Saturday, July 20, 2019

Tôi Làm Răng Implant - Phạm Thị Kim Dung

Hình họa trồng răng nhân tạo.

Cách đây khoảng bốn năm, tôi có xin hẹn đến văn phòng Bác Sĩ Nha Khoa để chà làm sạch răng như thông lệ mỗi năm hai lần.  Trước khi clean răng, cô Nha Tá (Dental Hygienist) đã chụp hình x-ray/quang tuyến hàm răng cho tôi để sẵn sàng cho Nha Sĩ kiểm soát thì được biết cái cầu bắc răng hàm dưới của tôi có vấn đề. 


Nhờ có những trang thiết bị hiện đại những hình digital x-rays của tôi được chiếu lên một màn ảnh rộng, Nha Sĩ đã chỉ cho tôi thấy hai chân trụ của cầu răng đã bị sâu.  Ông khuyên tôi cần phải làm lại, nếu để lâu cái cầu có thể sẽ bị gẫy.  Tuỷ răng có thể bị nhiễm trùng xưng nướu răng và chức năng của hàm răng đã, đang và sẽ tiếp tục bị tổn thương, mỗi lúc một trầm trọng hơn.  Ông khuyên tôi nên làm một cái răng nhân tạo (dental implant) thay vào cái răng đã mất từ bấy lâu nay, trong khi hai chân trụ có thể thay bằng hai cái răng mão khác.

Nha Sĩ bảo tôi, nếu làm lại thay cầu răng mới, tuy nó tạm thời có vẻ đỡ tốn kém hơn, nhưng sự lâu bền phụ thuộc nhiều vào các răng đã dùng làm trụ cầu.  Hơn nữa sự thoái hoá của xương, theo thời gian lâu dài cầu răng hay răng giả sẽ tạo ra những rắc rối mới về cả chức năng và thẩm mỹ.  Răng Implant trong đa số trường hợp được đánh giá là bền và đẹp hơn răng thật, lại không sợ bị sâu răng. 

Có thể nói, trong ba phương cách chính yếu của nha khoa phục hồi là:  Làm răng giả, làm cầu răng và trồng răng Implant.  Implant trồng thẳng răng vào hàm (jawbone) là phương thức duy nhất mang đầy đủ ý nghĩa tích cực của sự tái tạo (positive dentistry).

Tôi lo lắng, vì sợ đau lắm nên chần chừ một thời gian để suy nghĩ và tìm hỏi thêm từ những người thân quen đã làm Implant rồi.  Cuối cùng thì tôi đã mạnh dạn quyết định xin hẹn với Nha Sĩ để bàn thêm về việc trồng Implant và hai cái crown thay vào cái cầu răng hư của tôi. 

Nha Sĩ gia đình của tôi là một Nha Sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong lãnh vực trồng răng nhân tạo. Ông cũng là người trồng răng Implant và sửa chữa răng cho nhà tôi, mà nhà tôi và tôi đều rất ưng ý tin tưởng.  Sự tân tâm và chuyên nghiệp của ông Nha Sĩ là một nhân tố quan trọng đã giúp cho tôi vượt qua bao nỗi sợ hãi để đồng ý với kế hoạch của ông, như tôi đã được nghe những lời khuyên và giảng giải của ông.

Tôi đã phải ký giấy chịu trách nhiệm trả hết phần tiền còn lại, từ sau khi cô Thư Ký kiểm hỏi bảo hiểm của tôi và của nhà tôi, để biết là hai cái bảo hiểm này sẽ trả được bao nhiêu tiền (số tiền được trả tuỳ theo hãng bảo hiểm mình mua).  Sau đó, Nha Sĩ bắt đầu làm phẫu thuật trồng răng Implant cho tôi...

 *Giai đoạn 1:   Phẫu thuật trồng Implant

Sau khi định bệnh và bàn thảo về kế hoạch điều trị, Nha Sĩ sẽ tiến hành một cuộc tiểu phẫu đơn giản, gây tê tại chỗ để đặt Dental Implant vào xương hàm.

Nếu xương hàm không đủ, trước khi trồng Implant, bệnh nhân sẽ được cấy xương (bone graft, bone augementation) hay nâng khoang mũi (sinus lift).



Bệnh nhân được theo dõi từ 3 đến 6 tháng, để xác định sự thích hợp hoàn chỉnh của Implant và xương hàm.  Hiện nay chưa có một chứng cớ khoa học nào cho thấy sự đào thải của cơ thể con người đối với Titanium.  Sự thành công ở giai đoạn này trên 98%, phần lớn phụ thuộc vào sự chuẩn bị trước, trong và sau phẫu thuật, điều kiện vô trùng, kỹ năng kinh nghiệm, tay nghề của kíp mổ (Nha Sĩ và các phụ tá), và sự tuân thủ chỉ dẫn của chính bệnh nhân.


 *Giai đoạn 2: Lắp đặt răng giả và hoàn thành điều trị

Cuối cùng, một chiếc răng, cầu răng, hay nguyên hàm răng giả sẽ được kết dính vào Implants thông qua trụ nối abutment.

Trụ nối được lắp chính xác vào Implant bằng một ốc vít có đủ khả năng chịu lực.  Nha Sĩ sẽ lấy ni (impression) gởi cho phòng lab nha khoa làm một hay nhiều chiếc răng Implant theo kế hoạch điều trị.

Bệnh nhân sẽ trở lại trong vòng 1 hoặc 2 tuần để có những chiếc răng Implant xinh đẹp.

Hiện nay việc trồng răng ngay sau khi nhổ răng (immediate implant) hay gắn mão răng, răng giả tức thì sau khi trồng Implant cũng là việc rất khả thi.

Cũng như răng thật, răng Implant rất dễ bị nha chu.  Vệ sinh răng miệng thường xuyên và đúng cách, gặp Nha Sĩ mỗi 6 tháng là những động thái đơn giản, nhưng vô cùng quan trọng bảo đảm cho sự thành công lâu dài của răng Implant.

Trồng răng thẳng vào hàm, trong đa số trường hợp, đây là phương thức phục hồi và tái tạo răng tốt nhất, hữu hiệu và lâu bền nhất.

Từ ngàn xưa con người đã không ngừng tìm cách tái tạo những chiếc răng đã mất.  Thật khó mà tin rằng, ngay thế kỷ thứ 7, người Mayan đã cấy chiếc răng nhân tạo làm bằng vỏ sò vào xương hàm dưới của một người.  Dĩ nhiên, việc cấy ghép này và nhiều cuộc phẫu thuật khác trong nhiều thế kỷ sau đó đã không thể thành công, khi không được những kiến thức y học, và những tiến bộ khoa học kỹ thuật khác hỗ trợ.

Mãi đến thế kỷ thứ 20, những công cuộc nghiên cứu tiên phong trong việc trồng răng vào hàm, mới có những bước tăng vọt đáng ghi nhận. 

Đặc biệt, vào Năm 1952, có một Giáo Sư người Thụy Điển là ông Per. Ingvar Branemark đã tình cờ tìm ra kim loại Titanium kết dính vào xương hàm của con người một cách rất vững chắc và không tháo ngược ra được.  Ông gọi sự tích hợp giữa xương hàm và Titanium là Osseouintegration.  Sự khám phá lý thú này đã đi ngược lại tất cả những lý thuyết khoa học đương thời.  Ông đã tiếp tục nghiên cứu để cuối cùng thực hiện thành công cuộc giải phẫu trồng  răng Implant đầu tiên vào năm 1965. 

Nhưng mãi đến Năm 1982, tại Toronto, Canada, sau nhiều năm đã kiểm chứng, giới khoa học mới công nhận thành quả của ông.

Hiện nay, mặc dù có gần 100 hãng sản xuất, nhưng tất cả Dental Implants đều dựa trên phát kiến căn bản của Bác Sĩ Branemark.
*
Tôi nhát lắm, sau khi làm Implant xong thì rất lo lắng hồi hộp và cũng sợ đến lúc hết thuốc tê thì nó lại đau, nên tôi tuân theo sự chỉ dẫn của Nha Sĩ.  Tôi đã mua tất cả những thứ thuốc mà Nha Sĩ đã cho toa mua như:  Thuốc xúc miệng để khử độc, thuốc trụ sinh và thuốc giảm đau.  Khi về nhà khoảng vài giờ đồng hồ sau đó, cũng may tôi chỉ thấy trong hàm miệng hơi tê đau lăn tăn chút xíu thôi, nên đã chỉ uống những liều thuốc trụ sinh cho đến hết, mà cảm thấy không cần dùng đến chất thuốc giảm đau. 

Tôi xin viết bài này để chia sẻ với quý đọc giả của Việt Báo mục Viết Về Nước Mỹ (VVNM).  Từ khi làm răng Implant cho đến nay, tôi không thấy nướu răng có triệu chứng làm độc hay đau đớn gì hết, mỗi khi nhai thức ăn tôi cảm thấy ngon miệng hơn hồi trước, khi mà còn cái cầu răng cũ.

Tôi xin chân thành gởi lời cám ơn Bác Sĩ Nha Khoa Nguyễn Hoàng Tuấn đã giảng giải cho tôi, để tôi có thể hoàn thành bài viết về răng Implant.

Kim Dung cũng xin mến chúc quý Tác Giả và quý Độc Giả của mục VVNM khoẻ mạnh an khang và được mọi sự như ý.

Phạm Thị Kim Dung
Mùa Xuân Kỷ Hợi 2019
vvnm.vietbao.com

No comments:

Post a Comment