Trong “Bên Thắng Cuộc,” tác giả Huy Đức ghi lại lời thân phụ ông, di
cư vào Nam từ năm 1954: “Chưa có thời nào mà bắt người thua trận bị tù
hàng chục vạn như thời Cộng Sản. Các tay này không biết lòng dân là thế
nào sao?…
Thêm vào đó, cái ngỡ ngàng khó chịu nhất là dân miền Nam, thấy mình
không phải là người “được giải phóng,” mà là “người thua trận,” bị khinh
miệt, bị làm tình làm tội, đối xử không ra con người.
Sau đây là nguyên văn lời thân phụ Trần Đĩnh, nói về sự tùy tiện đối
xử của một “anh bộ đội” đối với một người dân bình thường, trong vùng
mới được “giải phóng:”
-“Bố đi bộ về đến đầu phố thì bị một anh bộ đội cầm súng gác giữ lại
hỏi đi đâu mà nhanh thế. Bố nói tôi già nên muốn mau về nhà nằm.
- Không được, đứng nghiêm năm phút!
Bố lại ngỡ như thuở bé đi học đứng nghiêm là quay mặt vào tường nên
quay vào tường thì anh ấy lại vặn sao quay mặt đi? Trốn giáo dục à? Lại
quay lại nhìn thiên hạ qua lại nhìn mình. Đứng đã ngán lại phải nghe loa
ca ngợi chiến thắng, phân tích chiến thắng…”
Người lính của phe thắng trận có thể hành xử như thế với một người
dân vô danh hay sao, còn đâu là chuyện thu phục nhân tâm? Suốt 42 năm
nay, rõ ràng miền Bắc chiếm được đất đai, xóm làng, thành phố nhưng
không hề chiếm được lòng người. Ngay trong những ngày đầu trong trại tập
trung mà Cộng Sản đặt tên là trại “học tập cải tạo,” những người thất
trận đã cảm thấy bị đối xử bởi một lũ mọi rợ, thất học.
Từ sĩ quan cho đến một vị tướng lãnh miền Nam khi gặp bọn cai tù (tên
gọi là cán bộ vệ binh hay quản giáo,) đều phải đứng nghiêm, chào kính,
nếu cần nói, phải dùng tiếng “thưa cán bộ!” Khi ra trại tù đi làm lao
động, hay lúc trở về, đoàn tù miền Nam, khi qua cổng, có tên vệ binh mặt
búng ra sữa, đang ngồi trên chòi gác, đều phải dở nón mũ ra, có khi cao
hứng, những tên lính gác này còn bắt tù bỏ cả kính ra, dù là kính cận
thị.
Ngày mới đi trình diện để tập trung lên xe đi vào trại tù, vì ác cảm với
giới trí thức, một người bạn tôi đã bị một Việt Cộng lột cặp kính cận
thị của anh, vứt xuống đất và đạp nát. Uất hận tận cùng, nhưng trong thế
“chim lồng cá chậu,” người sĩ quan miền Nam đành nuốt hận vào lòng.
Theo cuốn hồi ký của một tác giả cựu sĩ quan miền Nam, tại trại Đá
Bàn, Khánh Hòa, một vệ binh oắt con có sở thích bệnh hoạn là vặt râu một
ông già tù binh. Người tù khốn khổ này chỉ biết khóc!
Không biết ai đã dạy dỗ những người “lính cụ Hồ” có thái độ như vậy và
vì sao cấp trên của họ lại nhắm mắt làm ngơ trước những thái độ mất nhân
tính như thế?
Chuyện trả thù cũng rất dễ hiểu, như nhà văn miền Bắc, Tạ Duy Anh, đã
viết: “Niềm căm thù kẻ hạnh phúc hơn mình bốc lên ngùn ngụt trong ngực
mình... Giết người lúc ấy sao thấy sướng thế!” (Đi Tìm Nhân Vật, tiểu
thuyết, NXB Văn Hóa Dân Tộc, 2002.) Thì ra mình giết nó, hành hạ nó, vì
nó hạnh phúc, giàu có, sung sướng hơn mình. Điều này có thể rất dễ hiểu
khi Cộng Sản miền Bắc đánh tư sản miền Nam, bỏ tù người miền Nam, lấy
nhà cửa, tài sản, đổi tiền của người miền Nam không tiếc tay. Tất cả
những việc này đều nằm trong một hệ thống trả thù có quy mô.
Sự thật đã ghi lại như một toàn Biệt Kích Dù 81 đã buông súng đầu
hàng vẫn bị bắn và chôn trong một cái giếng sâu hiện nay chưa tìm ra dấu
vết. Tại Hậu Nghĩa nhiều sĩ quan chỉ huy đã bị xử bắn, nhân viên cảnh
sát bị nấu bước sôi dội lên đầu. Trong “Hồi Ký Dang Dở,” Ông Dương Hiếu
Nghĩa cho biết: “Ngay tại tỉnh Vĩnh Long, các ông cai tổng Nguyễn Văn
Dần, Nguyễn Văn Xôm, Nguyễn văn Thêm đều bị họ kết án là “có tội với
nhân dân” mà không thông qua một tòa án nào, và bị hành quyết ngay khi
bị bắt, bằng vũ khí thô sơ như búa, mã tấu…
Không nói lời gian dối, chúng tôi xin ghi lại đây danh sách của những
viên chức tình báo cao cấp của VNCH, sau tháng 4-1975 bị đưa ra Bắc và
bị bức tử. Sau khi được đưa đến trại tù Hoả Lò làm việc, được “bồi
dưỡng” một tô phở, về đến trại, ói máu ra mà chết trên tay anh em:
- Chuẩn Tướng Bùi Văn Nhu, Tư Lệnh Cảnh sát Quốc Gia (nguyên Tư Lệnh Phó) người thay thế Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình.
- Đốc Sự Nguyễn Phát Lộc, Đặc Uỷ Trưởng Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo (thay TT. Nguyễn Khắc Bình.)
-Ông Nguyễn Kim Thúy, Giám Đốc Nha Nghiên Cứu Phủ Đặc Uỷ Trung Ương Tình Báo.
- Đại Tá Dương Quang Tiếp, Phụ Tá An Ninh Tình Báo Phái Đoàn Liên Hợp Quân Sự 2 Bên.
- Đại tá Nguyễn Văn Học, Đặc Trách Tình báo và Phản tình Báo Nha An Ninh Quân Đội VNCH.
Riêng trường hợp Đại Tá Lê Khắc Duyệt, Sĩ Quan Tình Báo Cao Cấp phục
vụ tại Tổng Nha Cảnh Sát, được bà con bên kia mách nước là phải lo lót
để khỏi ra Bắc, may ra còn có xác mà đem về chôn. Hai năm sau, ông qua
đời tại tại Sài Gòn, cũng bị ngón đòn “trả thù” như các chiến hữu của
ông bị đưa ra Bắc!
Tại các bộ Chỉ huy CSQG tỉnh, các trưởng F. (tức Phụ tá Cảnh sát Đặc
Biệt, đặc trách Tình Báo), phần lớn là cấp Uý, đều bị tập trung 17 năm,
nếu không có sự can thiệp của Hoa Kỳ qua chương trình định cư cho những
người bị tù “cải tạo,” sẽ chết mòn trong các trại tù miền Bắc!
Đó là chuyện trả thù người sống, với người chết chúng cũng chẳng buông tha.
Ngay khi Cộng Sản vào Sài Gòn, ngày 3 tháng 5, Nghĩa Trang Quân Ðội Hạnh
Thông Tây, Gò Vấp đã bị Cộng Sản Bắc Việt dùng xe ủi đất san bằng hết
ngay chiều ngày hôm đó. Tại Vĩnh Long, riêng ngôi mộ của Trung Úy Dù
Nguyễn Văn Ngọc, dù đã chết từ hơn một năm trước, vẫn bị họ đào lên, đưa
cả quan tài ra giữa chợ Ngã Tư Long Hồ để cho phá nát bằng cốt mìn (Hồi
ký Dang Dở.)
Sau khi chiếm miền Nam, CSBV phá tượng “Tiếc Thương” mang đi, xem
nghĩa trang này như một nhà tù, bị canh gác, rào kẽm gai, và không ai
được thăm viếng, di dời phần mộ ra khỏi đây. Trong gần 30 năm, nghĩa
trang thành nơi hoang phế, quạnh hiu.
Chúng ta dược biết rằng, năm 2015, Ukraine đã tháo dỡ gần 140 tượng đài
của Liên Xô và chính phủ Ba Lan có kế hoạch hạ bỏ khoảng 500 tượng đài
Liên Xô, kẻ thù ngày trước, nhưng không đụng đến tượng đài ở các nghĩa
trang, nơi an nghỉ của những người lính Xô Viết.
Vẫn theo nhà báo Huy Đức, thời Đỗ Mười vào Nam đánh tư sản mại bản,
trong một cuộc họp mật, đích thị Đỗ Mười đã hò hét: “... Chúng ta phải
róc thịt chúng ra!”
Theo tài liệu, kế hoạch trả thù X.1 do Đỗ Mười đề xuất theo kiểu
Khmer Đỏ, thì sĩ quan “nguỵ” từ Trung Úy trở lên, công chức miền Nam từ
cấp Chánh Sự Vụ phải bị tử hình.
Người ta đã có lần so sánh tháng Tư lịch sử của nước Mỹ (4-1865) và
tháng Tư định mệnh của Việt Nam (4-1975.) Binh sĩ miền Bắc kính cẩn chào
khi tướng Robert E. Lee cỡi ngựa đến nơi ký hiệp ước đầu hàng. Không có
tiếng reo hò, nổ súng vui mừng của người thắng trận. Binh sĩ miền Nam
không bị coi là quân đội phản quốc. Sĩ quan miền Nam không ai bị đi tù.
Bên thắng trận không đụng tới hoặc làm phiền hà đến họ. Kỵ binh thất
trận được quyền mang ngựa và lừa về nhà để giúp gia đình cày cấy làm ăn.
Nhưng đó là Hiệp Ước của Những Người Quân Tử (Gentleman's Agreement)
của hơn 100 năm trước, nó không có thể có trên đời này với những kẻ tiểu
nhân hôm nay.
No comments:
Post a Comment