Sunday, July 24, 2016

1975-2015: Có Thể Bạn Chưa Biết


Cuộc chiến Việt Nam, cũng được sử gia nước ngoài gọi là Cuộc chiến Đông Dương lần hai, thường được tính bắt đầu từ 1959 hay 1960 với các hoạt động du kích ở miền Nam Việt Nam và Lào, và kết thúc ngày 30/4/1975.
Đánh dấu 40 năm ngày kết thúc chiến tranh, 10 dữ kiện quan trọng liên quan cuộc chiến Việt Nam và quan hệ Việt – Mỹ.


Chiến tranh Lạnh: Việt Nam Cộng Hòa phụ thuộc viện trợ quân sự và kinh tế của Mỹ, còn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa được Liên Xô và Trung Quốc giúp đỡ.


Số lượng quân đội: Hơn 2.5 triệu lính Mỹ phục vụ ở Việt Nam – năm cao điểm là 1968 với 536.000 người. Năm 1973, khi Mỹ rút, ước tính quân lực Việt Nam Cộng Hòa là khoảng 700.000, còn Quân đội Nhân dân Việt Nam khoảng 1 triệu.


Số người chết: Hơn 58.000 người Mỹ và ít nhất 1.1 triệu người Việt thiệt mạng. Lực lượng các nước khác cũng có người chết, gồm hơn 4.000 lính Hàn Quốc.


Phía Mỹ: 47.406 người thiệt mạng trong chiến trận và 10.787 không do giao tranh – tổng cộng là 58.193 người.
Trung Quốc, nước gửi tổng cộng khoảng 320.000 người liên quan quân sự để giúp các tuyến đường vận chuyển và khẩu đội phòng không, đã có 1.100 người thiệt mạng và 4.200 người bị thương.


Các nguồn của chính phủ Mỹ ước tính tổng cộng lính Cộng sản Việt Nam thiệt mạng từ 1961 đến 1975 là 1.027.085 người, một con số mà giới chức Lầu Năm Góc cho rằng có thể bị phóng đại lên 30%. Nhưng Bộ Lao động, Thương binh, Xã hội Việt Nam ước tính con số bộ đội Cộng sản chết từ 1954 đến 1975 là 1.1 triệu.


Ước tính số người chết của quân lực Việt Nam Cộng Hòa là 254.257 người.
Cuộc chiến quốc tế: Ngoài Mỹ, một số nước cũng gửi quân tham chiến. Vào lúc cao điểm, có 50.003 quân Hàn Quốc, 11.586 từ Thái Lan, 7.672 từ Australia, 2.061 từ Philippines và 552 từ New Zealand. Trung Quốc cũng gửi sang miền Bắc lực lượng đáng kể, lúc cao điểm có 170.000 người, để giúp công binh, hậu cần và phòng không.


Không kích: Số lượng bom dội xuống Đông Dương hơn gấp đôi bom của quân Đồng minh thả xuống châu Âu và châu Á trong Thế chiến Hai.


Tăng nào vào trước? Hơn 20 năm sau ngày 30/4/1975, truyền thông viết xe tăng số 843 là chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập. Mãi đến giữa thập niên 1990, giới chức mới đính chính đó là xe tăng số 390.



Vũ khí tiêu biểu: súng AK-47, do Mikhail Kalashnikov sáng chế, gắn liền với cuộc chiến. Là vũ khí chính của quân đội miền Bắc và du kích Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, khẩu súng sau này được các phong trào cách mạng quốc tế ưa chuộng.


Di sản tranh cãi: Mỹ từ chối yêu cầu của Việt Nam muốn Mỹ bồi thường cho những người bị nhiễm chất độc da cam. Trong các cuộc gặp mới nhất, Việt Nam vẫn đề nghị Hoa Kỳ tăng ngân sách cho các hoạt động tẩy độc và hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam .


Chia rẽ: Hơn 1 triệu thuyền nhân chạy khỏi miền Nam từ 1975 đến 1989. Đa số định cư tại Mỹ.


Bình thường hóa: Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ năm 1995 và loan báo đối tác toàn diện năm 2013. Thương mại song phương lên tới gần 35 tỉ đôla năm 2014.

Theo BBC Tiếng Việt

2 comments:

  1. Xin cám ơn chị NPN đã giới thiệu tài liệu.
    Đối với tôi, tài liệu nầy khá chính xác. Năm 1972, tôi có đọc bộ sách 2 quyển, Lịch Sử Chiến Tranh Lạnh, do ông Lê Thanh Hoàng Dân dịch thuật. Tài liệu nói về chiến tranh lạnh thế giới giai đoạn từ sau thế chiến 2, 1945 đến 1970. Chiến tranh VN là chiến tranh lạnh giữa thế giới tự do và thế giới cộng sản. Nắm 1963, suýt xảy ra thế chiến 3 khi 2 phe đối đầu ở Cuba về vụ hỏa tiễn...
    Bây giờ gió đã xoay chiều, chiến tranh giữa phương Tây, trong đó có Nga, và Hồi Giáo...ĐCL

    ReplyDelete
  2. Cám ơn anh Luận đã đọc và comment.
    Nguyện cầu cho thế giới an bình cho nhân loại bớt thống khổ điêu linh, đau thương tang tóc.
    NPN

    ReplyDelete