Không biết từ bao giờ phương Tây đã mặn mà với lối Thần
Học Kể Chuyện (Théologie Narrative), vốn khác với lối truyền thống đặt nặng
trên suy tư (Théologie Spéculative), nhưng chỉ biết rõ rằng, kể từ Đại Hội Truyền
Giáo Châu Á lần thứ nhất tại Thái Lan, kiểu nói “Kể chuyện Chúa Giêsu” đã được
chọn làm chủ đề của Đại Hội, và đã nhanh chóng được mọi quốc gia tham dự đón nhận
như một phương thế truyền giáo.
Kể chuyện Chúa Giêsu như bốn Phúc Âm là một cách; kể
chuyện Chúa Giêsu như sách Tông Đồ Công Vụ là một cách khác; kể chuyện Chúa
Giêsu như lịch sử Giáo Hội Công Giáo là một cách khác nữa; và kể chuyện Chúa
Giêsu như cuộc đời của các Thánh lại là cách thiên biến vạn hóa tùy thuộc vào
tâm tính, trình độ kiến thức và môi trường văn hóa mà các ngài là thành phần.
Kể chuyện Chúa Giêsu như thế thời nào cũng có thể
làm được, bởi “chuyện” đã sẵn, có khác chăng là “cách kể” thôi. Kể bằng kịch nghệ thơ văn, kể bằng lời giảng
trở trăn kiếm tìm, kể bằng suy nghĩ tâm tình, kể bằng đời sống hòa mình hiệp
thông. Mọi phương cách đều có thể được vận
dụng, miễn sao chuyển tải được “chuyện Chúa Giêsu” đến với khán giả hoặc thính
giả.
Nhân dịp mùa Giáng Sinh trở về, nương theo suy nghĩ
trên, xin được ghi nhận vài cách kể chuyện Noel có thể đem lại những hiệu ứng bất
ngờ.
Kể chuyện Noel bằng Hang Đá, Máng Cỏ
Đây là cách kể chuyện Noel truyền thống nhất vì chất
liệu đã được ghi lại trong Phúc Âm, chỉ cần khéo léo sử dụng và vận dụng là
thành chuyện kể hấp dẫn. Chẳng ai bảo
ai, cứ lễ Noel là mọi Nhà Thờ lớn nhỏ trên thế giới đều bày ra Hang Đá Máng Cỏ.
Bên trong, giản dị thì chỉ cần ba nhân vật:
Đức Mẹ, Thánh Giuse, Chúa Hài Đồng; rườm rà chi tiết đầy đủ hơn thì xung quanh
Máng Cỏ phải có bò lừa chiên cừu mục đồng, và xa xa là ba vua đang trên đường đến
kính viếng.
Nhưng dù giản dị hay rườm rà, nhất định phải có ánh
sao chiếu sáng, thiên thần bay lượn và câu “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời...” Bên ngoài, Tây phương còn lộng lẫy hơn với cây
thông tuyết trắng xe tuần lộc, nhưng Đông phương chỉ cần chút ít rơm khô, mái
tranh túp lều là đã đầy đủ lắm rồi. Dù
gì đi nữa cũng phải có một ít đá giấy, đá vải, hoặc đá mốp mới ra dáng Hang Đá
Noel.
Đây cũng là cách kể chuyện phổ biến nhất, dễ hiểu nhất
cho mọi người kể cả cho những người ngoài Công Giáo. Tháng 12 năm 1995, tại cuối Nhà Thờ Đức Bà
Paris, có cuộc triển lãm Hang Đá hoành tráng: số Hang Đá trưng bày khá nhiều và
lượng khách tham quan đông đến ngộp thở. Phải mua vé xếp hàng vào xem. Người ta có thể không đến với Giáo Đường nhưng
muốn có Noel thì dường như phải đi xem Hang Đá.
Chẳng phải nói đâu xa, ngay tại Sàigòn, chỗ nào có
Hang Đá Máng Cỏ là y như rằng sẽ bị tràn ngập bởi lượng khán giả xa gần kéo đến
ùn ùn. Lương giáo như nhau, cứ đến với
Hang Đá mới thực sự biết lễ Noel. Người
ta bảo đường Phạm Thế Hiển quận 8 mỗi dịp Noel lại trở thành con đường rực rỡ
Hang Đá. Đường nối liền nhà Giáo Dân của
nhiều Giáo Xứ, mỗi nhà một Hang Đá nối dài cả con đường trông thật lộng lẫy.
Thường thì kể chuyện phải có người kể người nghe,
nhưng bằng Máng Cỏ Hang Đá, biến cố Noel đã được bộ tượng Giáng Sinh kể lại một
cách sinh động khiến chẳng phải rậm lời, mọi người xem đều hiểu và tới lúc Chúa
muốn, biết đâu trong số họ lại chẳng có người đồng cảm tin nhận như các mục đồng
năm xưa.
Ở khu vực Chí Hòa, nơi các Giáo Xứ san sát bên nhau,
mỗi dịp Noel, những con đường trong xứ đều được thắp sáng bằng một mạng lưới
bóng điện liên hoàn, và mặt đường dẫn từ Hang Đá khu này đến khu khác lúc nào
cũng sạch sẽ khang trang. Một nhà người
lương gần đó ước mơ: giá trong năm ngày nào cũng là lễ Noel. Ước mơ dung dị của nhà này có thể trở thành tiền
đề gợi mở cho những cách kể chuyện Noel không lời nhưng đầy hiệu ứng thiết thực
cho đời.
Kể chuyện Noel bằng ca khúc Giáng Sinh
Bên cạnh Hang Đá Máng Cỏ truyền thống, một phương thức
khác khá hiện đại và hiệu quả để chuyển tải chuyện kể Noel đến với nhiều người,
kể cả thiếu nhi và người cao tuổi, dĩ nhiên giới trẻ là thành phần chính, đó là
những ca khúc.
Mỗi năm khi tiết trời chuyển mùa lập đông cho khí lạnh
gieo vào đất nước, cũng là lúc các tụ điểm ca nhạc thành phố bắt đầu đổi chương
trình nhẹ nhàng cho những ca khúc Noel trổi lên gọi đời hoan hỉ. Trong số
những ca khúc ấy, phải kể trước hết là những bài hát quốc tế ai cũng biết và ai
cũng có thể ngân nga giai điệu. Người ta
có thể không thuộc lời của bài hát, nhưng chỉ nghe dạo nhạc cũng chia sẻ được
ít nhiều tâm tình.
Nếu ngày xưa còn bé đã nghe và bập bẹ giai điệu
Jingle Bells “Là là lá la la là…” thì khi lớn sẽ được thôi thúc khám phá tìm hiểu,
để mỗi lần chợt nghe đâu đó vẳng lại khúc ca là tự dưng tâm hồn muốn bay bổng mở
ra cho Noel ùa vào. Lành mạnh và hồn
nhiên, linh thiêng và sống động. Nhất nữa,
như thói quen nhiều nơi, những ca khúc Noel phổ thông đã được xâu chuỗi thành
liên khúc có thể trình tấu liên tu bất tận khiến Noel vốn đã rộn rã lại còn được
nhân tăng gấp bội.
Thiếu nhi hát múa Noel, giới trẻ
hát nhảy Noel, người lớn hát mừng Noel. Tất
cả làm thành một dòng chảy chuyện kể Noel đến mọi ngõ ngách tâm hồn. Cùng với những ca khúc quốc tế, không ít bài
hát Noel đặc sản Việt Nam đã trở thành phổ biến và luôn được các Nhà Thờ tấu
lên trong Lễ Giáng Sinh.
Ai trong đời chẳng muốn hòa tiếng dẫu nhè nhẹ khi
nghe vấn vương lời hát “Cao cung lên” của Hoài Đức? Dù ở quê nhà hay bôn ba hải ngoại đêm Noel ai
lại không nhớ đến ca khúc mà có người khéo ví như một kiểu dân ca Noel Việt Nam
“Hát khen mừng Chúa Giáng Sinh ra đời” của Hải Linh?
Có lẽ Đức Hồng Y Cresenzio Sepe, nguyên Bộ trưởng bộ
Truyền Giáo, đã được nghe hát bài Noel này nhiều lần, nên dịp viếng thăm Việt
Nam hồi đầu tháng 12 năm 2005, ngài đã không ngừng yêu cầu được hát với mọi cộng
đoàn ngài ghé thăm, bất kể ngoài Bắc hay trong Nam, bất kể giữa nắng trưa mồ
hôi nhễ nhãi, bất kể bầu khí Phụng Vụ chưa chính thức bước vào chuẩn bị trực tiếp
cho lễ Noel.
Nội dung chuyện kể Noel chỉ có một, nhưng hình thức
kể chuyện Noel bằng giai điệu thì có muôn vàn. Biết đâu trong số thính giả của
Noel ngày nay có người buột miệng cầu nguyện “Lạy Chúa, con là người ngoại đạo,
nhưng tin có Chúa Ngự trên cao”, như một lời kinh phổ biến, vừa mang màu thi vị
rất được người trẻ yêu thích, vừa ấp ủ một niềm hy vọng cho ngày mai đẹp sáng
tin yêu.
Kể chuyện Noel cho mình và cho người
Đối với người Công Giáo, Noel là một lễ của thực
hành Đức Tin, nhưng đối với rất nhiều người, Noel hiện nay chỉ giản lược như một
lễ hội của văn hóa. Chính vì thế, Noel
có mặt khắp nơi nơi, từ vùng băng tuyết tới vùng nắng ấm, từ thành thị đến thôn
quê, từ trong nhà tới ngoài phố, từ nơi công cộng tới chốn riêng tư, từ nhà
hàng tới Nhà Thờ. Đâu đâu cũng phảng phất
bầu khí Noel.
Nơi nhanh nhạy nhất có lẽ phải
kể đến là các Trung Tâm Thương Mại lớn nhỏ. Bên Mỹ từ ngày Thanksgiving, người ta đã thấy
xuất hiện trên các quầy hàng tất cả những sản phẩm phục vụ cho mùa Noel, từ A đến
Z, chẳng thiếu sự gì. Ai ưng truyền thống
cứ việc đến với những địa chỉ truyền thống, ai thích fashion cứ việc tìm tới những
địa chỉ thời trang. Ready made có đủ,
ngay cả cho những khách khó tính nhất.
Bên Tây thì khỏi nói, ngay từ cuối tháng 11 đã có
nhiều nơi dựng cây thông vĩ đại với muôn bóng đèn nhấp nháy mời mọc mua sắm. Trong suốt tháng 12, mặt tiền phố xá bỗng thay
da đổi thịt, tươi tắn rộn ràng, sắc màu bắt mắt, cho dẫu là giữa mùa đông rét
mướt. Tất cả đều phục vụ cho nhu cầu mua
sắm. Chả thế mà người ta vẫn bảo Noel là
một mùa thương mại.
Tại Việt Nam cũng vậy. Í t năm
gần đây khi bước vào kinh tế hội nhập, Noel dễ nhận ra nhất ở những trung tâm
buôn bán. Những cây thông và cánh thiệp
Giáng Sinh được bày la liệt, không chỉ trong nhà sách mà còn len lỏi ra vỉa hè
lề đường; những hộp bánh buche de Noel cũng chen chân ra sát tủ kính phô trương
hương vị; những ông già Noel đủ cỡ, nhớn có, nhỡ có, nhí có, hiện diện khắp nơi
để phục vụ đồ ăn thức uống nhộn nhịp trong các nhà hàng, và nhiều khi còn chạy
xe Honda bạt mạng trên đường phố để mời chào níu kéo. Đến là nô nức!
Những nhà sách Công Giáo xem ra cũng nhanh nhạy
không kém. Chung quanh, người ta đã phân
lô dành cho bạn hàng quen thuộc với những đèn sao lấp lánh, và tất cả những phụ
kiện đầy đủ cho một Hang Đá, từ nhỏ xíu đặt trên bàn giấy cho đến hoành tráng
trang hoàng mặt tiền Nhà Thờ Xứ Đạo.
Buôn có bạn, bán có phường. Các bạn hàng mặc dù giọng nói Bắc Trung Nam
xen kẽ, nhưng tíu tít như đã quen nhau tự bao giờ. Trăm kẻ bán, vạn người mua. Hàng chục quầy bán mà vẫn tấp nập, ngày đêm
khách tới lui không ngớt. Đã đành, bán
buôn thì phải tính tới chuyện lời lỗ, nhưng khi bán buôn trong mùa Giáng Sinh,
không biết có ai hòa mình vào khung cảnh hoặc vào cung cách bán hàng để góp phần
kể chuyện Noel?
Một chị bán Hang Đá ở TĐ tâm sự:
mỗi năm chị chỉ bán 100 bộ Hang Đá thôi, hết sớm nghỉ sớm, và bao giờ chị cũng
giữ lại cho nhà mình một bộ mới, bất kể lớn nhỏ để trải lòng mừng lễ Noel. Theo cách nghĩ của chị: trước khi kể chuyện
Noel cho người khác, Noel phải là chuyện kể cho chính mình.
Tại Trung Tâm Thương Mại Tang Plaza lớn vào bậc nhất
của đảo quốc Singapore, từ ngày 24.11.2007 đến ngày 6.1.2008 là cả một bầu khí
rộn ràng Noel. Trên các cửa kính lối ra
vào và trong các đại sảnh, đâu đâu người ta cũng gặp được những biểu tượng Noel
hoành tráng, tưởng là đời mà lại rất đạo, như câu Phúc Âm Gioan 3, 17 được nêu
lên ngay lối vào ngang tầm mắt của bất cứ ai: “Thiên Chúa sai Con của
Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ
Con của Người, mà được cứu độ”.
Những cách kể chuyện Noel nêu trên, dẫu không trực
tiếp, cũng là những cách kể nhẹ nhàng. Đôi
khi kể mà như không kể, nhiều khi không kể mà vẫn là kể. Kể cho khán giả, kể cho thính giả. Kể cho người, và trước hết kể lại cho chính
mình.
Ai cũng có chỗ đứng trong niềm
vui kể chuyện Noel. Đối với người này,
hiệu ứng có thể chỉ là một tín hiệu mở đầu cho hành trình tìm tới. Đối với người khác, hiệu ứng có thể lại là một
ký ức tìm về. Dù là tìm tới hay tìm về,
hy vọng sẽ có một ngày tìm gặp.
Noel
ánh sáng vui tươi,
Noel câu hát lòng người nôn nao,
Ngước nhìn trời lấp lánh sao,
Chợt nghe hồng phúc rộn bao la mừng.
Gm. Giuse Vũ Duy Thống
No comments:
Post a Comment