Monday, July 15, 2019

Đường Cao Tốc - Hốc Hác Việt Nam! - Vũ Đông Hà (Danlambao)


Đường cao tốc Bắc-Nam là một đại dự án sẽ mở ra những vấn nạn nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, xã hội cho đất nước Việt Nam. Viễn ảnh núi nợ chồng lên núi nợ, và chồng lên đầu hơn 90 triệu người dân Việt; hiểm họa bị lún sâu vào vòng lệ thuộc Bắc Kinh theo những đoàn quân công nhân từ phương Bắc; tình trạng bất công trong những dịch vụ phục vụ người dân và sự khác biệt giàu nghèo trong xã hội ngày càng gia tăng. 

Tất cả sẽ tiến gần và tiến nhanh theo những đoàn tàu cao tốc làm bởi Tàu, mượn nợ từ Tàu, quản lý bởi Tàu, vay thêm vốn từ Tàu để bù đắp lỗ lã sau khi những con tàu đi vào hoạt động.

Núi nợ kinh tế 

Không phải chỉ ở 26 tỷ đô hay 58,7 tỷ đô được tập đoàn cai trị cố tình tung ra 2 con số để tạo quan tâm, bất bình trong xã hội về "độ chênh" của chi phí, để sau đó tiến hành mưu đồ làm nguội dư luận bằng thái độ lắng nghe lòng dân" qua sự chọn lựa con số nhỏ hơn. Cần nhìn xa hơn: Tổng chi phí dự kiến ban đầu của dự án chỉ là cái vai để đội vốn lên đầu những chi phí mới theo cái gọi là "chậm tiến độ", theo tầm ngu dốt, theo mức tham lam của những kẻ tay phải cầm quyền, tay trái đưa dự án cho Tàu. 

Không phải chỉ dừng núi nợ ở thời điểm hoàn thành con đường xẻ thịt Việt Nam, tiền dân sẽ tiếp tục đổ vào núi nợ cao tốc cho việc bảo trì và bù đắp lỗ lã. 

Theo bài nghiên cứu "Đường cao tốc ở Âu châu và Á châu: bài học cho Hoa Kỳ" của Baruch Feigenbaum thì trên thế giới chỉ có 2 tuyến đường cao tốc là sinh lời. Đó là tuyến đường Paris-Lyon ở Pháp và Tokyo-Osaka ở Nhật. (1) 

Theo Giáo sư Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương thì đường sắt cao tốc của Nhật Bản vẫn “không thu lợi được mà chỉ hòa vốn, thậm chí nhà nước phải bù lỗ”. (2) 

Và kẻ nào sẽ là chủ nợ của cái núi khốn cùng mà dân Việt phải gánh? 

Bắc Kinh! Tàu cộng! 

Với một hệ thống chính trị điều hành bằng một rừng thủ tục rào cản, bằng cung cách quản lý rừng Trường Sơn, bằng hệ thống tham nhũng của bầy sâu - theo cách nói của cựu Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, bằng văn hoá chụp giựt với thủ tục đầu tiên-tiền đâu làm kim chỉ nam... kẻ duy nhất có thể "dễ dàng" cho Ba Đình mượn nợ, không cần phải đáp ứng những điều kiện khắc khe của ODA từ những nước khác...; Kẻ đó là Bắc Kinh. Chỉ cần Ba Đình đáp ứng một điều kiện duy nhất, rất dễ: Chủ thầu phải là của Tàu. Và các quan tham cũng có một điều kiện duy nhất, rất dễ dàng để gật đầu cho dự án: phải làm phình thêm chương mục nước ngoài của quan.

Vòng kim cô của Tàu 

Đường sắt cao tốc Bắc-Nam sẽ gia tăng vị trí, quyền lực của đại chủ nợ Bắc Kinh đối với Ba Đình mà hơn 90 triệu người dân là con nợ. Việt Nam trở thành một nô lệ kinh tế cho Tàu cộng. 

Về mặt chính trị và âm mưu xâm lược, nắm được 3 đặc khu, trúng thầu dự án xây dựng lẫn bảo trì đường Cao tốc Bắc-Nam xuyên suốt chiều dài đất nước, cộng với những công trình China đang hoạt động trên khắp 3 miền, Bắc Kinh xem như hoàn tất việc khống chế Việt Nam và biến Việt Nam thành một mắc xích chư hầu trong bản đồ xâm lược "Một vành đai, Một con đường" của Tập Cận Bình. 

Do đó, Chủ tịch Quốc hội CSVN Nguyễn Thị Kim Ngân phải qua khấu đầu Bắc Kinh để đáp ứng yêu cầu của Tập: bằng mọi cách quốc hội phải thống nhất thông qua dự án Đường cao tốc Bắc - Nam. Và bằng mọi cách, dự án phải do công ty Trung Quốc đảm nhiệm. 

Vì vậy, vào ngày 08.07.2019 Nguyễn Thị Kim Ngân trong vai trò là khách nhưng lại đứng ra tiếp Nghiêm Giới Hòa (Jiehe Yan) tại thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô để "mở đường cho hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư phát triển."  (3).

Nghiêm Giới Hoà là nhà sáng lập Tập đoàn Thái Bình Dương. Vào ngày 07/03/2019, đích thân đại gia tỷ phú này đã đến làm việc trực tiếp với các quan chức lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nhằm mở đường cho tập đoàn của ông ta đứng ra lãnh thầu dự án Đường Cao tốc Bắc - Nam. 

Tại Nam Kinh, Nguyễn Thị Kim Ngân dọn đường sắt như sau: "...hoan nghênh Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương tham gia vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, đồng thời thực hiện nghiêm túc các cam kết về tiến độ và chất lượng, để cùng Việt Nam mạng lưới cơ sở hạ tầng tốt tạo điều kiện cho phát triển kinh tế xã hội bền vững." 

Và khẳng định: "Quốc hội Việt Nam sẽ cùng Chính phủ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, làm ăn, mở rộng sản xuất, ổn định tại Việt Nam trên cơ sở hai bên cùng có lợi."

(Hình và ghi chú từ trang nhà Quốc hội CHXHCN VN)

Chuyến đi của Nguyễn Thị Kim Ngân là để "tiếp khách" (4), bắt tay con buôn, nhận chỉ thị, phương án của quan thầy để biến Quốc hội CSVN thành cánh tay nối dài của Bắc Kinh và bật đèn xanh cho đường cao tốc Bắc-Nam, cũng như sau đó vực hồn ma Dự án Đặc Khu sống lại. 

Những người nghèo khổ với những ước mơ và... tự hào hảo 
Đảng và bộ máy cầm quyền CSVN đang tiêu phí tiền của dân một cách tùy tiện, nhưng với "quyết tâm của Bộ Chính trị", lòng trung thành của Tổng tịch Nguyễn Phú Trọng với thiên triều phương bắc, và đặc biệt là thái độ thần phục của Quốc hội mà Nguyễn Thị Kim Ngân đang cầm cờ đi đầu, đường sắt cao tốc Bắc-Nam sẽ phải bị thông qua. 

Trong tương lai, sẽ có những cụ già, em bé cùng với nhân dân mang trên đầu một núi nợ mà không... thấy nặng. Nợ chung không ai khóc! Họ đứng nhìn những con người Việt Nam giàu có khác, những doanh nhân nước ngoài chọn "VN là quốc gia top 10 đáng sống" (6)... bước lên những con tàu xuyên Việt 300km/giờ. 

Họ là đại đa số người dân Việt Nam. Đứng nhìn và ước mơ chỉ một lần trong đời được làm người cao tốc. Ước mơ xa vời nhưng niềm tự hào thì rất gần và đầy rẫy trên những mặt báo và loa phường lề đảng: tự hào rằng dưới sự lãnh đạo "quan-vinh" của đảng, nước ta dù nghèo, nợ đầy đầu, cả nước phải "đồng cam cộng khổ" nhưng ta có đường cao tốc! 

Và ở một nơi nào đó ở nước ngoài, có những quan tham đã hạ cánh an toàn đang ngồi cụng ly trong một biệt thự sang trọng ven bờ biển xanh. Trong phòng khách diêm dúa mắc tiền có tấm ảnh khánh thành con đường cao tốc, con đường đã dẫn các quan tham đến ngồi uống rượu và làm chủ một trong nhiều căn nhà hàng triệu đô la này.  
*
Chú thích:
(1) https://reason.org/wp-content/uploads/files/high_speed_rail_lessons.pdf

No comments:

Post a Comment