, lần đầu tiên Hoa Kỳ chính thức phủ nhận bản đồ “lưỡi bò” của Bắc Kinh và bác bỏ chủ quyền của Bắc Kinh trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hoa Kỳ công khai đứng về phía các nước ASEAN trong thế đối đầu với Trung Quốc. 

Kết quả của màn đầu đấu tranh là Bắc Kinh mua lấy thất bại tự cô lập mình tại vùng Đông Á và trên thế giới. Riêng đối với VN, việc Hoa Kỳ trở lại Á Châu đang mở ra một cơ hội mới để điều chỉnh chiến lược. 

Hoa Kỳ và Việt Nam: quyền lợi song hành
Trong tư thế bá chủ thế giới hiện nay, việc Hoa Kỳ lấp khoảng trống chính trị ở vùng này là một điểm chiến lược hàng đầu, nhất là khi Trung Quốc đang uy hiếp các quốc gia khu vực bằng cả sức mạnh mềm lẫn sức mạnh cứng. Tất cà những nước trong vùng, đứng đầu là Việt Nam đang cần sự hợp tác của Hoa Kỳ trong nỗ lực thầm lặng để tạo lập một thế be bờ quân sự đối với Trung Quốc. Quyền lợi của Việt Nam và của Hoa Kỳ vào giai đoạn này là những quyền lợi song hành. 

Viễn tượng của một cuộc xung đột bằng hải lực giữa nhiều nước có thể chưa xảy ra nhưng nếu để Việt Nam hoàn toàn lép vế trong tranh chấp thì Trung Quốc không còn gặp trở ngại nào trong việc kiểm soát toàn bộ vùng biển này. Cho nên Hoa Kỳ nhất thiết phải trợ lực Hà Nội và chiến lược “trở lại Á Châu” của Hoa Thịnh Đốn không thể không có sự hợp tác của Việt Nam.

Về phần Việt Nam kể từ bài học “năm 1979” của Đặng Tiểu Bình, đất nước này liên tục bị Trung Quốc đe dọa. Sau bước quy phục Thành Đô năm 1990 tình trạng bị uy hiếp cứ mỗi ngày một căng thêm. Nguy cơ mất nước trở thành hiện thực. Trung Quốc có nhu cầu nuốt chửng Việt Nam để tạo điểu kiện vươn lên ngôi vị “số một” của thế giới, còn Việt Nam thì không có thế lực quốc tế nào làm điểm tựa. 

Lệnh gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương được TT Mỹ Obama tự tay mang đến tận nơi 
Lệnh nói trên được Tổng Thống Mỹ Obama mang đến tận nơi và công bố ngày đầu tiên ông đến Hà Nội, sáng 23/5/2016. Lệnh này bắt nguồn từ sự kiện vịnh Bắc Bộ năm 1964, chính thức áp dụng năm 1975 và nâng mức khi VN mang quân vào Campuchia năm 1978

Gỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương để có cơ hội khai thác Cam Ranh, Hoa Kỳ sẽ tạo thế gọng kìm ở Biển Đông, bao vây các căn cứ quân sự Trung Quốc dựng lên phi pháp, biến âm mưu của Trung Quốc tại vùng biển “lưỡi bò” trở thành ảo tưởng. 

Thật ra Mỹ đang kéo Việt Nam về phía mình. Tranh thủ được sự hợp tác của Việt Nam sẽ giúp Hoa Kỳ rất nhiều trong việc điều phối các cố gắng đa phương để giải quyết tranh chấp trong khu vực.

Cho nên, Hoa Kỳ đã nói nhiều lần là đã công nhận chính phủ Việt Nam và phản đối bất cứ ai sử dụng vũ lực vi phạm an ninh chính trị của nước này. Ngày 23/7/2010 tại Hội nghị ARF, ngoại trưởng Hillary Clinton đã thân tặng Hà Nội một món quà mà người CSVN không thể nào từ chối: sự chuyển giao kỹ thuật nguyên tử. Tướng cộng sản Nguyễn Chí Vịnh đã ký với Mỹ thỏa ước lịch sử này. 

Ở vào thời điểm hiện nay, đã là người Việt Nam, ai cũng cảm nhận được đây là một thực tế, một chân lý, một cơ hội ngàn năm một thuở. Không có lựa chọn thứ hai. Tuy nhiên đây mới chỉ là ước đầu để hai nước xích lại gần nhau.

Dù sao thì việc sử dụng vũ khí hạt nhân cũng chỉ là một viễn vọng xa xôi. Hai nước cần đi đến một quyết định gần hơn và cụ thể hơn để nhanh chóng vô hiệu hóa âm mưu bá quyền của Trung Quốc tại Biển Đông. Giải pháp duy nhất và hiệu nhất là cho Mỹ trở lại Cam Ranh. Chuyến viếng thăm Việt Nam vừa qua của TT Obama nằm trong sự sắp xếp này.

Vài nét về lịch sử và vị thế chiến lược của quân cảng Cam Ranh
Thái độ hung hăng của Trung Cộng ở Biển Đông buộc Mỹ phải trở lại Cam Ranh. Nhiều người cho rằng việc Hà Nội mở cửa Cam Ranh cho Mỹ là một món “lại quả” sau khi Mỹ tuyên bố gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Hà Nội. Đúng! Rất đúng! Các cụ ta xưa thường nói: “có đi có lại mới toại lòng nhau”. Sự đời là như thế.

Hoa Kỳ buộc phải phản ứng lại những thách đố của Bắc Kinh và khẳng định không cho Bắc Kinh ăn cướp biển trời và coi thường luật pháp quốc tế. Các nước nhỏ tại vùng Biển Đông sẽ biến khỏi bản đồ thế giới nếu lờ đi những sự xâm lấn tiệm tiến của Trung Cộng theo thời gian.

Cam Ranh là một cảng nước sâu tránh gió tuyệt vời. Chung quanh cảng là những dẫy núi cao 400m, khó công và dễ thủ. Cửa vào cảng tuy nhỏ, nhưng vùng nước sâu bên trong rất rộng, có thể chứa được dễ dàng 10 tầu lớn cùng neo đậu, kể cả hàng không mẫu hạm. 

Sân bay Cam Ranh với đường băng dài hơn 3000km có thể đón nhận tất cả các loại phi cơ lớn mà thế giới đang sử dụng. Thời gian trước. Mỹ đã chi 300.000.000 USD để mở rộng Cam Ranh nhưng từ khi Mỹ rút thì Cam Ranh đả trở thành buồn tênh và vắng vẻ. 

Cam Ranh nằm trong giao điểm từ miền Đông tới eo biển Malacca. Nó có thể kiểm soát được toàn bộ con đường huyết mạch này vì rất gần những vùng biển tranh chấp. Cam Ranh còn có khả năng đưa tầu ngầm lặn sâu vào đáy Đại Tây Dương rất nhanh, vì thế mà Hà Nội đã đầu tư lớn vào đội tầu ngầm do Nga chế tạo.

Cái gì đã khiến cho Hà Nội phải chấp nhận cho hải quân Mỹ đồn trú tại Cam Ranh? Lý do là hải quân VN không đủ mạnh để bảo vệ vùng biển VN. Để Mỹ vào Cam Ranh thì tham vọng bá quyền của Trung Cộng sẽ giảm đi rất nhiều. Trao đổi việc cho Mỹ vào Cam Ranh lấy việc gỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương là một tính toán khôn ngoan và hợp lý. 

Triển vọng dân chủ hóa Việt Nam
Tăng trưởng kinh tế giúp người dân khôn hơn và hiểu biết nhiều hơn. Cho nên họ có nhu cầu tham gia chính trị. Giới trẻ trí thức muốn thấy một chế độ cởi mở trong đó họ có tiếng nói về những vấn đề liên quan đến vận mạng đất nước và tương lai của mọi thành phần dân tộc.

Dân tộc VN tính cho đến nay vẫn còn xa lạ với những thói quen dân chủ. Cho nên thời gian diễn biến dân chủ không thể ngang bằng những nước có sẵn truyền thống dân chủ lâu đời. 

Tại VN vào lúc này không có mối đe dọa nào đối với chính quyền Cộng sản đến từ phía đối lập dân chủ. Trong giai cấp trung lưu mới nổi lên chưa thấy xuất hiện bóng dáng một tổ chức chính trị nào có khả năng thực hiện một sáng kiến thay thế cho chế độ hiện hành.

Áp lực của cộng đồng dân chủ quốc tế không ngừng tác động nhưng chỉ tác động cẩm chừng để không làm hại đến số lượng mậu dịch và đầu tư mà các nước tư bản đổ vào VN.

Tuy nhiên không nên quên rằng “diễn biến hòa bình” đang tác động. Tại VN ngày nay, từ chính quyền đến nhân dân ai cũng hiểu mọi việc như xuất nhập cảng, viện trợ kinh tế, đầu tư ngoại quốc, trao đổi văn hóa, cung cấp học bổng, khuyến khích du lịch... đều là những lợi khí của diễn biến hòa bình. 

Những đòi hỏi dân chủ hóa và tôn trọng nhân quyền trong các khế ước giao thương thật ra cũng chỉ là những đòi hỏi chuyển nhượng quyền hành mà các chính quyền cộng sản không thể nào từ chối, vì đây là lối thoát duy nhất để có một sự tồn tại lâu hơn. Thực tế này đang là bước đẩu của tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, một tiến trình mà tốc độ sẽ gia tăng khi sự chuyển quyền giữa các thế hệ thành hình. 

Thế hệ người Việt mới 
Cơn chấn động khi TT Obama đến thăm Việt Nam hồi cuối tháng năm vừa qua đến nay vẫn còn dư âm và chưa hoàn toàn chấm dứt. Hôm đó, trước một cử tọa hai ngàn người mà đa số là những người trẻ trí thức, TT Obama đã nói: “Đối tác kinh tế thực thụ không chỉ là nước này đến khai thác tài nguyên thiên nhiên của nước kia, mà là đầu tư vào nguồn tài nguyên lớn nhất của chúng ta: đó là con người với những kỹ năng và tài năng của họ... Sau thế hệ thanh niên Mỹ đã đến đây tham chiến, sẽ có một thế hệ mới đến đây để dạy học. Nước Mỹ vẫn mở rộng cửa để tiếp nhận thanh niên Việt Nam qua Mỹ du học và chúng tôi rất hứng thú khi mùa thu này đại học Fulbright sẽ khai trương tại thành phố Hồ Chí Minh... Tôi nghĩ tới một thế hệ người Việt Mới, các bạn. những người trẻ đang ngồi đây, những người sẵn sàng để lại dấu ấn của mình trên thế giới. Và tôi muốn nói với những người trẻ đang lắng nghe: “với tài năng, trí thông minh và ước mơ của các bạn, Việt Nam đã có sẵn trong tay tất cả những gì cần thiết để phát triển và thịnh vượng. Vận mệnh nằm trong tay các bạn, đây là thời điểm của các bạn...”

Những lời chia sẻ tâm tình nới trên của TT Obama đã đi sâu vào trái tim và khối óc không những của thính giả Hà Nội trong hội trường hôm đó, mà còn làm sao xuyến tâm can của tất cả những ai đã tiếp thu qua phương tiện truyền thông và báo chí những ngày sau. 

Đó là điều đã khiến hàng vạn người đã đổ ra đường để đón chào và tiễn đưa ông trong một bầu không khí cuồng nhiệt và thân thương như ta đã thấy. Người dân Việt Nam đã coi ông như biểu tượng của tự do dân chủ, một điều mà họ đã khao khát từ khi chế độ cộng sản man rợ đã bao trùm trên cả nước.

Một số không nhỏ người dân cho rằng chưa có nhân vật nào làm cho người Việt Nam mê Mỹ như TT Obama đã làm. Obama đã khuấy động được hầu hết trái tim của người dân Việt Nam kể cả những người cộng sản. Đó là một diễn biến hòa bình tĩnh lặng nhưng thành công nhất của một vị tổng thống Hoa Kỳ. 

Một người dân đi đón TT Obama chia sẻ: “Người ta hy vọng một sự cứu rỗi cho cuộc sống bất an, nghèo đói, mất tự do và người ta trông chờ ở nước Mỹ. Có thể nói rằng TT Mỹ, bất luận là ai, cũng được người dân Việt Nam lúc này kính trọng và yêu thích”.

Một người khác nói: “Theo em thì không chỉ riêng dân mình thay đổi nhận thức mà ngay cả các đồng chí Ba Đình cũng hiểu rõ vấn đề đó. Họ đang thay đổi cách điêu hành quốc gia. Càng ngày họ càng gần lại thể chế Cộng Hòa. Em đồng ý với thời điểm 2017 của đàn anh”. 

Một người thứ ba nói thêm: “Có lẽ các cháu sinh sau 1975, trong và ngoài nước, sẽ là những người Cộng Hòa chân chính và họ sẽ đưa Việt Nam tới phú cường”.

11.06.2016

No comments:

Post a Comment