Có lẽ chưa bao giờ, kể cả thời VNCH,
nhạc Bolero thịnh hành và được người trong nước mê mẩn như bây giờ, đặc
biệt ở miền Bắc, nơi mà trước 1975 Bolero được dán cho cái nhãn “nhạc
vàng” và không còn đất sống, một số người thích hát loại nhạc này đã bị
tù đày 10-15 năm, để phải chết hay khốn khổ cả một đời, trường hợp Phan
Thắng Toán (tức Toán Xồm) và Nguyễn Văn Lộc (Lộc Vàng) ở Hà Nội là những
điển hình. Bây giờ Bolero như trận cuồng phong, phá tan mọi thành trì,
chiếm ngự tất cả mọi nơi, từ thành phố đến nông thôn, từ các “tụ điểm”,
sân khấu “hoành tráng”nhất, len lỏi đến tận các hang cùng ngõ hẻm, “vùng
sâu vùng xa”, kể cả trong các đám ma, đam cưới; làm mê mẩn từ người già
đến con trẻ, từ những ông quan lớn, đại gia đến dân dã, bần cùng. Ở
đâu cũng nghe Bolero.
Người ta không còn đếm được các chương trình tìm giọng hát cho loại nhạc
này: “Hát Cùng Bolero”, “Thần Tượng Boleo”, “Solo Cùng Bolero”, “Tình
Bolero”, “Tình Bolero Hoan Ca”... Những cuộc thi hát nhạc Bolero thu hút
hằng vài chục ngàn thí sinh, đủ mọi thành phần, cán bộ, sĩ quan, thầy
cô giáo, các em bé 7, 8 tuổi, đến từ “mọi miền đất nước”. Từ những danh
ca, “nghệ sĩ ưu tú”, “nghệ sĩ nhân dân” đến anh bán kẹo kéo dạo đều đua
nhau hát và kiếm tiền bằng Nhạc Bolero. Và không cần biết cho phép hay
không, họ hát đủ mọi đề tài: miền Nam thanh bình, tình yêu, tình lính,
đời lính (VNCH), kể cả những bản nhạc chiêu hồi, như “đêm nay trăng
sáng quá anh ơi, sao ta lìa cách bởi dòng sông bạc hai màu”, “miền Nam
có nắng thanh bình có đồng lúa đẹp có tình quê hương, anh ơi mau sớm lên
đường, bình minh còn đợi ruộng nương còn chờ...”v.v...
Trong cái khát khao Bolero ấy, thực chất chính là nỗi khát khao khung
trời, con người, nếp sống, tình cảm, tấm lòng đối với quê hương đất nước
của quân dân miền Nam thuở trước, và đặc biệt là tính nhân bản đã hoàn
toàn thiếu vắng tại miền Bắc trên bảy mươi năm và tại miền Nam hơn bốn
mươi năm dưới chế độ Cộng Sản. Khi một ca sĩ hát, họ thả hồn vào từng
lời ca, cùng bâng khuâng với những hình ảnh, tình tự trong nhạc phẩm, họ
có cảm giác đang được sống trong cùng không gian và thời gian mê đắm
ấy. Người nghe thì hồn như bay bỗng đến chốn thiên thai nào đó, họ đắm
chìm trong cảm xúc của một thời hạnh phúc, mà người miền Nam đã mất đi
trong tiếc nuối, và người miền Bắc thì khát khao nhưng chưa bao giờ được
sống. Và như thế, một thiên đường Miền Nam trước 1975 thực sự đã sống lại trong lòng mọi người, thiết tha và mãnh liệt.
Văn chương hay âm nhạc là những phạm trù phản ảnh trung thực nhất cho
một xã hội. Bolero, một loại nhạc bình dân, dù được ai đó gán cho cái
tên nhạc “sến”, đã làm đúng vai trò ấy, đã suốt một thời thăng hoa qua
cuộc sống chan hòa yêu thương, nhân bản, và nhạc Bolero cũng chính là
tiếng than ai oán, bi phẩn của người dân miền Nam thời ấy, khi mà cuộc
chiến phi lý và bẩn thỉu nhất do bọn người CS rừng rú gây ra để phá hoại
đất nước, giết chết bao thế hệ thanh niên của hai miền, và tạo cảnh
huynh đệ tương tàn, làm hệ lụy lâu dài cho cả một dân tộc. Những thế hệ ở
Việt Nam bây giờ có cảm xúc như thế nào khi nghe những bài Tám Điệp
Khúc, Đêm Nguyện Cầu, Kẻ Ở Miền Xa, Hai Chuyến Tàu Đêm, Đường Xưa Lối
Cũ, Sương Trắng Miền Quê Ngoại, Những Đóm Mắt Hỏa Châu...? Và trong tất
cả những bài ca về lính mà họ đang say mê hát, họ có tìm được câu nào hô
hào “sinh Nam tử Bắc” hay “thề phanh thây uống máu quân thù” như trong chính bài quốc ca CS?
Nhạc Bolero đã đè bẹp tất cả các loại nhạc “đỏ”, nhạc ăn cắp, bắt chước,
lai căng của nhiều nhạc sĩ trong nước, viết theo lệnh đảng hay làm
dáng, đua đòi “vươn ra biển lớn!” Ca sĩ thì “thặng dư giá trị” đủ hạng
đủ cỡ, mà nhạc sĩ thì hiếm hoi như lá cuối mùa thu và cũng chẳng sáng
tác được bao nhiêu ca khúc ra hồn, ngoài một vài bài của các nhạc sĩ
Thanh Tùng, Bắc Sơn, Phú Quang, Trần Tiến, Phan Đình Điểu... và bài
Phượng Hồng phổ từ thơ Đỗ Trung Quân.
Những ca sĩ miền Nam chuyên hát nhạc “sến” đã hết thời ở hải ngoại cỡ
Chế Linh, Giao Linh, Phương Dung, Thái Châu, Tuấn Vũ... về Việt Nam làm
nhiều show đã cháy vé, được ca ngợi đón tiếp như những ông bà hoàng
Bolero, mang về quê hương những làn gió mới! Nhiều người được trang
trọng mời ngồi ghế “nóng” làm giám khảo cho các kỳ thi tuyển lựa ca sĩ
Bolero!
Ngày 30.4.75, trên đường vào “tiếp thu” miền Nam, bà Dương Thu Hương
ngồi khóc bên vệ đường khi nhìn thấy một miền Nam văn minh, hiền hòa,
trù phú gấp vạn lần miền Bắc. Bà đã nhận ra cả một quá khứ bị lừa dối.
Một số trí thức miền Nam, như chú cháu Đỗ Trung Hiếu, Đỗ Hữu Ưng (ở cùng
quê và học trung học cùng trường Võ Tánh-Nha Trang với người viết) khi
bỏ miền Nam vô bưng, lòng nô nức đi làm “cách mạng”, nhưng đến khi được
chuyển ra miền Bắc mới giật mình biết đã “lạc đường” nhưng quá muộn,
đành phải “nín thở qua sông”. Trước khi vô bưng, Đỗ Hữu Ưng từng theo
học Khóa 11 Đốc Sự tại Viện QGHC thời VNCH. Sau 75, về “tiếp thu miền
Nam” giữ chức chủ tịch của một huyện nào đó ở Sài Gòn, đã tìm gặp lại
những đồng môn cũ, khuyến khích mọi người nên sớm tìm đường vượt biển,
nhưng chẳng mấy ai dám tin! Ông chú gốc giáo sư thì làm đến chức ủy viên
tôn giáo của thành ủy, nhưng bất mãn nên cùng đám Nguyễn Hộ, Trần Văn
Trà lập ra Câu lạc bộ Kháng Chiến Cũ. Để phản ứng cho sự ăn năn hối hận
của mình, hai chú cháu đã bị lột hết các chức tước, riêng ông chú phải
nhận những bản án tù và đã chết dưới tay người đồng chí CS!
Nhiều thanh niên miền Bắc, điển hình là Nguyễn Viết Dũng, đang là một
sinh viên giỏi, từng đoạt giải “Đường Lên Đỉnh Olympia”, với một tương
lai tươi sáng, nhưng đã dám công khai treo cao cờ vàng ba sọc đỏ trên
nóc nhà, mặc quân phục và mang phù hiệu QLVNCH như là một hình thức tôn
vinh, luyến tiếc một chính thể, một quân đội chính danh đã bị bức tử. Bị
cầm tù ra, anh con khắc trên cánh tay hai chữ "Sát Cộng" và rủ nhiều
bạn bè tìm vào Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa thắp hương kính cẩn tưởng
niệm những người lính miền Nam đã vị quốc vong thân. Những người mê hát,
mê nghe nhạc Bolero, chắc hẳn ít nhiều đều mang trong lòng những hoài
niệm, suy tư, cảm xúc như thế.
Những nhạc sĩ miền Nam, đang còn sống như Lam Phương, Lê Dinh, Song
Ngọc... hay đã mất ở hải ngoại như Trần Thiện Thanh, Trịnh Hưng, Hoàng
Thi Thơ, Duy Khánh, Nhật Ngân, Anh Bằng,... hoặc chết ở quê nhà trong
nghèo nàn khốn khó như Trúc Phương, Thanh Sơn, Nguyễn Văn Tý... khi sáng
tác những bản nhạc Bolero chắc họ không ngờ đã tạo thành những vũ khí
vô hình nhưng ghê gớm, làm mê mẩn hàng mấy chục triệu người sống trong
chế độ Cộng sản, có sức xoi mòn và làm sụp đổ chế độ tàn ác man rợ này.
Mặc dù bọn tà quyền vẫn đang sống thoi thóp, dựa vào bạo lực, và sự kết
họp mong manh của đám đồng chí cùng băng đảng, để chia chác quyền lợi,
tài sản cướp bóc của nhân dân và sẵn sàng “mỏi gối quì mòn sân Tàu phủ”,
nhưng bên trong thực sự đã mục rữa, thối tha, chia bè kết nhóm để tranh
giành, thanh toán lẫn nhau. Lòng dân sẽ thay đổi nhanh chóng khi Nhạc
Bolero ngày càng xoáy sâu vào trí não và tâm hồn họ, cộng với một thực
trạng xã hội rệu rã, xuống cấp ở tất cả mọi lãnh vực, tất yếu sẽ tạo
thành một hệ quả khôn lường.
Cả một đất nước như đang bị ngón sóng thần Bolero tràn ngập, làm thay
đổi não trạng và nỗi khao khát của con người, biết đâu sẽ dẫn đến việc
sụp đổ cả thành trì của một chế độ từng lên án, tìm mọi cách để ngăn
cấm, triệt tiêu nó. Thêm một chỉ dấu báo hiệu cho ngày tàn của CSVN.
4/9/2017
No comments:
Post a Comment