Bạn thân mến,
Sáng nay tôi dậy sớm hơn thường lệ, vì hôm qua nghe tin
thời tiết cho biết hôm nay có thể có tuyết. Lòng hơi nôn nao muốn tận
mắt nhìn thấy, muốn tay mình cầm lấy những bông tuyết trắng, mà ở Việt
nam mình tôi chỉ thấy qua hình ảnh, hoặc trên Truyền hình.
Có tuyết
thật rồi ! Nhìn qua cửa kính tôi thấy những bụi cây phủ trắng tuyết. Tôi
vội vàng mở cửa chạy đến nắm từng vốc tuyết trong tay, nó xôm xốp, nó
lạnh buốt, tôi chợt nhận ra nó ở gần bên tôi tại Việt nam mình, nó ở
trong tủ lạnh trên ngăn đá đấy bạn ạ. Rồi những bông tuyết giống như
những tảng bông gòn nhè nhẹ rơi xuống, rơi xuống, nó vướng trên nón,
vướng trên áo, có những bông tuyết bay phớt qua mặt như chọc ghẹo tôi
rồi mới chịu rơi xuống. Tôi nhớ đến cảm giác của Nhà văn Nhất Linh khi
ông nhìn những chiếc lá bàng rơi trong cái lạnh của Miền Bắc thời thập
niên Ba Mươi của Thế kỷ Hai Mươi. Nhất Linh cảm nhận mỗi chiếc lá như có
tâm hồn riêng, nên khi lá rụng xuống trong gió lạnh, mỗi chiếc lá có
một cách riêng bày tỏ tâm hồn như lưu như luyến với cội nguồn gốc rễ.
Ngày xưa khi đọc tác phẩm NHẶT LÁ BÀNG đó, tôi là người Miền Nam như
bạn, không biết chiếc lá bàng ra sao, không cảm hết cái lạnh, nghèo của
hai đứa bé chạy nhặt từng chiếc lá bàng để đem về đổi miếng ăn, nên tôi
cũng không cảm được cái hay của tác phẩm. Bây giờ, nhớ lại trong lúc
đồng cảnh - chỉ khác nhau là tuyết thay vì lá bàng, lòng cảm phục tâm
hồn của một Nhà văn.
Tuyết rơi không nhiều lắm, chỉ độ mươi phút, càng lúc bông tuyết càng nhỏ hơn như luyến tiếc, sau đó thành những giọt mưa nhẹ lạnh buốt. Ngồi trong nhà nhìn những bông tuyết lưa thưa còn đọng lại trên nhưng bụi cây, ngọn cỏ, tôi chợt thấy một tạp chí đăng một bài dịch tác phẩm "Nhất cá nhân, đích Thánh kinh" của Nhà văn Trung quốc Cao Hành Kiện, với tựa đề "Thánh Kinh của Một Người". Chữ "Thánh Kinh" làm cho tôi tò mò để đọc. Đến cuối bài dịch kỳ Báo đó, có mấy câu tôi trích ra đây để bạn đọc mà hiểu tại sao tôi viết thư nầy cho bạn, 'Anh nói, với anh, giờ đây Trung quốc đã xa lắc xa lơ. Cô gái gật đầu. Anh nói anh không còn Tổ quốc, cô gái đáp lại, cha cô người Đức nhưng mẹ người Do thái và do đó cô cũng không có Tổ quốc. Tuy vậy không thể nào trốn chạy khỏi ký ức. Anh hỏi vì sao, cô gái trả lời, không giống như anh, cô là phụ nữ, anh chỉ đáp bằng tiếng "a" và chẳng nói gì thêm.'
"KHÔNG CÒN TỔ QUỐC!", người thanh niên nói như vậy, còn cô gái thì nói: "KHÔNG CÓ TỔ QUỐC". Con người mà sao không Tổ quốc" Tôi nghe buốt lòng. Tôi nghĩ ông Cao Hành Kiện hoặc người dịch là Thái Nguyễn Bạch Liên, chắc phải suy nghĩ nhiều lắm để chọn từ: KHÔNG TỔ QUỐC, thay vì Vô Tổ quốc.
Từ
"VÔ TỔ QUỐC" nghe như một khẩu hiệu hô hào của một Triết lý chủ nghĩa,
âm vang của nó nghe lạnh lùng làm sao ! Còn âm vang của từ "KHÔNG TỔ
QUỐC" nghe sao như một tiếng than đứt ruột !
Tôi nhớ Dịch giả Hà Mai Anh đã dịch tác phẩm của Hecto Mallo, tựa đề là VÔ GIA ĐÌNH, sau nầy có người dịch lại với tên sách là KHÔNG GIA ĐÌNH, nghe dễ chịu hơn. Thật sự, như bạn đã đọc tác phẩm Không Gia Đình đó, cậu bé Lê Minh - tên nhân vật chính được Việt nam hóa, nào có muốn Vô Gia Đình đâu, mà cuộc đời đưa đẩy khiến em lưu lạc giữa dòng đời, chịu nhiều cay đắng, sống với một cụ già lúc nào cũng hô khẩu hiệu "TIẾN LÊN" và bầy chó với một con khỉ diễn tuồng kiếm sống. Cuối cùng rồi cậu bé ấy cũng tìm được gia đình. Con người không thể Vô Gia Đình, Vô Tổ quốc được; con người chỉ có thể Không Gia Đình, Không Tổ quốc, vì một lý do nào đó.
Tôi không có ý viết thư nầy cho bạn để bình luận các tác phẩm văn chương như của Nhà văn Nhất Linh, của Nhà văn đoạt giải Nobel văn chương Cao Hành Kiện, hoặc tác phẩm Vô hay Không Gia Đình, mà tôi muốn chia sẻ cho bạn những băn khoăn về ý niệm hay hình ảnh Tổ quốc Việt nam trong trí hoặc trong lòng người Việt mình nơi hải ngoại.
Mấy tháng đi dạo trên đất Mỹ, tôi
thấy có một số người Việt mình giống như người Thanh niên trong tác
phẩm của Nhà văn Cao Hành Kiện, KHÔNG CÒN TỔ QUỐC. Họ bị rượt đuổi, họ
bị Tổ quốc từ chối, từ bỏ (tôi nghĩ rằng tôi dùng từ "Tổ quốc từ chối,
từ bỏ" không đúng lắm, vì Tổ quốc là một ý niệm thiêng liêng trong một
dân tộc, sự từ chối từ bỏ chỉ xảy ra khi Tổ quốc bị biến thành một Triết
lý Chủ nghĩa). Tổ quốc của họ là nơi mỗi lần nghĩ đến là nghĩ đến hận
thù, hoặc được nhắc đến như một thứ huy chương được đeo vào những ngày
Lễ Hội cho mọi người nhìn mặt ngoài, chả ai dại gì đưa ra mặt trái tấm
huy chương. Hoặc Tổ quốc của một số người Việt nơi đất Mỹ nầy đơn giản
hơn, họ không quan tâm đến cái gì xảy ra trên đất Việt, họ chỉ biết là
nơi đó có cha, có mẹ, hoặc một người thân nào đó cần mình hay mình cần
họ về tài chánh. Hoặc Tổ quốc của người Việt mình trên đất Mỹ nầy là
những Mùa Cứu Trợ, khi một Miền nào đó có hay không có thân nhân, đang
bị lũ lụt.
Bạn biết không, tôi đã từng thấy một Đoàn Việt kiều từ đất Mỹ về Việt nam cứu trợ nạn bão số 5. Họ đi một đoàn người độ mươi người rồi kéo theo một số thân nhân trong xứ. Họ đi máy bay, họ bao xe đời mới, họ thuê ghe thuyền tiện nghi, mỗi người vừa đi vừa nói chuyện điện thoại di động với ai đó, chắc thân lắm nên chuông reo liên tục và miệng cười vui vẻ. Họ ghé vào những Nhà hàng đã được đặt trước. Họ đến cuối đất Việt để phát cho một số đồng bào những túi gạo, túi quà với gương mặt dường như đau buồn, chưa đầy một giờ đồng hồ, tất cả lại vội vàng lên đường trở về Thành phố tiện nghi, vì họ sợ muỗi cắn, sợ buổi tối không đèn, sợ cả những ly nước nấu chín. Họ chỉ uống được nước dừa tươi chặt sẵn, họ chỉ ăn được những hải sản tôm và cua, mà người địa phương ít khi nào dám thưởng thức.
Tổ quốc Việt mình đáng sợ như vậy sao" Tổ quốc Việt là nơi người Việt
trên đất Mỹ cứu trợ theo cách đó sao " Không, tôi nghĩ Tổ quốc là cái gì
thân thương, cao quý. Tổ quốc Việt không cần thương hại, Tổ quốc Việt
là nơi để người Việt yêu thương.
Cũng có một số người Việt mình nơi
đất Mỹ giống như cô gái có cha là người Đức, mẹ là người Do thái, trong
tác phẩm của Nhà văn Cao Hành Kiện, cô nói cô KHÔNG CÓ TỔ QUỐC, vì cô
không biết rằng cô là người Đức hay người Do thái, hay nói cách khác, cô
cho rằng cô không phải người Đức cũng không phải người Do thái, mà cô
bây giờ là một người giữa dân Đức và Dân Do thái. Rủi thay cho cô là
trên thế giới nầy không có quốc gia nào có tên gọi: Đức-Do Thái.
Như
tôi đã nói với bạn là tôi rất dốt tiếng Mỹ, nên tôi không biết ai đã
dịch những chữ United States of America, viết tắt là USA, thành ra chữ
Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ. Tự nhiên có thêm chữ CHỦNG vào, rồi lại có hai
chữ Hoa kỳ, mà một người bạn Việt nam của tôi sống trên đất Mỹ từ nhỏ đã
dịch hai chữ Hoa kỳ thành ra Cờ Hoa, tức là cờ của Nước Trung hoa, hay
cờ của Trung quốc.
Quả đúng là hiệp Chủng. Đất Mỹ nầy gồm đủ màu da
đen, trắng, đỏ, vàng; đủ mọi dân tộc: người Đức, người Anh, người
Pháp,... người ở Phi châu, người Do-thái, người A-rạp, người Hoa, người
Lào, người Campuchia, người Nhật, người Hàn, người Thái,... và người
Việt mình. Mà tôi ngạc nhiên là nguời ta chỉ gọi người Mỹ trắng, người
Mỹ đen, không ai gọi người Mỹ Việt, nghĩa là cuối cùng rồi cũng chỉ
người da trắng hoặc da đen mới là người Mỹ, tất cả còn lại chỉ là người
dưng, người ở trọ.
Tuy nhiên, nghĩ cho cùng, người da trắng hay da
đen có phải là người Mỹ không " Tôi sẽ kể cho bạn nghe một câu chuyện.
Vào giờ ăn trưa, một công nhân Việt nam lấy phần cơm đem từ nhà theo ra
ăn, trong đó có món mắm chưng. Một người Mỹ trắng đứng gần bên khó chịu
đối với mùi mắm Việt, nên đưa đến hai bên tranh cãi, người Mỹ chỉ người
Việt và nói: 'mày hãy về xứ của mày mà ăn cái món đó. Còn đây là nước Mỹ
của tao'. Một công nhân Việt nam khác đứng gần lên tiếng với người Mỹ:
'Mày có thể đề nghị anh nầy ra chỗ khác ăn mắm, nhưng mày không có quyền
đuổi anh ấy về nước'. Bất ngờ, người Mỹ trắng ấy lại chỉ mặt người Việt
nầy và nói: 'You are too' (Mày cũng vậy - nghĩa là đuổi cả anh nầy về
nước). Người công nhân nầy tức giận đáp lại: 'Tao đồng ý là tao là người
Việt ở nhờ trên đất nầy. Tao sẽ về nước của tao. Còn mày, mày hãy về
hỏi lại ông bà nội ngoại, ông bà cố của mày xem có phải đất nầy của ông
bà mày không " Đất nầy là của người Da Đỏ, mày cũng ở nhờ như tao. Mày
về nước mày trước đi, tao sẽ về nước tao.'
Một câu chuyện đáng suy nghĩ phải không bạn "
Tôi
viết cho bạn vì tôi không biết thế hệ thứ ba, thứ tư, thứ 'n'... người
Việt ly hương mình có thành người Mỹ " Có thể con cháu chúng ta thế hệ
thứ 'n' cho rằng mình là người Mỹ, vì có quốc tịch Mỹ, nói tiếng Mỹ, ăn
thức ăn Mỹ, học văn hóa Mỹ, mang tên Mỹ, nhưng liệu người Mỹ có nhìn đó
là người Mỹ không " Có phải chăng hình ảnh người Việt mình ngày nay thể
hiện một viễn cảnh tương lai: khi ở trên đất Mỹ thì được xem là người
Việt, nhưng khi về thăm Tổ quốc Việt nam thì lại được (hay 'bị') gọi là
Việt kiều, không phải Việt nam.
Tôi nhớ một truyện ngụ ngôn về loài
dơi. Một ngày kia có một Đại hội của loài chim, nhà dơi liền bay đến
tham dự. Bất ngờ đến cửa, những chú chim gác cửa không cho vào với lý do
dơi không phải là chim. Dơi tức mình dang đôi cánh ra và cãi: Tôi có
cánh, tôi là chim. Nhưng các chú chim gác cửa trả lời: Dơi có cánh,
nhưng dơi không có lông vũ và lại có vú. Dơi đành buồn bã ra về. Rồi lại
có Đại hội loài chuột, dơi lại đến tham dự. Đến cửa, dơi lại bị những
chú chuột không cho vào dự vì dơi không phải là chuột. Dơi cãi lại: 'Tôi
có vú, có mỏ như chuột'. Chuột gác cửa trả lời: Nhưng dơi có cánh, mà
chuột thì không có cánh'.
Cô gái của Nhà văn Cao Hành Kiện là sự hiệp
chủng giữa Đức và Do-thái, không phải người Đức, cũng không phải
Do-thái, nên cô nói mình KHÔNG CÓ TỔ QUỐC. Cái may mắn là người Việt
mình trên đất Mỹ bây giờ không ai nói 'Tôi không có Tổ quốc', nhưng
dường như nhiều người sống không có Tổ quốc, hoặc cứ cho rằng Tổ quốc
của họ là nước Mỹ, và họ đã sống như không có Tổ quốc Việt nam. Họ không
còn thích ăn thức ăn của người Việt nam, đôi khi lại còn chê là không
vệ sinh; họ không còn muốn nói tiếng Việt nam, mà chỉ còn xem đó là ngôn
ngữ của những người già - thậm chí có một cộng đồng Việt nam trên đất
Mỹ lấy ý kiến là có nên sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng nữa không"
Bạn
đừng hiểu lầm tôi có ý kỳ thị, nhưng tôi muốn cố giữ cái Hồn Việt. Bạn
có để ý người Hoa trên đất Việt mình không" Bạn hãy vào Chợ-lớn. Người
Hoa ở trên đất Việt mình bao nhiêu năm đến nỗi không còn nhớ, nhưng vùng
Chợ-lớn vẫn là vùng của người Hoa thống trị, họ vẫn nói tiếng Hoa, học
tiếng Hoa, ăn thức ăn của người Hoa. Rồi người Hoa đến đất Mỹ, bạn sẽ
thấy những khu vực Chinatown, những khu vực của người Hoa với nhà cửa,
cổng chợ, thức ăn, theo phong cách người Hoa, kể cả nói tiếng Hoa mà
không một chút tự ti mặc cảm. Còn người Việt nam chúng ta với bốn ngàn
năm văn hiến không lẽ lại Không Tổ Quốc giữa chợ người sao"
Tôi vẫn
nhớ bài học của người Do-thái, sau năm 70 SC, đã bị tan lạc khắp thế
giới, không còn Tổ quốc, không còn quê hương. Gần hai ngàn năm sau,
1948, thế giới lại tái xuất hiện một quốc gia Do-thái của một dân
Do-thái yêu mến Tổ quốc của họ, nói thứ tiếng Do-thái xa xưa, sống chết
với Tổ quốc của họ, bảo vệ truyền thống của Tổ quốc họ, lúc nào họ cũng
chào nhau: Năm tới ta về Giê-ru-sa-lem !
Tuyết tan hẳn, tập truyện
khép lại. Tôi tự hỏi, phải chăng Tổ quốc của người Việt nam tôi trên đất
Mỹ như tuyết mà tôi vừa thấy, còn chăng chỉ còn là những dư vị, vướng
trên nón, vương trên áo, bãng lãng trên mặt như vuốt ve an ủi người ly
hương, để rồi tan vào lòng đất.
Tổ quốc! Tôi muốn nói với bạn về Tổ quốc Việt nam mình kia.
Mục sư TRẦN THÁI SƠN
27/12/2003
vvnm.vietbao.com
No comments:
Post a Comment