Có người nói với tôi:" Trước 1975 làm gì có NGÀY
NHÀ GIÁO
Đúng vậy, điều đó tôi không chối cãi. Nhưng nói bây
giờ chính quyền và người dân tôn trọng nghề dạy học hơn ngày xưa là tôi không
đồng ý.
Ngày xưa. 44 năm về trước, chính quyền Việt Nam không
quy định một NGÀY NHÀ GIÁO cho dân chúng tổ chức rình rang. Nhưng người Thầy là
hình ảnh tốt đẹp nhất để học trò kính trọng và noi theo.
Đâu phải có Ngày Nhà Giáo người Thầy mới được tôn kính
và có giá trị trong xã hội. Bây giờ một năm chỉ có một Ngày Nhà Giáo để học trò
tỏ ra biết ơn và kính trọng Thầy. Thời chúng tôi đi học, ngày nào cũng là Ngày
Nhà Giáo. Bởi vì tới trường, tới lớp ông thầy được học trò kính nễ thật lòng.
Ngày không đi học, gặp ông Thầy đi ngang vội đứng lại cúi đầu chào. Được thầy
khen một tiếng vui mừng khấp khởi, bị Thầy khiển trách cả đêm không ngủ. Phụ
huynh coi thầy giáo là mẫu mực để con mình noi gương.
Ngày đầu tiên đem tôi đến trường, Má tôi đã thưa với
Cô giáo :
-Trăm sự nhờ cô, tôi giao cháu cho cô dạy dỗ.
Má tôi dạy rằng:
-Trọng Thầy mới được làm Thầy. Ba má nuôi
con khôn lớn, nhưng Thầy Cô mới là người dạy con điều hay lẽ phải để con thành
người tốt sau này"
Một người Mẹ dạy con những lời như vậy, thì làm Thầy
hẳn phải là những người thật xứng đáng.
Thật quý hóa, các vị Thầy Cô của tôi không
làm xấu đi hai chữ Mô Phạm và lòng tin cẩn của cha mẹ chúng tôi. Các Thầy Cô đã
cho tôi biết giá trị đích thực của nghề cầm phấn. Chúng tôi đã có một tuổi học
trò tuyệt vời và đáng nhớ. Thầy đã đưa tôi gần gũi với quê hương và dân tộc
bằng những bài thơ, bài văn thật hay, nồng nàn yêu nước. Sự tôn kính
và ngưỡng mộ đã vẽ trong đầu cô học trò nhỏ một mơ ước cho tương lai là nối
bước chân Thầy.
Khi đã quyết định chọn cho mình cái nghề " Bán
Cháo Phổi" là người Thầy phải rất yêu nghề dạy học và thích trẻ em. Bởi vì
đây là một nghề thanh bạch và hy sinh nhiều thứ. Người Thầy, người Cô phải đặt
bổn phận của mình lên trên quyền lợi cá nhân. Phải giữ cho mình xứng đáng với
niềm tin của học trò và phụ huynh. Người thầy không có đạo đức sẽ làm hư một
thế hệ, ảnh hưởng không nhỏ đến tương lai của cả một dân tộc.
Nghề dạy học phải có bằng cấp đúng tiêu
chuẩn quy định. Phải thi tuyển vừa bài viết vừa khảo hạch. Qua khỏi giai đoạn
thi cữ khó khăn sẽ bước vào các trường Sư Phạm từ 2 năm
đến 4 năm, tùy theo dạy Tiểu Học hay Trung Học.
Thi viết thì ai có đủ trình độ đều có thể hoàn thành.
Còn thi khảo hạch, người thầy phải hội đủ những tiêu chuẩn mà một nhà giáo phải
có. Lời nói phải rõ ràng, thuyết phục. Tính tình điềm đạm khoan dung. Nhất là
phải có dung mạo dễ coi. Không bị tật nguyền hay dị dạng. Bởi vì với trẻ em,
hình tượng người cô, người thầy đầu đời hoàn mỹ sẽ đi theo trí nhớ của các
cháu.
Thầy Cô tôi dạy học với chủ trương đem kiến thức
truyền lại cho học trò. Giảng bài để học sinh hiểu và suy luận. Tập cho học
sinh phát huy năng khiếu của mình. Học sinh chúng tôi phải hiểu bài, làm bài và
áp dụng vào đời sống. Ngoài ra còn phải giữ cho mình "Một trí óc minh mẫn
trong một thân thể tráng kiện" Phải tập thể dục, thể thao và thi định
kỳ. Bởi vì thân thể yếu nhược, không thể có sức khỏe tốt
để học tập.
Ngoài vấn đề học tập, nhà trường còn đặt nặng vấn đề
Công Dân Giáo Dục và Đạo Đức làm người. Có lẽ khi bạn tự hào về lối Giáo Dục
ngày nay tại VN. Các bạn sẽ không biết gì về các môn này. Đó là các môn học để
dạy cho người học trò sống tốt và hữu ích cho xã hội. Biết kính trọng người lớn
tuổi, giúp đở người già yếu, người bệnh, người tàn tật, trẻ em.Trong gia đình
biết tôn trọng ông bà cha mẹ. kính trên nhường dưới, hòa thuận thương yêu.
Không được nói láo, gian tham. Phải dũng cảm đương đầu với khó khăn.
Không yếu nhược trước những áp bức, bất công. Phải yêu Tổ Quốc, yêu
Đồng Bào và sống có lý tưởng.
Thầy Cô tôi không đưa chính trị vào học đường. Không
dạy học trò tự kiêu tự mãn. Khi học giỏi phải giúp đở bạn bè chung lớp để cùng
nhau tiến bộ. Thầy cũng không thiên vị học trò vì gia thế hay chức
vụ. Thầy giáo đã có lương chính phủ để nuôi sống bản thân và gia đình. Không ai
có thể mua chuộc hay làm hoen ố thanh danh đạo đức người Thầy. Đó là tự trọng
và đạo đức nghề nghiệp..
Thầy cô tôi không cần thiết phải chạy theo
thành tích để báo cáo với cấp trên. Bởi vì khi đã tốt nghiệp Sư Phạm là đã có
đầy đủ kinh nghiệm và chuyên môn. Học sinh giỏi hay dở không hoàn toàn lỗi của
Thầy, mà còn do ảnh hưởng từ gia đình và hoàn cảnh. Cho nên ngoài giờ dạy ở
trường, Thầy còn đến tận nhà các học sinh kém để tìm hiểu và giúp đở. Có khi
thầy phải hy sinh thời gian nghỉ ngơi để kèm cho các học sinh yếu một cách tự
nguyện.
Chăm học là trách nhiệm của mỗi học sinh nếu muốn
tương lai mình sau này sáng sủa. Chúng tôi học nếu không hiểu sẽ nhờ Thầy giảng
lại, nhờ bạn chỉ thêm. Việc học của chúng tôi ngày xưa là bổn phận và là niềm
vui tuổi học trò. Chúng tôi ham học hỏi, khao khát hiểu biết và muốn trở thành
người có thể giúp ích cho quốc gia xã hội.
Ngày nay tại VN bệnh thành tích đang làm hư hoại cả
một nền Giáo Dục. Từ địa phương đến trung ương , cơ quan nào cũng khoe thành
tích đạt 99%. Con số tỷ lệ này là ảo tưởng của hệ thống chính trị và học đường.
Bởi vì chính trị không bao giờ đồng nhất. Nó thiên ma vạn trạng, mưu lược và
xảo trá để đạt đến đích.
Giáo Dục càng không thể đạt 99% vì mỗi học sinh là con
người, một cá thể riêng biệt. Mỗi học sinh có tư chất và khả năng nhận thức
khác nhau. Các em không thể là một cái bánh hay vỏ xe được máy móc vận hành và
làm ra như khuôn mẫu. Chỉ có thể vẽ bùa, tăng điểm từ nhà trường để
đạt thành tích thi đua hầu báo cáo cấp trên.
Kết quả là gì? Nhà trường thay vì dạy học sinh thành
thật thì chính họ lại gian manh. Học đường là nơi đào tạo con người tốt và tài
năng cho xã hội. Vô tình tạo ra những vị có bằng cấp mà không có thực tài.
Những ông Bác Sĩ, dược sỉ vô tài, có phải giết người không? Những
người đại diện cho dân không biết yêu dân, yêu tổ quốc, có phải tan nhà mất
nước không? Những người có chức vụ trong ngành Giáo Dục không biết tôn trọng
nhân cách nhà giáo, sử dụng họ như một món hàng trao đổi với cấp trên để lấy
thành tích thì đương nhiên giáo dục bại hoại, con người mất phương hướng, xã
hội sẽ loạn.
Có phụ huynh học sinh, nhiều tiền và thế lực, coi thầy
cô giáo như một người dạy học mướn. Không vừa ý là kéo tới trường sĩ nhục thầy
cô trước mặt học trò. Có học trò không coi ông thầy ra gì, ỷ gia thế
hành hung thầy giáo. Trong lớp thì đánh nhau loạn xạ, ra đường thì lập phe nhóm
chận đường bạn học thanh toán lột quần áo ra vẻ anh chị bự.
Đó là những tệ nạn mà thời trước chúng tôi không bao
giờ xảy ra. Thầy Cô giáo có một vị trí rất được tôn kính. Trong lớp học lấy kỷ
luật và đạo đức làm đầu. Học đường là nơi đào tạo nhân tài cho đất nước. Xã hội
tin như vậy, Phụ huynh học sinh tin tưởng và kính trọng Thầy Cô tuyệt đối. Học
trò chúng tôi đặt niềm tin vào những người lái con đò trí thức, đưa chúng tôi
vượt qua sự ngu dốt để trưởng thành.
Tôi xin lỗi những người có nhiệt tình và tâm huyết.
Những người tài năng và sống rất xứng đáng. Những người đã cống hiến rất nhiều
từ tiền của đến công sức để phục vụ đồng bào. Nhưng đa số đã thắng thiểu số.
Những tệ nạn của ngành Giáo Dục hiện nay đang làm buồn lòng rất nhiều người có
tâm huyết cả trong lẫn ngoài nước. Ngay ngôn ngữ và cách dùng chữ lai căng, tối
nghĩa bây giờ cũng là nỗi lo của những người yêu tiếng Việt. Nhất là những Nhà
Giáo chân chính như các Thầy của tôi.
Ngày 20 tháng 11 mỗi năm là ngày "NHÀ GIÁO
VN" Đó là một ngày tốt đẹp để học trò Tri Ân Thầy Cô.
Nhưng đằng sau ý nghĩa đẹp đẻ ấy lại đâu đó có rất nhiều thị
phi. Phụ huynh học sinh đều phải nghĩ đến quà, mà món quà thiết thực
nhất là tiền mặt. Mỗi một phong bì đưa lên thầy cô để tri ân là tiếng thở dài
lo lắng của những bà mẹ nghèo chạy cơm từng bửa.
Nghề Giáo là một nghề cao đẹp nhất trong các loại
nghề. Bằng chứng là chúng tôi đã hay quá tuổi 70, mỗi năm vẫn tổ chức ngày họp
mặt để Tri Ân Thầy Cô. Bởi vì Thầy Cô chúng tôi xứng đáng được chúng tôi mang
hoa đến tặng. Thầy cô đã cho chúng tôi một tuổi học trò đẹp tươi và trong sạch
nhất. Dù chúng tôi hay con cháu thành công tới đâu, nhưng công lớn nhất cũng do
Thầy Cô dạy dỗ.
Chúng tôi rất trân trọng ngày Nhà Giáo 20/11 mỗi năm
vì ít nhất cũng nói lên sự quan trọng của ngành giáo dục. Chỉ xin các người làm
nghề dạy học hãy nghĩ đến trách nhiệm thiêng liêng của mình mà sống cho đứng
đắn. Đừng đóng gói nhân cách mình vào trong chiếc phong bì đút lót, chạy chọt.
Đừng giở nhiều chiêu trò với phụ huynh và học sinh trong công tác giáo dục để
kiếm thêm tiền. Đừng than van là mình bị khinh bỉ, rẻ rúng. Hãy tẩy
chay những con sâu, những tệ nạn trong ngành Giáo Dục để nhà giáo lấy lại niềm
tin như trước ngày 30/4/1975.
Kính thưa Thầy Cô,
Ngày xưa, chúng con không có ngày "Nhà Giáo"
để vinh danh Thầy Cô. Nhưng bao nhiêu năm qua, Thầy Cô đã nằm ở vị trí cao đẹp
nhất trong trái tim của mỗi chúng con. Chúng con xin Tri Ân Thầy Cô với tất cả
tấm lòng trân quý và kính trọng.
Tạ ơn Thầy Cô đã cho con một tuổi thơ quá đẹp
Tạ ơn Thầy Cô đã thức nhiều đêm để chấm bài
Tạ ơn Thầy Cô đã cho con một nền Giáo Dục Nhân Bản và
Ưu Việt
Ta ơn Thầy Cô đã cho con biết yêu chữ viết, văn chương
và cái đẹp của cuộc sống.
Tạ Ơn Thầy Cô biết bao nhiêu cho đủ. Con xin kính chúc
Thầy Cô sức khỏe khang an và gia đình hạnh phúc.
Nguyện ơn trên gia hộ cho các Thầy Cô yêu dấu của con.
Nguyễn Thị Thêm
Nền giáo dục nhân bản VNCH khác xa một trời một vực với giáo dục cộng sản chuyên nhồi nhét và dối trá. Chuyện vui: vợ 1 cán bộ hỏi chồng:"Sao anh không đi mừng thày giáo của anh à?"
ReplyDeleteChồng trả lời:'Tôi xài bằng giả thì có thày/cô đâu mà mừng".
Cám ơn chị Thêm baì viết rất chân tình về thầy cô giáo của một thời vang bóng. Tri ân vô cùng các thầy cô đã có công rất lớn trong việc vun đắp xây dựng giáo dục thế hệ trẻ cho rường cột đất nước xưa kia. Nay còn đâu!
ReplyDeleteCám ơn chị NPN đã post bài viết thật hay về những vị thầy khả kính.
Hồng Thúy