Monday, July 22, 2019

Về Cái Gọi Là… Siêu Thực Phẩm - Vũ Thế Thành


Trăm năm sau quả chuối, khoa học tiến bộ vượt bực, nhưng marketing còn vượt bực hơn nữa. Giới kinh doanh tận dụng những hiểu biết khoa học để phát minh ra thuật ngữ “siêu thực phẩm” (superfoods).

Khởi đầu từ quả chuối
Siêu thực phẩm có lẽ khởi đầu từ… quả chuối, với thông điệp “Giá trị thực phẩm của chuối” thế này: Chuối rẻ tiền, chuối nhiều dinh dưỡng, dễ tiêu hóa, tìm đâu cũng có, ăn tươi ăn chín đều ngon. Nên ăn chuối mỗi ngày, ăn chuối với ngũ cốc vào bữa điểm tâm, với salad rau trộn vào bữa trưa, và bữa tối là món chuối chiên với thịt. Đó là câu chuyện của trăm năm trước khi một công ty thực phẩm ở Mỹ đã quảng cáo về tính “siêu” của chuối.
Cái thưở ban đầu quảng cáo cho một loại thực phẩm gọi là “nên ăn hàng ngày” chỉ nhẹ nhàng như thế. Về mặt khoa học, nội dung quảng cáo cho đến nay vẫn đúng, lại rất thân thiện, không lên gân. Người “trăm năm trước” chưa biết xài chữ “siêu” để nói về chuối, và còn thật thà nhấn mạnh đến ưu điểm của chuối là: rẻ và dễ tìm.

Trăm năm sau – siêu quảng cáo
Theo marketing, siêu thực phẩm là những thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao, chẳng hạn có nhiều chất chống oxid hóa để ngừa ung thư, có chất béo không bão hòa để ngừa bệnh tim mạch, có chất xơ để ngừa tiểu đường và những chứng khó chịu về tiêu hóa,… Không ít người còn cho rằng “thực phẩm chính là thuốc”, và một số loại thực phẩm nào đó có thể giúp ngừa bệnh béo phì, tiểu đường, cao huyết áp, cao mỡ máu (cholesterol). Với chiều hướng này thì trái cây, rau củ, và các hạt nguyên cám (whole grain) thuộc hàng vượt trội.
Cũng theo marketing thì các thực phẩm sau được xếp hạng “siêu”: trái việt quất (blueberry), cải xoăn (kale), hạt chia, quinoa, khoai lang, rong biển, các hạt đậu, ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt, cá hồi, cá nhiều chất béo…., Và như thế còn lắm thứ “siêu” sẽ nảy sinh như siêu trái cây (superfruit), siêu hạt (supergrain), siêu hải sản (superfish)…

Huyền thoại “siêu sao” việt quất
Sự xếp hạng trái việt quất đứng đầu bảng ‘siêu thực phẩm” này dựa trên một lịch sử… bẽ bàng của Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (USDA), khi đưa nguyên database của việt quất lên trang web của USDA. Vinh danh này dựa khả năng tiêu diệt các gốc tự do của các chất chống oxid hóa trong trái việt quất.

Chất chống oxid hóa có khả năng tiêu diệt các gốc tự do (được cho tiềm năng gây ung thư và tim mạch), nhưng các chất này còn nhiều công dụng khác nữa, đâu đơn giản chỉ là “tìm và diệt” các gốc tự do. Chất chống oxid hóa thì có cả ngàn loại khác nhau, công dụng khác nhau, mạnh yếu khác nhau, phân bổ trong các loại rau củ quả khác nhau. Vinh danh “siêu thủ khoa” cho việt quất là… hớ rồi. Hai mươi năm sau, USDA lẳng lặng rút database việt quất ra khỏi trang web, nhưng giới markeing siêu thực phẩm còn luyến tiếc quá khứ, vẫn giữ tước vị “siêu sao” của việt quất trong thế giới siêu thực phẩm.
Dĩ vãng coi vậy chứ vẫn còn… phê lắm. Từ năm 1998-2006, sản lượng của cựu “siêu sao” việt quất tăng gấp đôi, và theo USDA, vẫn còn tiếp tục tăng.

Siêu thực phẩm hay siêu cường điệu ?
Về mặt khoa học, siêu thực phẩm đều là những thực phẩm lành mạnh. Chỉ tiếc là lành mạnh có… định hướng (marketing). Sự định hướng này làm người tiêu dùng chỉ quan tâm vào một số loại thực phẩm, mà bỏ qua tính đa dạng của thực phẩm. Việt quất là một thí dụ. Các loại trái cây khác, cam, xoài, mít, ổi, chôm chôm, sầu riêng cũng có rất nhiều loại chất chống oxid hóa khác mà việt quất chưa chắc đã có. Những chất chống oxid hóa này tác động khác nhau trong mỗi loại rau củ quả khác nhau. Lợi ích của trái cây là thành tích tập thể của chất chống oxid hóa, của khoáng chất, của vitamin, chất xơ… Việt quất bao thầu hết các dưỡng chất đa dạng ấy được không?

Tương tự, cải xoăn (kale) cũng đâu phải là số một trong các loài rau, còn rau muống, cải xanh, cải trắng, tần ô, tía tây, cần tây, cần ta,… thì sao?

Thịt cá cũng vậy, đâu nhất thiết cá hồi mới là số một, là nguồn omega-3 duy nhất. Cá hồi càng to, càng béo thì càng nhiều dư lượng thủy ngân, mấy bà bầu dám ăn nhiều không? Cá tra, cá lóc, cá thu, cá nục… đâu phải là không lành mạnh để phải miệt mài đi tìm siêu thực phẩm cá hồi.
Marketing còn định hướng người dùng đến những loại thực phẩm xa xôi cho có phần hoang dã và tự nhiên, hạt chia chẳng hạn. Tính dinh dưỡng của hạt chia thì không có gì bàn cãi, nhưng hạt chia thì ăn được bao nhiêu? Ăn thiệt hay ăn chơi? Hạt chia khá nhiều chất béo lắm đấy, mà đã chắc gì hạt chia bổ béo hơn hạt é, trong khi giá hạt chia lại trên trời vì đến từ nơi… hoang dã.

Điều chắc chắn là trong khoa học không có từ “siêu thực phẩm”. Ở Âu Châu còn cấm dùng danh từ “siêu thực phẩm” trên nhãn sản phẩm. Các nhà dinh dưỡng hiểu rất rõ tính đa dạng của thực phẩm, và không thực phẩm nào được xem là “siêu” cả. Thực phẩm nào cũng có mặt hay mặt dở. Ăn uống đa dạng, nay thứ này, mai thứ khác để tận dụng cái hay và hạn chế cái dở của chúng.
Vấn đề là ăn đủ dinh dưỡng, chứ không phải ăn thừa dinh dưỡng. Thừa thứ này mà thiếu thứ kia thì cũng như không. Đâu phải cứ ăn hoài hoài một vài loại siêu thực phẩm là có thể phòng bệnh sống lâu trăm tuổi. Còn lối sống (life style) nữa chi! Rất nhiều loại thực phẩm có thể chọn để có bữa ăn ngon và lành, chứ chỉ có lành mà không ngon thì chán lắm.

Vậy sau cùng, siêu thực phẩm là gì? Nói theo một bài báo của trường Y Tế Công Cộng Harvard T.H. Chan thì, “superfoods = supersales = superhype”, tạm dịch, siêu thực phẩm = siêu bán hàng = siêu cường điệu.

Vũ Thế Thành

1 comment: