Thursday, July 14, 2016

Ta là Số Một - Sương Lam


Thưa quý anh chị,
Sống trong cõi ta bà này nhiều người thích làm “người number 1” hơn là “người number 10”.  Smile!
Trải qua bao cuộc biển dâu, nhiều người lại “ngộ” ra rằng, người số nào cũng phải trở về với cát bụi giống nhau hết ráo.  Thế mà khi còn sống thiên hạ dành nhau “Ta Là Số Một”.  Mệt quá!
Bởi thế Đức Phật mới bảo “Đời là bể Khổ” và đưa ra bài học Tứ Diệu Đế để dạy con người tu tập hầu để thoát Khổ.  Nhưng có được bao nhiêu người  chịu nghe theo lời dạy của Người, cho nên cuộc đời nhân thế vẫn mãi trầm luân trong biển Khổ.
Người viết xin được tâm tình với quý Bạn qua chủ đề “Ta Là Số Một” dưới đây và suy ngẫm tí ti xem có đúng không nhé. Smile!
 Kính chúc tất cả quý bạn đều được an vui.
Sương Lam

Đây là bài thứ ba trăm ba mươi (330) của người viết về chủ đề Thiền Nhàn trong khu vườn Một Cõi Thiền Nhàn của trang văn nghệ Oregon Thời Báo.
Người viết xin mượn câu chuyện Thiền dưới đây của Thầy Thích Tánh Tuệ để mở đầu cho bài tâm tình hôm nay, bạn nhé.

Đừng bao giờ cho mình là quá quan trọng
Ngàn vạn lần đừng cho mình là “quá quan trọng” bởi vì trên thế giới này, ai cũng đều rất quan trọng. 
Nhưng mà, bất luận là thiếu đi một ai thì Trái Đất này cũng vẫn cứ chuyển động.

Lạc đà và con ruồi
Có một con lạc đà phải trải qua trăm nghìn cay đắng khổ cực mới vượt qua được sa mạc cát rộng lớn.
 Một con ruồi đậu trên lưng con lạc đà và cũng tới nơi mà không mất một chút sức lực nào.
Con ruồi hân hoan, vui vẻ cười nói: 
“Lạc đà! Cảm ơn ngươi đã phải vất vả cõng ta tới đây, hy vọng sau này sẽ gặp lại!”

Nhưng mà con lạc đà lại lạnh lùng liếc nhìn con ruồi rồi nói: “Lúc ngươi ở trên lưng ta, ta vốn dĩ cũng không biết, cho nên khi ngươi đi cũng không cần phải chào hỏi. Bởi vì căn bản ngươi cũng đâu có trọng lượng gì, đừng tự đề cao mình quá, ngươi tưởng ngươi là ai?”

Có một cậu thanh niên sống trong gia đình đông người, mỗi lần ăn cơm, đều là hơn 10 người ngồi ăn xung quanh một chiếc bàn lớn. Một lần nọ, cậu ta đột nhiên có suy nghĩ muốn đùa mọi người một chút.
Trước khi ăn cơm, cậu ta chui vào trong một cái tủ và trốn ở đó để cho mọi người phải đi khắp nơi tìm kiếm mình.

Nhưng thật không ngờ là không có một ai đi tìm cậu ta cả, thậm chí họ còn không để ý tới sự vắng mặt của cậu trong bàn ăn. Sau khi mọi người đã ăn no và rời khỏi bàn, cậu ta mới chui từ trong tủ ra và một mình ăn những thức ăn thừa còn lại. Từ lần đó trở đi, cậu ta tự nhủ với lòng mình: “Sẽ không bao giờ cho mình là người quá quan trọng nữa, bởi vì như thế có thể sẽ phải nhận lấy sự thất vọng.” 

Lúc nên cúi đầu thì cúi đầu
Benjamin Franklin được xưng là “cha đẻ của nước Mỹ”. Có một lần, ông từng đến thăm một vị lão tiền bối “đức cao vọng trọng”.
Lúc ấy ông tuổi trẻ lại khí thế mạnh mẽ nên đã ngẩng cao đầu mà sải bước đi rất nhanh. 
Không ngờ vừa bước đến cửa thì đầu của ông bị đập mạnh vào cái khung bên trên. Đau điếng cả người, ông không ngừng dùng tay mà xoa xoa bóp bóp, lại vừa nhìn cái khung cửa thấp hơn thân thể mình.
Vị tiền bối ra chào đón Franklin chứng kiến cảnh này liền nói:“Rất đau phải không? Nhưng mà đây có lẽ là thu hoạch lớn nhất của chuyến thăm ta ngày hôm nay của cậu đấy! Một người muốn sống bình an vô sự trên đời thì lúc nào cũng phải ghi nhớ rằng: “Lúc nên cúi đầu thì phải cúi đầu!” Đây cũng là một chuyện mà ta muốn dạy cậu.”

Một người có thể có tự tin, nhưng đừng tự cao tự đại.
Một người có thể phóng đãng một chút nhưng đừng kiêu căng, ngạo mạn.
Một người có thể sống rất thọ nhưng cũng không thể trường sinh bất tử.

Đừng cho mình là “quá quan trọng”, kỳ thực cũng là một loại tu dưỡng, một cảnh giới của cao thượng, một thái độ lạc quan và là một loại trưởng thành của tâm tính, hay còn là một loại tâm không màng danh, lợi!
Đến, đi như mây qua trời.. Mây kia nào có tên. 
Namo Buddhaya
Thích Tánh Tuệ

Ngày xưa khi còn trẻ, với những thành công trên đường học vấn một cách dễ dàng, người viết là cô “con gái rượu” của ba má tôi vì tôi đem nhiều niềm vui và sự hảnh diện về cho ba má tôi, cho nên tôi được cưng chiều nhất nhà. Tôi không làm gì động đến “móng tay tiểu thư” của tôi mà chỉ cần lo chăm học “thi đâu đổ đó” là được rồi.

Tôi còn nhớ khi tôi học ban Sinh Lý Hoá ở Đại Học Khoa học Saigon năm 1963, trong giờ thực tập mổ xẻ con cá lóc tôi không biết đập đầu con cá lóc còn sống như thế nào đến nỗi anh bạn trong nhóm phải cười nhạo tôi là một phụ nữ “dở òm”, không dám giết cá thì làm sao có thể “giỏi” về gia chánh nữ công, nấu ăn cho chồng con được. Tôi chỉ biết cười mỉm chi đáp lễ mà không dám hó hé gì thêm nữa vì “bị rầy” đúng quá rồi!

Hơn thế nữa, mỗi lần nhà truờng bắt mổ một con vật nào đó là tôi  phải trốn học “cúp cua” chạy vào rạp ciné Rex lánh nạn vì tôi rất sợ cầm con dao mổ.  Nếu bắt buộc phải thực hành việc mổ các con vật trong phòng thí nghiệm, tôi lại mổ tầm bậy tầm bạ lung tung. Mấy ông bạn cùng nhóm khi thấy người đẹp đang tròn xoe đôi mắt nai và  đang hét oai oái thì các chàng xung phong ra tay cứu nguy giúp đỡ người đẹp ngay.  Khoẻ quá! Nhưng đến  kỳ thi cuối khóa năm thứ nhất ở Đai Học Khoa Học, tôi đành phải bỏ cuộc thi vì biết rằng tôi không có duyên với  cái bằng Cử Nhân Khoa học chút nào với cái tính nghệ sĩ và lòng thương yêu loài vật của tôi.

Tôi đi lấy chồng không đem theo một chút của hồi môn nào về nghệ thuật nấu ăn cả vì tôi có nấu bếp ở nhà bao giờ đâu. Ba mẹ tôi chỉ mong tôi học hành chăm giỏi và ngoan hiền là đủ rồi, còn mọi việc khác thì đã có ba mẹ tôi lo và có người giúp việc lo rồi. Bởi thế tôi nghĩ mình là “cái rún của vũ trụ”, tha hồ mơ mộng làm chuyện to chuyện nhớn theo lý tưởng của mình. Smile!

Rồi thời cuộc đổi thay, tôi không còn là “bà xếp văn phòng” oai phong ngày trước nữa mà là một “bà mẹ quê” ở nhà nuôi gà nuôi vịt “tự túc tự cường” kiếm thức ăn dinh dưỡng cho gia đình. Một cơn dịch thoáng qua, gà vịt chết ráo trọi. Vì tiếc của, vợ chồng tôi vẫn cứ ăn thịt gà vịt chết toi này tỉnh queo trong thời điểm khó khăn về lương thực “thời giải phóng đặc biệt “ của toàn nước Việt Nam thời ấy.  Cũng may là lúc đó không có dịch cúm gà trầm trọng nên chúng tôi được sống sót mà về Saigòn làm “bà bán bánh mì” trước nhà một người quen cho đến khi dzọt được sang Mỹ.

Thế là từ một người thuộc “hạng quan trọng” trong chế độ cũ, người viết “bị” thành một người  “hạng bần cùng” trong chế độ mới ở ngay trong nước Việt quê hương tôi ngày xưa. Bởi thế xin Bạn đừng bao giờ nghĩ rằng mình luôn luôn là “người quan trọng số một” mãi đâu nhé vì cuộc đời giống như một sân khấu thay đổi vai diễn hà rầm đấy.  Chúng ta phải cố gắng học hỏi quan niệm sống giống như ông Nguyễn Công Trứ qua lời nói của ông: “Khi làm quan, tôi không lấy gì làm vinh, khi làm lính tôi không lấy gì làm nhục” thì mới có thể sống vui sống khỏe nơi chốn bụi hồng lao xao này, bạn ạ!
Chúng ta cũng cần an trú trong hiện tại để sống vui với kiếp người, bạn nhé!

An trú hiện tại
Đức Phật hỏi một đệ tử Tăng:
-       Đời người bao lâu?
Tăng đáp:
-       50 năm.
Phật bảo: Không đúng.
-       40 năm.
-       Không đúng.
-       30 năm.
Phật kết luận: Đời người trong một hơi thở.

Bình:  Chúng ta bôn ba xuôi ngược đủ thứ để tìm cầu hạnh phúc.  Song cái quý nhất của đời người là hơi thở mà ít ai để ý.  Thiền giúp ta sống lại với hạnh phúc đơn sơ, nhưng rất chân thật với chính mình.
« Thở vào tâm yên lặng.  Thở ra miệng mỉm cười.  An trú trong hiện tại.  Giờ phút đẹp tuyệt vời.”
( Nguồn: Thiền là gì? Giác Nguyên)

 Đức tính khiêm cung cũng rất là quan trọng mà chúng ta cần học tập và thực hành để được sự quý mến của người xung quanh trong cuộc sống chúng ta. Xin mời bạn đọc trích đọan dưới đây về sự khiêm cung.
 “….Trong pháp hành cúi đầu hành lễ của Phật giáo còn có cách giải thích khác nữa là: Cái gọi là “chăm sóc bước chân’’, ý chỉ rằng, chúng ta làm bất cứ việc gì, cần phải có tư duy quán sát sao cho hợp thời, hợp lý; làm đâu ra đó và làm cho đến nơi đến chốn với lòng khiêm cung chân thật. Bởi vì đối diện với bất kỳ công việc làm nào, nếu chúng ta với tâm khiêm cung cần lao khẩn ý thì mới thành tựu được nền móng đời sống vững chắc. Trên lộ trình giao thông, vì muốn an toàn, khi đi đường bộ, hoặc khi lái xe, chúng ta đều phải nhìn xuống mặt đất và cẩn thận chăm sóc lấy từng bước chân của mình trên đường đi, chứ không dám ngưỡng mặt nhìn trời mà đi. Trong cuộc sống, nếu chỉ biết hướng lên phía trước để tìm tòi, để so đo tật đố, thì người đó nhất định sẽ gặp thất bại.

Khiêm cung là một cử chỉ thành thục, đầy đủ đức chân thiện mỹ. Chúng ta cùng quán xét xem cây cỏ khi kết trái đơm bông đều hướng xuống mặt đất trĩu cành. Cây lúa khi trổ bông chín mùi thơm ngát cũng trĩu ngọn cúi đầu. Thế nên khiêm cung là cử chỉ cao quý khiến cho người khác ngay khi tiếp cận liền khởi tâm yêu mến, hoan nghinh.

Làm người, nếu tự cho rằng mình có dáng cao to trượng phu tướng, lại có địa vị, có uy quyền rồi sanh tâm cao ngạo, uỡn ngực vênh vang, đầu ngưỡng thật cao mạnh bước hiên ngang. Hạng người đó đáng liệt vào danh thứ nào? Trên lịch sử thế giới, các bậc hiền thánh được mọi người tôn xưng là bậc tài cao đức trọng vì họ suốt cuộc đời họ biết sống và phụng sự trong pháp hành khiêm cung. Cống cao ngã mạn sẽ làm tổn thất nhân đức; khiêm cung nhã nhặn, sẽ tăng trưởng nhân cách đạo đức và là pháp thu phục lòng người thành công. Chúng ta là hàng hậu học cần nên noi gương hàng thánh nhân học tập pháp hạnh khiêm cung mới tạo được cùng người mối rộng kết thiện nhân duyên.
Người biết sống khiêm cung nhất định sẽ có cuộc sống hạnh phúc, và sẽ có ngày thành đạt vinh quang.
 (Nguồn: Trích trong Nấc Thang Cuộc Đời- Đại sư Tịnh Vân)

Kính mời quý thân hữu thưởng thức Youtube Trở Về Cát Bụi qua tiếng hát của Mạnh Quỳnh thật là tha thiết, ngậm ngùi thương cho kiếp người.



Xin chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé.
Sương Lam
(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi-MCTN 330-ORTB738-71316)

Sương Lam

1 comment:

  1. Tố Kim ơi,

    Thật tuyệt vời! Không ngờ chị em mình cùng một tâm ý như nhau. Em thì viết thành thơ, chị thì viết thành văn.
    Chị sẽ đưa bài thơ này của TK vào trang nhà của chi tiếp theo bài viét của chị để nói lên một sự hoà hợp về thơ văn của những người cùng một tâm ý.

    Cám ơn TK nhiều lắm.
    Chúc em vui khỏe nhe. Smile!.

    Post Ta Là Số Một- Sương Lam
    https://suonglamportland.wordpress.com/2016/07/13/ta-la-so-mot/


    Post Xin Hãy Biết- Thơ NPN

    https://suonglamportland.wordpress.com/2016/07/13/xin-hay-biet/ ‎


    Chị SL cũng đã nhận phản hồi của em rồi. Trang nhà của chị là "Tàng kinh các" riêng của chị nên chi lưu giữ tài liệu của chị mà thôi. Em là "cô em gái ảo đạc biệt" của chị SL đấy. Smile!
    Chúc an vui
    Chị Sương Lam

    ReplyDelete