Monday, October 9, 2017

Trả Nợ Ân Tình - Phạm Tín An Ninh


Đầu mùa hè, vợ chồng tôi đến thăm gia đình cô con gái và ở lại chơi khoảng một tháng. Vợ chồng cháu phải đi theo sở làm, một công ty lớn, di chuyển đến thành phố Las Vegas, và vừa mua được ngôi nhà ở vùng ngoại ô, với khu vườn khá rộng nằm bên bờ hồ Mead. Đây là thành phố du lịch có những sòng bài nổi tiếng. Tôi không hứng thú mấy với chuyện bài bạc, nên chỉ ghé lại các nơi này một vài lần cho biết. Hơn nữa, dù mùa hè chỉ mới bắt đầu, mà khí hậu đã nóng bức, tôi ngại ra ngoài, chỉ muốn nằm nhà nghỉ ngơi và đọc sách. Thỉnh thoảng ra vườn tưới cây hay xuống bờ hồ hóng mát và ngắm trời xanh.

Một hôm, trước khi đi làm, cô con gái đưa cho tôi cái chi phiếu, nhờ giao lại cho người làm vườn. Tiền trả cho ông hàng tháng. Cứ ngày thứ ba mỗi tuần là ông ghé lại làm việc ở khu này, cắt cỏ, tỉa cây và dọn dẹp, làm vệ sinh hồ tắm. Cô con gái còn bảo, bác ấy rất đàng hoàng tư cách, mọi người ở đây đều rất tin cậy và quí mến bác. Tuần trước, tôi cũng đã trông thấy ông đến làm việc trong vườn, nhưng vì ngoài trời khá nóng và đúng lúc đang mải mê đọc một cuốn sách, nên tôi chưa có dịp gặp ông.

Khi thấy ông gom dụng cụ bỏ lên xe, tôi nghĩ ông đã xong công việc, mở cửa bước ra chào, cám ơn và đưa cho ông cái chi phiếu, bảo cô con gái nhờ trao lại. Thấy trên mặt đầm đìa mồ hôi, tôi mời ông vào nhà uống với tôi một lon bia lạnh. Ông nhìn đồng hồ, đưa tay phủi ít bụi cỏ vướng trên áo quần, ngần ngừ, định từ chối. Tôi nắm tay ông kéo lại bộ ghế nhựa nằm dưới gốc một cây bơ phủ bóng, bảo:
– Hay là mình ngồi ở đây để anh thoải mái hơn.
Tôi chạy vào nhà lấy bia, nghe tiếng ông nói vọng theo:
– Tôi chỉ uống với anh đúng một lon, để tí nữa còn phải lái xe đi

Tôi mang bia và mấy cái nem chua ra. Chúng tôi vừa uống bia vừa nói chuyện. Đúng như lời cô con gái, ông là một người hiểu biết và có tư cách. Mái tóc bạc màu muối tiêu và khuôn mặt đượm buồn mang ít nhiều khắc khổ, đã không làm mất đi cái vầng trán cao, đôi mắt sáng, khuôn mặt biểu hiện một con người khí khái và nghị lực. 

Ngồi với nhau khoảng hơn mười phút, ông cám ơn và đứng dậy xin cáo từ vì còn phải sang làm vườn cho các nhà kế cận. Ông bắt tay tôi và hẹn thứ ba tuần sau ông sẽ đến sớm để tâm tình nhiều hơn. Dù chưa biết nhau nhiều, nhưng qua cái bắt tay, tôi có cảm giác là ông cũng có chút cảm tình, quí mến tôi.

Lần thứ hai gặp nhau, chúng tôi có nhiều thì giờ tâm tình và biết về nhau nhiều hơn. Chính điều này đã làm chúng tôi trở thành bạn, khá thân tình.
Trước kia, anh phục vụ trong Binh chủng Lực Lượng Đặc Biêt. Sau khi binh chủng này giải thể anh được bổ sung cho một đơn vị Biệt Động Quân. Một năm sau anh được thăng cấp thiếu tá. Bị thương trong một cuộc hành quân qua Cam Bốt, anh được thuyên chuyển về một Tiểu Khu miền duyên hải Quân Khu 2, quê anh, và phục vụ ở đây cho đến ngày mất nước.

Vợ của anh là cô giáo dạy ở trường tiểu học quận lỵ. Ngày anh vào tù vợ anh mang thai đứa con đầu lòng hơn năm tháng, và cũng không được “lưu dung” trong chế độ mới bởi ảnh hưởng lý lịch của chồng.

Sau đó, những ngày cuối tuần rảnh rỗi, anh thướng hú tôi sang nhà anh chơi. Anh bảo:- Tôi thường ở nhà một mình, ông cứ sang đây, bọn mình nhậu thoải mái và kể chuyện xưa chơi.

Căn nhà cũ nằm giữa khu vườn khá lớn có nhiều cây ăn trái, và những khóm hoa được anh cắt tỉa rất công phu. Có cả một hòn non bộ, nước chảy róc rách, trông rất yên ả, thơ mộng. Cùng độ tuổi với anh, nhưng tôi thua anh rất xa về chuyện cần cù với bàn tay khéo léo. Nhìn khu vườn nhà, tôi biết là anh đã bỏ ra rất nhiều thì giờ và công sức. Lần nào đến chơi, anh cũng làm cơm, nướng thịt và hai anh em uống cạn mấy lon bia. Có khi tôi phải ngủ một giấc, đến gần tối mới về nhà. Một lần, được tin anh bị bệnh, vợ tôi theo tôi đến thăm anh, giúp anh làm vài món ăn và dọn dẹp nhà cửa bếp núc.

Mấy năm sau này, từ khi cô con gái sinh đứa con đầu lòng, vợ chồng tôi thường xuyên lên ở giúp cháu, nên thường gặp anh hơn và dần dà trở nên thân thiết như anh em.

Quen biết đã khá lâu, nhiều lần đến nhà thăm và tâm tình với anh, nhưng chúng tôi chưa hề gặp vợ anh, chỉ biết chị ấy qua tấm ảnh gia đình treo trên vách, anh bảo chụp cách đây hơn mười năm, sau một thời gian định cư ở Mỹ. Trong ảnh, ngoài vợ chồng anh còn có ba đứa con, hai trai một gái.Chị là một người phụ nữ đẹp, trông có nét đài các. Một đôi lần tôi có hỏi, anh ngần ngừ, bảo là vợ anh thường đi làm xa, vắng nhà. Tôi nhớ có lần anh đã kể việc vợ chồng anh có mở một quán ăn ở đâu đó, sau một thời gian đến định cư ở vùng này.
Nhìn tấm ảnh, tôi khen:
– Trông ông bà rất đẹp đôi. Lúc trẻ chắc chị nhà là cô giáo hoa khôi của một trường nào đó. Mấy cháu cũng đều rất dễ thương.
Anh ngượng ngùng một tí, rồi làm tôi bất ngờ:
– Đây là bà vợ thứ nhì và hai cháu lớn là con riêng của bà. Chỉ có thằng nhỏ nhất là con chung của bọn tôi.
Tôi tò mò, không kịp giữ ý:
– Chắc bà chị trước đã qua đời khi còn ở Việt nam?
– Không, bà vẫn còn sống và đang ở trên Houston.
Tôi vội vàng nói lời xin lỗi. Thấy tôi tròn mắt ngạc nhiên, anh giải thích:
– Bà bỏ tôi sau hơn một năm vào tù, lấy một người đàn ông khác, sau đó dắt theo đứa con gái vượt biên từ năm 1979.
Trầm ngâm giây lát, anh nói tiếp:
– Và từ đó bà không hề liên lạc với tôi, mặc dù có vài lần tôi viết thư riêng nhờ người mang đến cho bà, để chỉ hỏi tin tức đứa con, nhưng không hề nhận được hồi âm. Bây giờ, nếu còn sống, đứa con gái của tôi cũng đã gần bốn mươi tuổi, nhưng chắc chắn nó không hề biết tôi là cha của nó.
Tôi cố tìm một lời an ủi:
– Với vợ con và niềm hạnh phúc mới sau này, chắc anh cũng đã nguôi được nỗi buồn?
Anh cười:
– Thực ra khi mới biết tin, dĩ nhiên tôi buồn lắm, nhưng rồi sau đó lại mừng cho mẹ con bà. Chứ nếu ở vậy mà chờ tôi, thì cuộc đời của mẹ con bà không biết sẽ ra sao? Lúc còn ở trong tù, đêm nào tôi cũng nằm cầu nguyện cho mẹ con bà được yên lành, hạnh phúc với gia đình và quê hương mới. Tiếc là khi ấy tôi không thể liên lạc được để nói lên điều này cho bà được yên lòng.
– Tôi nghĩ điều đó chắc không còn cần thiết, bởi đã đối xử cạn tình với anh như vậy, chắc bà cũng chẳng có hối hận điều gì.
Anh trầm ngâm:
– Xem vậy chứ đàn bà cũng dễ xúc cảm, nặng lòng trắc ẩn lắm. Dù gì, tôi cũng thấy thương và tội nghiệp cho bà.
Đến chơi khá nhiều lần, nhưng vợ chồng tôi chưa bao giờ gặp người vợ của anh bây giờ. Một hôm chúng tôi bất ngờ và vô cùng ngạc nhiên khi nghe anh tâm sự về bà:
– Bà ấy rất ít khi có ở nhà. Bà sống ở các sòng bài. Khi nào không kiếm được tiền bà mới về đây, nhưng sau đó, khi có được đồng nào bà lại đi ngay. Trước kia, tôi bỏ ra tất cả tiền bạc dành dụm và vay mượn thêm của ngân hàng để sang lại cái tiệm ăn, cho bà làm chủ. Buôn bán cũng khá lắm, nhưng sau đó phải bán để trả nợ cho bà. Đồ đạc trong nhà này, cái gì còn bán được bà cũng đã bán hết, nên chẳng còn một thứ gì đáng giá.
– Sao anh và các cháu không khuyên giải, can ngăn bà? Vợ tôi hỏi.
– Cũng may, tôi đã cố gắng hết sức lo cho hai cháu đầu, con của bà được vào đại học. Cả hai đều học xa nhà, nên tôi tìm cách nói dối để các cháu yên lòng mà học hành, còn thằng con trai út, lúc ở với tôi còn nhỏ, nên chẳng chú tâm điều gì, cứ tưởng mẹ nó đi buôn bán làm ăn. Sau này, khi thấy cháu lớn khôn, không muốn ảnh hưởng đến chuyện học hành và tương lai của nó, tôi gởi cháu vô nội trú một trường Công giáo. Không thấy mẹ, lâu lâu cháu cũng hỏi thăm, không biết là cháu có biết gì không, nhưng chẳng thấy nó buồn hay thắc mắc điều gì. Tôi nghĩ có cho các cháu biết cũng vô ích, chỉ làm hại các cháu. Hơn nữa, khi đã lâm vào con đường cờ bạc rồi, cũng giống như thuốc phiện, khó mà quay lại được.
– Đến bây giờ hai cháu lớn cũng chưa biết? Tôi hỏi anh.
– Sau khi tốt nghiệp, hai cháu về nhà sống một thời gian chờ xin việc. Lúc ấy hai cháu mới biết.       Năn nỉ, can ngăn, rồi làm dữ cũng đều vô ích. Sau này hai cháu có việc làm rồi lập gia đình, ra ở riêng. Khi hết tiền bà chạy đến xin, xin vợ không được bà xin cả chồng. Tội nghiệp hai thằng chồng đều là Mỹ hết. Cuối cùng tụi nó sợ quá, phải dọn nhà đi nơi khác và không cho bà biết. Sau này, thấy tôi quá khổ sở với bà, hai cháu rất giận mẹ, đề nghị rồi hối thúc tôi bỏ bà, chuyển đi nơi khác ở. Hai cháu thương tôi, lúc nào cũng xem tôi như cha ruột và luôn tỏ ra biết ơn tôi đã hết lòng lo lắng cho hai cháu.
– Chắc anh không nghe theo hai cháu, nên bây giờ vẫn còn ở lại đây. Tôi hỏi
Anh cười, thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra:
– Không được! Tôi bảo với hai cháu là ba còn nợ mẹ rất nhiều, mà dù có phải khổ sở, chịu đựng suốt cả đời vì mẹ con, cũng chưa trả hết được. Hơn nữa đã là vợ chồng, ba đâu có thể nhẫn tâm bỏ bà trong lúc bà bị sa lầy.

Sau đó anh ngồi kể cho vợ chồng tôi nghe:
– Bà là cứu tinh của tôi. Trước kia, có một thời nhà cha mẹ bà ở gần nhà tôi. Bà là con một của một gia đình giàu có. Khi ra tù, vợ con đã bỏ đi, tôi không có chỗ để ở, lại mang theo bệnh tật từ trong tù, nên chẳng làm được việc gì. Không hiểu sao lúc ấy bà lại cưu mang tôi, và can đảm lấy tôi làm chồng. Lúc ấy bà có tiền, làm chủ một vựa trái cây và buôn bán thuốc tây, cà phê. Lúc đầu, thấy tôi khổ sở, bà nhận tôi vào làm công và bảo dọn tới nhà bà ở vì căn nhà sau, có một phòng bỏ trống. Cả hơn nửa năm tôi mới khỏe lại và bắt đầu phụ giúp công việc buôn bán với bà. Nhưng bà chỉ giao cho tôi lo việc sổ sách. Bà thường lo lắng chăm sóc cho tôi, và cuối cùng tỏ tình với tôi.  Khốn khổ hơn là có một tay cán bộ kiểm lâm CS từ miền Bắc chuyển vào, đã theo đuổi, tán tỉnh bà, thỉnh thoảng mang đến cho bà những bộ bàn ghế được đóng bằng gỗ quí, nhưng bà nhất quyết chối từ. Ban đầu hắn tưởng tôi là người làm công hay bà con trong nhà, nhưng sau này, khi biết bà đã lấy tôi, hắn tìm mọi cách hãm hại tôi. Bà bỏ tiền mua cả đám công an, nên tay kiểm lâm sợ, bỏ cuộc. Hơn nữa nghe nói hắn đã có vợ con ở ngoài Bắc. Có lần tôi hỏi, vì sao bà thương và lấy tôi khi tôi trong cảnh thân tàn ma dại. Bà cười, bảo là ngày xưa, lúc còn là cô con gái mới lớn lên bà đã thầm yêu tôi, bà thích lính chiến, nhất là bộ áo quần bông với cái bê-rê xanh của LLĐB, oai hùng lắm, nhưng tôi không để ý đến bà.  Đúng vợ chồng là cái số. Sau này bà lấy một thương gia, nhưng ông mất sớm. Nhờ vậy, sau 75, bà còn giấu được một số vàng để bây giờ có vốn buôn bán nuôi con.

Những lần chính quyền địa phương gọi tôi, diện tù “cải tạo” đang trong thời quản chế, đi làm công tác thủy lợi, bà đều thuê người đi làm thay. Sợ bọn chúng cưỡng bách tôi đi Vùng Kinh Tế Mới, bà làm hôn thú và dù rất khó khăn, bà cũng chạy cho tôi được vào chung hộ khẩu với gia đình bà. Với lòng biết ơn và quí mến, tôi đã hết lòng yêu thương bà và hai đứa con của bà. Tôi dạy kèm thêm, nên hai cháu đều là những học sinh giỏi của trường, luôn vâng lời, lễ phép dễ thương. Tôi xem hai cháu như con ruột của mình. Một năm sau, chúng tôi rất vui mừng khi có một đứa con chung, là thằng con trai, giống tôi như đúc. Tuy nhiên, cứ mỗi lần nhìn nó, tôi lại nhớ đến đứa con gái đầu lòng với người vợ trước. Từ lâu rồi tôi không liên lạc đươc, nên chẳng biết bây giờ nó ra sao. Chỉ mong ông trời thương, để có một ngày cha con được gặp lại.

Anh ngừng câu chuyện ở đây, lim dim đôi mắt, nhưng ngay sau đó lại nở nụ cười. Tính anh như  thế, tôi chưa khi nào thấy anh buồn điều gì lâu. Tôi thầm nghĩ, khi người ta chịu đựng quá nhiều thử thách trong cuộc đời, thì dường như buồn vui gì cũng như nhau thôi.
Tôi cười theo anh, và nói đùa:
– Không ngờ ngày xưa ông anh cũng đào hoa ghê. Đến bước đường cùng mà vẫn có người đẹp yêu tha thiết.
Anh quay sang tôi cười, giải thích thêm:
– Bọn mình là lính mà. Người lính lại càng không thể phụ ơn những người đã từng cưu mang, sống chết với mình. Cũng như anh em mình đâu có thể quên những đồng đội đã chết, đã hy sinh một phần thân thể vì mình, phải không?

Tôi im lặng, không trả lời, chỉ thấy thương và càng quý trọng anh. Người lính chưa bao giờ bại trận, nhưng cuối cùng đã phải làm người thua cuộc. Qua bao nhiêu thử thách vẫn còn giữ được cái sĩ khí, lòng bao dung và nhân cách của mình.

Những lần gặp tôi, trong các câu chuyện anh thường nói về chuyện lính. Anh kể cho tôi nghe những trận chiến mà anh đã từng tham dự. Từ lúc những buổi đầu trong các toán Delta, sau đó đóng đồn biên phòng, rồi sau này ra Biệt Động Quân, và cuối cùng là Địa Phương Quân. Anh say sưa kể từng chi tiết, địa danh, từng tên của những người lính đến các cấp chỉ huy. Trong lãnh vực này, trí nhớ của anh lại trở nên phi thường. Tất cả như nằm sẵn đâu đó trong lòng anh. Nhiều lần anh bảo với tôi là anh đã sống với nó, với cái quá khứ ấy. Anh còn ví von: “lúc trước ông nhà thơ Phùng Quán đã từng tâm sự là khi ngã nhờ vịn những câu thơ mà đứng dậy, còn với tôi thì đã bao lần thất chí, đã nhờ những hình ảnh quá khứ này để có thể đứng lên. Không có một thời làm lính, một thời trong chiến trận, chắc tôi đã quỵ ngã từ lâu rồi.”

Cuối cùng thì vợ chồng tôi cũng gặp được bà vợ bây giờ của anh. Mùa hè năm ngoái, anh làm đám cưới cho cậu con trai út. Đứa con chung duy nhất của hai người. Cô dâu lại là con của một người bạn HO của anh, mà tôi cũng quen biết, vì từng ở chung một trại tù ngoài Bắc. Anh nhờ vợ chồng tôi đi họ bên phía đàng trai, và phụ giúp anh sắp xếp công việc trong ngày hôn lễ. Ngày đám cưới, chúng tôi đến nhà anh sớm hơn giờ hẹn để phụ sắp xếp bàn thờ và lễ vật. Rất bất ngờ khi thấy có cả chị ra đón bọn tôi ngoài cửa. Có lẽ anh đã giới thiệu trước ít nhiều về vợ chồng tôi, nên chị nở nụ cười thật tươi chào đón và gọi đúng tên chúng tôi. Vợ chồng tôi khá ngạc nhiên, bởi chị khác hoàn toàn với hình ảnh người đàn bà mà chúng tôi tưởng tượng bấy lâu nay với không mấy cảm tình. Xinh đẹp, vui vẻ nói năng lưu loát, và dễ thân thiện. Chỉ có ốm hơn so với trong ảnh, và thoáng một chút mệt mỏi, bơ phờ. Buổi chiều, trong tiệc cưới, khi người MC giới thiệu gia đình nhà trai, anh chị cùng vợ chồng hai cô con gái bước lên sân khấu đứng bên cô dâu chú rể, cúi đầu chào khách. Tiếng vỗ tay của thực khách như thay cho lời hâm mộ một gia đình đẹp đẽ, hạnh phúc. Tôi bỗng thấy một chút xót xa, tiếc nuối trong lòng và thầm mong là biết đâu nhờ đám cưới của cậu con trai, mà chị sẽ trở về với con người cũ, để hai người còn có bên nhau trong hạnh phúc ở những năm tháng cuối đời.

Cuối tuần sau ngày đám cưới, anh đưa chị ghé đến chơi, mang biếu chúng tôi hai chai rượu và một hộp trà. Anh bảo là quà “lại quả” hôm đám cưới, anh chị chia cho chúng tôi để mừng cho hai cháu.  Khi vợ tôi ngồi chỉ cho chị cách thức làm nem Ninh Hòa, mà chị rất thích, anh rủ tôi ra ngoài vườn, vui mừng bảo là chị ấy đã hồi tâm, vì sau ngày đám cưới thấy các con hạnh phúc vui vẻ, sau đó các cháu tâm tình khuyên giải bà, nên từ bỏ mọi thứ đam mê sai lầm để sống với tôi trong tuổi già, vợ chồng săn sóc hôm sớm có nhau.  Anh hy vọng lần này bà đã thức tỉnh. Hơn nữa tuổi tác cũng đã nhiều, bà thấy sức khỏe sa sút thường hay mệt mỏi.Tôi nắm hai tay anh mừng rỡ, và nói vài lời, ngưỡng mộ sự bình tĩnh, chịu đựng và tấm lòng bao dung của anh. Tôi lấy trong túi áo ra bốn tờ vé số Power Ball vừa mới mua trưa nay. Đặc biệt số độc đắc xổ chiều nay, sẽ hơn ba mươi triệu Mỹ kim. Tôi chia cho anh ba tờ, bảo:
– Hy vọng ông trời sẽ cho thêm anh chị điều may mắn.
Anh cười:
– Cám ơn bồ, nhưng thường là “phúc thì bất trùng lai, mà họa thì vô đơn chí!”
Tiễn anh chị ra xe, bắt tay nhau trong tiếng cười rộn rã.

Khoảng ba tuần sau, anh gọi phone báo cho chúng tôi một tin không vui. Chị ấy đang nằm trong bệnh viện. Bác sĩ vừa khám phá chị bị ung thư vú trong thời kỳ cuối. Vì quá lâu, không khám bệnh, nên không phát hiện được, bây giờ đã di căn, không biết có cần giải phẫu hay không. Chúng tôi chạy lên bệnh viện thăm chị. Thấy chúng tôi, chị nở nụ cười, nhưng trông khá mệt mỏi, bơ phờ. Anh  luôn bên cạnh, đút thức ăn, săn sóc an ủi chị. Anh bảo tối nào, theo yêu cầu của chị, anh cũng ngồi bên cạnh đọc các chuyện chiến trường, chuyện lính cho chị nghe.

Bệnh viện quyết định không giải phẫu, chỉ cấp cho một số thuốc để đưa chị về nhà. Các cháu đều về thăm. Sống bên cạnh chồng cùng đầy đủ các con, chị vui và hạnh phúc lắm. Chúng tôi đến thăm, dù không được khỏe, nhưng chị rất tỉnh táo, nằm kể cho các con nghe về cuộc đời mình, ân hận đã có một thời sa ngã vào con đường bài bạc, làm khổ sở và xấu hổ gia đình. Chị cũng nắm chặt tay anh, nói rất yêu và biết ơn anh đã hết lòng lo lắng đùm bọc vợ con trong những năm tháng khó khăn, xin anh tha thứ về thời gian chị đã có lỗi lầm.
Anh ngồi bên cạnh, cúi xuống hôn trên trán chị:
– Lúc nào anh cũng yêu em, cầu xin ơn trên cho em sống khỏe mạnh để anh tiếp tục lo lắng, trả nợ cho em. Món nợ ân tình lớn lao, mà cả đời này anh cũng không thể trả hết được cho em.
Nước mắt của chị ràn rụa trên đôi gò má hóp. Tôi thầm nghĩ đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc. Cho dù có chút xót xa.

Chị đã mất vào khuya hôm ấy. Theo lời anh kể lại, suốt đêm anh nằm với chị, ôm chị trong vòng tay rồi ngủ mê lúc nào không biết. Khi giật mình thức dậy thì chị đã ra đi tự lúc nào.
Vợ chồng tôi có mặt trước khi đưa chị vào nhà quàn bệnh viện. Chị nằm như đang say ngủ, nét mặt bình yên, thanh thản.
Và lần đầu tiên tôi nhìn thấy anh khóc.

Phạm Tín An Ninh

1 comment:

  1. Tôi yêu thích những chuyện của Phạm Tín An Ninh viết về Người Lính của Anh ,rất hào hùng ,đẹp đẽ ,và đầy tình cảm …dù còn xông pha trong thời lửa đạn hay đã lưu vong phiêu bạt nơi nào …

    ReplyDelete