Có một loại thời gian gọi là quá khứ
Có một loại vĩnh hằng gọi là nháy mắt
Có một loại tình yêu gọi là đã từng
Có một loại đánh mất gọi là quên lãng…
Tôi là một cô nhi, có lẽ là “kết quả” của trọng nam khinh nữ, hoặc cũng có lẽ là “sản phẩm” của một cuộc tình trăng gió nhưng lại không thể gánh chịu trách nhiệm với nhau, và chú Triết Dã là người đã lượm tôi về nhà nuôi.
Năm đó chính sách “lên rừng núi, xuống nông thôn” được bãi bỏ, trong lúc từ nông thôn trở về thành phố, chú ấy đã nhìn thấy tôi ở bên cạnh đống rác của bến xe, một bé gái xinh xắn, ít nói. Khi chú đi tới, đứa bé gái ấy bỗng cười toe toét với chú, thế là chú liền mang tôi đi theo. Chú ấy đã cho tôi một mái nhà, còn đặt cho tôi một cái tên thật đẹp, Đào Lệ.
Cuộc đời của Triết Dã có thể nói là một chuỗi bi kịch. Bố mẹ của chú đều là sinh viên du học trở về nước, nhưng lại không vượt qua được sự khốc liệt của cái thời Đại Cách mạng Văn hóa, cả hai đều chết trong phẫn uất.
Triết Dã tự nhiên cũng không thoát được, bị điều đến nông thôn, cùng với cô bạn gái quen biết nhiều năm mỗi người mỗi ngã. Kể từ lúc đó chú ấy chỉ còn lại một thân một mình, mãi đến 35 tuổi khi trở về thành phố thì nhặt được tôi. Tôi gọi Triết Dã là chú.
Trong hồi ức của tôi, tuổi thơ vốn không có quá nhiều chuyện buồn. Ngoại trừ một chuyện...
Khi đi học, trên lớp có mấy bạn nam tinh nghịch mắng tôi là “đồ con hoang”. Tôi khóc trở về nhà, kể lại với chú ấy. Ngày hôm sau, lúc tan học Triết Dã đặc biệt đến đón tôi, hỏi mấy bạn nam đó rằng: “Ai nói nó là con hoang?”.
Mấy bạn học nam vừa nhìn thấy Triết Dã cao lớn đều không dám lên tiếng, Triết Dã cười nhạt: “Lần sau còn nói như vậy nữa, nếu để cho tôi nghe được, tôi sẽ đánh cho tên đó một trận!”.
Có người lẩm bẩm: “Nó đâu phải con ông đâu, nên nó chính là con hoang rồi còn gì nữa”.
Triết Dã nắm lấy tay tôi, ngoảnh đầu cười: “Nhưng tôi thương yêu Đào Lệ còn hơn cả con ruột của mình nữa. Không tin thì có ai dám đứng ra cho tôi xem thử, quần áo của ai đẹp hơn con bé nào? Giày dép cặp sách của ai tốt hơn của nó nào? Buổi sáng mỗi ngày nó đều được ăn bánh mì uống sữa, còn các cậu ăn gì nào?”.
Bọn con trai nghe xong im lặng không nói được gì. Từ đó trở về sau, không còn có ai mắng tôi là con hoang nữa.
Sau khi lớn lên, mỗi lần nghĩ đến chuyện này tôi đều không khỏi bật cười. Cuộc sống của tôi so với những đứa trẻ mồ côi khác thì quả thật là hạnh phúc hơn rất nhiều.
Nơi tôi thích nhất chính là phòng sách. Sách chất đầy cả căn phòng, dưới cánh cửa sổ chính là bàn đọc sách của Triết Dã. Khi có ánh mặt trời, hình bóng chăm chú làm việc của chú ấy cứ như một bức tranh thật đẹp.
Tôi luôn tự mình tìm sách đọc, tìm được rồi liền nằm trên ghế sô pha. Cách một lúc, Triết Dã lại ngoảnh đầu lại nhìn tôi một cái, nụ cười của chú ấy còn ấm áp hơn cả ánh mặt trời ngoài cửa sổ lúc mùa đông. Nhìn thấy rồi, tôi liền ôm từ phía sau lưng chú ấy, lặng lẽ nhìn chú vẽ hình viết chữ.
Chú ấy cười: “Lớn lên rồi cũng học theo chú là được”.
Tôi liền bĩu môi: “Ai thèm chứ, phơi thân đến đen như vậy, nhìn bẩn chết đi được”. À, tôi đã quên nói rằng, Triết Dã là một kiến trúc sư. Nhưng dù gió thổi nắng phơi cũng không ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài của chú ấy chút nào. Chú ấy vẫn luôn gọn gàng sạch sẽ, phong độ ngời ngời.
Khi tôi được tám tuổi, đã từng có một lần, Triết Dã suýt nữa đã nói chuyện cưới hỏi với một người phụ nữ. Người phụ nữ đó là giáo viên, thông minh lại xinh đẹp.
Không biết tại sao tôi lại không thích cô ấy chút nào, tôi luôn cảm thấy nụ cười trên gương mặt của cô ấy giống như là được gắn lên vậy, khi Triết Dã ở đó, cô ấy vừa ngọt ngào vừa dịu dàng cười nói với tôi, còn khi Triết Dã không ở đó, thì nụ cười đó liền biến mất giống như ảo thuật vậy. Tôi sợ cô ấy.
Có một ngày tôi xem truyện tranh trên sân thượng, cô ấy hỏi tôi: “Bố mẹ ruột của con đâu? Sao không thấy họ đến thăm con lần nào vậy?”. Tôi ngẩn người ra, nhìn cô ấy không biết phải nói như thế nào.
Cô ấy ríu rít hai tiếng, lại nói: “Con nhóc này, thật là ngu ngốc! Chả trách họ không cần mày!”.
Bỗng Triết Dã mặt mày tái mét đi đến, nắm tay tôi, không nói một lời đi vào trong phòng.
Buổi tối hôm đó, tôi một mình buồn bã nằm khóc trong chăn. Triết Dã đi vào, ôm lấy tôi nói: “Lệ Lệ đừng khóc, đừng sợ, chú hứa sẽ không để cho ai ức hiếp con đâu”.
Kể từ hôm đó không còn thấy người phụ nữ đó đến nhà chúng tôi nữa. Về sau này tôi nghe chú Khâu Phi, người bạn thân của Triết Dã, hỏi chú ấy rằng: “Mối quan hệ hai bên còn đang tốt đẹp sao tự dưng lại chia tay rồi?”.
Triết Dã nói: “Người phụ nữ này tâm địa không chính, nếu lấy cô ấy về, chỉ sợ Lệ Lệ sau này khó mà được sống những ngày bình yên”.
Chú Khâu Phi nói: “Phải chăng cậu vẫn không quên được Diệp Lan”. Lúc đó, tôi chỉ là một cô bé 8 tuổi, nhưng tôi đã nhớ rất kĩ cái tên này. Sau khi lớn lên rồi, tôi mới biết được Diệp Lan chính là cô bạn gái năm xưa của Triết Dã.
Chúng tôi cứ mãi nương tựa lẫn nhau. Hết thảy mọi chuyện Triết Dã đều xử lý rất tốt. Sau khi tôi thi lên đại học, bởi trường học cách nhà rất xa, đành phải ở lại trong trường, cuối tuần mới về thăm nhà, thỉnh thoảng Triết Dã hỏi tôi: “Đã có bạn trai chưa này?”.
Tôi luôn chỉ cười chứ không trả lời. Trong trường quả thật có mấy chàng trai luôn thích vây quanh tôi, nhưng không có lấy một người khiến tôi vừa mắt cả: A thì cao to đẹp trai, nhưng tệ nỗi thành tích lại chỉ xếp vào hàng trung bình; B học hành không tệ, lại có tài ăn nói, nhưng ngoại hình lại rất bình thường; C thì tướng mạo thành tích đều rất khá, nhưng bản tính lại có phần thô lỗ.
Tôi rất ít nói chuyện với bạn học nam. Trong mắt của tôi, họ đều rất ngây ngô nông cạn, ở trước mặt người khác chỉ muốn biểu lộ ra mặt tốt nhất của mình, nhìn vào thì thấy rất giả tạo, thiếu chững chạc.
Vào ngày sinh nhật 20 tuổi của tôi, món quà mà Triết Dã tặng cho tôi là một chiếc nhẫn hồng ngọc. Triết Dã nói đã mua nó cho tôi từ lâu rồi, chú còn bảo là con gái lớn rồi, cần phải có mấy món đồ trang sức cho ra dáng mới được. Lúc dùng cơm xong, chú ấy cùng với tôi đi ra cửa hàng, tôi thích cái gì, chú ấy liền mua cho.
Sau khi trở lại trường, tôi phát hiện rằng các bạn học thích bàn tán sau lưng tôi. Mà tôi cũng không để tâm làm gì. Bởi vì thân thế của bản thân mình, đã quen với việc người ta bàn tán rồi.
Mãi đến một hôm có người bạn nữ chơi thân kéo tôi lại, nói riêng với tôi rằng: “Mọi người đều đang bàn tán rằng bạn đang quen với một người lớn hơn bạn rất nhiều tuổi?”.
Tôi ngơ ngác không hiểu: “Ai nói vậy?"Cô ấy nói: “Nghe nói là có đến mấy người tận mắt chứng kiến, bạn cùng ông ấy rất thân mật đi đến cửa hàng. Còn nói rằng bạn không thèm để mắt đến những đứa con trai nhà nghèo này, thì ra đã có đại gia!”.
Tôi hơi suy nghĩ một chút, rồi mặt dần dần đỏ ửng lên, một lúc sau cười nói: “Họ đều đã hiểu lầm rồi”. Tôi cũng không có giải thích gì thêm. Lặng lẽ ngồi đọc sách, trên mặt nóng bừng rất lâu.
Cuối tuần về nhà, làm tổng vệ sinh theo thường lệ, căn phòng của Triết Dã rất sạch sẽ, chiếc áo khoác lông cừu mà chú ấy thường mặc để trên mép giường. Đó là chiếc áo màu cà phê, cổ rùa, lúc đầu khi mới đi mua nguyên là để ý muốn mua chiếc màu xám, cổ áo chữ V, nhưng tôi đã chọn chiếc này. Lúc đó Triết Dã cười rằng: “Thôi được, nghe theo con vậy, xem ra Lệ Lệ đã chê chú già rồi, muốn chú ăn mặc nhìn cho trẻ ra đây mà”.
Tôi từ từ xếp chiếc áo đó lại, mỉm cười hồi tưởng lại một số chuyện vụn vặt đã qua…
Một đoạn thời gian sau đó tôi phát hiện trạng thái tinh thần của Triết Dã rất tốt, mỗi khi đi đường bước chân nhẹ nhàng như đi trên gió vậy, đôi khi còn nghe thấy chú ấy hát một vài ca khúc, giống như cái ngày tôi thi lên đại học vậy. Tôi có chút buồn bực.
Ngày thứ sáu tôi liền nhận được điện thoại của Triết Dã, bảo tôi hãy về nhà sớm, cùng chú ấy ra ngoài dùng một bữa cơm tối. Nhìn thấy chú ấy cạo râu thay quần áo. Tôi hoài nghi: “Có người giới thiệu bạn gái cho chú ư?”.
Triết Dã cười nói: “Chú cũng đã già rồi, còn bạn gái yêu đương gì nữa, là chú Khâu Phi của con, còn có một người bạn thân lâu năm nữa, một lát con cứ gọi dì ấy một tiếng dì Diệp Lan là được rồi”.
Tôi biết, đó nhất định là Diệp Lan. Trên đường đi Triết Dã nói cho tôi biết, đoạn thời gian trước thông qua chú Khâu Phi, chú ấy đã liên lạc được với dì Diệp Lan, chồng của dì ấy đã mất mấy năm rồi, lần này gặp lại, cảm giác vẫn rất tốt, nếu như không có vấn đề gì, cả hai sẽ tiến đến hôn nhân.
Hai tai tôi ù đi, không còn nghe lọt được câu nào nữa, hai mắt thất thần, đôi chân mềm nhũn, cố lê những bước chân nặng nề.
Đến nhà hàng, tôi rất khách quan mà quan sát dì Diệp Lan: người hơi mập, giữa hai lông mày còn lưu lại được mấy phần phong vận thời còn trẻ, so với những người phụ nữ cùng tuổi, thì đương nhiên dì ấy vẫn có ưu thế hơn rất nhiều. Nhưng nếu đứng cùng với Triết Dã anh tuấn đẹp trai, thì thấy dì ấy có vẻ già nhiều so với chú ấy.
Dì ấy đối với tôi rất tốt, rất thân mật quan tâm, tựa như yêu nhau yêu cả đường đi vậy. Về đến nhà, Triết Dã hỏi tôi: “Con cảm thấy dì Diệp Lan thế nào?”.
Tôi nói: “Hai người đã đính đến chuyện kết hôn rồi, con tất nhiên không có ý kiến”.
Tôi thao thức đến rạng sáng mới ngủ. Trở về trường thì liền ngã bệnh, phát sốt, nhưng vẫn gắng gượng không muốn nghỉ học, chỉ cảm thấy đầu nặng chân nhẹ, cuối cùng ngã quỵ trong lớp học.
Tỉnh lại tôi thấy mình nằm trong bệnh viện, đang truyền nước biển, Triết Dã ngồi đọc sách bên cạnh. Tôi mệt mỏi cười hỏi: “Con đang ở đâu đây?”.
Triết Dã khẩn trương sờ vào đầu tôi: “Coi như đã tỉnh lại rồi, sốt siêu vi chuyển sang viêm phổi, con bé ngốc này, lúc nào cũng như vậy cả, chẳng bao giờ chú ý đến bản thân mình”.
Tôi cười: “Người đã muốn bệnh, dẫu có cẩn thận thì thử hỏi có ích gì chứ!”.
Triết Dã ngoài giờ đi làm, thì toàn bộ thời gian đều là ở trong bệnh viện. Mỗi lần từ trong mơ tỉnh lại, thì tôi đều luôn tìm bóng dáng của chú ấy, cần phải lập tức nhìn thấy, mới có thể yên tâm được.
Tôi nghe thấy chú ấy nói điện thoại với dì Diệp Lan: “Lệ Lệ bệnh rồi, mấy ngày này anh không được rảnh, đợi sau khi cô bé khỏe lại rồi sẽ liên lạc với em”.
Tôi gượng cười đau khổ, nếu như tôi bệnh, có thể khiến chú ấy ngày ngày ở bên tôi như vậy, thế thì tôi dẫu có nằm ở trong bệnh viện lâu dài hơn nữa thì có hề gì đâu.
Ở bệnh viện một tuần mới về nhà. Triết Dã đặt một chiếc ghế sô pha trước cửa phòng của tôi, buổi tối ngủ ở trên đó, tôi mà có chút động tĩnh gì chú ấy liền bật dậy xem thử.
Tôi nhớ lúc còn nhỏ, chiếc giường nhỏ của tôi đặt ở trong phòng của Triết Dã, nửa đêm tôi muốn đi vệ sinh, thì tự mình mò mẫm ngồi dậy, nhưng Triết Dã rất mau liền nghe thấy, bật đèn giúp tôi, nói: “Lệ Lệ, cẩn thận nào”. Mãi cho đến khi tôi lên tiểu học mới ngủ một mình.
Dì Diệp Lan đã mua một bó hoa lớn và trái cây đến thăm tôi. Tôi lễ phép cảm ơn dì ấy. Món ăn dì ấy nấu thật sự rất ngon, nhưng tôi ăn không nổi. Tôi nhanh chóng vào nằm trong phòng.
Tôi nằm mơ, mơ thấy Triết Dã và dì Diệp Lan cuối cùng đã kết hôn, họ đều rất trẻ, dì Diệp Lan mặc bộ đồ cưới màu trắng trông thật rất xinh đẹp, còn tôi thì đương nhiên là đóng vai cô bé cầm hoa. Triết Dã mỉm cười vui vẻ, lại không ngoảnh đầu nhìn tôi một cái, tôi ngửi thấy mùi hoa bách hợp tỏa ra từ bó hoa của cô dâu cầm trên tay rất rõ ràng…
Tôi giật mình ngồi dậy, rồi lại nằm xuống, tuyệt vọng nhắm mắt lại. Trong bóng tối tôi nghe thấy Triết Dã đi vào, tiếp đó chiếc đèn nhỏ đầu giường bật sáng. Chú ấy than: “Không biết đã mơ thấy gì mà lại khóc thương tâm đến như vậy!”.
Tôi giả vờ ngủ, tuy nhiên nước mắt cứ như cái vòi nước bị rỉ, thuận theo khóe mắt chảy xuống bên tai. Bàn tay ấm áp của Triết Dã liên tục gạt nước mắt cho tôi, nhưng làm thế nào cũng không ngăn lại được.
Căn bệnh lần này, kéo dài cả mười mấy ngày trời. Đợi sau khi khỏi bệnh rồi, tôi và Triết Dã đều đã gầy đi rất nhiều. Chú ấy nói: “Hay là về nhà ở đi, trong trường nhiều người như vậy ở cùng trong một ký túc xá, không khí rất không tốt”.
Tôi cũng để ý dì Diệp Lan không còn đến nhà của chúng tôi nữa. Qua một đoạn thời gian rất dài rất dài, tôi mới tin chắc rằng, dì ấy cũng giống như cô giáo năm xưa, đều đã là quá khứ.
Ngày ngày chú ấy chạy xe mô tô đưa đón tôi. Mặt tựa vào lưng của chú ấy, trong lòng lại khi buồn khi vui.
Tôi thuận lợi tốt nghiệp, tìm được một công việc tốt. Tôi vui vẻ, bình thản mà sống qua ngày, không có gì đáng để lưu tâm. Nhưng ông trời lại không muốn cho tôi niềm hạnh phúc lâu dài như vậy. Triết Dã đã ngất xỉu ở công trường. Bác sĩ chẩn đoán là ung thư gan thời kỳ cuối.
Tôi đau đến thắt ruột, nhưng vẫn gắng lấy hết bình tĩnh hỏi bác sĩ rằng: “Còn được bao lâu nữa?”. Bác sĩ nói: “Một năm, cũng có thể nhiều hơn một chút”.
Tôi đón Triết Dã về nhà. Chú ấy vốn không phải nằm trên giường, ban ngày tôi đi làm, mời một người giúp việc bán thời gian, buổi trưa và buổi tối do tôi chăm sóc chú ấy. Triết Dã cười nói: “Xem này, chú đã làm khổ con rồi, vốn dĩ bây giờ là phải đi hẹn hò cùng bạn trai mới phải”.
Tôi cũng cười, nói đùa: “Bạn trai ư? Không phải là đang xếp hàng dài chờ đợi bên ngoài đó sao”.Mỗi ngày ăn cơm tối xong, tôi và Triết Dã cùng nhau ra ngoài tản bộ. Tôi đỡ lấy cánh tay của chú ấy. Dù có ốm hơn trước đây, chú ấy vẫn anh tuấn phong độ, trong con mắt người khác, đây có lẽ giống như một bức tranh tuyệt đẹp giữa hai cha con, chỉ có tôi, dưới biểu tượng đẹp đẽ đó, đã nhìn thấy một sự thật tàn khốc.
Tôi đau buồn nhưng vẫn giữ nét điềm tĩnh, tôi nhìn thấy những ngày tháng sau cùng giữa tôi và Triết Dã vụt mất như bay.
Triết Dã vẫn sinh hoạt như thường lệ: đọc sách, thiết kế đồ họa. Người giúp việc nói, mỗi ngày chú ấy dành hơn nửa ngày thời gian ở trong phòng sách. Tôi càng lúc càng thích phòng sách. Sau bữa cơm là pha cho mỗi người một ấm trà riêng, cùng ngồi đối diện với nhau, đánh vài ván cờ, hoặc chơi vài ván bài. Sau đó Triết Dã chỉnh lý tư liệu của chú ấy.
Có một xấp giấy là chú không cho phép tôi đụng vào. Tôi hiếu kỳ. Cuối cùng nhân một ngày chú ấy không có ở nhà, lén xem thử. Đó là mấy quyển nhật ký dày cộp.
“Lệ Lệ đã mọc hai chiếc răng cửa, tan ca đi đón con bé, con bé bước những bước chân loạng choạng bổ nhào về phía mình, đòi mình bế”.
“Sinh nhật 10 tuổi của Lệ Lệ, con bé cầu nguyện mong rằng chú Triết Dã mãi mãi trẻ trung. Mình rất vui, Lệ Lệ bé nhỏ, con bé thật sự là một đóa hoa mang đến niềm vui trong cuộc đời cô quạnh của mình”.
“Hôm nay đưa Lệ Lệ đi ghi danh đại học, việc gì con bé cũng giành làm trước. Lúc này mình chợt phát hiện con bé đã lớn lên thành một thiếu nữ xinh đẹp, còn mình, đã dần dần già đi. Chỉ mong sao cuộc đời của con bé không phải cô khổ giống như mình”.
“Khâu Phi cho mình biết tình hình gần đây của Diệp Lan, cuộc gặp mặt sau đó lại không khiến mình vui vẻ hạnh phúc giống như trong tưởng tượng. Cô ấy cũng đã già đi rất nhiều, tuy vẻ trang nhã lúc còn trẻ không hề mất. Cô ấy không che giấu tình cảm tốt đẹp còn lại đối với mình”.
“Lệ Lệ viêm phổi, trong khi hôn mê không ngừng gọi tên của mình, sau khi tỉnh lại chỉ biết chảy nước mắt với mình. Mình không khỏi kinh ngạc. Mình không ngờ chuyện sắp kết hôn với Diệp Lan lại ảnh hưởng lớn đến con bé như vậy”.
“Hôm nay rước Lệ Lệ tan học trở về nhà, cảm thấy trên lưng có gì đó lạnh lạnh, cởi áo ra xem thử, mới phát hiện nước mắt đã thấm đẫm một khoảng lớn. Ài, cái con bé này”.
“Bác sĩ tuyên bố rằng mạng sống của mình chỉ còn lại một năm. Mình không thấy sợ chút nào, nhưng Lệ Lệ, con bé là điều khiến mình lo lắng nhất. Sau khi mình đi rồi, làm sao khiến cho con bé sống vui vẻ khỏe mạnh đây, đây là vấn đề mà mình cần phải suy nghĩ rất nhiều”.
Tôi ôm lấy quyển nhật ký, nước mắt lã chã tuôn rơi. Thì ra là chú ấy đã biết, thì ra chú ấy đều đã biết hết cả.
Qua mấy ngày nữa, những quyển nhật ký đó không thấy đâu nữa. Tôi biết Triết Dã đã xử lý rồi. Chú ấy không muốn tôi biết rằng chú ấy đã biết được tâm tư của tôi, nhưng chú ấy không biết được rằng tôi đã biết hết cả rồi.
Triết Dã mất vào mùa xuân năm thứ hai. Trước lúc mất, chú ấy đã nắm tay tôi nói rằng: “Vốn dĩ chú muốn tự tay trao con cho một người đàn ông tốt, tận mắt nhìn thấy người ấy đeo nhẫn cho con rồi mới đi, nhưng bây giờ không còn kịp nữa rồi”.
Tôi mỉm cười. Chú ấy đã quên rồi, chiếc nhẫn đó, khi tôi 20 tuổi chú ấy đã mua cho tôi rồi. Trong ngăn kéo trên bàn học có một lá thư chú ấy để lại, chỉ có mấy câu ngắn gọn: “Lệ Lệ, chú đi rồi, con có thể nghĩ đến chú, nhưng cũng không nên lúc nào cũng nhớ đến chú, chỉ cần con có thể sống vui vẻ hạnh phúc, đối với chú đó thật sự là niềm an ủi lớn nhất rồi. Chú của con!”.
Tôi chỉ khóc, lặng lẽ…
Nửa đêm tỉnh lại, tôi dường như còn có thể nghe thấy chú ấy vang vọng đâu đó: “Lệ Lệ, con đừng buồn, hãy sống thật vui vẻ hạnh phúc”.
Khi sắp xếp lại những thứ lặt vặt trong phòng sách, trong góc tủ tôi phát hiện một đồ gốm toàn bụi bặm, nhìn có vẻ là đổ cổ, tôi lấy nó ra, sau khi rửa sạch sẽ, thì không khỏi lặng người, trên đó không có trang trí gì cả, chỉ có bốn câu thơ viết bằng thể chữ Nhan đời nhà Đường:
Chàng sinh nàng chưa sinh
Nàng sinh chàng đã già.
Hận không sinh cùng lúc
Trọn đời mãi bên nhau.
Đến lúc này, nước mắt của tôi mới trào ra không cách nào ngăn lại được nữa.
Tiểu Thiện, dịch từ Chuansong.me
Người đàn ông "thánh thiện"!
ReplyDelete